Bravo la France: Chào nước Pháp, mắt Bồ câu
Đinh Hoàng Thắng
“Ta chào Ngươi nước Pháp mắt Bồ câu!” (Je vous salue ma France…) Đau bao nhiêu yêu mấy cũng chưa vừa… Vần thơ Aragon vụt về khi ta nghe Tổng thống đắc cử Emmanuel Macron trải lòng: “Tôi không phải không thấy tất cả, khó khăn kinh tế, rạn nứt xã hội, bế tắc ngoại giao, xuống cấp đạo đức”. Vượt lên trên mọi thách thức ấy, Emmanuel Macron muốn chuyển tải các thông điệp lạc quan đến đồng bào mình, gửi thêm vào đấy nhiều hương nhụy mới. Đó là đêm 7/5/2017, từ Quảng trường Bảo tàng Le Louvre, biểu trưng của lịch sử Pháp, Macron đã tôn vinh đồng bào mình, đánh giá cao lòng dũng cảm và khát vọng muốn thay đổi của của họ. Macron cũng đưa ra lời thề “hiếu với dân” theo tinh thần Tự do— Bình đẳng—Bác ái khắc trên Quốc huy của các nền Cộng hòa. Kết quả bầu cử tuy ngoạn mục, nhưng ông biết rằng, đây chỉ là khúc dạo đầu cho những trận chiến khốc liệt ở phía trước. Tuy đánh giá còn khác nhau, nhưng cả châu Âu thở phào nhẹ nhõm. Thủ tướng Anh và Đức là những lãnh đạo đầu tiên chúc mừng nước Pháp anh em. Các thủ đô EU vui lây, vì Pháp sẽ không là quân cờ domino tiếp theo sau “cuộc đổ bộ” của Brexit vào Anh và thắng lợi của Trump tại Mỹ. Dù ủng hộ bà Le Pen, Tổng thống Trump đã chúc mừng Emmanuel Macron trên Twitter. Tung hê cả hệ thống Tổng thống sắp lên nắm quyền của nước Pháp Emmanuel Macron nói với hãng tin AFP hôm 7/5: “Một trang sử mới đang được mở ra trong đêm nay”. Trang sử ông mong ước, đó chính là kỷ nguyên của “hy vọng và lòng tin sẽ quay lại”. Lễ chuyển giao chính quyền mới diễn ra tại Điện Elysée ngày 14/5 tới. Lần đầu tiên kể từ 110 năm nay, việc chuyển giao quyền lực diễn ra vào ngày Chủ Nhật. Vì sau ngày đó, lần lượt các bộ trưởng cũ sẽ tiến hành bàn giao công việc cho dàn lãnh đạo mới. Trước chính quyền mới là cả một núi công việc. Macron sẽ làm gì để nước Pháp giầu mạnh hơn, chống lại những bất công và bảo vệ những kẻ yếu? Tổng thống đắc cử sẽ làm gì để nước Pháp có thể tự hào về nền văn hóa—văn minh của mình, để nước Pháp mở rộng vòng tay, chứ không thu mình và chia rẽ? Làm thế nào để loại bỏ vận xui, theo như điềm báo đầy ác mộng của Nigel Farage, cựu lãnh tụ phái hữu từ Anh quốc, thắng cử đêm nay chỉ đem lại cho nước Pháp thêm 5 năm nữa thất bại để bà Marine Le Pen sẽ nắm quyền vào năm 2022. Macron “đánh chặn” ngay, những lá phiếu dành cho ông không nhằm mục đích chống lại cánh hữu. Những lá phiếu ấy là sự lựa chọn của nước Pháp để trở lại với con đường trung đạo, cùng nhau kiến tạo, cùng nhau đổi mới. Trong hai kỳ bầu cử vừa rồi, cử tri Pháp đã kích nổ một trái bom, và trái bom ấy đã tung hê toàn bộ hệ thống chính trị cũ. Đảng Cộng hoà (LR) cánh hữu, chỉ chiếm 20% số phiếu, đảng Xã hội (PS) cánh tả rớt thê thảm, chỉ còn 6% cử tri (trong vòng một). Sang vòng hai, Macron với “Tiến lên” (En Marche) không tả không hữu thu về hơn 20 triệu phiếu cửa tri (vượt trên 66%) , bà Le Pen với Mặt trận Quốc gia (FN) cực hữu chỉ được 11 triệu (gần 35%). Riêng đảng “Tiến lên” đang và sẽ tiến hành cùng lúc nhiều cuộc cách mạng. Bỏ phiếu cho Macron, cử tri Pháp đã “giải cứu” nước Pháp và châu Âu tránh khỏi một cuộc phiêu lưu chính trị với hậu quả khôn lường. Dân Pháp không chỉ lựa chọn giữa hai chính khách, mà lựa chọn giữa hai con đường, hoặc theo chủ nghĩa dân túy quá khích, bế quan toả cảng của đảng FN cực hữu, hoặc sống với thời đại toàn cầu hoá. Cử tri Pháp đã lựa con đường thứ hai, dù vẫn chỉ trích một EU bị thế lực tư bản thao túng, thay vì liên hiệp của nhân dân, dù vẫn e ngại toàn cầu hóa, đầy những đe dọa về kinh tế, an ninh, văn hóa, xã hội. Kịch tính càng dâng cao, khi lịch sử đã chọn Macron làm điểm tựa, nhưng ông vẫn chưa có kịch bản cụ thể để “vào vai” một “hiệp sỹ” tưới mới và trẻ trung từ một nền chính trị được cho là già cỗi và hết thời. Đúng như giới quan sát đánh giá[1], bầu cho Macron, cử tri Pháp đã từ chối chính sách bế quan tỏa cảng, quốc gia quá khích của FN. Trong 11 ứng cử viên tranh cử vòng đầu, Macron là người duy nhất dám ủng hộ EU một cách tích cực, chủ trương phải mở cửa, sống với thời đại. Đây là một thái độ dũng cảm, minh bạch, dám bênh vực châu Âu, cổ vũ cho mở cửa, hội nhập trong cơn thịnh nộ nổi dậy từ bốn phía , không phải ai cũng can đảm như thế, nhất là khi tranh cử. Tới đây là cả một cuộc trường chinh gian khổ, để vượt lên làn ranh giữa “nước Pháp mới” với “nước Pháp cũ”, giữa một lãnh thổ có ngoại hình lục lăng “co cụm” với một đất nước “rộng mở”, giữa một con tầu cạn kiệt nhiên liệu “quay lại bến đỗ” với một chiến hạm đang hăm hở vượt đại dương để “hội nhập với châu Âu và hội nhập với thế giới”. Việc hai ứng cử viên không thuộc các đảng phái chính trị truyền thống lọt vào vòng hai là một sự kiện chưa từng thấy, được giới quan sát cảnh báo nhiều lần. Điều mà phân tích của tờ Le Monde nhấn mạnh là tỉ lệ ủng hộ họ thực sự, hay nói cách khác “chỉ số tình yêu” (côte d’amour) dành cho hai ứng cử viên vào chung kết là hết sức thấp. Có tới một nửa số cử tri bầu cho hai ứng viên là ở thế họ buộc phải lựa chọn, vì không còn ai khả dĩ hơn. Trẻ trung nhưng thiếu nghị trình cụ thể, ông Macron, sinh ngày 21/12/1977, chỉ có thể khiến dư luận hướng về hy vọng. Đấy là đánh giá thận trọng của giới phân tích ngay trong giờ phút khải hoàn. Từ đầu đã có sự so sánh Macron với Matteo Renzi của Ý. Sinh năm 1975, ông Renzi từng lên làm Thủ tướng Ý cũng lúc 39 tuổi như Macron hiện nay, nhưng không cải tổ được kinh tế Ý và mất chức năm 2016, sau hai năm nắm quyền. Ông Macron có nhiệm kỳ lâu hơn để cải tổ nước Pháp, nhưng liệu các chính trị gia lứa tuổi trước 40 có làm được gì không, chúng ta còn phải chờ xem. “Rất vui vì cử tri Pháp đã chọn một tương lai đi cùng châu Âu”, Chủ tịch Ủy ban Âu châu Jean-Claude Juncker viết trên Twitter. Các công dân toàn cầu có thể tạm nâng cốc chúc mừng ông Macron, chúc mừng cho châu Âu, dù rằng chén rượu mừng ấy vẫn còn vơi. Bởi vì, một phần ba cử tri Pháp bỏ phiếu cho bà Le Pen là con số rất lớn. 52% cử tri Anh chọn Brexit không bỏ phiếu cho ông Nigel Farage và tỷ lệ cử tri Mỹ chọn Trump cũng không cao như thế này. Đây là một thực tế ở Pháp và thực tế đó tồi tệ hơn cả ở Anh lẫn ở Mỹ. Các phóng viên đã đăng những bức hình đầu tiên về các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và cảnh sát tại Paris. Viễn cảnh tương lai Để tiến hành một “cuộc cách mạng nhung” ở nước Pháp, Macron không chủ trương đi con đường mà ông cho là vô trách nhiệm của cánh tả: Chỉ làm việc 35 giờ một tuần, tăng lương, hưu sớm, trợ cấp dưới mọi hình thức, gia tăng hàng ngũ công chức, chi nhiều hơn thu... Macron cũng không muốn những biện pháp sốc, thắt lưng buộc bụng của phái hữu. Phái này đòi giảm 500.000 công chức. Trong khi Macron chủ trương chỉ giảm 120.000. Đảng Cộng hòa (LR) muốn giảm chi 100 tỷ Euros mỗi năm để dần dần đi tới quân bình ngân sách, Macron chỉ giảm 60 tỷ. Nước Pháp vô địch về thuế (với 250 loại thuế) gây khó khăn cho các xí nghiệp, LR hứa giảm 50 tỷ tiền thuế, Macron hứa giảm 20 tỷ. LR chủ trương bỏ tuần lễ 35 giờ, Macron để cho mỗi xí nghiệp tự quyết định, với sự đồng ý của chủ, thợ và nghiệp đoàn. Macron chủ trương phải cải cách trên mọi phương diện, nhưng những biện pháp quá mạnh sẽ làm gẫy guồng máy, gây xáo trộn trong một quốc gia đang chia rẽ và đối nghịch. Phe tả trách Macron thuộc hàng ngũ được biệt đãi, xuất thân từ giới ngân hàng. Phe hữu kết án Macron là một Hollande thứ hai. Le Pen buộc tội Macron là “mondialiste’’ (người của hoàn cầu hóa), ngược lại với bà ta là “patriote” (người yêu nước). “Tứ bề thọ địch” như vậy, hẳn nhiên, 5 năm tới đây của Tổng thống Macron sẽ khó khăn không kém gì thời của Charles de Gaulle sau năm 1958 khi tái thiết nước Pháp để tránh một cuộc nội chiến tương tàn. Quyền lực của Tổng thống Pháp khá đặc biệt. Tổng thống đồng thời là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang và có quyền lựa chọn ra Thủ tướng (đương nhiên với sự phê duyệt của Quốc hội). Tổng thống cũng có quyền tổ chức trưng cầu dân ý và giải tán Hạ viện khi cần. Chính vì thế mà hai cuộc bầu cử Quốc hội trong tháng tới (vòng đầu 11/6 và vòng hai 18/6) sẽ vô cùng quan trọng đối với tân Tổng thống. Một tháng nữa, thế giới sẽ chứng kiến những khuôn mặt chính trị hoàn toàn mới, chưa hề thấy ở nước Pháp. Quốc hội sẽ gồm những mảnh vụn, không ai tưởng tượng nổi diện mạo sẽ như thế nào. Tình trạng ấy là bình thường ở Đức, Hà Lan hay Bắc Âu. Không đảng nào chiếm đa số, người ta thoả hiệp với nhau để đi tới một đa số. Nhưng Pháp chưa có thói quen đó, văn hoá thỏa hiệp của xứ Gaulois có vấn đề. Câu hỏi thiết yếu là Macron sẽ giành được đa số ở Quốc hội hay không, liệu có đủ khôn khéo để đi tới một thỏa hiệp, bổ nhiệm Thủ tướng thi hành chính sách của ông ta hay không. Cuộc bầu cử dân biểu tháng tới sẽ không kém phần kịch tính. Hoặc hội đủ đa số để thực hiện cải cách, hoặc thiểu số, Macron sẽ trở thành “vua không ngai”. Tổng thống muốn tham gia vào tiến trình định hình cơ quan lập pháp thì phải đủ quân số. Vì vậy, ông chủ trương “phát triển đảng” từ hàng ngũ xã hội dân sự, chiếm khoảng một nửa số đảng viên mới. Nửa còn lại, ông tập hợp thành viên từ các đảng truyền thống, đã bỏ tổ chức của họ, về “đầu quân” dưới ngọn cờ “trung tâm” của ông. Tuy nhiên, dự án này thành công hay không vẫn là câu chuyện của tương lai. Trong khi “trận đánh giáp la cà” diễn ra nay mai. Tại đó, đảng nào cũng có lý do để tin mình sẽ thắng lớn trong kỳ bầu cử sắp tới. Macron tin rằng dân Pháp đã chọn ông làm tổng thống, sẽ cho phong trào “En Marche” của ông đủ đa số ở Quốc hội để cải cách nước Pháp. Điều này chưa có gì bảo đảm, vì trên 50% cử tri bầu cho Macron chỉ vì muốn ngăn chặn Le Pen. Cánh LR lạc quan, vì nghĩ rằng triết lý của họ (tự do hóa kinh tế, chống bao cấp, cứng rắn với Hồi giáo, dùng biện pháp mạnh để cải cách đất nước) hiện chiếm đa số. Những vấn đề do Le Pen nêu ra (khủng hoảng di dân, hiểm họa của Hồi giáo, tai hại của toàn cầu hóa) vẫn là mối bận tâm hàng đầu của người dân Pháp. Nhóm cực tả của Melenchon tin rằng sẽ thu được một số phiếu đông đảo của những người bất mãn trước sự lộng hành của các thế lực tài phiệt. Nước Pháp đang rất cần một chính phủ mạnh. Nếu không thành tựu được điều này, sự bất mãn sẽ ngày càng gia tăng trong mọi giới. Suốt mùa vận động tranh cử, các nhà quan sát đã ví các cuộc bầu cử vừa qua như một trận “Stalingrad giữa châu Âu”. Cách ví von này nói lên bước ngoặt trọng đại của nền chính trị phương Tây trước một tình thế “thay đổi hay là tan”, vì nó sẽ quyết định tương lai của nước Pháp cũng như của cả châu lục. Tờ Le Figaro nhấn mạnh: “Cần lưu ý là diễn biến dữ dội nói trên đã phản ánh chính cái thời đại mà chúng ta đang sống. Tình hình hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với các cuộc tranh luận bầu cử tổng thống cuối thế kỷ XX”[2]. Giờ đây, thậm chí như một số báo đã bình luận, trên thực tế, những tháng ngày của “nền Cộng hòa thứ Năm” đang được đếm ngược. Thay cho tâm trạng chán nản là những nỗi oán hận ghê gớm, những nỗi lo sợ sâu xa và cuối cùng là những khát vọng cháy bỏng muốn thay đổi. Đây là những tình cảm được ghi nhận trong suốt giai đoạn tranh cử hỗn loạn vừa qua. Ứng cử viên của FN ở đó để bày tỏ những tình cảm có thật ấy, với một phong cách dữ dội, tuy chưa thể chứng tỏ bà đủ tư cách để đảm nhiệm cương vị một nguyên thủ quốc gia./.
[1] Tác giả cảm ơn và mong được Facebook Từ Thức (Paris-Pháp) cho phép, vì đã sử dụng một số tư liệu và nhận xét tại: https://www.facebook.com/tu.thuc.39/posts/1914233552196047
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 9-5-17 |