Tiếng Dân
Điểm sách “Lên tiếng ở Việt Nam” (Speaking Out in
Vietnam’) Tác
giả: David Brown Dịch
giả: Song Phan
Một sáng mùa Xuân năm 2015, những người dân Hà Nội thức dậy với tiếng
loạt xoạt của cưa xích trên hai đại lộ của thủ đô. Các nguồn tin chính
thức cho biết, cây cối chạy dọc theo hai con đường này đã già cỗi
và bệnh tật. Nhưng rõ ràng là đa số chúng đều xanh tốt.
Cho dù ở Việt Nam hay ở nơi nào khác, các quan chức có quyền làm như
vậy thường là những người tham ô hàng hóa công, trong trường hợp này là
loại gỗ lớn tuổi xứ nhiệt đới. Phần bất thường là công dân Hà Nội đã
đối mặt, làm chính quyền thua cuộc. Phối hợp với các phương tiện
truyền thông xã hội, không bị cảnh sát chống bạo động triển khai để duy
trì trật tự, hàng ngàn người đã xuống đường để bảo vệ 5000 cây cối, đã
được chỉ định để chặt đốn. Trong khoảng một ngày, nhiều bộ trưởng đã
lên án vụ chặt đốn cây này. Chính quyền thành phố Hà Nội chuyển sang
thái độ giảm bớt tai tiếng.
Gần như cùng lúc, tại các xưởng của một hãng giày khổng lồ ở Thành phố
Hồ Chí Minh, có khoảng 90.000 công nhân đã đình công. Họ rời bỏ máy
may để phản đối một đạo luật mới, cho phép chính phủ giữ lại các khoản
đóng góp quỹ hưu trí cho đến khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu. Hầu
hết những người đình công là phụ nữ ở độ tuổi trên dưới 20, điển hình
là những người tiết kiệm, với ý định lúc về hưu sẽ có chút vốn để
làm ăn hoặc xây nhà.
Sự việc diễn ra trong nhiều ngày và không có kết quả, chính quyền thành
phố đã triển khai cảnh sát và kêu gọi những người đình công quay trở
lại làm việc. Sau đó, chính quyền trung ương vào cuộc, không phải để đè
bẹp cuộc đình công trái phép mà để đồng ý rằng những người đình công đã
đúng. Chính quyền Hà Nội đề xuất, khi không còn làm việc, công dân có
thể chọn cách nhận một lần một khoản tiền cho các khoản chi trả an
sinh xã hội của họ, hoặc nhận tiền lãi hàng tháng của khoản tiền
đó dưới sự quản lý của chính phủ. Người đình công đã quay lại làm
công việc lắp ráp giày dép cho hãng Nike, Adidas và các hãng nổi tiếng
khác. Một tháng sau, Quốc hội Việt Nam đã xác nhận thỏa thuận này.
Những sự kiện như thế này tạo nên ít nhiều
hoài nghi khi Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và các tổ chức phi chính phủ
khác mô tả Việt Nam là địa ngục trần gian. Chúng là bằng chứng cho bức
chân dung khác của Việt Nam như là một “nhà
nước đáp ứng – đàn áp” của GSTS Ben Kerkvliet. Trong hai thập niên,
ông đã phân tích những người Việt bình thường gây ra sự ồn ào như thế
nào và khi nào, và nhà nước độc đảng làm gì với việc đó. Bây giờ
ông Kerkvliet đã kết hợp tất cả các sự kiện lại với nhau trong cuốn sách
“Lên tiếng ở Việt Nam”, một cuốn sách rất dễ đọc, vừa được
Nhà xuất bản Đại học Cornell phát hành.
Có hai loại “chính trị” ở Việt Nam.
Đầu tiên, có những tranh luận giữa các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Khoảng bốn triệu đảng viên cộng sản là nhân viên chính phủ, giành
quyền quyết định mọi thứ cho hơn 90 triệu dân. Dù thời gian đã làm
xói mòn hào quang cách mạng và các quan hệ tham nhũng đã làm sạt
lở đạo đức của họ, nhưng họ không ngừng tranh luận về những gì đảng
phải làm để duy trì quyền đưa ra quyết định thay cho hơn 90 triệu người
Việt Nam khác.
Thứ hai, có một lĩnh vực mà ông Kerkvliet đã tập trung vào, điều mà ông
gọi là ‘phê bình chính trị công cộng’, ‘mối quan hệ đối thoại’ giữa chế
độ và các công dân bất bình. Những vụ lộn xộn mà ông phân tích chủ yếu
là tại địa phương: công nhân đình công để nhận được lương và điều kiện
làm việc tốt hơn với những người quản lý nhà máy là nước ngoài, nông
dân chống lại việc giao đất đai của họ với giá đền bù rẻ mạt, hoặc
những người sinh sống bị ô nhiễm công nghiệp gây ảnh hưởng.
Kerkvliet lập luận, khi một số công dân này lên tiếng, “phản ứng của
chính quyền nhà nước độc đảng thường phối hợp giữa sự đáp ứng với sự
khoan dung và sự đàn áp”. Sự đàn áp thường là biện pháp sau cùng, khi
một nhóm nhỏ còn lại vẫn từ chối sự thỏa thuận của đại diện nhà nước đề
nghị.
Tiến sĩ Kerkvliet hậu thuẫn cho kết luận của mình với một đống chú
thích. Các chú thích đó là để thuyết phục các chuyên gia, nhưng sẽ
không phạm tới niềm vui của một số độc giả bình thường trong việc tìm
kiếm một cuốn sách học thuật, viết về một chủ đề quan trọng mà không có
nhiều biệt ngữ hay vẻ thông thái giả tạo.
Cuộc khảo sát của Kerkvliet lật đổ các báo cáo bi quan không ngừng của
một số tổ chức phi chính phủ chuyên về cổ vũ quyền con người. Ông cho
chúng ta thấy rằng, vô số cuộc biểu tình đã nổ ra ở Việt Nam về các vấn
đề sinh kế và được giải quyết một cách thân thiện. Và, nếu chúng ta giới
hạn phân tích của mình với bộ dữ liệu của Kerkvliet, hai thập niên bắt
đầu vào năm 1995, có thể nhận ra sự chấp nhận chính thức ngày càng tăng
đối với những lời chỉ trích và những ý tưởng không chính thống từ phía
dân chúng. Kerkvliet gợi ra một lý do: nhiều quan chức Việt Nam đã kết
luận rằng, đối xử nhẹ tay là cách tốt nhất cho một quốc gia phấn đấu
phát triển công nghiệp và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.
Đó là một đánh giá hợp lý về giai đoạn Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng
(2006-2015), một giai đoạn đồng thời bị hủy hoại bởi những quan hệ
tham nhũng tràn lan, giữa những quan chức này và các nhóm lợi ích
kinh tế. Và chắc chắn, lúc đó cũng như hiện nay, công dân nào có
lòng nhiệt tình với dân chủ đã đưa họ đến chuyện kêu gọi thay đổi chế
độ, hoặc âm mưu cùng với các phe phái “chống Cộng” ở nước ngoài, đều
bị bắt giữ như thường lệ.
Như tôi
đã viết cho Asia Sentinel rằng, vào cuối thập kỷ của
Dũng, người ta có thể tưởng tượng một Việt Nam sẽ chấp nhận cho sự đa
dạng, khuyến khích sự nở rộ của các tổ chức xã hội dân sự tự trị, và
thậm chí có thể thử nghiệm các cuộc bầu cử có tranh đua ở cấp địa
phương. Ba năm rưỡi sau, rõ ràng là cả Kerkvliet và tôi đều đánh giá
thấp tiềm năng đẩy lùi trên trường đấu chính trị.
Đại hội 12 của Đảng Cộng sản hồi đầu năm 2016, là một bước ngoặt. Dũng
nhắm thay ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư. Nhưng Trọng đã huy động
một liên minh “ai cũng được, ngoại trừ Dũng” đã mang lại cho ông thêm
một nhiệm kỳ với tư cách là người đứng đầu đảng và nhồi đầy Bộ Chính trị
cùng BCH Trung ương đảng với các đồng minh và đàn em của ông.
Quyết tâm khôi phục lại quyền lực của đảng, Trọng đã tiến hành một
chiến dịch chống tham nhũng không ngừng, trong bộ máy của đảng và nhà
nước, nói chung là được hoan nghênh. Với ý định khôi phục lại tính
trong sạch cách mạng, ông đã đẩy các đảng viên nổi bật, có suy nghĩ
phóng khoáng, ra khỏi hàng ngũ đảng. Cũng nghi ngờ về ‘các quyền tự
do tư sản’, Trọng và các đồng minh của ông đã thả lỏng cho lực lượng
an ninh nội bộ của chế độ đàn áp các nhà bất đồng chính kiến thẳng
thắn.
“The 88 Project” (Dự án 88),
một tổ chức phi
chính phủ theo dõi các vụ tống giam, báo cáo rằng, dưới sự lãnh đạo
của Trọng, chế độ Hà Nội đang bỏ tù các nhà bất đồng chính kiến với tốc
độ gấp đôi thời Dũng, và với án tù dài hạn hơn nhiều. Vùng cấm chỉ
trích chế độ đã được mở rộng đáng kể. Thậm chí chỉ trò chuyện với bạn bè
trên mạng xã hội về hy vọng sự thay đổi chế độ, đôi khi dẫn đến việc
bắt giữ và trừng phạt.
Giống như chiến dịch chống tham nhũng, cuộc chiến chống lại những người
có suy nghĩ phóng khoáng của Trọng không hề suy giảm. Tuy nhiên,
ngược lẽ thường, “mối quan hệ đối thoại” giữa chế độ và công dân vẫn
lành mạnh. Như trước đây, nhà nước độc đảng rất chú ý đến các bất bình
của người dân đối với địa phương. Có lẽ thậm chí còn nhiều hơn trước,
công dân tức giận về sự lạm quyền của chính quyền địa phương có thể
lường trước sự can thiệp mang tính xây dựng của chính quyền cấp cao hơn.
Tất nhiên, trừ khi đó là một tranh chấp biến thành sự chỉ trích chính
Đảng Cộng sản.
Cuốn sách đáng tin cậy của TS Kerkvliet, phân tích các mối quan hệ công
dân-chính quyền trong thời kỳ đổi mới của Việt Nam. Viết một cuốn sách
như thế đòi hỏi nhiều lựa chọn. Một nhà nghiên cứu có thể cày rộng và
nông hoặc hẹp và sâu. “Lên tiếng ở Việt Nam” không giả vờ là
toàn diện. Nghiên cứu của Kerkvliet dừng lại vào cuối năm 2015. Ông
không giải thích nhiều về những than phiền rằng Hà Nội có xu hướng ve
vuốt, thay vì đối đầu với Trung Quốc. Ông nói ít về biểu tình môi
trường. Có rất ít tham chiếu tới các phương tiện truyền thông độc lập,
vốn làm sinh động không gian mạng Việt Nam.
“Lên tiếng”
là một lát cắt “Goldilocks”, đủ sâu, đủ dài và đủ rộng để hậu thuẫn
cho các kết luận hợp lý về động lực của đối thoại giữa công dân và nhà
nước ở Việt Nam. Cuốn sách gợi ra những hướng đi hiệu quả cho một thế hệ
các nhà phân tích mới và cung cấp một khuôn khổ chắc chắn cho việc phân
tích tiến vào cuộc đối thoại giữa đảng với dân. Nó có thể được coi như
là một tài liệu tham khảo cơ bản cho những người theo dõi các vấn đề
Việt Nam.
Ben Kerkvliet vẫn còn hy vọng về Việt Nam. Tôi cũng thế. Trước đây tôi
đã sai (ví dụ, tôi đã gọi Đại hội Đảng lần thứ 12 là cho Dũng chứ không
phải Trọng), nhưng tôi vẫn tin rằng sự thịnh vượng lâu dài của Việt Nam
phụ thuộc vào việc đảng cầm quyền biết học cách chào đón các sáng
kiến trồi lên từ bên dưới. Thời gian sẽ trả lời điều đó rõ ràng hơn.
David Brown là một nhà ngoại giao Mỹ nghỉ hưu, thường xuyên viết về
Việt Nam cho báo Asia Sentinel và các tạp chí quốc tế khác. Bài tiếng
Anh của tác giả viết cho Asia Sentinel, hiện chưa đăng tải. Bản dịch
tiếng Việt này đăng trên Tiếng Dân dành cho độc giả Việt Nam, có thể
không hoàn toàn giống như bài tiếng Anh sẽ đăng sau đó.
Sách “Lên tiếng ở Việt Nam do
Nhà xuất bản Đại học Cornell phát hành. Sách dày 252 trang,
bìa cứng. Giá: $49.95
© Copyright Tiếng Dân – Bản tiếng Việt |