RFA

4 kỳ: 25/9 - 10/10/2017

  

Di sản của Tư lệnh Đinh La Thăng: công tác cán bộ

 

David Tran Hieu

 

Phần 1: Trường hợp Nguyễn Đình Việt

Không chỉ nhiều tồn tại quanh các dự án BOT về đường bộ, vấn đề cổ phẩn hóa doanh nghiệp nhà nước trong ngành giao thông vận tải… mà khi ông Đinh La Thăng còn làm “Tư lệnh” ngành GTVT, công tác cán bộ còn là một trong những di sản nặng nề mà vị “Tư lệnh” này chuyển lại cho người kế nhiệm.

Ngày 14/9/2017, trên hệ thống truyền thông Việt Nam xuất hiện bài “Di sản của ông Đinh La Thăng: BOT và công tác cán bộ” ( http://www.baomoi.com/di-san-cua-ong-dinh-la-thang-bot-va-cong-tac-can-bo/c/23273753.epi ), bài báo lập tức gây tiếng vang, có hàng trăm ngàn lượt share, sở dĩ từ trước tới nay ít có tờ báo nào của mạng truyền thống chính thống có thể giật tít, động chạm đến một cán bộ cấp cao đương chức như vậy.

BOT đường bộ cao tốc từ thời của Tư Lệnh Đinh La Thăng đã có quá nhiều bê bối dần được phanh phui, còn công tác cán bộ là thế nào, phần chìm của tảng băng có dần hé lộ ...?! Trước hết nhóm điều tra độc lập xin thông tin với quý vị độc giả về ông Nguyễn Đình Việt, đương kim Cục phó Cục Hàng hải Việt Nam.

Theo tìm hiểu của nhóm điều tra độc lập, ông Nguyễn Đình Việt, sinh ngày 19/7/1968, quê quán Kiên Giang, là người bà con với một chính khách nổi tiếng đã đứng đầu chính phủ Việt Nam trong 10 năm (2006 - 4/2016), người mà dân Việt Nam đặt cho ông một biệt danh trìu mến: “đồng chí X”.

Sau khi làm Giám đốc Cảng vụ hàng hải Kiên Giang 10 năm- một chức vụ nhỏ cỡ trưởng phòng, thì theo sự dàn xếp đầy chủ ý của ông Cục trưởng Cục Hàng hải lúc đó là ông Nguyễn Nhật (sau này lên Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải), ngày 9/4/2015 đã được “Tư lệnh” Giao thông-Vận tải Việt Nam lúc đó là ông Đinh La Thăng bổ nhiệm lên chức Cục phó Cục Hàng hải. Xin lưu ý là, ông Đinh La Thăng, cựu Bộ trưởng GTVT - một con người chưa từng một ngày trong quân ngũ nhưng tự coi mình và cũng rất thích được báo chí cũng như đàn em gọi mình bằng “Tư lệnh”.

Nhiều nguồn tin cho hay, khi giới chức của Bộ Giao thông -Vận tải làm quy trình bổ nhiệm ông Việt đã có nhiều ý kiến phản ánh tới  “Tư lệnh” Đinh La Thăng và Vụ Tổ chức Cán bộ - một cơ quan quyền lực, chủ chốt nhất trong hệ thống thực thi công vụ, về đề bạt bổ nhiệm cán bộ, rằng ông Nguyễn Đình Việt chỉ có bằng cấp tương đương với Cao đẳng, là trái với quy định bổ nhiệm do chính Bộ GTVT đặt ra là phải có bằng Đại học. Song vị “Tư lệnh” lúc đó với cái thế “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” này thể hiện sự quyết đoán, quyết roẹt thăng hàm cấp người bà con của Đồng chí X lên Cục phó.

Cái ngang trái là, Tư lệnh Đinh La Thăng đã ban hành Quyết định 3688/QĐ-BGTVT từ ngày 15/11/2013, quy định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý các đơn vị trực thuộc Bộ GTVT. Theo đó, tại điều 5 của Quyết định này nêu rõ “Phó vụ trưởng và tương đương phải có bằng đại học phù hợp với lĩnh vực công tác”.

Theo hồ sơ lý lịch do Bộ GTVT quản lý thì ông Việt chỉ có “Bằng tốt nghiệp hệ ngắn hạn” của Trường Đại học Hàng hải cấp ngày 25/10/1993. Báo Thanh niên và Báo điện tử Vietnamnet ngày 17/12/2016 (http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tot-nghiep-dai-hoc-ngan-han-van-duoc-lam-cuc-pho-hang-hai-346998.html), bài “Tốt nghiệp “đại học ngắn hạn” vẫn được bổ nhiệm Cục phó”, cùng nhiều báo khác đã đăng tin thì ông Việt khi được bổ nhiệm chưa có bằng đại học.

Cụ thể, Quyết định 590 ngày 8/10/1993 của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, tại điều 13 ghi rõ “ông Nguyễn Đình Việt tốt nghiệp ngành điều khiển tàu biển hệ cao đẳng khóa 1988 – 1991”. Để làm rõ vấn đề, nhóm điều tra độc lập đã tim hiểu kỹ và được biết, tại Công văn số 2480/ĐH hướng dẫn cấp phát văn bằng tốt nghiệp cho hệ “đại học ngắn hạn” của Bộ GD&ĐT ghi rõ: “Bằng Đại học ngắn hạn và Bằng tốt nghiệp cao đẳng do Bộ GD-ĐT phát hành từ năm 1991 trở đi có giá trị hoàn toàn như nhau” ( Cổng Thông tin điện tử Chính phủ giải đáp chính sách về việc bằng đai học ngắn hạn tương đương trình độ cao đẳng: http://chinhsachonline.chinhphu.vn/Chi-tiet-cau-hoi/Bang-dai-hoc-ngan-han-tuong-duong-trinh-do-nao/2450.vgp )

Thời gian ông Việt học tại Đại học Hàng hải là 3 năm (1988-1991), trong khi hệ đại học của Trường đại học Hàng hải có thời gian đào tạo là 5 năm. Tóm lại, ông Nguyễn Đình Việt đã được Tư lệnh Đinh La Thăng bổ nhiệm làm Cục phó khi chưa có bằng đại học như qui định của chính vị Tư lệnh GTVT này.

Nói về tầm quan trọng của công tác cán bộ, ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã nói “Công tác cán bộ đặc biệt quan trọng, là then chốt của mọi then chốt, nguyên nhân của mọi nguyên nhân”.

Những gì diễn ra qua thực tế trước đây tại Tập đoàn Vinashin hay Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, những khuất tất gần đây trong các dự án BOT đường bộ cao tốc hay vụ thuốc giả VN Pharma, đến đại án Ocean Bank, cho đến những yếu kém trong công tác quản lý tại Đà Nẵng …cho thấy mọi chuyện đều do con người gây ra.

Hẳn những vụ bổ nhiệm cán bộ năng lực yếu kém, không đủ tiêu chuẩn đã và đang diễn ra tại một số Bộ, địa phương…của Việt Nam, trong đó có vụ Tư lệnh Đinh La Thăng thăng hàm Cục phó sai nguyên tắc cho ông Nguyễn Đình Việt là nguồn gốc của hình thành sự tham nhũng.

Tư lệnh ngành GTVT thừa hiểu rằng con người là vô cùng quan trọng, để thực thi những nhiệm vụ của ông, song dẫu biết việc bổ nhiệm là sai phải chăng Tư lệnh Đinh La Thărng vẫn quyết bổ nhiệm Cục phó Cục Hàng hải cho Nguyễn Đình Việt, là sự thể hiện lúc đó, Tư lệnh là vị tướng “chỉ dưới một người mà trên vạn người” ? cái nhóm lợi ích bắt gốc rễ từ “quan hệ, hậu duệ, tiền tệ và đồ đệ” hẳn đã hình thành từ đây ?!

 

Phần 2: Trường hợp Nguyễn Xuân Ảnh

Lời mở đầu:

Khi viết bài Di sản của Tư lệnh Đinh La Thăng: công tác cán bộ (phần 1) – đề cập tới việc bổ nhiệm sai nguyên tắc của ông Đinh La Thăng đối với ông Nguyễn Đình Việt vào vị trí Cục phó Cục Hàng hải Việt Nam, cũng như các bài viết tiếp theo đây, nhóm điều tra độc lập và tác giả chỉ mong muốn cung cấp những thông tin và tư liệu chân thực nhất tới quý bạn đọc, mà không hề có ý định chỉ trích hay nói xấu bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Việc nhận định hay đánh giá ra sao là quyền của bạn đọc.

Lần này, tác giả tiếp tục cung cấp thêm thông tin tới bạn đọc về di sản công tác cán bộ (phần 2) mà Tư lệnh Đinh La Thăng đã để lại, liên quan đến một Nguyễn Xuân…trẻ tuổi, dòng dõi trâm anh thế phiệt, vị này không phải Nguyễn Xuân Sơn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hay Nguyễn Xuân Anh của Đà Nẵng.

***

Ngày 02/3/2016, các nhật báo lớn trong hệ thống truyền thông của Việt Nam đồng loạt đăng tin một cán bộ trẻ tuổi được bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ( http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/thu-ky-bo-truong-thang-lam-pho-tong-cuc-truong-duong-bo-292002.html ), một chức vụ có thể nói là rất quan trọng trong ngạch quản lý của Bộ Giao thông -Vận tải, cao hơn Vụ trưởng và dưới Thứ trưởng, nhân vật tuổi trẻ tài cao này là ai vậy?!

Đó là ông Nguyễn Xuân Ảnh sinh ngày 20/2/1983, quê huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, thư ký của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng.

<< 

Ông Nguyễn Xuân Ảnh là em trai của ông Nguyễn Xuân Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng, người vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ đã mắc sai phạm trong kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và quy định những điều đảng viên không được làm, ông Nguyễn Xuân Anh còn thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội.

Ông Nguyễn Xuân Anh là con trưởng và ông Nguyễn Xuân Ảnh là con thứ của ông Nguyễn Văn Chi, cựu Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa IX, X (từ năm 2003 đến tháng 1/2011), một trong những cơ quan quyền lực nhất trong bộ máy tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 12/2008, từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Xuân Ảnh chuyển về Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tạm làm chuyên viên cho tới tháng 5/2009, sau đó được Tư lệnh Dầu khí lúc đó là ông Đinh La Thăng đưa về Tập đoàn và bổ nhiệm Phó Chánh văn phòng - Trợ lý Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (trợ lý cho ông Đinh La Thăng) khi vừa 26 tuổi.

Thăng tiến thần tốc của Xuân Ảnh không dừng ở đó, khi Tư lệnh Dầu khí Đinh La Thăng có quyết định của Trung ương điều về làm Tư lệnh Giao thông-Vận tải vào tháng 8/2011 cũng là lúc Xuân Anh được nhanh chóng tráng men qua vị trí khác, có lẽ để có kinh nghiệm thêm phong phú, bổ sung cho một hồ sơ đẹp hơn.

Từ tháng 8/2011, thực tế Nguyễn Xuân Ảnh đã sang văn phòng của Bộ GTVT ngồi làm Thư ký cho ông Đinh La Thăng ngày từ khi ông Thăng được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giao thông –Vận tải, nhưng Nguyễn Xuân Ảnh nhưng vẫn được Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC: nơi mà Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận, cánh tay mặt và cánh tay trái của Tư lệnh Đinh La Thăng, là tổng chỉ huy ở doanh nghiệp tỷ đô – một tổng công ty thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), bổ nhiệm ngay làm Phó Tổng Giám đốc.

“Quy trình bổ nhiệm thần tốc” mà Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC) Trịnh Xuân Thanh dành cho Nguyễn Xuân Ảnh ra sao: căn cứ Quyết định số 1358-NQ/ĐU ngày 12/9/2011 của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty, Nghị quyết số 892/NQ-XLDK ngày 12/9/2011 của Hội đồng quản trị Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí, và quyết định bổ nhiệm Nguyễn Xuân Ảnh làm Phó Tổng Giám đốc cũng được ký ngày 12/9/2011. Tất cả các cuộc họp, quyết định của Ban Thường vụ, nghị quyết của HĐQT và quyết định bổ nhiệm cho Nguyễn Xuân Ảnh đều trong cùng một ngày 12/9/2011, quả thực là “đại thần tốc” !

Chỉ tráng men thôi, nên từ giữa tháng 10/2011, tức là đúng 01 tháng sau, Xuân Ảnh đã được làm ngay quy trình để ngày 01/11/2011 bằng quyết định 952/QĐ-XLDK, Xuân Ảnh đã được Chủ tịch PVC Trịnh Xuân Thanh ký quyết định đưa về Bộ GTVT.

Quy trình cho Xuân Ảnh đến Tổng công ty PVC của Trịnh Xuân Thanh – Vũ Đức Thuận thần tốc thế nào thì quy trình cho Xuân Ảnh đi sang Bộ GTVT của Tư lệnh Đinh La Thăng cũng thần tốc không kém! Các quy trình lại cũng được làm hết sức khẩn trương với “tinh thần trách nhiệm” rất cao. Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty (PVC) có Nghị quyết số 1445-NQ/ĐU ngày 14/10/2011 và HĐQT Tổng công ty (PVC) - chỉ sau 02 ngày làm việc, ngày 18/10/2011 đã ra Nghị quyết số 907/NQ-XLDK. Nói Trịnh Xuân Thanh làm quy trình thần tốc cho Xuân Ảnh chỉ sau 02 ngày làm việc là không sai vì ngày 14/10/2011 là thứ 6 và ngày 18/10/2011 là thứ 3 của tuần kế tiếp! Còn ngày lấy dấu quyết đinh (01/11/2011) chỉ là biện pháp “kỹ thuật” thôi, để người ngoài trông vào thấy Xuân Ảnh ở Tổng công ty PVC “những ba tháng” (tháng 9, 10, 11) chứ không phải chỉ tròn 01 tháng.

Như vậy, Nguyễn Xuân Ảnh đã được Trịnh Xuân Thanh bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty PVC giữa tháng 9/2011 và đúng 01 tháng sau đã làm quy trình để chuyển sang Bộ GTVT của Tư lệnh Đinh La Thăng. Nếu tất cả các công việc vì người dân mà được các cơ quan học theo Tổng công ty PVC xử lý như đã làm cho Nguyễn Xuân Ảnh thế này thì dân thật sự may mắn, hạnh phúc biết bao!

Chân ướt chân ráo, sau khi về Bộ GTVT đúng 01 tháng, vào tháng 12/2011 Nguyễn Xuân Ảnh lúc này 28 tuổi, được bổ nhiệm Phó Chánh văn phòng Bộ GTVT kiêm Thư ký cho Bộ trưởng GTVT, tức Tư lệnh Đinh La Thăng. Mọi việc thật thuận lợi và quy trình cũng thật “chặt chẽ” ?!

Song, dù Xuân Ảnh đã làm Trợ lý Chủ tich Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), hay Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty PVC trực thuộc Tập đoàn, thì cũng không phải là công chức, vì vậy việc bổ nhiệm Nguyễn Xuân Ảnh, vào thời điểm đó, giữ chức Phó Chánh văn phòng Bộ Giao thông Vận tải là sai với quy định bổ nhiệm cán bộ cấp Vụ (Cục) của Bộ Nội vụ, cũng như của chính Bộ GTVT: cán bộ được bổ nhiệm trước hết phải là công chức !

33 tuổi, Nguyễn Xuân Ảnh về Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tuy Ảnh không có chút chuyên môn về đường bộ, nhưng lại là nơi có quyền và tiền. Rồi lọt vào danh sách quy hoạch Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, chẳng mấy chốc Xuân Ảnh được nâng đỡ cất cánh bay cao. Những bước thăng tiến thần tốc ấy, nếu Nguyễn Xuân Ảnh không có chỉ đạo “đầy trách nhiệm” của Tư lệnh Đinh La Thăng - người từng có nhiều ân huệ với cựu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương - thân phụ của Xuân Anh, Xuân Ảnh… thì các các chàng đồng niên với Xuân Anh “không 5C cũng chẳng tứ ệ”, hãy cứ “…con sãi ở chùa lại quét lá đa” mà thôi !

 

Phần 3: Trường hợp Vũ Anh Minh

Lời mở đầu:

Sau khi bài viết Di sản của Tư lệnh Đinh La Thăng: công tác cán bộ (Phần 1 về bổ nhiệm Cục phó Cục Hàng hải Nguyễn Đình Việt; Phần 2 về bổ nhiệm Tổng cục phó Tổng cục Đường bộ Nguyễn Xuân Ảnh) được đăng, nhiều  bạn đọc mong muốn được cung cấp thông tin liên quan tới một di sản khác của Tư lệnh Đinh La Thăng: cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đây là một góc khuất, vì cổ phần hóa chính là phần chìm của tảng băng, phần chìm này lớn gấp bội phần nổi tảng băng là các dự án BOT.

Theo dòng thời sự về công tác cán bộ, nên tác giả sẽ giới thiệu với bạn đọc về một nhân vật cộn cán tham mưu cho Tư lệnh Đinh La Thăng về phần chìm của tảng băng, tức liên quan tới cổ phần hóa doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải:  Vũ Anh Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, hiện là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

***

Vũ Anh Minh khi là Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ Giao thông Vận tải, theo chỉ đạo trực tiếp của Tư lệnh Đinh La Thăng đã cho cổ phần hóa không những các doanh nghiệp xây dựng công trình giao thông, vận tải, cảng biển, cảng sông… mà còn cả bệnh viện, trường học - là những đơn vị mang tính phúc lợi, xã hội cao.

Cổ phần hóa là cần thiết, nhằm giảm dần sự tham gia trực tiếp của Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh. Nhưng chủ trương này đã bị Tư lệnh Đinh La Thăng chỉ đạo bóp méo, Vụ trưởng Vũ Anh Minh thực hiện dẫn đến tham nhũng và gây thất thoát tài sản.

Vũ Anh Minh thực hiện chỉ đạo của Tư lệnh Đinh La Thăng bán 51,43% cổ phần của Bệnh viện GTVT trung ương có vốn điều lệ 168 tỉ đồng cho Tập đoàn T&T, và kế hoạch sau đó sẽ thâu tóm hết cổ phần của bệnh viện này. Sau khi làm xong bệnh viện GTVT trung ương, Thăng và Minh đã chuẩn bị lên kế hoạch bán ba bệnh viện khác (bệnh viện Nam Thăng Long, bệnh viện GTVT Vinh, bệnh viện GTVT Đà Nẵng), nhưng chưa kịp thực hiện thì Đinh Tư lệnh vào Sài Gòn làm Bí thư và việc cổ phần hóa bệnh viện, trường học...bị Chính phủ tuýt còi.

Ngoài ra khối bệnh viện, Tư lệnh Đinh La Thăng đã chỉ đạo cho Vụ trưởng Vũ Anh Minh lên kế hoạch cổ phần cả các trường học, gồm các trường có tên tuổi như Đại học GTVT tp HCM, Học viện Hàng không, các Trường Cao đẳng giao thông vận tải, Trường Cao đẳng nghề...

Các bệnh viện, trường học hầu hết có quỹ đất lớn và ở tại ví trí thuận lợi, có giá trị cao, hiệu quả từ kinh doanh bất động sản vô cùng lớn. Tập đoàn T&T chắc chắn sẽ thuê một khu đất khác ở vị trí xa trung tâm Hà Nội, kém thuận lợi để di dời Bệnh viện GTVT trung ương đi, rồi để dùng khu đất bệnh viện hiện tại làm một khu thương mại phức hay căn hộ cao cấp.

Trường học hay các các cơ sở bị mua kiểu này, sớm muộn rồi cũng được chuyển đổi công năng sang mục đích kinh doanh bất động sản, như Hãng phim truyện Việt Nam tại Thụy Khê - Hà Nội  bị Vivaso mua 65% với giá 33,4 tỷ, cái giá phải trả quá cao khi ông chủ Vivaso (cũng là người được Đinh La Thăng cho mua Tổng công ty vận tải đường sông miền Bắc của Bộ GTVT với hàng chục cảng thủy nội địa, với giá vô cùng rẻ) - không quan tâm đến sản xuất phim, mà chỉ chú tâm đến khai thác bất động sản cho miếng đất đắt hơn vàng này.

Cụ thể, đến nay bệnh viện GTVT trung ương theo thống kê mới nhất chỉ còn chưa tới 300 giường, so với kế hoạch là 500; bệnh nhân giảm; trang thiết bị y tế không được đầu tư; hàng chục bác sĩ có trình độ chuyên môn cao kể cả Tiến sĩ, Trưởng- Phó khoa cũng rời bỏ bệnh viện. Nhà đầu tư T&T không quan tâm, chắc chắn họ để tình trạng này lay lắt một thời gian sẽ tiến tới mục đích biến khu đất vàng này thành trung tâm thương mại hoặc căn hộ cao cấp.

Một dự án cổ phần hóa nổi cộm trong ngành giao thông vận tải nữa, đó là cảng Quy Nhơn. Cảng này được xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần vào 31/3/2013 chỉ 404 tỷ đồng, trong khi tại thời điểm đó có nhà đầu tư đã đề nghị được mua với giá 4.000 tỷ đồng, tức là gấp 10 lần so với trị giá mà Đinh La Thăng và Vũ Anh Minh định hướng. Nhiều gói thầu thiết bị của cảng được định giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế, ví dụ gói thiết bị hàng chục cần cẩu, xe cẩu, xe nâng, tàu lai chuyên dụng ... chỉ được định giá gần 1,9 tỷ đồng, so với giá trị thực khoảng 200 tỷ.

Đáng chú ý là chỉ trong một thời gian ngắn sau 6 tháng, từ 3/2013 đến 9/2015, qua một số lần chuyển nhượng thì “nhà đầu tư chiến lược” của cảng Quy Nhơn là Công ty Hợp Thành đã được Đinh La Thăng chỉ đạo cho Vũ Anh Minh điều chỉnh cho tăng tỉ lệ nắm giữ lên 86,23% với tổng trị giá chỉ 440 tỉ đồng.

Chủ tịch HĐQT Công ty Hợp Thành, hiện là Chủ tịch HĐQT cảng Quy Nhơn là Lê Hồng Thái (sinh năm 1974), chuyên kinh doanh bất động sản, khoáng sản. Thái có mối quan hệ chặt chẽ với Tư lệnh Đinh La Thăng do Thái từng là ủy viên HĐQT của Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) của Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận, là cánh tay đắc lực của Đinh La Thăng. Được Thăng chỉ đạo nên Vũ Anh Minh đã đưa Công ty Hợp Thành của Thái thành một cổ đông chiến lược và đủ điều kiện mua cảng Quy Nhơn, các công ty khác vì lý do nào đó đều bị gạt khỏi.

Chỉ qua mấy trường hợp cụ thể trên đã thấy sự lạm dụng quyền lực ghê gớm của Đinh La Thăng và Vũ Anh Minh thế nào trong thao túng việc xác định trị giá tài sản khi cổ phần hóa và dựng rào cản để chỉ những doanh nghiệp sân sau, cánh hẩu của mình được vào là nhà đầu tư chiến lược hoặc nhà đầu tư duy nhất.

Vũ Anh Minh là ai ?

Hợp cạ với Tư lệnh Đinh La Thăng khoản rượu, ca hát và ăn chơi, nên Vũ Anh Minh từ chuyên viên lên Vụ phó Vụ Quản lý doanh nghiệp rất nhanh chóng, sau vài tháng và qua một kỳ thi tuyển Vụ trưởng đầy nghi vấn về tính khách quan, được Đinh La Thăng đưa lên Vụ trưởng vào tháng 11/2014.

Nổi tiếng ăn chơi như quan thầy, đêm ngày 12/10/2015, trên mạng xã hội xuất hiện video clip Vũ Anh Minh ngoại tình với một nữ cán bộ của Vinashin, bị chồng cô ta bắt gặp ( https://www.youtube.com/watch?v=XlBVTmygZ3A ), tuy nhiên sau đó Tư lệnh Đinh La Thăng đã phải ra tay cứu phò tá, bằng cách cho tạo bằng chứng ngoại phạm rằng lúc đó Minh đang đi cấp cứu ở bênh viện giao thông, đổ cho thông tin trên mạng là do nhầm lẫn của người đưa tin. Sau đó báo chí, theo sự thu xếp của Đinh Tư lệnh đều đăng tin rằng Vũ Anh Minh bị tố ngoại tình là oan (http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/vu-truong-bo-gtvt-bi-to-oan-ngoai-tinh-267310.html ). Ông chồng cô bồ của Vũ Anh Minh vì nhận được một khoản khá từ Minh, nên ngậm bồ hòn làm ngọt và sau đó “đường ai nấy đi“. Dư luận cũng cười khẩy vì biết từ Thăng đến Minh đến chồng cô bồ Minh đều đóng một vở kịch hài cho thiên hạ !

Làm giầu từ những vụ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, nhất là trong việc xác định giá trị tài sản doanh nghiệp, và đưa các doanh nghiệp sân sau theo chỉ đạo của Đinh Tư lệnh vào mua các doanh nghiệp này, Vũ Anh Minh đủ quan hệ và tiền để nhẩy sang làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từ 1/3/2017.

Công tác cán bộ của Tư lệnh Đinh La Thăng là thế, trước hết là tạo phò tá để làm tiền và tiêu tiền, nhằm che chắn cho những phi vụ tiếp theo, nhằm củng cố vị trí... Nhưng leo cao thì ngã đau, gieo gió ắt gặp bão. Đinh Tư lệnh đang ngồi họp hội nghị Trung ương nhưng ruột gan tựa lửa đốt, những đệ tử của Đinh La Thăng như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, Vũ Đình Duy, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh, Lê Đình Mậu, rồi tới Vũ Anh Minh... cũng đã, đang và sẽ nối gót nhau ra trước công đường mà thôi !

 

 

Phần 4: Nguyễn Hữu Thắng, một câu chuyện buồn

Lời mở đầu:

Các bài đã đăng “Di sản của Tư lệnh Đinh La Thăng, công tác cán bộ”, Phần 1 về Nguyễn Đình Việt (thăng tiến Cục phó Cục Hàng hải khi không có bằng đại học), Phần 2 về Nguyễn Xuân Ảnh (thăng tiến thần tốc Tổng cục phó Tổng cục Đường bộ), Phần 3 về Vũ Anh Minh (nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiêp, bê bối cổ phần hóa)... phần nào cho bạn đọc thấy được sự tùy tiện và hậu họa của công tác cán bộ mà Tư lệnh Đinh La Thăng để lại.

Phần 4 sau đây của chuyên đề “Di sản của Tư lệnh Đinh La Thăng, công tác cán bộ”sẽ đề cập đến một câu chuyện buồn ít năm trước. Con số 4, bản thân nó không có tội, nhưng tâm lý của người Á Đông muốn tránh nó vì gần với nghĩa của chữ “tử”trong âm Hán - Việt…

***

Khi ông Đinh La Thăng còn là Tư lệnh giao thông vận tải, ông ta đã nổi tiếng với nhiều phát ngôn ấn tượng và cũng rất thích “trảm tướng”, một số lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp trong ngành này đã tìm đủ mọi cách hoàn thành kế hoạch, dù là chỉ trên báo cáo, là hình thức …để giữ ghế của mình. Nhiều người bức xúc, trầm cảm do bị Đinh Tư lệnh mạt sát, nhiếc móc…

Theo dư luận, một trong những trường hợp có thể bị gây bức xúc, dẫn đến trầm cảm nặng nề là ông Nguyễn Hữu Thắng, cố Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam. Tuy vậy, đằng sau câu chuyện này còn nhiều uẩn khúc, đến này vẫn còn chưa có lời giải…

Theo các nguồn tin trên đài báo, chiều tối ngày 22/01/2015, ông Nguyễn Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam đã  được phát hiện chết bất thường tại phòng làm việc tại Cục Đường sắt Việt Nam. Tòa nhà của Cục này nằm ngay trong trụ sở Bộ Giao thông Vận tải. Mặc dù sáng hôm đó ông Thắng vẫn tham dự cuộc họp về xã hội hóa đường sắt do Tư lệnh Đinh La Thăng chủ trì  ( https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/cu-c-truo-ng-duo-ng-sa-t-che-t-ta-i-pho-ng-lam-viec-3137709.html ).

Dư luận không khỏi đặt dấu hỏi, vì sao một con người hiền lành, tư cách tốt và có năng lực quản lý như ông Thắng lại có kết thúc đau buồn như vậy.

Ngược dòng thời gian, ngày 25/4/2014, ông Nguyễn Hữu Thắng đã bị Bộ trưởng Đinh La Thăng tạm đình chỉ chức vụ Cục trưởng Đường sắt vì những phát ngôn liên quan dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Những phát ngôn của ông Thắng bị Tư lệnh Đinh La Thăng cho là không đúng và thiếu trách nhiệm về dự án đường sắt, liên quan tới vấn đề làm tăng tổng mức đầu tư dẫn đến phải điều chỉnh dự án, báo cáo. Trước đó, liên quan tới việc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội giá hơn 300 triệu USD, Cục trưởng Đường sắt Nguyễn Hữu Thắng nói: "Mình đã làm hết mức rồi, nhìn các dự án như tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội 2 lần khởi công đến giờ phút này đã làm được gì đâu. Chúng tôi làm được nhiều cũng không ai khen ngợi hết, điều chỉnh một tý đã rùm beng cả lên" (https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/cuc-truong-duong-sat-bi-dinh-chi-vi-phat-ngon-thieu-trach-nhiem-2983260.html ).

Sau đó 04 tháng, ngày 28/8/2014,  Bộ trưởng Đinh La Thăng đã quyết định điều chuyển Ban Quản lý dự án đường sắt thuộc Cục Đường sắt Việt Nam do ông Nguyễn Hữu Thắng làm chủ đầu tư về Bộ GTVT để trực tiếp Bộ điều hành, triển khai công việc (https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/sieu-ban-quan-ly-du-an-duong-sat-cua-bo-giao-thong-3045959.html ).

Đau buồn từ việc bị Tư lệnh Đinh La Thăng tạm đình chỉ chức vụ, xong nặng nề hơn, dự án mà ông Nguyễn Hữu Thắng đang làm chủ đầu tư, chỉ trong nháy mắt đã bị chuyển về Bộ Giao thông Vận tải và giao ngay cho một đệ tử khác của Tư lệnh làm tiếp.

Quy trách nhiệm cho Cục trưởng Đường sắt chỉ là một cái cớ cho rằng tiến độ dự án chậm trễ, cần chuyển cho nơi khác làm mà một trong những mẹo mà Tư lệnh Đinh La Thăng vẫn hay dùng từ thời còn ở Sông Đà và Dầu khí (Dẫu rằng, đến nay dự án Đường sắt trên cao Cát Linh –Hà Đông, qua bao đời Tổng giám đốc Ban quản lý dự án, vẫn còn làm đau đầu Bộ Giao thông Vận tải, thử nghiệm vào tháng đầu tháng 10-2017 theo kế hoạch chưa thực hiện được, vốn đã lên hơn 1 tỷ USD, đội cao hơn 2 lần so với tổng dự toán ban đầu, bao câu hỏi về tính mỹ thuật của đoàn tàu, tính an toàn của phương tiện, vv và vv… chưa có câu trả lời thỏa đáng).

Quả là “Phúc bất trùng lai, hoa vô đơn chí”: điều xui xẻo không chỉ đến một lần, dự án bị chuyển đi đồng nghĩa với việc ông Nguyễn Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đường sắt lúc đó lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính, những khoản chi lớn của cá nhân đã từng bỏ ra để thu xếp cho dự án,  hy vọng một ngày huy hoàng dự án hoàn thành cũng là lúc có thể bù đắp chi phí cho bao tháng ngày gian nan, mong dành dụm chút ít cho tuổi già… thì nay đã tan thành mây khói.

Phải chăng bị Tư lệnh Đinh La Thăng mạt sát, nhiếc móc… nên Cục trưởng Đường sắt Nguyễn Hữu Thắng bức xúc, trầm cảm chỉ là một phần, mà góc khuất của nó, quanh đi quẩn lại, có lẽ vẫn không ngoài chữ “Kim Tiền” ?! miếng ăn đã bị cướp đi, đau đớn lại không thể sẻ chia, thôi thì phẩy tay mà tìm đến cái sự quên lãng…?!

Nguyên nhân thực sự của vụ này ư, có lẽ không cần tìm hiểu nữa ! Người trần mắt thịt chúng ta không biết, nhưng Trời biết, Đất biết, ông Nguyễn Hữu Thắng biết và Tư lệnh Đinh La Thăng cũng biết !

Câu chuyện buồn đã hơn hai năm trước, vẫn để lại trong nhiều người sự thương cảm với Cố Cục trưởng Đường sắt Nguyễn Hữu Thắng. Mong ông an nghỉ và những chuyện đã xảy ra với ông cũng hẳn như những hạt bụt trần gian mà thôi!

* Bài viết không thể hiện quan điểm của đài Á Châu Tự Do