NGƯờI VIỆT
Dân tháo chạy khỏi Sài Gòn, Bình Dương: Nỗi đau đầu mới của CSVN
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hàng
trăm ngàn người thất nghiệp vẫn tiếp tục tháo chạy khỏi Sài Gòn, Bình
Dương, Đồng Nai,… khiến nhà cầm quyền CSVN thêm nỗi đau đầu. Tin
tức, hình ảnh và video clip phổ biến trên mạng xã hội cũng như trên
guồng máy tuyên truyền của chế độ hôm Thứ Hai, 4 Tháng Mười cho thấy,
công nhân sống nhờ vào các khu kỹ nghệ, hoặc chỉ là những người lao động
tự do ở Sài Gòn và Bình Dương, vẫn tiếp tục bỏ chạy.
Dù trời chưa sáng rõ, công nhân thất nghiệp bỏ chạy khỏi Sài Gòn vào hôm
1 Tháng Mười khi lệnh phong tỏa vừa gỡ bỏ. (Hình: Chi Pi/AFP/Getty
Images) Họ
đã bị nhà cầm quyền các địa phương nhốt trong nhà hơn bốn tháng qua nhằm
chận đà lây nhiễm dịch COVID-19. Họ được hứa hẹn trợ cấp tiền bạc và
thực phẩm khi bị cấm ra đường, chờ hết dịch sẽ có đời sống bình thường
trở lại. Nhưng thực tế không diễn ra như những lời cam kết của nhà cầm
quyền. Nhà
cầm quyền trung ương CSVN thậm chí mang cả quân đội tới Sài Gòn và Bình
Dương để canh giữ và ngó chừng sợ dân nổi loạn mà bề ngoài thì đóng vai
thay dân “đi chợ.” Khi
lệnh phong tỏa chống dịch được gỡ bỏ từ sáng sớm 1 Tháng Mười, người ta
rùng rùng theo nhau bỏ về quê. Tới giờ, những gì được tường thuật trên
truyền thông của nhà cầm quyền, cho người ta hiểu một phần nhỏ của những
khốn đốn kinh hoàng của “giãn cách xã hội.” Một
số người được phát cho một ít tiền, một ít gạo nhưng không phải ai cũng
được. Cả tiền và gạo trợ cấp không đủ bao nhiêu so với nhu cầu nên hầu
như họ đều cố gắng cầm cự qua ngày với mì gói và những gói thực phẩm cứu
trợ khẩn cấp của các tổ chức, cá nhân từ thiện tự phát. Các đồng tiền họ
tiết kiệm được đều đã tiêu hết sạch. Nhiều người phải đi xin đồ ăn chống
đói. Kiệt
quệ cả tinh thần lẫn vật chất, khi lệnh phong tỏa xả ra, họ như được
tháo cũi xổ lồng, túa ra đường tìm về quê cũng vì công việc không biết
sẽ có hay không. Tiền ăn không có, tiền nhà không có, nên chỉ có con
đường duy nhất là quay lại cố quận. Mò cua bắt ốc, lam lũ đồng ruộng có
thể nghèo, nhưng chắc không chết đói như khi cố trụ lại thành phố. Nhà
cầm quyền 13 tỉnh phía Nam và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, thấy dân
quay về cũng chẳng hoan hỉ gì vì có thể mang theo dịch bệnh, kèm theo
những vấn đề xã hội khác sẽ phát sinh. Những người quay về lại bị đưa đi
“cách ly tập trung” một ít ngày theo nguyên tắc ngăn chặn lây lan chứ
không phải về quê là được về nhà cũ ngay. Tờ
Người Lao Động hôm Thứ Hai, 4 Tháng Mười, khi thấy dân khi bỏ chạy đã bị
chận lại ở nhiều nơi rối bắt xét nghiệm COVID-19 và “cách ly tập trung”
nếu âm tính với dịch mới cho về nhà, viết rằng “Hãy
để họ về nhà.”
“Ngăn cản, không tiếp nhận thì vừa sai luật vừa trái đạo lý, mà thả cửa
thì dễ ‘vỡ trận’ vì khả năng chăm lo mọi mặt của địa phương có hạn.” Bởi
vậy nên “cứ mở rồi lại đóng, cứ tỉnh này cho qua, tỉnh kia ngăn lại,
điệp khúc khổ ải này lại vang lên thêm lần nữa.” Mỗi tỉnh chống dịch một
kiểu, đẩy dân vào đường cùng. Khi
hàng trăm ngàn người rùng rùng chạy khỏi Sài Gòn, Bình Dương, tại cuộc
họp trực tuyến hôm mùng 2 Tháng Mười, ông Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch
nước, dỗ ngọt giới công kỹ nghệ gia đang dở sống dở chết là “ánh sáng đã
xuất hiện cuối đường hầm,” theo tờ Tuổi Trẻ. Ánh
sáng cuối đường hầm thì chưa thấy khi phần lớn giới công kỹ nghệ ở Sài
Gòn, Bình Dương, Đồng Nai, Long An kêu rên phần lớn đã phải đóng cửa vì
kiệt quệ tài chính. Những công ty còn thoi thóp thì thiếu công nhân vì
họ bỏ chạy. Theo
tờ Tiền Phong, tại cuộc hội thảo ngày 2 Tháng Mười với chủ đề “Nguồn
nhân lực lao động cho Sài Gòn và các tỉnh lân cận sau đại dịch”, ông
Phạm Thanh Trực – phó trưởng Ban Quản Lý các khu công nghệ-khu chế xuất
của thành phố này cho biết 31,000 công nhân các khu vừa kể đã bỏ về quê.
Các công ty còn hoạt động thì thiếu nhân công hoặc thiếu nguyên liệu vì
nguồn cung cấp bị đứt gãy.
Sáng 1 Tháng Mười, dòng người bỏ chạy vẫn nườm nượp không dứt và còn
tiếp tục đến hôm 4 Tháng Mười. (Hình: NguyenHuu/AFP/Getty Images) Ông
Lê Minh Tấn – giám đốc Sở Lao Động thành phố dịp này cho biết, nơi đây
có trên 470,000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó trên 15,000 doanh
nghiệp ngoại quốc đầu tư sản xuất, tổng cộng với trên 3.2 triệu công
nhân. Nhưng dịch bệnh trong năm tháng vừa qua đã tác động rất mạnh đến
doanh nghiệp, việc làm, hoạt động kinh tế, dịch vụ, các cơ sở kinh doanh
nhỏ lẻ… Hậu quả rất nhiều doanh nghiệp phải phá sản.
Trước đó một ngày, tại cuộc hội thảo trực tuyến “Bức tranh kinh
tế Việt Nam và ĐBSCL – dự báo kinh tế quý 4 và triển vọng năm
2022″ do Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần
Thơ phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức, ông Vũ Tiến Lộc –
chủ tịch Trung Tâm Trọng Tài Quốc Tế Việt Nam nêu ra tính cách
bất nhất khi chống dịch ở Việt Nam đã giết chết nhiều doanh nghiệp. Theo
ông Lộc, “Khi mở cửa thì tránh tình trạng lúc đóng, lúc mở,
lúc siết, lúc buông, trên nói một đằng, dưới làm một nẻo,
tỉnh A thông đường còn tỉnh B lập rào chắn, huyện thì bảo
doanh nghiệp được vận hành bình thường nhưng xã phường thì bảo
người lao động ‘ai ở đâu ở yên đó,’ ngăn sông cấm chợ một cách
vô lối, làm khó cho doanh nghiệp, làm khổ dân sinh và tôi cũng
biết rằng nhiều doanh nghiệp đã chết oan vì điều đó,” theo tờ
Tuổi Trẻ tường thuật. Hai
vấn nạn giới công nhân bỏ chạy và giới doanh nghiệp đang dở sống dở
chết, đang làm tí “ánh sáng cuối đường hầm” mà ông Nguyễn Xuân Phúc
tuyên truyền có dấu hiệu chập chờn thêm. (TN) [kn] |