Tại sao COVID-19 có thể đe dọa Austan Goolsbee
(Bản dịch bài “Why
the Coronavirus Could Threaten the U.S. Economy Even More Than China’s”
của kinh tế gia Austan Goolsbee, đăng trên báo The New York Times, ngày
06/03/2020. Ông từng là Chủ Tịch Hội Đồng Cố Vấn Kinh Tế cho chính phủ
Obama từ 2009 đến 2011, được Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (World Economic
Forum) liệt trong danh sách 100 Nhà Lãnh Đạo Toàn Cầu Của Thế Hệ Tương
Lai. Hiện ông là giáo sư kinh tế trường Thương Mại Booth, đại học
Chicago).
Sau một loạt tử vong, một vài phiên sụt giảm muốn đứng tim của thị
trường chứng khoán và cú cắt giảm lãi xuất khẩn cấp của Ngân Hàng Dự Trữ
Liên Bang, chúng ta có lý do để âu lo đến tác động tối hậu của COVID-19
lên nền kinh tế nước Mỹ.
Để tìm câu trả lời, trước hết hãy nhìn vào Trung Quốc, nơi con siêu vi
khuẩn này đã phát tán rộng rãi nhất trên thế giới. Tin tức xám xịt với
tử vong, cô lập và nền kinh tế dậm chân tại chỗ, tuy số trường hợp mới
bị nhiễm bệnh bắt đầu trên đà đi xuống.
Những nền kinh tế tiên tiến như của Hoa Kỳ khó có thể miễn nhiễm với
những tác động này. Ngược lại, nếu dịch bệnh bùng phát trong những quốc
gia này, có thể những tác động sẽ nghiêm trọng hơn so với Trung Quốc.
Những công nghiệp dịch vụ giữa người với người là những công nghiệp tuột
dốc không phanh nếu con người vì sợ hãi dịch bệnh mà tránh giao tiếp.
Trong những quốc gia có lợi tức cao, những công nghiệp dịch vụ có ảnh
hưởng đến kinh tế nhiều hơn là trường hợp của Trung Quốc: Nếu người ta ở
nhà, không đi đâu cả, không đi xem thể thao, không đi tập thể duc, không
đi nha sĩ, hậu quả về kinh tế sẽ tệ hơn nhiều.
Trong một nghĩa nào đó, đây là tác động về kinh tế, giống như tác động
về y tế mà ta đã biết của COVID-19. Về y tế, siêu vi khuẩn này đe dọa
sức khỏe của người già nhiều hơn của người trẻ, thì về kinh tế, tác động
này sẽ đặc biệt nghiêm trọng đến những nền kinh tế tiên tiến.
Ở đây ta không giảm thiểu tác hại đồng khắp gây ra bời sự gián đoạn
chuỗi cung toàn cầu. Mọi thứ thiếu thốn, từ cơ phận xe hơi, thuốc men,
chậm trễ trong sản xuất những thứ như iPhone hay Diet Coke ta đã biết là
do đóng cửa những xí nghiệp ở Trung Quốc. Những tác động này đã khiến
các ngân hàng quốc gia và phân tích viên tài chánh trên thế giới nói về
một suy thoái toàn cầu trong những tháng sắp tới. Ta không nói chuyện
đó. Ta cũng không nói đến chuyện nước Mỹ có thể tránh được những hậu quả
nghiêm trọng nhất. Có thế lắm. Những nỗ lực khoa học và y tế công cộng
có thể giới hạn việc lây lan hay sớm tìm ra thuốc chủng. Thời tiết ấm áp
mùa hè cũng có thể làm chậm lây lan của siêu vi khuẩn mới này, như
trường hợp siêu vi khuẩn cúm thông thông thường. Nhiều điều có thể xẩy
ra, ngăn ngừa được một tai họa dịch bệnh như đã bùng nổ ở Trung Quốc.
Ở đây ta chỉ bàn là nếu có một tai họa bùng nổ như vậy ở Mỹ thì hậu quả
tác động lên nền kinh tế Mỹ sẽ tệ hại hơn nhiều.
Trước hết về căn bản, có nhiều yếu tố làm dịch bệnh ở Mỹ tệ hại hơn. Ở
Trung Quốc, nhà nước chuyên chế có thể cô lập cả một thành phố, cấm
người ta ra khỏi nhà, làm cho họ có một lợi thế lớn trong việc làm chậm
việc lây lan. Khó mà tưởng tượng những biện pháp này có thể thi hành
được ở Mỹ. Thêm nữa, một số không nhỏ công nhân Mỹ thiếu ngày nghỉ bệnh
được trả lương, thiếu bảo hiểm sức khỏe đầy đủ, làm họ ít chịu ở nhà hay
chịu đi khám bệnh. 41% dân số
Trung Quốc không sống ở vùng đô thị, gấp đôi con số ở Mỹ. Ta cũng biết
dịch bệnh lan truyền chậm hơn trong vùng thôn quê hay rừng núi so với
vùng đô thị.
Ngoài những yếu tố này, có một khác biệt căn bản giữa hai cấu trúc kinh
tế: khi con người không muốn tiếp xúc với người khác vì sợ bị lây bệnh,
những hoạt động mà họ ngừng làm sẽ ảnh hưởng đến những công nghiệp mà ở
Mỹ lớn hơn nhiều so với ở Trung Quốc.
Lấy thí dụ du lịch. Một người Mỹ bay trung bình 3 chuyến 1 năm, 1 người
Trung Quốc chỉ bay trung bình 0,5 chuyến 1 năm. Thảm họa dịch bệnh trên
du thuyền Diamond Princess chắc làm nhiều người không đi du lịch trên
các du thuyền như vậy. Chỉ riêng chuyện du lịch trên du thuyền nếu ngừng
lại, có thể ảnh hưởng tới 3,5% dân số Mỹ, nghĩa là khoảng 11,5 triệu du
khách trong khi ở Trung Quốc chỉ có khoảng 2,3 triệu du khách như vậy.
Người dân cũng có thể ngừng xem những trận đấu thể thao. Tôi biết có
những lời kêu gọi NCAA tiếp tục các cuộc thi đấu tháng 3 này ở các
trường đại học dù không có khán giả. Nhưng thể thao là một công nghiệp
rất lớn ở Mỹ, người ta chi tiền vào thể thao gấp 10 lần ở Trung Quốc.
Và nếu 60 triệu người Mỹ ngừng chi tiêu 19 tỉ USD hàng năm ở các phòng
tập thể dục, điều này có tác động quan trọng hơn là 6,6 triệu người
Trung Quốc ngừng chi tiêu 6 tỉ USD hàng năm.
Chưa hết. Ai sẽ đi nha sĩ hay ngay cả nhà thương nếu không thực sự cần
thiết. Nên nhớ ở Mỹ chi phí về y
tế chiếm 17% Tổng Sản Lượng Quốc Gia, hơn gấp 3 lần tỉ lệ này ở Trung
Quốc.
Dĩ nhiên không phải công nghiệp dịch vụ nào ở Mỹ cũng có tỉ trọng cao
hơn ở Trung Quốc. Công nghiệp nhà hàng, khách sạn chiếm cùng tỉ trọng
trong Tổng Sản Lượng Quốc Gia ở cả hai nước.
Nhưng nói chung, kinh tế Mỹ tùy thuộc nhiều vào công nghiệp dịch vụ hơn
ở Trung Quốc. Ngược lại, chẳng hạn về nông nghiệp, bộ phận kinh tế ít
cần đến giao tiếp hàng ngày và ít bị ảnh hưởng vì chuyện con người tránh
giao tiếp, ở Trung Quốc phần đóng góp vào toàn bộ kinh tế gấp 10 lần so
với ở Mỹ.
Như vậy song song với việc nói về sự gián đoạn chuỗi cung do dịch bệnh
siêu vi khuẩn này gây nên, ta cũng nên lo âu hơn về sự gián đoạn chuỗi
cầu. Điều này sẽ xảy ra nếu mọi người chọn ở nhà, tránh giao tiếp. Một
trận bùng phát dịch bệnh lớn ở Mỹ giống như một cơn bão tuyết lớn, sẽ
làm dừng mọi hoạt động kinh tế và giao tiếp xã hội cho đến khi trời
ngưng tuyết. Nhưng nó cũng có thể thành một cơn bão tuyết vĩ đại trên cả
nước và tồn tại vài tháng.
Vậy bây giờ bạn hãy đi rửa tay, ít nhất là trong 20 giây. Và thông cảm
với những người đang bị cô lập ở Trung Quốc hay các nơi khác trên thế
giới. Bời vì nếu dịch bệnh này lan tràn nhanh chóng ở Mỹ, hậu quả có thể
sẽ tệ hại hơn nhiều.
Mặc Lý (dịch)
(06/03/2020)
Nguồn: |