Phong trào Phật giáo miền Trung – Huế
từ Chấn hưng đến Dấn thân

 

Chu Sơn

 


 

Phần Hai

Phong trào Phật giáo Miền Trung - Huế

thời kỳ dấn thân (1954-1966)

 

*****

Chương I - Chương II  - Chương III - Chương IV

Chương V

 

Chương VI

Cuộc dấn thân lần thứ ba: Chống độc tài Trần Văn Hương

 

Về mặt thời gian, không có khoảng cách rõ ràng giữa cuộc vận động “cũ” (chống Nguyễn Khánh và Hiến chương Vũng Tàu) và cuộc vận động “mới”: chống chính phủ Trần Văn Hương (cuối năm 1964 – đầu năm 1965), tiếp theo là chống Mỹ –Thiệu – Kỳ ( từ giữa năm 1965 đến giữa năm 1966). Cái khác nhau giữa cũ –  mới ở đây là có báo Lập Trường và Hội đồng Nhân dân Cứu quốc hay không. Các nhà lãnh đạo giáo hội và các trí thức phật tử miền Trung đã quá mệt mỏi và chẳng còn chút hy vọng nào trong ý đồ vận động Mỹ giúp Việt Nam xây dựng chế độ dân chủ “để chống Cộng”. Các vị ấy cũng nhận ra rằng Hội đồng Nhân dân Cứu quốc do họ thành lập với những hoài bảo to lớn hoàn toàn không phù hợp với bản chất bất bạo động và chủ trương ở ngoài guồng máy chính quyền của đạo Phật đã bị các thành viên phi Phật giáo trong cơ cấu Hội đồng lợi dụng cho những chủ đích chính trị riêng, làm mất “danh dự của Phật - giáo Việt - Nam.”( Thông Điệp…, LT. số 30, trang 8).

Chúng ta trở lại những biến cố làm bối cảnh cho cuộc vận động mới này của Phật giáo miền Trung:

Hiến Chương Vũng Tàu phải thu hồi.

Tam Đầu Chế giải tán.

Ủy ban Lãnh đạo Lâm thời Quốc gia và Quân lực do Dương Văn Minh đứng đầu bàn giao cho Thượng Hội đồng Quốc gia do Phan Khắc Sửu làm chủ tịch.

Thượng Hội đồng Quốc gia bầu Phan Khắc Sửu làm quốc trưởng.

Quốc trưởng Phan Khắc Sửu chỉ định Trần Văn Hương làm thủ tướng.

Trần Thiện Khiêm ra nước ngoài, làm đại sứ tại Mỹ.

Dương Văn Minh, niềm hy vọng cuối cùng của Phật giáo, bị buộc phải lưu vong .

Các tướng già lần lược cho ra rìa.

Còn lại Nguyễn Khánh trong vai trò tổng tư lệnh quân đội, cùng đám tướng trẻ với cuộc chiến tranh chống Cộng sắp được Mỹ hóa và giải pháp tình thế với ba nhân vật dân sự Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Phan Huy Quát.

Việc Mỹ và Nguyễn Khánh đưa hai công cụ dân sự ra làm quốc trưởng và thủ tướng có chủ đích rõ ràng là mị dân và mạnh tay với Phật giáo để ổn định tình hình. Người Mỹ và Nguyễn Khánh muốn nói với quần chúng rằng: – chúng bay muốn chính quyền dân sự ư? Thì đây: một ông già (Phan Khắc Sữu) đã có một thời oanh liệt (chống độc tài Ngô Đình Diệm, mới được giải phóng từ nhà tù), nay tuối tuy có cao (90), tính tình tuy có  lẩm cẩm, cố chấp, khắc nghiệt, nhưng vẫn là một nhân sĩ đạo cao đức trọng, là mẫu mực tôn kính của người Việt Nam; và một người Nam Kỳ quốc (Trần Văn Hương) ngang bướng thô thiển, chống Cộng và chống phá Phật giáo điên cuồng.

Chống Cộng và chống Phật giáo tất nhiên sẽ được hậu thuẫn mạnh mẽ bởi các cựu Cần Lao và Khối Công giáo đấu tranh. Khối quần chúng hậu thuẫn đã có rồi, còn người hùng thì Nguyễn Khánh hay một nhân vật nào đó trong đám các tướng trẻ? Đại Sứ Taylor và CIA sẽ tiếp tục truy tìm và chọn lựa (người có khả năng giúp Mỹ đánh thắng Cộng Sản) trong các biến cố mà họ đang và sẽ dàn dựng.

Đối tượng đấu tranh đầu tiên của cuộc đấu tranh mới (của Phật giáo) là chính phủ Trần Văn Hương. Sau lưng chính phủ Trần Văn Hương là Nguyễn Khánh và Mỹ.

Về phương pháp đấu tranh, cuộc vận động mới quay trở lại với đường lối và cách thế bất bạo động thời chống độc tài Ngô Đình Diệm: hội thảo, ra tuyên ngôn, gởi kiến nghị, mít tin, biểu tình, bãi khóa, đình công, bãi thị, tuyệt thực, và nếu tình thế yêu cầu thì tự thiêu.

Về lực lượng đấu tranh  đã có sẵn những tổ chức phật tử được hình thành và rèn luyện qua các cuộc đấu tranh chống Diệm, chống Khánh và Hiến chương Vũng Tàu. Các tổ chức Sinh viên phật tử, Học sinh phật tử, Giáo chức phật tử, Tiểu thương phật tử, Công tư chức phật tử, Công thương gia phật tử, Lao động phật tử, và còn có cả Quân nhân phật tử mới thành lập. Tất cả đang  sẵn sàng làm nòng cốt cho cuộc vận động mới của toàn dân do các nhà sư và trí thức phật tử lãnh đạo.

Trần Văn Hương là một nhà cai trị theo chủ nghĩa cha chú: Chính quyền là cha mẹ của dân, cha mẹ bảo chi con làm nấy. Học sinh về trường học, tôn giáo về nơi thờ tự. Đường phố, quảng trường là của cảnh sát, công an, quân đội. An ninh, trật tự nhất định phải được vãn hồi. Uy quyền quốc gia phải được tái lập. Chính trị là việc của nhà nước, tôn giáo và học đường không được can dự vào, cho dù chính quyền đó gồm những ai, cai trị như thế nào. Quan điểm của Trần Văn Hương lúc này rất gần với Ngô Đình Diệm, mặc dù ông đã chống độc tài gia đình trị, bị Diệm bắt nhốt, mới được giải phóng từ sau đảo chính 1.11.1963.

Ngày 30.10 quốc trưởng Phan Khắc Sửu bổ nhiệm giáo sư Trần Văn Hương làm thủ tướng.

Ngày 4.11 Trần văn Hương ra mắt chính phủ. Chính phủ do ông thành lập toàn là những chính khách dân sự tuổi tác khá cao, đa phần là người Nam kỳ. Trung tướng Nguyễn Khánh được cử làm tổng tư lệnh quân đội. Trí thức và sinh viên Sài Gòn, sinh viên Huế nhìn vào tỏ ý nghi ngờ.

Ngày 5.11, bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ từ chức chủ tịch Thượng Hội đồng Quốc gia để phản đối Trần Văn Hương và chính phủ “già nua Nam Kỳ Quốc.”

Ngày 6.11 sinh viên Sài Gòn hội thảo phản đối thành phần nội các Trần Văn Hương.

Ngày 11.11 sinh viên Sài Gòn bày tỏ thái độ dứt khoát không thừa nhận chính phủ Trần Văn Hương già nua và nặng nề tính chất địa phương.

Ngày 16.11 sinh viên Sài Gòn yết kiến quốc trưởng Phan Khắc Sửu yêu cầu giải tán chính phủ Trần Văn Hương.

Chính phủ Trần Văn Hương phản ứng quyết liệt, ra lệnh thiết quân luật một tháng, tuyên bố sẽ dùng biện pháp mạnh để vãn hồi an ninh trật tự. Và đã dùng biện pháp quá mạnh đối phó với phong trào chống đối ông.

Ở Sài Gòn sinh viên, học sinh phối hợp với Phật giáo tổ chức đấu tranh. Viện Hóa Đạo trở thành trung tâm các cuộc vận động chống chính phủ độc tài, kỳ thị Phật giáo và địa phương chủ nghĩa.

Như thế là “Phật giáo Việt Nam đang bị sức mạnh đe dọa,” và “cuộc vận động mới sẽ không những cần thiết cho quốc gia mà còn cho chính của Phật giáo trong hiện tại” (Thông Điệp của đức tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Lập Trường số 30).

Ngày 13.12.1964 tại Sài Gòn, “Đức tăng thống Thích Tịnh Khiết và thượng tọa Thích Trí Quang, Thích Tâm Châu tuyệt thực 24 giờ.”(Đỗ Mậu, sđd, trg 539).

Ngày 18. 12. 1964, tại chùa Diệu Đế, nhà sư Thích Đôn Hậu chủ trì một lễ cầu nguyện “cho đất nước thoát khỏi chế độ phản bội bạo tàn Trần Văn Hương”. Hàng ngàn tăng ni, phật tử, học sinh, sinh viên đã tham gia lễ cầu nguyện. Sau lễ cầu nguyện, 80 tăng ni đã bắt đầu một cuộc tuyệt thực 24 tiếng đồng hồ. Một buổi phát thanh bắt đầu từ lúc 18g 30 nhằm phổ biến những tin tức đấu tranh chống Trần Văn Hương của nhân dân và Phật giáo tại Sài Gòn và các tỉnh trên toàn miền Nam, và phát đi một kiến nghị yêu cầu quốc trưởng Phan Khắc Sửu và Thượng Hội đồng Quốc gia giải tán chính phủ Trần Văn Hương. (Lịch Sử Phong Trào Đô Thị Huế  (LSPTĐTH ) - nhiều tác giả - nxb Trẻ tp HCM – 2015).

Ngày 19.12.1964:

    Buổi sáng:

          -Tổng hội Học sinh Phật tử Huế phát động cuộc bãi khóa để phản đối chính phủ Trần Văn Hương. Học sinh các trường trung, tiểu học công lập và tư thục (ngoại trừ các trường Công giáo) toàn thành phố Huế hưởng ứng.

          - Tổng hội Sinh viên Huế ra tuyên ngôn đòi chính phủ Trần Văn Hương giải tán.

     Buổi trưa: Sinh viên phật tử làm nòng cốt cho các hoạt động chống chính phủ Trần Văn Hương tại đại học Luật khoa Huế. Một tuyên ngôn của sinh viên Luật khoa Huế được phổ biến bày tỏ lập trường quyết liệt kêu đòi chính phủ Hương nhanh chóng giải tán.

     Buổi chiều: tại chùa Diệu Đế khoảng 120 học sinh phật tử tình nguyện tuyệt thực 14 tiếng đồng hồ dưới sự hướng dẫn của các tăng ni. (LSPTĐTH – nhiều tác giả - nxb Trẻ tp HCM 2015)

Ngày 18.12.1964, tại Sài Gòn do sự điều động của tướng Khánh, Hội đồng Quân lực được thành lập nhằm mục đích hổ trợ ông ta trong những mưu đồ chính trị sắp tới.

Ngày 20.12.1964, Hội đồng Quân lực quyết định giải tán Thượng Hội đồng Quốc gia,  bắt sáu (6) hội viên (trong đó có bác sĩ Lê Khắc Quyến, giáo sư Tôn Thất Hanh), tướng Đỗ Mậu và 14 chính khách, trí thức, lãnh tụ sinh viên đi an trí tại Pleiku. Hành động này của Nguyễn Khánh và Hội đồng Quân lực gây phẫn nộ cho phía Mỹ. Đại sứ Taylor đã gọi Nguyễn Khánh đến tòa Đại sứ để chỉnh lý. Nguyễn Khánh không đi. Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Chánh Thi, Lê Nguyên Khang tuân lệnh Khánh đến tòa Đại sứ và bị Taylor mắng mỏ như những tên học việc cứng đầu.( Việt Nam 1945 – 1995 Lê Xuân Khoa, Tiên Rồng xuất bản, 2004 tr326). Mâu thuẫn Mỹ – Khánh bắt đầu.

Ngày 20.12.1964, tại Huế, Tổng hội Sinh viên Huế ra tuyên ngôn phản đối hành động bạo ngược của Nguyễn Khánh và Hội đồng Quân lực. Tại chùa Diệu Đế, các thượng tọa, đại đức, tăng ni và phật tử các giới bắt đầu cuộc tuyệt thực đợt 3. Khoảng 200 vị đã tham dự đợt tuyệt thực này. (LSPTĐTH – Nhiều tác giả - nxb Trẻ TP HCM - 2015)

Công cuộc chống chính phủ Trần Văn Hương của phật tử và đồng bào các giới đã diễn ra liên tục từ cuối tháng 12.1964  đến cuối tháng 1.1965 tạị hai trung tâm lớn là Sài Gòn, Huế và khắp các tỉnh thành miền Nam. Sinh viên học sinh Huế bãi khóa. Tiểu thương bãi thị. Giáo chức, công chức, công nhân, lao động bãi công. Nhiều cuộc mít tin, biểu tình được tổ chức rầm rộ, thành phố Huế chỉ còn có hoạt động đấu tranh. (LSPTĐTH – nxb Trẻ tpHCM 2015)

Ngày 18.1 chính phủ Trần Văn Hương cải tổ. 4 tướng Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Trần Văn Minh, Linh Quang Viên tham gia nội các. Sự cải tổ theo hướng quân sự hóa này càng làm tăng thêm cường lực đấu tranh của Phật giáo: chống Hương, chống Mỹ.(LSPTĐTH – nxb Trẻ tp HCM 2015)

Ngày 20. 1 các nhà sư Thích Trí Quang, Thích Tâm Châu, Thích Thiện Hoa, Thích Pháp Tri, Thích Hộ Giác bắt đầu tuyệt thực tại Sài Gòn. Mít tin, biểu tình chống Hương, chống Mỹ tiếp tục gia tăng.( Đỗ Mậu sđd, trg 540)

Ngày 22. 1, một đoàn tăng ni kéo tới tòa đại sứ Mỹ với những biểu ngữ mang nội dung kêu đòi quyền tự quyết của nhân dân miền Nam.( Đỗ Mậu, sđd, trg 540)

Ngày 23. 1.1965

 - Tại Sài Gòn, Trần Văn Hương ra lời hiệu triệu “kêu gọi quốc dân thực hiện trách nhiệm để ổn định tình hình”. Ông lên án các hành động chống đối chính phủ, gọi các nhà sư tham gia đấu tranh là “lũ lưu manh cạo đầu mặc sắc phục tăng ni bày trò khỉ”. Trần Văn Hương đã bộc lộ đầy đủ tính chất của một người cai trị thô lỗ hung bạo. Ông quên rằng mình nguyên là một giáo sư và đang là thủ tướng. Nhân dân phẫn nộ – Phật giáo bất bình. Sự chống đối Hương – Khánh – Mỹ  phát triển đến  cao trào.

- Tại Huế, tất cả sự phẫn nộ bất bình của quần chúng đều đỗ về tòa lãnh sự Mỹ ở đường Đống Đa.( LSPTĐTH nxb Trẻ tpHCM 2015).

Ngày 23.1.1965

- Tại Huế :

  Buổi sáng: 200 tăng ni kéo đến tòa lãnh sự Mỹ dương cao các biểu ngữ:

        - Cám ơn Mỹ đã hy sinh vì lý tưởng tự do của nhân dân Việt Nam.

        - Phản đối Taylor đã ủng hộ chính sách tiêu diệt Phật giáo Việt Nam.

 Buổi chiều: Xe phóng thanh chạy khắp thành phố kêu gọi dân chúng tham gia mít tin, biểu tình. Khoản 10.000 người họp nhau tại nhà hát lớn làm mít tin. Sau mít tin đến biểu tình. Cả thành phố rộ lên bầu không khí chống Hương, chống Mỹ. Biểu ngữ căng dán khắp nơi trên các đường phố. Khẩu hiệu hét vang từ cửa miệng của nhiều người.

- Taylor hãy cút về nước – Kick out Taylor.

- Chúng tôi cần một vị đại sứ chứ không cần một viên toàn quyền.

- Taylor go home.

- Taylor phản lại đường lối của nhân dân Hoa Kỳ.

- Down with Maxwell Taylor.

- Độc lập hay là chết.

“Dưới ngọn cờ Phật giáo” nhưng các nhóm biểu tình tuần hành không phân biệt ai là Phật giáo chính danh, ai là người của Mặt Trận, ai là quần chúng tự phát, ai là  Đại Việt, là của Quốc Dân Đảng, thậm chí là chính quyền, là Mỹ?

Bên cạnh những biểu ngữ, khẩu hiệu mang màu sắc bất bạo động đã xuất hiệu những khẩu hiệu, những biểu ngữ, những lời chuyền tai quyết liệt hơn: Tàu xe không chuyên chở người Mỹ. Tiệm buôn quán xá không bán hàng cho người Mỹ. Không nhận thư từ, tiếp xúc, giao dịch các thứ với người Mỹ.

Từ các nẻo đường trong thành phố, các nhóm biểu tình kéo về tòa lãnh sự Mỹ và phòng Thông tin Hoa Kỳ. Nhiều người tay không, nhưng có một số  gạch đá và  xăng  được chở đến trên những xe buýt. Người trên xe buýt nhảy xuống. Tòa lãnh sự và phòng thông tin Hoa Kỳ bị đốt phá.

“Nghiệp đoàn xe buýt hỗ trợ việc đốt Lãnh sự Mỹ bằng cách chở đến bốn phuy xăng. Học sinh Nguyễn Thành Nhơn, một cơ sở cách mạng cùng một số sinh viên học sinh lăn các phuy xăng lên lầu, tưới và đốt tòa nhà đó.” (Thành Đoàn Huế - Những sự kiện lịch sử - trang 40).

“Rồi đoàn xe buýt ngừng lại, một số người trên xe nhảy xuống, tông cửa vào, chất bàn ghế, sách vở của Phòng Thông Tin tưới xăng đốt cháy. Trong khi đó một số người khác leo lên lầu liệng các máy móc dụng cụ xuống đất đập phá. Xe chửa lửa bị các xe buýt chặn lại không cho vào, nhân viên công lực bất lực. Ban Thường vụ sinh viên tranh đấu kêu gọi giải tán và cuộc biểu tình chấm dứt vào lúc 18g 20 cùng ngày.” (Trung Tâm dữ liệu Quốc Gia II, tp HCM, KH, PTT 15407 – Theo LSPTĐTH nxb Trẻ tp HCM 2015)

Việc đốt phá tòa Lãnh sự Mỹ và phòng Thông tin Hoa Kỳ tại Huế chiều 23.1.1965  là hành động bạo động. Sau 1975, tôi (Chu Sơn) hỏi Vĩnh Kha ai là người chủ động các vụ việc này? Vĩnh Kha nói: “- Trong thông điệp ngày 1.11.1964, Đức tăng thống nhắc nhở Phật giáo đồ “lưu tâm nhiều hơn nữa đến danh dự của Phật giáo Việt Nam”. Thế nào là danh dự của Phật giáo Việt Nam trong tình thế lúc bấy giờ? Ở giữa hai thế lực hung bạo sắt máu, danh dự của Phật giáo Việt nam là thể hiện tinh thần bất bạo động trong tất cả các cuộc đấu tranh vì mục đích Tự Do, Dân Chủ, Hòa Bình và Hòa Giải Dân Tộc. Sau kinh nghiệm không mấy danh dự mà Hội đồng Nhân dân Cứu quốc bị các phần tử ngoài Phật giáo lợi dụng gây bạo động ở Bình Định, Phan Thiết, Thầy Trí Quang luôn căn dặn chúng tôi về đức từ bi, về sự khoan hồng, đoàn kết, về tinh thần vô úy của đạo Phật và đặc biệt về phương pháp bất bạo động của Gandhi. Vụ chống Trần Văn Hương – là người lãnh đạo lực lượng sinh viên học sinh tranh đấu – chúng tôi chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của các thầy. Mệnh lệnh ấy cũng phù hợp với tư tưởng, tình cảm của  đa số phật tử chúng tôi. Chúng tôi hết sức cản ngăn nhưng không thành. Tòa Lãnh sự Mỹ và phòng Thông tin Hoa Kỳ bị đốt trước mắt chúng tôi. Một thiểu số ít phật tử cũng nhúng tay vào. Khí thế của quần chúng mạnh mẽ quá. Họ có cái lý của họ. Ngay lời kêu gọi bất bạo động của thầy Trí Quang cũng chẳng cứu vãn được gì”.

Tôi hỏi: “ – Các anh không trách nhiệm gì trước thực tế có nhiều người lợi dụng “ngọn cờ Phật giáo sao”? Vĩnh Kha trả lời: “ – Chúng tôi có trách nhiệm của chúng tôi. Quần chúng có trách nhiệm của quần chúng. Công cuộc đấu tranh chống độc tài và can thiệp Mỹ đã trở thành mục tiêu chung của quần chúng nhân dân. Không chỉ người của Mặt Trận mới lợi dụng “ngọn cờ Phật giáo”. Đại Việt, Quốc Dân Đảng cũng lợi dụng. Ngay cả chính quyền và người Mỹ cũng lợi dụng “ngon cờ Phật giáo” để chống Phật giáo. Vụ đốt phá tòa Lãnh sự và phòng Thông tin Hoa Kỳ do tay chân của Mỹ – Việt khởi sự để bôi nhọ chúng tôi – những người chủ trương bất bạo động. Diễn biến sự việc tiếp theo là của quần chúng. Quần chúng cũng có yêu cầu của mình: bày tỏ sự phẫn nộ đối với xâm lược Mỹ. Chúng tôi ở giữa, dù không muốn, trong chừng mực nào đó, chúng tôi cũng phải “chia phần” hậu quả từ cả hai phía. Chỉ  nhìn từ một góc nhỏ không thể hiểu biết hết cuộc chiến tranh này”.

Để hiểu biết đầy đủ hơn sự thực về hai vụ đốt phá tòa Lãnh sự và phòng Thông tin Hoa Kỳ chiều 23.1.1964, chúng ta có thêm các tài liệu sau đây:

Trong Tự Truyện, Nguyễn Đắc Xuân nhớ lại vụ bạo động tại phòng Thông Tin Hoa Kỳ chiều 23. 1. 1964 như sau:

“Ngọn lửa bốc cháy từ phía trái USIS, chuyện quá bất ngờ đối với tôi. Tôi chạy về cấp báo cho Tổng hội sinh viên thì thấy Thượng tọa Thích Trí Quang tay cầm loa đứng trên một chiếc xe jeep mui trần chạy ngược từ ngã năm Sap – phăng – rông  đến. Thầy gọi tôi, tôi leo lên xe đứng sau thầy. Thầy kêu gọi dân chúng bình tĩnh, ngừng tay phá hoại, vì phá hoại là bạo động, là đi ngược lại tinh thần bất bạo động của Phật Giáo. Nhưng giữa ngọn lửa thịnh nộ như thế mọi lời kêu gọi của Thượng tọa Trí Quang không còn thiêng nữa”

Hoàng Nguyên Nhuận (Hoàng Văn Giàu)  trong bài trả lời phỏng vấn do Quán Như thực hiện (công bố trên giaodiemonline.com/2013/6) có mấy dòng như sau về vụ hai vụ bạo động phòng Thông tin và tòa Lãnh Sự Mỹ:

“Tôi không chủ trương cũng không phát động việc này, chỉ vì tôi không muốn bạo động, thế thôi. Cũng không nói Cộng sản nằm vùng len lỏi vào phong trào đấu tranh để làm việc này vì bằng chứng cụ thể sau 1975, trong phong trào báo cáo kể công, không một ông bà cộng sản nào kê khai thành tích nầy, một vài sinh viên sau này chạy qua bên kia cũng chưa bao giờ dám khoe thành tích đốt nhà đốt xe Mỹ cả. Họ không làm (…), các cơ quan an ninh Mỹ Việt hồi đó biết rõ là tay chân của Mỹ và những người muốn phá hoại uy tín của phong trào đấu tranh Phật Giáo đã làm việc nầy để biện hộ cho việc  Mỹ lựa chọn Thiệu Kỳ và để biện minh cho việc Thiệu Kỳ triệt hạ phong trào miền Trung năm 1966. Một vài Phật tử chánh hiệu cũng sa vào bẩy bạo động này mà không hay”.

Trong công điện truyền tay của nha Tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia  (VNCH – Sài Gòn) có đoạn:

“Trình rằng trước khi biểu tình, lúc 14g 30, ông Nguyễn Ngô, chủ tịch nghiệp đoàn vận tải công cộng đã đến tại bến xe buýt Đông Ba Huế ra lệnh cho các tài xế ngưng chạy để hưởng ứng cuộc biểu tình. Khi tuần hành qua Phòng thông tin Hoa Kỳ, thì trên xe đã chất sẵn đá và củi từ trước nên số người ngồi trên đã dùng để liệng vào Phòng thông tin. Xăng để đốt cũng được chuẩn bị sẵn từng thùng trên xe buýt số TCA.067 và TCA.305. Chính Nguyễn Ngô đã tổ chức cuộc đốt phá, mặc dù ban Thường vụ sinh viên đấu tranh đã hết lòng giải thích và ngăn chặn nhưng vô hiệu. Nguyễn Ngô trước đây là một tên đặc vụ đắc lực của Ngô Đình Cẩn trong giới nghiệp đoàn, đồng thời là một tay sai kinh tài cho Ngô gia”.

Sau sự cố tòa Lãnh sự và phòng Thông tin Hoa Kỳ, nhà sư Thích Trí Quang vào Sài Gòn, ngày 28.2.1964, tổ chức họp báo bày tỏ mục tiêu đấu tranh của Phật giáo. Ông tuyên bố: “Chỉ cần đừng dung túng những phần tử xấu thuộc chế độ cũ, và đừng xem Phật giáo là Cộng sản. Phật giáo không chống Mỹ, nhưng Việt Nam cũng không thế bị hiểu là tay sai của Mỹ”.

Tại Huế sinh viên, học sinh và quần chúng các giới vẫn tiếp tục rầm rộ đấu tranh.

Chính quyền thiết quân luật. Tướng Nguyễn Chánh Thi, tư lệnh quân đoàn I, đại biểu chính phủ tại Trung phần ra lệnh cấm quần chúng mít tin, biểu tình và không được chống Mỹ.

Phong trào chống Hương, chống Mỹ từ Huế, từ Sài Gòn lan rộng khắp các tỉnh miền Nam và miền Trung. Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt,… đâu đâu cũng vang vọng tiếng nói quyết liệt chống độc tài Trần văn Hương và can thiệp Mỹ.

Tại Sài Gòn: Hội đồng Quân lực họp khẩn cấp từ ngày 27 qua ngày 28, ra quyết định lưu nhiệm quốc trưởng Phan Khắc Sửu, ủy nhiệm Tướng Khánh giải quyết cuộc khủng hoảng, triệu tập Hội đồng Quân dân gồm 20 người là đại diện các tôn giáo, đảng phái, nhân sĩ và quân lực. Nhiệm vụ của hội đồng là chuẩn bị tổ chức Quốc dân đại hội. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Oánh được cử làm quyền thủ tướng thành lập chính phủ mới. Trần Văn Hương bị loại khỏi chính trường. Cuộc đấu tranh của Phật giáo và nhân dân miền Nam tạm thời lắng xuống.