Phong trào Phật giáo miền Trung – Huế
từ Chấn hưng đến Dấn thân

 

Chu Sơn

 


 

Phần Hai

Phong trào Phật giáo Miền Trung - Huế

thời kỳ dấn thân (1954-1966)

 

*****

Chương I

 

Chương II

 

Chương III

Miền Nam – Sài Gòn sau ngày 1 tháng 11 năm 1963

                     

Trưa ngày 1.11 cuộc đảo chính bắt đầu. Sáng ngày 2.11 Trung tướng Dương Văn Minh qua đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố cách mạng thành công. Hội đồng Quân nhân Cách mạng (HĐQNCM) được thành lập do trung tướng Dương Văn Minh làm chủ tịch. Các Tướng Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, Lê Văn Kim, Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Văn Vĩ, Trần Văn Minh, Lê Văn Nghiêm, Mai Hữu Xuân, Đỗ Mậu, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Hữu Có, Cao Văn Viên… là những ủy viên lớn nhỏ của Hội đồng. Hội đồng công bố đường lối, sách lược, vai trò, nhiệm vụ của mình:

- Giải tán quốc hội, tạm ngưng hiến pháp 26.10.1956, giải tán các cơ quan quyền lực, các tổ chức chính trị, đoàn thể thuộc chế độ Cần lao Thiên Chúa giáo và gia đình trị Ngô Đình Diệm, trừng trị các cá nhân gây tội ác, tịch thu tài sản mờ ám của các nhân vật liên quan.

- Xác định chế độ Cộng Hòa, công nhận các quyền công dân cơ bản, xóa bỏ các sắc luật, định chế và văn bản pháp qui sai trái, lỗi thời; chấm dứt tình trạng kỳ thị tôn giáo, trao trả tự do và xét lại các bản án cho những người bị chế độ Diệm xét xử bất công.

- Qui định quyền hạn và nhiệm vụ của Hội đồng Quân nhân Cách mạng. Hội đồng Quân nhân Cách mạng đảm trách cả lập pháp, hành pháp và tư pháp. Chủ tịch HĐQNCM sẽ là quốc trưởng. HĐQNCM chỉ định chính phủ lâm thời và thành lập Hội đồng Nhân sĩ.

- HĐQNCM sẽ trao trả quyền cai trị đất nước cho các cơ quan quyền lực dân cử (sẽ được bầu ), trở về quân đội.

Lâm thời các minh định trên là tích cực, gây được niềm tin và hy vọng cho nhiều người. Trên phương diện ngoại giao, chỉ hai ngày sau đảo chính Hoa Kỳ và 20 quốc gia khác trên thế giới công nhận chế độ mới.

Ngày 5.11 Hội đồng Quân nhân Cách mạng chỉ định ông Nguyễn Ngọc Thơ làm thủ tướng đứng ra thành lập chính phủ. Chính phủ có 15 bộ. 6 nhân vật và 5 sĩ quan cao cấp của chế độ cũ làm bộ trưởng.

Nhìn từ góc độ nội chính, cuộc cách mạng 1.11.1963 rốt cùng chỉ là cuộc đảo chính lật đổ anh em nhà Ngô. Hội đồng Quân nhân Cách mạng, đặc biệt tướng Dương Văn Minh, muốn làm cách mạng ôn hòa, không gây đổ vỡ to lớn, muốn đoàn kết dân tộc. Cuộc đảo chính chỉ thay đổi vai trò, vị trí của các nhân vật chóp bu và một số ít cấp dưới – những người không che dấu được các tội ác và sai lầm quá lớn. Trong khi đó, “ nhiều nhân vật cao cấp được mời ở lại, giám đốc các cơ quan trung ương hoặc các cấp bộ địa phương vẫn giữ nguyên người của chế độ cũ, đa phần là Cần lao Công giáo.” (Đỗ Mậu sđd trang 520).

Ba ví dụ điển hình: một là trường hợp Nguyễn Ngọc Thơ, hai là trường hợp Nguyễn Khánh, ba là trường hợp Cao Văn Viên. Nguyễn Ngọc Thơ là viên chức cao cấp của nhà nước Thuộc địa Pháp, là phó tổng thống của chính quyền Ngô Đình Diệm. Nguyễn Khánh là người đã cứu “Ngô tổng thống anh minh” trong cuộc đảo chính của nhóm Nguyễn Chánh Thi –Vương Văn Đông năm 1960, được Diệm trả công – thăng trung tướng, bổ nhiệm tư lệnh quân đoàn II. Cao Văn Viên, đại tá, đảng viên Cần Lao, trong đảo chính đã tuyên bố thẳng thừng trước các tướng lãnh cầm đầu rằng ông trung thành với “lãnh tụ Ngô Đình Diệm”. Vợ ông ta còn là người đã hoạt động tích cực trong Phụ nữ Liên đới của Bà Ngô Đình Nhu. Sau đảo chính, Nguyễn Ngọc Thơ được chỉ định làm Thủ tướng, Nguyễn Khánh được thăng chuyển làm tư lệnh quân đoàn I, Cao Văn Viên vẫn được tiếp tục làm sư đoàn trưởng Dù. (theo Đỗ Mậu. Sách đã dẫn). Nguyễn Ngọc Thơ là nguyên nhân  hàng đầu để một số cá nhân và những phe nhóm trong, ngoài HĐQNCM, cũng như những người am hiểu chính trị và đông đảo quần chúng phê phán và tấn công Dương Văn Minh. Cao Văn Viên đã sử dụng sư đoàn Dù để hợp tác cùng Nguyễn Khánh, Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Chánh Thi vây bắt các tướng Đôn, Kim, Đính, Xuân, Vĩ, giết thiếu tá Nguyễn Văn Nhung (cận vệ của tướng Minh –  nghi can chính trong vụ sát hại hại ông Diệm Nhu) và cô lập Dương Văn Minh trong cuộc chỉnh lý do Khánh chủ xướng. Các tướng Trần Thiện Khiêm, Huỳnh Văn Cao, Đặng Văn Quang, Dương Ngọc Lắm, Ngô Du… là những trường hợp tương tự.

Về ngoại giao, Dương Văn Minh và HĐQNCM muốn chủ động thực hiện đường lối rộng mở: Nhận viện trợ Mỹ, hòa giải với Cam Bốt; một số không ít các thành viên trong HĐQNCM bày tỏ khuynh hướng kêu gọi Anh, Pháp, Đức viện trợ để giảm dần áp lực của Mỹ. Trên cương vị quốc trưởng, Dương Văn Minh ra lệnh xóa bỏ hệ thống ấp chiến lược – một chương trình to lớn mang tính chiến lược mà Mỹ và anh – em Diệm Nhu đã đổ nhiều tiền bạc, công sức, đặt rất nhiều hy vọng vào công cuộc đánh bại Cộng Sản và Thiên Chúa giáo hóa trên các địa bàn nông thôn này. Cũng trên cương vị quốc trưởng, Dương Văn Minh không đồng thuận với Mỹ trong các chương trình, kế hoạch mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. (Kế hoạch 34 A – tấn công bằng biệt kích, các kế hoạch tấn công bằng không quân nhằm tiêu diệt các cứ điểm quân sự, các kho tàng kinh tế và đê điều). (Theo Nguyễn Trần Thiết. Dương Văn Minh – Tổng thống Cuối Cùng… nxb Văn Hóa – Thông Tin – 2011).

 

Biến cố 1.11.1963 đối với các phe nhóm chính trị, các tôn giáo tại miền Nam

     

- Đối với Phật giáo

Phật giáo cho rằng lật đổ được anh em Ngô Đình Diệm là một thành công to lớn, là một cuộc cách mạng. Thành công ấy, cuộc cách mạng ấy trước hết công lao thuộc về Hội đồng Quân nhân Cách mạng, nhưng Phật giáo và nhân dân mới là nhận thức và nguồn sức mạnh đầu tiên và lâu bền của cách mạng.

Chính phong trào Phật giáo đã thúc đẩy Mỹ loại bỏ Diệm, và các tướng lãnh quyết tâm hơn trong việc lật đổ chế độ gia đình trị, khơi mào cho việc nhập cuộc của toàn dân, đặc biệt là giới sinh viên và trí thức. Trước tình hình Hội đồng Quân nhân Cách mạng và tướng Dương Văn Minh chủ trương một cuộc cách mạng ôn hòa (chỉ định Nguyễn ngọc Thơ thành lập chính phủ, không triệt để trong chính sách đối với người của chế độ cũ – đảng Cần Lao), một đường lối chính trị đối ngoại lý tưởng, hoặc không tưởng (giảm dần sự lệ thuộc Mỹ, chủ động hơn trong công cuộc xây dựng miền Nam, kiến tạo một sách lược thích hợp đối với Cộng Sản miền Bắc và Mặt trận Giải phóng). Trước tình hình đó, các nhà lãnh đạo Phật giáo miền Trung nhìn nhận rằng nhiệm vụ của mình còn rất nhiều khó khăn và nặng nề ở phía trước.

Trong “Tiểu Truyện Tự Ghi” của tì kheo Thích Trí Quang, chúng ta đọc được một câu sau đây:

“Nhưng ông Diệm đổ rồi, đúng như dự báo, vấn đề Phật giáo không phải là kết thúc mà là bắt đầu”.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất

Để bắt đầu công việc khó khăn và nặng nề còn phía trước, một mặt Phật giáo khẩn trương kết nối các tập đoàn, các hệ phái riêng lẻ, các giáo hội vùng miền về một mối, hình thành nên một giáo hội duy nhất, soạn thảo hiến chương, tổ chức các tổng vụ (với những chương trình – kế hoạch trước mắt cũng như lâu dài), các ban đại diện miền, một mặt kiện toàn và phát triển các giáo hội địa phương và các tổ chức phật tử.

Ngày 31.12.1963, tại chùa Xá Lợi, Đại hội Thống nhất Phật giáo khai mạc. Đại hội quyết định thành lập một cơ cấu lãnh đạo duy nhất lấy tên là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Cơ cấu tổ chức của giáo hội chia làm hai viện: Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo. Hội đồng lưỡng viện là cơ quan lãnh đạo tối cao nhưng có tinh cách tượng trưng.

Đứng đầu viện Tăng Thống là hòa thượng Thích Tịnh Khiết, phụ tá cho ông là thượng tọa Thích Trí Quang ( chức danh là tổng thư ký ).

Đứng đầu viện Hóa Đạo là thượng tọa Thích Tâm Châu, tổng thư ký của viện là cư sĩ Mai Thọ Truyền.

Trụ sở của viện Tăng Thống đặt tại chùa Ấn Quang.

Trụ sở của viện Hóa Đạo đặt tại chùa Xá Lợi.

Sau này –  năm 1966 (?), khi Việt Nam Quốc Tự xây dựng hoàn chỉnh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức tan rã, bộ phận Phật giáo miền Bắc do nhà sư Thích Tâm Châu cầm đầu dời trụ sở Viện Hóa Đạo từ chùa Xá Lợi về Việt Nam Quốc Tự. Từ đó quần chúng quen gọi nhóm Thích Tâm Châu là Phật giáo Việt Nam Quốc Tự, và nhóm Phật giáo miền Trung do nhà sư Thích Trí Quang lãnh đạo là Phât Giáo Ấn Quang.

Ngày 4.1.1964,  Hiến Chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thảo xong, đúc kết thành văn bản, công bố trước báo chí và phổ biến trong Phật giáo đồ. Hiến chương sẽ được chính quyền công nhận bằng một văn bản pháp qui.

Ngày 12.1.1964 các tổng vụ trưởng của hai viện Tăng Thống, Hóa Đạo và  đại diện ở các miền được công cử xong.

Trên nguyên tắc viện Hóa Đạo quản lý các tổng vụ sau đây: Tăng sự, Hoằng pháp, Văn hóa, Giáo dục, Xã hội, Tài chánh, Kiến thiết, Cư sĩ, Thanh niên, Gia Đình Phật Tử. Hai tổng vụ Tài chánh, Kiến thiết và Cư sĩ do các cư sĩ điều hành. Năm Tổng vụ còn lại do các tăng sĩ phụ trách. Trên thực tế các tổng vụ trọng yếu đều do các tăng sĩ miền Trung nắm giữ vì họ đã được đào tạo cho công cuộc dấn thân.

Theo chiều dọc, giáo hội hình thành hệ thống 4 cấp: trung ương, miền, tỉnh và chi hội. Dưới Hội đồng Lưỡng viện có Ban đại diện các miền bao gồm: Miền Vạn Hạnh, Miền Liễu Quán, Miền Khuông Việt, Miền Khánh Hòa, Miền Huệ Quang, Miền Quảng Đức, Miền Vĩnh Nghiêm. Dưới Ban Đại diện miền là các Tỉnh giáo hội. Dưới Tỉnh giáo hội là các Chi hội.  Chi hội quản lý các Khuôn tịnh độ hay Niệm phật đường.

Thống nhất Phật giáo là khát vọng chung của toàn thể tăng sĩ và phật giáo đồ, nhưng thực tế hoạt động phật sự tại miền Nam lúc bấy giờ vẫn chưa vượt qua  tình trạng chia rẽ và cát cứ, đặc biệt về khuynh hướng chính trị. Phật giáo di cư của thượng tọa Thích Tâm Châu cộng tác với chính quyền quân phiệt Nguyễn Văn Thiệu và ủng hộ cuộc chiến tranh chống Cộng của Mỹ. Phật Giáo miền Trung từ sau 1954 đã dứt khoát chọn hướng đi riêng là hòa bình, hòa giải và trung lập. Khuynh hướng này được tăng sĩ và phật tử miền Trung hưởng ứng triệt để, nhưng chỉ tác động trên một số ít các chùa và tỉnh giáo hội thuộc khu vực Sài Gòn Lục Tỉnh. Đa số phật tử ở đây tuân theo lập trường của cư sĩ Mai Thọ Truyền: trở lại với đời sống Phật giáo thuần túy sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, có thể cộng tác với các chính quyền sau Diệm. Chỉ một tháng sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành lập, ông Mai Thọ Truyền từ chức tổng thư ký Viện Hóa Đạo (Theo Nguyễn Lang: vì lý do sắp xếp nhân sự – VNPGSL). Khi Phật giáo miền Trung phát động cuộc đấu tranh đòi tận diệt Cần Lao và bầu cử Quốc hội lập hiến để tiến tới hình thành chính quyền dân sự thì sự mâu thuẫn giữa hai ông Tâm Châu và Trí Quang bắt đầu. Đến khi Mỹ đỗ quân, cùng Nguyễn Cao Kỳ đẩy mạnh cuộc chiến tranh ra Miền Bắc, và Nguyễn Văn Thiệu với sự lèo lái của Mỹ xây dựng chế độ quân phiệt ở Miền Nam thì quan hệ Trí Quang – Tâm Châu không còn cơ hội cứu chữa.

- Đối với Thiên Chúa giáo (Công giáo).

Cuộc đảo chính dẫn đến cái chết của hai ông Nhu – Diệm gây hoang mang lo sợ cho cộng đồng Thiên Chúa giáo. Không còn chỗ dựa để tiếp tục hoành hành và lo ngại bị trả thù, bị mất ưu thế, đa số trong cộng đồng tôn giáo chính trị này đổ tất cả tội lỗi lên đầu Phật giáo và Hội đồng Quân nhân Cách mạng. Cần phải trả thù và phục hồi tinh thần Ngô Đình Diệm nhằm khôi phục các lợi quyền  đã mất hoặc đang bị đe dọa tướt đoạt. Cuộc cách mạng ôn hòa của ông Dương Văn Minh và những lỗi lầm mắc phải của Hội đồng Quân nhân Cách mạng đã tạo cho họ cơ hội. Họ tập trung sức lực chỉa mũi nhọn về phía Phật giáo và ông Dương Văn Minh. Họ cho rằng ông Dương Văn Minh vì thù riêng mà giết hai ông Nhu Diệm; Phật giáo chủ trương trả thù Thiên Chúa giáo gây nên cuộc chiến tranh tôn giáo; Phật giáo còn là tay sai Cộng Sản, âm mưu trung lập – dọn đường cho Cộng Sản thôn tính Miền Nam. Thật khó phân biệt ai là Cần Lao, ai là Thiên Chúa giáo thuần túy giữa thời buổi nhiễu nhương ấy. Chỉ có người trong cuộc ( những Cần Lao – Thiên Chúa giáo thứ thiệt ), và những nạn nhân cùng gia đình của họ biết mà thôi. Mà nạn nhân của chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm và Cần Lao Thiên Chúa giáo thì đông vô số kể trong số 90% nhân dân miền Nam còn lại..

- Đối với các lãnh tụ sinh viên và lãnh tụ các đảng phái.

Công cuộc vận động của Phật giáo và những biện pháp không khoan nhượng của chế độ Cần Lao Thiên Chúa toàn trị Ngô Đình Diệm đã làm xuất hiện những lãnh tụ sinh viên và khôi phục sinh hoạt chính trị cho các lãnh tụ đảng phái vốn đã bị tan rã trong kháng chiến chống Pháp và bạo lực Cộng Sản (từ khởi nghĩa Yên Báy đến 1954 ), cũng như bạo lực Ngô triều ( từ sau1954 ). Sau chiến dịch Nước Lũ  ( 20 tháng 8 – 1963 ), hầu hết các lãnh tụ Phật giáo đều bị bắt giam, quần chúng phật tử như rắn không đầu. Các trí thức và lãnh tụ sinh viên đã đứng lên tiếp nhận vai trò lãnh đạo phong trào đấu tranh. Họ cũng tiếp tục bị bắt. Sau đảo chính 1.11.1963, họ được giải phóng khỏi các nhà tù, trở thành lãnh tụ của các phe nhóm sinh viên và đảng phái cách mạng. Họ cần có tiếng nói, vị trí và quyền lực trong chế độ mới. Họ nhận ra rằng Hội đồng Quân nhân Cách mạng, chính phủ Nguyễn Ngọc Thơ và cả Hội đồng Nhân sĩ chưa đáp ứng các nhu cầu cấp bách của đất nước, của đảng phái chính trị và của bản thân họ. Họ hình thành các phe nhóm trong sinh viên, trong các giáo phái (Cao Đài, Hòa Hảo, Công giáo, Phật giáo), trong các đảng phái đã có quá trình hoạt động cách mạng và chính trị (Đại Việt, Quốc Dân Đảng, Duy Dân…). Họ không kết hợp được thành một lực lượng đủ sức đối trọng với các chính quyền quân quản. Nhưng họ có thể mưu đồ với các tướng tạo tác nên những xáo trộn để gây thanh thế, áp lực. Họ là những phe nhóm nhỏ, trong nhiều trường hợp chỉ là những cá nhân. Ngay như đảng Đại Việt cũng phân liệt thành ba nhóm. Nhóm Nguyễn Tôn Hoàn  (người của Mỹ từ Pháp về) chỉ được hậu thuẫn bởi một bộ phận đảng viên và quần chúng miền Nam. Nhóm Hà Thúc Ký kết hợp với cộng đồng Thiên Chúa giáo miền Trung, chủ trương chống Cộng quyết liệt, phục hồi chế độ Cần Lao Ngô Đình Diệm. Nhóm Phan Huy Quát đại diện các đảng viên gốc miền Bắc có kinh nghiệm mâu thuẫn với giáo phái Thiên Chúa giáo Bùi Chu – Phát Diệm trong chiến tranh Việt – Pháp, có khuynh hướng gần gũi với Phật giáo miền Trụng. Cùng với các phe nhóm trong Thiên Chúa giáo, trong Phật giáo, trong các tướng tá; các lãnh tụ đảng phái, sinh viên sẽ là những nhân tố góp phần tạo tác nên những biến động sắp tới.

Sau khi loại bỏ Ngô Đình Diệm và chế độ độc tài gia đình trị, người Mỹ khẩn trương tìm kiếm một nhân vật được quần chúng ủng hộ nhiều hơn, có khả năng giúp Mỹ chiến thắng Cộng Sản. Sau một thời gian quan sát, người Mỹ không tìm thấy nhân vật đó trong Hội đồng Quân nhân Cách mạng, trong chính phủ Nguyễn Ngọc Thơ và trong Hội đồng Nhân sĩ. Hầu hết những người của tình thế mới này trưởng thành từ chế độ thuộc địa và nền văn hóa Pháp, không khế hợp với văn hóa và đường lối chiến tranh của Mỹ. Họ vừa muốn dựa thế lực Mỹ để nhận viện trợ, vừa muốn thân thiện hơn với Pháp và các nước tư bản khác ( để giảm bớt áp lực của Mỹ ), lại manh nha khuynh hướng tự chủ và trung lập. Vậy ai là người có thể đáp ứng các nhu cầu chiến tranh của Mỹ? Tòa Đại sứ, CIA khẩn trương tìm kiếm nhân vật đó trong những biến động sắp tới tại Sài Gòn. Đối tượng để tòa Đại sứ Mỹ và CIA tìm chọn là các tướng trẻ.