Phong trào Phật giáo miền Trung – Huế
từ Chấn hưng đến Dấn thân

 

Chu Sơn

 


 

Phần Hai

Phong trào Phật giáo Miền Trung - Huế

thời kỳ dấn thân (1954-1966)

 

*****

Chương I

 

Chương II

Cuộc dấn thân lần thứ nhất

Đấu tranh vì mục tiêu tự do và bình đẳng tôn giáo

Đương đầu với chính quyền Ngô Đình Diệm

 

1. Nguyên nhân gần : Cờ Phật giáo và mùa Phật Đản 1963

 

Sau 1954, tại Thừa Thiên Huế và một số tỉnh miền Trung, hằng năm đến mùa Phật Đản (ngày 8 tháng 4 ÂL) và lễ Vu Lan (ngày rằm tháng 7 ÂL) là tưng bừng lễ hội. Bàn thờ, cổng chào, xe hoa, lồng đèn, cờ xí, mô hình các sự tích, các biểu tượng liên quan đến ngày sinh và cuộc đời của đức Phật, các cuộc cắm trại của các Gia đình Phật tử, các sinh hoạt văn hoá, văn nghệ…không những rực rỡ, tưng bừng trong và ngoài khuôn viên các chùa lớn nhỏ – đặc biệt là chùa Từ Đàm và chùa Diệu Đế  – mà cả đến trên một số đường phố, công viên và hầu hết nhà riêng các gia đình cư sĩ. Ở Huế vào thời điểm ấy ít ra có đến trên dưới 70% gia đình hân hoan tham gia lễ hội. Thật là một cảnh tượng đẹp đẽ, yên vui, thanh bình. Nếu có một du khách đến Huế trong các dịp lễ hội ấy mà sau đó nghe tin có tình trạng đàn áp, kỳ thị tôn giáo tại Việt Nam thì chắc chắn người ta sẽ không tin và cho là vu khống, bịa đặt, nói xấu chính quyền.

     

Tuy nhiên, chuyện chính quyền Ngô Đình Diệm kỳ thị đàn áp, âm mưu tiêu diệt Phật giáo và độc tôn Thiên Chúa giáo là điều có thật. Chuyện xảy ra trong tất cả các cơ quan hành chánh, các đơn vị quân đội, các trường học và đặc biệt ở nông thôn. Ở Thừa Thiên – Huế chưa tới 10% dân số là người theo Thiên Chúa giáo. Số còn lại là người theo đạo Phật, đạo thờ cúng ông bà và tín ngưỡng dân gian, một số ít là tín đồ Tin Lành. Như vậy cứ cho người Thiên Chúa giáo chiếm tỷ lệ 10% trong các trường học, các cơ quan hành chính, các đơn vị quân đội, các nơi công cộng như chợ búa, bến tàu xe, rạp hát, rạp xi nê. Thế mà 90% người ngoại đạo lại phải suy tôn ông tổng thống Thiên Chúa giáo mỗi ngày. Những công chức  cao cấp lại phải cơm áo gạo tiền vào tận Nam bộ để học các khoá Duy linh – Nhân vị do ngài tổng giám mục Ngô Đình Thục, anh ruột ngài tổng thống chủ trì, các linh mục dạy dỗ; lại phải vào tận Sài Gòn, ra tận La Vang để dự các thánh lễ tại Vương cung thánh đường., lại phải dâng lễ vật lên ngài tổng giám mục nhân lễ Ngân Khánh, lại phải đút lót, biếu xén các của quí vật lạ lên ngài cố vấn chính trị miền Trung Ngô Đình Cẩn, lại bị đảng Cần Lao, Thanh niên Cộng hoà của ông Ngô Đình Nhu và Phụ nữ Liên đới của Trần Lệ Xuân chèn ép doạ nạt, lại bị vu khống là Việt cộng để rồi bị bắt bớ, tra tấn, tù đày và giết chóc. Năm 1957, kỳ nghỉ Phật Đản chính thức bị chính quyền bãi bỏ trong các trường học, học sinh không được nghỉ học như ngày Chúa giáng sinh. Ở nông thôn tình trạng này còn trầm trọng hơn. Ở nông thôn công cuộc Thiên Chúa Giáo hoá bắt đầu từ việc cha cố đi làm công tác tổ chức, tuyển chọn cán bộ, viên chức ở tận thôn ấp, xã phường, quận huyện. Công cuộc Thiên Chúa giáo hoá không chỉ bắt đầu từ trên xuống  mà còn từ dưới lên. Ở nông thôn phong trào “theo đạo có gạo mà ăn” là sự thật phổ biến. Cùng bần hoá nông thôn là một sách lược trong mưu đồ Thiên Chúa giáo hoá. Ở nông thôn các gia đình theo đạo Phật muốn yên ổn làm ăn, sinh sống chỉ còn cách theo đạo Thiên Chúa, bằng không thì tai ương hoạn nạn, hoặc còn có cách nữa là bỏ xứ mà đi. Ngày 20.2.1962 Phật giáo gởi một thư tố cáo lên tổng thống Diệm và chủ tịch Quốc hội về những tội ác mà chế độ đã thi hành đối với Phật tử ở Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên. Thư không được trả lời.( Linh mục Trần Tam Tỉnh, Dieu et Cesar, Sdestasie, Paris, 1974. Lm Vương Đình Bích dịch, Thập Giá và lưỡi Gươm, nxb Trẻ tp HCM, 1988 )

 

Quốc sách ấp chiến lược không chỉ nhằm một đối tượng duy nhất là Việt cộng mà còn là Phật giáo đồ. Công cuộc Thiên Chúa giáo hoá của chế độ Ngô Đình Diệm là một kế hoạch tiệm tiến, tằm ăn dâu. Đặc biệt tại thành phố Huế, nơi có tám chín mươi phần trăm quần chúng theo đạo Phật, Nho Phật, hoặc thờ cúng Tổ Tiên thì việc tiến hành kế hoạch đó lại cần thận trọng và kiên trì. Do vậy mà các lễ hội Phật Đản, Vu Lan được tổ chức hàng năm là một những cái gai gây nhứt nhối cho anh em nhà họ Ngô và tập đoàn Cần Lao Thiên Chúa giáo. Tuy nhiên những người có hiểu biết và kinh nghiệm chính trị đôi chút như Ngô Đình Cẩn, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu… thì có thể nhẫn nhịn chờ đợi, còn những người xốc nỗi như Trần Lệ Xuân, nóng vội như Ngô Đình Thục thì thời điểm 1963 là quá sức họ. Họ chẳng còn nghị lực để chứng kiến “cái vẻ nhơn nhơn đầy thách thức của cái đám ma quỉ bụt thần quê mùa dốt nát ấy” qua lễ hội Phật Đản 1963.

 

2. Diễn biến phong trào

 

Chiều ngày 6 tháng 5 năm 1963 Ngô Đình Thục từ La Vang vào lại tòa Tổng giám mục với lòng buồn bực và căm giận. Trên đường đi con người ôm ấp khát vọng trở thành hồng y ấy đã chứng kiến quan cảnh reo vui, cờ xí và cổng chào mà đồng bào Phật tử đã chuẩn bị để đón chào ngày Đản sinh của vị thầy vĩ đại. Thế là câu chuyện cấm treo cờ Phật giáo bắt đầu vào chiều hôm sau. Thế là cuộc đụng độ giữa hai lực lượng: chế độ Cần Lao Thiên Chúa giáo Ngô Đình Diệm và Phật giáo bắt đầu. Đây là một cuộc đụng độ kỳ lạ giữa một bên tua tủa dùi cui và ma trắc, lưỡi lê và súng ống, lựu đạn và xe tăng, xích sắt và nhà tù, tấn công và đàn áp, mưu ma và chước quỉ…, và một bên chỉ có tràng hạt và kinh mõ, kiến nghị và tuyên ngôn, biểu tình và tuyệt thực, đỉnh cao là vị pháp thiêu thân.

 

Chiều ngày 7 tháng 5 năm 1963, theo lệnh từ Sài Gòn, cảnh sát Thừa Thiên – Huế đến từng nhà, từng chùa bảo gỡ bỏ các Phật kỳ và những lễ vật trần thiết ngoài khuôn viên. Quần chúng Phật tử ngỡ ngàng, phẫn nộ, nhiều người bất tuân. Chẳng bao lâu sau đó, khoảng 5000 Phật tử dẫn đầu bởi hai vị sư già là Thích Giác Nhiên, Thích Tịnh Khiết và một số nhà sư thuộc giáo hội Phật giáo miền Trung – Huế đến tòa hành chánh chất vấn tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng. Ông Đẳng bảo là cảnh sát đã hiểu lầm mệnh lệnh thượng cấp và cho xe đi loan báo để đồng bào Phật tử yên tâm tiếp tục mừng Phật Đản. Nhưng về phía cảnh sát thì cứ thi hành triệt để mệnh lệnh họ nhận được.

 

Sáng ngày 8.5.1963, như nhiều năm trước, lễ Phật Đản tổ chức chính thức tại chùa Từ Đàm. Thông thường lễ khai mạc vào khoảng 8 giờ. Nhưng năm nay lễ Phật Đản khai mạc chậm vì đoàn rước Phật từ chùa Diệu Đế chưa lên kịp. Nguyên do là khi đoàn rước Phật đi qua đường phố Trần Hưng Đạo, nhiều biểu ngữ có nội dung chống đối chính quyền được trương ra không do chủ ý của ban tổ chức. Nhà sư Thích Mật Hiển (người chỉ huy cuộc rước)  ra lệnh dẹp bỏ đi. Phải mất nửa tiếng đồng hồ vì vụ việc này. Nhưng khi đoàn đi qua bên kia cầu Trường Tiền, những biểu ngữ ấy lại xuất hiện. Sợ  trễ giờ khai mạc, nhà sư Mật Hiển chẳng làm gì hơn là cứ để đoàn tiếp tục diễn hành. Đến Từ Đàm, đoàn rước Phật với những biểu ngữ bất thường được biển người đang có mặt hoan hô nhiệt liệt. Nguyên văn những biểu ngữ ấy như sau:

 

- Kính Mừng Phật Đản.

- Cờ Phật giáo quốc tế không thể bị triệt hạ.

- Phật giáo đồ nhất trí bảo vệ chánh pháp dù phải hy sinh.

- Yêu cầu chính phủ thi hành chính sách tôn giáo bình đẳng.

- Phản đối chính sách bất công gian ác.

- Đã đến lúc chúng tôi bắt buộc đấu tranh cho chủ trương tôn giáo bình đẳng.

- Chúng tôi không từ chối một hy sinh nào.

 

Đoàn rước Phật đi vào vị trí được chờ sẵn. Quang cảnh chùa Từ Đàm sáng hôm ấy thật kỳ lạ. Cả biển người nhưng vẫn trật tự, im lặng và trang nghiêm. Trước lễ đài các nhà sư cao tuổi và các chức sắc đại diện chính quyền ngồi trên những ghế dành riêng. Trên lễ đài, trước máy phóng thanh, sau lời giới thiệu của nhà sư Thích Đôn Hậu, nhà sư Thích Trí Quang trình bày ý nghĩa ngày Phật Đản và làm sáng tỏ nội dung các biểu ngữ trên theo cách của ông. Lời ông ngắn gọn từ tốn nhưng chắc nịch và lôi cuốn. Ý ông nhẹ nhàng uyển chuyển nhưng cương quyết. Ông kết luận rằng những mục tiêu Phật giáo đề ra phải được thành đạt, nhưng đấu tranh trước sau cũng chỉ với phương pháp bất bạo động. Ngoài phương pháp bất bạo động phát xuất bởi lòng từ bi, trí tuệ và sự dũng cảm được huân tập từ lời Phật dạy, người Phật tử không có gì hơn.

 

Cả biển người yên lặng, ánh mắt của họ cùng hướng lên ông với lòng ngưỡng mộ dành riêng cho vị lãnh tụ. Vì lời ông cũng là tâm ý của họ.

 

Đàn áp đẫm máu tại đài phát thanh Huế

 

Như những năm trước, nội dung lễ Phật Đản được ghi âm, đài phát thanh Huế sẽ phát lại vào buổi tối. Thời bấy giờ máy thu thanh chưa phổ cập, nhiều người không có máy thường tập trung quanh đài phát thanh Huế để nghe các chương trình họ ưa thích.

 

Những trận đá banh do Huyền Vũ tường thuật trên đài phát thanh Sài Gòn chẳng hạn, quanh đài phát thanh Huế và cả chân cầu Tràng Tiền đầy đặc người đứng nghe. Tối Phật Đản 8.5.1963, số người đứng chờ nghe càng đông hơn. Ngoài những người không được nghe lời “Thầy” khi sáng trên Từ Đàm, còn có nhiều người hơn đến để chất vấn tại sao đài không thực hiện buổi phát thanh như ngày này năm trước? Có khoảng sáu bảy ngàn người vây quanh đài phát thanh với lòng tràn đầy phẫn nộ.

 

Từ sớm chính quyền đã ra lệnh Tiểu khu Thừa Thiên và Quân vụ thị trấn Huế cắm trại 100%. Thiếu tá Đặng Sĩ, (người Thiên Chúa giáo) phó tỉnh trưởng nội an chỉ huy binh lính, cảnh sát, mật vụ và các phương tiện chống biểu tình như xe vòi rồng, xe tăng, đến bao vây quanh đài phát thanh. Xe vòi rồng phun nước tứ tung, đạn mã tử từ các xe tăng bắn nổ chát chúa. Quần chúng nhất là thanh thiếu niên hổn loạn. Lựu đạn cay nổ khắp nơi. Lựu đạn thật, súng lớn, súng nhỏ bắn ra từ các xe tăng. Xe tăng xốc tới nghiền nát đám đông mặc kệ ông tỉnh trưởng và nhà sư Trí Quang đã cố gắng hết sức khuyên bảo đám đông giải tán và kêu gọi lực lượng an ninh có thái độ hòa hoãn. Nhưng cơn thịnh nộ của chính quyền Ngô Đình Diệm chẳng hề được kiềm chế. Cuộc đàn áp đã diễn ra vô cùng khốc liệt. Kết quả là tám thiếu niên bị giết chết và nhiều người bị thương. Ngày hôm sau các phương tiện truyền thông của chính quyền tại Huế và Sài Gòn loan tin là Việt Cộng ác ôn đã len lỏi vào đám biểu tình gây ra vụ tàn sát đẫm máu.

 

Một người Đức, bác sĩ Erich Wullff, giáo sư tại đại học Y khoa Huế từ năm 1961, chứng kiến từ đầu cuộc náo loạn tối 8 tháng 5 năm 1963 tại đài phát thanh Huế, đã mô tả về những nạn nhân của vụ tàn sát đẫm máu như sau:

 

“ Giữa đường trước khách sạn dành riêng cho cố vấn quân sự Mỹ, tôi gặp Paul Miller, một người Mỹ làm trong văn phòng đại học. Anh ta kể rằng: “họ đã đi qua đây. Thiếu tá Đặng Sĩ, người cầm đầu đoàn quân, đã bảo anh ta phải lánh mặt đi chỗ khác. Sắp có màn giết người, vì ông ta đang nhận được lệnh từ cấp trên dẹp vụ bạo loạn tại đài phát thanh với bất cứ giá nào”. Ngay cả Paul cũng không biết có người chết hay không. Anh ta đã trải qua trận bắn phá trong khách sạn “cố vấn”. Nhưng anh ta biết rằng thiếu tá Sĩ là người Ky tô quá khích và là một người thân tín của tổng giám mục Thục…”

 

“Khu nhập viện có khoảng 20 người bị thương đang nằm, không có ai bị thương trầm trọng cả…”

 

“Nhà xác nằm cạnh nhà thương điên…Dưới ánh sáng yếu ớt của đèn bạch lạp, chúng tôi thấy có bảy thân người đầy máu me được đặt trên ba bàn khám nghiệm bằng đá. Từ chân đến ngực thân thể còn nguyên vẹn. Nhưng năm cái xác – tất cả là trẻ em thì không còn đầu. Nơi một người phụ nữ thì có những vết đạn  bắn vào cánh tay, vai và cổ. Các xe thiết giáp đã bắn nát đầu các em thiếu nhi, có lẽ vào lúc các em leo qua hàng rào của đài phát thanh và nhô đầu ra trước…”

 

“… Khi tôi muốn quay đi không muốn nhìn cảnh thê thảm này nữa, thì tôi chợt thấy bên cạnh một cánh tay của một xác trẻ em, một con mắt dính vào một ít da đầu và một khúc xương trán…”

 

(Lễ Phật Đản tại Huế – Trích hồi ký của Erich  Wulff – Việt dịch Minh Nguyên – kỷ niệm 40 năm Phong trào Phật giáo 1963)

 

Tuyên ngôn 10. 5. 1965

 

Sau vụ đài phát thanh, chính quyền Ngô Đình Diệm tại Thừa Thiên – Huế dưới sự điều động của phó tỉnh trưởng nội an Đặng Sĩ đặt cố đô trong tình trạng báo động. Quân đội, cảnh sát, công an, mật vụ với xe pháo, vũ khí và những phương tiện đặc biệt chống “nổi loạn” sẵn sàng ứng chiến trước và trong khuôn viên Quân vụ Thị trấn. Quanh chùa Từ Đàm nhiều binh lính súng gắn lưỡi lê, lưng đeo lựu đạn đi lại với vẻ mặt đằng đằng sát khí. Các nhà sư và trí thức Phật tử họp, soạn thảo một bản tuyên ngôn gởi tới tổng thống Ngô Đình Diệm. Tuyên ngôn gồm 5 điểm (gọi là 5 nguyện vọng):

 

1/ Đề nghị chính phủ  thu hồi vĩnh viễn công văn triệt hạ giáo kỳ Phật giáo.

2/ Đề nghị chính phủ công nhận quyền tự do truyền đạo và thực hành tôn giáo của tăng ni tín đồ Phật giáo.

3/ Đề nghị chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ và khủng bố tín đồ Phật giáo.

4/ Đề nghị chính phủ đối xử công bằng đối với Phật giáo cũng như Thiên    Chúa giáo và bãi bỏ Dụ số 10 xem Phật giáo như một hiệp hội.

5/ Đề nghị chính phủ bồi thường xứng đáng cho những nạn nhân vô tội bị sát hại tại Đài phát thanh Huế và trừng phạt đích đáng kẻ chủ mưu và cố tình gây ra tội ác.

 

Có người bảo đây là cuộc đụng độ giữa Đông và Tây, giữa Phật giáo và Thiên Chúa giáo.

 

Tôi không nghĩ như thế.

 

Có người bảo đây là cuộc đấu tranh sinh tồn giữa một bên là Phật giáo Việt Nam đã hồi sinh sau mấy trăm năm suy đồi hội nhập với một số khía cạnh tích cực của nền văn minh hiện đại, và một bên kia là tập đoàn phong kiến Nho giáo lạc hậu, lỗi thời kết hợp một cách bản năng với cặn bã của nền văn minh Thiên Chúa giáo biến dị trong bối cảnh của cuộc chiến tranh Việt – Mỹ.

 

Trên đại thể tôi chia sẻ nhận định này.

 

Phong trào Phật giáo chống tập đoàn Ngô Đình Diệm nổ ra tại Huế – miền Trung vào giữa tháng 5 năm 1963 và kết thúc tại Sai Gòn vào đầu tháng 11 năm ấy, gây sửng sốt cho cả Việt Nam và toàn thế giới, ở ngoài dự kiến của chính phủ Mỹ và đảng Cộng Sản. Không ai có thể hình dung trong lòng Việt Nam ngoài sức mạnh kháng chiến Cộng Sản còn có một nội lực hùng hậu và lạ lẫm đến như thế.

 

Đế quốc Mỹ tính toán sức mạnh trên trên khối lượng, tính năng vũ khí và đồng đô la.

 

Đảng Cộng Sản Việt Nam dự hoạch sức mạnh tổng hợp quân sự và chính trị. Chính trị trong tư tưởng chiến tranh nhân dân cũng là một hình thái bạo lực.

Phong trào Phật giáo đã thể hiện một sức mạnh khác, đó là sức mạnh của tình yêu, của tinh thần vô uý và của chỉ với phương sách bất bạo động.

      

Từ năm 1960, chế độ Ngô Đình Diệm ở trong một tình thế phức tạp và cực kì mâu thuẫn.

 

Một mặt anh em nhà họ Ngô và bầu đoàn yên trí rằng mình đã bước vào thời kỳ ổn định. Bởi tất cả các đối thủ, các chướng ngại đều bị đánh tan, dẹp yên và công cuộc Cần Lao Thiên Chúa giáo hoá guồng máy quyền lực đã đặt xong nền móng. Hầu như tất cả các đơn vị quân đội, các cơ quan hánh chính, các ban ngành từ trung ương xuống địa phương quận huyện, phường xã, thôn ấp, các nguồn lợi kinh tế béo bở đều đã được dàn xếp, ban phát cho người của tập đoàn và bè cánh nắm giữ. Mỹ tăng cường viện trợ quân sự, kinh tế và hỗ trợ ngoại giao để phát triển uy thế của Diệm trên trường quốc tế. Nhờ có trực thăng, thiết vận xa M 113 và cố vấn quân sự Mỹ mà quân đội Việt Nam Cộng Hoà tổ chức được những cuộc hành quân thọc sâu hơn các căn cứ kháng chiến. Các toán biệt kích, thám báo được tung nhiều hơn vào lãnh thổ miền Bắc và các vùng căn cứ kháng chiến bên Lào và Campuchia. Anh em nhà họ Ngô thỏa thuê trước những gì đạt được, tin chắc chiến thắng Cộng Sản là ở trong tầm tay, công cuộc biến miền Nam thành một nước Thiên Chúa giáo được Đức Mẹ phò trợ và cả Thế giới Tự do vỗ tay.

     

Mặt khác, đại bộ phận nhân dân miền Nam ngày một thấy rõ hơn bộ mặt thật phản dân hại nước của tập đoàn Ngô Đình Diệm. Rất nhiều người đã tin tưởng hoặc đã cộng tác, thân cận với anh em nhà họ Ngô lần hồi tỏ ra chán nản, bất mãn, oán ghét, căm thù chế độ. Nhóm 18 nhân vật họp ở khách sạn Caravelle ra tuyên ngôn kêu gọi Diệm thực thi dân chủ và chấm dứt chế độ gia đình trị đa phần là những chiến hữu của ngài tổng thống. (tháng 4.1960). Nhóm Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông làm đảo chánh (tháng 11.1960) là những sĩ quan ưu tú của binh chủng nhảy dù. Đồng mưu với Thi và Đông gồm nhiều sĩ quan khác của quân đội Việt Nam Cộng Hoà và nhiều chính khách thuộc nhiều đảng phái, phe nhóm chính trị đã bị anh em Diệm loại bỏ khỏi cuộc chơi. Hai sự kiện này báo hiệu sự đổ vỡ trầm trọng trong lòng chế độ.

     

Tuy nhiên, biến cố quan trọng nhất trong năm 1960 là sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (MTGP), chấm dứt thời kỳ đen tối của các cán bộ chính trị nằm vùng trên toàn bộ các tỉnh thành miền Nam suốt năm sáu năm liền nhịn nhục, chịu đựng không biết bao nhiêu hành vi tàn ác hiểm độc từ các chiến dịch sát Cộng, diệt Cộng. Thực ra, MTGP xuất hiện chỉ là sự công khai hoá một thủ pháp chính trị trong sách lược cách mạng hai chân, ba mũi, ba vùng chiến lược từ nghị quyết 15 của Trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam, do ông Lê Duẩn – tổng bí thư  đề xuất. Nghị quyết 15 là ánh sáng đưa đường chỉ lối cho kháng chiến miền Nam. Kháng chiến miền Nam tiến lên bằng hai chân: chính trị và quân sự, tấn công bằng ba mũi: chính trị, quân sự, và binh vận trên cả ba vùng chiến lược là rừng núi nông thôn và thành thị.

     

Thế là chế độ Ngô Đình Diệm bắt đầu thời kỳ tứ phương thọ địch.

 

Năm 1961, rồi đến 1962 theo những tin tức tình báo Mỹ thì “Cộng quân tăng cường hoạt động trên 80% lãnh thổ ở nông thôn”. Ở thành phố Sài Gòn thì đặc công Việt cộng tấn công Mỹ bằng bom ở nhiều nơi.(Hoàng Linh Đỗ Mậu, Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi, nxb CAND, 1988).

     

Ngô Đình Diệm ban bố tình trạng khẩn trương. Kêu gọi Hoa Kỳ và các quốc gia khác thuộc phe Thế giới Tự do giúp đỡ.

      

Mỹ tăng cường quân viện, thành lập bộ tư lệnh quân đội Mỹ tại Sài Gòn (MACV). Tổng thống Kennedy gởi phó tổng thống Johnson tới Sài Gòn công kênh Diệm lên hàng nhà lãnh đạo tầm cở thế giới. Tuy nhiên tình hình của chế độ Diệm vẫn không tốt lên chút nào. Trong lòng chế độ tiếp tục đổ vỡ. Tháng 2 năm 1962, nhóm các sĩ quan không quân Phạm Phú Quốc, Nguyễn Văn Cử ném bom Dinh Độc Lập, làm đảo chánh hay cảnh cáo Diệm về tình trạng độc tài gia đình trị? Sau lưng nhóm này là những  chính khách thuộc các đảng phái, phe nhóm chính trị mà Ngô Đình Nhu gọi là đám xôi thịt.

     

Nhưng thảm hoạ của chế độ Ngô Đình Diệm thực sự bắt đầu từ trận đại bại Ấp Bắc. Ấp Bắc là một thôn nhỏ nằm cạnh thị xã Mỹ Tho, cách Sài Gòn 50 km về phía Tây. Nhiều tiểu đoàn Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) gồm bộ binh, biệt động quân, lính dù, lính bảo an, pháo binh, trực thăng, tàu chiến, thiết vận xa M 113 cùng 31 cố vấn Mỹ được điều tới đây để đánh nhau với một tiểu đoàn Việt cộng. Trận chiến xảy ra ác liệt. Quân VNCH bị đánh tan tác. Quân Việt cộng rút lui an toàn. Kết quả 65 binh lính và sĩ quan VNCH với 3 cố vấn Mỹ bị giết, nhiều người khác bị thương, 16 trực thăng bị bắn hạ hoặc hư hại nặng, mấy chiến xa, tàu thuỷ nhỏ, xe pháo bị bắn cháy, bắn chìm. ( Hoàng Linh Đỗ Mậu, sđd).

     

Lập trường của chính giới Mỹ đã chia hai sau trận Ấp Bắc. Đã có đề xuất thay Diệm bằng nhân vật khác để đánh thắng Cộng Sản.

     

Vụ Phật giáo nổ ra tại Huế trong nhận thức của Mỹ và tập đoàn Cần Lao Thiên Chúa giáo Ngô Đình Diệm lúc ban đầu chỉ là vấn đề địa phương không khó giải quyết. Chính giới Mỹ và phương Tây vào thời điểm ấy rất thiếu hiểu biết về Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng. Họ cũng rất thiếu hiểu biết về lịch sử Việt Nam và vai trò của Phật giáo trong công cuộc giành độc lập, xây dựng và bảo vệ đất nước. Tập đoàn Ngô Đình Diệm kế thừa quan điểm tự cao tự đại của các quan thầy của họ là giới Thừa sai và các giáo hội Thiên Chúa giáo quốc tế. Họ xem đạo Phật là bụt thần ma quỉ và các tăng ni là bọn quê mùa dốt nát. Họ nghĩ rằng Cộng Sản, Phong kiến Thực dân, Đảng phái, Giáo phái còn bị họ tiêu diệt, dẹp yên huống hồ gì một nhóm sư sãi tay không tất sắt, và đám sinh viên học sinh trẻ dạ non lòng.

 

Năm nguyện vọng mà Phật giáo miền Trung – Huế đề xuất sau vụ cấm treo cờ chiều ngày 7 tháng 5, và vụ đàn áp đẫm máu bằng xe tăng, lựu đạn trước Đài phát thanh Huế tối hôm sau, ngày 8 tháng 5, đã được gởi khẩn cấp tới chính quyền Ngô Đình Diệm. Nhưng nhiều ngày sau vẫn không có bất cứ một hồi âm nào, ngoại trừ những lời tố cáo cho rằng Việt cộng là thủ phạm sát hại 8 thiếu niên trước đài phát thanh Huế. Những dấu hiệu ban đầu ấy tiên báo rằng sẽ không có việc thoả mãn 5 nguyện vọng phải chăng, bức thiết và tối thiểu của Phật giáo đồ miền Trung – Huế.      

 

Thực ra 5 nguyện vọng của Phật giáo không ở ngoài các nguyên lí của hiến pháp và luật pháp Việt Nam Cộng Hoà về sự công nhận các quyền tự do và bình đẳng của các công dân, ngoại trừ câu viết lố lăng đầy ẩn ý ở phần mở đầu Hiến Pháp thời Đệ Nhất Cộng Hòa: “Ý thức rằng nước ta ở trên con đường giao thông và di dân quốc tế, dân tộc ta sẵn sàng tiếp nhận các trào lưu tư tưởng tiến bộ để hoàn thành sứ mệnh trước Đấng Tạo Hóa và trước nhân loại…)

 

Tuy nhiên trong việc thực hành luật pháp thì chính quyền Ngô Đình Diệm cho rằng:

 

       1/ Phật giáo đã không tôn trọng luật pháp khi treo cờ ở nơi công cộng.

       2/ Phật giáo chỉ là một hiệp hội theo qui định của dụ số 10 do Bảo Đại ký năm 1950. Theo tinh thần của dụ số 10 thì các hiệp hội (như hội đá banh, hội thả diều…) chỉ được phép hay bị đình chỉ hoạt động theo quyết định của chính quyền địa phương. Như vậy Phật giáo trong tư cách pháp nhân là một hiệp hội không thể đòi các quyền tự do của một tôn giáo và không có quyền đòi bình đẳng với Thiên Chúa giáo là một tôn giáo đích thực và duy nhất được công nhận trong chế độ Việt Nam Cộng Hoà.

     

Theo tinh thần và cách lập luận đó, anh em Ngô Đình Diệm và chính quyền Cần Lao Thiên Chúa cho rằng không có tình trạng bắt bớ khủng bố tôn giáo mà chỉ có chuyện trừng trị theo pháp luật những hội viên hiệp hội (Phật giáo) nào vượt quá quyền hạn của mình (được qui định bởi dụ số 10 dành cho các hiệp hội) và vi phạm luật pháp. Hoặc giả: Những người mà Phật giáo cho là phật tử bị bắt bớ, khủng bố chỉ là bọn Cộng Sản đội lốt, mà Cộng Sản thì đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật theo luật số 10/59 (cũng con số 10).

     

Về phía Phật giáo đã nhìn nhận vấn đề và những sự kiện theo một cách khác:

1/ Nếu bảo treo cờ tôn giáo ở nơi công cộng trong các lễ hội tôn giáo là vi phạm luật pháp thì chính gia đình, chính quyền Ngô Đình Diệm và giáo hội Thiên Chúa giáo đã vi phạm nhiều vô số kể. Bằng chứng là:

 

- Lễ Giáng Sinh hàng năm được tổ chức tưng bừng trong và ngoài nhiều khu vực công cộng: trong các doanh trại quân đội, trên các đại lộ công viên ở Sài Gòn, Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Qui Nhơn, Nha Trang, Đồng Nai…Nói chung là khắp các tỉnh thành miền Nam.

 

- Năm 1959, cờ xí giáo hội La Mã, ảnh tượng đức mẹ tràn ngập nhiều nơi công cộng tại Sài Gòn và nhiều tỉnh thành khác nhân đại hội Thánh Thể và lễ nâng nhà thờ Đức Bà lên hàng Vương cung thánh đường.

 

- Năm 1961, tại Quảng Trị, nhân lễ kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra và khánh thành Vương cung thánh đường La Vang; cờ xí, ảnh tượng, khải hoàn môn thiết trí khắp nơi trên quốc lộ 1 từ Huế qua Quảng Trị đến La Vang và nhiều khu vực khác trong tỉnh Quảng Trị. Đồng bào ngoài Thiên Chúa giáo tỉnh Quảng Trị cũng bị bắt ép đi dự Thánh lễ.

 

- Lễ khánh thành nhà thờ Chúa Cứu Thế do Ngô Đình Thục chủ quản xây cất, và lễ Ngân Khánh (kỷ niệm 25 năm linh Mục Ngô Đình Thục được phong giám mục 1938 – 1963) của ngài tổng giám mục cũng đã phô diễn quan cảnh như vậy khắp nơi phía bờ Nam sông Hương. Rất nhiều viên chức, sĩ quan và tướng lãnh quân đội, thương gia ngoài Thiên Chúa giáo cũng bị thúc ép hiến dâng lễ vật lên Đức Cha.

 

2/ Dụ số 10 là một sản phẩm, một thủ đoạn của thực dân Pháp, vua Bảo Đại chỉ là kẻ thừa hành. Thực dân Pháp áp lực để Bảo Đại ký Dụ này nhằm mục đích trước mắt và là hạn chế, tiêu diệt Phật giáo, tạo điều kiện thuận lợi cho Thiên Chúa giáo bành trướng. Mục đích lâu dài và thâm độc hơn là chuyển đổi tâm hồn, não tuỷ Việt Nam từ truyền thống (trong đó có phần đóng góp quan trọng của đạo Phật) qua Thiên Chúa giáo, biến vĩnh viễn đất nước này thành lãnh thổ phía Đông của nước mẹ Đại Pháp. Ngô Đình Diệm đã “bài phong, đã thực” sao không huỷ bỏ dụ số 10? Phải chăng Ngô Đình Diệm lợi dụng chỉ dụ này để thực hiện mưu đồ Thiên Chúa giáo hoá toàn miền Nam, biến phần lãnh thổ này thành đất đai của đức Chúa Trời và người đại diện là giáo hội La Mã?

 

3/ Phật giáo là một tôn giáo có lịch sử hai ngàn năm trăm năm, đã là gốc rễ của một trong các nền văn minh vĩ đại một thời rực rỡ của nhân loại, hiện đang là ánh sáng tâm linh của mấy trăm triệu con người trên trái đất.

Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam từ những kỷ nguyên đầu tiên của lịch sử dân tộc, đã góp phần hình thành và phát triển tâm hồn, trí tuệ Việt Nam, đã góp phần to lớn trong công cuộc phục hồi nền độc lập sau hàng ngàn năm nô lệ, đã tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, mở mang và xây dựng đất nước ở hai triều đại Lý – Trần.

 

4/ Chỉ có bọn xâm lược, bọn cướp nước và con đẻ của chúng mới đánh giá và đối xử với Phật giáo như một hiệp hội trong ý đồ tiêu diệt Phật giáo, đào cắt gốc rễ văn hóa lịch sử dân tộc trong mưu đồ xâm chiếm vĩnh viễn đất nước Việt Nam.

Âm mưu và sách lược đó của bọn thực dân đế quốc và chính quyền phụ thuộc là tội ác không những đối với dân tộc, đất nước Việt Nam, mà còn là tội ác đối với nhân loại.

 

Chính quyền Ngô Đình Diệm hoàn toàn không có lí do chính đáng khi duy trì dụ số 10.

 

 5/ Năm nguyện vọng của Phật giáo là tối thiểu. Thái độ và phương pháp đấu tranh của Phật giáo là mềm dẻo, bất bạo động nhưng không khoan nhượng.

 

Trong một quốc gia dân chủ như hiến pháp Việt Nam Cộng Hoà xác lập, như mô hình lí tưởng mà tập đoàn Ngô Đình Diệm, chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đã rêu rao và tự hào trong quá trình đấu tranh với chế độ Cộng Sản độc tài đảng trị, thì năm nguyện vọng của Phật giáo miền Trung – Huế  nêu lên trong Tuyên Ngôn ngày 10 tháng 5, chẳng có gì để anh em nhà họ Ngô phải phẫn nộ mà la toáng lên rằng cách ứng xử của Phật giáo là ngông cuồng, là làm loạn cả. Chính các nhà lãnh đạo Việt Nam Cộng Hoà cũng biết như thế nên ngay từ đầu họ đã né tránh thảo luận trực tiếp, không thẳng thắn, thiếu thiện chí để giải quyết dứt điểm vấn đề trong tinh thần hoà hợp hoà giải dân tộc. Nhiều người bảo tập đoàn Ngô Đình Diệm chỉ xem việc cấm treo cờ Phật giáo như là một cái cớ để thực hiện mưu đồ và sách lược độc tài toàn trị – Thiên Chúa hoá miền Nam như họ đã tính toán từ trước.

 

Tôi chia sẻ nhận định này.

     

Nhận định như thế, Ban lãnh đạo Phật giáo (BLĐPG) cùng một lúc chuẩn bị hai phương án để sẳn sàng ứng phó:

 

 Một là kiên trì đàm phán với chính quyền để đạt được 5 nguyện vọng trong tinh thần hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa:

 

Chúng ta đã thấy Tuyên Ngôn 5 nguyện vọng được soạn thảo và công bố tại chùa Từ Đàm ngày 10 tháng 5, đã gởi tới Tổng Thống Ngô Đình Diệm và chính phủ tại Sài Gòn, chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế liền sau đó. Không thấy hồi âm.

 

     - Ngày 15 tháng 5, một phái đoàn đại diện nhiều khuynh hướng Phât giáo đã đến dinh Gia Long gặp tổng thống Ngô Đình Diệm để trao tận tay ông các văn bản đã gởi qua bưu điện và đã công bố qua báo chí.

 

Đến ngày 16 tháng 5 Tuyên Ngôn được công bố trước báo chí và các cơ quan truyền thông khác tại chùa Xá Lợi có chính quyền tham dự, lại bị các cơ quan truyền thông của chính phủ bêu rếu, nhục mạ và vu khống là phong trào do Cộng Sản điều động.

 

Ngày 23 tháng 5, một bản phụ đính và một bản phụ trương được soạn thảo để làm sáng tỏ nội dung của Tuyên Ngôn ngày 10 tháng 5, và minh định quan điểm lập trường của Phật giáo về những vấn đề liên quan mà chính quyền đang xuyên tạc. Phụ đính và phụ trương nêu rõ:

 

* Chỉ có kêu gọi chính phủ tôn trọng quyền tự do tôn giáo, không kỳ thị, đối xử với Phật giáo ngang bằng với Thiên Chúa giáo. Phật giáo không coi Thiên Chúa giáo là kẻ thù. Phật giáo không mưu đồ lật đổ chính phủ.

 

* Phật giáo trong truyền thống cũng như trong hiện tại luôn đặt quyền lợi quốc gia dân tộc lên trên. Tuyệt đối không để cho bất cứ ai lợi dụng.

 

Tất cả các văn bản (tuyên ngôn 10.5, phụ đính và phụ trương 23.5) đều được Ban Lãnh đạo Phong trào Phật giáo Đấu tranh gởi đến tổng thống Ngô Đình Diệm qua một ban đại diện, cũng không có hồi âm.

 

Hai là tiến hành đấu tranh dân chủ bằng phương pháp bất bạo động:   

 

Ngày 25 tháng 5, một Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo được thành lập theo sự triệu tập của Đại lão hòa thượng Thích Tịnh Khiết. Thượng tọa Thích Tâm Châu được cử đứng đầu tổ chức này. Lần đầu tiên các tập đoàn, các môn phái Phật giáo trên toàn miền Nam đã thống nhất hành động trong một tổ chức dưới một tên gọi.

 

Lúc 10 giờ ngày 30 tháng 5, một cuộc biểu tình tuần hành của 352 tăng ni xuất phát từ chùa Ấn Quang đến trước Quốc hội yêu cầu gặp chủ tịch Trương Vĩnh Lễ để trao cho ông thư của hòa Thượng Thích Tâm Châu, người đứng đầu Ủy ban Liên phái, yêu cầu Quốc hội có thái độ dứt khoát trước những nguyện vọng của Phật giáo. Qua thư này, Thượng tọa Thích Tâm Châu còn thông báo về cuộc tuyệt thực sẽ diễn ra vào buổi chiều.

 

Theo đề nghị của hòa thượng Thích Tịnh Khiết, một cuộc tuyệt thực 48 tiếng đồng hồ của toàn thể tăng ni trong toàn miền Nam bắt đầu từ 14 giờ ngày 30 tháng 5.

 

Ngày 31 tháng 5, đại diện sinh viên các trường, các phân khoa Đại học Huế họp tại chùa Từ Đàm làm kiến nghị gởi đến tổng thống Ngô Đình Diệm yêu cầu thỏa mãn 5 nguyện vọng của Phật giáo.

 

Từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 6, với lực lượng Gia đình Phật tử làm tiền phong, đoàn Sinh viên Phật tử làm nòng cốt, thanh niên, sinh viên, học sinh Huế rầm rộ tổ chức nhiều cuộc biểu tình, bị đàn áp dã man bằng dùi cui, bán súng, lựu đạn cay, lựu đạn hóa học và chó săn. Hàng trăm người bị thương nặng. Các bác sĩ tại bệnh viện Huế bị cấm cứu chữa cho các bệnh nhân này. Các bác sĩ người Đức giảng dạy tại đại học y khoa trở thành ân nhân của họ. Tổng thư ký đoàn Sinh viên Phật tử Phan Đình Bính bị bắt và bị chết sau đó do bị tra tấn giả man. Đoàn biểu tình kéo về cố thủ tại chùa Từ Đàm. Chùa Từ Đàm bị bao vây, bị cắt điện cắt nước. Các chùa Bảo Quốc, Linh Quang cũng ở trong tình trạng tương tự. Sinh viên Phật tử tổ chức tuyệt thực 48 giờ tại Từ Đàm.

 

Tại Sài Gòn, chùa Ấn Quang, chùa Xá Lợi, chùa Giác Minh, chùa Từ Quang … trở thành những trung tâm đầu não của cuộc đấu tranh. Cuộc tuyệt thực đã diễn ra tại Ấn Quang và Xá Lợi với bảy tám trăm tăng ni tham dự.

 

Hưởng ứng cuộc đấu tranh của sinh viên, thanh niên, học sinh Huế; sinh viên, thanh niên, học sinh Sài Gòn và các tỉnh cũng hướng về Phong trào Phật giáo, tập trung về các chùa trung tâm và lần hồi tham dự vào cuộc vận động của Phật giáo đồ, biến nó thành cuộc đấu tranh của đại đa số nhân dân, bất kể sự đàn áp dã man và những nguy hiểm, đe dọa về phía chính quyền.

 

Tại các tỉnh, các Tỉnh giáo hội và trường Bồ Đề đồng loạt trở thành bản doanh của phong trào. Các Cuộc biểu tình, tuyệt thực đã diễn ra sôi nổi với hàng ngàn người tham dự mỗi nơi. Chính quyền đã đàn áp thẳng tay, đã tấn công, phong tỏa, cô lập, bắt bớ, đánh đập những người tham gia đấu tranh.

 

Lúc đầu bạo lực Ngô Đình Diệm nhắm vào các cuộc mít tin, biểu tình trên đường phố, quảng trường. Tiếp đến chúng bao vây, tấn công vào các trung tâm đầu não, ngăn chặn các trục lộ giao thông, cắt đứt các liên lạc trong ngoài, áp dụng thủ đoạn cúp điện nước, cấm vận, cô lập đầu não với quần chúng. Đồng thời chúng ra sức ngăn chặn sự liên lạc của lực lượng đấu tranh giữa Sài Gòn và các tỉnh.

 

Chính quyền Ngô Đình Diệm đã điều động một lực lượng đông đảo gồm công an mật vụ, cảnh sát dã chiến, nhảy dù và nhiều đơn vị quân đội trang bị các vũ khí sát thương cá nhân, các phương tiện đàn áp như lựu đạn cay, lựu đạn hóa học, lựu đạn hỏa mù, ma trắc, kẽm gai, xe tăng, xe vòi rồng… vào các chiến dịch đàn áp. Các chiến dịch đàn áp ngày càng trắng trợn, bạo tàn hơn, nhắm vào những con người chỉ trang bị duy nhất một niềm tin vào một dạng thể năng lực ẩn tàng nhưng hùng hậu nơi mỗi con người: Đó là tình yêu thương được thể hiện qua việc tự bảo vệ mình, đấu tranh bất bạo động để giảm trừ, hóa giải bạo lực và các thứ ma chướng đã xâm chiếm ngự trị nơi một bộ phận nhân loại khác. Trong trường hợp này là tập đoàn Ngô Đình Diệm.

 

Trước tình hình cuộc đấu tranh của Phật giáo ngày một lan rộng và quyết liệt, chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn không muốn nhượng bộ. Một mặt âm thầm tiến hành các kế hoạch bôi nhọ, vu khống và hủy diệt; một mặt bày kế hoãn binh. Một Ủy ban Liên bộ được thành lập do phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ cầm đầu, với hai bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần, Bùi Văn Lương làm thành viên, đề nghị Ủy ban Liên phái Phật giáo hợp tác để giải quyết các khúc mắc trong hiện tại, hướng tới thỏa mãn 5 nguyện vọng của Phật giáo đồ. Để bày tỏ thiện chí, Phật giáo đồng ý hợp tác. Một phái đoàn hỗn hợp gồm các thành viên của hai Ủy ban đi Huế để giải tỏa tình trạng phong tỏa và cố thủ ở các chùa Từ Đàm, Bảo Quốc, Linh Quang, Diệu Đế; và để xả bình hơi từ phía lực lượng đấu tranh. Đây chỉ là động tác giả. Chính quyền vẫn không thể hiện một thiện chí cụ thể nào. Vẫn tiếp tục tạo bằng chứng giả để bôi nhọ, vu khống và vây ráp nhiều trung tâm đầu não tại Sài Gòn và các tỉnh thành khác ngoài Thừa Thiên – Huế. Thấy được âm mưu của chính quyền, Phật giáo quyết định tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh với biện pháp cuối cùng là vị Pháp thiêu thân.

                              

 

Nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu.

 

Trưa ngày 11 tháng sáu, nhà sư Thích Quảng Đức, 67 tuổi đã tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt trước sự chứng kiến của một số phóng viên, nhà báo nước ngoài (Simon Michaud của AFP, Malcolm Browne của AP, Neil Sheehan của UPI) và quần chúng đang có mặt trên đường phố. Hình ảnh một nhà sư già tự quẹt diêm đốt mình, uy nghi ngồi trong lửa cháy làm rung động lòng người, không chỉ là người Việt Nam, mà bất cứ ai còn có lương tri trên thế giới. Thích Quảng Đức, cái tên như một dấu hỏi lớn từ các châu lục hướng về Việt Nam, ngỡ ngàng – phẫn nộ và ngưỡng mộ – thương cảm dành cho hai phía của cuộc xung đột. Dư luận khắp nơi trên thế giới kêu gọi chính quyền Ngô Đình Diệm chấm dứt tức khắc các hành động vi phạm nhân quyền, đàn áp Phật giáo và bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Phật giáo Việt Nam.

 

Tôi chưa phải là Phật giáo đồ, tôi chưa hoàn toàn tin vào đạo lí “dĩ đức báo oán” nhưng khi đọc báo biết tin và thấy ngài Thích Quảng Đức uy nghi ngồi trong lửa cháy ngày 11.6.1963, tôi đã vô cùng xúc động và ngưỡng mộ.

     

Thích Quảng Đức, Thích Quảng Đức, suốt mấy chục năm liền cái tên ấy vang vọng trong tâm trí tôi khi thì mạnh mẽ như một khúc quân hành, khi thì sâu lắng, nồng nàn như một lời tự sự, khi thì thanh thoát, dịu dàng như một ánh trăng. Dường như cái con người uy nghi ngồi trong lửa cháy đó đã hút hết vào trái tim vĩ đại và nhân hậu của mình tất cả cái  nóng bức nghiệt ngã của trần gian, để lại cho tôi một khoảng trời trong xanh mát mẽ và tĩnh lặng.

 

Thích Quảng Đức, Thích Quảng Đức, cái tên như những dấu hỏi lớn từ khắp các châu lục hướng về Việt Nam, ngỡ ngàng và khâm phục. Có tình yêu, sự sống và cái chết nào mà lạ lẫm và hùng tráng đến như thế?

                

Tuy thế, sự kiện một nhà sư tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt của Sài Gòn lại gây cho anh em nhà họ Ngô những cảm nhận trái khuấy. Hai ông Diệm Nhu thì nổi giận vì cảm thấy bị khiêu khích. Bà Nhu thì đánh hơi được mùi thịt nướng. Bà tuyên bố nếu “sư sãi nào cần nướng” bà sẽ cung cấp xăng dầu. Tổng Giám mục Thục thì bảo: “chỉ là lửa rơm”. Họ càng cứng lòng tối dạ hoa chân múa tay điều động thêm binh mã, trang bị thêm phương tiện, uy hiếp và khép chặt vòng vây chung quanh các trung tâm đầu não của phong trào.

 

Trước khi tự thiêu, nhà sư Thích Quảng Đức viết để lại mấy “Lời nguyện Tâm huyết”:

                    

          1. Mong ơn Phật tổ gia hộ cho tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận 5 nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo Việt Nam ghi trong bản tuyên ngôn.

          2. Nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt.

          3. Mong nhờ hồng ân đức Phật gia hộ cho chư Đại Đức, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi nạn khủng bố bắt bớ giam cầm của kẻ ác gian.   

          4. Cầu nguyện cho đất nước thanh bình quốc dân an lạc.

            

Một ngày sau khi nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu, hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, và hai nhà sư Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh bay vào Sài Gòn trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh.

 

Di thể của nhà sư Thích Quảng Đức được tôn trí tại chùa Xá Lợi. Cảnh sát, công an, binh lính thuộc Lực lượng đặc biệt với những khí cụ đàn áp phong tỏa tất cả các ngã đường dẫn vào chùa. Hàng chục ngàn Phật giáo đồ và đồng bào các giới đổ dồn về chùa Xá Lợi để chiêm bái vị Bồ tát. Trong sân chùa và bốn mặt đường quanh chùa không còn chỗ cho cảnh sát công an. Theo dự tính lễ rước di thể bồ tát Thích Quảng Đức sẽ được tổ chức vào 6 giờ ngày 16. Ban Lãnh đạo Phật giáo đấu tranh muốn nhân dịp này tiến hành một cuộc biểu dương lực với nhiều trăm ngàn người tham dự.

 

Thông cáo chung.

 

Vô cùng bối rối trước dư luận thế giới và trước áp lực ngày càng gia tăng của sức mạnh quần chúng, chính quyền phải ra lệnh nới vòng vây và đề nghị thành lập Ủy ban Liên bộ và Ủy ban Liên phái, khẩn trương họp “để giải quyết dứt điểm các yêu cầu của Phật giáo.”

 

Cuộc họp của hai Ủy ban bắt đầu từ buổi sáng ngày 14, kéo dài đến 2 giờ sáng ngày 16 mới kết thúc với một bản Thông cáo chung gồm năm điểm:

 

1/ Qui định thể thức treo cờ Quốc gia và cờ Tôn giáo.

2/ Tách các hội Tôn giáo ra khỏi dụ số 10.

3/ Chính quyền cam kết không trả thù những người tham gia đấu tranh vì 5 nguyện vọng, và điều tra các vụ khiếu nại của Phật giáo.

 4/ Chính quyền tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do truyền giáo và hành đạo của Phật tử

5/ Trừng phạt những người có trách nhiệm trong vụ thảm sát tại đài phát thanh Huế và bồi thường thích đáng cho gia đình các nạn nhân.

 

Cuối bản Thông cáo chung, ngoài chữ ký của các nhân vật chủ chốt của hai Ủy ban, còn có chữ ký xác nhận của tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm và hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam Thích Tịnh Khiêt.

 

Năm điểm của Thông cáo chung chứng tỏ năm nguyện vọng trong Tuyên ngôn 5 điểm ngày 10 tháng 5  của Tổng hội Phật giáo Việt Nam gởi đi từ chùa Từ Đàm – Huế được thành đạt, và đồng thời cũng chứng tỏ thiện chí của chính quyền.

 

Chính quyền lật lọng Thông cáo chung.

 

Ký được Thông cáo chung, chính quyền như trút đi một gánh nặng: Một khi đạt được các mục tiêu, Phật giáo không còn lý do để tranh đấu.

 

Ngay sau khi Thông cáo chung được ký kết, chính quyền cho xe đi loan báo khắp các đường phố Sài Gòn và điện đi các tỉnh rằng là 5 nguyện vọng của Phật giáo đã được thỏa mãn, bà con Phật tử nên giải tán trở về nhà ổn định cuộc sống. Đồng thời chính quyền khẩn thiết đề nghị phía Phật giáo tạm hoản lễ an táng Thích Quảng Đức và giải thích cho  quần chúng Phật tử nội dung của Thông cáo chung cùng thiện chí của chính quyền. Phía Phật giáo nửa tin, nửa ngờ. Một mặt bày tỏ thái độ hòa hoãn với hy vọng Thông cáo chung được thực thi. Một mặt đề cao cảnh giác phòng khi chính quyền nuốt lời lật lọng.

 

Rõ ràng là chính quyền đã nuốt lời lật lọng. Chính quyền chỉ loan báo Thông cáo chung trong buổi sáng 16 tháng 6 để phía Phật giáo cho lệnh hoãn đám táng Thích Quảng Đức dự trù tổ chức vào 6 giờ sáng hôm đó, nhằm thủ tiêu cuộc biểu dương lực lượng được phía Phật giáo chuẩn bị nhân đám táng của vị bồ tát. Đạt được mục đích trước mắt, Ngô Đình Nhu cùng với cảnh sát và Thanh niên Cộng hòa tổ chức mít tin phủ nhận Thông cáo chung. Bà Ngô Đình Nhu thì hiệu triệu Phụ nữ Liên đới lên án “trò quấy rối, phản loạn của bọn sư sãi”. Từ đó chính quyền không hề nhắc đến Thông cáo chung trước công chúng nữa, mà ra sức đánh phá Phật giáo và tăng cường trấn áp quần chúng bằng các hành động bạo lực như trước đây, lại còn bày đặt thêm một số các âm mưu nham hiểm và bẩn thỉu:

 

+ Hình thành Tổng hội Phật giáo Cổ Sơn Môn, tạo điều kiện để tổ chức này phủ nhận Tổng hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

+ Tập hợp một số thương phế binh bất hảo, người ăn xin và người bị bệnh phong đến quậy phá tại các chùa Xá Lợi, Ấn Quang…

+ Tập họp hàng trăm du đảng cạo trọc đầu giả làm sư đến những nơi công cộng giở trò càn quấy nhằm bôi nhọ Phật giáo.

+ Tâp họp mấy trăm nhân viên ngầm, cạo trọc đầu giả làm tăng ni đi quyên tiền, thuê người may cờ Mặt trận Giải phóng để vu khống Phật giáo hoạt động cho Việt cộng.

+ Tổ chức phiên tòa xử những nhân sĩ trí thức tham gia vụ đảo chánh ngày 11.11.1960.  Nhà văn Nhất Linh là một trong số những người nhận được trát hầu tòa.

+ Ấn định thể thức treo cờ chỉ dành riêng cho Tổng hội Phật giáo Việt Nam nhằm chia rẽ hàng ngũ Ủy ban Liên phái.

+ Xác định vụ sát hại đẫm máu tại đài phát thanh Huế tối ngày 8 tháng 5 là do Cộng sản gây nên.

 

Phản ứng của nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam

 

Để trả lời những hành động xảo trá, gian ác của chính quyền: Nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam quyết định uống thuốc độc tự tử vào tối ngày 7.7. Ông để lại những dòng trối trăn sau đây:

 

“Tôi không chịu để ai xử tôi cả. Đời tôi để lịch sử xử. Sự bắt bớ và xử tội những phần tử Quốc gia đối lập là một tội nặng, sẽ làm cho nước mất về tay Cộng sản. Tôi chống đối sự vụ đó và tự hủy mình cũng như Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do. Ngày 7. 7. 1963. Nhất Linh Nguyễn Tường Tam”.

 

Cái chết của nhà văn Nhất Linh gây sự phẫn nộ trong đông đảo quần chúng. Ngày 13 tháng 7, khoảng bốn, năm chục ngàn người tham dự tang lễ của nhà văn quá cố. Qua đó nói lên nhận thức và thái độ của quần chúng đối với chế độ Ngô Đình Diệm.

 

Phật giáo tiếp tục cuộc đấu tranh bất bạo động.

 

Ngày 14.7  Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã gởi cho phủ Tổng thống một lá thư gồm hai nội dung chính sau đây:

- Nhắc nhở cho tổng thống Ngô Đình Diệm biết là ông đã lật lọng, đã phản bội Thông cáo chung mà ông đã ký.

- Nhắc cho tổng thống Ngô Đình Diệm nhớ là chính quyền đã tiến hành nhiều biện pháp mờ ám, tàn bạo, bẩn thỉu để bôi nhọ và vu khống Phật giáo.

 - Báo cho tổng thống Ngô Đình Diệm biêt là Tổng hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo quyết định phát động cuộc đấu tranh trở lại đòi thực thi Thông cáo chung.

 

Như thế là trên khắp các tỉnh thành miền Nam, các chùa trung tâm, các Tỉnh giáo hội Phật giáo, các trường Bồ Đề, các Gia đình Phật tử, các Khuôn tịnh độ đều đồng loạt tổ chức đấu tranh với nội dung được chỉ đạo là:

        - Kêu đòi chính phủ chấm dứt các hành động đàn áp, khủng bố tăng ni, phật giáo đồ.

        - Kêu đòi chính phủ nghiêm chỉnh thực thi Thông cáo chung.

        - Xác định phương pháp đấu tranh là bất bạo động.

 

Ngày 15. 7. 1963, 150 tăng ni biểu tình tuần hành đến trước tòa đại sứ Mỹ kêu gọi nước Mỹ can thiệp để chính quyền Ngô Đình Diệm thi hành Thông cáo chung.

 

Cùng ngày, một cuộc biểu tình tuần hành khác xuất phát từ chùa Giác Minh với hàng ngàn tăng ni, phật tử tham dự. Cuộc biểu tình nêu rõ hai ý:

         - Tố cáo chính phủ bội ước.

         - Đòi thực thi Thông cáo chung.

 

Ngày 17. 7  khoảng 400 tăng ni tập trung tại chùa Xá Lợi, tuần hành qua các đường phố Bà Huyện Thanh Quan, Lê Văn Thạch, Nguyễn Thông, Ngô Thời Nhiệm, Lê Văn Duyệt , tới chợ Bến Thành. Khẩu hiệu đấu tranh là:

         - Chính phủ hãy chấm dứt các hành động đàn áp khủng bố.

         - Chính phủ hãy nghiêm chỉnh thực thi Thông cáo chung.

 

Cuộc tuần hành, biểu tình và mít tin được dân chúng hưởng ứng nhiệt liệt và bị cảnh sát đàn áp dã man. Khoảng 300 tăng ni phật tử bị đánh đập tàn bạo, bị bắt quăng lên xe chở thẳng về chùa Hoa Nghiêm nằm trong An Dưỡng địa, một nghĩa địa nằm giữa cánh đồng trống ở Phú Lâm. Nhiều vòng kẽm gai đã được giăng bao quanh ngôi chùa – nghĩa địa này. Các tăng ni phật tử bị nhốt như súc vật trong các “chuồng” không có những phương tiện vệ sinh tối thiểu, bị hỏi cung, khai báo lý lịch trong đêm, bị đánh đập tàn nhẫn. Các nạn nhân nữ bị càn quấy thô bỉ. Nhiều người bị ngất xỉu, nhiều người bị thương, nhiều người bị đưa đi mất tích. Ba ngày sau, trước sự đấu tranh quyết liệt của Ủy ban Liên phái, của dư luận và báo chí nước ngoài, chính quyền mới thả họ ra. Về đến chùa Xá Lợi, nhiều tăng ni, phật tử phải được cấp cứu y tế và điều trị thương tích dài ngày. Ủy ban Liên phái hỏi chính quyền về những người mất tích, chính quyền trả lời họ đang được giữ lại để tiếp tục điều tra. Sự phẫn nộ của quần chúng và Phật giáo đồ lên cao độ.

 

Thủ đoạn mới của chính quyền.

 

Ngày 18.7, qua làn sóng của đài phát thanh Sài Gòn, tổng thống Ngô Đình Diệm gởi đi một thông điệp có nội dung như sau: Để chứng tỏ tột bực tinh thần hòa giải và sự chân thành thực thi Thông cáo chung, và cũng để đánh tan những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc gây chia rẽ của kẻ xấu, “chiếu theo đề nghị của Hội đồng Liên bộ, tôi vừa chấp thuận:

         

1/ Chỉ thị của nghị định 358 ngày 9 tháng 7 năm 1963 ấn định thể thức treo cờ của Phật giáo. Thể thức này đã áp dụng riêng cho Tổng hội Phật giáo sẽ được áp dụng cho tất cả các môn phái nào tự ý công nhận Phật giáo kỳ.

2/ Chỉ thị cho Ủy ban Liên bộ hợp tác mật thiết với phái đoàn Phật giáo để cùng nghiên cứu điều tra giải quyết hoặc theo hồ sơ hoặc tại chỗ nếu cần những khiếu nại liên quan đên sự thực thi Thông cáo chung.

3/ Chỉ thị các cấp quân dân chính mỗi người trong lĩnh vực của mình, trong lời nói cũng như trong việc làm, tích cực góp phần vào việc thực thi Thông cáo chung.

Cuối Thông điệp, tổng thống Diệm còn kêu gọi “quốc dân đồng bào ghi nhận ý chí hòa giải của chính phủ và khách quan phán quyết,…không để ai làm ngăn cản bước tiến của dân tộc trong nhiệm vụ diệt Cộng cứu quốc.”

 

Không phải đây là lần đầu ông Diệm bày tỏ “thái độ chân thành và ý chí hòa giải tột độ” thế này. Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo và toàn thể Phật giáo đồ có đầy đủ ký ức và kinh nghiệm để khẳng định rằng sau mỗi lần ông tổng thống nói đến mấy từ “thành tín”, “lương tri”, “trách nhiệm”là chính quyền sẽ xuống tay tàn bạo và hiểm độc hơn. Lần này, trong và sau khi Ngô tổng thống gởi thông điệp như thế thì chùa chiền tiếp tục bị bao vây, tăng ni, phật tử vẫn tiếp tục bị bắt nhốt và Phật giáo tiếp tục bị đàn áp.

 

Phật giáo kiên tri đấu tranh bất bạo động – Kêu gọi Mỹ ủng hộ.

 

Ngày 23.7, ni sư Diệu Huệ, mẹ của nhà bác học Bửu Hội, họp báo ở chùa Xá Lợi cho biết bà sẽ tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.

 

Ngày 30.7, lễ thất tuần của bồ tát Thích Quảng Đức được tổ chức trọng thể tại chùa Xá Lợi với hàng chục ngàn tăng ni phật tử tham dự. Lễ thất tuần cũng được tổ chức tại khắp các chùa lớn nhỏ trên toàn miền Nam với sự tham dự của hàng triệu tăng ni, phật tử. Ủy ban Liên phái phân phối một tài liệu kêu gọi đồng bào phật tử khắp miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh.

 

Ngày 1.8.1963, hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Thích Tịnh Khiết, gởi điện thư cho tổng thống Kennedy để phản đối việc đại sứ Mỹ tại Sài Gòn tuyên bố với phóng viên hãng thông tấn UPI rằng không có chuyện đàn áp Phật giáo tại Việt Nam.

Ngày 4.8  nhà sư Thích Nguyên Hương tự thiêu tại Phan Thiết.

 

Ngày 11.8 lễ cầu siêu cho nhà sư Nguyên Hương được tổ chức tại các chùa, các Phật học viện, các niệm Phật đường và khuôn tịnh độ khắp miền Nam. Tại chùa Xá Lợi, đoàn Sinh viên Phật tử tổ chức lễ cầu siêu với hơn hai vạn người tham dự.

 

Ngày 12.8  nữ sinh Mai Tuyết An chặt tay tại chùa Xá Lợi để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm.

 

Ngày 13.8  tăng sĩ Thích Thanh Tuệ tự thiêu tại Thừa Thiên – Huế.

 

Ngày 15.8  ni sư Diệu Quang tự thiêu tại Ninh Hòa Nha Trang.

 

Ngày 16.8 sinh viên, học sinh Huế bãi khóa. Giáo chức các trường trung, đại học bãi công. Tiểu thương Huế bãi thị. Chính quyền ra lệnh giới nghiêm. Linh mục Cao Văn Luận, viện trưởng viện Đại học Huế, tuyên bố: “cuộc đấu tranh của Phật giáo có chính nghĩa, chính sách của chính quyền là vô đạo”. Giáo chức đại học Huế từ chức.

 

Cùng trong ngày 16.8, nhà sư Thích Tiêu Diêu tự thiêu tại chùa Từ Đàm. 5000 Phật tử, Sinh viên, Học sinh túc trực tại chùa Từ Đàm để bảo vệ thi hài của ông.

 

Sau các cuộc tự thiêu, đã diễn ra nhiều cuộc xô xát giữa tăng ni, đồng bào phật tử và lực lượng cảnh sát, an ninh của chính quyền. Phía phật tử bảo vệ nhục thân của các Thánh tử đạo để tổ chức đấu tranh và tiến hành chôn cất theo các nghi lễ Phật giáo. Phía chính quyền cướp xác để thủ tiêu đối tượng đấu tranh của “bọn phản loạn.”

 

Ngày 17.8 hòa thượng Thích Tịnh Khiết, hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, ra lệnh cho các chùa, các Phật học viện, các niệm Phật đường, khuôn hội trên toàn miền Nam tổ chức lễ cầu siêu cho các tăng ni đã vị pháp thiêu thân.

 

Ngày 18.8 hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Sinh viên Phật tử Sài Gòn, hàng chục nghìn người tập trung về chùa Xá Lợi tham gia cuộc mít tin tuyệt thực. Cũng trong ngày này, với lực lượng Gia đình Phật tử, Sinh viên, Thanh niên Phật tử làm nòng cốt và tiên phong, hàng triệu Phật giáo đồ trong các đô thị miền Nam đã tham dự các cuộc mít tin, tuyệt thực, biểu tình…Tăng ni, Phật giáo đồ toàn miền Nam cương quyết đấu tranh đến thành đạt các mục tiêu tự do và bình đẳng tôn giáo cho dù phải hy sinh nhiều hơn nữa.

 

Chiến dịch Nước Lũ

 

Đêm 20 rạng ngày 21, một cuộc tổng tấn công – tổng bố ráp của công an, cảnh sát dã chiến và Lực lượng Đặc biệt của chính quyền Ngô Đình Diệm vào chùa Xá Lợi, chùa Ấn Quang, chùa Théravada, chùa Giác Minh, chùa Từ Quang (tại Sài Gòn), chùa Từ Đàm, chùa Linh Quang, chùa Bảo Quốc, chùa Diệu Đế (tại Huế), các chùa Tỉnh Giáo hội và tất cả các chùa, các tư gia của tăng ni phật tử  lãnh tụ đấu tranh trên toàn miền Nam. Lực lượng chính phủ đập phá các khu vực thờ tự, tượng phật, chuông mõ, kinh sách và bắt đi trên 1300 người riêng tại Sài Gòn. Ở Huế và các tỉnh thành còn lại có hơn 2000 người bị bắt. Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, các thượng tọa Thích Tâm Châu, Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh, sư bà Diệu Huệ, cư sĩ Mai Thọ Truyền, bác sĩ Lê Khắc Quyến, thi sĩ Vũ Hoàng Chương, nói chung, tất cả các lãnh tụ đấu tranh, các trí thức phật tử có uy tín đều bị bắt. Nhiều cuộc hành hung, xô xát đã diễn ra trong đêm kinh hoàng này. Rất nhiều tu sĩ, phật tử đã bị đánh đá bằng báng súng, bằng dùi cui, ma trắc và bị dẫm đạp xô đẩy đến thương tích. Hòa thượng Thích Tịnh Khiết 80 tuổi bị đánh trọng thương ở mắt. Hai mắt của tượng Phật Thích Ca tại chùa Xá Lợi là hai viên kim cương cũng bị móc lấy đi, toàn thân bức tượng bị bắn sức mẻ nhiều nơi. Cuộc tổng tấn công, tổng bố ráp của bạo lực Ngô Đình Diệm đêm 20.8 đã biến các cảnh chùa trên toàn miền Nam thành những nơi hoang tàn. Nhà sư Trí Quang không bị nhận diện, từ trại giam Bến Cát đã trốn thoát, tìm đến tị nạn tại tòa Đại sứ Mỹ.

 

Khi nhẫn tâm tiến hành cuộc đàn áp đẫm máu tối 8.5.1963 giết chết tám thiếu niên ở đài phát thanh Huế, anh em Ngô Đình Diệm đã khai mở con đường đi vào tăm tối.

 

Lần này, khi hăm hở phát động cuộc tổng tấn công bố ráp chùa chiền và bắt cóc toàn bộ các tăng ni, phật tử, trí thức là những lãnh tụ đấu tranh, gia đình họ Ngô đã chính thức đào huyệt mộ cho chính mình.

 

Câu hỏi mà nhà cầm quyền Mỹ đặt ra từ khi tuyển chọn Ngô Đình Diệm và suốt 9 năm đưa ông lên làm tổng thống Việt Nam Cộng Hòa: “– Liệu chúng ta có thắng được Cộng Sản với Diệm hay không?” nay đã có câu trả lời. Mỹ không thể thắng được Cộng Sản với Ngô Đình Diệm chỉ được hậu thuẫn bởi một thiểu số nhân dân miền Nam là những người Thiên Chúa giáo Cần lao Nhân vị.

 

Con đường độc tài Gia – đình – Thiên – Chúa – giáo toàn trị và mưu đồ biến miền Nam thành một quốc gia riêng biệt của chế độ Ngô Đình Diệm đã kiên định lập trường Cộng Sản nơi một bộ phận quần chúng miền Nam, đã đẩy một bộ phận quần chúng khác nghiêng về phía Cộng Sản, và đã trung lập hóa bộ phận quần chúng thứ ba còn lại. Mỹ cộng với Diệm và 10% dân số miền Nam là Cần Lao Thiên Chúa giáo không thể thắng 90% dân số miền Nam còn lại, cộng với  nhân dân miền Bắc, Hồ Chí Minh, đảng Cộng Sản, cộng với Liên Xô và Trung Quốc. Hai bài toán cộng và một bài toán trừ trong 10 con số đơn chẳng lẽ các nhà chiến lược Hoa Kỳ không nghĩ tới? Chắc đã có người nghĩ tới, nhưng đa số trong chính quyền Mỹ vào thời điểm đó vẫn còn tin vào sức mạnh vô địch của quân sự và đồng đô la như một tín điều tôn giáo.

 

Như thế là đến thời điểm đó (tháng 8.1963) Mỹ vẫn còn muốn ở lại Việt Nam, và khuynh hướng thay Diệm bằng một nhân vật khác để đánh bại Cộng Sản trở nên thắng thế trong chính giới Mỹ.

 

Trong hồi ký: Lễ Phật Đản 8.5.1963 (Minh Nguyện dịch – Kỷ niệm 40 năm phong trào Phật giáo – Khuôn Việt xuất bản) bác sĩ Wulff kể một chi tiết rất đáng quan tâm: Sau khi chứng kiến cảnh đàn áp thô bạo tại Đài phát thanh Huế, sau khi nhìn thấy tận mắt 8 xác chết bẹp đầu, mất tay, lòi mắt của các thiếu niên trong nhà xác bệnh viện Huế, bác sĩ Wulff tìm đến nhà người bạn tên Tuân ( giáo sư Bùi Tường Huân) để kể cho ông này nghe những gì đã xẩy ra. “Tuân tức thời hiểu được tầm quan trọng chính trị của biến cố. Tuân nhận định rằng những cuộc biểu tình khắp toàn quốc của các giới Phật tử sẽ làm giảm uy tín ông Diệm, và cuối cùng người Mỹ sẽ bỏ rơi ông ta. Quân đội vì sợ cúp viện trợ sẽ tìm cách lật đổ ông ta.”

 

Trí thức, Sinh viên và quân đội nhập cuộc. Nhân dân miền Nam nhất tề chông Diệm. Chính quyền đàn áp trong tuyệt vọng.

 

5 giờ 30 phút sáng ngày 21.8.1963, tổng thống Ngô Đình Diệm triệu tập hội đồng chính phủ để thông báo tình trạng khẩn cấp:

“Việt cộng đã mang vũ khí vào cất dấu tại các chùa Xá Lợi, Théravada, Giác Minh, Từ Quang, và nhiều chùa khác trong thành phố. Việt cộng cũng đã đột nhập thành phố và trà trộn trong các sư sãi. Những đơn vị chức năng của chính phủ đã phát hiện kịp thời, đã tiến hành chiến dịch truy quét bắt gọn bọn chúng, thu được nhiều vũ khí và tài liệu. Các lực lượng chức năng trung thành với chính phủ đang và sẽ tiếp tục thi hành trách nhiệm của họ”.

 

Trí thức, sinh viên, đảng phái, các giáo phái khác (ngoại trừ Công giáo),  quân đội và toàn dân vào cuộc

 

Vừa nghe xong lời thông báo của tổng thống Diệm, bộ trưởng ngoai giao Vũ Văn Mẫu đã phẫn nộ đập bàn phản đối hành động dã man mà chính phủ đã chủ trương và đang thực hiện đối với Phật giáo. Ông tuyên bố từ chức, bỏ cuộc họp ra về. Ông xuống tóc để bày tỏ thái độ sám hối (vì đã cộng tác với chế độ độc tài gian ác đến thời điểm đó), khẳng định lập trường quay lưng với chế độ và can đảm dấn thân vào cuộc đấu tranh mà Phật giáo đang bỏ dở. Bất chấp hiểm nguy, ông xông xáo đi vận động bạn bè và đồng nghiệp ở các trường đại học đứng lên thể hiện vai trò và nhiệm vụ của người trí thức. Trước hành động bạo ngược và âm mưu tiêu diệt Phật giáo của anh em Ngô Đình Diệm, hưởng ứng lời kêu gọi của giáo sư Vũ Văn Mẫu, trí thức trong các đại học, trung học cùng đông đảo sinh viên, học sinh Sài Gòn và các tỉnh miền Nam đã nhất tề đứng lên.

 

Ngày 21.8 tại Trung tâm Kỹ thuật Phú Thọ với sự  xướng xuất của giáo sư Lê Sĩ Ngạc, đông đảo sinh viên quyết định bãi khóa bày tỏ lập trường chống chế độ.

 

Ngày 22.8 giáo sư Phạm Biểu Tâm, khoa trưởng đại học Y khoa Sài Gòn tuyên bố từ chức. Ông bị bắt. Sinh viên và giáo sư Y khoa đồng loạt biểu tình phản đối.

 

Chiều ngày 21.8 Ban Chỉ đạo Sinh viên Liên khoa của các trường đại học ở Sài Gòn thành lập. Ban kêu gọi giáo sư từ chức, kêu gọi sinh viên, học sinh bãi khóa, kêu gọi đồng bào các giới ủng hộ cuộc đấu tranh của trí thức, sinh viên, học sinh chống chế độ Ngô Đình Diệm. Hưởng ứng lời kêu gọi, Học sinh các trường Trưng Vương, Gia Long, Võ Tường Toản tổ chức mít tin, biểu tình, bãi khóa. Cuộc đấu tranh khởi đầu là của Phật giáo, đến thời điểm này trở thành cuộc đấu tranh chung của đại đa số nhân dân Miền Nam, ngoại trừ cộng đồng Cần Lao Thiên Chúa giáo kiên định.

 

Phản ứng và thủ đoạn của vợ chồng Ngô Đình Nhu

 

Ngày 22.8  Ngô Đình Nhu kêu gọi Thanh niên Cộng hòa cùng ông “làm rõ chính sách”. Cùng ngày, chính quyền thông báo rằng: Các cơ quan chức năng đã khám phá nhiều hầm vũ khí của Việt cộng tại các chùa Xá Lợi, Ấn Quang, Théravada. Nhiều ngàn người, đa số là sinh viên, học sinh bị bắt.

 

Ngày 24.8 chính quyền thành lập tổ chức Phật giáo thuần túy nhằm thay thế Tổng hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo phải ngừng hoạt động vì hầu hết các vị lãnh đạo của hai tổ chức đã bị bắt trong đêm 20.8. Tổ chức Phật giáo quốc doanh này chẳng làm nên trò trống gì vì chỉ được một thiểu số ủng hộ.

 

Ngày 25.8 một cuộc mít tin, biểu tình lớn với nhiều ngàn sinh viên học sinh tham dự được tổ chức trước chợ Bến Thành. Cảnh sát đã bắn vào đám biểu tình. Nữ sinh Quách Thị Trang, 16 tuổi, bị trúng đạn chết. Nhiều người khác bị thương. Hơn 1000 sinh viên, học sinh bị bắt nhốt vào trại Quang Trung.

 

Ngày 10.9  bà Ngô Đình Nhu cầm đầu một đoàn dân biểu đi dự Hội nghị Quốc tế Nghị sĩ tại Nam Tư. Mục đích chính của đoàn là đi giải độc dư luận ở Châu Âu và Bắc Mỹ về “những cáo buộc sai lầm và vu khống chế độ Việt Nam Cộng Hòa đàn áp Phật giáo”. Cuộc giải độc của bà Nhu và các dân biểu gia nô thất bại thảm hại. Báo chí quốc tế nghi ngờ những thông tin và phát biểu của bà. Việt kiều la ó và ném trứng thối. Đến Mỹ, cha bà, Đại sứ Trần Văn Chương, không cho gặp, tổng thống Kennedy từ chối tiếp kiến. Khi báo chí hỏi về những lời phàn nàn của Giáo Hoàng Paul VI về tình trạng đàn áp Phật giáo của chính quyền VNCH, bà Nhu cho rằng Giáo Hoàng đã thiếu khôn ngoan vì đã đánh giá sai lệch về bà và anh em nhà Ngô trong các hành động ứng xử với Phật giáo, và như thế sẽ có hại cho đạo Công giáo.

 

Phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc – Thủ đoạn của Ngô Đình Nhu – Các tăng ni, phật tử tiếp tục tự thiêu.

 

Ngày 5.10  nhà sư Thích Quảng Hương tự thiêu trước chợ Bến Thành

 

Ngày 7.10 Đại hội đồng Liên hiệp quốc nhóm họp để bàn về cuộc khủng hoảng tôn giáo ở Việt Nam.

 

Ngày 21.10 một phái đoàn Liêp hiệp quốc tới Sài Gòn để điều tra về những cáo buộc vi phạm nhân quyền và đàn áp Phật giáo tại Việt Nam. Ngô Đình Nhu đã dùng nhiều thủ đoạn để ngăn trở, mua chuộc, đánh lừa và tổ chức những cái bẩy đĩ điếm để làm chantage các nhân viên của phái đoàn. Ngày phái đoàn LHQ đến Huế, chính quyền tìm đủ cách để ngăn chặn đồng bào Phật tử tiếp xúc với phái đoàn. Ái Khanh, một nữ sinh phật tử nhảy từ lầu ba trường Đồng Khánh để gây sự chú ý của dư luận và phái đoàn LHQ. Cô chỉ bị thương nặng. 

 

Ngày 27.10 nhà sư Thích Thiện Mỹ tự thiêu trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Trước khi tự thiêu nhà sư Thích Thiện Mỹ đã viết bốn bức thư: Một gởi cho tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm, một gởi cho hòa thượng Thích Tịnh Khiết, người lãnh đạo tối cao của phong trào Phật giáo đấu tranh, một gởi cho ông U Than tổng thư ký của Hội đồng Liên hiệp quốc, và một gởi cho phật giáo đồ Việt Nam. Xúc động trước cái chết của nhà sư, đọc bốn bức thư của nhà sư để lại, tôi viết trong nhật ký những dòng sau đây:

 

“ Này các ông các bà, còn có tội ác và sự dối trá nào lớn hơn mà các vị đã không làm chỉ để với mục đích huỷ diệt chúng tôi – những người chẳng có gì khác ngoài niềm tin vào sự sống, tình thương và sự bình đẳng giữa chúng sinh. Không có gì ở trên, ở trước, ở sau sự sống ấy, ngoài nỗi đau mà do mê muội lầm lạc và ham muốn vô độ, chúng sinh – trong đó có chúng ta – đã cùng chuốc lấy, đẩy xô nhau vào con đường bi thương tăm tối.

“ Đức Phật Thích Ca, thầy của chúng tôi, Người đã chỉ cho nhân  loại  một con đường khác và những phương pháp thích hợp để mỗi con người tự giải thoát ra khỏi nỗi khổ mênh mông như biển.

             Con đường ấy nằm giữa dân tộc và nhân loại.

Con đường ấy luôn rộng mở, không tự biến thành pháo đài, thành gươm giáo, thành bom đạn, để tiêu diệt bất cứ ai chưa dấn bước.

Không có chiến tranh, không có đầu rơi máu đổ, không có đau thương, chia lìa, thù hận trên con đường Đức Phật đã chỉ.

“ Này các ông các bà, tội ác mà quí vị đã gây ra cho dân tộc Việt Nam, cho chúng tôi – những người đi con đường của đức Phật – là vô cùng to lớn. Để chống lại tội ác đó, chúng tôi không thể “máu kêu trả máu – đầu kêu trả đầu,” bởi con đường đức Phật đã dạy cho chúng tôi là: Từ bi hỉ xả  đến cả muôn loài, huống hồ gì, quí vị và chúng tôi đều là dân một nước là con một nhà. Trong cái tình cảnh chẳng đặng đừng như hiện tại, chúng tôi chỉ còn biết đem sự sống của chính mình mà trang trải.

“ Đức Phật, người thầy của chúng tôi nói rằng:  mầm hạt tốt lành hiện hữu trong hết thảy mọi dạng thể của sự sống. Con đường ngài đã chỉ và cách thế mà Phật giáo Việt Nam đã thể nghiệm, chúng tôi rất mong là nó sẽ góp phần giảm trừ những mê lầm ác nghiệp, tiêu tán và hoá giải mọi khổ nạn hận thù, góp phần đem lại hoà bình, an lạc cho dân tộc và nhân loại…”

 

Trong khi ở bên trời Tây bà Ngô Đình Nhu đang giẫy nẩy hờn giận cha mình, đang hậm hực tổng thống Mỹ, đang chê trách đức giáo hoàng, đang bị la ó và ném trứng thối, thì ở Miền Nam hàng chục ngàn tăng ni, phật tử, trí thức, sinh viên, thanh niên, học sinh đang bị nhốt trong các trại giam. Có lẽ Ngô Đình Nhu nghĩ rằng nhốt hết “bọn sư sãi nổi loạn” là ông và đảng Cần Lao Thiên Chúa giáo của ông có thể làm chủ được tình hình Miền Nam. Ông tiếp tục đàn áp bắt bớ. Ông làm mọi chuyện mờ ám để vô hiệu hóa Phái đoàn Điều tra Liên Hiệp Quốc. Ông mưu đồ dìm Diệm xuống, nâng mình lên để khỏi bị cấn cái bởi cái ông anh tổng thống “mềm như sứa” mà vợ ông đã có lần mắng nhiết. Ngô Đình Nhu lo ngại và đề phòng một vài phe nhóm do “bọn Mỹ xúi dục” hay thân Phật giáo âm mưu đảo chính. Ông cũng tổ chức đảo chính giả để chống đảo chính thật. Nhưng ông không ngờ dưới chân ông âm ỉ quá nhiều những đợt sóng ngầm đang chờ cơ hội bùng lên nuốt chửng ông.

 

 Biến cố 1.11.1963 – Chế độ độc tài Ngô Đình Diệm bị lật đổ.

 

Những đợt sóng ngầm xuất phát từ tòa đại sứ và cơ quan CIA đại diện quyền lực Mỹ tại Sài Gòn – cái quyền lực đã đưa anh em nhà Ngô lên làm chúa tể của miền Nam, và quân đội – những người đã một thời cúc cung tận tụy với Ngô tổng thống “anh minh”, với ông cố vấn “thông minh tài trí”, với ngài tổng giám mục quyền uy đại công thần của giáo hội La Mã, với ông cậu cố vấn chỉ đạo chính trị – lãnh chúa Miền Trung.

 

Trên nguyên tắc, đảo chính là công việc của người Việt Nam, tòa Đại sứ hay CIA không can dự vào, vì như thế là chen lấn vào nội bộ đồng minh. Nhưng trong thực tế, bất cứ nhóm chuẩn bị đảo chính nào cũng có quan hệ với một nhân vật lớn nhỏ nào đó của Mỹ. Không như thế, một khi đảo chính thành công các nhà cách mạng lấy viện trợ đâu mà chống Cộng và xây dựng đất nước? Chống Cộng, từ năm 1954, đã trở thành đại lý độc quyền của Mỹ, đồng thời là dịch vụ của anh em nhà Ngô. Về phía Mỹ: bất cứ phe nhóm đảo chính nào muốn thành công, điều tiên quyết là có trả lời được câu hỏi liệu có khả năng giúp Mỹ đánh thắng Cộng Sản hay không. Nay thì người Mỹ đã biết chắc chắn rằng với chế độc tài gia đình trị và Công giáo trị, anh em nhà Ngô sẽ không đáp ứng yêu cầu đó của Mỹ, huống hồ gì họ còn cố tình bắn tiếng cho người mỹ biết là họ sẽ bàn thảo với Hà Nội…

Theo tài liệu Lầu Năm Góc, từ sau khi vợ chồng Ngô Đình Nhu tiến hành chiến dịch Nước Lũ (20.8.963), tại Sài Gòn có đến 10 nhóm âm mưu đảo chính. Theo Đỗ Mậu, vào thời điểm đó có bảy tám nhóm…Ba nhóm chính thức mời ông tham gia.(Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi. Hồi ký Đỗ Mậu).

 

Đỗ Mậu – đại tá, đang là giám đốc An ninh Quân đội, là đồng chí thân cận của “ông Cụ” suốt 20 năm (1943 – 1963), nôn nóng vận động đảo chính để cứu chủ. Theo Đỗ Mậu, nếu để người khác làm đảo chính, ông Diệm sẽ bị giết. Đỗ Mậu chỉ muốn lật đổ vợ chồng Ngô Đình Nhu và đảng Cần Lao Thiên Chúa giáo để miền Nam thoát khỏi chế độ độc tài tham nhũng nhằm chống Cộng hữu hiệu hơn. 

 

Trần Kim Tuyến, nguyên là Giám đốc sở Nghiên cứu Chính trị (Tình báo Trung ương ), bạn thân của Ngô Đình Nhu, bị nghi ngờ, điều đi làm đại sứ, muốn quay trở lại để thực hiện cuộc đảo chính mà ông đã hoạch định.

 

Phạm Ngọc Thảo – đại tá, đệ tử ruột của tổng giám mục Ngô Đình Thục, nguyên là tỉnh trưởng, đang là thanh tra ấp chiến lược, thỉnh thoảng được mời vào dinh Gia Long để đàm đạo với hai ông Diệm – Nhu  một số vấn đề chính trị chiến lược. Phạm Ngọc Thảo cũng đang ráo riết vận động đảo chính. (Phạm Ngọc Thảo là tình báo viên Việt Cộng được cài vào gia đình Ngô Đình Diệm từ sau 1954). 

 

Trần Văn Đôn, đang giữ chức tổng tham mưu trưởng quân đội VNCH, là bạn chí cốt của vợ chồng Ngô Đình Nhu, đại công thần của Ngô triều, cũng khẩn trương tập họp đồng chí bày binh bố trận lật đổ chế độ gia đình trị.

 

Tôn Thất Đính, trung tướng, đang là tư lệnh quân đoàn 3 và tổng trấn Sài Gòn Gia Định, là người được hai ông Nhu – Diệm tin cậy và trọng dụng nhất trong hàng các tướng. Tôn Thất Đính ngã về  phía phe đảo chính không khó khăn gì, vì ông cũng rất bức xúc với Ngô triều.

 

Tóm một câu, tám chín mươi phần trăm các tướng, tá, úy già cũng như trẻ của quân lực VNCH đều muốn có đảo chính, hoặc đang tổ chức đảo chính.

 

Cuối cùng có khả năng đảo chính thành công nhất là nhóm các tướng Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân, Trần Thiện Khiêm… Tòa đại sứ Mỹ và CIA nhận thấy như thế. Đa số các tướng tá quân đội Việt Nam Cộng Hòa cũng nhận thấy như thế nên lần hồi qui tụ về chung quanh ngọn cờ Dương Văn Minh và tham mưu trưởng Trần Văn Đôn để rồi làm nên cuộc đảo chính – cách mạng 1.11. 1963. Kết quả là hai ông Nhu – Diệm bị giết vào sáng ngày 2 tháng 11 trong chiếc xe tăng do Mỹ chế tạo. Ngô Đình Cẩn bị tòa án Cách mạng thực hiện án tử hình mấy tháng sau. Bà Ngô Đình Nhu sau chuyến công du giải độc không về nữa. Tổng giám mục Ngô Đình Thục cũng không về nữa vì giáo hoàng đã gọi qua La Mã, trao cho ông một chức vụ và răn đe đôi điều từ mấy tháng trước. Như thế là chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm đã cáo chung. Nhân dân Sài Gòn,Huế và các tỉnh thành miền Nam ùa ra đường phố nừng vui chào mừng cách mạng thành công, công kênh các tướng lĩnh và quân nhân như những anh hùng.

 

Chế độ Ngô Đình Diệm cáo chung, các tăng ni, phật tử, trí thức, thủ lãnh sinh viên, các tù nhân bị án oan, các tù nhân chính trị đối lập lần lược được giải phóng. Những chính khách và sĩ quan lưu vong lục tục quay trở về. Đa  số nhân dân trong các đô thị Miền Nam mừng vui đón chào cách mạng thành công, ca ngợi các vị anh hùng quân đội, tố cáo tội lỗi, triệt hạ các tàn tích tội ác của gia đình họ Ngô, trừng trị bọn tay chân Ngô triều gây tội ác, truy quét dư đảng Cần Lao Nhân Vị.