Hậu
Covid-19: Cơ Hội Không Để Mất Cơ Hội
Chu
Hảo
Cho đến hôm
nay chúng ta có cơ sở để hy vọng đại dịch Covid-19 ở Việt Nam sẽ được
khống chế một cách cơ bản vào khoảng giữa tháng 5, khi còn dưới 20 người
vẫn đang phải điều trị và khoảng 30 ngày liên tục không xuất hiện ca
nhiễm nào trong cộng đồng. Đó là một thành tích kỳ diệu, xứng đáng được
cả thế giới ngưỡng mộ. Cũng vì vậy mà Chính phủ và các học giả đã bắt
đầu bàn đến các cơ hội to lớn đang mở ra và đề xuất các giải pháp tận
dụng để phát triển đất nước, như bạn đọc có thể thấy trên các phương
tiện truyền thông đại chúng mấy ngày qua (xem các bài của Phạm Chi Lan,
Trần Văn Thọ, Nguyễn Trung, Nguyễn Quang Dy, Vũ Minh Khương, Nguyễn Ngọc
Chu v.v.).
Tôi tán
thành hầu hết các ý kiến ấy, sau đây chỉ xin được chia sẻ với bạn đọc ý
kiến riêng của mình về một vài khía cạch khác.
1. Theo tôi
cơ hội lớn nhất đối với chúng ta lần này là
Cơ hội không để tuột mất cơ hội.
Chắc các bạn còn nhớ những lời nhận xét đau lòng đại thể như “Việt Nam
là đất nước không muốn phát triển (?!)”, luôn đi liền với “Việt Nam là
chuyên gia bỏ lỡ cơ hội”. Trong bài viết gần đây, GS Trần Văn Thọ chỉ
nhắc đến hai cơ hội vào năm 1975 và 1990; nhưng cựu Đại sứ Nguyễn Trung
thì thấy nhiều hơn, bắt đầu từ khi xuất bản cuốn “Thời cơ vàng” (NXB
Trẻ, 2010) cho đến tận gần đây, cứ mỗi lần xuất hiện một thách thức mới
là Nguyễn Trung lại đau đáu một “cơ hội vàng” cho đất nước, nhưng rồi cứ
mỗi lần hy vọng lại là một lần thất vọng… “Cái dớp bỏ lỡ cơ hội” này sẽ
mãi mãi ám ảnh chúng ta chừng nào cái thói “kiêu ngạo cộng sản” của các
nhà lãnh đạo (như Lê-nin đã nhận ra trong nội bộ đảng của mình từ ngay
từ những năm đầu của Cách mạng tháng Mười, và Lý Quang Diệu viết về các
nhà lãnh đạo Việt Nam sau 1975 trong hồi ký của mình); và chừng nào dân
chúng vẫn còn “tự sướng” coi Việt Nam là “lương tâm của thời đại”, là
“rốn của Vũ trụ” như sau các chiến thắng năm 1954 và năm 1975. May thay
lần này Covid -19 đã làm cho dân ta, nhất là tầng lớp tinh hoa, thấm
thía rằng chẳng có gì là vĩ đại tuyệt đối cả, chẳng có gì là chắc chắn
tuyệt đối cả; nhưng sinh mạng và quyền được sống của mỗi con người, cũng
như chủ quyền và lợi ích của mỗi quốc gia là tuyệt đối, là vĩnh cửu. Có
lẽ vì vậy mà thói kiêu ngạo và ngông nghênh vỗ ngực tự hào hình như giảm
hẳn. Đó là cơ sở để chúng ta tin rằng cái “dớp bỏ lỡ cơ hội” lần này sẽ
được hóa giải. Mong lắm sao!
2. Cơ hội
thứ hai mà Covid-19 mang lại cho chúng ta có thể là cơ hội ngàn năm có
một: Cơ hội thoát Trung. Ở đây thoát Trung có ý nghĩa cụ thể là: Thoát
khỏi âm mưu thâm độc và nhất quán của bè lũ cầm quyền Trung Hoa đại lục
từ xưa đến nay nhằm thôn tính đất nước ta; liên tục xâm phạm không gian
sinh tồn gồm lãnh thổ và lãnh hải của dân tộc ta; luôn tìm cách bóp
nghẹt nền kinh tế và lũng đoạn hệ thống chính trị của đất nước ta; đầu
độc tinh thần và phá hoại nền văn hóa văn hóa - đạo đức của nhân dân ta.
Có một bộ phận không nhỏ đồng bào ta, cả trong tầng lớp lãnh đạo và giới
tinh hoa, vẫn còn mơ hồ, hoặc bị khống chế vì đã bị mua chuộc, nên không
nhận ra hoặc không dám nói công khai ra sự thật kinh hoàng này; không
thoát ra khỏi cái vòng kim cô “đồng ý thức hệ”, với “16 chữ vàng” và
“bốn tốt” lừa mị thâm hiểm, của bọn cướp toàn cầu ngồi ở Trung Nam Hải.
May thay Covid-19 làm cả thế giới bừng tỉnh, nhất là nước Mỹ, trước tham
vọng của bè lũ bá quyền Bắc kinh đang vội vàng vươn lên thành bá chủ
thiên hạ bằng những thủ đoạn hèn hạ nhất, độc ác nhất. Toàn thế giới giờ
mới có dịp làm cho chiếc mo ô nhục che mặt bè lũ ấy rơi xuống đất, và
đồng lòng lên án, tẩy chay và trừng phạt chúng. Có lẽ nào nhân dân ta
lại không có cách gì tận dụng “cơ hội vàng” này để thoát khỏi nanh vuốt
của những kẻ không bao giờ muốn Việt Nam trở thành một nước Độc lập, Tự
cường? Hình như có một nỗi sợ vô hình khi đối mặt bọn bá quyền Bắc Kinh
vẫn bao trùm đâu đó. Nỗi sợ ấy hoàn toàn phi lý. Thời chống quân Nguyên,
thế và lực của nước ta yếu hơn nhiều so với kẻ xâm lược, mà ông cha ta
đâu có sợ? Lúc ấy chỉ có lòng dân là cứu được nước, cũng như bây giờ chỉ
có trên dưới một lòng nước ta mới vượt qua Covid-19 một cách đáng ghi
nhận. Nỗi sợ sẽ làm ta dễ cam chịu. Hãy nhớ lời nhắn nhủ của Winston
Churchill (Thủ tướng Anh thời chiến tranh Thế giới thứ hai):
“Một dân tộc tìm cách né tránh
chiến tranh bằng cách chịu nhục, thì dân tộc đó sẽ lãnh đủ cả hai thứ:
cả chiến tranh và sự nhục nhã.” Mọi tín hiệu từ nhiều phía cho
thấy đây là thời điểm thoát Trung thuận lợi nhất, chỉ cần thoát khỏi nỗi
sợ hãi thôi.
3. Cơ hội
thứ ba mà Covid-19 đem lại, mà chúng ta phải quyết không để tuột khỏi
tầm tay, cũng rất quan trọng. Đó là, cũng như đối với các nước khác, nó
làm bộc lộ một cách bất ngờ nhất những điểm yếu và mạnh trong hệ thống
quản trị đất nước để tìm được “đột
phát khẩu” cho phát triển. Tôi tán thành với ý kiến của GS Trần
Văn Thọ cho rằng, điểm yếu nhất của nước ta hiện nay
là nguy cơ tụt hậu và ông
đề xuất giải pháp
“Chống
tụt hậu như chống giặc”
để khắc phục
“cái
yếu nội lực Việt Nam là cơ cấu hành chánh, tinh thần trách nhiệm của
quan chức, và sự tương tác không mấy thuận lợi của doanh nghiệp và dân
chúng đối với các chính sách của nhà nước”.
Là người am hiểu và tinh tế ông chỉ nói đến thế, nhưng có lẽ ta
nên hiểu rằng ông đang đề cập đến vấn đề
cải cách
thể chế chính trị mà bản
thân đảng cầm quyền cũng từng nói, nhưng chưa làm được nhiều. Ông cũng
nhắc đến ý kiến của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhấn mạnh trong thư gửi cho
Bộ Chính trị năm 1995 rằng trong bốn nguy cơ đang phải đối mặt thì nguy
cơ tụt hậu xa hơn nữa là nguy cơ quan trọng nhất. 25 năm trôi qua mà
nguy cơ ấy vẫn còn nguyên đó. Coi là tụt hậu là giặc thì các biện pháp
thời chiến dễ được toàn dân đồng lòng và tuân thủ, thế thì biết đâu ta
lại thắng to!? Tuy vậy cũng nên nhớ lời nói chân thành của Cố Phó Thủ
tướng Nguyễn Cơ Thạch với GS Lê Xuân Khoa tại Mỹ năm 1990: “Chúng
tôi đánh nhau thì giỏi, nhưng quản trị [đất nước] thì tồi lắm! Không
phát triển đất nước được”. Nếu còn sống đến tận hôm nay, liệu Ông
vẫn bảo lưu ý của mình?
|