Người Việt Chính trường hỗn loạn, Nguyễn Như Phong phò đảng cũng bị ‘bức tử’
HÀ NỘI (NV) – Không chỉ giới truyền thông chính thống mà ngay cả công chúng cũng sửng sốt khi ông Nguyễn Như Phong, cựu đại tá công an, tổng biên tập PetroTimes, bị cách chức và tờ báo điện tử này bị đình bản trong ba tháng. PetroTimes là báo điện tử của tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN). Còn ông Phong từng là đại tá công an, phó tổng biên tập tờ Công An Nhân Dân được PVN mời về làm tổng biên tập khi PVN có giấy phép xuất bản báo điện tử. Tuy thuộc PVN, một tập đoàn nhà nước, song dưới sự điều hành của một cựu đại tá công an, PetroTimes đã tự lãnh nhận vai trò “xung kích trên mặt trận truyền thông,” cùng các tờ Nhân Dân (của Ban Chấp hành Trung Ương Đảng CSVN), Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân “tả xung hữu đột” để bảo vệ chính quyền CSVN. PetroTimes là tờ báo duy nhất tự hạch toán (tự thu chi, không ngửa tay nhận ngân sách để duy trì hoạt động như Nhân Dân Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân) nhưng luôn luôn tiên phong trong việc chỉ trích, bôi nhọ các cá nhân, các hoạt động đòi tự do, dân chủ và cũng vì vậy mà mức độ chỉ trích PetroTimes trên mạng xã hội còn lớn hơn những cơ quan truyền thông “ăn cơm chúa, múa tối ngày.” Mức độ “trâng tráo, nhâng nháo” của PetroTimes được xem là lên tới đỉnh khi tháng 6 vừa qua, nhân “Ngày Báo Chí Cách Mạng Việt Nam,” PetroTimes giới thiệu bài “Nghề phóng viên là phải như con chó ấy” của ông Nguyễn Như Phong. Trong bài viết này, ông Phong khuyến cáo các đồng nghiệp bắt chước chó (trung thành, tôn thờ, yêu, vui buồn cùng chủ, bảo vệ chủ) vì “chó khôn nhờ chủ, nhà báo giỏi cũng nhờ chủ!” Dẫu liên tục “đăng ký lập trường” theo kiểu như thế nhưng ngày 3 tháng 10 vừa qua, ông Phong vẫn bị cách chức, thu hồi thẻ nhà báo (một kiểu giấy phép hành nghề). PetroTimes thì bị tạm đình bản trong ba tháng. Trong thông báo chính thức về sự kiện gây ngỡ ngàng ấy, Bộ Thông tin – Truyền thông của chính quyền Việt Nam cho biết lý do là vì PetroTimes có “sai phạm trong hoạt động báo chí” và cơ quan chủ quản đề nghị như vậy. Nguyễn Như Phong và PetroTimes đột tử vì ai? “Sai phạm trong hoạt động báo chí” của PetroTimes không được xác định nhưng cuối tuần vừa qua, PetroTimes dẫn lại nội dung cuộc phỏng vấn giữa blogger Người Buôn Gió và Thời Báo (một tờ báo tiếng Việt tại Đức) về quan hệ giữa blogger này với Trịnh Xuân Thanh và dù sau đó ít giờ dù PetroTimes đã tự ý đục bỏ nhưng vẫn không được tha. Trịnh Xuân Thanh, con trai một nhân vật từng là cựu phó Ban Dân Vận của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN, vốn là tâm của một trận bão dư luận. Sau năm năm sang Đông Âu kiếm cơm, ông Thanh quay về Việt Nam và ngay lập tức được tuyển dụng làm lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp nhà nước. Khoảng cuối thập niên 2000, ông Thanh trở thành lãnh đạo Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam (PVC). Trong khoảng năm năm điều hành PVC, ông Thanh cùng các đồng liêu tạo ra khoản lỗ khoảng 3,300 tỷ đồng. Ông Thanh được rút ra khỏi PVC trước khi một số thuộc cấp bị tống giam và được bổ nhiệm làm trưởng văn phòng đại diện của Bộ Công Thương ở miền Trung rồi được rút về làm chánh văn phòng Ban Cán Sự Đảng của Bộ Công Thương. Kế đó ông Thanh được “luân chuyển” về tỉnh Hậu Giang làm phó chủ tịch của tỉnh này. “Luân chuyển” là một bước trong tiến trình sắp đặt – bổ nhiệm các viên chức đã được lựa chọn để đảm nhận những chức vụ cao hơn và quan trọng hơn trong hệ thống công quyền Việt Nam. Do bão dư luận, ông Thanh xin thôi làm phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, còn Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội Việt Nam thì biểu quyết, loại ông khỏi danh sách Đại Biểu Quốc Hội. Cả tổng bí thư, chủ tịch Quốc Hội Việt Nam cùng hứa với công chúng là sẽ điều tra, bạch hóa xem tại sao ông Thanh có thể lọt lưới và tiếp tục thăng tiến bất thường như vậy. Ngay sau đó có một tình huống phát sinh, ông Thanh đột nhiên biến mất. Ít ngày sau, blogger Người Buôn Gió loan báo ông Thanh đã tiếp xúc với mình và tố cáo đang bị ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN biến thành công cụ để thực hiện kế hoạch thanh trừng nội bộ. Ông Thanh đòi một cuộc “điều tra công bằng” và tuyên bố rời bỏ đảng CSVN. Bão dư luận xoay chiều, từ ông Thanh, xoáy vào ông Trọng và âm mưu “loại trừ những thành phần ‘thân Mỹ,’ thâu tóm quyền lực, bán nước cho Tàu” của ông Trọng. Công an Việt Nam khởi tố ông Thanh kèm lệnh truy nã. Bốn thuộc cấp của ông Thanh trong giai đoạn ông đang làm chủ tịch Hội Đồng Quản Trị PVC bị tống giam. Trong số này có ông Vũ Đức Thuận, tổng giám đốc PVC. Giống như ông Thanh, ông Thuận cũng rời khỏi PVC trước khi công an Việt Nam điều tra về những sai phạm tại PVC dẫn tới khoản thua lỗ 3,300 tỷ đồng. Có một điểm đáng chú ý là “quá trình công tác” của ông Thuận giống hệt với “quá trình công tác” của ông Đinh La Thăng, nhân vật đang là ủy viên Bộ Chính Trị Đảng CSVN, kiêm bí thư thành ủy của Sài Gòn: Ông Thăng rời Tổng Công Ty Sông Đà thuộc Bộ Xây Dựng Việt Nam để về Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) thì sau đó, ông Thuận cũng rời Tổng Công Ty Sông Đà để về PVC, một doanh nghiệp thuộc PVN. Khi ông Thăng rời PVN về làm bộ trưởng Giao Thông-Vận Tải Việt Nam thì ông Thuận rời PVC để về Bộ Giao Thông-Vận tải Việt Nam làm chánh văn phòng. Đến lúc ông Thăng bỏ Bộ Giao Thông Vận Tải vào Sài Gòn làm bí thư thì ông Thuận không còn xuất hiện ở Bộ Giao Thông-Vận Tải nữa. Sau khi ông Thuận bị công an Việt Nam bắt để điều tra về những sai phạm khiến PVC mất 3,300 tỷ, báo chí Việt Nam đồng loạt loan tin, sở dĩ ông Thuận không đến Bộ Giao Thông-Vận Tải làm chánh văn phòng vì… thành ủy Sài Gòn đã xin ông Thuận về làm việc. Một ngày sau khi loan tin này, báo chí Việt Nam đồng loạt đục bỏ nó. Cần nhắc lại rằng trong vài năm gần đây, từ những thông tin, hình ảnh trên hệ thống truyền thông chính thống, ông Đinh La Thăng trở thành một “nhân vật” mà nhiều người cho là có thể thay đổi hệ thống công quyền Việt Nam theo chiều hướng tích cực hơn, bởi ngoài việc công khai chỉ trích các… thuộc cấp ông còn cách chức một số người làm việc thiếu hiệu quả. Chính trường Việt Nam từng có một “nhân vật” giống hệt như thế tên là Nguyễn Bá Thanh. Ông Nguyễn Bá Thanh đã chết hồi tháng 2 năm ngoái. Scandal Trịnh Xuân Thanh chuyển hướng sau khi nhà báo Trương Huy San (Osin Huy Đức tác giả Bên Thắng Cuộc) nhận định, Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận chỉ là đồng phạm trong chuyện PVC mất 3,300 tỷ, thủ phạm chính gây thất thoát hàng trăm ngàn tỷ là ông Đinh La Thăng. Trong hai bài viết liên quan đến cáo buộc này, blogger Trương Huy San dẫn nhiều số liệu, dữ liệu, liệt kê tên một số cá nhân có thể xem như nhân chứng và đề nghị điều tra. Hai bài viết về Đinh La Thăng của blogger Trương Huy San khiến nhiều người cho rằng blogger này là một “dư luận viên cao cấp” đang hỗ trợ ông Trọng thực hiện chiêu bài “chống tham nhũng” để loại trừ những thành phân ‘thân Mỹ,’ củng cố địa vị nhằm dễ dàng thực hiện “âm mưu bán nước cho Tàu.” Dù tán thành hay không đồng tình với đề nghị của nhà báo Trương Huy San thì nhiều người vẫn tin rằng Đinh La Thăng sẽ là nhân vật kế tiếp bị “chặt đầu, lột da.” Đúng lúc đó tờ Thời Báo phỏng vấn blogger Người Buôn Gió về những bài viết liên quan đến Trịnh Xuân Thanh. Theo blogger Người Buôn Gió thì ông Thanh tiếp xúc, cung cấp tài liệu cho anh ta nhằm “nhờ phản biện.” Ông Thanh đã cung cấp cho blogger Người Buôn Gió những tài liệu nhằm chứng minh 3,300 tỷ mà PVC làm mất là một thứ rủi ro có thể gặp trong trong kinh doanh chứ không phải tham nhũng. PetroTimes , tờ báo của PVN, một thứ “xung kích trên mặt trận truyền thông” của chính quyền CSVN gặp đại nạn do đăng lại bài phỏng vấn vừa kể. Ông Đinh La Thăng từng là “thái thượng hoàng” của PVN. Tại sao tương lai của xứ sở và dân tộc vẫn là thứ yếu? Hiện trạng kinh tế-xã hội của Việt Nam đã khiến nhiều triệu người Việt tỉnh ngộ. Lúc này, nhiều triệu người Việt không thèm giấu giếm sự khinh miệt và căm giận chính quyền CSVN. Họ muốn có sự thay đổi. Trong bối cảnh khao khát thay đổi càng lúc càng mãnh liệt song không có cá nhân hoặc lực lượng đối lập nào đủ sức đối đầu với hệ thống công quyền, công chúng đã dồn niềm tin và hy vọng vào một số viên chức có vài tuyên bố và hành động dường như tử tế hơn đám đông viên chức đương nhiệm. Chẳng hạn ông Nguyễn Bá Thanh, cựu bí thư thành ủy Đà Nẵng, cựu trưởng Ban Nội Chính Trung Ương. Tuy mồ ông Thanh đã xanh cỏ nhưng nhiều người vẫn còn ngậm ngùi vì ông ta ra đi quá sớm. Họ tin rằng nếu ông Thanh còn sống, chính trường Việt Nam sẽ khác. Niềm tin đó được xây trên những tuyên bố kiểu như sẽ “bắt hết, hốt hết” những viên chức tham nhũng và những tuyên bố hiếm có ấy trong một xã hội như xã hội Việt Nam đã giúp xóa hết tất cả các vết nhơ của ông Nguyễn Bá Thanh trong quá khứ. Người ta quên ông Nguyễn Bá Thanh từng gây sức ép để thuộc cấp phải mang băng ca khiêng ông Trần Văn Thanh – một thiếu tướng công an đang cấp cứu tại bệnh viện – đến nhà hát Trưng Vương hầu tòa trong một vụ xử lưu động được tổ chức hồi tháng 7 năm 2009. Hồi giữa thập niên 2000, khi đang là giám đốc công an thành phố Đà Nẵng, ông Trần Văn Thanh là người cương quyết lôi ông Nguyễn Bá Thanh, lúc đó là chủ tịch thành phố Đà Nẵng ra tòa vì có đầy đủ dấu hiệu cho thấy ông Nguyễn Bá Thanh đã nhận hối lộ từ ông Phạm Minh Thông, giám đốc công ty Hợp Doanh Xây Lắp và Kinh Doanh Nhà Quảng Nam-Đà Nẵng. Tuy nhiên nỗ lực của ông Trần Văn Thanh bất thành. Niềm tin vào ông Nguyễn Bá Thanh còn được củng cố nhờ sự khang trang của thành phố Đà Nẵng. Không mấy người muốn xét xem đằng sau sự khang trang đó nôi lực thật sự của Đà Nẵng ra sao và tiềm lực của thành phố này như thế nào sau khi đã bán sạch đất. Để thỏa mãn sự tin yêu hiếm hoi của công chúng, chính quyền CSVN vừa loan báo đang xem xét việc phong tặng ông Nguyễn Bá Thanh danh hiệu “anh hùng.” Tin này làm nhiều người “hởi lòng, hởi dạ” vì “nguyện vọng” của họ được đáp ứng. Chừng đó là đủ để giúp quên nhiều thứ. Tương tự, sự “ngưỡng mộ” ông Đinh La Thăng khiến người ta dễ dàng phản đối các cáo buộc của nhà báo Trương Huy San cho dù rõ ràng cần phải xem xét thực hư bởi nó liên quan đến hàng ngàn tỷ của công quỹ. Cho đến giờ, chính phủ Hoa Kỳ chưa xác định viên chức nào trong chính quyền CSVN “thân” với mình. Chính quyền Trung Quốc cũng chưa loan báo viên chức nào trong chính quyền CSVN “theo” họ. Chỉ có dân chúng Việt Nam với sự âu lo cho tiền đồ của xứ sở, tương lai của dân tộc đang bị dẫn dắt bởi các “nguồn tin cung đình cho phép nhận định,” cá nhân này “thân Mỹ” còn nhóm kia “theo Tàu.” Những “nguồn tin cung đình” vốn luôn tạo sự hiếu kỳ và những nhận định về chuyện “thân Mỹ,” “theo Tàu” từng giúp ông Nguyễn Tấn Dũng, cựu thủ tướng Việt Nam, có thể “rũ bùn đứng dậy sáng lòa.” Một Nguyễn Tấn Dũng được cho rằng “thân Mỹ” đã giúp người ta quên trách nhiệm của ông ta đối với kinh tế suy thoái, xã hội đảo điên, nợ nần tăng vọt. Quên luôn cả chuyện tương quan giữa lương Thủ tướng Việt Nam với chi phí của việc gửi cả ba đứa con ra ngoại quốc du học. Quên ông Dũng là người công khai hóa và mở đường cho phong trào công khai sắp đặt vợ chồng, con cái, anh chị em vào những vị trí lãnh đạo từ trung ương cho tới địa phương… Càng ngày, điều quan trọng, cần nhớ và cần làm cho bằng được càng bị “thân Mỹ,” “theo Tàu” bôi mờ. Đó là ông Trọng hay ông Dũng, ông Thanh hay ông Thăng, hoặc ông X, ông Y, ông Z thổ tả nào đó, phàm đã là viên chức của chính quyền CSVN thì cũng không thể nào ký gửi cả niềm tin lẫn hy vọng. “Thân Mỹ” hay “theo Tàu” chỉ là cách nói nhằm chứng tỏ sự “thạo tin,” “am tường thời cuộc.” Đôi khi đó là một kiểu lung lạc. Lịch sử cho thấy CSVN từng “thân” và “theo” nhiều thứ. Những “thân” và “theo” đó làm hàng chục triệu người “trao duyên lầm tướng cướp,” khiến cả xứ sở điêu linh, dân tộc lầm than. “Thân” và “theo” nay tiếp tục là chiêu đắc dụng để tìm kiếm sự hậu thuẫn của dư luận, cho các đương sự và băng nhóm của họ duy trì đặc quyền, đặc lợi. Chẳng lẽ sau 62 năm ở miền Bắc và 41 năm trên toàn Việt Nam tất cả các viên chức CSVN vẫn chưa cần phải rời khỏi chỗ mà họ thật sự bất xứng? Chẳng lẽ vẫn chưa tới lúc hàng trăm triệu người Việt mới là thực thể có quyền quyết định “thân” và “theo” ai? Tại sao vấn đề cần bận tâm nhất lúc này vẫn không phải là có viên chức CSVN nào muốn thân dân và theo dân hay không. (G.Đ)
|