Vietnam Thời Báo
Quản trị quốc gia: Chính phủ thực tâm muốn nghe trí thức? Ánh Liên
Vượt tầm nhìn là thiếu khả năng nhìn nhận sự vụ - hiện tượng
đang vận động trong quốc gia.
Facebooker Lưu Trọng Văn chia sẻ một câu chuyện thú vị về Ban tư vấn
kinh tế của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, 'Ông Khải đâu ngờ rằng chỉ
ngay sau khi ông từ chức thì hai nữ tướng ấy cùng các tên tuổi như Trần
Việt Phương, Trần Xuân Giá, Trần Đức Nguyên... bị ông Dũng xua đuổi như
thế nào đến nỗi nhiều người trong đó có tôi không kịp thu xếp hồ sơ, tài
liệu nghiên cứu của mình.' Lý do cho sự giải tán đến từ việc 'Ban nghiên
cứu là lực cản ngăn chặn rất nhiều thông tư, nghị định của các bộ và của
văn phòng phó thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng vì thấy bất lợi với
đổi mới kinh tế,' bà Ts Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.
Câu chuyện về nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục là câu chuyện
'trà dư tửu hậu' khi mà bối cảnh nền kinh tế tiếp tục gặp những khó khăn
về vốn và ngân sách, cũng như chính phủ kiến tạo Nguyễn Xuân Phúc tiếp
tục tiến hành những chỉ đạo, quyết định mang tính trái chiều (từ tiếp
tục giữ vai trò sân golf trong sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đến xử lý
câu chuyện BOT trong cả nước, gần nhất là câu chuyện đất đai Đồng Tâm
đang bị quân đội đào hào - dựng rào trở lại). Bởi người ta lo ngại, đội
ngũ tư vấn chính sách kinh tế của Việt Nam hiện tại chỉ mang tính biểu
trưng như thời ông Dũng, và trên hết cả là cái đầu cứng nhắc của người
lãnh đạo trước sự tình (cao hơn là vận mệnh) quốc gia.
Đặc sản lãnh đạo theo quan điểm cá nhân có hai loại: tầm nhìn và vượt
tầm nhìn.
Tầm nhìn là Lý Quang Diệu làm nên Singapore và Park Chung Hee đặt nền
tảng cho một Hàn Quốc hiện đại. Cả hai tầm nhìn vượt đám đông và đưa
quốc gia đi vào quỹ đạo phát triển đúng nghĩa. Tại Việt Nam, Bí thư tỉnh
uỷ Vĩnh Phú - ông Kim Ngọc đem mầm mống giá trị thị trường (khoán hộ)
vào trong không gian bao cấp, hay ông Võ Văn Kiệt với tư duy phá rào,
đổi mới trong thời kỳ cấm cản.
Vượt tầm nhìn là thiếu khả năng nhìn nhận sự vụ - hiện tượng đang vận
động trong quốc gia. Điều đáng lo của vượt tầm nhìn là không có thói
quen lắng nghe nhân sĩ, chỉ khăng khăng đi theo tư duy của mình, biến
đường lối lãnh đạo trở thành một hệ bảo thủ. Và Việt Nam hiện nay như
một cô gái rách rưới - bị tàn phá bởi chính điều đó.
Câu chuyện của thời ông Dũng không khác gì câu chuyện 'cây đèn đổ ngược'
được kể như một lối châm biếm về thói hủ Nho (vẫn một mực giữ thói sách
vàng trong thời đại công nghiệp giao mùa) thời vua Tự Đức. Khi đó, sứ
đoàn Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ sau khi đi Pháp về đã kể những chuyện
lạ nước ngoài, trong đó có câu chuyện Cây đèn treo ngược. Sau khi mô tả
"đèn thắp sáng ngược, ngọn lửa chiếu xuống đất", chư vị trong triều Huế
đã cười phá lên và cho rằng sứ đoàn bị quỷ 'Tây dương' mê hoặc.
Ông Dũng thời kỳ đó có thể đã cười nhạo nhóm tư vấn kinh tế, bởi ông giữ
cho mình một lập trường kinh tế rất 'chuyên chính" và đầy tính kiên định
quyền lực của mình.
Thực tế, sau 10 năm dưới tài năng lãnh đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng. Việt Nam trở nên vô cùng mong manh, yếu ớt, khi mà bản thân Nhà
nước Việt Nam, thậm chí đảng cầm quyền thể hiện sự kém cỏi ở nhiều khía
cạnh. Đáng chú ý nhất là Nhà nước mất dần khả năng cung cấp dịch vụ công
cho người dân (bằng chứng lớn nhất là hệ thống tàu điện trên cao ở Hà
nội tiếp tục lỗi hẹn lần thứ N, và Metro ở Tp. HCM tiếp tục treo vốn).
Nỗi bất an trong dân dưới sự gia tăng và lạm quyền của trộm cướp và lực
lượng công an trị cũng là sự yếu kém. Ngoài ra, sự liên kết và chỉ đạo
lỏng lẻo đến mức xuất hiện tình trạng vô chính phủ ở các địa phương hoặc
trong các siêu bộ/ siêu ngành (mà nguồn Chính phủ ông Phúc phải thừa
nhận là tình trạng 'trên nóng dưới lạnh').
Ngoài ra, ông Dũng cũng để lại một Việt Nam với cơ chế phồng to. To nhất
là lực lượng công an với sự mở rộng các phòng ban và số lượng nhân viên,
để rồi trong những năm gần đây, nhất là năm nay lại phải sáp nhập các
đơn vị lại, hạ chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào ngành nhằm thực hiện 'tinh
giảm biên chế'.
Dù sao, ý nghĩa của sự lãnh đạo của ông Dũng là cho những bài học lớn
cho người kế nhiệm. Và nếu người kế nhiệm không tiếp thu thì cũng là sự
thúc đẩy nhanh sự băng hoại xã hội và đổ nát kinh tế; cũng như gia tăng
sự phản kháng và sự nhận thức trở lại của một bộ phận dân chúng.
Hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người liên tục nhắc đi nhắc lại về
chính phủ kiến tạo, nhưng đúng như chính bản thân ông đã từng lên tiếng:
con đường dài nhất ở Việt Nam là con đường đi từ lời nói đến hành động.
Đến nay, hành động của Thủ tướng vẫn còn mù mờ ngoài những câu khẩu
hiệu, và đôi khi nó có chứa đựng nhiều những nghịch lý. Là do hệ quả để
lại quá nặng nề, hay là vì ông chưa nhận thức được tính mấu chốt trong
con đường đi tới sự kiến tạo, đó là bản thân ông đang vận hành trong một
'hệ thống chứa đựng quá nhiều 'nghịch lý’, nếu chưa muốn nói là cấu
thành bởi toàn những 'nghịch lý’. Ví dụ như nói là 'dân chủ’ mà lại
thiếu 'dân chủ’; nói là duy vật mà lại duy ý chí; đề cao những giá trị
tinh thần, mà lại xuống cấp đạo đức'?.
Nhiệm kỳ lãnh đạo của Thủ tướng Phúc vẫn còn dài, và điều chỉnh lớn nhất
mà ông Thủ tướng cần làm là chuyển 'sáng tạo' trong lời nói hay chỉ đạo
vào thực tế hành động chính sách. Và muốn vậy điều trước hết cần sử dụng
ban Tư vấn kinh tế theo đúng mục đích và tên gọi của nó. Lập ra cho có,
hay coi sự can thiệp của ban tư vấn là một trở ngại trong thực thi quyền
lực thì suy cho cùng, giá trị của Thủ tướng đương nhiệm cũng sẽ nằm cùng
hạng cân với người tiền nhiệm trước đó.
Tạo nên sự khác biệt, sáng tạo trong điều hành, hay kiến tạo một nền
kinh tế - xã hội bắt đầu từ sự khác biệt về cách lắng nghe tri thức! Từ
BOT, từ Đồng Tâm, từ phí thuế doanh nghiệp. |