VIỆC ĐỘT NHẬP
CỦA TRUNG QUỐC VÀO VÙNG ĐẶC QUYỀN KINH TẾ CỦA VIỆT NAM VÀ CÁC BÀI HỌC TỪ
QUÁ KHỨ (China's Incursion into Vietnam's EEZ and
Lessons from the Past) Lê Thu Hường* AMTI**, CSIS, 8-8-2019
https://amti.csis.org/chinas-incursion-into-vietnams-eez-and-lessons-from-the-past/
Dịch và chú giải: Một thân hữu của viet-studies
Các cuộc xâm nhập của
Trung Quốc vào thềm lục địa Việt Nam và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ,
Exclusive Economic Zone) hoàn toàn không phải là một hiện tượng mới. Vụ
gần đây nghiêm trọng nhất xảy ra vào năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt một
giàn khoan dầu, HYSY-981 [HǎiYáng ShíYóu 981,
海洋石油981, hải
dương thạch du 981, trong nhiều tài liệu viết tắt là HD-981], vào vùng
EEZ đã tuyến bố của Việt Nam, dẫn đến một cuộc khủng hoảng ngoại giao
giữa hai nước láng giềng. Tình hình hiện tại gần bãi Tư Chính, tuy vậy,
lại thể hiện một thách thức nghiêm trọng hơn ở nhiều mức độ.
Trước hết, các hoạt động khảo sát của Haiyang
Dizhi 8 đặt ra một thách thức pháp lý: chúng chứng tỏ rằng Trung Quốc
kiên trì theo đuổi kiểm soát hành chính trong đường 9 đoạn của mình bất
chấp sự mâu thuẫn của tuyên bố đó với luật pháp quốc tế. Đây là lần đầu
tiên họ tham gia vào một cuộc khảo sát như vậy kể từ khi đường 9 đoạn bị
tuyên bố là bất hợp pháp bởi phán quyết của tòa trọng tài vào năm 2016.
Bằng cách này, Bắc Kinh đang công khai kháng lại tính hợp pháp của các
quyền thềm lục địa được UNCLOS bảo đảm. Khu vực này đã được Việt Nam
khai thác tài nguyên thiên nhiên trong nhiều thập kỷ. Nhưng Bắc Kinh
hiện đang cố gắng tạo ra một cuộc tranh chấp trên các khu vực về thực tế
là không có tranh chấp trong quá khứ.
Các hành động của Trung Quốc cũng đặt ra một
thách thức ngoại giao: Bắc Kinh đang thử thách không chỉ Việt Nam, mà cả
Mỹ và cộng đồng quốc tế. Phản ứng quốc tế có sẽ tắt tiếng như sau phán
quyết của trọng tài năm 2016 không? Trung Quốc đang công khai xúc phạm
việc theo đuổi hòa bình trong giải quyết tranh chấp thông qua các cuộc
đàm phán về bộ quy tắc ứng xử (COC) đang diễn ra với ASEAN. Tiến bộ đã
được thông báo về quá trình ấy - mà nó đã dẫn đến một văn bản dự thảo
đàm phán duy nhất - rõ ràng chỉ tồn tại trên giấy tờ, chứ không phải
trong thực tế. Nó cũng phủ một bóng đen lên niềm hy vọng rằng COC bất kỳ
nào cũng sẽ có tác động thực sự trong việc quản lý hoặc các tranh chấp
hoặc cách ứng xử của Trung Quốc.
Cuối cùng, các hành động của Bắc Kinh là một
thách thức kinh tế rất thực tế. Việc ép buộc liên tục của Bắc Kinh nhắm
vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của các bên yêu sách khác là
nhằm buộc họ tham gia các kế hoạch thăm dò chung với Bắc Kinh, ngay cả ở
những vùng biển không có tranh chấp.
Không bao giờ là đúng lúc để đối mặt với sự ép
buộc cả, nhưng phép thử này của Trung Quốc diễn ra vào thời điểm Hà Nội
đặc biệt bận rộn, không chỉ chuẩn bị cho vai trò Chủ tịch ASEAN sắp tới
và nhiệm kỳ 2020-2021 của mình tại Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, mà còn
bận tâm với việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 13 và kèm theo đó là
sự thay đổi ban lãnh đạo tiềm năng vào đầu năm 2021. Có vẻ như Bắc Kinh
đang gây áp lực lớn hơn đối với Hà Nội trước khi làm chủ tịch ASEAN như
một phép thử tâm lý.
Bắc Kinh đã tăng cường áp lực của mình ở Biển
Đông không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với cả Malaysia và
Philippines. Thật vô lý khi hy vọng rằng các chiến thuật mà Việt Nam áp
dụng vào năm 2014 để đối phó với vụ HYSY-981 sẽ có hiệu quả tương tự
ngày hôm nay, đặc biệt với việc Bắc Kinh hiện đang theo đuổi các hoạt
động của mình với nhận thức về phí tổn uy tín của mình mà Trung Quốc
dường như đã chuẩn bị chấp nhận. Bất kỳ nỗ lực nào với cái gọi là 'ngoại
giao gọi loa' lần này sẽ phải được phối hợp nhiều hơn và bao gồm cả Mỹ,
nước hiện đã tham dự vào, cũng như những nước ủng hộ trật tự quốc tế dựa
trên luật lệ khác nữa. Nhưng ngay cả như vậy, chính ngoại giao như vậy
không có khả năng dẫn đến một giải pháp bền vững cho cuộc đối đầu này.
Việt Nam thì cho đến tận lúc này vẫn tránh theo đuổi các mối quan hệ
quân sự chặt chẽ với các cường quốc khác hoặc các biện pháp pháp lý đối
với Trung Quốc vì các biện pháp đó sẽ gây ra mối thù địch với Bắc Kinh,
nhưng chúng vẫn cứ là các lựa chọn nếu Hà Nội quyết định rằng họ cần
phải bảo vệ chủ quyền của mình.
So với vụ đối đầu với HYSY-981, các hoạt động
khảo sát và quấy rối hiện tại của Trung Quốc đã nhận được sự chú ý của
truyền thông và trao đổi ngoại giao ít hơn nhiều. Điều này chủ yếu là vì
Hà Nội muốn kiểm soát tình cảm chống Trung Quốc tại Việt Nam và ngăn
chặn các cuộc biểu tình hoặc bất ổn tiềm tàng. Năm 2014, Việt Nam đã
chứng kiến một loạt các cuộc biểu tình chống Trung Quốc dữ dội dẫn đến
các hành động của đám đông dân chúng và hủy hoại tài sản quanh các nhà
máy thuộc sở hữu của các nhà đầu tư Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn
Quốc và thậm chí cả Việt Nam. Điều này gây ra thiệt hại cho uy tín của
Việt Nam như một môi trường an toàn để đầu tư, và chính phủ có thể lo
lắng về các phản ứng tương tự với bế tắc hiện tại. Chính phủ cũng không
muốn phải đối phó với sự bùng nổ không kiểm soát của xu hướng dân tộc
chủ nghĩa biến thành bạo lực.
Các phát triển tích cực cũng có thể đến từ các
tình huống khủng hoảng. Vào năm 2014, tôi đã lập luận rằng vụ HYSY-981
tạo nên các kích thích bổ sung đối với tư duy chiến lược của Việt Nam và
các chính sách đối ngoại và quốc phòng của quốc gia này, cũng như tạo
nên một cuộc tranh luận hiếm hoi trong nước về cách quốc gia này có thể
thoát khỏi quỹ đạo Trung Quốc. Vẫn còn quá sớm để nói kết quả sẽ ra sao
trong thời gian này, nhưng tôi hy vọng nó sẽ góp phần vào sự phát triển
hơn nữa trong chính sách Biển Đông của Việt Nam và tư thế quốc phòng -
một kết quả cần tìm ra được trong Sách trắng Quốc phòng sắp tới của Việt
Nam. Có lẽ cuộc khủng hoảng này sẽ dẫn đến sự phối hợp hơn nữa giữa Việt
Nam và các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của mình. Nó cũng có thể
góp phần tạo nên một khúc quanh, khuyến khích các quốc gia có yêu sách
trong ASEAN tìm kiếm sự hợp tác hơn nữa về vấn đề này.
Không như năm 2014, Bắc Kinh đang đồng thời gây áp lực không chỉ đến một nước có yêu sách ở Đông Nam Á. Những sự cố này là một phép thử thực sự cho sự sẵn sàng của cả ASEAN lẫn cộng đồng quốc tế để bảo vệ các quyền chủ quyền và kinh tế của các quốc gia theo trật tự dựa trên luật pháp. Trừ khi các nước trong khu vực sẵn sàng nhìn xa hơn lợi ích quốc gia riêng rẽ và lên tiếng ủng hộ các bên yêu sách khác, các vi phạm trật tự hàng hải dựa trên luật pháp đang trở thành một điều bình thường mới mà nó sẽ không còn tạo ra phản ứng mạnh mẽ nữa. Tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm các quyền được UNCLOS bảo đảm, nhất thiết phải được ủng hộ và bảo vệ bởi tất cả mọi người, kể cả những người không có yêu sách chủ quyền. Cho đến nay, chỉ có Mỹ là có lập trường công khai và rõ ràng về các hoạt động của Trung Quốc ở gần bãi Tư Chính.
ASEAN - bất chấp các cuộc họp của Bộ trưởng Quốc
phòng và Ngoại giao đã diễn ra trong khoảng thời gian này - đã tránh gọi
đích danh vấn đề trong các tuyên bố chung của mình, nhưng đã tranh luận
về vấn đề này trong các cuộc họp. Tại Đối thoại chiến lược ba bên gần
đây giữa Mỹ, Nhật và Úc bên lề các cuộc họp ASEAN, ngoại trưởng Mỹ Mike
Pompeo cùng các bộ trưởng ngoại giao Taro Kono và Marise Payne đã bày tỏ
quan ngại về 'các báo cáo đáng tin cậy về các hoạt động gây rối liên
quan đến các dự án dầu khí từ lâu ở Biển Đông'. Các cuộc tham vấn cấp bộ
trưởng Úc-Mỹ (AUSMIN, Australia-United States Ministerial Consultations)
tại Sydney cuối tuần trước đã đưa ra một tuyên bố ủng hộ thẩm quyền của
UNCLOS, hiệu lực của phán quyết của tòa trọng tài năm 2016, và tầm quan
trọng của tự do hàng hải. Trong khi bày tỏ 'sự phản đối mạnh mẽ đối với
các hành động cưỡng ép đơn phương bởi bất kỳ quốc gia yêu sách nào mà
chúng có thể làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng', một lần
nữa tuyên bố tránh gọi đích danh bất kỳ quốc gia hoặc sự cố nào là nguồn
gốc của căng thẳng.
Bài học về phản ứng quốc tế bị tắt tiếng đối với
phán quyết của trọng tài năm 2016 là quá rõ ràng để tính đến một phản
ứng yếu kém khác. Bế tắc hiện tại đóng vai trò là bằng chứng cho thấy sự
ép buộc của Trung Quốc sẽ tiếp tục và rằng tiến trình COC không tạo ra
sự khác biệt nào trong các kế hoạch làm chủ Biển Đông của Bắc Kinh cả.
Đây có thể là một cuộc khủng hoảng đối với riêng Việt Nam, nhưng nó cũng
có thể là cơ hội cho cộng đồng quốc tế - ngoài Mỹ ra - phản ứng thích
đáng với các vi phạm UNCLOS và xâm phạm thềm lục địa của một nhà nước
ven biển.
**) AMTI (Asia Maritime Transparency Initiative,
Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á): Tổ chức thuộc Trung tâm nghiên cứu
quốc tế và chiến lược (CSIS, Center for Strategic and International
Studies, một think-tank hàng đầu của Mỹ, nơi TBT Nguyễn Phú Trọng đã tới
thuyết trình trong chuyến thăm Mỹ 2015). AMTI có hệ thống lọc và kiểm
tra tin tức nhiều tầng, chuyên đăng tải các thông tin liên quan tới các
biển và các tuyến hàng hải Đông Á (bao gồm cả biển Hoa Đông và Biển
Đông), phân tích và trao đổi chính sách về các vấn đề an ninh hàng hải ở
châu Á với mục đích thúc đẩy tính minh bạch ở Ấn Độ Dương-Thái Bình
Dương nhằm can gián các hành vi quyết đoán và xung đột, tạo cơ hội hợp
tác và xây dựng lòng tin. [Nguồn: Tự giới thiệu của AMTI] |