Mira Rapp-Hopper: What China Wants From Trump
Foreign Affairs, 7 November 2017

 

Người dịch: Huỳnh Hoa

 

 

Trung Quốc muốn gì ở Trump?

Tại sao Bắc Kinh sẽ tránh thỏa hiệp về thương mại và Bắc Triều Tiên

Mira Rapp-Hooper

Mira Rapp-Hooper – nghiên cứu viên cao cấp tại trung tâm nghiên cứu Trung Quốc Paul Tsai China và trường Luật đại học Yale.

Khi tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đặt chân tới Bắc Kinh tuần này, ông ta sẽ thấy người tương nhiệm Tập Cận Bình đang ngự trị trên đỉnh cao quyền lực chính trị của mình, đang ngắm nhìn hiện trạng châu Á ngày càng nghiêng về phía có lợi cho Trung Quốc. Ở đa số các thủ đô châu Á, cũng như ở Washington, chuyến công du khu vực kéo dài 11 ngày của ông Trump làm dấy lên nỗi băn khoăn sâu sắc, không biết ông ta sẽ nói gì, làm gì. Điều này đặc biệt đúng khi đề cập tới các vấn đề thương mại và Bắc Triều Tiên, hai tiêu điểm trong chính sách châu Á hãy còn manh nha của chính phủ Hoa Kỳ. Nhưng ở Bắc Kinh, ông Tập và giới lãnh đạo Trung Quốc có thể lạc quan hơn: từ tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đã thành công trong việc thể hiện mình là một cường quốc châu Á ngày càng ổn định vững vàng bên cạnh một Hoa Kỳ tiền hậu bất nhất và không thể trông cậy được.

Điều đó có nghĩa là khi ông Trump bắt đầu chuyến viếng thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Trung Quốc vào thứ Tư – được cho là điểm dừng chân có độ may rủi cao nhất trong chuyến công du khu vực của ông – ông Tập sẽ không chỉ có lợi thế sân nhà thông thường mà còn có những lợi thế bất đối xứng trong những vấn đề chính yếu mà hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận. Ông Trump sẽ tìm kiếm những sự thay đổi quan trọng trong các lĩnh vực mà Trung Quốc coi là lợi ích quốc gia, song Bắc Kinh chỉ cần bảo vệ hiện trạng về thương mại và về Bắc Triều Tiên mà họ thấy đang rất thuận lợi cho họ. Tệ hơn nữa, chiến lược của ông Trump về Trung Quốc và châu Á vẫn còn rối bời bởi vì những phe phái cạnh tranh nhau trong chính phủ và vị thế mong manh của ông trong chính trị quốc nội. Vì vậy, ông Tập sẽ tìm cách kiềm chế ông Trump, chào đón ông đến Trung Quốc thật long trọng nhưng chỉ cho ông vài thắng lợi chính sách không có ý nghĩa lâu dài – trong khi ra sức lợi dụng một quan niệm đang lan nhanh ở châu Á rằng có một cuộc chuyển giao quyền lực mạnh mẽ đang diễn ra, trong đó Hoa Kỳ đang trong giai đoạn cuối của tiến trình suy thoái và mọi xu thế chủ yếu đều có lợi cho Trung Quốc.

Câu chuyện của ông Tập

Tháng 10 vừa qua, Trung Quốc tổ chức đại hội đảng lần thứ 19, một cột mốc quan trọng về lãnh đạo đã đưa ông Tập vào một vị trí lịch sử vững chắc. Tên tuổi và triết lý của ông đã được khắc ghi vào cương lĩnh của đảng Cộng sản, nâng ông lên ngang tầm với các ông Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình; ông cũng không đề cử một người kế tục rõ ràng nào, cho thấy ông không đếm xỉa tới các quy tắc chính trị gần đây của Trung Quốc và sẽ nắm giữ quyền lực trong nhiều năm sắp tới. Giờ đây ông Tập chắc chắn sẽ là tiếng nói ra lệnh cao nhất của đảng Cộng sản chừng nào ông còn sống.

Về chính sách đối ngoại, ông Tập đã sử dụng vị thế mới của mình để tôn vinh hiện trạng Trung Quốc như là một cường quốc và thúc đẩy đất nước ông đảm nhiệm vai trò lãnh đạo trên sân khấu thế giới. Thông điệp của ông được xây dựng trên một câu chuyện bất an của khu vực, theo đó Trung Quốc là thế lực đang lên, còn Hoa Kỳ đang suy thoái đã không còn được tin cậy như là một cường quốc quan trọng ở châu Á nữa. Câu chuyện này không mới: trong lúc Trung Quốc tiếp tục đà trỗi dậy nhanh chóng, cải tổ toàn diện quân đội và theo đuổi một chính sách ngoại giao cơ bắp hơn, các học giả cũng như các nhà hoạch định chính sách đã nhiều lần tự hỏi liệu Hoa Kỳ có giữ vững được vai trò thống trị về an ninh ở châu Á hay không. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, ông Tập đã đẩy câu chuyện đi xa hơn, ông khuyến khích quan điểm về một sự chuyển giao quyền lực quan trọng ở châu Á và đưa Trung Quốc vào vị trí một siêu cường đáng tin cậy hơn, thay thế cho vị trí của Mỹ.

Trong bài diễn văn rất thiếu trung thực đọc tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) hồi tháng Giêng năm nay, ông Tập tuyên bố Trung Quốc đảm nhận sứ mệnh toàn cầu hóa, ám chỉ sự khởi đầu của một trật tự kinh tế quốc tế thời hậu-Hoa Kỳ. Trong những tháng sau đó, ông ta thường xuyên nhấn mạnh tới những cuộc rút lui rõ ràng của Hoa Kỳ trong những vấn đề quốc tế chủ yếu, bao gồm việc rút ra khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cùng với những lời đe dọa xét lại các hiệp định thương mại song phương và chính sách không nhất quán trong vấn đề Bắc Triều Tiên. Ông ta đã lợi dụng một quan niệm ở khu vực rằng ông Trump không đoái hoài gì tới Đông Nam Á, không gắn bó với các đồng minh của Hoa Kỳ và thờ ơ với những khía cạnh khác của cái gọi là trật tự quốc tế ở châu Á. Ông Tập đã sử dụng những sự lựa chọn chính sách gần đây của Hoa Kỳ để đòi hỏi vai trò của Trung Quốc như là người đưa ra những quyết định chín chắn, tương phản với một Hoa Kỳ sớm nắng chiều mưa. Bằng việc chủ trì đón tiếp một cuộc viếng thăm cấp nhà nước thật hoành tráng của nhà lãnh đạo siêu cường thống trị thế giới chỉ vài tuần sau đại hội đảng, tuyên bố của ông Tập về vị thế siêu cường mới của Trung Quốc sẽ sống lại, và nhắc nhở cho khu vực châu Á về sự tình trạng không rõ ràng đang bao phủ tương lai của vị thế Hoa Kỳ ở châu lục này.

Về giải trừ vũ khí hạt nhân và thâm hụt thương mại

Chín tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống, ông Trump đã tập trung gần như toàn lực vào hai vấn đề chính sách khu vực: thâm hụt thương mại và mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Không ở đâu mà hai vấn đề này có ý nghĩa lớn hơn là ở Trung Quốc, nơi ông Trump đang gây áp lực buộc Bắc Kinh phải làm giảm sự mất cân bằng trong thương mại song phương và trừng phạt Bình Nhưỡng. Rắc rối là ở chỗ, bất kỳ thắng lợi có ý nghĩa trong vấn đề nào của hai vấn đề này đều đòi hỏi Trung Quốc phải hy sinh cái gọi là lợi ích quốc gia của họ. Ông Tập, do vậy, thấy bảo vệ các lợi ích chính sách của ông ta dễ hơn là ông Trump tìm cách thúc đẩy các lợi ích của Hoa Kỳ – nhất là khi chủ nhà Trung Quốc luôn làm cho ông Trump bận rộn với những buổi yến tiệc xa hoa, những đội quân danh dự dàn chào và những chuyến tham quan các di tích lịch sử văn hóa của thủ đô Bắc Kinh. Ông Trump sẽ tìm kiếm những sự thay đổi quan trọng trong chính sách kinh tế và an ninh của Trung Quốc trong khi ông Tập đã thỏa mãn với hiện trạng đang có lợi cho ông. Ông đã sẵn sàng xoa dịu ông Trump bằng những sự nhân nhượng bề ngoài hơn là chấp nhận thỏa hiệp thực sự.

Về các vấn đề thương mại, từ lâu ông Trump đã tuân thủ nghiêm cái thông điệp kinh tế nặng tính hiếu chiến “Nước Mỹ trên hết”, theo đó Trung Quốc đã thực hành những cách làm ăn kinh tế có tính chất cướp bóc, lợi dụng những luật lệ quốc tế và những định chế đa phương như Tổ chức Thương mại thế giới để đánh cắp công ăn việc làm của người Mỹ. Ông cho rằng, giải pháp là nước Mỹ phải làm giảm thâm hụt thương mại (Sự thực là hầu hết các nhà kinh tế học đều cho rằng thâm hụt thương mại tự nó không phải là vấn đề, nhưng không làm thay đổi được lối tư duy của chính phủ).

Tuy vậy, chính phủ Hoa Kỳ chưa trình bày được một kế hoạch thật sự cho thấy chính xác họ sẽ làm gì để giảm thâm hụt thương mại – mà trong thực tế đã tăng thêm kể từ khi chính phủ mới của Mỹ ra đời. Thay vì vậy, họ chỉ thực thi một số biện pháp bảo hộ thị trường cụ thể (đánh thuế chống bán phá giá vào mặt hàng nhôm cuộn chẳng hạn) mà không đưa ra một chiến lược thương mại bao quát hơn.

Nếu như ông Trump muốn đề xuất một tầm nhìn cụ thể cho chính sách thương mại của Mỹ, thúc đẩy Trung Quốc thực hiện cải cách kinh tế và đòi hỏi những sự nhượng bộ cụ thể, ông có thể có cơ hội đạt được sự tiến bộ khiêm tốn nào đó. Dù sao, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng vẫn cố tránh một cuộc xung đột kinh tế với Hoa Kỳ. Nhưng việc đơn giản đòi hỏi một mối quan hệ kinh tế “công bằng hơn” theo những lời lẽ không cụ thể sẽ cho phép ông Tập đưa ra những thỏa thuận hào nhoáng nhưng vụn vặt, không có tác động đáng kể nào đối với quan hệ thương mại chung. Như vậy, cho dù ông Tập và ông Trump có ký kết những hiệp định về nhập khẩu và đầu tư như dự định thì những yêu cầu của ông Trump sẽ không có tác dụng nhiều tới việc làm giảm thâm hụt thương mại hoặc phục hồi công ăn việc làm cho người Mỹ (mà phần lớn bị mất đi do tự động hóa chứ không do Trung Quốc). Trong khi đó, ông Tập sẽ vẫn tập trung vào thách thức đối nội quan trọng của ông là cuộc chuyển dịch gian nan của Trung Quốc từ nền kinh tế dựa trên công nghiệp chế tạo sang nền kinh tế tiêu thụ.

Về vấn đề Bắc Triều Tiên, ông Trump và các quan chức trong nội các của ông thường xuyên mâu thuẫn với nhau về cách tiếp cận của chính phủ, nhưng có một yếu tố trong chính sách của họ đã khá rõ ràng. Từ những ngày đầu làm ứng cử viên tổng thống, ông Trump đã nhấn mạnh rằng, Trung Quốc có thế lực để “giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên” nếu họ muốn. Ông Trump đã dành vài tháng đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống để tranh thủ sự ủng hộ của ông Tập, hy vọng thuyết phục được ông Tập ra tay trừng trị thành phần ngoan cố của Trung Quốc. Ngay cả sau khi ván bài công khai này không ngăn chặn được các vụ thử tên lửa và vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, không bịt được những tuyên bố khoa trương và gây hấn của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, ông Trump vẫn gắn bó với vai trò của Trung Quốc. Lời đe dọa ngày càng leo thang của chính ông đối với Bắc Triều Tiên, những bình luận về “lửa và cuồng nộ”, “cô lập và hủy diệt”… có thể có nghĩa làm cho Trung Quốc phải lo sợ mà hành động.

Trung Quốc hỗ trợ tới 90% thương mại của Bắc Triều Tiên cho nên Bắc Kinh quả là có tác động quan trọng, nếu như họ chọn sử dụng nó. Nhưng rắc rối là ở chỗ mặc dù Bắc Kinh, cũng như Washington, muốn thấy một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân, nhưng ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là duy trì sự ổn định, tránh một vụ sụp đổ chế độ ở Bình Nhưỡng có thể làm bùng nổ làn sóng người di cư và vũ khí hủy diệt hàng loạt mất kiểm soát có nguy cơ tràn vào biên giới Trung Quốc. Ông Tập có thể sẽ nói rõ rằng, ông vẫn muốn áp đặt sức ép kinh tế lên Bình Nhưỡng, nhưng chỉ ở chừng mực không gây bất ổn cho chế độ Bắc Triều Tiên.

Trong khi đó, thay vì chuyển tải thông điệp về một rủi ro nghiêm trọng của hành động quân sự, những tuyên bố gần đây cả ông Trump đã cho Trung Quốc cơ hội để miêu tả Hoa Kỳ như một kẻ xâm lược. Để làm giảm áp lực, Trung Quốc đã đưa ra đề nghị “đóng băng đổi đóng băng”, trong đó Hoa Kỳ sẽ ngừng các cuộc thao diễn quân sự với Hàn Quốc đổi lấy việc Bắc Triều Tiên ngừng các cuộc thử nghiệm tên lửa và vũ khí hạt nhân. Trung Quốc biết rõ rằng cả Washington và Bình Nhưỡng đều sẽ không chấp nhận đề nghị đó nhưng họ vẫn muốn chuyển gánh nặng hành động sang phía Hoa Kỳ. Trung Quốc vẫn muốn thấy các bên gặp nhau bên bàn đàm phán, nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc tức giận với cái ý tưởng rằng, họ phải giải quyết vấn đề - hoặc vấn đề này thực sự có thể giải quyết được. Cũng như ở Hoa Kỳ, hầu hết các chuyên gia Trung Quốc đều tin rằng, cho dù Bắc Kinh có làm gì đi nữa thì Bắc Triều Tiên cũng sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Ông nói gà, bà nói vịt

Trái ngược với sự tự tin của ông Tập trong chính sách đối ngoại và chính trị quốc nội, chính phủ của ông Trump vẫn đang vật lộn với việc xác định chính sách châu Á. Không phải là chuyện bất thường khi sau chín tháng cầm quyền một tổng thống vẫn chưa phác họa được một cách tiếp cận khu vực – tập thể của ông Obama [cầm quyền đầu năm 2009] đến năm 2011 mới giới thiệu được chiến lược “Xoay trục sang châu Á” – nhưng những vấn đề Trung Quốc của ông Trump thì căn bản hơn rất nhiều, do có sự chia rẽ sâu sắc giữa các phe phái khác nhau, bị làm trầm trọng thêm bởi sự rời bỏ châu Á trong những tháng đầu tiên cầm quyền của ông Trump.

Trong vài tháng sau ngày đăng quang của ông Trump, các quan chức cao cấp trong chính phủ Hoa Kỳ dường như chia thành hai phái: những người theo chủ nghĩa dân tộc kinh tế như Steve Bannon [cựu cố vấn chiến lược], Robert Lighthizer [đại diện thương mại] và Peter Navarro [giám đốc hội đồng tư vấn thương mại] là những người thích đe dọa chiến tranh thương mại; và những người theo chủ nghĩa thỏa hiệp, tiêu biểu là Jared Kushner [con rể và cố vấn tổng thống], người thích một lối tiếp cận mềm dẻo với Bắc Kinh. Trong những tháng gần đây, bộ trưởng quốc phòng James Mattis và bộ trưởng ngoại giao Rex Tillerson lại đưa ra một cái nhìn có tính truyền thống hơn về vai trò của Hoa Kỳ ở châu Á, dựa trên quan hệ đồng minh và sự lãnh đạo mạnh mẽ của người Mỹ. Gần đây họ đã bắt đầu giới thiệu cơ cấu “Ấn Độ-Thái Bình Dương” (Indo-Pacific framework) – tiếp thu cái thuật ngữ phát triển dưới thời chính phủ Obama để vạch ra một tầm nhìn cho sự ràng buộc của Hoa Kỳ ở châu Á, gồm cả sự cạnh tranh với Trung Quốc. Nhưng cùng lúc đó, chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly tuyên bố Trung Quốc không phải là đối thủ cạnh tranh mà chỉ đơn giản là một cường quốc khác, trong khi cả giám đốc Cục tình báo CIA Mike Pompeo và đích thân ông Trump đều không tiếc lời khen ngợi ông Tập Cận Bình trong cuộc củng cố quyền lực của ông này tại đại hội đảng Cộng sản lần thứ 19.

Tình trạng lộn xộn trống đánh xuôi kèn thổi ngược này có nghĩa là khu vực châu Á đang nhận được những tín hiệu rối rắm về cách tiếp cận Trung Quốc của Hoa Kỳ. Chính phủ của ông Trump có coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh hay không? Hay Trung Quốc là người bạn nhân hậu đáng được khen ngợi? Đây không đơn giản là vấn đề ngoại giao tiền hậu bất nhất. Do có rất ít viên chức chính trị chuyên về châu Á được bổ nhiệm vào bộ ngoại giao và bộ quốc phòng Hoa Kỳ, sự bất đồng đang làm mất tác dụng bất kỳ nỗ lực nào trong việc hoạch định chính sách. Trung Quốc có thể dễ dàng lợi dụng những sự rạn nứt trong đội ngũ của ông Trump để vừa bảo đảm rằng Bắc Kinh sẽ không bị áp lực thái quá, vừa quảng bá câu chuyện rằng Hoa Kỳ là kẻ hay thay đổi, không thể dự đoán được.

Nếu ông Trump quyết tâm đảo ngược câu chuyện về thế đang lên của Trung Quốc và đang suy thoái của Hoa Kỳ, ông vẫn có rất nhiều chất liệu để sử dụng. Hoa Kỳ nắm giữ nhiều lợi thế chiến lược hơn Trung Quốc, kể cả về địa lý, sự độc lập về năng lượng, đồng tiền, tầm bao phủ và mật độ các mối quan hệ toàn cầu. Ngay cả khi Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy với tốc độ nhanh thì Hoa Kỳ vẫn duy trì ưu thế toàn cầu trong nhiều thập niên nữa. Ông Trump có thể nói rõ một tầm nhìn toàn diện về châu Á, có lẽ nên đi theo cơ cấu “Ấn Độ-Thái Bình Dương” mà các cố vấn của ông đưa ra, và thay vì tập trung quá hạn hẹp vào các vấn đề thương mại và Bắc Triều Tiên với thiên kiến đơn phương “Nước Mỹ trên hết”, ông nên tái khẳng định rõ ràng và dứt khoát những cam kết đồng minh của Hoa Kỳ với Hàn Quốc và Nhật Bản, tìm cách sửa chữa mối quan hệ đang xấu đi với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và tránh chỉ trích các đồng minh hoặc đe dọa đơn phương có hành động quân sự chống Bắc Triều Tiên. Ông ta có thể cam kết làm việc với các hiệp định đang tồn tại, chẳng hạn như hiệp định thương mại tự do Hàn-Mỹ [Korus FTA], hơn là lật đổ chúng, và đóng một vai trò xây dựng tại hai hội nghị thượng đỉnh mà ông sẽ tham dự vào cuối chuyến công du, hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam vào ngày 11-12 tháng Mười Một và hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại Philippines ngày 13-14 tháng Mười Một.

Tuy nhiên, mỗi động thái nói trên đều trái ngược với một vị tổng thống mà bản năng của ông từ lâu đã dẫn dắt ông đến với các đồng minh nham hiểm, xem thường các thỏa thuận thương mại và các định chế quốc tế, và nhìn chính trị quốc tế như là những cuộc đổi chác giao dịch được ăn cả ngã về không. Ông Tập trái lại, có thể làm chuyến viếng thăm của ông Trump trôi qua chỉ bằng một số hợp đồng mang tính tượng trưng nào đó, một vài kết quả có ý nghĩa nào đó – trong lúc ông vẫn tự tin khởi động giai đoạn kế tiếp trong câu chuyện đang tiếp diễn của ông về thế đang lên của Trung Quốc và sự suy tàn của Hoa Kỳ.

Nguồn: https://www.foreignaffairs.com/articles/asia/2017-11-07/what-china-wants-trump?cid=int-fls&pgtype=hpg