Calitoday
Đinh Thế Huynh chính thức chấm dứt sự nghiệp chính trị?
Thiền Lâm
Trùng
với thời điểm ngày 4/10/2017 khai mạc hội nghị trung ương 6 của đảng cầm
quyền ở Việt nam, Tuổi Trẻ – một tờ báo thuộc Thành đoàn TP.HCM – đã
đăng tải một tin tức đáng chú ý:
“Việc ông Đinh La Thăng bị kỷ luật cảnh cáo, cho thôi chức ủy viên Bộ
Chính trị tại hội nghị trung ương 5 hồi tháng 5-2017 khiến số ủy viên Bộ
Chính trị giảm từ 19 xuống còn 18 người.
Hồi đầu tháng 8-2017, ông Trần Quốc Vượng (ủy viên Bộ Chính trị, bí thư
Trung ương Đảng, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương) được Bộ Chính trị
phân công tham gia Thường trực Ban bí thư trong thời gian ông Đinh Thế
Huynh (ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư) điều trị bệnh.
Thực tế đặt ra nhu cầu bổ sung nhân sự cho cơ quan lãnh đạo của Đảng do
ban chấp hành trung ương bầu”.
Từ sau đại hội 12 của đảng cầm quyền và đặc biệt từ đầu năm 2017 đến
nay, cũng như blogger Huy Đức thường phát ra một số “tin nội bộ”, Tuổi
Trẻ thỉnh thoảng cũng đăng tải những tin tức nhân sự mà có thể được hiểu
là “nguồn tin được cung cấp riêng cho báo”. Độ tin cậy của những tin tức
loại này được đánh giá chung là khá cao.
Tin tức của báo Tuổi Trẻ về tình hình nhân sự tại Hội nghị trung ương 6
cho thấy một khả năng khá rõ là hội nghị này không chỉ họp nhằm “xử”
người sắp mất chức bí thư Đà Nẵng là Nguyễn Xuân Anh, mà còn bầu bổ sung
2 ủy viên bộ chính trị để thay thế cho hai người cùng họ Đinh – một Đinh
La Thăng đã bị “trảm” từ hồi tháng Năm năm nay, và người kia là “Thường
trực Ban bí thư” Đinh Thế Huynh.
Sự nghiệp chính trị của ông Đinh Thế Huynh cũng bởi thế có thể bị xem là
chính thức chấm dứt.
Nhưng còn nguồn cơn vì sao lại có sự chấm dứt có vẻ quá đột ngột đối với
ông Huynh, đó vẫn là một bí mật triều chính và cũng là một bí mật lịch
sử chính trị đương đại Việt Nam.
Sau đại hội 12 và vào năm 2016, cựu tổng biên tập báo Nhân Dân Đinh Thế
Huynh đã trở nên nổi bật trên chính trường khi được xem là “người Bắc,
có lý luận” và ứng với vị trí kế thừa chức vụ tổng bí thư của Nguyễn Phú
Trọng, dù rằng trong thực tế ông Huynh chưa từng được dư luận đánh giá
dù ở mức độ trung bình về thành tích lãnh đạo chính trị, càng không khá
trên phương diện điều hành kinh tế – xã hội.
Trên cương vị Thường trực Ban bí thư – vị trí số 5 của đảng, Đinh Thế
Huynh hoạt động khá lặng lẽ trong năm 2016. Không có nhiều dấu hiệu
chứng tỏ ông Huynh là người có thực quyền hoặc có nhiều ảnh hưởng đối
với giới công an và quân đội.
Lần xuất hiện ấn tượng nhất nhưng cũng là lần cuối cùng xuất hiện của
Đinh Thế Huynh là vào tháng Mười năm 2016, khi ông Huynh đột ngột có một
chuyến công du đến Washington đến gặp Bộ trưởng ngoại giao Mỹ khi đó là
John Kerry. Nhiều nhà quan sát cho rằng chuyến đi này chỉ mang tính thăm
dò chủ yếu về Hiệp định TPP và cũng có thể “chúc mừng sớm” tổng thống
tương lai của nước Mỹ là bà Hillary Clinton.
Tuy nhiên, có vẻ chuyến đi Mỹ trên của ông Đinh Thế Huynh đã trở nên vô
nghĩa khi Trump bất ngờ giành chiến thắng và trở thành tổng thống Mỹ.
Trở về Việt Nam sau đó, ông Huynh… biến mất.
Trong suốt một thời gian dài từ đầu năm 2017 đến tận Hội nghị trung ương
5 vào tháng 5/2017, người ta hầu như không nhận ra sự xuất hiện của Đinh
Thế Huynh.
Đến tháng 5/2017, chợt có tin ông Huynh “bị bệnh nặng”. Nhiều tin tức
không chính thức cho biết ông Huynh có thể đã bị một căn bệnh ung thư,
đã phải đi nước ngoài điều trị, sau đó quay trở về Việt Nam và an dưỡng
tại ngọc đảo Phú Quốc…
Ít lâu sau tin Đinh Thế Huynh “bị bệnh”, lại bùng lên tin Trần Đại Quang
– Chủ tịch nước- cũng “bị bệnh”, để trong cả tháng trời sau đó, ông
Quang cũng… biến mất.
Tin tức gần đây nhất cho biết ông Đinh Thế Huynh đã “phần nào hồi phục”.
Tuy nhiên, vào đầu tháng Tám năm 2017, Bộ Chính trị đảng mà cụ thể là
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bất ngờ có quyết định cử ông Trần Quốc
Vượng – Ủy viên bộ chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương –
“tham gia Thường trực Ban bí thư”. Ngay khi đó, đã có thể thấy thân phận
chính trị của ông Đinh Thế Huynh là èo uột ra sao.
Còn giờ đây, khi Hội nghị trung ương 6 diễn ra với tin tức đầy ẩn ý của
báo Tuổi Trẻ về biến động nhân sự, có thể hầu như chắc chắn về việc Đinh
Thế Huynh sẽ không còn chỗ đứng trong Bộ Chính trị, để vị trí của ông
Huynh sẽ được thay thế bởi một gương mặt khác có lẽ kém “lý luận” hơn.
Cần nhắc lại, trước Đinh Thế Huynh, đã có một trường hợp ứng cử viên
tổng bí thư bị cho “về vườn” một cách lặng lẽ: Phạm Quang Nghị.
Vào năm 2014, Phạm Quang Nghị – khi đó là Bí thư thành ủy Hà Nội và được
dư luận bàn tàn xôn xao về việc “người Bắc, có lý luận” này đã trở thành
“thái tử” của Nguyễn Phú Trọng. Tháng Bảy năm 2014, ông Nghị có một
chuyến đi âm thầm đến Mỹ. Chẳng biết chuyến đi này có gặt hái được kết
quả nào hay không, chỉ biết rằng sau chuyến đi đó, Phạm Quang Nghị đột
nhiên mất tăm trên chính trường, cũng chẳng còn ai nói đến “ứng cử viên
số một” cho chức vụ tổng bí thư của ông, để cho đến đại hội 12 vào đầu
năm 2016, ông Nghị đã chính thức giã từ sân khấu chính trị và được xem
là “hạ cánh an toàn”. |