LUẬT KHOA
31-3-21

Cánh tay của Ban Tôn giáo Chính phủ vừa được nối dài vươn ra hải ngoại

Ban Tôn giáo Chính phủ vừa ký một thỏa thuận liên quan đến hơn năm triệu người Việt hải ngoại.

 Thái Thanh

Ngày 27/11/2020, Ban Tôn giáo Chính phủ đã ký một thỏa thuận hợp tác với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là một thỏa thuận liên quan đến hơn năm triệu người Việt hải ngoại.

Ban Tôn giáo Chính phủ đã nói về mục đích của sự hợp tác này một cách rất chung chung, như hỗ trợ hoạt động tôn giáo, nghiên cứu, xây dựng chính sách tôn giáo của người Việt hải ngoại.

Tuy nhiên, một vài hoạt động trong năm 2020 của hai cơ quan này có thể cho bạn thấy một góc độ khác.

“Đấu tranh với những thế lực chia rẽ đồng bào”

Trước khi ký thỏa thuận hợp tác, lãnh đạo của hai cơ quan đã thể hiện một cái nhìn chung về tình hình tôn giáo của người Việt hải ngoại.

Vào tháng 5/2020, ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ, đã có một bài viết dài đăng trên Tạp chí Cộng sản lên án việc lợi dụng tôn giáo để chống nhà nước.

Vị trưởng ban – đồng thời là một thiếu tướng công an – cáo buộc một số tổ chức người Việt hải ngoại đã lợi dụng các vấn đề tôn giáo ở Việt Nam nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

“Một số thế lực nước ngoài đã ban hành báo cáo, phúc trình, thậm chí là đạo luật, nghị quyết ‘lên án’ tình hình bảo đảm quyền con người của Việt Nam, nhất là trên lĩnh vực tôn giáo”, ông Vũ Chiến Thắng viết.

Ông cho rằng các hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo như vậy đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam, và việc đấu tranh với những tổ chức này được xem là một nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc quan trọng.

Hơn một tháng sau, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Đặng Minh Khôi đã đích thân đến trụ sở của Ban Tôn giáo Chính phủ.

Trong buổi làm việc với Ban Tôn giáo Chính phủ, ngoài đề cập đến tình hình sinh hoạt tôn giáo của người Việt hải ngoại, Thứ trưởng Khôi phát biểu: “Vẫn tồn tại các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để bôi nhọ, xuyên tạc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, gây mất đoàn kết, làm ảnh hưởng tổ chức tôn giáo trong nước”.

Ông Khôi cũng tuyên bố rằng hai cơ quan nên sớm “xây dựng, thông qua quy chế phối hợp công tác”, đặc biệt là hợp tác về “hoạt động của cộng đồng chức sắc, tín đồ người Việt Nam ở nước ngoài”.

Năm tháng sau, hai cơ quan này đã ký một chương trình phối hợp công tác kéo dài 5 năm (2020 – 2025) nhắm đến hơn năm triệu người Việt hải ngoại.

Luật Khoa đã trao đổi với ông Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc điều hành và Chủ tịch của tổ chức nhân quyền BPSOS có trụ sở tại Mỹ và là người có thâm niên vận động cho tự do tôn giáo ở Việt Nam. Theo ông Thắng, nhận định của ông trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ cho thấy nhà nước “vẫn chưa xem người dân ra gì”, nhưng lại rất quan tâm đến áp lực quốc tế vì đụng chạm đến lợi ích của mình.

“Khi các tổ chức nước ngoài, nhắc nhở, đốc thúc hoặc đòi hỏi họ thực thi thì họ cáo buộc rằng đó là lợi dụng vấn đề tự do tôn giáo để gây sức ép về ngoại giao lên Việt Nam. Đúng ra, nhà nước Việt Nam cần tự xét và tự sửa; khi đã cam kết với quốc tế rồi thì họ phải lương thiện, phải thực tâm thi hành đúng và đủ các cam kết ấy”, ông Thắng nói với Luật Khoa.

Người dân biết gì về thỏa thuận hợp tác?

Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết hiện nay có 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó khoảng 80% là người có tín ngưỡng, tôn giáo.

Những nhiệm vụ trong chương trình 5 năm này chỉ được Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết một cách rất chung chung.

Về mặt luật pháp, việc hợp tác sẽ giúp xây dựng các chủ trương, chính sách, luật pháp liên quan đến tôn giáo của người Việt hải ngoại.

Hai bên cùng thống nhất rằng cần phải đổi mới hơn nữa việc vận động, tuyên truyền chính sách của đảng, nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cho người Việt hải ngoại.

Việc hợp tác giữa Ban Tôn giáo Chính phủ và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ thúc đẩy việc xây dựng cơ chế trao đổi thông tin về hoạt động tôn giáo giữa hai cơ quan. Ngoài ra, từ kết quả hợp tác này, các tổ chức tôn giáo dành cho người Việt hải ngoại cũng sẽ được thành lập.

Ban Tôn giáo Chính phủ đã thực hiện một số hoạt động liên quan đến tôn giáo của người Việt Nam ở nước ngoài.

Ví dụ như năm 2018, Ban Điều phối Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập ở Lào. Lễ thành lập ban điều phối này có sự hiện diện của hai cán bộ Ban Tôn giáo Chính phủ, hai thành viên cấp cao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một cán bộ thuộc Cục An ninh Nội địa Việt Nam.

Năm 2019, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng trong chuyến làm việc ở Campuchia đã tuyên bố rằng sẽ xem xét thành lập Ban Điều phối Phật giáo Việt Nam và Thánh thất Cao Đài tại nước này.

Bài viết của ông Vũ Chiến Thắng trên Tạp chí Cộng sản cũng nên là một nguồn thông tin để người Việt Nam chuẩn bị tinh thần cho các hoạt động trong tương lai của cơ quan này ở hải ngoại.

Trong bài viết đó, vị trưởng ban đã đề ra những hoạt động về tôn giáo ở hải ngoại trong tương lai, như tham gia nhiều hơn các diễn đàn quốc tế để tuyên truyền chính sách tôn giáo của Việt Nam, “kịp thời định hướng dư luận” về các vấn đề tôn giáo “nổi cộm”, “đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc”, chủ động tuyên truyền đối ngoại về tôn giáo…

BPSOS: Chính quyền Việt Nam xâm nhập các cộng đồng tôn giáo ở hải ngoại

Hoạt động hợp tác của Ban Tôn giáo Chính phủ và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài dựa trên một nghị quyết năm 2004 của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Ông Nguyễn Đình Thắng cho rằng một trọng tâm của nghị quyết này trong thực tế là xâm nhập các cộng đồng tôn giáo của người Việt hải ngoại.

Ông Thắng nêu một ví dụ liên quan đến đạo Cao Đài ở Mỹ. Năm 2009, Hội thánh Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh (còn được gọi là Chi phái 1997) đã công khai thông báo việc một số hội thánh Cao Đài ở thành phố Boston (tiểu bang Massachusetts) và tiểu bang Utah quay về phục tùng Chi phái 1997. Việc này được xem là một thành công của Ban Tôn giáo Chính phủ trong việc thi hành Nghị quyết số 36.

Vào năm 2018, BPSOS đã ngăn chặn một hoạt động khác của Chi phái 1997 tại Mỹ mà họ cho là “tinh vi”.

Theo đó, văn phòng đại diện của chi phái này ở Mỹ xin được giấy phép độc quyền sở hữu danh hiệu “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ”. Nếu được cấp phép chính thức thì bất kỳ thánh thất nào ở hải ngoại muốn dùng danh hiệu này đều phải được Chi phái 1997 cho phép. Năm 2019, sau các can thiệp pháp lý của BPSOS, giấy phép tạm thời về sở hữu thương hiệu này cho Chi phái 1997 đã bị chính quyền Hoa Kỳ hủy bỏ.

Giám đốc điều hành của BPSOS cũng nhận định rằng chính quyền Việt Nam còn tận dụng chính sách thị thực cho người hoạt động tôn giáo để gửi các sư sãi Phật giáo vào Hoa Kỳ.

“Cách đưa người xâm nhập vào Hoa Kỳ như sau. Một chùa Phật giáo có thể bảo lãnh dăm người; sau vài năm số người này bỏ ra ngoài, lập chùa mới và mỗi chùa lại bảo lãnh dăm người nữa. Cứ thế tiếp tục. Chắc chắn đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đã không bỏ qua cơ hội này để cài người vào cộng đồng Phật giáo của người Việt ở Hoa Kỳ nhằm thực hiện Nghị quyết số 36”, ông Thắng cho biết.

Việt kiều: Từ phản động trở thành “khúc ruột ngàn dặm”

Hình ảnh những người miền Nam phải rời bỏ đất nước sau 1975 đã thay đổi liên tục trong mắt chính quyền Việt Nam.

Sau ngày 30/4/1975, họ được xem là thành phần “phản động”. Không bao lâu sau, chính quyền lại gọi họ là “khúc ruột ngàn dặm”, “một bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết dân tộc”, mời gọi họ trở về đất nước.

Các nghiên cứu được trình bày trong một bài viết của Luật Khoa cho thấy chính quyền đã chủ động cởi mở các chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo để kích thích chủ nghĩa dân tộc, kêu gọi người Việt Nam trở về nước từ cuối thập niên 1990.

Theo Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn, một nhà nghiên cứu có ảnh hưởng đến các chính sách tôn giáo của Việt Nam, việc thờ cúng tổ tiên đã được cho là có khả năng nuôi dưỡng lòng trung thành với quốc gia. Sau đó, nhà nước thay đổi cách ứng xử với hoạt động thờ cúng tổ tiên, không còn tẩy chay mà biến nó thành truyền thống dân tộc.

Những chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo, kích thích tình yêu quê hương đã khiến đông đảo Việt kiều gửi ngoại tệ về cho người thân để làm ăn, cũng như đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Theo nghiên cứu của Kate Jellema, lượng kiều hối gửi về nước vào năm 2004 vào khoảng 3,2 tỷ đô-la Mỹ, nhiều hơn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Năm 2005, hai nhân vật nổi tiếng của miền Nam trước năm 1975 là Thiền Sư Thích Nhất Hạnh và ông Nguyễn Cao Kỳ, cựu Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa, về thăm Việt Nam. Vào lúc này, Thủ tướng Phan Văn Khải đã kêu gọi người Việt hải ngoại gác lại sự khác biệt trong quá khứ để đóng góp cho đất nước.

Cộng đồng người Việt ở nước ngoài vẫn được xem là một nguồn nhân lực, nguồn đầu tư kinh tế đáng kể cho Việt Nam. Tuy vậy, chính quyền Việt Nam chỉ chấp nhận đầu tư kinh tế, chứ không chấp nhận sự chỉ trích của cộng đồng này đối với các chính sách tôn giáo khắc nghiệt