Harry Krejsa & Anthony Cho: Is Beijing Adopting an Ethnonationalist Foreign Policy?
Foreign Affairs, 23 October 2017

Người dịch: Huỳnh Hoa

 

Bắc Kinh đang theo đuổi
chính sách ngoại giao dân tộc vị chủng?

Đã nổi lên những dấu hiệu cảnh báo!

Harry Krejsa Anthony Cho

 

 

Khắp thế giới, các chính phủ từ Ba Lan tới Miến Điện đang khơi dậy tình cảm dân tộc vị chủng (ethnonationalist) để củng cố sự ủng hộ cho những chương trình chính trị mà nếu không sẽ gây chia rẽ. Ở các nước nhỏ hơn và thuần chủng hơn, xu hướng này chủ yếu biểu lộ ở sự chuyển dịch chính sách đối nội theo kiểu hướng nội, chẳng hạn như chính sách hạn chế nhập cư và bảo hộ kinh tế của Hungary dưới quyền tổng thống Viktor Orban. Còn ở các nước lớn, hùng mạnh hơn về kinh tế, tình cảm dân tộc vị chủng có khuynh hướng tạo điều kiện cho chính sách ngoại giao hiếu chiến. Lịch sử có rất nhiều những hậu quả kinh khủng về chủ nghĩa dân tộc vị chủng từ các nước lớn lan ra sân khấu thế giới – và đã có những dấu hiệu cho thấy đất nước đông dân nhất thế giới, Trung Quốc, có thể là ví dụ mới nhất.

Đối với các nước lớn, lượng kiều bào đông đúc hoặc có vị thế quan trọng ở nước ngoài có thể là một mục tiêu đầy cám dỗ mà chính phủ phải thu hút nhân danh chính sách ngoại giao dân tộc vị chủng. Các nhà nước ràng buộc tính chính danh của mình vào một căn cước sắc tộc (ethnic identity) thường có những nỗ lực đặc biệt để tái khẳng định cái căn cước đó trong cộng đồng những người cùng sắc tộc ở nước ngoài, bành trướng quyền lực của nhà nước và khi làm như vậy họ vượt qua các biên giới địa lý. Có thể vì vậy mà các nhà nước này đôi khi theo đuổi các chính sách ngoại giao can thiệp để “bảo vệ” kiều dân của họ ở nước ngoài.

Nước Đức giữa hai thế chiến cung cấp một ví dụ có sức thuyết phục nhất cho chính sách dân tộc vị chủng và can thiệp này. Adolf Hitler đã tích cực thúc đẩy căn cước chủng tộc Đức ra ngoài biên giới của Đế chế thứ Ba (Third Reich) và sử dụng tình trạng của người sắc tộc Đức như một cái cớ để xâm lược các nước láng giềng. Gần đây hơn, tổng thống Nga Vladimir Putin lấy việc bảo vệ người sắc tộc Nga trước một chính phủ bài Nga ở Kiev, Ukraine làm cái cớ để xâm lăng Crimea năm 2014; ông ta tuyên bố khi sáp nhập bán đảo này là ông ta “không thể bỏ mặc Crimea và cư dân của nó trong đau khổ”.

Mặc dù cả hai trường hợp này đều có những tác động bên ngoài riêng, hàm ý quan trọng của chúng là các thế lực theo chủ nghĩa dân tộc vị chủng cũng thường là những thế lực bành trướng bởi vì họ, hoặc nhiệt thành muốn bảo vệ sắc tộc của mình, hoặc muốn dùng nó làm một màn che tiện lợi cho chính sách can thiệp – hoặc kết hợp cả hai.

Thu hút kiều bào

Giờ đây Bắc Kinh đang bộc lộ ra những dấu hiệu cảnh báo về sự nổi lên của một thế lực theo chủ nghĩa dân tộc vị chủng; họ đang tích cực thu hút một khối lượng Hoa kiều khổng lồ, ở tận những nơi xa xôi, để thúc đẩy các mục tiêu chính sách ngoại giao của Trung Quốc.

Nhờ những cuộc di dân trong lịch sử và những cuộc định cư kinh tế gần đây hơn diễn ra cùng các dự án đầu tư dọc theo Sáng kiến Nhất lộ Nhất đới (Một vành đai, một con đường), lượng người sắc tộc Hoa (Hoa kiều) sinh sống bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc và Đài Loan giờ đây đã lên tới gần 50 triệu người, lớn hơn dân số của Úc, Canada hoặc Kenya. Hơn thế nữa, các cộng đồng Hoa kiều tập trung ở các quốc gia có tầm quan trọng về chiến lược và các nền kinh tế đang nổi lên chủ chốt, bao gồm 32 triệu người ở Đông Nam Á, 1 triệu người ở Úc, 400.000 người ở Pakistan, hơn 300.000 người ở Nam Phi và 250.000 người ở Brazil. Đại đa số người Hoa ở nước ngoài không còn giữ quốc tịch Trung Quốc, nhưng dù vậy đảng Cộng sản ở Bắc Kinh vẫn ban hành những chính sách lôi cuốn họ và củng cố một căn cước sắc tộc chung nhằm gắn bó lợi ích của Hoa kiều với lợi ích của chính họ.

Trước tiên, Bắc Kinh cố gắng tạo ra mối liên kết gần gũi hơn giữa Hoa kiều và nền kinh tế Trung Quốc. Bắc Kinh đã lèo lái dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của mình thông qua các cộng đồng Hoa kiều này, đôi khi với mức độ cao không ngờ. Mối quan hệ này thấy rõ nhất ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Indonesia, nơi người Indonesia gốc Hoa chỉ chiếm từ hai đến ba phần trăm dân số nhưng tham gia tới 90 phần trăm hoạt động thương mại giữa hai nước. Mô hình ràng buộc này, làm giàu cho cả các nhà đầu tư của Trung Quốc lục địa lẫn những kẻ tiếp tay trong cộng đồng Hoa kiều bản địa, đang lan tràn khi Bắc Kinh theo đuổi những chính sách công khai nâng cao ảnh hưởng và hình ảnh của cộng đồng Hoa kiều ở các quốc gia mà họ sinh sống. Khi Bắc Kinh tiếp tục cải cách kinh tế, họ nói rõ với các cộng đồng Hoa kiều rằng, Hoa kiều cũng có chỗ đứng trong “Giấc mộng Trung Hoa” của ông Tập Cận Bình.

Hai là, Bắc Kinh đang củng cố các quan hệ về văn hóa với cộng đồng người Hoa hải ngoại thông qua một cơ quan quản lý Hoa kiều chính thức có tên là Cục Hoa kiều đặt dưới quyền Quốc vụ viện, tức hội đồng nhà nước Trung Quốc. Cơ quan này đã lấy lòng người Hoa hải ngoại bằng các chuyến du lịch về quê do nhà nước tài trợ để tham dự các trại hè thanh niên nhằm tìm cách đưa vào đầu óc giới trẻ phiên bản di sản văn hóa và căn cước sắc tộc Trung Quốc do Bắc Kinh đạo diễn. Cơ quan này cũng đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế trong việc Hoa kiều di dân muốn nhận thẻ thường trú nhân ở Trung Quốc. Hơn thế nữa, có một chiến dịch thận trọng từ những cấp cao nhất của chính phủ Trung Quốc kêu gọi các nhà khoa học, các học giả Trung Quốc trở về, khơi dậy lòng ái quốc của họ (cũng như đưa ra những phần thưởng hồi hương rất lớn). Chiến dịch tái biến đổi văn hóa trên quy mô toàn cầu này nhằm củng cố bản sắc Trung Quốc – tất nhiên là theo điều kiện của Bắc Kinh.

Cuối cùng và gây nhhiều tranh cãi nhất là việc Bắc Kinh có vẻ như rất quan tâm tới chuyện vận động chính trị của cộng đồng Hoa kiều. Các cơ quan tình báo New Zealand gần đây đã tiến hành điều tra ông Dương Kiện (Yang Jian), một ứng cử viên quốc hội New Zealand có lập trường thân Bắc Kinh rõ rệt – vì những quan hệ mờ ám của ông này với quân đội Trung Quốc, tình báo Trung Quốc cũng như vì những khoản đóng góp cho đảng chính trị của ông ta từ các doanh nghiệp Trung Quốc có động cơ không rõ ràng như khoản quà tặng trị giá 104.000 đô la Mỹ từ công ty Inner Mongolia Rider Horse Industry Ltd. Đã có hàng loạt những trường hợp tương tự ở Úc. Và Vụ Công tác Mặt trận Thống nhất – một cơ quan thuộc ủy ban trung ương đầy quyền năng của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã từng nói bóng gió về việc tập hợp một mạng lưới các mối liên lạc của người Hoa ở nước ngoài. Mặc dù chưa có kết luận cuối cùng về nhiều trường hợp như vậy, nhưng chừng nào đảng Cộng sản ở Bắc Kinh còn nỗ lực định nghĩa căn cước sắc tộc Trung Hoa theo quan điểm của riêng mình và huy động các cộng đồng Hoa kiều tập hợp quanh cái căn cước do nhà nước vạch ra ấy và lợi dụng nó cho chính lợi ích của nhà nước thì những lời cáo buộc về mưu đồ chính trị còn gia tăng theo thời gian.

Một chiến lược ràng buộc kiều bào thật chặt chẽ có thể cung cấp lý do cho một chính sách ngoại giao hung hăng hơn của Trung Quốc. Bắc Kinh có thể biện minh cho việc từ bỏ chính sách không can thiệp đã có từ lâu của nước này nếu như người sắc tộc Trung Hoa ở ngoài biên giới bị đe dọa. Nếu như chuyện một người Mỹ gốc Hoa bị hãng hàng không United Airlines ngược đãi đã thu hút sự chú ý rất lớn trên báo chí Trung Quốc do nhà nước điều hành thì không khó hình dung bạo lực chống lại người sắc tộc Trung Quốc – giả dụ như ở một quốc gia “Nhất đới Nhất lộ”, nơi có nhiều người sắc tộc Trung Quốc làm công nhân xây dựng đường sá – sẽ biện minh cho một phản ứng trực tiếp hơn từ Bắc Kinh. Các nước như Sri Lanka, nơi đầu tư của Trung Quốc đã gặp phải sự phản kháng đôi khi bạo lực, có khả năng phù hợp với dự báo tồi tệ đó. Tệ hơn nữa, khi một số thành viên của cộng đồng Hoa kiều tự thấy mình phụ thuộc vào đà thăng trầm của chính Trung Quốc, thì Bắc Kinh có thể vận động họ ủng hộ (hoặc biểu tình ủng hộ) các chính sách thân Bắc Kinh. Kiểu huy động này đã thường xuyên xảy ra nhằm chống lại các nhân vật như đức Đạt lai Lạt ma ở những nơi mà Bắc Kinh không cần động ngón tay cũng có thể gây đau đầu cho nước chủ nhà nào đón tiếp ông.

Ngay cả khi sự ràng buộc cộng đồng Hoa kiều được hiểu một cách thiện ý hơn cũng cho thấy rằng có vẻ như Bắc Kinh đang đi tới chỗ rắc rối. Sự gia tăng lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài – và cái phương cách áp chế mà Bắc Kinh theo đuổi nó – đã đồng hành với tình cảm chống Trung Quốc ngày càng tăng ở khắp nơi trên thế giới, minh chứng là những vụ xung đột ở Zambia và thái độ thù địch ở Sri Lanka. Bằng cách khuấy động thủ đoạn chính trị căn cước (identity politics) trên trường quốc tế, Bắc Kinh gặp rủi ro kích thích sâu hơn nữa những mối bất bình sắc tộc, mà đến lượt nó có thể đặt những khoản đầu tư hải ngoại ngày càng lớn của Trung Quốc vào vòng nguy hiểm và đặt cộng đồng Hoa kiều vào cuộc đối kháng sắc tộc. Điều đó đã đúng ở Malaysia, nơi nhiều người gốc Hoa đang mong Bắc Kinh chào đón họ quay về, có tiềm năng đặt ra một tình thế khó xử về di dân. Những người khác có thể đối phó với phản ứng bài Hoa bằng cách từ chối đầu tư hoặc cam kết từ Bắc Kinh và tìm cách biểu lộ công khai hơn lòng trung thành với đất nước họ đang sinh sống. Australia có thể là một phép thử sớm khi chính phủ nước này xem xét luật lệ mới, bao quát hơn, về hoạt động do thám và tài trợ tranh cử giữa lúc có những mối lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh.

Chống lại cuộc tấn công

Mặc dù mọi quốc gia đều có thể gặp khó khăn trong việc đương đầu với những thách thức có nguồn gốc từ nhà nước này, họ vẫn có những lựa chọn để tự phòng vệ, chống lại cuộc tấn công của chủ nghĩa dân tộc vị chủng. Những nỗ lực hòa nhập được suy nghĩ thấu đáo là biện pháp then chốt: một cộng đồng mà bản sắc được chấp nhận và tôn vinh ở địa phương sẽ ít có khả năng hướng về Bắc Kinh để tìm ý thức về vị trí hơn là một nhóm Hoa kiều bị cô lập và khinh rẻ. Hơn thế nữa, những yêu cầu mạnh mẽ hơn về tính minh bạch đối với các khoản tài trợ từ nước ngoài, cả với doanh nghiệp và ảnh hưởng chính trị, sẽ không chỉ “rọi đèn pha” vào sự can thiệp của Bắc Kinh mà còn có thể dập tắt những lời đồn đoán gây chia rẽ về lòng trung thành của các nhóm kiều bào có nguy cơ trở thành sự thật.

Thật vậy, chiến lược huy động chủ nghĩa dân tộc vị chủng tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng cho chính cái cộng đồng mà nó muốn tìm cách tăng sức mạnh. Nếu như Bắc Kinh cố gắng lợi dụng cộng đồng Hoa kiều để tăng sức mạnh cho một chính sách ngoại giao mang tính can thiệp và hung hăng hơn thì cộng đồng người Hoa ở hải ngoại nằm trong số những thành phần đầu tiên bị thiệt hại. Nỗ lực của Bắc Kinh sử dụng sự hợp nhất về sắc tộc để biện minh cho những hành động xâm lấn ở nước ngoài có thể kích hoạt thành kiến bài Hoa chống lại những cộng đồng Hoa kiều đã có gốc rễ sâu xa – và làm cho những người mà Trung Quốc tìm cách lôi kéo trở nên bị xa lánh và cô lập. Trung Quốc có một di sản lâu dài và nhiều tầng nấc: dân tộc, truyền thống và văn hóa Trung Hoa được tôn trọng trên khắp thế giới. Dù sao, chính dân tộc Trung Hoa mới là trường tồn trong khi các hoàng đế, vương triều và các chính phủ đều chỉ đến và đi mà thôi.

Nếu Bắc Kinh thành công trong việc khơi dậy chủ nghĩa dân tộc vị chủng cho những mục tiêu của họ và biến nhân dân thành vật cầm cố thì tất cả chúng ta sẽ khốn khó hơn trước.

Nguồn: https://www.foreignaffairs.com/articles/asia/2017-10-23/beijing-adopting-ethnonationalist-foreign-policy?cid=int-fls&pgtype=hpg