Graham Allison:
The chairman of everything: why Chinese president Xi Jinping will change
history Người dịch: Huỳnh Hoa
Chủ tịch của mọi thứ:
Tại đại hội đảng Cộng sản ở Bắc Kinh hồi tháng 10, ông Tập Cận Bình
(Xi Jinping) không chỉ “được
bầu” cho một nhiệm kỳ 5 năm thứ hai làm chủ tịch Trung Quốc mà còn “đăng
quang” như là phiên bản thế kỷ 21 của các hoàng đế đã cai trị đất nước
này hàng ngàn năm qua. “Tư tưởng” của ông được khắc ghi bên cạnh tư
tưởng của Mao Trạch Đông (Mao
Zedong), vào kinh thánh của Trung Quốc, tức là cương lĩnh chính trị
của đảng mà cả xã hội phải học tập và lấy làm kim chỉ nam. Hàng ngũ ủy
viên của các thiết chế quyền lực chủ yếu khác - ủy ban thường vụ 7 thành
viên, bộ chính trị 25 thành viên và quân ủy trung ương 7 thành viên –
đều được xáo trộn lại để bảo đảm tất cả các thành viên đều là người
trung thành với ông Tập. Đáng chú ý hơn cả, cái cung cách tiếp nối quyền
lực đã được định hình theo đó một người kế vị sẽ được xác định vào lúc
bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của nhà lãnh đạo, đã bị bãi bỏ. Cũng dễ thấy
như vậy, trong ủy ban thường vụ không có ai là người kế vị hợp lý cho vị
trí của ông Tập, dấu hiệu cho 1,4 tỉ dân Trung Quốc biết ông Tập rất có
thể sẽ tiếp tục là nhà lãnh đạo của họ lâu tới chừng nào ông ấy muốn.
Chức sắc ngoại giao nước ngoài đầu tiên đến Bắc Kinh để bày tỏ sự tôn
kính với ông Tập mới được trao thêm quyền hành là tổng thống Hoa Kỳ.
Người Trung Quốc đã phát triển một nghệ thuật tinh tế về nghi lễ trong
suốt 4.000 năm lịch sử, Trung Quốc đã thể hiện cho ông bầu sô người Mỹ
thấy rằng họ rất biết cách phô trương và gây ấn tượng. Như tờ
The New York Times giải thích
trước chuyến viếng thăm Trung Quốc của ông Trump: “Sự phô trương… sẽ là
dịp để ông Tập trình diễn ‘giấc mộng Trung Hoa’ của ông ấy – một tầm
nhìn về đất nước của ông ấy đang tham gia, hoặc có lẽ đang hất cẳng Hoa
Kỳ như là một siêu cường đang dẫn dắt thế giới”.
Trước khi lên đường công du, ông Trump đã gửi cho ông Tập một bức điện
chúc mừng ông này vừa đạt được “sự thăng tiến phi thường”. Với các nhà
báo, ông Trump gọi ông Tập là “hoàng đế”. Khi đến nơi, ông chào mừng ông
Tập với lời chào có phần tôn kính; ông tuyên bố, “Ngài là một người rất
đặc biệt”, và “Ngài là một người mạnh mẽ”, và khen ngợi ông ta đã dẫn
dắt đất nước [Trung Quốc] tiến lên, trong khi đổ lỗi cho các nhà lãnh
đạo Hoa Kỳ tiền nhiệm đã để cho nước Mỹ “bị tụt hậu quá xa”.
Báo The New York Times tóm
tắt chuyến viếng thăm: “Tổng thống Trump bày tỏ một thái độ ngưỡng mộ
Trung Quốc chưa từng thấy ở một nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đến thăm viếng nước
này”. Thật vậy, tờ báo tiếp tục: “Cách hành xử của ông Trump [báo hiệu]
một điểm chuyển hóa trong chính trị cường quốc”.
Giờ đây ông Tập không chỉ là lãnh tụ Trung Quốc quyền lực nhất kể từ
thời ông Mao mà còn là nhà lãnh đạo nhiều tham vọng nhất so với lãnh đạo
của bất cứ nhà nước nào hôm nay. Trong vòng năm năm qua, ông ta đã tự
chứng tỏ là người hiệu quả nhất trong việc nâng cao vị thế của đất nước
ông trên đấu trường thế giới. Và trong tất cả những đối thủ cạnh tranh
trên sân khấu quốc tế, ông ta là người có nhiều khả năng nhất trong việc
để lại dấu ấn lâu dài trong lịch sử.
Để trả lời câu hỏi “Tập Cận Bình là ai?” thì cần phải xem xét ba chữ
“S”: Survival (Sống sót),
Strategy (Chiến lược) và
Statecraft (Tài lãnh đạo).
TẬP – NGƯỜI SỐNG SÓT
Cho tới khi qua đời vào năm 2015, ông Lý Quang Diệu
(Lee Kuan Yew), người sáng
lập và thủ tướng Singapore, là nhà quan sát Trung Quốc hàng đầu của thế
giới. Ông cũng là người dẫn dắt
(mentor) cho Tập Cận Bình. Khi ông Tập vươn tới quyền lực năm 2012,
ông Lý là nhà quan sát nước ngoài đầu tiên lên tiếng về nhân vật kỹ trị
gần như chưa ai biết tới này, “Hãy coi chừng con người này”. Lần duy
nhất trong nửa thế kỷ đánh giá các nhà lãnh đạo nước ngoài, ông Lý đã so
sánh vị chủ tịch mới của Trung Quốc với chính bản thân ông. Cả hai người
này đều được định hình từ những cuộc thử thách gian nan từng để lại vết
hằn sâu trong tâm hồn. Với ông Lý, “cả thế giới” dường như sụp đổ khi
Nhật Bản xâm chiếm Singapore năm 1942. Tương tự như vậy, ông Tập được
rèn luyện trong cuộc đấu tranh để sống sót qua những cơn điên loạn thời
Cách mạng Văn hóa của Mao. Từ cuộc biến động lớn, ông ta đã nổi lên với
cái mà ông Lý gọi là “chất thép trong tâm hồn”.
Tập được sinh ra là một ông hoàng con của cách mạng, con trai của phó
thủ tướng Tập Trọng Huân (Xi
Zhongxun), một đồng chí tin cậy của Mao, người đã chiến đấu bên cạnh
chủ tịch Mao trong cuộc nội chiến Quốc-Cộng ở Trung Quốc, kéo dài từ năm
1927 đến tận năm 1950. Được số phận an bài để lớn lên trong “cái nôi của
các nhà lãnh đạo” ở Bắc Kinh, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau lần sinh
nhật thứ 9 năm 1962, ông Tập thức dậy và nhận ra chủ tịch Mao đầy hoang
tưởng đã bắt giam cha của ông. Trong những tháng ngày tiếp sau đó, cha
ông bị lăng nhục và cuối cùng bị bỏ tù suốt thời Cách mạng Văn hóa, chỉ
chấm dứt vào năm 1976.
Trong cái mà ông Tập miêu tả như là cơn ác mộng “địa ngục trần gian”,
Hồng vệ binh Trung Quốc đã liên tục cưỡng ép ông phải lên án cha mình.
Khi các trường học đóng cửa, Tập đã trải qua những tháng ngày tự bảo vệ
mình trong những vụ đánh nhau trên đường phố và ăn cắp sách báo ở các
thư viện bị tàn phá để tự học. Bị ông Mao gửi về nông thôn để “cải tạo”,
Tập đã sống trong hang đá ở một làng quê tại Diên An ở miền trung Trung
Quốc, xúc phân bò và làm việc theo mệnh lệnh của cán bộ cai quản là nông
dân. Phẫn uất vì cực khổ và bị lạm dụng, người chị cùng cha khác mẹ của
ông là Tập Hòa Bình (Xi Heping),
đã treo cổ tự tử.
Thay vì tự sát như chị, ông Tập chấp nhận thực tế và, theo từ ngữ khéo
léo của ông, ông đã được “tái sinh”. Như lời một người bạn lâu năm của
ông kể cho một nhà ngoại giao Mỹ, ông ấy “chọn sống sót bằng cách tỏ ra
đỏ hơn cả đỏ” – làm tất cả những gì cần thiết để trèo lên đỉnh trở lại.
TẬP – NHÀ CHIẾN LƯỢC
Nhờ sự trợ giúp của những người bạn cũ của cha ông, Tập thu xếp quay trở
lại Bắc Kinh và ghi tên vào trường đại học Thanh Hoa uy tín, nơi ông
theo học ngành công nghệ hóa học. Sau khi tốt nghiệp năm 1979, ông giữ
chân nhân viên cấp thấp ở quân ủy trung ương để bắt đầu xây dựng quan hệ
với quân đội.
Để có vốn chính trị, sau đó ông Tập đã quay về nông thôn theo đuổi cái
mà Kerry Brown, người viết tiểu sử ông Tập, mô tả là “cuộc huấn luyện
chính trị khắc nghiệt và thầm lặng” của một cán bộ cấp tỉnh. Nhưng ở đó,
ông leo dần lên các bậc thang tôn ti trật tự và đến năm 1997, ông may
mắn giành được một ghế trong ủy ban trung ương đảng (khi kiểm tra phiếu
bầu 150 ủy viên trung ương, ông Tập xếp vị trí thứ 151; nhưng được trúng
cử nhờ tổng bí thư khi ấy, ông Giang Trạch Dân
(Jiang Zemin), quyết định
thực hiện một ngoại lệ và đưa số ủy viên trung ương lên 151 người).
Khi được phân công làm bí thư tỉnh ủy tỉnh duyên hải Chiết Giang năm
2002, ông Tập đã chứng kiến một sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục: xuất
khẩu tăng 33% mỗi năm trong bốn năm cầm quyền của ông. Ông cũng tỏ ra
rất khéo léo trong công cuộc xác định và hỗ trợ những doanh nhân địa
phương có triển vọng, gồm cả ông Mã Vân
(Jack Ma) mà sau này là chủ
của tập đoàn bán lẻ trực tuyến khổng lồ Alibaba đang cạnh tranh với
Amazon.
Trong khi ông Tập chứng tỏ tài năng điều hành của mình, ông vẫn giữ một
tư thế thầm lặng, tránh phô trương tài sản vốn thường thấy ở nhiều đồng
chí của ông. Khi tên tuổi của các nhà lãnh đạo tương lai của đảng được
truyền tụng vào năm 2005, tên ông không hề có trong danh sách.
Nhưng rồi vào đầu năm 2007, một vụ tai tiếng tham nhũng cấp cao làm rúng
động Thượng Hải. Chủ tịch Trung Quốc khi ấy là ông Hồ Cẩm Đào
(Hu Jintao) và các đồng chí
của ông trong ủy ban thường vụ bộ chính trị cảm thấy nhu cầu cấp bách
phải hành động nhanh và quyết đoán. Được biết danh tiếng của ông Tập như
là người đứng đắn và có tinh thần kỷ luật, họ chọn ông làm người chữa
cháy. Ông đã làm việc đó với sự kết hợp giữa tính cương quyết và khéo
léo đến mức tất cả những người đồng cấp của ông phải thán phục. Vào mùa
hè năm 2007, tên ông được xếp hàng đầu trong danh sách nội bộ của đảng
về những cán bộ có nhiều khả năng nhất, có thể tìm được chỗ đứng trong
thế hệ các nhà lãnh đạo kế tiếp.
Tập được tưởng thưởng lớn khi 400 nhà lãnh đạo hàng đầu của đảng, tức ủy
ban trung ương đảng (và các ủy viên dự khuyết) mở hội nghị tháng 10/2007
để chọn ra ủy ban thường vụ bộ chính trị 9 người sẽ dẫn dắt đất nước
trong 5 năm kế tiếp. Ông nổi lên không chỉ như là một ủy viên thường vụ
mà còn là người kế tục tất nhiên của chủ tịch Hồ. Vừa khiêm tốn nhưng
cũng vừa đầy tham vọng, Tập đã cần mẫn cúi đầu xuống thấp khi leo lên
các bậc thang của đảng, đánh bại trong gang tấc một ứng viên được ưa
chuộng khác, ông Lý Khắc Cường
(Li Keqiang), để trở thành người kế tiếp bước lên vị trí cao nhất.
Khi lần đầu tiên báo chí Trung Quốc công bố tin ông Tập sẽ là người kế
vị ông Hồ, hầu như không ai biết tới ông ngoài hàng ngũ quan chức của
đảng, đến mức có một câu chuyện tiếu lâm được lan truyền rộng rãi: “Tập
Cận Bình là ai?” “Đó là chồng của Bành Lệ Viên
(Peng Liyuan)” – một nữ ca sĩ
dân ca nổi tiếng mà ông Tập lấy làm vợ.
Sau những cơn điên loạn của thời Mao, đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành
một nỗ lực có tính quyết định để bảo vệ đất nước (và bảo vệ đảng) chống
lại sự tàn bạo của một lãnh tụ chuyên chế bằng cách thiết lập một hệ
thống lãnh đạo tập thể. Chín thành viên của ủy ban thường vụ bộ chính
trị, về thực chất, là có quyền hành ngang nhau, tổng bí thư giữ vai trò
là người phát ngôn công khai của tập thể lãnh đạo. Các vị bô lão của
đảng đề bạt ông Tập vào năm 2012 kỳ vọng, ông cũng sẽ giống như người
tiền nhiệm của ông – một phát ngôn viên được thừa nhận của cơ chế lãnh
đạo tập thể. Họ đã lầm!
Trước khi kết thúc năm đầu tiên cầm quyền, ông Tập đã bắt đầu sắp xếp có
hiệu quả một cuộc thay đổi cơ chế êm ái. Vào cuối nhiệm kỳ tổng bí thư
đầu tiên của ông, ông đã tập trung quyền lực vào tay mình một cách toàn
diện tới mức giờ đây ông thường được nói tới không phải như một CEO
[tổng giám đốc điều hành] của Trung Quốc, mà như một COE [chủ tịch của
mọi thứ - “chairman of
everything”]. Triển khai một chiến dịch chống tham nhũng rầm rộ, có
tác động mạnh mẽ, ông Tập đã triệt hạ các đối thủ hùng mạnh mà trước kia
vẫn được coi là bất khả xâm phạm, kể cả người đứng đầu bộ máy an ninh
nội bộ Trung Quốc Chu Vĩnh Khang
(Zhou Yongkang). Chu là ủy viên thường vụ bộ chính trị đầu tiên từ
trước tới nay bị bỏ tù vì tội tham nhũng. Trong công cuộc củng cố quyền
lực, Tập đã thâu tóm vào chính mình hơn một tá chức vụ, từ chủ tịch hội
đồng an ninh quốc gia mới thành lập, cho tới tổng tư lệnh quân đội – một
chức vụ mà ngay đến ông Mao cũng chưa bao giờ đảm nhiệm được. Và chính
ông cũng đã tự phong cho mình danh hiệu “nhà lãnh đạo cốt lõi”, hay “nhà
lãnh đạo hạt nhân” của Trung Quốc – một danh hiệu tượng trưng cho vị thế
trung tâm của ông trong cái nhà nước mà ông Hồ đã làm cho suy yếu đi.
Hơn thế nữa, ông Tập được đưa lên ngang hàng với ông Mao khi đại hội
đảng gần đây đã khắc ghi “tư tưởng Tập Cận Bình” vào cương lĩnh của
đảng. Như nhà quan sát Trung Quốc rất sắc sảo Bill Bishop nói với báo
The Guardian: “Điều đó có
nghĩa là Tập thực sự trở thành bất khả hoài nghi… Thách thức Tập sẽ là
thách thức đảng [Cộng sản Trung Quốc] – và không ai muốn chống lại đảng
cả”.
TÀI LÃNH ĐẠO CỦA TẬP
Ông Tập đang sử dụng quyền lực để theo đuổi một công cuộc cải hóa sâu
rộng nhất hệ thống chính trị, kinh tế và quân sự Trung Quốc kể từ thời
ông Mao. Về đối ngoại, ông đã cho về hưu chiến lược
“thao quang dưỡng hối” (náu
mình chờ thời) của những người tiền nhiệm, thay vào đó ông chọn việc
khẳng định sức mạnh của Trung Quốc không chỉ trên các vùng biển quanh
nước này mà cả trên các đại dương khắp thế giới. Tại đại hội đảng mới
đây, ông hãnh diện nói rằng Trung Quốc sẽ đứng lên “cao và mạnh ở phương
Đông”.
Hồi tháng 1 năm nay tại diễn đàn kinh tế thế giới Davos – nơi tụ họp các
nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp khắp thế giới – khi Hoa Kỳ rút
chân ra khỏi các hiệp định thương mại quan trọng với châu Á và châu Âu,
ông Tập đã nắm lấy vai trò nhà quán quân bảo vệ toàn cầu hóa và thương
mại tự do. Tại hội nghị 21 nhà lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu
Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Việt Nam hồi tháng 11, sau khi ông Trump nói
thẳng về chính sách đặt “nước Mỹ trên hết”, ông Tập đã thúc giục những
người dự họp “giữ vững chế độ đa phương, theo đuổi sự tăng trưởng chung
thông qua tư vấn và hợp tác [và] trui rèn quan hệ đối tác gần gũi hơn”.
Từ rất lâu trước khi ông Trump tham gia đấu trường chính trị, ông Tập đã
công bố khát vọng của ông “làm cho Trung Quốc vĩ đại trở lại”. Nói theo
ngôn ngữ của ông, ông kêu gọi “sự trẻ hóa vĩ đại của đất nước Trung Quốc
vĩ đại”. Đối với ông, điều đó có nghĩa là đưa Trung Quốc quay về với vị
thế thống trị châu Á mà đất nước này từng được hưởng trước khi phương
Tây xâm nhập; thiết lập quyền kiểm soát trên toàn bộ các lãnh thổ của
“Đại Trung Hoa”, không chỉ bao gồm Tây Tạng và Tân Cương ở Trung Quốc
lục địa mà cả Hong Kong và Đài Loan; khôi phục không gian ảnh hưởng
trong lịch sử của Trung Quốc dọc theo các đường biên giới và các vùng
biển kề cận; từ đó buộc các nước khác phải dành cho Trung Quốc sự tôn
kính mà các nước lớn luôn đòi hỏi. Và điều đó cũng có nghĩa là Trung
Quốc yêu cầu sự kính trọng của các cường quốc khác trong các hội đồng
của thế giới.
Kết hợp lại, Tập gọi các mục tiêu quốc gia này là “giấc mộng Trung Hoa”.
Sau khi vẽ ra một tầm nhìn táo bạo cho giấc mộng Trung Hoa, Tập đang rất
hăng hái huy động lực lượng để thực thi một chương trình vô cùng tham
vọng nhằm tiến lên ở bốn mặt trận: đem lại sức sống mới cho đảng Cộng
sản Trung Quốc; hồi sinh chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa, tái tạo một cuộc
cách mạng kinh tế mới; và tái tổ chức, tái xây dựng quân đội Trung Quốc
để có thể, như Tập nói, “chiến đấu và chiến thắng”. Bất cứ mặt trận nào
trong bốn sáng kiến này cũng đều vượt quá nỗ lực trong suốt một thập
niên của phần lớn các vị đứng đầu nhà nước. Thể hiện cái mà học giả về
Trung Quốc Andrew Nathan mô tả là “sự tự tin tầm cỡ Napoleon”, ông Tập
đã chọn cách xử lý cùng một lúc cả bốn chương trình.
Để thuyết phục các đồng chí trong giới lãnh đạo và người dân Trung Quốc
rằng, giấc mộng Trung Hoa của ông không phải là lời nói suông, Tập đã bỏ
qua một quy luật chủ yếu của sự sinh tồn chính trị: đừng bao giờ nói ra
một mục đích rõ ràng và một thời điểm cụ thể trong cùng một câu nói. Chỉ
trong vòng một tháng sau khi trở thành lãnh tụ Trung Quốc, Tập đã công
bố, Trung Quốc sẽ xây dựng một “xã hội thịnh vượng cỡ trung” vào năm
2021 khi kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc. Lời tuyên
bố đó có nghĩa là Trung Quốc phải tăng gấp đôi mức tổng sản lượng kinh
tế (GDP) bình quân đầu người năm 2010, lên mức 10.000 USD/người/năm.
Theo xu hướng hiện thời, tới thời điểm đó, nền kinh tế Trung Quốc sẽ lớn
hơn kinh tế Hoa Kỳ khoảng 40% (tính theo sức mua tương đương của đồng
tiền), theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Tại đại hội đảng mới đây, ông Tập còn nhìn xa hơn khi tuyên bố rằng, vào
dịp kỷ niệm 100 năm nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 2049, Trung
Quốc sẽ trở thành “một đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, vĩ đại và
phồn vinh”. Và “một quốc gia lãnh đạo toàn cầu về phương diện sức mạnh
tổng hợp”. Nếu vào giữa thế kỷ này, GDP bình quân đầu người của Trung
Quốc bắt kịp Hoa Kỳ thì Trung Quốc phải có nền kinh tế lớn gấp bốn lần
kinh tế Hoa Kỳ bởi vì dân số Trung Quốc đông gấp bốn lần dân số Mỹ.
Hơn thế nữa, trong kế hoạch của Tập, uy thế kinh tế chỉ mới là nền móng
của giấc mộng Trung Hoa. Doanh nhân Hoa Kỳ Robert Lawrence Kuhn là một
trong số ít người phương Tây được tiếp cận thường xuyên với những người
thân cận của ông Tập. Kuhn lưu ý rằng, khi họ nói chuyện với nhau, đội
của ông Tập nhấn mạnh rằng, trở thành số một có nghĩa là dẫn đầu không
chỉ về lĩnh vực kinh tế mà cả quốc phòng, khoa học, công nghệ và văn
hóa. Chủ trương “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”
(Made in China 2025) của ông
Tập kêu gọi Trung Quốc phải là nhà lãnh đạo toàn cầu trong các ngành
công nghệ chủ chốt bao gồm điện toán
(computing), người máy
(robotics), trí tuệ nhân tạo
và xe hơi tự lái. Như vậy, làm cho Trung Quốc vĩ đại trở lại không chỉ
là chuyện làm cho đất nước giàu lên mà ông Tập còn muốn làm cho Trung
Quốc mạnh lên, tự hào lên và làm cho đảng Cộng sản, với tư cách người
dẫn dắt toàn bộ tiến trình này, một lần nữa trở thành đội tiền phong
xứng đáng của nhân dân.
Trong cuộc theo đuổi giấc mơ này, Trung Quốc đang đối mặt với những
thách thức nghiêm trọng. Và Tập cùng đội của ông ta đã chứng tỏ họ có
đầu óc thực tế đến tàn nhẫn trong việc nhận thức những thách thức này và
xử lý chúng. Trong quan điểm của Tập, một Hoa Kỳ cứng đầu cứng cổ là trở
ngại chính trên con đường hiện thực hóa các tham vọng quốc tế của Trung
Quốc. Năm 2014, cựu thủ tướng Australia Kevin Rudd và cố vấn an ninh
quốc gia Hoa Kỳ Brent Scowcroft đã có những cuộc tiếp xúc riêng rẽ và
rộng rãi với các nhà lãnh đạo Trung Quốc; khi trở về, họ có quan điểm
giống nhau về những gì mà họ cho là “sự đồng thuận” đáng kinh ngạc trong
giới lãnh đạo Trung Quốc. Theo cả hai chính trị gia này, lãnh đạo Trung
Quốc tin rằng đại chiến lược của Hoa Kỳ trong giao tiếp với Trung Quốc
là nhắm tới 5 mục đích: cô lập Trung Quốc, kiềm chế Trung Quốc, làm suy
yếu Trung Quốc, chia rẽ nội bộ Trung Quốc và phá hoại giới lãnh đạo
Trung Quốc.
Như ông Rudd giải thích, những niềm tin này “thoát thai từ kết luận của
Trung Quốc rằng Hoa Kỳ không và sẽ không bao giờ chấp nhận tính chính
danh chính trị nền tảng của chính phủ Trung Quốc bởi vì đây không phải
là một nền dân chủ tự do”. Hơn thế nữa, theo ông Rudd, điều này đặt căn
cứ trên “một kết luận đã ăn sâu, rất ‘thực tế’ của Trung Quốc rằng Hoa
Kỳ sẽ không bao giờ tự nguyện nhường lại cái vị thế của mình như là một
cường quốc toàn cầu và khu vực nổi trội nhất, và sẽ làm tất cả mọi
chuyện trong phạm vi quyền lực của mình để duy trì vị thế đó”. Hoặc là,
như ông Henry Kissinger đã nói thẳng, mỗi nhà lãnh đạo Trung Quốc mà ông
gặp đều tin rằng, chiến lược của Hoa Kỳ là “kiềm chế” Trung Quốc.
Là những người nghiên cứu lịch sử, các nhà lãnh đạo Trung Quốc công nhận
rằng cái vai trò mà Hoa Kỳ đảm nhiệm từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ
hai như là kiến trúc sư và người bảo đảm cho sự ổn định và an ninh của
khu vực đã giúp cho các quốc gia châu Á trỗi dậy, trong đó không quốc
gia nào thành công hơn Trung Quốc. Tuy nhiên, giờ đây họ tin rằng khi
dòng thủy triều đưa Hoa Kỳ đến châu Á đã rút xuống, Hoa Kỳ cần phải rời
khỏi khu vực này. Giống như vai trò của Vương quốc Anh ở Tây bán cầu bị
phai mờ vào đầu thế kỷ 20, vai trò của Hoa Kỳ ở châu Á cũng phải phai mờ
một khi siêu cường mang tính lịch sử của khu vực này khôi phục lại vị
trí của mình. Như ông Tập đã từng nói tại một hội nghị các nhà lãnh đạo
Âu-Á năm 2014: “Trong phân tích cuối cùng, chính người châu Á phải điều
hành công việc của châu Á, giải quyết những bài toán của châu Á và duy
trì an ninh châu Á”.
Thật khó phủ nhận những dữ kiện tàn nhẫn về sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Như tôi đã trình bày trong cuốn sách
“Hướng tới chiến tranh: Liệu Hoa
Kỳ và Trung Quốc có thoát được bẫy Thucydide?”, khi có một sự thay
đổi căn bản như vậy trong cán cân tiềm ẩn của quyền lực thì chuông báo
động sẽ vang lên: phía trước cực kỳ nguy hiểm. Lý do là “Bẫy
Thucydides”: cái động thái nguy hiểm sẽ xảy ra khi một cường quốc đang
nổi lên đe dọa thay thế vị trí của một cường quốc đang thống trị. Trong
những điều kiện như vậy, những biến cố bên ngoài, hoặc hành động của các
bên thứ ba – vốn chỉ là những sự việc vụn vặt và có thể xử lý dễ dàng –
lại có thể kích hoạt những hành động và phản ứng của các vai chính và
dẫn tới cuộc chiến tranh mà không ai mong muốn. Hiện tượng này được miêu
tả lần đầu tiên bởi sử gia vĩ đại người Hy Lạp Thucydides trong tác phẩm
của ông về cuộc chiến tranh Peloponnesia tàn phá đất nước Hy Lạp cổ đại.
Như Thucydides giải thích: “Chính sự trỗi dậy của Athens và nỗi lo sợ mà
sự trỗi dậy ấy gây nên ở Sparta đã làm cho chiến tranh là không thể
tránh được”.
Dự án lịch sử ứng dụng mà tôi hướng dẫn ở đại học Harvard đã tìm thấy
trong 500 năm qua có 16 trường hợp mà sự trỗi dậy của một quốc gia quan
trọng đã làm gián đoạn vị thế của một nhà nước thống trị. Mười hai
trường hợp đó đã dẫn tới chiến tranh. Hãy nhớ lại năm 1914, khi vụ ám
sát một đại công tước làm bùng lên ngọn lửa cuối cùng đã thiêu rụi toàn
bộ những đền đài của tất cả các nhà nước vĩ đại nhất châu Âu.
Trong động thái này, mối hiểm nguy là có thật – nhưng chiến tranh không
phải là không thể tránh được. Trong 16 trường hợp nói trên, có bốn
trường hợp đã tránh khỏi chiến tranh, chứng tỏ rằng kết quả không phải
đã được định trước theo một quy luật thép nào đó của lịch sử. Điểm chủ
yếu trong việc viện dẫn Bẫy Thucydide không phải là thuyết định mệnh
hoặc chủ nghĩa bi quan yếm thế. Thay vì vậy, nó sẽ đánh thức chúng ta,
buộc chúng ta phải thừa nhận những rủi ro vô cùng nghiêm trọng được tạo
ra bởi các điều kiện hiện thời giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nếu như cả hai
bên đều theo đuổi việc kinh doanh như bình thường, chúng ta nên kỳ vọng
lịch sử diễn tiến như bình thường. Nhưng như George Santayana đã dạy
chúng ta, chỉ có những người từ chối nghiên cứu lịch sử mới bị buộc phải
lặp lại lịch sử.
Liệu tổng thống Donald Trump và chủ tịch Tập Cận Bình có đi theo những
bước đi bi thảm của các nhà lãnh đạo xứ Athens và Sparta cổ đại, của Anh
quốc và Đức quốc hồi đầu của thế kỷ vừa qua hay không? Hoặc họ sẽ tìm
một phương cách tránh né chiến tranh một cách hiệu quả như Hoa Kỳ và
Liên bang Xô viết đã từng làm vào cuối thế kỷ 20? Không ai biết được.
Nhưng chúng ta có thể tin chắc, cái động lực mà Thucydide đã xác định sẽ
càng thêm mạnh trong những năm tháng sắp tới.
Ông Tập sẽ từ đây mà đi đến đâu?
Tại đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc mới đây, bài diễn văn dài ba tiếng
rưỡi đồng hồ của ông Tập đã trình bày một cách chi tiết đáng kể “kế
hoạch hành động” trong năm năm sắp tới và xa hơn nữa. Trong lúc diễn đạt
bằng thứ ngôn ngữ mà đôi khi người phương Tây khó mà diễn dịch được, nó
cũng chỉ ra những cột mốc rõ ràng trên con đường mà Trung Quốc sẽ đi về
phía trước.
Đối nội, hãy kỳ vọng rằng đảng Cộng sản sẽ ngày càng trở nên nổi bật; và
không cần tiếp tục những lời nói đãi bôi về dân chủ - hoặc chính quyền
do người dân bầu lên; tăng trưởng GDP sẽ chậm lại một chút để nhấn mạnh
vào chất lượng cuộc sống, đặc biệt là bầu không khí có thể hít thở được
ở các thành phố lớn như Bắc Kinh; và bàn tay dẫn dắt của ông Tập cùng
các cán bộ đảng làm công việc của các ông quan kiểu Leninist sẽ nối dài
tầm với của ông ta tới việc đảm nhận một vai trò còn lớn hơn nữa trong
công cuộc điều hành đất nước.
Ở nước ngoài, Trung Quốc sẽ trở nên quyết đoán hơn nữa trong thế đứng
“cao và mạnh ở phương Đông”, bồi đắp các hòn đảo nhân tạo và mở rộng đòi
hỏi chủ quyền ở các vùng biển chung quanh chúng, và “di chuyển tới sân
khấu trung tâm” trong các công việc toàn cầu. Khi đưa ra những điều kiện
để tạo thuận lợi cho lợi ích của Trung Quốc mà ông hy vọng có thể thuyết
phục ông Trump chấp nhận, ông Tập lưu ý: “Thái Bình Dương đủ rộng cho cả
hai quốc gia”. Sau khi đã đẩy được các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ ra khỏi
chuỗi đảo thứ nhất, trải dài từ Nhật Bản tới Philippines, bằng chương
trình hỏa tiễn chống hạm, giờ đây Trung Quốc đang nỗ lực kéo dài tầm bắn
của các hỏa tiễn đó nhằm đẩy các hàng không mẫu hạm này ra ngoài chuỗi
đảo thứ hai. Nhiều người cho rằng, ông Tập nhìn thấy quần đảo Hawaii như
là một trung điểm thích hợp để phân chia khu vực ảnh hưởng giữa Hoa Kỳ
và Trung Quốc.
Động lực Thucydides giữa một Trung Quốc đang vươn lên và một Hoa Kỳ đang
thống trị giờ đây sẽ trở nên căng thẳng hơn, đặc biệt là theo những gì
Trung Quốc coi là “của mình” - những đất nước láng giềng, những vùng
biển sóng vỗ vào bờ biển Trung Quốc. Trên con đường hiện thời, sẽ không
còn lâu nữa các nhà phân tích sẽ nhận ra sự tương đồng giữa một ông Tập
tự tin và sung mãn với cố tổng thống Theodore Roosevelt – người đã dẫn
dắt Hoa Kỳ cạnh tranh và vượt qua Anh quốc để đòi hỏi một “thế kỷ Mỹ”.
Như ông Tập nói trong đại hội đảng mới đây: “Lịch sử sẽ thân thiện với
những ai có quyết tâm, có động lực và tham vọng, cùng với nhiều lòng can
đảm. Lịch sử cũng sẽ không chờ đôi những kẻ lưỡng lự, thờ ơ hoặc ngại
thách thức”.
(*) Graham Allison là giáo sư về
chính quyền, trường hành chính Kennedy thuộc đại học Harvard. Ông cũng
là tác giả cuốn sách mới xuất bản:
“Destined for War: Can America
and China Escape Thucydides’s Trap?” (Hướng tới chiến tranh: Liệu
Hoa Kỳ và Trung Quốc có thoát được bẫy Thucydide?) (NXB Houghton
Mifflin, 2017)
|