Calitoday
Nuốt không trôi, AVG trả lại tiền cho Mobifone
Vietnam – Cali Today news – Ngày 12/3, một cuộc họp kéo dài 6 giờ đồng
hồ giữa Công ty Nghe nhìn toàn cầu (Audio Visual Group-AVG) với Tổng
công ty Viễn thông MobiFone đã đi đến hồi kết. Theo thỏa thuận đạt được,
đôi bên thống nhất hủy bỏ hợp đồng mua bán 95% cổ phần. AVG sẽ trả lại
toàn bộ số cổ phần phía Mobifone đã thanh toán.
Đây là một sự kiện khiến nhiều người sửng sốt, vì nó diễn ra trong thời
gian quá nhanh. Vì trước đó, vào ngày 8/3, Ban Bí thư đảng CSVN dưới sự
chủ trì của đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng đã ra quyết định “khẩn trương
xử lý vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG”. Điều này đồng nghĩa với việc một
loạt quan chức cấp cao dính líu đến thương vụ mua bán AVG sẽ trở thành
“củi” đem vào nung trong lò của đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng.
Chính vì thế, chỉ trong vòng 4 ngày, các thủ tục giữa đôi bên đã được
nhanh chóng hoàn tất để đi đến quyết định hủy bỏ thỏa thuận mua bán 95%
cổ phần của AVG.
AVG còn được biết với tên gọi Truyền hình An
Viên do em trai của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là Phạm Nhật Vũ làm chủ.
Công ty này mở ra chẳng được bao lâu thì rơi
vào cảnh làm ăn thua lỗ. Trước tình cảnh đó, vào năm 2014, Phạm Nhật Vũ
đã móc nối với Nguyễn Thanh Phượng (con gái cựu thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng) nâng khống giá trị thực AVG; cấu kết với quan chức cấp cao của các
bộ, như: Bộ Thông tin-Truyền thông, Bộ Công an trong chính phủ dưới thời
Nguyễn Tấn Dũng bằng những chiêu trò “bảo đảm an ninh quốc phòng về
thông tin, truyền thông, tư tưởng và văn hóa”.
Nguyễn Thanh Phượng thông qua công ty Bản Việt của mình đã định giá,
nâng khống giá trị thực của AVG. Cùng với đó, thông qua các quan chức
cấp cao, như: Trần Đại Quang (Chủ tịch nước), Tô Lâm (Bộ trưởng Công
an), Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông), Trương Minh
Tuấn (đương kim Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông) và Lê Nam Trà (Cựu chủ
tịch Hội đồng thành viên Mobifone) đã làm cho quá trình hoàn tất thương
vụ mua bán được coi là lừa đảo diễn ra nhanh chóng hơn. Với thương vụ
mua bán này, Mobifone sẽ phải trả cho AVG số tiền lên đến 8,900 tỷ đồng,
toàn bộ số tiền này đều được mua từ ngân sách nhà nước.
Từ những nguồn tin mà chúng tôi có được, với số tiền 8,900 tỷ đồng AVG
không phải “nuốt” một mình, mà họ còn chia cho một số quan chức khác,
trong số đó đáng kể nhất là Trần Đại Quang, Tô Lâm, Nguyễn Bắc Son và
Trương Minh Tuấn. Tuấn đã dùng số tiền ấy để chi cho Nguyễn Bắc Son để
mua chiếc ghế Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông. Trong khi Nguyễn Bắc Son
thông qua thương vụ mua bán AVG kiếm được một khoản tiền rất lớn để an
hưởng tuổi già.
Nào ngờ sau Đại hội đảng CSVN lần thứ XII, với sự thất bại trong cuộc
đua đến chiếc ghế Tổng bí thư, phe cánh của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng đã nhiều người rơi vào vòng lao lý. Đáng kể nhất trong số đó là cựu
Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng, một số khác không ngồi tù thì cũng
bị kỷ luật với mức cảnh cáo.
Cùng với chiến thắng, đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng đã củng cố quyền lực
bằng mọi cách, đồng thời mở ra một cuộc thanh trừng rầm rộ nhằm triệt
tiêu mọi vây cánh, thế lực còn sót lại của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng. Thương vụ mua bán 95% cổ phần AVG đã được thanh tra trong thời
gian 2 năm (từ 2016 đến nay) vẫn chưa có kết quả. Sở dĩ có điều này là
vì Thanh tra Chính phủ cũng không dám đụng đến một loạt quan chức, trong
số đó có cả những người đang tại vị. Trước tình cảnh đó, Nguyễn Phú
Trọng đã dùng quyền lực của mình chủ trì cuộc họp Ban Bí thư yêu cầu
phải khẩn trương điều tra thương vụ AVG. Cảm thấy “nuốt” không trôi,
Phạm Nhật Vũ và các quan chức bèn nhả ra 8,900 tỷ đồng để an toàn số
phận chính trị của mình.
Việc AVG và Mobifone hủy bỏ thỏa thuận mua bán 95% cổ phần đã làm cho
ông Nguyễn Phú Trọng rơi vào thế khó xử, nó như thước đo xem quyết tâm
chống tham nhũng cao đến mức nào. Vì nếu sau khi hủy bỏ thỏa thuận mua
bán, những quan chức dính sai phạm, như: Trần Đại Quang, Tô Lâm, Trương
Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son…đều bình chân như vại, không hề bị suy suyễn
thì hóa ra luật pháp Việt Nam và quyết tâm chống tham nhũng chỉ là trò
hề.
Nguoi Quan Sat |