VIỆT NAM THỜI BÁO
24-4-21

 

Tự do tư tưởng dưới thời Việt Nam Cộng Hòa: bài học cho hôm nay về giá trị nhân bản

Thới Bình

 

(VNTB) - Tự do tư tưởng, tự do chính kiến đã góp phần tạo nên bầu không khí sáng tác và học thuật văn chương ở đô thị miền Nam một thuở Việt Nam Cộng Hòa.

“Quật mồ” văn hóa “đồi trụy”

Tại tọa đàm hôm 19/4/2021 ở Đại học Văn hóa Hà Nội, nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, 82 tuổi, cho biết hạnh phúc khi chứng kiến tác phẩm được đón nhận một lần nữa. Khi xuất bản Vòng tay học trò năm 1966, Nguyễn Thị Hoàng từng tuyệt vọng vì tiểu thuyết bị chê ‘trụy lạc’, do đề cập đến mối tình giữa cô giáo và học trò.

Ý kiến chung ở cuộc tọa đàm, là các diễn giả nhận định văn học đô thị miền Nam có số lượng tác phẩm, tác giả đồ sộ, đa phong cách nhưng bị ‘tạm lãng quên’ bởi chính sách cấm đoán của chính quyền cách mạng sau tháng tư, 1975 khi liệt đây là văn hóa phẩm đồi trụy cần phải bị bài trừ.

Nay thì những nhà phê bình của Hà Nội được phép không phải giấu diếm nữa cho nhận định các tác phẩm này mang bút pháp cách tân - đậm chất lãng mạn, khắc họa con người và cuộc sống trước 1975.

Đa phần sáng tác thuộc dòng này từng bị ‘chụp mũ’ gọi là “ấn phẩm xám”, nhiều cuốn bị cấm lưu hành, khiến kết cấu văn chương Việt Nam hiện đại bị khuyết. Hai thập niên trở lại đây, một số đơn vị xuất bản, nhà sưu tập dành thời gian, kinh phí tìm lại các bản thảo cũ, in thành sách.

Một chút với Vòng tay học trò.

Ở thời điểm mới công bố, tác phẩm Vòng tay học trò sa vào vòng xoáy đả kích. Ngay trên diễn đàn tạp chí Bách Khoa, ký giả Vũ Hạnh - một trong những cây bút chủ lực mà mãi sau tháng tư, 1975 người ta mới nhận ra đây là người của bên Hà Nội - đã lập một nhóm người gọi là “ủy ban chống văn hóa đồi trụy” nhằm kết án đích danh tác giả Nguyễn Thị Hoàng, thay vì bút danh Hoàng Đông Phương như thói quen tao nhã đương thời của tác giả “Bút máu”, đã gọi Nguyễn Thị Hoàng là “một kiểu Françoise Sagan rẻ tiền”.

Tuy nhiên, theo pháp luật lúc đó của Việt Nam Cộng Hòa, trong mối quan hệ giữa tạp chí và tác giả, khi đã ký hợp đồng mua tác quyền thì không được phép ‘trục xuất’ tác phẩm khi chưa ấn loát xong, cho nên Vòng tay học trò vẫn đi trọn vẹn 11 số trên Bách Khoa.

Nhưng trong khoảng 10 năm tiếp sau, khi văn học thời Việt Nam Cộng hòa ngày càng tiến nhanh về mặt lý thuyết và thể loại, thậm chí có thêm nhiều tác gia và tác phẩm đề cập những vấn đề xã hội còn gai góc bội phần, nữ tác giả Nguyễn Thị Hoàng không công bố thêm được tác phẩm nào đáng chú ý, chỉ quẩn quanh việc tái bản Vòng tay học trò.

Sau sự kiện 30 tháng 04 năm 1975, Nguyễn Thị Hoàng ngưng bút hẳn. Các ấn bản Vòng tay học trò bị chính quyền Hà Nội đem ra đường phố thiêu hủy trong “chiến dịch bài trừ văn hóa phẩm đồi trụy” năm 1978, còn các tác giả như Nguyễn Thị Hoàng phải làm một “bài thu hoạch cải tạo, đã nhận khuyết điểm, hứa khắc phục” (?!).

Tư tưởng đã bị đóng khung kể từ đó, tháng tư – 1975.

Văn chương không thể cúi đầu, cam phận

Văn chương của miền Nam là văn chương ngoài vòng đai. Là văn chương ngùn ngụt lửa khói bom đạn khắp nơi, và những thao thức cũng như tiếng kêu trầm thống của một thế hệ bị nướng trong lò lửa chiến tranh của cuộc chiến huynh đệ tương tàn được khoác vẻ ngoài của bộ chiến bào mang tên ‘giải phóng’ do Hà Nội khởi xướng.

Vượt lên trên tất cả, văn chương miền Nam trước tháng tư, 1975 không phải buộc cúi đầu bất kỳ định hướng nào từ chính quyền. Chính lẽ đó nên các nhóm văn chương cũng xuất hiện với tinh thần “trăm hoa đua nở”.

Đó là các nhóm Người Việt (sau đổi là Sáng Tạo), Quan Điểm, Văn Hóa Ngày Nay, Nhân Loại, Khởi Hành, Thời Tập, Văn, Tuổi Ngọc… Các nhóm này thường đứng ra chủ trương một tờ báo, tạp chí làm nơi bộc lộ quan điểm của mình.

Nhiều tờ báo ra đời: báo Dân, Tuần báo Văn nghệ, Quan điểm Nhân loại, Công lý, Hừng sáng, Điện báo, Duy tân, Gọi đàn, Tin mới, Dân nguyện, nguyệt san Viên âm, Văn nghệ tập san, Tin Văn, Chỉ đạo, tạp chí Văn hữu, Bách Khoa…

Đội ngũ những người cầm bút trên lĩnh vực tư tưởng càng đông đảo và lẽ dĩ nhiên là phân chia theo những khuynh hướng chính trị khác nhau. Theo cuốn Niên giám Văn nghệ sĩ và Hiệp hội văn hóa Việt Nam do Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa của chính quyền Sài Gòn xuất bản trong năm 1969, 1970 thì có 83 văn sĩ, 55 thi sĩ, 6 kịch tác giả, 75 nhà sưu tầm biên khảo… Đây mới chỉ là con số thống kê chưa thật đầy đủ.

Còn theo thống kê của Võ Phiến trong cuốn “Văn học miền Nam”, thì riêng ở Sài Gòn thời kỳ này đã có cả ngàn nhà in, 150 nhà xuất bản. Đời sống văn học phát triển phong phú, đa dạng, đáp ứng đủ mọi cung bậc cảm thụ, thưởng thức văn chương của mọi tầng lớp độc giả. Đặc biệt, văn học Mỹ, Pháp, Anh, Nga… đều được chú trọng giới thiệu.

Thị phần sách dịch theo Võ Phiến đã có một thời vào năm 1970 chiếm đến 60% và đến năm 1972 đã lên đến 80% toàn bộ đầu sách xuất bản ở miền Nam.

Đội ngũ dịch thuật cũng rất đông đảo. Những tác giả được dịch nhiều nhất là J.P. Sartre, A. Camus, F. Sagan, P. Buck, St Exupery, E. Hemingway, Hermann Hesse, Kim Dung, Quỳnh Giao…

Các dịch giả quen thuộc với bạn đọc trên các báo và tạp chí là Cô Liêu, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Châu, Vũ Anh Tuấn, Vi Huyền Đắc, Quốc Dũng, Vũ Ký, Đặng Trần Huân, Phong Nhã, Nguyễn Minh Hoàng, Trần Phong, Lương Ngọc, Nguyễn Văn Trung, Trần Hương Tử (bút danh của Trần Thái Đỉnh)…

Với sách dịch, những dịch giả quen thuộc là: Bùi Giáng, Phùng Thăng, Trần Phong Giao, Hoàng Thiện Nguyễn, Mai Vi Phúc, Phạm Bích Thủy, Trần Thiện Đạo, Võ Văn Dung, Lê Thanh Hoàng, Thụ Nhân, Nguyễn Hữu Hiệu, Bửu Nghi, Từ An Tùng, Từ Huệ, Trần Công Tiến, Phạm Công Thiện, Trần Thái Đỉnh…

Gợi ý nào cho Tuyên giáo Đảng hôm nay?

Không thể phủ nhận tên tuổi của những nhà văn như Nguyễn Thị Hoàng, Thụy Vũ, Trùng Dương, Túy Hồng, Dương Nghiễm Mậu, Nhã Ca, Duyên Anh, Nguyễn Thụy Long, Doãn Quốc Sỹ… đã có sức ám gợi đối với cả một thế hệ một thời.

Có được sức ám gợi đó, bởi vì tiểu thuyết với ưu điểm của đặc trưng thể loại đã chuyển tải được sinh động những vấn đề của thân phận con người thông qua những hình tượng văn học cụ thể. Có thể nói, chính tiểu thuyết đã đưa những vấn đề của triết học hiện sinh trở nên gần gũi hơn bao giờ hết khi đến với đông đảo công chúng miền Nam thời đó.

Đây chính là điều mà những nhà quản lý văn hóa ở cơ quan tuyên giáo cần cầu thị để có thể giúp đưa Tư tưởng Hồ Chí Minh trở nên gần gũi hơn với cả đảng viên cho đến công chúng