GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

 

PHẬT GIÁO HÒA HẢO

MỘT TÔN GIÁO CẬN NHÂN TÌNH TRONG LÒNG DÂN TỘC

 

Tên sách: Phật giáo Hòa Hảo – Một tôn giáo cận nhân tình trong lòng dân tộc

Tác giả: Nhiều tác giả (Chủ biên: Trần Văn Chánh - Bùi Thanh Hải)

Nhà xuất bản: Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh

Năm xuất bản: Tháng 6/ 2017

Số trang: 472 trang

Khổ sách: 15,5 x 23 cm

Giá bìa: 130.000 đồng

 

PHÁT HÀNH

 

Phát hành trên toàn quốc. Đặc biệt, sách có bày bán tại nhà sách của Nhà xuất bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, với giá được chiết khấu. Địa chỉ: ● Nhà sách Tổng Hợp 1: Số 62 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, TP. HCM (ĐT:08 38 256 804) ● Nhà sách Tổng Hợp 2: Số 86-88 Nguyễn Tất Thành, Quận 4, TP. HCM (ĐT:08 39 433 868). Ebook: www.sachweb.vn/ Sach online: nxbhcm.com.vn

 

 

 

LỜI NGỎ

 

 

PHẬT GIÁO HÒA HẢO
MỘT TÔN GIÁO CẬN NHÂN TÌNH TRONG LÒNG DÂN TỘC[1]

 

Trần Văn Chánh

 

 

 

Tôi không phải tín đồ Phật giáo Hòa Hảo (PGHH), và cũng chưa tín ngưỡng bất kỳ một tôn giáo nào khác, nhưng là người, do kinh nghiệm thực tế, sớm nhận ra tác dụng tích cực về mặt văn hóa - giáo dục - đạo đức của tôn giáo đối với đời sống các xã hội. Nhiều bản điều tra thống kê xã hội học từ lâu đã chứng minh rất rõ điều này, còn thực tế trong đời sống thường nhật cũng cho thấy, ngoại trừ trường hợp vi phạm pháp luật dưới hình thức lạm dụng tôn giáo để ru ngủ hoặc đè ép dân chúng, hễ nơi nào được đặt dưới sự kiểm soát lành mạnh của một loại tín ngưỡng thì đời sống văn hóa - đạo đức của nhân dân nơi đó hầu như luôn tốt đẹp hơn so với những nơi khác không có các vị linh mục, nhà sư… hoạt động, dạy dỗ tín đồ của họ, nhờ đó các tệ nạn như đánh lộn, chửi thề, trộm cắp, giết người, thưa kiện, lường gạt, đâm chém nhau vì tranh giành tài sản… thường tương đối ít xảy ra hơn.

Nhìn chung, tôn giáo là một nhu cầu quan trọng của con người[2].

Nói như hai nhà sử học nổi tiếng thế giới Will & Ariel Durant: “Dù có óc hoài nghi đi nữa thì sử gia cũng phải tập kính ngưỡng tôn giáo, vì dưới gầm trời nào, ở thời đại nào, sử gia cũng thấy nó làm tròn nhiệm vụ của nó… Nó giúp đỡ cha mẹ và các nhà giáo dục dạy dỗ thanh niên vào khuôn vào phép; nó làm cho những cuộc đời hèn mọn nhất có một ý nghĩa, một phẩm cách; nó làm cho những giao ước của loài người có tính cách thiêng liêng như giao ước với Thượng Đế, nhờ vậy mà xã hội được ổn định[3].

Trong bối cảnh cụ thể xã hội Việt Nam, tôi cũng rất chia sẻ ý tưởng này của tác giả Phạm Bích Hợp[4], khi khẳng định: “Tôn giáo tính là một bản tính của con người”, “Tôn giáo tính (religiosité) là một bản tính vốn có trong cấu thành tâm lý của mỗi cá nhân, giống như cảm tính, lý tính hoặc những cảm tính bẩm sinh khác. Đó là một bản năng nội tại của con người. Tôn giáo tính là một phần của nhân tính, cũng giống như tình yêu, tình thương là những cái cần có cho sự cân bằng nội tại cả về sinh lý học và tâm lý học của mỗi người”, “Và như chúng ta thấy, cùng với một đất nước đa tôn giáo, người Việt Nam cũng là một dân tộc có tôn giáo tính đậm nét[5].

Tôn giáo quan trọng là như vậy, nhưng riêng đối với PGHH, một tôn giáo bản địa Nam Bộ được chính thức khai sinh tại miền Tây Nam Bộ từ 4 tháng 7 năm 1939 do Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ (1920 - 1947) khởi xướng, mà có lúc vào thời điểm trước năm 1975 số tín đồ gia nhập lên đến khoảng 2 triệu người[6], thì bản thân tôi lại có lúc lơ là, không chịu tìm hiểu, chủ yếu có lẽ vì trong thâm tâm cho rằng nền tôn giáo bản địa này quá bình dân và không có gì cao siêu hấp dẫn so với đạo Phật truyền thống với kho tàng tam tạng giáo điển hết sức mênh mông đồ sộ.

Mãi đến một hai năm gần đây, trong một lần xuống thăm chơi một bạn trẻ là tín đồ PGHH ở Chợ Mới (An Giang), thấy nơi đây có nếp sống trật tự hiền hòa, không có nạn trộm chó (vốn rất phổ biến hiện nay ở nhiều nơi từ Bắc chí Nam), ra ngoài ăn uống thấy chỗ nào cũng bán giá rẻ mà các chủ quán đều rất vui vẻ lịch sự tiếp đãi…, thì tôi mới bắt đầu chú ý hỏi han thêm. Lục trong tủ sách của người bạn trẻ, bắt gặp vài quyển sách cũ, thế là đọc ngấu nghiến một quyển, lựa trong số những quyển nào mỏng nhất, vì thời gian ngắn ở lại chơi không cho phép đi sâu tìm hiểu.

Điểm đầu tiên tôi chợt nhận ra là thấy được ngay đây một thứ đạo Phật từ mênh mông cao siêu khó hiểu khó thực hành đã được đơn giản hóa cho thích nghi với trình độ tiếp thu và tu tập của con người nói chung và của tầng lớp nông dân Nam Bộ nói riêng. Về việc thờ phượng cúng kiếng, cũng hết sức đơn giản, chủ trương không chấp vào các hình tướng vật chất nên đã đề phòng trước được khả năng tha hóa đạo đức vì lợi dụng tôn giáo để trục lợi cá nhân. Nhưng điểm “cận nhân tình” nhất, nhờ đó người ta có thể tu học được đàng hoàng hơn, không phạm vào các giới cấm liên quan sắc dục, là người tín đồ Hòa Hảo chủ yếu “học Phật tu Nhân” theo phương thức sống đạo tại gia, vẫn có vợ con và duy trì hoạt động lao động bình thường như mọi con người bình thường bằng xương bằng thịt, kể cả bổn phận của người công dân đối với đất nước, dân tộc… PGHH vì vậy cũng chính là một loại đạo Phật cải cách mạnh mẽ có tính cách mạng nhằm hiện thực hóa đạo Phật một cách ít khó khăn trầy trật hơn chứ không phải thứ gì khác. Trong điều kiện một tôn giáo nào khác tồn tại ở Việt Nam từ lâu và hiện nay đang xuất hiện khá nhiều những biểu hiện tiêu cực, và tình trạng lạm dụng theo kiểu “mượn đạo tạo đời”, gây bất mãn trong dân[7], tôi cho rằng việc cải cách/ lành mạnh hóa một tôn giáo như vậy mà nhiều vị tiền bối tâm huyết đã thấy và đã nỗ lực làm, trước hết nên tham khảo theo hướng cải cách “cận nhân tình” của PGHH. Đây chỉ nói là cái hướng nên xem xét tham khảo thế thôi, chứ hoàn toàn không có ý so sánh giữa tôn giáo này với tôn giáo khác.

Học giả - nhà văn Trung Quốc Lâm Ngữ Đường (1895-1976) đã từng phát biểu thẳng thắn: “Cái gì bất cận nhân tình đều là xấu cả. Một tôn giáo bất cận nhân tình không phải là một tôn giáo, một chính trị bất cận nhân tình là một chính trị điên khùng, một nghệ thuật bất cận nhân tình là một nghệ thuật dở… Lý tưởng cao nhất mà ta có thể hướng tới là thành một người ‘cận nhân tình’, khả ái, biết phải trái, chứ không phải là thành một người nộm để phô trương các đạo đức[8].

Phần tôi, sau khi tìm hiểu muộn màng về PGHH, thì lại thấy thiếu sách đọc. Do hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử, nếu tính lùi thời gian từ giữa năm 1975 trở đi đến nay đã 42 năm, ngoài cuốn Sấm giảng chứa đựng giáo lý căn bản của PGHH, được Giáo hội PGHH Việt Nam cho ấn hành phổ biến rộng rãi trong giới tín đồ (sau giai đoạn PGHH được công nhận tư cách pháp nhân năm 1999), thì quanh đi quẩn lại trong nước chỉ thấy loe hoe vài ba cuốn sách chuyên đề liên quan PGHH, mà gần đây nhất là việc cho tái bản cuốn Nhận thức Phật giáo Hòa Hảo của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu[9]. Người quan tâm muốn tìm hiểu sâu hơn về PGHH vì thế phải tìm đọc thêm một số xuất bản phẩm tiếng Việt được in từ nước ngoài. Trong quá trình tìm kiếm thêm tài liệu/ sách vở để đọc, tôi hơi bất ngờ thấy có khá nhiều bậc thức giả tên tuổi không phải tín đồ đạo Hòa Hảo (như Kim Định, Lê Văn Siêu, Phạm Công Thiện, Nguyễn Bá Thế, Trần Ngọc Ninh, Phạm Cao Dương, Lâm Võ Hoàng, Phạm Bích Hợp, Huệ Khải Lê Anh Dũng, Đoàn Nô…) nhưng đã từng quan tâm viết lách nói lên tính ưu việt độc đáo của mối đạo địa phương quan trọng này, vì đó là một tôn giáo cải cách có vẻ thích nghi nhất với tập tính và truyền thống dân tộc. Từ đó nảy ra ý định tập hợp một số bài viết, phần lớn của những tác giả không phải tín đồ Hòa Hảo, trong cũng như ngoài nước, để cung cấp một cái nhìn tổng quát tương đối toàn diện về PGHH cho mọi người bất luận đã có tín ngưỡng hay không, xuất phát từ nhu cầu nhận thức khách quan một hiện tượng tôn giáo đặc biệt độc đáo của Việt Nam nhiều hơn là từ lý do tín ngưỡng của người theo đạo, vốn dĩ vì tình cảm tôn giáo riêng mà thường hay có lối trình bày sự việc liên quan tôn giáo mình một cách chủ quan hoặc đôi khi phiến diện một chiều.

Duyên khởi, mục đích của việc cho xuất bản cuốn sách này, chẳng qua cũng chỉ rất đơn giản như vậy mà thôi.

Tất cả bài viết tập hợp trong cuốn sách nhiều tác giả này đều đã được đăng trên các sách báo trong nước và hải ngoại[10], với xuất xứ ghi rõ từ những sách báo nào. Do tập hợp từ nhiều nguồn khác nhau, giữa các bài viết, quy cách trình bày văn bản và chữ viết đôi khi cũng có tình trạng thiếu nhất quán, mà chúng tôi khó lòng điều chỉnh hết được, nên đành tạm chấp nhận một số chỗ chưa hoàn toàn hợp lý. Ngoài ra, văn phong và cách thể hiện ý tưởng giữa các bài viết cũng không đồng nhất. Vài bài ca tụng PGHH hơi quá, điều này mặc dù dễ hiểu và rất đáng thông cảm nhưng cũng không phải là chủ trương của chúng tôi, trái lại, chủ trương của chúng tôi vẫn là muốn nêu vấn đề PGHH và Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ một cách trung thực, khách quan.

Trong một số bài viết, khi trích dẫn Sấm giảng của Huỳnh Giáo chủ, các tác giả thường giữ nguyên lối viết cũ dùng dấu gạch nối (-) ở những từ kép, với ý tôn trọng nguyên văn từng câu chữ, thì chúng tôi cũng xin tạm giữ nguyên, nhưng theo thiển ý, trong tương lai nếu có in lại Sấm giảng, Giáo hội PGHH cũng nên hiện đại hóa quy cách chữ viết cho phù hợp theo lối hiện đại, tức bỏ đi những dấu gạch nối đó trong hầu hết những trường hợp không cần thiết.

Chúng tôi đã liên lạc các tác giả để xin phép được sử dụng bài viết, tuy nhiên đối với vài tác giả khác đang sống ở hải ngoại (hoặc có người đã qua đời), vì việc liên lạc khó khăn, chúng tôi không tiện xin phép trước, và đôi khi vì lý do cần tránh bớt một số điều nhạy cảm có thể gây tranh luận không cần thiết, trong quá trình biên tập, chúng tôi đã mạn phép tự tiện bỏ bớt một vài câu chữ hoặc đoạn văn ngắn trong bài viết[11], thì xin quý vị hãy vì sự lợi lạc của nhân sinh và hoài bão chung mong muốn đóng góp cho văn hóa nước nhà mà vui lòng thể tất cho.

Việc biên soạn sách này hoàn toàn không có mục tiêu kinh doanh, bằng cách giao cho Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh in ấn - phát hành, chúng tôi chỉ nhận hiện vật sách thay cho tiền bản quyền để dành biếu cho các tác giả (hay người đại diện gia đình tác giả) hoặc thân hữu, và cho một số người quan tâm vấn đề mà chúng tôi có cơ hội được quen biết, trong cũng như ngoài PGHH.

Sau một thời gian khá dài xảy ra không ít sự ngộ nhận vì những lý do ngoắt ngoéo phức tạp của lịch sử dân tộc giai đoạn trước và sau năm 1945, đến nay, tất cả các tài liệu do tư nhân hoặc chính quyền phổ biến cơ bản đều thừa nhận Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ là một bậc chân tu yêu nước, lấy tư tưởng “hòa hảo”, bao dung làm nền tảng cho mọi hoạt động tôn giáo và chính trị của ông, trong điều kiện đất nước nô lệ không thể không bị phân hóa thành nhiều phái có chủ trương và sự lựa chọn đường hướng đấu tranh khác nhau vì mục tiêu chung độc lập dân tộc. Đây lại là một vấn đề hết sức tế nhị phức tạp, đòi hỏi sự nghiên cứu tường tận của các nhà sử học để có thể trình bày sự kiện và đưa ra những nhận định thật sự đúng đắn khách quan trong tương lai về một giai đoạn lịch sử đau thương đặc thù của dân tộc. Còn trong hiện tại, trong khi biên soạn quyển sách này, chúng tôi tự nhận thấy mình chưa có khả năng cũng như điều kiện đầy đủ về tư liệu để làm được việc đó như ý muốn.

 

                                                                                                                                         1.5.2017

 

 


[1] Nhà xuất bản Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 6.2017.

[2].    Xem Đặng Nghiêm Vạn, Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, NXB. Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2012, tr. 166.

[3].    Will & Ariel Durant (Nguyễn Hiến Lê dịch), Bài học của lịch sử, NXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2006, tr. 60.

[4].    Xem tên một số sách nghiên cứu về các tôn giáo địa phương (Bửu Sơn Kỳ Hương, Cao Đài, Hòa Hảo) của tác giả này trong Phụ lục IV: Thư mục Phật giáo Hòa Hảo, ở cuối sách.

[5].    Xem Phạm Bích Hợp, Người Nam Bộ và tôn giáo bản địa, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, tr. 9-10.

[6].    Xem Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo (Ban phổ thông giáo lý trung ương ấn hành), Những nét sơ lược về đạo Phật giáo Hòa Hảo, khoảng 1966, tr. 11.

[7].    Có thể xem tham khảo: Trần Văn Chánh, “Tản mạn khả năng tự suy thoái của Phật giáo”, đã đăng một phần chủ yếu trên tạp chí Văn hóa Phật giáo và đăng toàn bộ trên hầu hết các trang mạng Phật giáo trong năm 2011.

[8].    Lâm Ngữ Đường (Nguyễn Hiến Lê dịch), Sống đẹp, NXB. Văn Hóa, 1993, tr. 167.

[9].    NXB. Tôn Giáo, Quý I/ 2017.

[10].  Trừ 2 bài do chúng tôi biên soạn mới: (1) “Huỳnh Phú Sổ và PGHH qua góc nhìn của một số nhân sĩ trí thức” của Trần Văn Chánh; và (2) Thư mục PGHH (Phụ lục IV) của Bùi Thanh Hải - Trần Văn Lợi.

[11].  Những đoạn bị lược bớt, đều có làm dấu (…) để biết.

 

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 9-6-17