“Búi chỉ” của Thái Bá Lợi

Trần Chiến

 

Thái Bá Lợi là tác giả tôi thích đọc. Truyện ‘Hai người trở về trung đoàn” cho thấy ông có mẫn cảm sớm về thực tại sau chiến tranh. Không thật “vang dội” như vài tác giả sau đó chỉ vài năm, ông thật sự “đa tâm”, vừa nghĩ ngợi cái trước mắt vừa đánh thức nhiều điều mới đi qua nhưng có thể đã bị quên ngay. Văn ông kín, tỉnh táo, ít thứ tiết tấu trầm bổng khiến đọc vào bốc nhanh, mà giấu những mạch ngầm không dễ nhận. Dù thế, nhìn vào lượng tác phẩm và giải thưởng, nhà văn có chỗ đứng riêng trong trà viết của mình.

Ở tuổi 76, chả biết đã là “cuôi cuối” văn nghiệp chưa, Thái Bá Lợi ra tuyển 5 tập đồ sộ đóng hộp đẹp (NXB Hội Nhà văn). Tôi mừng cho ông và cũng… ngài ngại, sức đọc, sự tập trung của mình chả như xưa nữa. Bèn xem “Bút ký” trước. Hơn 200 trang, nhiều bài nhiều đoạn với nội dung chả biết có liên quan với nhau để tạo thành cái mạch nhất quán hay không, lại không ghi ngày viết. Nghĩa là rất khác lạ, cứ như búi chỉ. Nhưng đọc vài chục trang rồi, tôi không quan tâm đến “thể loại” nữa, hiểu vì sao ông chọn phần này cho tập 1.

Nhiều nhà văn, thông qua nhân vật, hành động, chi tiết… trong tác phẩm để gửi gắm tư tưởng, ẩn ức, cảm giác… của mình, những tầng chìm không dễ thấy. Trong “Bút ký”, Lợi cung cấp những mảnh mẩu đời riêng, tản mạn, có thể gián tiếp nhưng liên quan đến những gì viết ra. Một thứ hồi ức, tự truyện, tiểu sử không chính thức cho người muốn ngắm nghía tác giả, khả dĩ cắt nghĩa tác phẩm. Cảm giác của tôi là thấy nó sâu, nhiều cái để nghĩ và thích, lại nặng nề chất chồng. Thú thực là chả muốn “trải nghiệm” tất cả những gì ông đã từng, dù Lợi cũng có nhiều thời khắc được phiêu phưởng bay lượn.

Chiến tranh có lẽ là thứ ám ảnh, làm Thái Bá Lợi trở đi trở lại nhiều nhất. Nhập ngũ năm 1965, làm quân y sĩ trung đoàn thời chiến trường ác liệt, ông chứng kiến nhiều kiểu chết của đồng đội ngay trên tay mình, do bom đạn, sốt rét, đói… Cột mốc quan trọng là năm 1971 về Ban Văn học quân khu V, nhiệm vụ đầu tiên không phải viết mà là trồng sắn tự cứu. Ở với hai thủ trưởng “khác nết”, ông lặng lẽ nhận biết cái gì mình đáng học hỏi, tinh tế rời khỏi những va chạm. “… Nguyên Ngọc là người làm cách mạng thật sự, là kiến trúc sư cho sự nghiệp này… Người kiến trúc sư thiết kế căn nhà lý tưởng của mình, nhưng khi xây xong thì lại không phải căn nhà ấy. Nỗi đau rất lớn”. Những dòng này về Nguyên Ngọc thật thấu đáo, nhưng hình như Lợi “thấy” chưa đủ, lại chả muốn nói thêm. Bom đạn ngớt, ông về học khóa I trường Nguyễn Du. Truyện “Hai người trở lại trung đoàn” ra đời đem lại sự nổi tiếng và cả trắc trở.

Thời bình, gần như ngay lập tức, bất trắc đến khó ngờ.  “Tôi đáng được tuyên Anh hùng thời đổi mới vì nuôi vợ ở tù và hai con qua đại học”, Lợi trào phúng thuật lại. Những nỗi những nỗi nhiều quá nên tìm đến tôn giáo, những khúc quanh của lịch sử chăng, làm chỗ xả bỏ hay cứu cánh cuộc đời hẳn hoi? Tôi đã đọc tiểu thuyết “Trùng tu”, chả hiểu lắm, ai ngờ nguyên cớ sâu xa của nó lại từ những “vụ” thời chiến. Trong “Minh sư”, đoạn chuẩn bị xây chùa Thiên Mụ, Lợi đọc vị vĩ nhân Nguyễn Hoàng rất quái. Vô vàn cảm nhận về cuộc đời vừa trải qua, đang và sắp đến, ngược về thời thật xa xưa nữa, nếu không thành văn chương thì người mang nó chắc bị hành ác liệt. Cũng có lúc Lợi trở nên “chính luận” khi trở lại nỗi ám ảnh lớn nhất: “Trong những cuộc chiến tranh vừa qua, sự hủy diệt, lòng quả cảm, đức hy sinh đã được nói đến nhiều. Đau đớn của thất bại, của mất mát, hạnh phúc của chiến thắng cũng đã được nói đến nhưng đối thủ của dân tộc ta trong các cuộc chiến đó thì lại chưa đươc miêu tả đầy đủ và thường còn chung chung, sơ sài, vì vậy độc giả khó hình dung hết sự phức tạp, ác liệt của những thử thách mà chúng ta phải vượt qua”.

Thái Bá Lợi đã sống thật nhiều qua những giao du giao cảm sau này. Dân văn nghệ như Nguyễn Văn Xuân, Thu Bồn, Trần Vũ Mai đã đành, cả tướng lĩnh, chính trị gia, người chả tiếng tăm, lại “với tới” những tiền nhân Nguyễn Công Trứ, Lê Đại Cang. “Bút ký” phong phú nhưng không được kể mạch lạc, cứ cái này dắt dây cái kia, nên dường như càng giới thiệu càng thấy không đủ, thỉnh thoảng đem ra nhấm nháp lại thì hơn…

 Tác giả gửi viet-studies ngày 21-11-22