Đi trốn Tết

Trần Chiến

 

Tết giờ là chủ đề tranh luận lớn “có tính chất xã hội”. Mồng một ăn Tết ở nhà – mồng hai nhà vợ mồng ba nhà thầy, tục này đã phai nhiều. Nông thôn còn giữ lại kha khá, chứ lệ biếu con gà, chai rượu trước Tết, sau đó lại đến chúc tụng, ăn uống rồi về nhà đợi “bên ấy” sang chúc lại ở thành thị đã thưa hẳn. Kể cũng mệt và thấy như thừa, nhạt với nơi quanh năm đã quá nhiều quan hệ. “Tết các bạn lê thê và ăn nhiều quá”, khách Tây nọ thật thà. “Nên bỏ Tết ta”, một bà tiến sĩ nổi tiếng bạo miệng phát biểu, gây sốt nhẹ trên mạng. Tôi thì nhớ câu “Tết điên cuồng!”, nhà văn quá cố Nguyễn Minh Châu ghi trong nhật ký, lẳng lặng thôi, không (dám?) phổ biến rộng rãi.

Trong các gia đình, họ tộc, không khí “tranh luận” kín đáo nhưng có khi còn nóng hơn, tiến tới xung đột. Đến nhà nội trước hay hiếu hạnh với nhà ngoại đã? Sao cúng bái đốt mã nhiều thế, tất niên, giao thừa, sáng mồng Một, hóa vàng…, liên tù tì các cụ ăn tiêu sao kịp? Nhìn bát miến trương phềnh, bánh trưng vài cái bóc sẵn trong tủ lạnh mà phát sợ, nghĩ câu “cỗ ma vầy” mà không dám nói ra. Chê truyền thống, khước từ cái thời điểm trọng đại mỗi người thêm mỗi tuổi và “in dấu trong tâm thức dân tộc” á, lại vào thời điểm bố, mẹ, vợ hy sinh công sức cho tổ ấm gia đình á? Đều là không dám. Nên chi chọn cách nửa vời, sau cỗ hóa vàng ra đi. Trốn tạm, chốc nhát thôi.

Chỗ chọn cách Hà Nội gần đôi trăm cây số, xe khách vắng vẻ ba tiếng vèo cái đã đến. Đây là vùng người Mông nhưng lại gọi theo tiếng Thái là bản Hua Tạt, thuộc Vân Hồ, cái huyện mới tách ra từ Mộc Châu. Không vào thị trấn, nơi có  khách sạn tiện nghi, mà ở “hom xì tay”, cái hình thức tạm gọi là du lịch cộng đồng. Đơn giản hơn, thiếu riêng tư một chút nhưng rẻ, được tắm táp trong không gian sống tự nhiên của đồng bào; còn gì hay hớm hơn với một kẻ hay hỏi han tọc mạch, thè lưỡi nếm náp.

Nằm ở nơi có khí hậu lạnh, không quá xa Hà Nội lại không quá gần huyện lỵ hiện đại sẵn bê tông loa đài, Hua Tạt được chọn làm điểm phát triển du lịch cộng đồng. Khá nhiều dự án đầu tư vào đây, cái kè chống sạt lở, cái xây trường, làm nhà “họp”. Tráng A Chu là người đi đầu, được tổ chức CBT (du lịch cộng đồng cơ bản) bên trời Tây chọn, đầu tư vốn, hướng dẫn làm ăn, giới thiệu khách, tất nhiên phải đáp ứng các chuẩn của họ về ăn ở, giữ gìn sinh thái. Chàng thanh niên Mông khèn hay sáo giỏi này đã tốt nghiệp đại học Bách khoa, đó đây đủ nghề, rốt cục về quê mở du lịch. Đang mùa cưới, mấy chị em rộn ràng sống áo chuẩn bị sang nhà trai mười bẩy lấy gái mười sáu. Nhìn những đàn bà Mông Đỏ ríu rít nói cười, chuẩn bị phong bì tiền mừng – thường từ một đến hai trăm nghìn – thấy đẹp lạ, kiểu đẹp của quả cây tự nhiên không bị ướp. Một bộ áo, váy, yếm (cái dải sặc sỡ phía trước váy) thêu tay trong hai năm, đi lại uyển chuyển, nổi bật trong mận trắng đào hồng, khác hẳn bộ in sẵn trên vải của Trung Quốc bán ngoài chợ, tất nhiên giá trị cũng khác. Nhờ những nếp gấp chi chít quấn vào cạp – không có chun – chiếc váy phồng lên quanh hông, dập dờn khi di chuyển. Mấy chị em sẽ chung mâm “uống ít rượu thôi”. Đám cưới đâu như có phần đặc biệt, bố chú rể đi tù thuốc phiện nên chú bác đứng ra “cho khỏi bị con ma rủi ro nó ám”. Từ đây xuống Lóng Luông, cái chợ nổi tiếng tấp nập hoa đào về xuôi áp Tết, cũng nhiều nhiều rồi những người tù thuốc phiện, cả mả kẻ dựa cột. Trai gái ưng nhau lấy sớm là thường, đến nỗi xã ra quy định thưởng cho đôi nào cưới đúng tuổi. Mới rồi có vụ trai mười lăm bắt gái mười hai, công an được báo giải cứu sau buổi sáng, sau đó phạt nhè nhẹ vì “vẫn là tục”. Và cô bé mang tiếng “có chồng nhưng còn trong trắng đấy”.

Nghe lao xao những câu thế, bèn hỏi cháu gái mười sáu, thôi học rồi - ở đám cưới ra “Có thích lấy chồng sớm không?”. “Lấy sớm khổ lắm. Xa nhà, làm nhiều”, cái má hây hây vừa non nớt vừa từng trải.

Rừng thông sau nhà A Sếnh đang kỳ quyến rũ nhất. Dưới màn mưa bụi, những “ngọn nến” vươn lên đầu cành đu đưa. Thảm lá kim dưới gốc níu đế giầy khỏi trơn trượt. Không gian tỏa mùi hăng hăng rất dễ chịu. Đỉnh đồi là thảm cỏ trống trải, đơn sơ “mọc” cây đu tre và căn lán. Gió hun hút lùa. Đột nhiên trong màn mây hiện ra con hươu khổng lồ, chân cắm xuống thung sâu nhô dần cái cổ bất tận. Cột điện cao thế đấy. Không gian đã có mầu thần thoại rồi…

Hom xì tay của cựu bí thư Tráng A Sếnh (họ Tráng có vẻ mát tay làm cán bộ và du lịch) bên kia đường, không thuộc hệ thống CBT như A Chu. Cũng nhà sàn kiểu Thái, cột bê tông, tường gạch thưng kín tre trúc, nơi này thoáng đãng, nhiều tiềm năng hơn nhưng lại “phát triển” tùy hứng, có lẽ sau những lần đi học hỏi của ông chủ. Luôn ê hề và nguội, không có những món lạ mà hợp miệng khách xuôi như khoai nướng, ngô luộc, nhà bếp lại có những thức bất ngờ: cá riếc vừa tát ao, lòng lợn cắp nách. Nhưng bề nào, các tập tính Mông vẫn còn: thật thà, rất giận khách Kinh điện thoại đặt chỗ rồi “lặn”, bị chê nấu nướng chưa chuẩn thì chỉ cho ngủ chứ không sẵn sàng cho ăn dù sẵn sàng xin lỗi. Bếp Mông có vẻ ít gia vị hơn bếp Thái, không có rau má cằn, chẩm chéo, nậm pịa. Cải mèo dĩ nhiên không thể thiếu nhưng chẳng còn vị đắng của cây phiện mọc cạnh. Chưa vào CBT, A Sếnh không có những món khách Tây ổn định, đăng ký ngay từ nước họ hoặc sân bay, hay khách ta đi theo gia đình ổn định thường đặt trước. Thay vào là sinh viên nghèo đi phượt, lũ mắt xanh tóc vàng phóng mô tô thuê dưới xuôi…, lúc vắng ngắt lúc đổ bộ cả bầy. Chủ nhà không phải trả tiền hoa hồng môi giới, nhưng phải trữ sẵn món lưu niên kiểu thịt hong khói, gà, lợn… Có thằng Tây con thích trang phục Mông quá, thử cả chục bộ rồi cảm lạnh. Khách ta “quái” hơn, mà cả giảm giá đã đành còn thích thú nghe những chuyện giời ơi, như Vân Hồ là từ Vàn Hô, con suối giờ đã bị cắt xẻ lấy nước tưới. Lóng Luông (tên xã gần đó) là “nơi hội tụ”, có lẽ vì tập trung cả Mông Tày Kinh Dao. Còn Hua Tạt (Tát?) như trong truyện Nguyễn Huy Thiệp thì thì Tây Bắc nhiều quá, giải thích cũng khác nhau.

Buổi chiều, cả nhà tất bật chuẩn bị bữa tối. Thịt thà nhiều nên  A Sếnh phải đánh xe đi lấy dưa chua vợ muối, hái cả gùi cải. Khách đoàn là một công ty xây dựng – kiến trúc từ Hà Nội, ăn xong có “món” lửa trại, loa thùng tổ bố tha hồ hét. Năm sáu bé gái váy phồng áo thêu tay ném pao ngoài sân, trò chơi đơn giản, chỉ có chút thách đố mà chúng cười rũ rĩ. Và rập rờn múa. Trẻ Mông sẵn tiết tấu trong người, đâu như xuôi ta chỉ có tý múa chèo.

Đồi thông vắng lặng, trên đỉnh có đống lửa nhỏ, nóng bức đấy mà mây tràn qua là run cầm cập ngay. Từ đây nhìn xuống lũng thấy bát ngát vườn mận, su su, chanh leo, mơ, “con” ô tô nghe còi từ xa bò mãi mới tới. Những gốc đào mạnh mẽ đang dào dạt ứa ra hoa và quả. Nhựa (dựa) mận tim tím, “gốc” món thịt chó ninh dừ tử với tiết. Mùa xuân đấy. Đây mới thật xuân chứ. Bao nhiêu là ấn tượng, cảm xúc khi được ở trong không gian sống của người bản địa, nó làm ta phong phú dường nào. Bạn tôi mới sắm quả bán tải gầm cao cũng đang muốn trốn Tết, về phải xui hắn đi ngay, xuân tàn nhanh lắm.

Nhưng chắc gì có tác dụng, khi con nó ai pét cắm mặt quên ăn, ra quán kem đòi đổi thìa nhựa mầu cam sang xanh ngọc. Và thủ trưởng vợ muốn mang theo cả căn bếp, phòng ngủ với toa lét theo. Ôi du lịch…       

2018

 

                

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 14-1-23