Việt Nam Thời Báo
Thủ tướng đã bị Bộ trưởng Giáo dục ‘qua mặt’?
Trúc Giang (VNTB) Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt
Nam, cá nhân người viết không tìm thấy điều khoản nào liên quan yêu cầu
“rút kinh nghiệm/ rút kinh nghiệm một cách sâu sắc” cho hành vi vi phạm
pháp luật.
Với các sai phạm, vi phạm pháp luật thì chuyện “rút kinh nghiệm/ rút
kinh nghiệm sâu sắc” không phải là mức xử tạm gọi định tính/ định lượng
cho việc để sửa sai sau đó. Tên gọi đúng trong những trường hợp này là
bao che, dung túng ẩn dưới ngôn từ không nằm trong quy định của luật
pháp.
Trong danh sách tân giáo sư, phó giáo sư công bố cho báo chí vào đầu giờ
chiều ngày 6-3-2018, giảm 95 người so với danh sách cũ và không có tên
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng nhiều quan chức khác.
Trước đó, báo chí đưa tin Thường trực Chính phủ đã có văn bản yêu cầu
Hội đồng Giáo sư Nhà nước “cần nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc vì để
tình trạng nhiều hồ sơ ứng viên chưa bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn”.
Như vậy, nếu như việc “để tình trạng nhiều hồ sơ ứng viên chưa bảo đảm
đầy đủ tiêu chuẩn” có nguyên nhân từ “thiếu năng lực” chứ không liên
quan chuyện tiêu cực, chạy chọt chức danh, thì cần thiết phải cách chức
những ai đã ký duyệt các hồ sơ ứng viên chưa bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn.
Tuy nhiên theo chứng cứ mà người viết có được, thì ở đây mang nguyên do
là cái sai ngay từ đầu đã được Chính phủ dung túng.
Trở ngược thời gian khi ông Nguyễn Xuân Phúc từ vị trí phó Thủ tướng lên
Thủ tướng vào đầu tháng 4/2016, thì ngay sau đó, tân thủ tướng đề cử ông
Phùng Xuân Nhạ, lúc đó là phó giáo sư, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng
Đại học Quốc gia Hà Nội làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, thay ông
Phạm Vũ Luận.
Tháng 7/2016, tại kỳ họp thứ ba của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước
(HĐCDGSNN) khoá 2014-2019, ông Nhạ tự nhậm chức chủ tịch Hội đồng này
chủ trì lễ chia tay ông Luận, trong khi chưa có quyết định nào của Thủ
tướng phê chuẩn việc ông Nhạ thay ông Luận làm Chủ tịch HĐCDGSNN.
Tháng 10/2016, với tư cách Chủ tịch HĐCDGSNN, ông Nhạ ký công nhận mình
đạt chuẩn giáo sư chuyên ngành kinh tế. Cũng trong thời kỳ ông Phùng
Xuân Nhạ làm Chủ tịch HĐCDGSNN tự phong, số lượng phó giáo sư, và giáo
sư tăng vọt: Năm 2017, số người đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư
là 1.226, gấp 1,7 lần so với năm 2016, và gấp 2,3 lần năm 2015. Trước
phản ứng cùng dư luận xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu rà soát
việc bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư. Và kết quả thì như phần đầu bài
viết: giảm 95 người so danh sách hồi ‘chưa rà soát’.
Cái sai về vi phạm pháp luật rõ ràng nhất ở đây đã được Thường trực
Chính phủ bỏ qua, đó là ông Chủ tịch HĐCDGSNN Phùng Xuân Nhạ đã vi phạm
điều 7 khoản b, Quyết định 174/2008 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về
yêu cầu thành viên HĐCDGSNN phải là giáo sư. Vào năm 2016, khi được phê
chuẩn vào chức danh Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Phùng Xuân Nhạ
chỉ có hàm phó giáo sư. Việc ông tự phong chức danh Chủ tịch HĐCDGSNN
năm 2016, và tự phê chuẩn cho chính ông hàm giáo sư, là hành vi vi phạm
pháp luật. Tuy nhiên khi ấy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã không có bất
cứ ý kiến gì.
Cái sảy đã nảy cái ung. Kết quả có tới 1.226 người được phong hàm phó
giáo sư, giáo sư.
Nói thêm, ông Phùng Xuân Nhạ làm luận án tiến sĩ đề tài: “Vai trò đầu tư
trực tiếp nước ngoài trong quá trình công nghiệp hóa ở Malaysia” [có thể
xem luận văn này của ông Phùng Xuân Nhạ tại địa chỉ
https://goo.gl/TNEc2s]. Như vậy, xem ra ông Phùng Xuân Nhạ sẽ
phù hợp hơn với chức danh nào đó ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư; hoặc Ban Kinh
tế Trung ương của Đảng.
Cá nhân người viết cho rằng ông Trần Quốc Vượng trên cương vị tân thường
trực Ban Bí thư, cần vào cuộc xem xét Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng
Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ theo các nội dung được quy định
tại “Điều 11. Vi phạm trong công tác tổ chức, cán bộ”, của “Quy định số
102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”, do chính ông Trần Quốc
Vượng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành ngày 15 tháng 11 năm 2017.
Bởi nói như khẩu khí “người đốt lò”, thì việc xử lý sai phạm không chỉ
làm cho cơ quan, chính quyền ngày càng trong sạch mà còn là hình thức
răn đe thiết thực giúp cho các cán bộ luôn phải làm sao để mình thực
hiện công việc một cách đúng nhất, hiệu quả nhất và sẽ không có ý nghĩ
ham lợi cá nhân.
Việc xử lý qua quýt và thiếu khách quan của Thường trực Chính phủ sẽ làm
cho các cán bộ thấy dễ mà làm càn, tiếp tục nảy sinh sai phạm, làm cho
lợi ích nhóm ngày càng phình to, và hơn cả là làm mất dần đi niềm tin
của nhân dân vào chính quyền. |