FB Tâm Chánh 8-12-16
Tâm Chánh
Trong một lần gặp gỡ, như bao lần gặp gỡ có bia hay rượu, mấy thằng báo chúng tôi không lần nào không hăng say nói về "vụ" này, "vụ" kia. Nghe mãi mà lần nào cũng như sắp thắng trận. Lý Tiến Dũng thuộc loại hăng say nhất trong số mấy thằng tôi. ( Và cuộc rượu nào cũng tàn. Vụ này vụ kia liên tiếp xuất hiện, vụ sau cao hơn vụ trước. ) Trong lần gặp gỡ ấy, ở vị trí tổng biên tập Đại Đoàn Kết, Lý Tiến Dũng cũng như mọi lần, nhưng say sưa chia sẻ với tôi về câu chuyện bảo vệ trụ sở báo Đại Đoàn Kết tại Hà Nội và đầy hy vọng với dự định hợp tác cùng một đại gia trong việc phát triển tờ báo của Mặt trận. Tôi bất chợt rời khỏi sự hăng say thường có, nhắc Lý Tiến Dũng về cuối kỳ Quóic hội khoá VIII. Tôi nói với Lý Tiến Dũng: "Nếu nhớ đến một công trạng nào đó, tôi sẽ nhớ đến ông và Huy Đức, trong việc tường thuật QH!" Tôi không nghĩ lịch sử rảnh rang đi nhớ chuyện mấy thằng nhà báo quèn tụi tôi. Nhưng sự thực, tiếng nói đòi dân chủ hoá nghị trường đã được ngòi bút Huy Đức, Lý Tiến Dũng vang dội. Đó là một đóng góp thực sự của nghề báo trong hành trình dân chủ hoá đời sống chính trị trong nước sau 1975. Thời ấy, chưa có những bài tường thuật những gì Quốc hội đang họp. Đá banh thì tường thuật sôi nổi, nhưng cũng một ngày sau mới đăng. Với Huy Đức và Lý Tiến Dũng, tường thuật hoạt động Quốc hội gần nhất với những gì diễn ra, xuất hiện như một thể loại báo chí chính trị chuyên nghiệp. Đó là một cột mốc thực sự. Vì từ lần đầu tiên ấy báo chí chính trị được quan tâm như...thể thao ở nước ta. Nhưng đúng như những gì chúng tôi làm nghề, chúng tôi tuyên truyền cho hoạt động đổi mới của Quốc hội. Những nhà báo tên tuổi như Lý Tiến Dũng, Huy Đức khổ công cho ngòi bút của mình không phải là khi bài báo đang được viết. Để có những bài báo vang dội được nhu cầu của người dân, các anh lặn lội chắt lọc từ thực tiễn để mang chất liệu đến các đại biểu. Có những trường hợp, các anh hoạt động như một trợ lý chuyên nghiệp của họ. Hầu hết những nội dung thuộc về yêu cầu đổi mới chính trị, từ điều 4 Hiến pháp đến tam quyền phân lập, từ mặt trận đối trọng mà không đối lập đến xoá phi nhà nước hoá các tổ chức chính trị xã hội, từ quyền sở hữu tư nhân về đất đai đến quân đội, công an không được làm kinh tế riêng, từ cải cách hành pháp đến tư pháp, từ xoá bỏ chủ quản của DNNN đến quyền tự do kinh doanh...đều đã được xuất hiện trong các bài tường thuật của báo Tuổi Trẻ, Phụ Nữ TPHCM từ cuối những năm 80 đến 90 của thế kỉ trước. Nhưng như nhiều lần nói vui của xóm nhà báo chính trị, mỗi lần Quốc hội thông qua một quyết sách, kết quả thường là ngược lại với những tiếng nói sôi nổi và tích cực mà các anh tường thuật. Chúng tôi ngồi vui, chúng ta đã làm cho nhân dân tưởng Quốc hội đổi mới như những gì chúng ta tường thuật. Đổi mới, hay dân chủ hoá, ngay từ lứa nhà báo cỡ Lý Tiến Dũng đã là một sự nghiệp dở dang. Cũng như trong "đánh đấm", vụ việc nào thắng cũng chỉ ở mức lẻ tẻ và sự nghiêm minh mà Lý Tiến Dũng khao khát luôn là mong mỏi. Thì thôi, Lý Tiến Dũng, chúng ta dường như đã đi quá phận mình. Một bài viết, một tờ báo không thể tạo ra kết quả mà người dân và chính chúng ta kỳ vọng. Tôi biết Lý Tiến Dũng chia sẻ nồng nhiệt cách thể hiện lý tưởng cách mạng của Fidel. Và tự bản thân mình, theo cảm nhận của tôi, Lý Tiến Dũng đã như một Fidel ở những nơi anh làm báo. Thì thôi, Lý Tiến Dũng, hãy vứt điếu xì gà để cầm lấy cây đàn. Như những lần anh triệu tôi ra quán ngồi chứng kiến anh sưởi ấm nhiệt tình của những đàn em đồng nghiệp. Cũng thú vị phải không, đời làm báo của anh hiếm có, bởi được trực tiếp chứng kiến nhiều thế hệ cầm quyền trong đảng, được gặp gỡ chuyện trò, cụng ly hay cùng rít thuốc với những tên tuổi chính trị hàng đầu. Với nghề báo, làm cho những trang báo chính trị sinh động và hấp dẫn như trang báo thể thao đã là một kỳ công. ( Haha, mà anh lại quen biết nhiều ngôi sao cỡ lớn trong sàn diễn chẳng khác hý trường ấy. Đủ đề tài để làm mồi nhậu dài dài ) Đừng luyến tiếc những câu chuyên dang dở. Bởi đó là một bi kịch. Một bi kịch không cần phải gọi tên.
|