thời gian
TRONG MẮT TÔI

Trần Hữu Nghiệp

(nxb Văn Nghệ - 1993)


 
15

Tưởng nhớ người thầy thuốc lớn
Phạm Ngọc Thạch

 

Anh qua đời ở chiến khu ngày mồng 7 tháng 11 năm 1968, cách đây đã 20 năm trời. Nhưng từ ngày trở về thành, hàng năm đến ngày giỗ anh, trùng với ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga, thay thế cho gia đình anh ở xa, đông đảo bạn bè cũ của anh đã tập hợp nhau lại nhắc nhớ anh trong một bữa cơm thân mật.

 

Có lẽ chưa bao giờ một trí thức có tên tuổi của đất Sài Gòn cũ, sau khi mất, lưu lại trong lòng người quen và với thời gian một vết dấu ấn như vậy. Anh là biểu tượng của con người “phi vô sản” tiếp thu một cách rực rỡ tinh thần Cách mạng tháng Mười. Bạn bè nhắc tới anh không phải là vì công lớn đối với dân, với nước. Việc này đã có cấp lãnh đạo nói rồi trong lễ truy điệu ở Hội trường Ba Đình, và một con đường ở trung tâm thành phố này đang mang tên anh, cũng như Viện Chống lao miền Nam. Họ nhắc đến con người Phạm Ngọc Thạch, nhà trí thức chân chính, người bạn, người đồng chí chí nghĩa, chí tình đã thấm nhuần nhân cách Lêninnít ở đất Việt Nam.

 

Để tưởng nhớ đến người thầy thuốc lớn ấy trong ngày kỷ niệm, xin kể lại vài mẩu chuyện sau đây.

 

Tháng bảy 1958, bác sĩ Hoàng Tích Trí, Bộ trưởng Bộ Y tế, mất vì bệnh tim, sau một chuyến đi công tác ở Ba Lan về. Đồng chí Phạm Ngọc Thạch, Thứ trưởng kiêm Viện trưởng Viện chống lao trung ương, được cử lên thay. Công việc chuyên môn của anh ở Viện vẫn không thay đổi: khám và điều trị bệnh, nghiên cứu khoa học, buổi sáng chưa xong thì trở lại vào đêm; dành cả buổi chiều cho việc lãnh đạo ở Bộ và tiếp khách. Anh không làm phiền ai cả, vì anh tự lái xe hơi và thường xuyên ăn cơm nguội mà cấp dưỡng đậy dưới lồng bàn và đã ra về từ lâu.

 

Nhưng điều làm cho nhiều người cảm động là tân Bộ trưởng vẫn ngồi làm việc ở căn buồng hẹp quen thuộc của mình từ năm 1954. Buồng của cố Bộ trưởng rộng thoáng, cửa sổ nhìn ra hai con đường hằng ngày vẫn mở, trên bàn luôn luôn có hoa tươi, lại luôn luôn để trống như người tiền nhiệm còn có mặt ở đó. Anh Thạch chỉ “mượn” phòng ấy khi tiếp khách quốc tế.

 

Bác sĩ Nguyễn Văn Cương, trước kháng chiến chống Pháp có phòng mạch tư ở đường Cây Mai, Chợ Lớn. Tập kết năm 1954 ra Bắc, anh được phân công làm Giám đốc Viện điều dưỡng cán bộ miền Nam gần Hải Phòng. Là người theo Phật giáo Tịnh độ cư sĩ, anh Cương thờ Phật Quan âm trong nhà, và tối nào cũng gõ mõ tụng kinh. Tuổi cao, anh mất trong một cơn hôn mê đái đường nặng. Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch tự lái xe từ Hà Nội xuống đưa tang hơi trễ, khi linh cữu đã đưa ra khỏi nhà. Vào nhà thấy tượng Phật và chuông mõ còn để chỗ cũ, anh nổi nóng thật sự, bảo phải lập tức đưa theo xe tang. Anh nói: “Tin hay không là chuyện riêng của các anh; còn tất cả chúng ta đều phải tôn trọng tín ngưỡng của người thân đã khuất”. Tôi thật tình nhớ đến chuyện này, khi về sau xem phim Lê-nin ở Ba Lan, cảnh Lê-nin theo cô gái ngoan đạo nấu bếp phục vụ mình vào nhà thờ, bắt chước cô quì gối trước tượng Chúa, nghe cô cầu Chúa ban phước lành cho người Nga lưu vong mà cô hết lòng kính mến…

 

Vào cuối năm 1962, đường Trường Sơn đã mở cho cán bộ tập kết trở về quê hương tham gia chống Mỹ. Trạm dừng chân cuối cùng trên miền Bắc là làng Ho thuộc tỉnh Quảng Bình. Anh chị em bác sĩ, được học lớp bổ túc chuyển cấp đặc biệt mà chương trình là của anh Tư Thạch làm ra, vô cùng ngạc nhiên và cảm động, gặp lại đêm cuối cùng tại “Nhạn môn quan” này vị Bộ trưởng thân thiết của mình tự lái xe từ Hà Nội vào, vượt qua hơn 400km. Bữa cơm liên hoan cuối cùng trên đất Bắc, đi kèm theo các lời dặn dò cuối cùng: Nếu đi lạc trong rừng thì bất cứ loại trái cây nào vị ngọt đều ăn được cả, không độc; ốc sên là thức ăn sang của Pháp, tên gọi étcátgô (Escargot) đừng dại mà chê; thuốc bôi khi bò cạp cắn mỗi người đàn ông đều mang sẵn theo mình, chị em phụ nữ khi “cần” nên … bịt mắt mình trước rồi mới gọi thầy nếu mắc cỡ, vân vân…

 

Khi ba lô đeo vai, anh chị em cất bước lên đường leo núi về Nam. Cách một quãng, quay đầu nhìn lại, vẫn thấy Bộ trưởng của mình đứng chống nạnh nhìn đoàn. Dưới đôi mắt buồn của anh, dường như có giọt nước mắt long lanh. Lúc vượt Trường Sơn gian khổ, họ hay nói với nhau: “Ai muốn làm lính B quay (tức là không đi nữa, quay trở lại miền Bắc) nên nhớ sau lưng có anh Tư Đá (Thạch) đang nhìn mình mà khóc”.

 

Tưởng nói đùa chơi mà hoá thành thật. Lớp lớp đàn con miền Nam, ngày đi tập kết là học sinh, cứu thương y tá, y sĩ… lần lượt ra về với kiến thức chuyên môn y tế được nâng cao nhiều bậc nhằm trực tiếp phục vụ chiến trường mà không có một “lính B quay” hay trở thành “Việt cộng đầu thú”. Ngược lại, đã có hàng chục người hy sinh xương máu bên mương vườn, khi qua lộ, hoặc sốt rét ác tính hay đái huyết sắc tố giữa rừng sâu.

 

Sau cuộc tiến công Tết Mậu Thân, mùa hè 1968 bác sĩ Phạm Ngọc Thạch khẩn khoản xin được về Nam Bộ để nắm rõ tình hình y tế về mọi mặt. Chỉ ngoài hai tháng sau, anh đã hy sinh trong một túp lều tranh, giữa khu rừng già gần xóm giữa, Lò Gò (Tây Ninh).

 

Nhớ lại những ngày cuối cùng, thường xuyên chịu những cơn sốt cao dày vò do một loại ký sinh trùng sốt rét quen nhờn các thứ thuốc, kèm theo nhiễm trùng đường mật ở một người tuổi đã 59, anh vẫn từ thối tuân theo thói quen thường có ở R, chịu nằm võng nghe anh em các địa phương về báo cáo. Anh cố gắng ngồi ghế không chỗ tựa lưng làm bằng mấy nhánh cây rừng, ghi ký chú. Anh nói: “Anh chị em từ chiến trường về mệt nhọc, phải tôn trọng, có lễ độ khi tiếp chuyện”.

 

Ham đi để sát tình hình dù xa xôi, khó khăn, ham biết, ham học, ham làm, nhưng nét rõ nhất ở anh là sự tôn trọng bạn đồng sự, dù là cấp dưới. Ý chí, như tên của anh, quả đúng là Đá. Nhưng là đá quí kim cương, luôn luôn lóng lánh ánh sáng của tình thương chân thành. Người trí thức nào có dịp chung sống với anh một thời gian đều bị chinh phục bởi sự cởi mở chân thành ấy. Dược sĩ Nguyễn Văn Cao, chủ hiệu thuốc Tây lớn ở chợ Bến Thành, bị tự vệ thành Sài Gòn cưỡng ép tại nhà ở 142 Lagrandière (nay là Lý Tự Trọng) lên xe hơi Mercury cực sang riêng của ông - thời ấy chỉ có hai chiếc (chiếc thứ hai là của Quốc trưởng Bảo Đại) – vào chiến khu theo hướng Cầu Bông để tính toán số tiền thuế thương nghiệp phải đóng cho kháng chiến. Sau một tháng ở chung với Phạm Ngọc Thạch, khi trở về thành, ông được chánh quyền mời lên rađiô Sài Gòn nói xấu Việt Minh. Ông ta bị tống qua Pháp, vì đã từ chối, và tuyên bố thẳng thừng: Bác sĩ Thạch, Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến Sài Gòn là bạn bè cũ mời tôi và thăm khu, ở chơi ít lâu, chớ có bị “bắt cóc” bao giờ mà báo chí trong thành cứ la lối rùm beng!” Những tháng đầu của kháng chiến, hơn một tá đồng nghiệp theo anh, bỏ thành ra đi, sau Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 mới lần lượt trở về nhà. Không có một ai về sau, trong suốt cả cuộc đời, trở thành “người xấu” đối với kháng chiến. Trái lại, một số anh em trở thành chỗ dựa lâu dài của cách mạng suốt cả thời kỳ chống Mỹ, như bác sĩ nha khoa Nguyễn Xuân Bái và dược sĩ Lê Quang Thăng.

 

Tới mồng 8-11-1968, kẻ viết bài này và một nhóm anh em tín cẩn đông không quá mười người khiêng linh cữu bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, đèn phin soi đường đem mai táng trên tả ngạn sông Vàm Cỏ Đông. Quan tài là mấy tấm gỗ dầu gỡ ra từ các bàn học của lớp y sĩ chuyễn cấp khoá 2, đem đóng lại vội vàng, sơn đen, và phủ lên trên lá cờ đỏ búa liềm. Dưới cơn mưa lâm râm của đêm tháng Mười âm lịch, giờ vĩnh biệt lặng lẽ, âm thầm. Sau đó, mộ phần được đánh dấu kỹ bằng ve chai, chôn rồi khoả bằng đất có cỏ nguỵ trang[1]. Cần phải đề phòng bọn Mỹ - Thiệu giở trò đê hèn của tên Gia Long bán nước ngày xưa, khi bắt quật mồ Quang Trung.

 

Thủ tục kiểm kê tài sản cá nhân để lại ở khu gồm có một đồng hồ đeo tay cũ mèm, cây bút máy và tập sổ ký chú dày. Ở Hà Nội, sau đó cũng có cuộc kiểm tra nhà cửa để niêm phong. Đồng chí Nguyễn Đức Thắng, thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong buổi lễ truy điệu: “Ngoài cái đài thu thanh của Bộ cho mượn để nghe tin tức, lục soát cả nhà không có món nào đáng giá tới một trăm đồng!”.

 

Bác sĩ kiêm đại văn hào Nhật Bản Watanabê có viết trong tiểu thuyết Đèn không hắt bóng như sau:

 

“Người thầy thuốc chân chính phải vừa là một triết gia, vừa là kẻ tuyên truyền đạo lý làm người”.

 

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đúng là người thầy thuốc như vậy. Triết học mà anh thực hiện, quả như lời Mác, không phải là đứng ngoài giải thích, mà lăn xả vào để cải tạo cuộc đời. Năm phương châm y tế cách mạng anh nêu ra từ 1955, đường lối tổ chức y tế và nghiên cứu y học Việt Nam là vài ví dụ điển hình: Đạo lý xử thế của anh với bạn bè là đạo đức dân tộc nghìn xưa. Chuyện Lưu Bình – Dương Lễ ở miền Bắc, tình bạn trong Lục Vân Tiên và chuyện Ngư Tiều vấn đáp của lương y Đồ Chiểu ở miền Nam.


 

[1] Sau ngày hoà bình lập lại, đã được cải táng đem về nghĩa trang liệt sĩ Thủ Đức.

 Trở lại mục lục