Diễn Đàn số 141
Tháng 6, 2004

 

Về “đế quốc Mỹ” của Niall Ferguson*

 

Trần Hữu Dũng

 

 

*Niall Ferguson, Colossus – The Price of America’s Empire, NY: Penguin Press, 2004, 385 trang, 25.95 USD

 

Niall Ferguson là một sử gia trẻ (sinh năm 1964) người Anh, hiện dạy ở New York, viết hăng và dễ hiểu (gần như mỗi vài tuần là có một bài khá dài trên các tạp chí Anh Mỹ).  Ông chuyên về các vấn đề tài chính quốc tế và đế quốc, có khuynh hướng tân bảo thủ.  Tháng tư vừa qua, tuần báo Time của Mỹ bình chọn Ferguson là một trong 100 nhân vật nhiều ảnh hưởng nhất thế giới hiện nay. 

 

Bố cục cuốn sách vừa xuất bản của ông (“Người khổng lồ --  Cái giá của đế quốc Mỹ”[1]) không chặc chẽ cho lắm (vì phần lớn quyển này là gán ghép những bài báo ông đã đăng trong hai năm qua), nhiều chi tiết dư thừa, nhưng chung quy có ba luận điểm chính. Thứ nhất, Ferguson ca tụng chủ nghĩa đế quốc, nhất là đế quốc Anh.  Thứ hai, ông cho là lịch sử nước Mỹ là lịch sử của một đế quốc, dù đa số dân Mỹ không nhận điều đó.  Và thứ ba, vì thể chế nước Mỹ và bản tính người Mỹ, đế quốc này sẽ không tồn tại lâu.

 

 

I.  Ưu điểm của đế quốc

 

Như trong cuốn “best-seller” năm 2003 của ông về đế quốc Anh,[2] trong quyển này Ferguson hưng phấn ca tụng chủ nghĩa đế quốc nói chung và đế quốc Anh nói riêng. Ông nhấn mạnh hai điều.  Một là, nhiều quốc gia sau khi được độc lập thì lại hỗn loạn, nghèo khổ hơn lúc còn là thuộc địa.  Đa số rơi vào chế độ độc tài tham nhũng thối nát, nội chiến, tàn sát chủng tộc, giặc giã liên miên với láng giềng. 

 

Hai là, không chỉ biện hộ cho đế quốc như  một “mission civilisatrice” (dù Ferguson không dùng cụm từ này) của thực dân thế kỉ 19, ông đi xa hơn, biện hộ cho đế quốc trên căn bản “toàn cầu hoá” thời thượng ngày nay.  Theo Ferguson, muốn thực hiện lợi ích của toàn cầu hoá thì ngoài tự do thương mại, tự do đầu tư xuyên quốc gia, truyền giao công nghệ...  mọi quốc gia còn cần có chung một khung thể chế hoàn chỉnh, trật tự, tôn trọng luật pháp, và một bộ máy hành chính trong sạch, có khả năng, . Và chính trong khâu này mà nhiều quốc gia cần nương nhờ một chế độ “đế quốc phóng khoáng” (liberal imperialism).[3]

 

 

II. Mỹ đã là đế quốc

 

Theo Ferguson (và nhiều tác giả khác) “đế quốc Mỹ” không phải là chưa có hoặc mới có.  Ngay từ thuở lập quốc, xuyên qua thế kỉ 19 (khi mà Mỹ chiếm đóng các đảo giữa Thái Bình Dương), cho đến ngày nay, thì Mỹ đã cư xử như một đế quốc rồi. Ferguson gọi chính sách Mỹ là “chủ nghĩa đế quốc của chủ nghĩa chống đế quốc (“imperialism of anti-imperialism”).

 

Mỹ đã là một đế quốc song, theo Ferguson, lại không dám tự nhận.  Đại đa số dân Mỹ vẫn nghĩ rằng nước Mỹ là hiện thân của một quốc gia sinh ra từ một cuộc đấu tranh chống thực dân dành độc lập.  Trong tâm tưởng dân Mỹ, “đế quốc” (hiểu là thực dân) là một nước đem quân chiếm đóng nước khác vì tài nguyên của nước ấy.   Hiểu như vậy thì, theo họ, Mỹ không phải là đế quốc/thực dân.  Vì không tự nhận là một đế quốc, nước Mỹ, theo Ferguson, đã không làm tròn “trách nhiệm” chính trị và đạo đức của một đế quốc. 

 

III. Đế quốc Mỹ sẽ đi xuống

 

Theo Ferguson, Mỹ bị ba “thâm hụt:  (1) thâm hụt kinh tế  (2) thâm hụt con người, (3) và thâm hụt kiên nhẫn.

 

Về kinh tế, Fergson đưa ra những con số mà hầu như ai cũng biết: Mỹ nhập nhiều hơn xuất, về hàng hoá cũng như vốn.  Song cái thâm hụt kinh tế đáng báo động nhất là về bảo hiểm xã hội (đặc biệt là hệ thống hưu bổng cho người lớn tuổi):[4] với tỉ số người về hưu ngày càng cao so với dân số làm việc, hầu hết các nhà kinh tế đều tiên đoán rằng chỉ trong vòng 20-30 năm nữa thì ngân quỹ hưu bổng của chính phủ Mỹ sẽ cạn kiệt.  Chẳng những chính quyền Mỹ hiện không có biện pháp nào để đối phó với cuộc khủng hoảng này, những tổn phí quân sự của Mỹ càng đem lại gần hơn ngày khủng hoảng ấy.

 

Về nhân lực, theo Ferguson, Mỹ có một thâm hụt: ít người Mỹ nào muốn sống lâu dài ở các nước thuộc địa.  Ferguson nhận xét: (1) trái với Anh ngày xưa, số người muốn vào Mỹ là nhiều hơn số người muốn rời Mỹ, (2) những người muốn rời Mỹ thì chỉ thích sang các nước đã phát triển, (3) trái với các đế quốc ngày xưa, Mỹ không muốn gởi quân đến đóng tại các nước thuộc đia, (4) khi người Mỹ sang nước khác thì họ không ở lâu và không hoà nhập với dân địa phương, và (5), quan trọng nhất, đa số giới “ưu tú” (elite) của Mỹ không muốn sống ở nước khác, nhất là ở các nước kém phát triển .

 

Về thâm hụt kiên nhẫn, Ferguson cho rằng Mỹ không có khả năng có đế quốc (thành công) như Anh vì bản tính dân Mỹ thiếu kiên nhẫn, muốn có kết quả ngay, và hiến pháp Mỹ lại cho phép họ thay đổi tổng thống mỗi bốn năm.  Không một tổng thống Mỹ nào có thể có kế hoạch lâu hơn bốn năm.

 

 

IV. Phê bình

 

Nếu Ferguson không thú nhận ngay từ đầu rằng ông là “fan” của đế quốc thì một vài dữ kiện ông nêu ra cũng đáng làm suy nghĩ. Tiếc thay, cuốn sách của Niall Ferguson cơ bản là một bài bình luận thiếu khoa học, đưa ra những ý kiến chủ quan, dựa vào những dữ kiện lọc lựa để biện luận cho ý kiến mà tác giả đã có trước khi viết.  Chẳng hạn như khi ông kê ra những “thất bại”, những bước lùi của một số quốc gia sau khi dành độc lập, rồi kết luận rằng làm thuộc địa là tốt cho các nước này hơn.  Hoặc khi ông viết rằng đế quốc sẽ tạo những thể chế cần thiết cho toàn cầu hóa.  Về phương diện thuần lý thuyết, đây không phải là một giả thuyết không đáng chú ý (xem Dani Rodrik[5] chằng hạn), song phải khách quan so sánh nó với những học thuyết khác về vai trò thể chế trong toàn cầu hoá, không thể chủ quan dựa vào nó để biện hộ, hay bài bác, chế độ đế quốc bất luận của nước nào.

 

Là một sử gia chuyên nghiệp, Ferguson lắm lúc ngây thơ, dễ tin một cách không ngờ.  Chẳng hạn ông cho rằng Mỹ đóng quân ở Saudi Arabia chỉ là để phòng thủ nước này chống lại Iraq, như các tổng thống Mỹ cho biết qua các bài diễn văn của họ. Ferguson cũng có vẻ không biết gì về những tranh cãi trong nội bộ chính quyền Bush, dù chỉ trong vấn đề Iraq, mà mọi người đều biết qua những tiết lộ gần đây của Richard Clarke,[6] Bob Woodward,[7] và nhất là James Mann[8].

 

Trong những lí do mà Ferguson đưa ra để biện hộ cho đế quốc Mỹ, ông quên rằng chính thái độ của dân Mỹ cũng là quan trọng.  Có thể ông gọi đó (một cách lấy làm tiếc) là hội chứng “thâm hụt kiên nhẫn”, và rằng dân Mỹ đã không dám nhận rằng nước họ là một đế quốc.  Nhưng hai điều này có liên hệ với nhau: có thể là khi dân Mỹ phát giác nước họ là một đế quốc thì cũng chính là lúc họ kêu gọi phải chấm dứt chính sách đó.  

 

Những người như Ferguson, nhìn chế độ đế quốc từ quan điểm của người dân một đế quốc (hơn nữa lại là một đế quốc trong quá khứ xa xăm), không hiểu nổi cái vô luân tàn bạo của đế quốc đối với dân tộc bị trị.  “Đế quốc” của Ferguson không có người cai trị chà đạp nhân phẩm của người bị trị.  Chính trong cách Ferguson tiên đoán sự thất bại của đế quốc Mỹ cũng thể hiện thái độ “đế quốc” của ông: Mỹ sẽ thất bại không phải vì sự đối kháng của các dân tộc bị trị mà chính vì dân Mỹ thiếu kiên nhẫn!

 

Cũng nên nói thêm rằng, vài tuần gần đây (sau khi cuốn sách này đã xuất bản) thì Niall Ferguson đã đăng nhiều bài bình luận nhấn mạnh đến sự cần thiết của “hợp tác quốc tế” , và tỏ vẻ lo ngại là chính sách đế quốc của Mỹ hiện nay thiếu tính “chính đáng” (legitimacy).[9]  Nói khác đi, hình như ông chợt nhận ra rằng, “chủ nghĩa đế quốc”, xưa cũng như nay, rốt cuộc chỉ là sự thống trị của kẻ mạnh, và các dân tộc bị trị chắc chắn sẽ có ngày đứng lên phá vỡ nó.

 

Trần Hữu Dũng

18-5-2004

 

 


 

[1]Một chi tiết khá thú vị là cuốn này được xuất bản ở Anh với tựa “The Rise and Fall of the American Empire” (Sự thăng trầm của đế quốc Mỹ)

[2]Niall Ferguson, 2003, The Rise and Demise of the British World Order and the Lessons for Global Power, NY: Basic Books.

[3]Về ý niệm “đế quốc phóng khoáng” xin xem Trần Hữu Dũng, “Mỹ, một đế quốc?”, trên Thời Đại Mới, số 2, tháng 7/2004.

[4]Nói cho đúng, nhà kinh tế Lawrence Kotlikoff mới là chuyên gia  báo động gánh nặng bảo hiểm xã hội ở Mỹ, Ferguson chỉ ghép những phân tích của Kotlikoff vào thuyết về đế quốc. Xem Niall Ferguson và Lawrence Kotlikoff, “Going Critical: American Power and the Consequences of Fiscal Overstretch,” National Interest¸73, Fall 2003, tr. 22-32

[5]Dani Rodrik, 2003, “Feasible Globalization,” bản thảo chưa xuất bản.

[6]Richard Clarke, 2004, Against All Enemies: Inside America's War on Terror, NY: Free Press

[7]Bob Woodward, 2004, Plan of Attack, NY: Simon & Schuster

[8]James Mann, 2004, Rise of the Vulcans: The History of Bush's War Cabinet, NY: Viking Press

[9]Robert Kagan, nòng cốt của nhóm tân bảo thủ, cũng đã bắt đầu có những lo âu tương tự.