Ngô Kha, những Cuộc Nội Chiến ở Việt Nam,
và Nhu Cầu Tha Thứ

 John C. Schafer

 

Bản dịch bài: Ngô Kha, Vietnam’s Civil Wars, and the Need for Forgiveness
Journal of Vietnamese Studies, Vol. 13, Issue 1, pp.1-41.

Người dịch: TQNam

 

Đôi lời giải thích của người dịch:

Trong bài hầu hết các danh từ riêng, tên tổ chức, tên báo, tạp chí, tựa bài viết hay tựa sách Việt đều được tác giả viết hay ghi chú trong ngoặc [] bằng chữ Việt đúng chánh tả; trong trường hợp nầy người dịch sẽ viết chữ nghiêng.

Có một số trích dẫn được tác giả chép lại nguyên văn chữ Việt, khi nầy người dịch sẽ đánh dấu thêm bằng (*) khi lần đầu xuất hiện. Có một số trích dẫn (trực tiếp hay gián tiếp) được tác giả dịch ra tiếng Anh mà người dịch có thể tìm được bản tiếng Việt trên internet thì người dịch chép lại và đánh dấu thêm bằng (**).

 

***

 

Khi tôi dạy tiếng Anh tại Đà Nẵng và Huế ở miền Trung Việt Nam vào cuối thập kỷ 1960 và đầu thập kỷ 1970, các học viên của tôi đã giới thiệu cho tôi các bài hát của Trịnh Công Sơn và tôi trở thành một người hâm mộ ông từ đó.  Tôi đã viết một số bài báo và hiện đang viết một cuốn sách về ông (1). Tuy nhiên, trong bài này, tôi sẽ tập trung vào Ngô Kha, một trong những người bạn tài năng của Trịnh Công Sơn (2). Trịnh Công Sơn, qua đời năm 2001, có lẽ là nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất của Việt Nam. Ông và những người bạn tài năng của ông thường được đề cập đến trong các sách báo. Tuy nhiên thông tin về cuộc đời và tài nghệ của những người bạn này không dễ tìm. Trong bài này, tôi sẽ cố gắng hiệu chỉnh sự mất cân đối này bằng cách tập trung vào Ngô Kha, thế nhưng cái tên Trịnh Công Sơn chắc chắn sẽ được đề cập đến bởi vì tôi tin rằng, nếu  muốn hiểu rõ Ngô Kha hơn, ta cần phải tìm hiểu ông giống và khác người bạn nổi tiếng của ông như thế nào.

Mặc dù tôi muốn hiệu chỉnh sự mất cân đối nói trên, tôi vẫn do dự vì tôi ngại mở ra những vết thương cũ. Ngô Kha là một nhà thơ, giáo viên, sỹ quan của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và là người lãnh đạo các cuộc biểu tình chống lại các chế độ quân sự ở Sài Gòn. Năm 1973 ông bị một số người sát hại theo lệnh của ông Liên Thành, Trưởng ty cảnh sát tỉnh Thừa Thiên-Huế (3). Ông Liên Thành, hiện sống ở California, đã cáo buộc ba người bạn thân của Ngô Kha là đã tham gia Mặt trận Giải phóng Dân tộc (NLF) năm 1966, đã  trở về Huế trong cuộc Tổng tấn công Tết năm 1968 và đã giết hại thường dân Huế (5). Tôi ngại khi nói về Ngô Kha và những người bạn của ông, tôi sẽ chuốc lấy thù địch của nhiều người Việt Nam lưu vong vốn không thích nghe bất cứ điều gì ngoại trừ việc lên án những người mà họ cảm thấy đã tiếp tay cho sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa. Tôi cũng lo là những người ca tụng Ngô Kha ở Huế và những nơi khác, nếu họ tình cờ thấy bài của tôi, có thể họ không muốn được nhắc lại cái chết quá khủng khiếp của  ông.  Những người này có thể nghĩ rằng Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã vinh danh ông là liệt sĩ (*) năm 1981, và ở Huế có một con đường, một trường tiểu học và một quỹ học bổng cho học sinh nghèo mang tên Ngô Kha, như vậy đã đủ rồi. (6)

 Hình 1: Trường Tiểu học Ngô Kha ở Huế (4)

Điều thuyết phục tôi viết về Ngô Kha là cuộc bàn luận của Nguyễn Thanh Việt về ký ức chiến tranh và đạo đức. "Làm sao chúng ta có thể, Nguyễn Thanh Việt hỏi, khơi gợi quá khứ một cách công bằng cho những người bị lãng quên, bị tống xuất, bị áp bức, những người đã chết, những bóng ma?" (7) Ký ức đạo đức, ông lập luận, gợi lên sự hồi nhớ không chỉ của riêng  ta, mà còn của tất cả những ai đã chịu đựng khổ đau trong cuộc chiến, nhưng thường thường các tượng đài chỉ vinh danh một phía. Ví dụ, Đài Tưởng niệm Cựu chiến binh Việt Nam ở Washington D.C. tưởng nhớ năm mươi tám ngàn người Mỹ. Ba triệu người Việt Nam, 400 ngàn người Lào, và bảy trăm ngàn người Campuchia chết trong chiến tranh đã bị bỏ quên (8). Ở Biên Hòa hiện có một nghĩa trang liệt sĩ rất to lớn được nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam xây dựng và duy trì. Ở phía bên kia Quốc lộ 1A có một nghĩa trang, hiện bị hư nát hoàn toàn với những ngôi mộ bị sụp đổ, một thời đó là Nghĩa Trang Quân Đội Việt Nam. Đài tưởng niệm Cựu chiến binh Việt Nam ở Washington và sự lơ là đối với nghĩa trang VNCH, Nguyễn Thanh Việt nhận định, là những ví dụ không chỉ về ký ức bất công mà còn là của sự  lãng quên bất công nữa (9).

Ký ức đạo đức, Nguyễn Thanh Việt nói, liên quan đến một sự tha thứ mà Jacques Derrida gọi là "tha thứ thuần túy" sinh ra do "nghịch lý tha thứ cái không thể tha thứ" (10). Nó liên quan đến một "nhận thức đạo đức vừa nhân đạo vừa bất nhân đạo, dẫn đến một sự hiểu biết phức tạp hơn về chúng ta, về câu hỏi làm người là gì, và chấp nhận những việc mà phe ta, giòng giống ta và ngay cả chính chúng ta đã làm." (11) Chính Derrida gọi ý niệm của mình về sự tha thứ thuần túy này là "quá đáng, phóng đại và điên rồ" và Nguyễn Thanh Việt cũng thừa nhận như vậy, vì làm sao mà có thể tha thứ những hành vi như ném bom rãi thảm, hay diệt chủng, vv...?(12) Nhưng sau này ông quyết định là ông có thể "tha thứ, trên lý thuyết, cho cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam - trong mọi phe phái và hình thái  - vì những gì họ đã làm trong quá khứ."(13) Nhưng ông "không thể tha thứ những gì họ đang làm trong hiện tại vì hiện tại thì vẫn chưa kết thúc. Hiện tại, có lẽ, luôn luôn là không thể tha thứ".(14) Tôi viết về Ngô Kha trong tinh thần tha thứ thuần túy này, vì tôi nhận thức rằng tôi đã làm việc ở Việt Nam trong thời chiến tranh trong các chương trình do chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ, có thể có người sẽ nghĩ rằng tôi thuộc vào những người cần được tha thứ.(15)

 Ngô Kha: Sỹ quan quân đội, người thầy tài năng, người lãnh đạo biểu tình

Ngô Kha người gốc Huế, một thành phố trước năm 1954 khá truyền thống, biệt lập và bảo thủ hơn Sài Gòn hay thậm chí cả Đà Nẵng. Nhưng sau Hiệp định Genève kết thúc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất năm 1954, Huế đã trở nên cở mở hơn khi giới sinh viên và giáo viên du học về mang theo những ý tưởng mới cho thành phố. Huế trở thành một đô thị học thuật khi Trường Đại học Huế thành lập năm 1957. Vào cùng năm đó, Trường Mỹ thuật Huế được thành lập. Năm 1958, một tạp chí học thuật mang tên "Đại học: Tạp chí Nghiên cứu Đại học Huế" ra ấn bản đầu tiên. Một trí thức Công giáo gốc miền Bắc tên là Nguyễn Văn Trung biên tập tạp chí, ông vừa mới du học tại Bỉ trở về. Tạp chí này có nhiều bài viết về triết học hiện sinh, một số bài do chính Giáo sư Nguyễn Văn Trung viết. Cũng có những bài viết về Sartre, Camus, Merleau-Ponty cùng các nhà văn, nhà triết học phương Tây khác. Giới trí thức ở Huế lúc đó bắt đầu bị lôi cuốn bởi nhiều thứ “-ism” khác nhau từ các trường phái hiện đại Âu-Mỹ - chủ nghĩa hiện sinh, trường phái lập thể, siêu thực. Chúng ta thấy, ví dụ như, quan niệm hiện đại trong văn học Pháp trở thành siêu thực  trong những bài thơ của Jacques Prévert, Paul Éluard, và Louis Aragon. Những nhà thơ này, theo lời thầy giáo tiếng Pháp Bửu Ý (và cũng là bạn của Trịnh Công Sơn), đã được Trịnh Công Sơn và nhóm bạn hữu của ông đọc, trong đó có Ngô Kha. (16) Hai cuộc Thế chiến đã phá tan niềm tin của người Âu   Mỹ, từ lâu họ vẫn tin rằng cuộc sống là mạch lạc và dễ hiểu, nay họ viết những tác phẩm khó hiểu, khó giải đoán. Các bài hát của Trịnh Công Sơn và những bài thơ của Ngô Kha cũng khó hiểu như vậy. Các nghệ sỹ và nhà văn thường thường khó hiểu vì nhiều lý do khác nhau; đôi khi là để né tránh kiểm duyệt, nhưng rõ ràng cả hai Trịnh Công Sơn và Ngô Kha đều chịu ảnh hưởng của trường phái hiện đại Âu-Mỹ nói chung và trường phái siêu thực nói riêng.

Ngô Kha sinh năm 1935 tại Huế và theo học Trường Quốc học từ năm 1954 đến năm 1957.(17)  Sau đó ông học tại khoa Sư phạm của Đại học Huế, nơi ông chuyên về văn chương và văn hoá Việt Nam. Ngô Kha tốt nghiệp thủ khoa vào năm 1959. Năm 1962, ông tốt nghiệp Cử nhân Luật Đại học Huế. Lúc học luật, ông còn làm thơ và dạy Việt văn tại Trường Quốc học và ba trường trung học khác ở Huế.

Các cựu học sinh của Ngô Kha và những người khác cho biết ông là một vị thầy có sức thu hút chứ không phải là một ông thầy nhốt mình trong giáo án (18). Ông ngâm thơ, nói chuyện thời sự và khuyến khích học sinh tham gia vào các cuộc biểu tình chống lại các chế độ quân sự của Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Văn Thiệu. Ngô Kha là một nhà tổ chức rất hiệu quả các cuộc biểu tình của sinh viên. Là một người ngưỡng mộ Che Guevera, ông đội một chiếc beret màu đen lệch ngang tàng một bên như nhà cách mạng Mỹ La tinh. Ông là một người thông minh, một nhà thơ gây xúc động và là một diễn giả hùng biện có lời nói đi đôi với hành động. Các học sinh của Ngô Kha đã biểu thị lòng yêu mến ông bằng cách xuống đường đòi phóng thích ông sau khi ông bị bắt vào đầu năm 1972, một sự kiện tôi sẽ mô tả trong phần sau. (20)

 

Hình 2: Ngô Kha (19)

Năm 1962 ông bị gọi nhập ngũ tại Thủ Đức (gần Sài Gòn) để theo học trường sĩ quan trừ bị. Khi tốt nghiệp, ông trở thành sĩ quan trợ lý báo chí của Phòng tham mưu Vùng I Chiến thuật ở Đà Nẵng. Những người viết về Ngô Kha đã không đồng ý với nhau về việc ai đã cho ông công việc tương đối an toàn như vậy. Nhà thơ Ngô Minh nói đó là người chị của Ngô Kha, Ngô Thị Huân, một y tá của quân đội Sài Gòn (21). Nguyễn Đắc Xuân nói rằng đó là một người anh (*), tướng Ngô Du, người kiếm cho ông công việc an toàn này để ông "khỏi phải cầm súng ra trận (22)". Cụm từ người anh là mơ hồ: có thể được coi là anh trai [anh ruột (*)] hoặc anh em họ [anh họ (*)]. Nguyễn Đắc Xuân phải nói là anh họ. Mặc dù Ngô Kha có một người anh tên là Ngô Du, ông nầy không phải là một viên tướng. Nguyễn Duy Hiền liệt kê tất cả sáu anh chị em ruột của Ngô Kha và nói về người anh trai của mình, Ngô Du: "Ngô Du (đã chết) không phải là tướng Ngô Dzu của quân đội Sài Gòn như một số tài liệu ghi nhầm (23)". Người anh Ngô Du của Ngô Kha là phó quận trưởng quận Hương Trà ở Huế, sau đó bị giết trong cuộc tấn công Tết Mậu thân. Để chắc chắn rằng Nguyễn Đắc Xuân tin đó là anh họ, chứ không phải anh ruột, là người đã che chở Ngô Kha, tôi nhờ anh rể tôi đang sống ở Huế, liên lạc với nhà sử học. Ông khẳng định rằng "người anh" (**) có ý nói là anh họ (24).

Người anh họ nầy của Ngô Kha sau này trở thành một vị tướng quyền lực. Tên ông đôi khi được viết là "Ngô Dzu", chứ không phải "Ngô Du", vì người ngoại quốc có thể phát âm tên cúng cơm này như từ "do" trong tiếng Anh trong khi nó phải được phát âm như từ "zoo" (phương ngữ Bắc) hay "you" (phương ngữ nam). Trong cuộc tấn công Mùa hè năm 1972 của Bắc Việt, Ngô Dzu là Tư lệnh Vùng II chiến thuật của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và chỉ huy cùng với vị cố vấn nổi tiếng Hoa Kỳ, John Paul Vann, trong trận đánh Kontum và vùng cao nguyên miền Trung. Dù vậy, vào đầu thập kỷ 1960, ông chỉ được thăng hàm tướng và không được bổ nhiệm Vùng I chiến thuật bao gồm Huế và Đà Nẵng. Tuy nhiên, có thể đúng ông là người bảo vệ Ngô Kha. Khoảng năm 1964, Ngô Kha được biệt phái (*) và được phép trở về dạy học ở Huế, ở đó ông tiếp tục hoạt động trong phong trào đấu tranh (25). Ngô Kha đã thách thức sự kiên nhẫn của ông anh họ Ngô Dzu này. Cả Nguyễn Đắc Xuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường đều cho rằng Ngô Kha cung cấp tin tức cho những người trong phong trào đấu tranh bằng những tình báo quân sự về kế hoạch của QLVNCH khi ông là tùy viên báo chí trong QLVNCH lẫn khi sau đó ông được biệt phái về dạy học tại Huế. Tôi sẽ giải thích thông tin nhận được từ Ngô Kha có thể đã giúp Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân tránh bị bắt giam (26).

Tôi đã nói Ngô Kha là một nhà tổ chức hiệu quả các cuộc biểu tình của sinh viên ở Huế, nhưng người dân Huế, đặc biệt là giới Phật tử, vốn đã phẩn uất về nhiều điều, do đó hầu như không quá khó để huy động họ. Về mặt trí thức Huế có nhiều dấu hiệu đang trở thành một thành phố sôi động, nhưng về mặt chính trị Huế đang bị rối loạn. Từ năm 1955 đến năm 1963 Tổng thống Ngô Đình Diệm cai trị đất nước, một người Công giáo nhiệt thành với sự trợ giúp của ba người em, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Thục, và Ngô Đình Cẩn. Ngô Đình Nhu là cố vấn của Ngô Đình Diệm và cũng là người đứng đầu cơ quan mật vụ và là người khởi xướng Đảng Cần Lao (*). Ngô Đình Cẩn không có chức vụ chính thức nhưng là người cai quản trên thực tế một khu vực trải dài từ Phan Thiết đến vĩ tuyến 17. Ngô Đình Cẩn đã cai trị một vùng, bao gồm cả Huế, như một lãnh chúa. Ngô Đình Thục, người anh cả của Tổng thống Ngô Đình Diệm, là một linh mục Công giáo. Vào năm 1961 ông trở thành Tổng giám mục miền Trung Việt Nam. Viện trưởng trường Đại học Huế, Cao Văn Luận, cũng là một linh mục Công giáo. Kết quả là sự hiện diện lấn át hẳn của Công giáo trong một vùng mà hầu hết người dân là Phật tử. Dân Huế phẩn nộ trước thực tế là Tổng thống Ngô Đình Diệm đã duy trì một nghị định của Pháp (Dụ số 10) vốn xếp Phật giáo vào một loại hội đoàn chứ không phải là một tôn giáo (27). Và họ phẩn nộ khi phải hát, tại lễ chào cờ và rạp chiếu phim, một bài hát mang tên Suy Tôn Ngô Tổng Thống (*), trong đó có những câu sau:

Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô Tổng Thống

Ngô Tổng Thống, Ngô Tổng Thống muôn năm

Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô Tổng Thống

Xin thượng đế ban phước lành cho người (**)

 Giới Phật tử ở Huế lo sợ sự thăng tiến của đạo Công giáo thành một quốc giáo. Những căng thẳng tôn giáo nóng lên vào năm 1963 khi các quan chức ở Huế khước từ việc cho phép Phật tử treo Phật kỳ trong những ngày trước lễ Vesak, ngày Đản sinh đức Phật, bất chấp thực tế là mới đây các con đường treo đầy cờ của Vatican để mừng lễ thụ phong chức Tổng Giám mục của Ngô Đình Thục. Vào tối ngày 8 tháng Năm, các Phật tử đã đến đài truyền thanh Huế để nghe chương trình phát thanh đặc biệt Chương trình lễ Đản sinh, trong đó có những lời bình luận của Thích Trí Quang. Khi chương trình phát thanh bị trì hoãn, những người biểu tình trở nên ầm ĩ. Một thiếu tá quân đội ra lệnh cho binh lính vãng hồi trật tự, lựu đạn được tung ra, súng nổ, và chín người biểu tình bị giết. Sự kiện này thổi bùng thêm Phong trào Đấu tranh Phật giáo và nâng cao danh tiếng của Thích Trí Quang (28).

Phong trào đấu tranh bước vào giai đoạn tột đỉnh vào năm 1966. Chính sách của Hoa Kỳ đã thay đổi. Năm 1963, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ muốn Tổng thống Ngô Đình Diệm chấm dứt việc đàn áp Phật tử. Tuy nhiên, vào năm 1966, họ cũng muốn một tướng lĩnh người Việt ở Vùng I Chiến thuật sẵn sàng đè bẹp Phong trào đấu tranh Phật giáo bởi vì nó đã gây bất ổn cho chế độ quân sự Sài Gòn. Điều khiêu khích những người biểu tình hồi năm 1966 là quyết định của Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ, ông tuyên bố vào ngày 10 tháng Ba cách chức Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh quân đội Vùng I Chiến thuật, một khu vực bao gồm 5 tỉnh cực bắc của miền Nam Việt Nam. Nguyễn Cao Kỳ cách chức một ông tướng, một Phật tử người Huế, bởi vì ông Thi rất được lòng dân trong vùng và mở rộng mối quan hệ tốt đẹp với Thích Trí Quang, nhà lãnh đạo Phong trào đấu tranh Phật giáo. Vì Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ sợ phong trào đấu tranh này và vì không tin tưởng vào sự trung thành của các chỉ huy QLVNCH trong vùng cùng quân lính của họ, vào ngày 4 tháng Tư, ông đã dùng máy bay của người Mỹ chở 1900 quân thiện chiến trung thành với chính quyền Sài Gòn, cùng với xe tăng và thiết vận xa ra sân bay Đà Nẵng (29).

Cái mà Stanley Karnow gọi là "cuộc nội chiến trong một cuộc nội chiến" đã diễn ra: sự đối đầu giữa các đơn vị khác nhau của quân đội Nam Việt Nam (30). Binh lính QLVNCH đóng quân ở Huế và Đà Nẵng vẫn trung thành với các chỉ huy sở tại và đánh nhau với quân của Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ và người Mỹ từ các vùng khác bay đến. Nói cách khác, quân sở tại hợp lực với Phong trào đấu tranh Phật giáo. Theo Tướng Lewis Walt, Chỉ huy Lữ đoàn III Thủy  quân lục chiến, đóng tại Đà Nẵng, "Nó cứ như thể là California, với Los Angeles và San Francisco, tách ly khỏi Hoa Kỳ" (31).  Tại Đà Nẵng, các cuộc xung đột dữ dội xảy ra trong tháng năm khi lực lượng nổi dậy ẩn náu ở ba ngôi chùa ở phía nam thành phố. Các nhà sư đe doạ tự thiêu nếu các lực lượng ủng hộ Nguyễn Cao Kỳ tấn công. Nhiều phụ nữ và trẻ em bị thương trong cuộc giao chiến. Neil Sheehan viết trên tờ The New York Times rằng sau cuộc chạm trán nầy "hơn 40 thi thể đắp cờ Phật giáo, nằm ở tiền sảnh từ đường chùa Tĩnh Hội (*) (32). Tuy nhiên vào ngày 23 tháng Năm, lực lượng nổi dậy ở Đà Nẵng phải đầu hàng và cuộc đánh nhau chuyển ra Huế.

Khi cuộc nội chiến trong một cuộc nội chiến nổ ra, Ngô Kha là thành viên chính của một nhóm thuộc QLVNCH tại Huế có mục đích chống lại lực lượng QLVNCH trung thành với Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Văn Thiệu. (33). Đơn vị của Ngô Kha mang tên là Chiến đoàn Nguyễn Đại Thức (*) để tưởng niệm một sĩ quan QLVNCH bị giết hôm 15 tháng 5 khi ông nầy cố gắng hạ sát một vị tướng QLVNCH tên Huỳnh Văn Cao, tân Tư lệnh quân đoàn I. Ngô Kha và những người khác trong phong trào đấu tranh coi Nguyễn Đại Thức như là một vị thánh tử đạo chết cho đại nghĩa.

Nguyễn Đắc Xuân cho biết, Chiến đoàn Nguyễn Đại Thức của Ngô Kha, với các thành viên quấn khăn quàng cổ màu tím, đã hoạt động anh dũng và làm chậm bước tiến của quân đội Nguyễn Cao Kỳ vào Huế (34). Hoàng Phủ Ngọc Tường kể rằng Ngô Kha nói với mình là ông cố gắng trì hoãn sự tiến quân vào Huế của quân đội Nguyễn Cao Kỳ để bạn có thì giờ rút lui vào núi. Thông tin này do Trịnh thị Vĩnh Thúy, em gái của Trịnh Công Sơn, chuyển lại cho Hoàng Phủ Ngọc Tường, một năm sau cô trở thành vợ của Ngô Kha. Ngô Kha cảnh báo bạn của ông rằng ngay khi quân đội của Nguyễn Cao Kỳ vào Huế, họ sẽ truy lùng những người trong phong trào đấu tranh mà họ cho là nguy hiểm. Tôi nghi ngờ chiến đoàn này có đủ sức để chống lại xe tăng và thiết giáp, nhưng cả hai Hoàng Phủ Ngọc Tường và người em là Hoàng Phủ Ngọc Phan, cùng với Nguyễn Đắc Xuân, đã chạy khỏi Huế và thoát khỏi bị bắt, điều này làm cho Trưởng ty cảnh sát Liên Thành tiếc vô cùng. Ông nói ông đã thất bại trong việc bắt giữ ba người này vì ông là người mới làm công tác tình báo và vì vậy thiếu năng lực và kinh nghiệm. Ông Thành cho biết ông chưa có đủ độ "lạnh lùng" (*) mà một sĩ quan tình báo cần có để làm công việc của mình. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã từng là thầy giáo của ông, Liên Thành nói, ông đã học được từ cha mình và từ văn hoá chung của Việt Nam dạy rằng ai cũng phải kính trọng thầy giáo của mình. Không muốn tự tay bắt thầy giáo cũ, ông đã giao nhiệm vụ bắt Hoàng Phủ Ngọc Tường và bạn bè của ông nầy cho một người phụ tá. Để cho ba người nầy trốn thoát, Liên thành nói là “một sai lầm rất lớn, một điều mà tôi hối tiếc suốt đời” (37). Do sự đối xử của ông sau này đối với Ngô Kha, một người cũng là thầy giáo của Liên Thành, chúng ta biết rằng sau này vị Trưởng ty cảnh sát đã có đủ độ lạnh lùng để đối xử tàn nhẫn ngay cả với một người thầy giáo cũ (38). Có thể Ngô Kha không nhận được sự thương xót của Liên Thành vì ông là bạn thân của ba người mà ông đã để thoát đi. Nhưng trong cuốn sách của mình Liên Thành không che giấu chút nào ý muốn trả thù của mình với bất kỳ ai có liên quan đến những người cộng sản nằm vùng, dù ít mấy đi nữa.

Không rõ Chiến đoàn Nguyễn Đại Thức đã trì hoãn việc tiến quân của Nguyễn Cao Kỳ vào Huế được bao lâu. Điều chắc chắn là hành động của Ngô Kha năm 1966 đã làm ông bị bắt và bị tống vào tù ngoài đảo Phú Quốc. Nguyễn Đắc Xuân nói rằng nếu không có sự can thiệp của Tướng Dzu thì Ngô Kha có thể đã nhận án tử hình (39). Khoản thời gian chính xác Ngô Kha bị cầm tù ở đảo Phú Quốc cũng chẳng rõ ràng. Chúng ta biết là ông bị bỏ tù vào tháng 5 hay tháng 6 năm 1966, và ông đã lập gia đình ở Huế vào mùa hè năm 1967, có nghĩa là ông đã không thể ở tù lâu hơn một năm.

Vào ngày 26 tháng Năm năm 1966, sau tang lễ công khai của Nguyễn Đại Thức, các cuộc biểu tình lên cao mạnh mẽ tại Huế. Một nhóm học sinh sinh viên, phớt lờ trước những lời yêu cầu khẩn thiết tránh bạo lực của Thích Trí Quang, đã đốt phá Phòng Thông tin và Thư viện Hoa Kỳ (40). Một vài ngày sau, họ đã đập phá Lãnh sự quán Hoa Kỳ (41). Theo đề nghị của Thích Trí Quang, người dân Huế đã đặt bàn thờ gia tộc ra đường phố để ngăn chặn bước tiến của đoàn quân Nguyễn Cao Kỳ (42). Đây chỉ là một hành động mang tính biểu tượng. Đoàn quân của Nguyễn Cao Kỳ đã giải tán họ và cuối cùng giành được quyền kiểm soát thành phố vào ngày 19 tháng 6.

Các hoạt động của Ngô Kha trước khi chết vào năm 1973

Sau khi được thả ra khỏi tù ở Phú Quốc, Ngô Kha trở về Huế và tiếp tục dạy học tại trường Quốc học. Cuối thập kỷ 1960 và đầu thập kỷ 1970 là những năm quan trọng cả về mặt chính trị lẫn nghệ thuật đối với Ngô Kha. Trong thời gian này, ông và Trịnh Công Sơn đã dành rất nhiều thời gian cho nhau và ảnh hưởng lẫn nhau bằng nhiều cách. Vào mùa hè 1967, Ngô Kha cưới Trịnh thị Vĩnh Thúy, em gái của Trịnh Công Sơn (43). Cuộc hôn nhân không dài lâu, nhưng nó cũng thể hiện một mối liên hệ khác giữa hai người (44). Ngày 31 tháng Giêng 1968, cuộc tổng tấn công Tết bắt đầu và Huế bị quân cộng sản chiếm giữ trong khoảng ba tuần. Sau đó, Hòa đàm Paris khai mạc vào tháng 5 năm 1968, và mặc dù phải mất năm năm một thỏa thuận mới được ký kết, việc một cuộc đàm phán có thể xảy ra mang lại hy vọng cho người Việt khắp nơi.

Vào năm 1969 Ngô Kha đã viết hai bài trường ca: "Ngụ ngôn của người đãng trí" (788 dòng) và "Trường ca hòa bình" (1.004 dòng). Các tác giả Việt Nam mô tả bài thơ đầu là siêu thực và khó hiểu. Đỗ Lai Thúy nói bài này "là một mê cung siêu thực, mộng mị giấc mơ" (**) (45). Ngô Minh nói bài thơ thể hiện sự cô đơn của Ngô Kha và phản ứng của ông đối với nỗi kinh hoàng của chiến tranh (46)". Bài Trường ca Hòa bình ít khó hiểu hơn. Nhiều đoạn trong bài tương tự những bài hát của Trịnh Công Sơn trong tập Kinh Việt NamTa phải thấy mặt trời (47). Tôi sẽ mô tả những khía cạnh tương tự nầy trong phần "Ngô Kha, Trịnh Công Sơn, và Nội chiến”.

Những người đóng góp cho hai cuốn sách tôn vinh Ngô Kha, một được xuất bản hồi năm 2005, cuốn kia vào năm 2013, cho rằng sau khi viết "Ngụ ngôn của người đãng trí", Ngô Kha đã từ bỏ trường phái siêu thực và cũng từ bỏ luôn lập trường trung lập và bắt đầu ủng hộ hoàn toàn lập trường của MTDTGPMN (48). Chắc chắn ông đã hoạt động tích cực trong phong trào đấu tranh. Vào năm 1970 ông là một trong sáu người, trong đó có Trịnh Công Sơn, thành lập nhóm Tự Quyết , một nhóm trí thức thiên tả. Ngô Kha cũng được bầu làm chủ tịch của một tổ chức khác, Mặt trận Văn hoá Dân tộc miền Trung. Cả hai tổ chức xuất bản các tạp chí và tổ chức biểu tình.

Vào đầu 1972 Ngô Kha bị bắt, ta có thể đoán là vì các hoạt động chống chính phủ, và bị xét xử tại một tòa án binh ở Đà Nẵng. Ông được thả, bạn bè và những người ủng hộ ông nói, vì ông không phạm tội và cũng vì học sinh sinh viên ở Huế và các nơi khác ở miền Nam Việt Nam đã xuống đường để phản đối việc bắt giữ ông và đòi thả ông (49). Nguyễn Duy Hiền nói có những cuộc biểu tình của học sinh sinh viên tại Huế vào các ngày 07, 10, và 14 tháng 3 (50). Mẹ của Ngô Kha, bà Cao Thị Uẩn, trong một bức thư viết vào năm 1974 gửi cho Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đòi hỏi cho biết điều gì đã xảy ra với con trai bà. Bà nhắc lại lần trước con mình bị bắt rồi nhanh chóng được thả ra, như vậy có nghĩa là lần này cũng vậy, con bà bị cảnh sát Huế bắt mà không phạm tội nào cả. Đây là những gì bà viết:

“Trong niên học 1971-1972, con tôi bị bắt một lần, bị đưa ra Tòa án Quân sự Đà Nẵng nhưng được tha bổng. Trong lần này, việc bắt giữ con tôi đã gây phản ứng trong giới học sinh vì tình nghĩa thầy trò học sinh trường Quốc học, trường Nguyễn Du, và các trường khác đã biểu tình phản đối chính quyền về việc bắt giữ con tôi. Chính vì thế, dù đã được Tòa án Quân sự xét xử vô tội, tha bổng, con tôi bị chính quyền địa phương để tâm thù ghét" (**) (51).

Cán bộ cộng sản rõ ràng đã cố gắng điều khiển và chỉ đạo phong trào đấu tranh ở Huế. Cả Nguyễn Đắc Xuân lẫn Nguyễn Duy Hiền đều nói rằng Mặt trận Dân tộc Văn hoá miền Trung, mà Ngô Kha là chủ tịch, được Thành Ủy Huế chỉ đạo (52). Nói cách khác, điều nầy có thể được coi là một tổ chức bình phong hoạt động cho MTDTGPMNVN. Văn phòng không chính thức của tổ chức này được đặt tại vị trí thuận lợi trong trụ sở của Tổng hội sinh viên tại 22 Đường Trương Định ở Huế (53). Mặc dù hầu hết cán bộ đã bị thu hồi ra khỏi Huế sau Tết năm 1968, giới lãnh đạo MTDTGPMNVN đã để lại những người có cảm tình để có thể hoạt động công khai. Một trong số đó, một người tên Hoàng Hòa, một sinh viên Huế sắp sửa thành thầy giáo toán, giải thích rằng những người của MT đã chỉ đạo ông tổ chức các hoạt động học sinh, đặc biệt là các buổi trình diễn văn hoá bồi dưỡng lòng yêu nước cho học sinh và chống đối chế độ của Nguyễn Văn Thiệu-Nguyễn Cao Kỳ (54)". Ông nói rằng Ngô Kha ngâm thơ và Trịnh Công Sơn hát trong các buổi trình diễn này. Làm việc bí mật như ông Hoàng Hòa làm là một công việc nguy hiểm. Vào cuối 1968 Hoàng Hòa bị một người liên lạc phản bội, người nầy đã báo cáo ông cho cảnh sát. Ông đã mất bảy năm trong nhà tù khét tiếng tại đảo Côn Sơn (55).

Nhưng Hoàng Hòa sống. Ngô Kha thì không. Vào ngày 30 tháng Giêng, 1973, ba ngày sau khi Hiệp định Hòa bình Paris được ký kết, Ngô Kha đã bị bắt và bị đánh chết bằng búa bởi những người thừa lệnh của Liên Thành, Trưởng ty cảnh sát Huế. Ban đầu xác ông bị vùi bên con đường đi ra bãi biển Thuận An, nhưng sau đó Liên Thành sợ xác bị phát hiện, đã ra lệnh cho hốt xác lên và chôn tại An Cựu, một ngôi làng phía nam Huế. Chuyện này đã xảy ra mà không mấy ai được biết trong nhiều năm, nhưng rồi thông tin được tích lũy dần. Vào năm 2005 Nguyễn Duy Hiền trình bày các sự kiện chính trong bài "Ngô Kha ngụ ngôn" (56) và bốn năm sau đó Nguyễn Đắc Xuân viết một bài mô tả đầy đủ hơn về cái chết, đăng trực tuyến lần đầu tiên vào năm 2009 và sau đó trong cuốn Ngô Kha hành trình (57). Mô tả của Nguyễn Ðắc Xuân dựa trên các thông tin thu thập được từ những người quen biết Liên Thành, trưởng ty cảnh sát, và những người thân của Ngô Kha, trong đó có một người tên là Phạm Bá Nhạc, phó cơ quan mật vụ ở Huế, mẹ kế của người này là chị gái của Ngô Kha (58). Mô tả của Nguyễn Đắc Xuân rất chi tiết. Ví dụ, ông nêu tên hai nhân viên mật vụ, những người theo lệnh của Liên Thành đã bắt Ngô Kha ở nhà của bà góa phụ Ngô Du, vợ của anh trai Ngô Kha (42 Bạch Đằng, Huế) (59).

 

Hình 3: Thiếu tá Liên Thành (60)

Phần mô tả chi tiết vụ giết Ngô Kha của tôi chủ yếu dựa vào mô tả của Nguyễn Đắc Xuân. Tôi trình bày sự việc ra đây vì Nguyễn Đắc Xuân trích dẫn lại từ các nhân chứng ​​vụ bắt giữ Ngô Kha và cũng bởi không một ai, theo hiểu biết của tôi, chính thức phản đối tính xác thực trong lời tường thuật nầy của Nguyễn đắc Xuân. Đối với tôi, nó phản ánh được sự thật. Việc Ngô Kha bị bắt rất rõ ràng. Ông bị đưa ra khỏi nhà giữa ban ngày trước sự hiện diện của người chị dâu của Ngô Kha. Việc ông bị bắt cũng được chứng kiến ​​bởi một người khác tên Nhất Huy, bạn của Ngô Kha, người nầy tình cờ có mặt lúc Ngô Kha bị bắt. Ông nầy thấy Ngô Kha bị đưa đi trên một chiếc xe gắn máy Honda, kẹp giữa hai người đàn ông to lớn không thuộc nhóm bạn bè của Ngô Kha (61). Nguyễn Đắc Xuân cũng cung cấp chi tiết liên quan tới việc cải tán xác Ngô Kha mà ông biết được theo lời kể của các thành viên trong gia đình. Ông giải thích rằng Phạm Bá Nhạc, có mẹ kế là chị gái của Ngô Kha, đã xin Liên Thành cho ông lấy thi thể trần truồng của Ngô Kha, sau khi đào lên từ nơi chôn vùi đầu tiên, được đặt tại trung tâm thẩm vấn của cảnh sát và sau đó chôn Ngô Kha trong một quan tài thích hợp ở một vùng thuộc Huế gọi là An Cựu. Liên Thành cho phép Phạm Bá Nhạc nhưng nói với ông này rằng ông ta sẽ bị giết ngay lập tức nếu tin này bị tiết lộ (62). Phạm Bá Nhạc là một cảnh sát viên CPVN, sau 1975 có một thời gian bị giam trong tù cải tạo của cộng sản và sau đó được phép rời khỏi đất nước theo một chương trình của Ủy ban Cao uỷ về Người tị nạn Liên Hiệp Quốc được gọi là HO (Humanitarian Operation), một chương trình thuộc Chương trình ra đi có trật tự dành cho người Việt nào đã ở trong trại cải tạo từ ba năm trở lên. Nguyễn Đắc Xuân lẽ tất nhiên, có thể đã hoàn toàn tô vẽ cái chết của Ngô Kha, nhưng, theo tôi nghĩ, chắc không phải vậy.

Những điều khả tín

Câu chuyện của Nguyễn Đắc Xuân có thể phản ánh đúng sự thật, nhưng sự khả tín là một vấn đề cần phải được thảo luận. Một số người sống ở Huế và nhiều người sống ở hải ngoại không thích hay không tin Nguyễn Đắc Xuân hay người bạn Hoàng Phủ Ngọc Tường của ông. Nguyễn Đắc Xuân bị buộc tội chủ tọa tòa án nhân dân và phán định ai sẽ bị án tử khi ông trở về Huế cùng những người lính cộng sản trong cuộc Công kích Tết 1968. Nguyễn Đắc Xuân thừa nhận ông có mặt ở thành phố trong trận đánh ở Huế, nhưng nói khi đó ông chỉ mới vào MTDTGP một năm rưỡi và hoàn toàn không có quyền quyết định nên giết ai (63). Nguyễn Đắc Xuân từng hoạt động tích cực trong phong trào đấu tranh Phật giáo hồi năm 1966 và rời Huế để gia nhập MTDTPG vào cuối tháng 6 năm 1966, khi ông biết được mình sẽ bị cảnh sát bắt (64). Ông nói tin đồn rằng ông là người thi hành án tử hình trong suốt thời kỳ Công kích Tết bắt đầu sau khi cuốn sách của Nhã Ca, Giải khăn Sô cho Huế, xuất bản năm 1969 (65). Nhã Ca có mặt ở Huế khi cuộc tấn công xảy ra, và một nhân vật quan trọng trong cuốn sách của bà là một người tên Đắc. Trong một mẫu chuyện tên Đắc này đe dọa giết một người đàn ông tên là Trần Mậu Tý, người này sau đó bị giết nhưng không do Đắc giết. Nhân vật tên Đắc này không được mô tả là chủ tọa tòa án nhân dân. Tên này được nêu ra trong các cuộc đối thoại giữa các nhân vật trong cuốn sách, những người nầy biết Đắc trước khi ông rời Huế để gia nhập MTDTGP năm 1966. Họ bày tỏ hy vọng là Đắc sẽ xác nhận họ với cấp trên và như vậy họ sẽ khỏi bị giết. Người Việt Nam không ai gọi người khác bằng chữ lót, và Nguyễn Đắc Xuân nhất định rằng ông không phải là nhân vật mà Nhã Ca gọi Đắc (66).

Song, rõ ràng là Nhã Ca muốn nói đến Nguyễn Đắc Xuân khi viết về nhân vật Đắc. Trên một trang trong sách, bà gọi nhầm nhân vật nầy là Xuân khi rõ ràng bà có ý nói tới nhân vật Đắc (67). Trong một bài báo có tựa đề "Hậu quả của ‘cái chết’ của tôi", Nguyễn Đắc Xuân nói là một lần ông tình cờ chạm trán với Nhã Ca ở thành phố Hồ Chí Minh sau năm 1975. Ông đã hỏi bà tại sao bà đặt tên nhân vật này là Đắc (chữ lót của tên ông)(68). Nhã Ca nói là bà không quen với một người lính giải phóng miền Bắc nào và bà cần một người để làm mẩu cho nhân vật của bà, vì vậy bà đã chọn ông và đặt tên cho nhân vật là Đắc. Bà đã hư cấu câu chuyện về ông, ông kể lại, vì bà muốn làm cho câu chuyện thêm phần lý thú. Bà nói bà nghe là ông đã bị giết và vì vậy không ngại ngùng thêm thắt chi tiết (69). Nguyễn Đắc Xuân nói rằng ông không thể nhớ chính xác năm nào ông gặp Nhã Ca, nhưng nói là trước năm 1980. Năm đó Nhã Ca vừa mới được thả ra khỏi trại cải tạo và chồng bà, nhà thơ Trần Dạ Từ, vẫn còn bị giam cầm. Họ có sáu đứa con nhỏ và Nhã Ca đang bán dạo bánh bông lan bên đường phố để nuôi sống gia đình. Có thể bà đã nói thêm thắt nhân vật Đắc của bà là để tránh gây thù oán với một người có thể giúp đỡ hay làm tổn thương bà và gia đình bà (70).

Trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, người buộc tội Nguyễn Đắc Xuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường mạnh dạnh và dai dẳng nhất là Liên Thành, trưởng ty cảnh sát, người mà Nguyễn Đắc Xuân nói là đã ra lệnh giết Ngô Kha một cách tàn bạo. Theo Liên Thành, cả hai Nguyễn Đắc Xuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường đều là thành viên của Lực lượng An ninh Bảo vệ Khu Phố, một lực lượng mà ông nói là "gây chết chóc và đau  thương cho dân chúng Huế trong hai mươi hai ngày" trong cuộc Công kích Tết (**) ( (71). Liên Thành nói rằng Nguyễn Đắc Xuân là trưởng nhóm này và quy ông là "Tên đồ tể số một thời gian Tết 1968" (72). Liên Thành tuyên bố mà không đưa ra chứng cớ rằng trong số những hành vi khủng khiếp mà nhóm này đã vi phạm là việc bắt giữ và giết chết bác sỹ Horst Gunther Kranick và vợ ông, cũng như hai bác sỹ Đức khác, Bác sỹ Raimund Discher và Bác Sỹ Alois Altekoester (73).

Liên Thành cáo buộc Hoàng Phủ Ngọc Tường chủ tọa các Toà án nhân dân ở khu vực Gia Hội, Huế và gây ra cái chết cho 204 người dân. Những người bị Tường buộc tội, Liên Thành cho biết, đã bị chôn sống (74). Alje Vennema, một tình nguyện viên y tế người Hà Lan ở Huế năm 1968, nói rằng cả Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân đều ở Huế và cả hai đều là chủ tọa tòa án nhân dân (75). Tuy nhiên, Vennema chẳng hề chứng kiến một tòa án nhân dân nào. Ông không giải thích rõ ràng ai đã nói với ông về hai người này, nhưng nói nguồn tin của ông là do một cậu bé mười hai tuổi tên là Lương, em họ của một phụ nữ trẻ tên Kim, một thành viên của gia đình họ Nguyễn (76). Báo cáo của Vennema khác với Liên Thành. Vennema nói rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường chủ tọa một phiên tòa được tổ chức tại một chủng viện nhỏ tại "Trung tâm Sinh viên St. Xavier" (**) nằm về phía Nam của sông Hương (77). Còn Liên Thành thì nói tòa án mà Hoàng Phủ Ngọc Tường chủ tọa là ở Gia Hội, một quận nằm ở phía bắc của sông Hương (78). Nguyễn Đắc Xuân và Hoàng Phủ Ngọc Phan (em của Hoàng Phủ Ngọc Tường) cũng đều có mặt, Liên Thành nói (79).

Song, ông Hoàng Phủ Ngọc Tường nói rằng ông không có mặt ở Huế trong cuộc Công kích Tết, giải thích rằng ông đã rời Huế tham gia MTDTGP vào mùa hè 1966 và không trở lại Huế cho đến năm 1975 (80). Nhà thơ Ngô Minh, một cựu binh của quân đội Bắc Việt ở Quảng Bình, hiện đang sống ở Huế, nhấn mạnh rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường đang ở tại sở Chỉ huy tiền phương của MTDTGP trên núi Kim Phụng, phía tây nam của Huế, trong cuộc Công kích Tết. Ông nói rằng sở dĩ dân chúng Huế đổ lỗi các vụ hành quyết cho Hoàng Phủ Ngọc Tường vì trong thời gian ở trên núi ông đã thu âm Lời hiệu triệu kêu gọi dân chúng Huế nổi dậy và gia nhập lực lượng cách mạng. Lời ghi âm này đã được phát thanh ở khắp Huế khi cuộc tấn công bắt đầu (81).

Trong phần giới thiệu bản dịch cuốn Giải khăn số cho Huế của mình, Olga Dror có phân tích về các cáo buộc đưa ra chống lại Nguyễn Đắc Xuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường và những lời bác bỏ của hai ông này. Sau khi trận chiến chấm dứt, người ta đã đào lên được trên 2.800 thi thể ở Huế. Dror phân tích các bằng chứng liên quan tới những ai đã chịu trách nhiệm về cái chết của những người này, nhưng, như bà giải thích, không ai có thể nói chắc chắn họ chết như thế nào. Cũng không ai có thể nói chắc Nguyễn Đắc Xuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường có nói đúng sự thật hay không về hành động của họ trong cuộc Công kích Tết. Họ đã và vẫn, cho đến ngày nay, ở vào một vị trí khó khăn. Họ chọn con đường trở về sống ở Huế sau 1975 giữa những người đã mất người thân trong trận chiến. Một số thân nhân của người quá cố qui tội cho hai ông về cái chết của thân nhân họ. Cả hai ông đều là đảng viên cộng sản và họ phải viết và trả lời các cuộc phỏng vấn mà không làm phật lòng cấp trên của mình. Để có được thông tin chính xác về Ngô Kha, rất khó mà tìm ra những thông tin hoàn toàn không thiên vị và được mọi người có hoàn cảnh và quan điểm chính trị khác nhau tin cậy.

Tôi phải ghi nhận là gần đây Nguyễn Đắc Xuân tỏ ra ngay thẳng hơn và thừa nhận mình đã đóng giữ một vai trò trong các cuộc thanh trừng trong cuộc Công kích Tết mặc dù ông nhấn mạnh rằng đó là một vai trò gián tiếp. Đáng ngạc nhiên là ông đã thừa nhận với Mark Bowden, một người Mỹ phỏng vấn ông khi ông này nghiên cứu cho cuốn Huế 1968, một tài liệu kể lại tỉ mỉ cuộc Công kích Tết dựa trên các cuộc phỏng vấn cả người Việt và người Mỹ (82). Nguyễn Đắc Xuân là một nguồn tin quan trọng cho Bowden, người đã phỏng vấn ông và đã bỏ tiền ra để dịch ra Anh văn cuốn sách Từ Phú Xuân đến Huế, một hồi ức về trận đánh giành giật Huế của Nguyễn đắc Xuân (83). Theo Bowden, "Xuân tin vào sự bắt buộc cần có một cuộc trả thù nhưng chứng kiến rằng nó đã trở thành một cơn cuồng sát"(84). "Tôi không phải là môt ông tướng, tôi chỉ là thường dân", Nguyễn Đắc Xuân nói với Bowden. "Tôi rất buồn vì trong chiến tranh, chúng tôi không ngăn ngừa được nhiều sai lầm ... Có cái hung ác xảy ra do lòng ngây thơ" (85).

Ít nhất từ năm 2008, Hoàng Phủ Ngọc Tường, hiện đã 81 tuổi, cũng đã ngay thẳng hơn. Khi được phỏng vấn năm 2008, ông một lần nữa phủ nhận mình có mặt ở Huế trong thời gian Công kích Tết năm 1968 nhưng cũng thừa nhận là ông đã hết ảo tưởng về chính quyền hiện tại bởi vì, ông giải thích, chính quyền này không thể "hòa giải dân tộc" (**) và bởi vì họ áp dụng một "thể chế cộng sản" (**). Khi được hỏi làm sao cho đất nước được thống nhất, ông nói rằng người Việt Nam phải "Đánh giá lại lịch sử, quên đi quá khứ đắng cay thù hận, cần thực sự tôn trọng và thương yêu nhau" (**) (86).

Và khi tôi sắp hoàn tất bài viết này tôi đã tình cờ thấy một bài trên Facebook của Nguyễn Quang Lập, bạn thân của vợ Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đây là một bức thư mà Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đọc cho con gái mình viết. Mang tựa "Lời cuối cùng cho câu chuyện quá buồn", Hoàng Phủ Ngọc Tường nói, bức thư nầy dành cho những ai yêu mến ông chứ không phải cho những người như Liên Thành và bè đảng của ông. Trong bức thư này, đề ngày 1 tháng Hai năm 2018, ông nói rằng có một điều mà ông phải đề cập đến " Duy nhất có một điều nếu không nói ra tôi sẽ không yên tâm nhắm mắt. Ấy là câu chuyện Mậu thân 1968" (**)(87).

Trong bức thư của mình Hoàng Phủ Ngọc Tường nhấn mạnh lần nữa là ông không có mặt ở Huế trong cuộc Công kích Tết. Điều khiến người ta nghĩ là ông có mặt ở đó, là vì trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu thập kỷ 1980 của một nhà báo người Úc tên là William Burchett. Trong cuộc phỏng vấn này, ông kể chuyện như thể ông là một nhân chứng của các sự kiện mà ông mô tả (88). Ông giải thích trong bức thư của mình là ông không có mặt ở đó - những gì ông mô tả không phải là những gì ông nhìn thấy mà là những gì bạn bè kể lại cho ông. Ông đưa ra ví dụ này: "Đặc biệt, khi kể chuyện máy bay Mỹ đã thảm sát bệnh viên nhỏ ở Đông Ba (89) chết 200 người, tôi đã nói: ‘Tôi đã đi trên những đường hẻm mà ban đêm tưởng là bùn, tôi mở ra bấm đèn lên thì toàn là máu’" (**) (90). Tôi nghe những người bạn kể lại (88), ông nói trong bức thư của mình. Người chứng kiến chi tiết đó không phải là tôi (**).

Hoàng Phủ Ngọc Tường nói trong bức thư của mình rằng khi nói về thảm sát Huế tôi đã hăng hái bảo vệ cách mạng, đổ tội cho Mỹ (**). Năm 1981 khi ông được phỏng vấn, ông giải thích, ông "còn hăng say cách mạng" (**) nhưng bây giờ ông "đã nhận ra sai lầm của mình." "Không thể lấy tội ác của Mỹ," ông nói, "để che đậy những sai lầm đã xảy ra ở Mậu thân 1968” (**) (91).

Cuối cùng, ông nói về việc ông đã đau khổ ra sao khi là "một đứa con của Huế" khi ông nghĩ về những "hành động giết oan" của "quân nổi dậy trên mặt trận Huế" (**) "Đó là," ông nói, "một sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc, và nhìn trên quan điểm chiến tranh cách mạng" (**) (92).

Hầu như chắc  chắn chúng ta sẽ không bao giờ biết chắc Hoàng Phủ Ngọc Tường có mặt ở Huế trong cuộc Công kích Tết hay không, và nếu có thì liệu ông có chủ trì tòa án nhân dân hay không. Niềm tin của tôi, sau khi đọc nhiều bài viết của cả những người tấn công lẫn bảo vệ Hoàng Phủ Ngọc Tường, là ông đã không có mặt ở Huế trong cuộc Công kích Tết mà vẫn ở Chỉ huy sở tiền phương của MTDTGP trên núi Kim Phụng tại Hương Huyện Trà. Đặng Tiến, một học giả được tôn trọng ở Pháp, cũng đã đi đến kết luận tương tự trong một bài viết đăng trên trang Thông Luận vào năm 1995. (93)

 

Ngô Kha, Trịnh Công Sơn và Nội chiến

Bụi mù bao phủ chiến tranh tạo ra các vấn đề về sự tin cậy, nhưng không ai phủ nhận được rằng thành phố Huế, một thành phố trầm lặng và bình yên, một trong những thành phố sùng đạo Phật nhất, đã trở thành một nơi bạo lực, một nơi "hai mươi năm nội chiến từng ngày" như Trịnh Công Sơn hát trong bài "Gia tài của mẹ". Dân chúng hồi đó, nhất là những người trẻ vào tuổi động viên đã phải đối mặt với những lựa chọn rất khó khăn. Bài hát "Gia tài của mẹ" làm ta nghĩ đến các bà mẹ, như mẹ của Ngô Kha chẳng hạn. Trong lá thư bà viết năm 1974 gửi cho Tổng thống Việt Nam Cộng hoà và các quan chức khác yêu cầu cho biết chuyện gì đã xảy ra với con trai bà. "Tôi nay đã 80 tuổi," bà viết. "Không còn sống được bao nhiêu năm. Buồn vì con trai đã chết trong vụ tết Mậu Thân ở Huế, chỉ còn nương tựa vào đứa con trai duy nhất là Ngô Kha, nay cũng bị chính quyền bắt giữ không cho biết tin tức, tôi làm sao sống nổi...”.(**) (94)"

Giới lãnh đạo cộng sản không thích gọi chiến tranh Việt Nam là một cuộc nội chiến. Bài hát "Gia tài của Mẹ” của Trịnh Công Sơn vẫn chưa được trình bày công khai vì bài hát đó gọi chiến tranh này là một cuộc nội chiến. Các quan chức Cộng sản không thích các bài hát phản chiến của Trịnh Công Sơn vì trong đó ông phản đối chiến tranh nói chung và không phân biệt chiến tranh phi nghĩa với chiến tranh chính nghĩa (95). Nói cách khác, ông phản đối chiến tranh chung chung và không chấp nhận chiến tranh giải phóng dân tộc. Nguyễn Đắc Xuân nói rằng đây là một vấn đề đã được đưa ra trong một cuộc họp ở Huế năm 1975, một cuộc họp để quyết định số phận của Trịnh Công Sơn trong chế độ cộng sản mới. Ảnh hưởng của Ngô Kha đối với Trịnh Công Sơn là một yếu tố quan trọng mà Nguyễn Đắc Xuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường đã trình bày để giúp bạn mình (96). Họ lập luận rằng trong những bài hát ban đầu, đặc biệt là những bài mà ông gọi là "Ca khúc da vàng" (97), Trịnh Công Sơn đã phản chiến chung chung. Nhưng đó là trước khi ông chịu ảnh hưởng của Ngô Kha. Trong các bài hát sau cuộc Công kích Tết, các bài hát trong các tập Kinh Việt NamTa phải thấy mặt trời, ông đã hoàn toàn ủng hộ các mục tiêu của MTDTGP (98). Lập luận này đã có tác dụng: nó phán xử rằng những đóng góp của Trịnh Công Sơn lớn hơn các tội của ông, và cuối cùng ông "đứng hoàn toàn về phía Cách mạng (99)".

So sánh Trịnh Công Sơn và Ngô Kha giúp chúng ta hiểu cả hai người hơn. Ý của tôi là không ai trong hai người đứng hoàn toàn về phe Cách mạng, nhưng Ngô Kha tiến gần hơn vào việc gia nhập MTDTGP, có lẽ một phần là vì ông biết ông sắp gặp nguy hiểm nếu ông ở lại Huế. Ba người cộng tác với MTDTGP có nói rằng Ngô Kha đã bày tỏ ý muốn gia nhập (100). Nhà thơ Ngô Minh nói rằng có lần ông hỏi Hoàng Phủ Ngọc Tường tại sao" tổ chức" lại không giúp Ngô Kha "lên xanh". Hoàng Phủ Ngọc Tường đáp là tổ chức đã liên lạc với Ngô Kha nhưng trước khi Ngô Kha có thể đi thì ông bị bắt. Cũng có thể, ông nói, Ngô Kha do dự vì ông không thể quyết định nên "lên xanh" hay nên ở lại Huế để tiếp tục đấu tranh với bạn bè. Hoàng Phủ Ngọc Tường nói thêm rằng "mật vụ địch theo dõi từng bước đi, nên không thoát được" (101).

Nhiều người Việt Nam hải ngoại tin rằng các tác phẩm sáng tạo và hành động của Ngô Kha và Trịnh Công Sơn làm tăng thêm lòng phản chiến và góp phần vào sự bại trận của Chính Phủ Việt Nam cọng hòa. Một số người này còn đi xa hơn nữa và cho rằng Ngô Kha và Trịnh Công Sơn là những tên cộng sản nằm vùng. Người đề xướng hàng đầu quan điểm này là Liên Thành, vị trưởng ty cảnh sát, người đã ra lệnh hành hung tàn bạo Ngô Kha và buộc tội Hoàng Phủ Ngọc Tường cùng Nguyễn Đắc Xuân là hai người điểm chỉ những ai sẽ bị hành hung trong thời gian Công kích Tết. Ông tin rằng cả hai Ngô Kha và Trịnh Công Sơn đều là thành phần của cái mà ông gọi là "một mạng lưới CS nằm vùng khổng lồ, bán mình cho quỷ" (**) (102).

Liên Thành đảm nhiệm phụ trách "an ninh tình báo" Huế và tỉnh Thừa Thiên và cộng tác với Chương trình Phụng Hoàng của CIA để tiêu diệt các cơ sở cộng sản. Ông đã viết hai cuốn sách dài: Biến Động Miền Trung (482 trang), xuất bản lần đầu tiên năm 2008 và nay đã tái bản lần thứ 11; và Huế-Thảm Sát Mậu Thân (766 trang), xuất bản năm 2011 (103). Tôi đã đọc kỹ các tác phẩm của Liên Thành để xem ông ta có viết về vụ bắt giữ và hành hung Ngô Kha hay không, nhưng ông không viết. Trên thực tế, ông không bàn gì đến Ngô Kha trong Biến Động Miền Trung cả, mặc dù ông đã dành rất nhiều trang cho những lời buộc tội rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân được xác định là những người hành quyết trong cuộc Công kích Tết. Một điều lạ trong câu chuyện này là cả hai Hoàng Phủ Ngọc Tường và Ngô Kha đều là thầy giáo của Liên Thành (104). Liên Thành không nói gì đến việc dạy học của Ngô Kha, nhưng trong Biến Động Miền Trung, ông nói Hoàng Phủ Ngọc Tường là một thầy giáo giỏi . Ở trường Quốc học, học sinh cúp cua các lớp Anh văn, Vạn vật, nhưng với môn Việt văn do Hoàng Phủ Ngọc Tường dạy thì không bao giờ vì "không một thầy nào dạy môn Việt văn hay bằng thầy" (**) (104). Sự tán dương này làm độc giả ngạc nhiên vì chỉ trong trang trước đó ông cáo buộc Hoàng Phủ Ngọc Tường tội diệt chủng. Trong các cuộc nội chiến, cơ cấu xã hội vốn cấu kết các cộng đồng với nhau bị phá vỡ và thầy giáo với học sinh - và thậm chí là anh chị em ruột trong một gia đình - có thể đứng về hai phía khác nhau.

Cuộc nội chiến nầy ở Việt Nam không phải là cuộc chiến tranh tôn giáo nhưng nó có yếu tố tôn giáo. Tín đồ Ki-tô giáo có thể là những người chống cộng hơn tín đồ Phật giáo. Các nhà sư thường đi đầu các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Huế trong các năm 1963 1966 và hầu hết những người tham gia trong các cuộc biểu tình này là Phật tử. Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu đều theo Ki-tô giáo và nhiều cư dân Phật tử ở Huế không tin vào họ. Các nhà cai trị ở Sài Gòn, như chúng ta đã thấy, không tin vào sự trung thành của các tướng lãnh và các sĩ quan cảnh sát Phật tử được bổ nhiệm ở Vùng I chiến thuật. Cũng nên lưu ý là Liên Thành chống Cộng cực đoan nhưng lớn lên như là một Phật tử. Mẹ của ông, ông giải thích, là một tín đồ thành kính của một nhà sư tên là Thích Thiện Lạc, thường được gọi là Thầy Ngoạn, và bà đã sắp đặt cho thầy làm lễ quy y cho Liên Thành và các anh chị em (107). Lễ này liên quan đến việc chấp thuận theo Tam Bảo của Phật giáo - Phật, Pháp, Tăng già, và phát nguyện Ngũ giới (Sanskrit: Pancasila): giới bất sát, giới bất đạo, giới bất tà dâm, giới bất vọng ngữ, giới bất ẩm tửu nghĩa là không giết người, không trộm cắp, không dâm dục, không nói dối và không rượu chè (**). Sau khi thực hiện pháp nguyện này, sư thầy đặt cho người đó một Pháp danh.

Mối quan hệ của Liên Thành với Thầy Ngoạn đã trở thành vấn đề vào tháng 12 năm 1970 khi ông thẩm vấn một điệp viên cộng sản cấp cao mới bị bắt và được biết Thầy Ngoạn đang hoạt động cho MTDTGP và ngôi chùa An Lăng của thầy, cách Huế hai cây số về phía tây nam, là nơi trú ẩn và hội họp của cán bộ cộng sản. Được hỗ trợ bởi hai trung đội Cảnh sát dã chiến, Liên Thành đã tấn công chùa An Lăng, giết chết ba binh sĩ MTDTGP và bắt Thầy Ngoạn. Khi mẹ của Liên Thành biết tin là con trai mình bắt Thầy Ngoạn, bà đã nhắn cho ông qua một người con trai khác: "thả Thầy ra, đời thủa nhà ai hắn lại đi bắt Thầy đã làm lễ quy y và đặt Pháp danh cho hắn, thằng con bất hiếu! (**) (108)". Nhưng lời yêu cầu khẩn thiết của bà chỉ như đàn gải tai trâu. Tại một cuộc họp của Hội đồng An Ninh Tỉnh để quyết định việc trừng phạt Thầy Ngoạn, một thành viên đề nghị sáu tháng tù, một người khác một năm tù, nhưng Liên Thành đã thuyết phục họ giam thầy hai năm tại đảo Côn Sơn (109).

Một mẫu tin thú vị của câu chuyện này là người chỉ huy hai trung đội trong vụ đột kích này là Trịnh Công Hà, anh trai của Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Hà là bạn cũ của Liên Thành từ ngày còn đi học, và cả hai đều là thành viên của Câu lạc bộ Judo Huế. (Liên Thành cho biết ông mang đai đen, Trịnh Công Hà thì đai nâu) (110). Huế không phải là một thành phố nhỏ hồi thập kỷ 1960 và 1970, nhưng nó gây ấn tượng cho tôi như là một thành phố nhỏ. Dường như mọi người đều biết nhau. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ hiểu, hoặc muốn hiểu, chính kiến của bạn bè và hàng xóm của họ. Vì lý do nghề nghiệp, Liên Thành muốn biết quan điểm của mọi người - và ông đặc biệt quan tâm đến Trịnh Công Sơn. Ông không đề cập gì đến Trịnh Công Sơn trong Biến Động Miền Trung nhưng trong Huế-Thảm Sát Mậu Thân ông đưa vào cả một bài viết dài mà ông đã đăng trên web vào tháng 5 năm 2009. Liên Thành nói ông thấy cần phải viết bài "Trịnh Công Sơn và những hoạt động trong vùng”, (111) sau khi đọc hai bài viết xuất hiện trên web năm 2009 của hai tác giả, cả hai đều là bạn của Trịnh Công Sơn và cả hai đều là cựu quân nhân trong Quân đội VNCH. Họ chỉ trích Trịnh Công Sơn vì quan điểm thiên tả của ông và vì ông không chịu ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa (112).

Liên Thành đề cập đến tên Ngô Kha bảy lần trong bài viết đầu tiên của ông về Trịnh Công Sơn, nhưng chỉ nói phớt qua. Chẳng hạn ở một đoạn trong bài ông mô tả bốn địa điểm - các nhà và các quán cà phê – mà ông tin là các thành phần cộng sản nằm vùng hội họp. Tên Ngô Kha xuất hiện hai nơi trên danh sách này, một quán cà phê mà ông gọi là "Quán Bạn Tôi" nhưng thực ra là "Quán Bạn" và một lều tranh do bố mẹ hai anh em ruột Hoàng Phủ Ngọc Tường và Hoàng Phủ Ngọc Phan làm chủ và bạn bè gọi là "Tuyệt Tình Cốc", một địa danh trong một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Trung Quốc Kim Dung. Em của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Phan và các bạn của ông rớt kỳ thi vào Luật khoa vì họ bận đi biểu tình chống lại chế độ Nguyễn Văn Thiệu-Nguyễn Cao Kỳ và vì muốn tránh các bạn gái để tập trung vào việc thi lại họ gặp nhau tại căn lều nầy để học (113). Một số người gặp tại những nơi mà Liên Thành nói đến là những phần tử của cộng sản nằm vùng, nhưng cũng có những người khác không theo cọng sản. Ví dụ, một người bạn của tôi - nhà văn Thế Uyên (Nguyễn Kim Dũng) - đã đến Quán Bạn và ngụ ở Tuyệt Tình Cốc trong một lần đến Huế hồi năm 1965.(114) Tôi đến Việt Nam với Thế Uyên vào năm 1992 theo một tài khoản trợ cấp nghiên cứu và đồng tác giả một bài báo với ông. Ông là cháu của Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), một tác giả rất nổi tiếng và tiến bộ nhưng chống cộng. Thế Uyên là một sĩ quan trong Quân lực VNCH, đã trải qua ba năm trong một trại cải tạo trước khi đến Hoa Kỳ. Ông rõ ràng không phải là một tay cộng sản nằm vùng. Cũng theo hiểu biết của tôi thì không ai nghĩ rằng nhà văn viết tiểu thuyết gốc Huế, Túy Hồng (Nguyễn Thị Túy Hồng), người mà theo Liên Thành, thường tham gia tụ tập tại Tuyệt Tình Cốc, là một tay cộng sản. Bà đến Hoa Kỳ vào năm 1975.

Ngô Kha, theo Hoàng Phủ Ngọc Phan, không phải là một người cộng sản. "Cũng xin nói thật, ông nói, Ngô Kha không phải là Việt Cộng nằm vùng. Anh hoạt động như những người phản chiến chống Mỹ trên khắp thế giới. Chính vì vậy mà sau năm 1975, bạn bè ở Huế đã gặp không ít khó khăn khi làm thủ tục xác nhận liệt sĩ cho anh” (**) (115). Liên Thành, một người hành động theo nguyên tắc phạm tội vì liên hệ, đã bắt rất nhiều người vô tội trong cái mạng lưới khổng lồ mà ông ta căng ra để săn tìm những ai "bán mình cho quỷ"(**). Lẽ dỉ nhiên, theo Liên Thành, Hoàng Phủ Ngọc Phan là một trong những con quỷ ấy. Tại Huế-Thảm Sát Mậu Thân, ông cáo buộc Hoàng Phủ Ngọc Phan là một thành viên, cùng với Nguyễn Đắc Xuân, trong nhóm những người đã giết các bác sĩ người Đức trong vụ được đề cập trên đây (116). Hoàng Phủ Ngọc Phan phủ nhận việc giết hại bất kỳ ai và nói rằng nếu Liên Thành trưng ra được bằng chứng không thể chối cải thì ông xin tự vẫn trước mặt Liên Thành (**) (117).

Về Trịnh Công Sơn, cáo buộc gây ngạc nhiên nhất và có lẽ tai hại nhất của Liên Thành không phải là Trịnh Công Sơn là một tay cộng sản nằm vùng mà ông ta, để đổi lại sự đãi ngộ, đã đồng ý cung cấp cho Liên Thành thông tin về nhiều tay nằm vùng khác, nhiều người trong số đó là bạn thân của Trịnh Công Sơn. Trong bài “Trịnh Công Sơn và những hoạt động nằm vùng” Liên Thành nói rằng ông đã thu thập bằng chứng cho thấy Trịnh Công Sơn có liên kết với nhiều người cộng sản và khi ông giáp mặt với người ca sĩ-soạn nhạc với bằng chứng, ông nầy đồng ý cung cấp cho ông những thông tin về những tay cộng sản nằm vùng ở Huế (118). Đổi lại, Liên Thành cho biết ông đã cấp cho Trịnh Công Sơn một giấy tờ gọi là "Sự vụ lệnh công tác đặc biệt", nó giúp anh ta trốn quân dịch, khỏi bị bắt trong các cuộc ca hát phản chiến, hoặc biểu tình chống chiến tranh (**). Giấy tờ này là một củ cà rốt, Liên Thành nói. Còn cây gậy là bị cầm tù bốn năm ở đảo Phú Quốc, một cái án mà ông ta có thể sắp xếp vì cấp bậc cao của ông ta trong lực lượng an ninh - Chỉ Huy Trưởng BCH/CSQG/Thừa Thiên-Huế và là Tổng Thư Ký điều hành Ủy Ban Phượng Hoàng Tỉnh Thừa Thiên và Thị Xã Huế (**).

Tôi không biết nên nói sao về các mô tả của Liên Thành. Trong bài viết của ông về Trịnh Công Sơn và trong những cuốn sách của mình, ông khoe khoang về những thành công của ông trong việc bắt giữ các trí thức ở Huế mà ông xác định là hoạt động cho MTDTGP (119). Chắc chắn một số trí thức là những tay nằm vùng cho MTDTGP và chắc chắn đã có nhiều hành động khủng khiếp gây nên do cả hai phía, nhưng vì Liên Thành viết với sự tức giận không che giấu và khinh thị đối với những ai có liên hệ với MTDTGP, cuốn sách của ông giống như các bài tuyên truyền, chứ không phải là hồi ức lịch sử khách quan. Cuốn sách Biến Động Miền Trung của ông do Ủy Ban Truy Tố Tội Ác Đảng Cộng Sản Việt Nam (**) xuất bản. Liên Thành là chủ tịch của ủy ban này, được thành lập vào tháng 1 năm 2010. Một cuốn sách khác của ông, Huế-Thảm Sát Mậu Thân, là tự xuất bản (120).

Ông Liên Thành cáo buộc Trịnh Công Sơn hai tội ác. Một là giúp đỡ bạn Hoàng Phủ Ngọc Tường và em là Hoàng Phủ Ngọc Phan, rời khỏi Huế để gia nhập MTDTGP, một cuộc ra đi, Liên Thành cho biết, "Thành ủy Huế đã trực tiếp thu xếp" (121). Tội ác kia là liên hệ với những tay cộng sản ở Huế, đặc biệt với một người tên là Lê Khắc Cầm, người thích đọc và dịch các tác phẩm văn chương Anh và Pháp ngữ. Liên Thành nói rằng Lê Khắc Cầm là "cán bộ điều khiển và chỉ đạo trực tiếp" (**) Trịnh Công Sơn (122).

Lê Khắc Cầm và Trịnh Công Sơn rõ ràng là bạn bè và cả hai cùng làm việc với nhau trong số Giáng sinh 1974 của tạp chí Đứng Dậy, gồm các bài viết do bạn bè và các cựu học sinh đòi hỏi chính phủ phải giải thích chuyện gì đã xảy ra cho Ngô Kha (123). Trịnh Công Sơn đã viết bản thảo "Tuyên cáo", và cuối cùng bốn mươi sáu giáo sư, nhà văn và nghệ sĩ ký tên, xuất hiện ở trang đầu của số báo và một bức thư gửi cho Ngô Kha có tựa đề “Lá thư cho một người đang ở tù hay đã bị thủ tiêu” (124). Bức thư này tạo nên một sự xôn xao khi nó được in lại trong các cuốn sách và tạp chí vào các năm 2003 2004 bởi vì bức thư cho thấy Trịnh Công Sơn đã tham gia toàn diện hơn vào cuộc đấu tranh chính trị, nhiều hơn người ta thường biết (125). Thoạt đầu một số độc giả, trong đó có Nguyễn Đắc Xuân, không tin là Trịnh Công Sơn đã viết bức thư vì nó chứa những cụm từ rất cộng sản – các cụm từ như "tập thể nhân dân" và "vấn đề tổ chức cơ cấu". Nhưng rõ ràng là xác thật: Nguyễn Đắc Xuân đã làm một số điều tra và phát hiện ra rằng Bửu Ý có bản thảo viết tay của Trịnh Công Sơn của cả hai "Bản Tuyên bố" và bức thư gửi Ngô Kha (126).

Trong bức thư Trịnh Công Sơn có những từ rất gay gắt đối với “công an mật vụ trí thức”, mật vụ chuyên theo dõi trí thức. "Kha, ông viết, có còn nhớ trước đây có lần mình đã là nạn nhân của một tên điểm chỉ trong bọn nó không?" (**)(127). Ông mô tả tình hình hiện nay là khủng khiếp nhưng lại cho đây là một điều tốt bởi vì người dân sẽ thấy họ không còn gì để mất nữa. "Khi con người nhận thấy, ông nói, mình không còn gì để bị bóc lột và tước đoạt thêm thì đứng dậy và lên đường" (**). Trịnh Công Sơn sử dụng hình ảnh trái chín muồi để nói về sự cáo chung của chế độ hiện tại:

Chắc Kha còn nhớ rõ là chúng ta thường nói với nhau phải chờ một ngày mà mỗi sự kiện tình thế phải có một trái chín muồi. Hôm nay phải chăng những trái cây chờ mong đã chín tới. Những trái cây đói khổ, chết chóc, thất nghiệp, ruộng vườn v.v… hỗ trợ bởi một hoàn cảnh xã hội rách nát, bè phái, tham nhũng, chia rẽ, tù tội, tra tấn… Như thế thì Kha này, có phải là một vận hội mới đã đến lúc phải thành hình hay không ? (**) (129)

Trịnh Công Sơn muốn đem hy vọng cho Ngô Kha nhưng không muốn kích động ông làm điều gì bất cẩn. Những lời cảnh báo của ông cho thấy là ông hiểu rõ tính nóng nảy của bạn mình. "Mình biết được những nao nức như bờm ngựa bất kham trong Kha", ông nói với bạn, "Hãy cố gắng trấn tĩnh, đừng quá nôn nóng như ngày xưa" (**). Ông lập lại lời cảnh cáo chớ nôn nóng ở hai trang sau đó.

Trịnh Công Sơn rõ ràng là tác giả của bức thư này - nhưng ông có phải là một phần tử cộng sản nằm vùng và ông Lê Khắc Cầm có phải là người chỉ đạo ông không? Nguyễn Đắc Xuân, trong bài viết của ông về bức thư của Trịnh Công Sơn, nói rằng ông đã hỏi Lê Khắc Cầm: "Vậy Trịnh Công sơn có phải là cơ sở cách mạng không?" "Điều đó rất khó nói, Lê Khắc Cầm trả lời. Nhưng anh Sơn biết tôi là cơ sở của thành uỷ, làm việc với tôi có nghĩa là làm việc với Cách mạng" (**) (131). Khi được hỏi về ngôn ngữ cách mạng trong bức thư của Trịnh Công Sơn, Lê Khắc Cầm nói rằng việc nầy có thể phản ánh thực tế là “lúc ấy chúng tôi trong ấy có Trịnh Công Sơn đọc rất nhiều sách báo từ chiến khu gửi vào và đặc biệt đêm nào cũng ôm cái Radio nghe đài Hà Nội với sự ngưỡng mộ Cách mạng thì chuyện ngôn ngữ viết bài đấu tranh cách mạng bị ảnh hưởng là chuyện thường (**) (132).

Rõ ràng Trịnh Công Sơn và Lê Khắc Cầm là bạn của nhau, nhưng điều đáng chú ý là Lê Khắc Cầm, người mà Liên Thành quả quyết là người chỉ đạo của Trịnh Công Sơn, nói với Nguyễn Đắc Xuân rằng ông không biết Trịnh Công Sơn có phải là cơ sở cách mạng hay không. Nếu ông Cầm biết ông Sơn là một cơ sở, đó là vào năm 2011 khi Nguyễn Đắc Xuân phỏng vấn ông, ông chẳng có lý do gì để giấu thông tin này.

Những tội ác Liên Thành buộc cho Trịnh Công Sơn không phải là những tội ác tày trời, có thể gởi bị can vào tù vô hạn định nhưng chắc chắn Trịnh Công Sơn cũng biết rằng Liên Thành có quyền làm những điều ông ta muốn và, như ông ta đã nói với Trịnh Công Sơn, chẳng cần có phiên tòa xét xử gì cả. Ông ta có thể ra lệnh bỏ tù Trịnh công Sơn, biện minh rằng "tình hình an ninh" đòi hỏi như vậy. Nếu câu chuyện của Liên Thành là đúng, nếu Trịnh Công Sơn đồng ý làm một điệp viên hai mạng, việc này có thể do ông thấy mình không thể lựa chọn, rằng nếu ông muốn tiếp tục viết và hát những bài phản chiến, ông phải có một số thỏa thuận với Liên Thành. Điều này quan trọng vì Liên Thành nói rằng mặc dù Trịnh Công Sơn có cung cấp tên của một số cơ sở Việt Cộng, ông tiết lộ chỉ "1/10 những sự việc mà Trịnh Công Sơn biết được." "Có nhiều việc rất quan trọng, Liên Thành nói, "Trịnh Công Sơn đã tham gia, biết rõ ràng, tường tận, nhưng y vẫn giữ im lặng, không hề báo cáo." (Liên Thành cho biết ông biết được những chuyện này từ các đường dây nội tuyến khác) (**) (133)

Bí mật vẫn còn bao trùm cả hai nhân vật Ngô Kha và Trịnh Công Sơn, nhưng điều dường như không thể phủ nhận là Ngô Kha và Trịnh Công Sơn đã truyền cảm hứng và ảnh hưởng lẫn nhau. Nhiều đoạn trong "Trường ca hòa bình" của Ngô Kha rất giống nhiều đoạn trong các bài hát của Trịnh Công Sơn trong Kinh Việt NamTa phải thấy mặt trời như các bài "Ta quyết phải sống", "Huế, Sài gòn, Hà Nội" và "Việt Nam ơi hãy vùng lên”. Dưới đây là những dòng mở đầu "Trường ca hòa bình" của Ngô Kha:

Mừng anh em như mới chào đời

Ngày Việt Nam khai sinh ngôn ngữ mới

Ba mươi triệu đồng bào anh em đứng dậy

Như Trường Sơn hùng vĩ đời đời (134)

Hòa bình về trong trái tim người…(**)

Đây là những câu 50-57:

Ta đồng hành tiến bước

ca lên bài Việt Nam thống nhất

Giữa vận hội lịch sử

Ta đi từ Nam Quan đến Cà Mau (135)

từ Cửu Long, Hương Giang ra tới Hồng Hà

Phú Quốc, Côn Lôn, Ba Vì, Côn Đảo(136)

Từ Huế, Sài Gòn ra Thái Bình, Hà Nội,

ta cất lời vang dưới bầu trời (**

Cũng nên lưu ý các điểm tương đồng giữa các câu thơ trên và những câu này trong bài "Huế Sài Gòn Hà Nội" của Trịnh Công Sơn

Từ Trung, Nam, Bắc, chờ mong nung đốt

Những bó đuốc réo vui tự do

Đường đi đến những nơi lao tù

Ngày mai sẽ xây trường hay họp chợ

Dân ta về cày bừa đủ áo cơm no

Bàn tay giúp nước, bàn tay kiến thiết

Những dấu căm hờn xưa nhạt mờ. (**)

Và những dòng này trong bài "Ta thấy gì đêm nay" của Trịnh Công Sơn:

Ta đã thấy gì trong đêm nay

Cờ bay trăm ngọn cờ bay

Rừng núi loan tin đến mọi miền

Gió hòa bình bay về muôn hướng (**)

 

Cả hai Ngô Kha trong bài trường ca và Trịnh Công Sơn trong bài hát đều nói về những điều tốt lành sẽ diễn ra khi hòa bình đến: sẽ không còn bom rơi, hận thù sẽ được thay bằng tình yêu, và cuối cùng thì đất nước - cả ba miền - sẽ được thống nhất. Cuộc hòa đàm Paris khai mạc vào tháng 5 năm 1968. Các đợt thương lượng kéo dài lê thê trong năm năm - bản thỏa thuận cuối cùng mãi tới ngày 17 tháng Giêng năm 1973 mới được ký - nhưng sự khởi đầu của các đợt thương lượng này đã tạo ra một niềm lạc quan lớn lao trên cả Việt Nam và Hoa Kỳ (137). Ngôn ngữ của Trịnh Công Sơn đôi khi nghe có vẻ như quân nhạc. Những bài hát của ông trong Kinh Việt NamTa phải thấy mặt trời là những bài ca phong trào, những bài động viên dân chúng. Mục đích của ông trong những bài hát này, tuy nhiên, với tôi dường như là sử dụng sinh lực vốn có trong ngôn từ hành khúc và chuyển nó sang thành các dự án hòa bình. Giống như Martin Luther King trong bài "diễn văn tiếng trống" nổi tiếng của ông, Trịnh Công Sơn muốn trở thành một tay chơi trống, nhưng là một tay trống ca ngợi tình yêu, một tay trống ca ngợi hoà bình và tái thiết chứ không phải cổ vũ chiến tranh (138). "Ƭɑ đi trong cách mạng tự hào", Trịnh Công Sơn hát “Việt Nam ơi hãy vùng lên”. Nhưng rồi chuyển sang “Ta sẽ chiếm trăm công trường / Ta xây nên nghìn phố hòa bình” (**).

Vậy Ngô Kha và Trịnh Công Sơn khác nhau thế nào? Phong trào đấu tranh ở Huế phần lớn - nhưng không phải toàn bộ - là một phong trào Phật giáo. Ngô Kha, hình như là một Phật tử, và Trịnh Công Sơn có nói Phật giáo đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời mình trong một số bài viết và phỏng vấn (139). Trong thập niên 1960 các tu sĩ Phật giáo ở miền Nam Việt Nam không chú trọng đến việc đem lại bình an cho nội tâm mà họ muốn đem lại bình an cho đất nước; họ muốn chấm dứt chiến tranh. Họ là những người mà nay ta gọi là "Phật tử dấn thân" (**). Có nhiều cách dấn thân khác nhau và ở Việt Nam trong thập niên 1960 các cách thế khác nhau đã được biểu lộ. Cách dấn thân của Thích Trí Quang khác với cách của Thích Nhất Hạnh. Và Thích Tâm Châu, người gần gủi với chế độ Nguyễn Văn Thiệu-Nguyễn Cao Kỳ, có cách riêng của ông. Trong cuốn sách có tựa là “Being peace”, Thích Nhất Hạnh cho rằng "being peace" có nghĩa là "making peace". "Không phải chỉ bằng cách xuống đường hay biểu tình chống tên lửa hạt nhân mà chúng ta có thể mang lại hòa bình", ông viết. “Chính là với khả năng cười, thở và thiền mà ta có thể tạo lập hòa bình” (140). Để đạt đến hòa bình thế giới, Thích Nhất Hạnh nhấn mạnh, người ta phải bắt đầu bằng cách chăm lo hòa bình ngay trong mình. Trịnh Công Sơn, tôi nghĩ, sẽ đồng ý. Ông phấn đấu để bản thân mình có lòng khoan dung và trắc ẩn để khuyến khích người khác cũng khao khát những đức tính này như ông. Ông muốn, như ông hát trong "Để gió cuốn đi" "có một tấm lòng". Ông muốn mọi người yêu thương nhau "Dù đêm súng đạn, dù sáng mưa bom” (**)(141). Song, Ngô Kha thì khác. Ông cổ vũ học sinh đốt xe Mỹ và thủ gạch đá trong túi để ném cảnh sát (142). Ông sẳn sàng tham gia vào các cuộc biểu tình chống tên lửa hạt nhân mà Thích Nhất Hạnh nói đến và có thể khiêu khích cảnh sát để bắt ông, hoặc đánh ông, hoặc bắn ông.

Câu chuyện Ngô Kha gởi đến chúng ta điều gì? Một điều rỏ ràng là nỗi kinh hoàng của cuộc nội chiến. Người Mỹ nghĩ chiến tranh là "ở kia kìa", như ông Nguyễn Thanh Việt chỉ ra. Cuộc chiến tranh Cách mạng và Nội chiến của người Mỹđã thuộc về một quá khứ xa xôi và những ký ức của họ về chúng, ông nói thêm, nay đã được "tái diễn và khử trùng qua những lần tái diễn (143)." Câu chuyện của Ngô Kha cho thấy chiến tranh Việt Nam có tính cách riêng tư và gần gũi như thế nào. Cả Ngô Kha và Hoàng Phủ Ngọc Tường đều là giáo sư của Liên Thành. Anh trai của Ngô Kha và anh họ của ông, Tướng Ngô Dzu, thuộc QLVNCH và Ngô Kha cũng vậy. Tuy nhiên, khi tại ngũ trong QLVNCH, Chiến Đoàn Nguyễn Đại Thức của ông đã đánh nhau với QLVNCH và vì thế trong chính con người của ông đã hàm chứa bản chất nội chiến của cuộc xung đột. Tất nhiên, cuộc nội chiến này không phải là một cuộc nội chiến thuần túy: nó cũng là một cuộc chiến giữa Hoa Kỳ với các nước cộng sản Nga và Trung Hoa. Một bức ảnh trong cuốn sách Biến động miền trung cho thấy hình của Liên Thành nhỏ con đứng bên cạnh một cố vấn HK cao lớn của Chương trình Phoenix làm lộ rỏ chiều kích quốc tế của cuộc xung đột này (xem hình 4). Theo một câu tục ngữ của người Việt, "Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết" (144).

 

Hình 4: Liên Thành đứng trước một viên cố vấn Mỹ
cho Chương trình Phượng Hoàn
g (106)

Cũng có những điều ta học được từ câu chuyện của Ngô Kha về việc nhớ và tha thứ. Ngô Kha yêu đất nước của mình và hy sinh mạng sống khi làm những điều mà ông nghĩ cần phải làm để cứu đất nước. Ông đã hành động với một lòng nhiệt thành và can đảm táo bạo. Ông xứng đáng được mọi người ở cả hai phía tưởng nhớ. Người ở bên nầy phải thông cảm và tưởng nhớ người ở bên kia. Sự tha thứ cũng cần thiết vì nếu không có tha thứ, chúng ta sẽ có cái mà Nguyễn Thanh Việt gọi là "sự lãng quên bất công", dấu diếm nhiều điều vì không nhìn nhận quá khứ, ví dụ như, khi các cựu thù đồng ý ký kết những thỏa hiệp nhưng từ chối tha thứ, để mặc cho lòng oán giận và căm thù âm ĩ bên dưới bề mặt yên tĩnh. Cả người thắng lẫn kẻ bại đều có thể lãng quên bất công và coi bản thân mình là nạn nhân chứ không phải là kẻ gây ác, nhưng sự thất bại, theo Nguyễn Thanh Việt, thường "làm trầm trọng thêm tình cảm này". Kẻ thua cuộc có thể dễ coi mình là nạn nhân. Người Việt tỵ nạn ở Hoa Kỳ, những người bị mất tất cả, ông nói, "có khuynh hướng quên đi, đặc biệt trong các lễ tưởng niệm, các tệ hại tham nhũng của chế độ miền Nam" (145). Nhưng người thắng cuộc cũng quên. Họ thấy mình là nạn nhân của ngoại xâm và xem cuộc chiến này là chiến tranh của người Mỹ. Họ, Nguyễn Thanh Việt nói, "đã thuận lợi mắc chứng bệnh mất trí nhớ, quên những gì họ đã gây ra" (146). Họ quên rằng cuộc chiến tranh nầy cũng là một cuộc nội chiến.

Sự tha thứ mà Nguyễn Thanh Việt mong muốn - không chỉ cho Việt Nam mà cho cả thế giới - là sự tha thứ thuần túy, tha thứ cho điều không thể tha thứ được. Sự tha thứ thuần túy có vẻ như không hợp lý và không hiện thực - thậm chí là điên rồ - nhưng , ông đặt câu hỏi, có phải nó hợp lý hơn và hiện thực hơn là chiến tranh triền miên không? Nếu con người cần sống còn, ông nói, "chúng ta cần một hiện thực không thể thực hiện được" (147)

 

JOHN C. SCHAFER là Professor Emeritus, Khoa Tiếng Anh, Đại học Humboldt State. Ông dạy tiếng Anh ở Việt Nam trong Đội tình nguyện quốc tế (1968-1970) và Chương trình Fulbright (1971-1973, 2001). Tác giả xin cảm ơn Cao Thị Như Quỳnh vì sự hỗ trợ của bà cùng các nhà phê bình ẩn danh đối với bản thảo đầu tiên của luận văn này. Thư ký tòa soạn Trịnh Mỹ Lưu đã giúp tôi rất nhiều trong việc chuẩn bị bản đánh máy của tôi để ấn hành.

 

TÓM TẮT

Bài này miêu tả Ngô Kha, một giáo viên, nhà thơ, sĩ quan quân đội và nhà hoạt động chống chính phủ ở Huế bị mật vụ bắt giữ vào tháng Hai năm 1973, và không còn ai gặp ông nữa. Luận văn miêu tả chuyện dạy học, viết lách, tình bạn của ông với Trịnh Công Sơn, và các hoạt động chống chiến tranh của anh, bao gồm cả việc tham tham gia vào một đơn vị ly khai của quân đội Sài Gòn đánh nhau với lực lượng của Nguyễn Cao Kỳ vào năm 1966. Bài luận nêu bật cái đau buồn của cuộc nội chiến ở Việt Nam và nỗi khó khăn trong việc phục dựng các sự kiện trong thời chiến, tìm kiếm các nguồn thông tin không thiên vị. Luận văn kết luận bằng cách đề nghị rằng "sự tha thứ tinh khiết," do nhà văn Mỹ gốc Việt Nguyễn Thanh Việt trình bày, có thể là cách duy nhất để chấm dứt cuộc chiến tranh triền miên.

 

TỪ KHÓA: Ngô Kha, tha thứ, nội chiến, Trịnh Công Sơn, Liên Thành, Nguyễn Thanh Việt

-------------------------------

Ghi Chú

1. “Hiện tượng Trịnh Công Sơn”, Journal of Asian Studies 66 (2007), 597-643; “Cái chết, Phật giáo và chủ nghĩa hiện sinh trong nhạc Trịnh Công Sơn”, Journal of Vietnamese Studies 2 (2007), 144-186. Một cuốc sách nhỏ tôi viết đối sánh Trịnh Công Sơn và Bob Dylan xuất bản năm 2012. Xem John C. Schafer, Trịnh Công Sơn-Bob Dylan: Như Trăng và nguyệt?, do Cao Thị Như Quynh dịch (Tp. Hồ Chí Minh: Trẻ, 2012). Các từ “Trăng”** và “Nguyệt”** đều dùng để chỉ Trăng trong một ca khúc quen thuộc của Trịnh Công Sơn có tên “Nguyệt Ca”.

2. Những người bạn tài năng khác của Trịnh Công Sơn gồm có các họa sỹ Bửu Chỉ (1948-2002) và Đinh Cường (1939-2016), nhà sử học Nguyễn Đắc Xuân (s. 1937), tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường và tác giả, dịch giả và giáo sư Pháp văn Bửu Ý (s. 1937).

3. Tên đầy đủ của Liên Thành là Nguyễn Phúc Liên thành.

4. Tác giả chụp tháng 3 2017.

5. Các bạn là Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường và Hoàng Phủ Ngọc Phan. Hai người sau là anh em ruột. Liên Thành buộc tội cả ba người can dự vào cuộc thảm sát người dân Huế trong hai cuốn sách của ông: Biến động miền Trung: những bí mật lịch sử trong các giao đoạn 1968-1972. Ấn bản lần thứ 7 (California: Ủy Ban truy tố tội ác đảng Cộng sản Việt Nam), 2014, xuất bàn lần đầu hồi năm 2008; và Huế thảm sát Mâu Thân (Nam California, tác giả xuất bản, 2011).

6. Đường Ngô Kha ở Phường Phú Hiệp gần gốc bắc Kinh thành Huế (nhưng ngoài vòng thành). Trường mang tên Ngô Kha là Trường tiểu học Ngô Kha trên đường Cao Bá Quát ở Huế. Một bản chụp giấy công nhận liệt sỹ cho Ngô Kha in trong Ngô Kha hành trình thơ, hành trình dấn thân & ngôi nhà vĩnh cửu do Bửu Nam và Nguyễn Thị Ánh Nga biên soạn (Huế: Hội nhà văn, 2013), 459.

7. Nguyễn Thanh Việt, “Just Memory: War and the Ethics of Remembrance,” Văn học sử Hoa Kỳ 25, no. 1 (2013), 150.

8. Nguyễn Thanh Việt, Nothing Ever Dies: Vietnam and the Memory of War (Cambridge, MA: nxb ĐH Harvard 2016), 6-7, 66-67.

9. Sđd 33-40.

10. Jacques Derrida, On Cosmopolitanism and Forgiveness, do Mark Dooley và Michael Hughes dịch (London: Routledge, 2011, 27-60; Nguyễn Thanh Việt, Nothing Ever Dies, 286-287.

11. Nguyễn Thanh Việt, Nothing ever dies, 283.

Derrida, On Cosmopolitanism and Forgiveness, 39.

12. Nguyễn Thanh Việt, Nothing ever dies, 288.

14. Sđd.

15. Tôi dạy Anh văn tại Việt Nam từ 1698 đến 1970 thuộc Chương trình tình nguyện Quốc tế vốn được thành lập chủ yếu do sự tài trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ. Từ năm 1971 đến 1973 tôi dạy Anh văn dưới sự bảo trợ của Chương trình Fulbright vốn do Bộ Ngoại gia Hoa kỳ thành lập và điều hành.

16. Bửu Ý, Trịnh Công Sơn: một nhạc sỹ thiên tài (Tp Hồ Chí Minh, Trẻ, 2003), 87-89.

17. Các thông tin về tiểu sử của Ngô Kha có thể đọc trong hai hợp tuyển các bài viết và tài liệu: Bửu Nam và Phạm Thị Ánh Nga, biên soạn, Ngô Kha hành trình (các tham chiếu sau đây chỉ ghi tựa sách); Trần Thức và các đồng sự, Ngô Kha: ngụ ngôn của một thế hệ (Huế, Thuận Hóa, 2005).

18. Các tác giả sau đây đã miệu tà Ngô Kha đã động viên học sinh cỏ ở trong và ngoài giờ học: Lê Văn Lan, “Ngô Kha, Lẫy lừng trên bục giảng” , trong Ngô Kha hành trình, 128-131; và Lê Văn Ngân “Ngô Kha, Người thầy cũ, người bạn” trong Ngô Kha hành trình, 252-256.

19. Bửu Nam và Phạm Thị Anh Nga, biên soạn, Ngô Kha hành trình, bìa sau

20. Nguyễn Duy Hiền đề cập tới các cuộc biểu tình nầy trong”Ghi chép ngắn về cuộc đời nhà thơ-nhà giáo Ngô Kha” trong Trần Thức và đồng sự, Ngô Kha ngụ ngôn, 12-13.

21. Ngô Minh, “Ngô Kha, một cõi tan bồng” trong Ngô Kha hành trình, 278-279.

22. Nguyễn Đắc Xuân, “Ngô Kha-Trịnh Công Sơn, từ tình bạn đến tình nước” trong Ngô Kha hành trình, 237.

23. Nguyễn Duy Hiền, “Ghi chép ngắn”, 9 ghi chép 2. Nhà thơ Ngô Minh cũng nói rõ ràng là anh ruột của Ngô Kha là Ngô Du, không phải tướng Ngô Dzu. Xem Ngô Minh, “Ngô Kha, một cõi tang bồng”, 278.

24. Tuy nhiên trong một bài báo viết về việc Ngô Kha chết ra sao trên web năm 2009, Nguyễn Đắc Xuân nói là Ngô Dzu, “tướng thời VNCH”, là bác  của Ngô Kha, Nguyễn Đắc Xuân, “Vài điều về Liên Thành, Tác giả Biến Động Miền Trung”, sách hiếm, 25.11.2009, http://sachhiem.net/NguyenDacXuan/ NguyenDacXuan017.php (truy cập 30.10.2016). Một phiên bản ngắn hơn của bài mang tựa “Cái chết của Ngô Kha như tôi đã biết”, in trong Ngô Kha hành trình, 220-222.

25. Ngô Minh nói Ngô Kha được giải ngũ năm 1964. (Hình như ông được biệt phái hơn là giải ngũ vì vào đầu năm 1972 bị xét xử tại một tòa án binh). Tuy nhiên, Nguyễn Đắc Xuân nói Ngô Kha còn chưa ra trường huấn luyện sỹ quan cho đến năm 1965 và sau đó, theo bổ nhiệm của người bà con, tướng Ngô Dzu, làm tùy viên báo chí. Xem “Ngô Kha, một cõi tang bồng” 279 và Nguyễn Đắc Xuân, “Ngô Kha-Trịnh Công Sơn”, 237.

26. Hoàng Phủ Ngọc Tường, “Ngôi nhà của những gã lang thang”, trong Ngô Kha hành trình, 229; và Nguyễn Đắc Xuân, “Ngô Kha-Trịng Công Sơn”, 237.

27. Robert J. Topmiller, The Lotus Unleashed (Lexington, KY: nxh Đại học Kentucky, 2000), 2. Khi tướng Nguyễn Khánh và “các tướng trẻ” (nguyên văn: Young Turks) sau cuộc mưu sát Ngô Đình Diệm tướng Khánh đã hũy bỏ Dụ số 10. Xem them Cao Huy Thuần, “Vài điều cần bàn về phong trào Phật giáo”, Thời đại mới  21 (T. Năm 2011), có thể xem tại http://www.tapchithoidai. org/ThoiDai21/201121_CaoHuyThuan.htm (truy cập ngày 23.09.2014). Thiên Đo giải thích rằng “Đạo dụ đáng xấu hổ số 10 đặt mọi tổ chức tôn giáo, ngoại trừ các giáo hội Công giáo và Tin lành, vào loại hiệp hội công cộng. Điều 7 của Dụ quy định rằng “giấy phép thành lập một hiệp hội có thể bị từ chối mà không cần nêu lý do”. Xem Thiên Đô, “The Quest for Enlightenment and Cultural Identity: Buddhism in

Contemporary Vietnam” trong quyển Buddhism and Politics in Twentieth-Century Asia, Ian Harris biên tập (London, Pinter, 1999), 270-271.

28. Về thông tin của việc rắc rối chi tiết và mô tả cuộc đấu của Ngô Đình Diệm với giới Phật tử năm 1963, xem Edward Miller, “Religious Revival and the

Politics of Nation Building: Reinterpreting the 1963 ‘Buddhist crisis’ in South

Vietnam,” Modern Asian Studies 29 (2014), 1903-1962.

29. George McTurnan Kahin, Intervention: How America Became Involved in Vietnam (New York: Alfred A. Knopf, 1986), 423 và 535, ghi chú 49.

30. Stanley Karnow, Vietnam: A History (New York: nxb Viking, 1983), 445.

31. Lewis W. Walt, Strange War, Strange Strategy: A General’s Report on Vietnam (New York: Funk & Wagnalls, 1970), 117.

32. Neil Sheehan, “Airbase is Shelled,” The New York Times, 21.05.1966; xem thêm Robert J. Topmiller, The Lotus Unleashed, 124.

33. Nguyễn Đắc Xuân cho là Ngô Kha thành lập chiến đoàn này, song Nguyễn Duy Hiền nói rằng Ngô Kha là “một trong những thành viên nòng cốt lãnh đạo đơn vị ly khai của QĐ Sài Gòn. Xem “Ngô Kha-Trịnh Công Sơn”, 237; và Nguyễn Duy Hiền, “Ghi chép ngắn”, 11.

34. Nguyễn Đắc Xuân, “Ngô Kha-Trịnh Công Sơn”, 238.

35. Hoàng Phủ Ngọc Tường, “Căn nhà của những gã lang thang”, 229. Xem thêm Nguyễn Đắc Xuân, “Ngô Kha-Trịnh Công Sơn”, 237

36. Liên Thành, Biến Động Miền Trung, 145-146.

37. Sđd, 145. Xem thêm Liên Thành, Huế thảm sát mậu thân, 211-213

38. Nguyễn Đắc Xuân nói rõ Liên Thành là học sinh của Ngô Kha nhưng ông cho biết là khi nào hay ở trường nào. Xem Nguyễn Đắc Xuân, “Vài điều về Liên

Thành”, 220.

39. Xem Nguyễn Đắc Xuân, “Ngô Kha—Trịnh Công Sơn”, 238.

40. R.W. Apple Jr., “Buddhist Students Wreck American Center in Huế,” The New York Times, 27.05.1966.

41. “Student Mob in Huế Burns American Consular Office,” The New York Times, 01.06.1966

42. Robert J. Topmiller, The Lotus Unleashed, 131-132.

43. Hoàng Trọng Tấn, “Những năm tháng sống trong nhà vườn Cậu Kha”, trong Ngô Kha hành trình, 116.

44. Thái Ngọc San là người có nhiều thời gian bên Ngô Kha hồi năm 1968 nói rằng cuộc hôn nhân của Ngô Kha “vừa tan vỡ). Xem bài “Bài ca bi tráng của phong trào đô thị Huế” trong Ngô Kha hành trình, 98.

45. Đỗ Lai Thủy, "Người đọc hông đãng trí”, trong Ngô Kha hành trình, 40.

46. ​​Ngô Minh, "Ngô Kha, mt cõi tang bồng," 277.

47. Trịnh Công Sơn sáng tác các bài hát trong hai tập này sau cuộc Công kích Tết năm 1968. Một tập nhạc in có tựa “Kinh Việt Nam” xuất bản năm 1968; Một tập tương tự có tựa “Ta phải thấy mặt trời” đoán chừng xuất bản năm 1969. Tôi nói "đoán chừng" vì bản Ta phải thấy mặt trời của tôi không có ngày xuất bản; tuy nhiên ở trang thứ hai có các từ "hoàn thành vào cuối tháng 10 năm 1969". Cả tập bài hát này đều do Nhân bản xuất bản.

48. Tôi đã nói đến hai tập được đề cập o83 các ghi chú 6 và 17.

49. Nguyễn Duy Hiền, "Ghi chép ngắn", 12.

50. Sđd., 12, chú thích 8.

51. Cao Thị Uẩn, "Thư đòi con", trong Đứng dậy các số 65-66 (tháng 12 năm 1974): 163-164. Toàn bộ ấn bản của tạp chí này được in lại ở Ngô Kha hành trình, 159-214. Số trang tham chiếu là theo bản in lại của tạp chí này.

52. Nguyễn Đắc Xuân, Trịnh Công Sơn: Có một thời như thế  (TP HCM: Văn Họcc, 2003), 79; và Nguyễn Duy Hiễn, "Ghi chép ngắn", 11.

53. Lê Văn Thuyên, "Anh Ngô Kha trong ký ức tôi", trong Ngô Kha hành trình, 106.

54. Hoàng Hoa, "Nhớ Anh Ngo Kha", trong Ngô Kha hành trình, 118-123.

55. Người Pháp gọi hòn đảo này là Poulo Condore và giam các tù nhân chính trị người Việt trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Năm 1970, Don Luce, cựu giám đốc Đội tình nguyện quốc tế sau đó làm việc tại Việt Nam cho Hội đồng Giáo hội Thế giới, đã dẫn đầu một phái đoàn quốc hội Hoa Kỳ đến một khu nhà tù, nơi các tù nhân bị xiềng trong các chuồng nhỏ năm nhân chín foot gọi là chuồng cọp. (Luce sử dụng một bản đồ do một cựu tù nhân đưa cho anh ta để tìm các chuồng này.) Đảo Côn Sơn, còn gọi là Côn Lôn, cách tp Hồ Chí Minh 143 dậm, một trong mười sáu hòn đảo nhỏ trong một quần đảo được gọi là Côn Đảo.

56. Nguyễn Duy Hiển, "Ghi chép ngắn," 14, chú thích 10.

57. Nguyễn Đắc Xuân, "Vài điều về Liên Thành"; và Nguyễn Đắc Xuân, "Cái chết của Ngô Kha" 220-222.

58. Nguyễn Đắc Xuân, "Cái chết của Ngô Kha", 220.

59. Sđd, 220-221.

60. Liên Thành, Biến động miền Trung, 474.

61. Nhit Huy, "Trường hợp Ngô Kha”, Đứng dậy số 65-66 (tháng 12 năm 1974), 168.

62. Nguyễn Đắc Xuân, "Cái chết của Ngô Kha", 221.

63. Nguyễn Đắc Xuân, phỏng vấn Dương Minh Long, "Nhà Văn Nguyên Đắc Xuân một chứng nhân của những năm sáu mươi ở Huế”, Đông Dương Thời Báo, http://dongduongthoibao.net/view.php?storyid=561 (truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2016).

64. Như đã giải thích trước đây, Liên Thành hối tiếc đã để cho Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tướng, và Hoàng Phủ Ngọcc Phan thoát khỏi tay mình hồi năm 1966.

65. Nhã Ca, “Giải khan sô cho Huế” (Sài Gòn: Đất Lành), 1971). Olga Dror đã trình xuất một bản dịch đoạt giải của cuốn sách này: Nha Ca, Mourning Headband cho Huế (Bloomington: Indiana University Press, 2014).

66. Nguyễn Đắc Xuân, "Đọc hồi ký của Nhã Ca-Bình luận của người trong cuộc”, Tạp chí Sông Hương, http: // tapchisonghuong .com.vn / tap-chi / c112 / n881 / Doc-Nha-Ca-hoi-ky-Binh-luan-cua-mot-nguoi-trong-cuoc.html (truy cập ngày 16 tháng 1 năm 2017). Bài viết này nguyên xuất hiện trong Tạp chí Sống Hương, 235 (tháng 9 năm 2008).

67. Olga Dror chỉ ra rằng Nhã Ca đã sửa lỗi này trong một ấn bản về sau của cuốn sách. Xem Olga Dror, "Lời giới thiệu của dịch giả", tại Nhã Ca, Giải khan sô cho Huế, lii.

68. Nguyễn Đắc Xuân, "Hậu quả của ‘Cái chết’ của tôi”, http: /sachhiem.net/NDX/NDX020.php (truy cập ngày 27 tháng 1 năm 2011). Bài viết này in lại trong Nguyễn Đắc Xuân, Từ Phú Xuân đến Huế: Tự truyện  (TP. HCM: Trẻ, 2012), 135-150.

69. Nguyễn Đắc Xuân, phỏng vấn Dương Minh Long.

70. Olga Dror mô tả Nhà Ca và chồng phải chịu đựng ra sao sau năm 1975 và cuối cùng đã đến Hoa Kỳ như thế nào trong "Lời giới thiệu của dịch giả" cho Giải khan sô cho Huế, xxi-xxiii).

71. Liên Thành, Huế thảm sát, 173. Nhóm này do một tổ chức lớn hơn gọi là Mặt trận Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình thành phố Huế chỉ đạo. Chủ tịch của tổ chức này là Lê Văn Hảo, một giáo sư Đại học Huế đã rời Huế ngay trước khi cuộc tấn công vào Huế bắt đầu. Hoàng Phủ Ngọc Tường là tổng thư ký và Nguyễn Đắc Xuân chịu trách nhiệm tổ chức thanh niên. Xem Nguyễn Đắc Xuân, phỏng vấn Dương Minh Long, và Liên Thành, Huế thảm sát, 172-173, 688-689.

72. Liên Thành, Huế thảm sát, 363.

73. Sđd., 228-230.

74. Sđd., 215.

75. Alje Vennema, Thảm sát ở Huế của Việt Cộng, ((New York: Vantage Press,

1976),  94.

76. Sđd., 23, 24, 94.

77. Sđd., 93-94.

78. Liên Thành, Huế thảm sát, 215; Liên Thành, Biến Động Miền Trung, 146.

79. Liên Thành, Biến động miền Trung, 139.

80. Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thụy Khuê phỏng vấn, ngày 12 tháng 7 năm 1997, "Nói chuyện với Hoàng Phủ Ngọc Tường về sự kiện tại Huế, Radio France international, http://thuykhue.free.fr/tk97/nchpngoctuong.html (truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2016).

81. Ngô Minh, "Bi kịch của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Quà tặng xứ mưa, https://ngominhblog.wordpress.com/author/ngominhblog/ (truy cập ngày 31 tháng 12, 2016).

82. Mark Bowden, Huế 68: Một bước ngoặt của cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam (New York: Atlantic Monthly Press, 2017), 529.

83. Sđd., 572, ghi chú 83.

84. Sđd., 306.

85. Sdd., 586, ghi chú 11.

86. "Hoàng Phủ Ngọc Tường, của Nguyễn Đức Tùng phỏng vấn, tháng 6, 2008, Tạp chí Da Màu, http://damau.org/archives/38341 (truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2015).

87. "Lời cuối cho câu chuyện quá buồn https://www.facebook.com/notes/nguy%E1%BB%85n-quang-l%E1%BA%ADp/l%E1%

BB%9Di-cu%E1%BB%91i-cho-c%C3%A2u-chuy%E1%BB%87n-qu%C3%A1- bu%E1%BB%93n/306426446548435/?pnref=story (truy cập Ngày 14 tháng 2 năm 2018).

88. Cuộc phỏng vấn này có thể xem trực tuyến tại https://www.youtube.com/watch?v=MaNr16RDrzQ (truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2018).

89. Đông Ba là tên của ngôi chợ chính ở Huế trên đường Trần Hưng Đạo và cũng là tên của một cửa vào Kinh thành trên đường Mai Thúc Loan. Không rõ Hoàng Phủ Ngọc Tường đề cập đến khu vực nào.

90. “Hoàng Phủ Ngọc Tường “Lời cuối cho câu chuyện quá buồn”.

91. S đd.

92. Bình phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường về nỗi đau mà ông cảm nhận đối với những vụ giết người phi lý của quân nổi dậy là một sự lặp lại nguyên văn về những gì ông nói trong cuộc phỏng vấn của Thụy Khuê, phóng viên của Radio France Internationale (RFI), ngày 12/7/1997. Xem "Nói chuyện với Hoàng Phú Ngọc Tuàng về biến cố Mậu thân 1968 ở Huế”. Bản ghi của cuộc phỏng vấn này có tại: https://sites.google.com/site/namkyluctinhorg/tac-gia-tac-pham/stuv/thuy-khe/noi-chuyen-voi-hoang-phu-ngoc-tuong-ve-bien-co-mau-than-o-hue? tmpl =% 2Fsystem% 2Fapp %

2Ftemplates% 2Fprint% 2F & showPrintDiaalog = 1

93. Đặng Tiến, "Trường hợp Hoàng Phú Ngọc Tường”. Bài viết này có thể đọc tại trang web được đề cập ở ghi chú 87.

94. Cao Thị Uẩn, "Thư đòi con". Thư của mẹ Ngô Kha được in trong Ngô Kha hành trình, 163-165. Bức thư của bà xuất hiện lần đầu trong ấn bản đặc biệt của Đứng dậy, một tạp chí in roéno do nhà báo tên Nguyễn Quốc Thái biên tập. Bản đặc biệt này bao gồm năm mươi lăm trang và phát hành vào tháng 12 năm 1974. Ấn bản chủ yếu gồm các bức thư của các nghệ sĩ và nhà văn ở Huế gửi đến Ngô Khả. Mục đích của việc công bố các bức thư này là áp lực chính phủ giải thích chuyện gì đã xảy ra với Ngô Kha. Trịnh Công Sơn đã viết một trong các bức thư mà tôi thảo luận sau trong phần này.

95. Thu Hà, "Cái gì đã thuộc về nguyên tắc thì không có ngoại lệ", Tuổi trẻ, ngày 18 tháng 4 năm 2003, http://www.tuoitre.com.vn (truy cập ngày 11 tháng 5 năm 2004).

96. Nguyễn Đắc Xuân mô tả cuộc họp này tại Trịnh Công Sơn: Có một thời như

thế”, 98-101.

97. Có hai tập bài hát khác nhau mang tên Ca khúc Da Vàng được xuất bản. Các ấn bản đầu có mười hai bài hát; các ấn bản sau có mười bốn bài hát. Tôi có cả hai ấn bản mà tôi đã mua khi tôi ở Việt Nam vào cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970. Cả hai ấn bản dù với mười hai hay với mười sáu bài đều có ngày ấn hành nhưng cả hai đều là ấn bản lần thứ năm. Trịnh Công Sơn đã viết và biểu diễn nhiều bài trong các tập bài hát này trước khi các tập được xuất bản.

98. Nguyễn Đắc Xuân, Trịnh Công Sơn, 73, 83.

99. Sđd., 101.

100. Hoàng Hoa, "Nhớ anh Ngô Kha", 120-121; Lê Văn Lân, "Ngô Kha, Lẫy lừng

trên bục giảng", 130; và Thái Ngọc San, "Bài ca bi tráng", 99.

101. Ngô Minh, "Ngô Kha, một cõi tang bồng" 279.

102. Liên Thành, "Trịnh Công Sơn và các hoạt động nằm vùng”, Khai phóng”, ngày 28 tháng 5 năm 2009, http://khaiphong.org/showthread.php?1929-Tr%26% 237883%3Bnh-C%F4ng-S%26%23417%3Bn-v%E0-nh%26%237919%3Bng-ho%26%237841%

3Bt-%26%23273%3B% 26%237897%3Bng-n% 26%237857%3Bm-v%F9ng (truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2016). Xem thêm Liên Thành, "Liên Thành trả lời một số thắc mắc trong bài về Trịnh Công Sơn”, Biến động miền Trung, Tháng sáu 30, 2009, http://biendongmientrung-lienthanh.blogspot.com/2009/06/lien- thanh-viet-bai-2-ve-trinh-cong-son.html (truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2017).

103. Xem ghi chú 5.

104. Nguyễn Đắc Xuân nói rằng Liên Thanh là một học sinh của Ngô Kha trong "Cái chết của Ngô Kha" 220.

105. Liên Thành, Biến động miền Trung, 140.

106. Liên Thành, Biến động miền Trung, 338.

107. Sđd., 363.

108. Sđd.

109. Sđd., 364-365.

110. Sđd., 361.

111. Liên Thành, "Trịnh Công Sơn".

112. Trjnh Cung, "Trịnh Công Sơn không quan tâm đến chính trị?" Tạp chí Da Mau, http://damau.org/archives/

5055 (truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2016); và Bằng Phong Đặng Văn Âu, "Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn-một thiên tài đồng lõa với tội ác”, Tiền vệ, http: //www.tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do;jsessionid=5B274D833247970BDBCC546A441CA824?action=viewArtwork&artworkId=8532 (truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2016).

113. Hoàng Phú Ngọc Tường, "Tuyệt tình cốc", Hợp Lưu 22 (1995), 52-58.

114. Thế Uyên mô tả chuyến thăm này trong một bài báo ông viết vào năm 1989. Xem Thế Uyên,

"Những người từ Tuyệt Tình Cốc", Sáng Tạo, https://santao.org/2016/07/14/nhung-nguoi-tu- tuyet-tinhcoc / (truy cập ngày 21 tháng 11 năm 20016).

115. Hoàng Phủ Ngọc Phan, "Trịnh Công Sơn và Những Hoạt Động Nằm Vùng", Saigon Echo, http:// saigonecho.info/main/lichsuvn/37-chientranhvn/9318-Tr% E1%BB% (truy cập ngày 18 tháng 11 2016).

116. Liên Thành, Huế thảm sát, 227-230.

117. Hoàng Phủ Ngọc Phan, "Trịnh Công Sơn".

118. Liên Thành, "Trịnh Công Sơn".

119. Tôi đề cập đến hai cuốn sách của Liên Thanh được trích dẫn trong ghi chú 5.

120. Liên Thành, Huế thảm sát.

121. Liên Thành, "Trịnh Công Sơn".

122. Sđd.

123. Toàn bộ nội dung của tạp chí này được in lại trong Ngô Kha hành trình, 159-214.

124. Trịnh Công Sơn, "Lá thư gửi cho người đang ở trong tù hay đã bị thủ tiêu" trong Ngô Kha hành trình, 183-194. Bức thư này nguyên được in trong Đứng dậy các số 65-66 (1974), 107-114. Tuy nhiên các số trang trong các ghi chú tiếp theo sẽ theo bức thư được in lại ở Ngô Kha hành trình.

125. Bức thư được in lại trong các sách: Nguyễn Đắc Xuân, Trịnh Công Sơn, 153-162; và Lê Minh Quốc, biên tập, “Trịnh Công Sơn: Rơi lệ ru người”, (Hà Nội: Phụ nữ, 2004), 26-35. Thư cũng có trong các tạp chí: “Thơ” (88), phụ trương Báo Văn Nghệ (ngày 6 tháng 6 năm 2004) và Thanh niên 178, (26/6/2004).

126. Nguyễn Đắc Xuân, “Sự thực ‘Thư gửi Ngô Kha của Trịnh Công Sơn”, trong Ngô Kha hành trình, 217.

127. Trịnh Công Sơn, "Lá thư gửi cho người", trong Ngô Kha hành trình, 188-189.

128. Bữu Nam và Phạm Thị Anh Nga, biên soạn, Ngô Kha hanh trinh, 159.

129. Sđd., 191-192, trích đoạn từ bản gốc.

130. Sđd., 190.

131. Nguyễn Đắc Xuân, "Sự thực ‘Thư gửi Ngô Kha’" trong Ngô Kha hành trinh, 218.

132. Sđd.

133. Liên Thành, "Trịnh Công Sơn."

134. Cordillera Annamese (nguyên văn tiếng Anh), một dãy núi trải dài song song với bờ biển từ tây bắc đến đông nam, tạo thành ranh giới giữa Lào và Việt Nam.

135. "Nam Quan" là một cửa khẩu trên biên giới Việt-Trung. "Cà Mau" là tên của một thành phố và tỉnh ở cực nam của Việt Nam.

136. "Phú Quốc" và "Côn Lôn" (còn gọi là Côn Sơn) là những hòn đảo ở Biển Đông. (Ngô Kha bị giam ở đảo Phú Quốc năm 1966.) Để biết thêm về Côn Lôn xem chú thích 54. "Ba Vì" là một dãy núi ở phía bắc. "Tam đảo" là tên của một dãy núi khác ở phía bắc Việt Nam, một dãy với ba đỉnh.

137. Đặng Tiến lập luận rằng việc mở các cuộc đàm phán này giúp thuyết minh cho những viễn ảnh lộng lẫy của một Việt Nam hòa bình mà người ta thấy trong các bài hát về sau của Trịnh Công Sơn. Xem Đặng Tiến, "Trịnh Công Sơn: Tiếng hát Hòa bình Văn Học, 186 & 187 (2001), 190-191.

138. Martin Luther King có buổi thuyết giáo của mình mang tựa đề "The drum major instinct", tại Nhà thờ Baptist Ebenezer ở Atlanta, Georgia, ngày 4 tháng 2 năm 1968, hai tháng trước khi ông bị ám sát. Trong bài giảng này, ông đã nói với giáo đoàn điều ông muốn mọi người nói về ông trong tang lễ của mình. "Tôi muốn một ai đó ngày đó nói rằng Martin Luther King (con) đã cố gắng yêu thương một ai đó. Tôi muốn quý vị nói rằng ngày hôm đó tôi đã cố gắng hành sự đúng về vấn đề chiến tranh."

139. Lời bàn này cùng các ý kiến ​​khác rằng Trịnh Công Sơn đã cho thấy ông thuôc giới Pht t có thể thấy trong câu "Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: ‘Phải biết sống hết mình trong mỗi sát na của hiện tại’”. Lời nói đầu giải thích rằng những nhận xét này trước đó đã xuất hiện trong tạp chí Nguyệt San Giác Ngộ. Xem Lê Minh Quốc, biên soạn, Trịnh Công Sơn: Rơi lệ ru người (Hà Nội: Phụ nữ, 2004), 202. Xem thêm bài phỏng vấn Thích Tâm Thiện, “Trịnh Công Sơn và ảnh hưởng của đạo Phật trong ca khúc”, Vietnam Express, ngày 1 tháng 11 năm 2002, http://vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/2002/01/ 3B9B83A0/ (truy cập ngày 14 tháng 2, 2005). Phiên bản trực tuyến này dường như không phải là bài phỏng vấn đầy đủ vốn, được đang lần đầu trên tạp chí Phật Giáo Giao Điểm (ngày 3 tháng 3 năm 1999). Các phần của cuộc phỏng vấn này cũng có trong "Nghĩ về thiền” trong Trịnh Công Sơn: Tôi là ai là ai ..., Nguyễn Minh Nhật và đồng sự biên soạn (TP HCM: Trẻ, 2011), 212-214.

140. Thích Nhất Hạnh, Being space (Berkeley, CA: Parallax Press, 1987), 12.

141. "Hãy yêu nhau đi"

142. Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé (Tp Hồ Chí Minh: Trẻ, 2004), 41.

143. Việt Thanh Nguyễn, "Just Memory," 145.

144. Nguyên văn: “When buffaloes and cows fight, mosquitoes and flies die.”

145. Việt Thanh Nguyễn, Nothing Ever Dies, 280.

146. Sđd., 6.

147. Sđd., 290-291.

 

Người dịch gửi cho viet-studies  tháng 4-2018, John Schafer hiệu đính cho viet-studies tháng 5-2018