Người “định lượng” văn học sử

Phạm Quang Đẩu

 

Một hôm, tôi nhận được cuộc gọi điện thoại bàn giọng miền Trung, hình như có cả thoáng cười lúc ấy: “Tôi là Phương Lựu. Đọc cuốn Một ngày là mười năm dự giải hàng năm Hội Nhà văn của anh. Tôi bỏ phiếu cho anh, song ban giám khảo bảo cuốn này đã được giải Mê Kông rồi. Cái câu của nhân vật cựu chiến binh mở đầu cuốn sách thú vị đấy, tôi cũng tâm niệm thế: Sống vô tư, ăn từ từ, đi đột ngột...”

Tôi chưa gặp, cũng chưa biết mặt bác Phương Lựu, chỉ biết tiếng bác ngày đó là chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình của Hội Nhà vănViệt Nam, lại vừa được đọc bài dài cả trang trên báo Văn Nghệ số mới về phê bình nữ quyền sinh thái của tác giả “giáo sư, tiến sĩ khoa học Phương Lựu”. Song cái tôi quan tâm lại không phải là lí luận văn học kiểu như thế, bác chẳng đã có lần trả lời phỏng vấn “người sáng tác mấy khi đọc lí luận”. Ngày đó cũng chưa thịnh hành điện thoại di động thông minh như bây giờ, nên tôi cảm ơn GS. Phương Lựu đã chủ động điện thăm hỏi cho biết thông tin và tôi xin số điện thoại, địa chỉ nhà để trong một ngày đẹp trời sẽ đến diện kiến sư phụ.

Nhà bác Phương Lựu ở một ngách đầu đường Nguyễn Khánh Toàn, thuộc quận Cầu Giấy. Mở cửa, hiện ra một ông già dáng tầm thước chắc khỏe, khuôn mặt vuông vức, tóc muối tiêu.Tôi đã gọi điện báo trước, bác vui vẻ bắt tay, xuề xòa gần gũi như quen biết từ lâu. Lại đập vào mắt tôi phía bên trái buồng khách trần thấp nhưng rộng rãi(Chắc chủ cũ dành buồng này làm ga ra ô tô), có cái bệ vuông vức xây sát tường trên đặt pho tượng bán thân bằng đồng thoạt trông biết ngay tượng bác, cạnh có treo tấm bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Chủ lại biết ý khách, liền “thuyết minh”: Năm 2006, mừng thầy thất thập cổ lai hy, học trò mang đến tặng đấy. Rồi ngồi nói chuyện được một lúc, bác gái đi chợ về xách cái làn nhựa to, bác trai giới thiệu đôi điều, nhân thể bảo luôn với khách: Trưa anh ở đây ăn cơm với vợ chồng tôi nhé, rau dưa thôi có bày vẽ gì đâu...


GS.Phương Lựu, năm bảo vệ thành công luận án TSKH (1991)

Ở Hội Nhà văn tôi toàn tiếp xúc với bạn bè sáng tác văn thơ, bác Phương Lựu thành viên hiếm hoi là nhà lí luận. Mà lí luận xịn, kinh viện.Về sau tỉm hiểu, tôi còn biết có khá nhiều điều độc đáo ở vị giáo sư văn học không chỉ kinh viện, mà rất đời thường này. Năm 1954 tròn 18 tuổi, Bùi Văn Ba (tên thật của bác Phương Lựu) được Đảng bộ Liên khu V chọn trong số những học sinh gửi ra Việt Bắc để sang Trung Quốc học. Anh giỏi toán, ghét môn văn, hồi còn học ở trường Trung học Lê Khiết, Quảng Ngãi thầy Lê Trí Viễn cứ thấy bài luận làm sơ sài của Bùi Văn Ba, cho xơi trứng ngỗng ngay. Có lẽ thầy “ghét” còn là do chữ anh xấu viết lí nhí nữa. Hồi học sắp tốt nghiệp ở Bắc Kinh anh nhận được thư của nhà văn Hoài Thanh, chê khéo: Có lẽ anh học bên ấy hơi lâu rồi, quen viết quốc ngữ theo kiểu Hán tự nên tôi lần mãi không ra; một thầy Trung Quốc thì bảo, anh viết chữ Hán giống như chữ Việt hay sao ấy nhỉ. Ngày đầu sang nước bạn, tổ chức lại phân học văn. Buồn quá, lòng anh không khỏi miễn cưỡng, về sau mới thích dần, ngấu nghiến hết từ Tây Sương ký đếnTam Quốc diễn nghĩa, Những người khốn khổ, Jean Christophe...Hóa ra văn cũng hay chả kém toán. Và năm 1960 Bùi Văn Ba tốt nghiệp xuất sắc Đại học Sư phạm Bắc Kinh, về nước anh được phân công giảng dạy văn học Trung Quốc ở Đại học Sư phạm Hà Nội, nhiều năm làm chủ nhiệm bộ môn lí luận văn học.

Thân mẫu của Bùi Văn Ba thời trẻ xinh đẹp đảm đang, chồng mất sớm, bao người đến cầu hôn bà vẫn ở vậy nuôi dạy hai người con trai. Bà còn tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1965, một hôm như thường lệ buổi sáng Bùi Văn Ba chạy quanh Bờ Hồ một vòng, về nhà bỗng nôn thốc tháo, phải xoa dầu đánh gió, đắp chăn nằm mất cả buổi. Mấy tháng sau, hôm đó vừa thức giấc đã thấy một phong thư nhét qua cửa không có dấu bưu điện, chắc là theo một đường dây bí mật từ miền Nam gửi ra, báo tin má anh đã hy sinh vào sáng ngày 1-8-1965, đúng vào cái hôm anh bị cảm lạnh bất thường ấy. Một sự “ngoại cảm”, hay hồn thiêng thoát xác của má bay ra báo tin cho con trai biết chăng? Thương má, căm thù giặc dạo ấy anh đã xung phong vào miền Nam chiến đấu nhưng không được chấp thuận vì gia đình đã có anh trai liệt sĩ chống Pháp. Không được đi B thì đánh giặc “gián tiếp”. Anh là trung đội trưởng tự vệ của trường Sư phạm, ngày 12-7-1972 khẩu 12,7 ly trực chiến của trung đội anh đã góp phần vào chiến công chung, bắn rơi máy bay Mỹ khi xâm phạm bầu trời thủ đô. Từ sau ngày má mất(Bà được truy phong Mẹ  Việt Nam anh hùng), Bùi Văn Ba trong các bài hay sách nghiên cứu lấy bút danh Phương Lựu: Lựu, tên má ruột;  Phương là tên má vợ, ghép chung lại theo nghĩa Hán tự là một bông hoa lựu đỏ và thơm. Bút danh này lâu nay đã trở nên quen thuộc với giới nghiên cứu văn học, cũng đã hiện diện trong cuốn Đại từ điển Văn học nước ngoài thế kỷ XX của Trung Quốc, do NXB Dịch Lâm, Nam Kinh ấn hành năm 1999.

Tự học là đặc điểm nổi trội trong đời công tác của GS. Phương Lựu. Năm 1987, bác đã bảo vệ tiến sĩ bằng con đường tự học; tiếp đến 1991, cũng bằng con đường tự học, bác trở thành tiến sĩ khoa học về văn học duy nhất cho đến nay bảo vệ thành công học vị này ở trong nước. Như đánh giá của Hội đồng chấm luận án Nhà nước, đề tài Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học trung đại Việt Nam: “Lần đầu tiên trong lịch sử nghiên cứu văn học đã xác lập được hệ thống quan niệm văn học trung đại nước nhà, với nội dung phong phú, kết cấu chặt chẽ, chứa đựng nhiều kết luận mới mẻ...”. Và 100% thành viên Hội đồng bỏ phiếu tán thành bản luận án. Giỏi tiếng Trung, bác tự học sử dụng thạo thêm tiếng Pháp và Nga. Một đồng nghiệp đàn em của GS.Phương Lựu là PGS. TS La Khắc Hòa đã viết: “Ở Việt Nam số học giả viết khỏe, viết nhiều như Phương Lựu có thể tính đếm trên đầu ngón tay...Ông từng làm chủ biên và tham gia biên soạn trên dưới 30 cuốn sách, trong đó có nhiều bộ giáo trình thuộc đủ loại. Năm 2005, Phương Lựu Tuyển tập ra mắt bạn đọc, 3 quyển tổng cộng 1747 trang in khổ lớn. Người Trung Hoa có thói quen đếm số chữ để ghi nhận công lao của một nhà hoạt động văn hóa, bắt chước họ tôi thử đếm và làm tròn số thì thấy chỉ riêng bộ Phương Lựu Tuyển tập, nhà nghiên cứu này đã viết 70 vạn chữ(chính xác 674.784 tiếng). Đó là kết quả lao động liên tục, bền bỉ không biết mệt mỏi trải dài hơn 40 năm của một nhà giáo mà hình như lúc nào cũng ham mê đọc sách và xem viết lách là sinh thú lớn nhất ở đời... Trước kia ông thâu tóm vào những công trình nghiên cứu của mình toàn bộ tinh hoa lý luận văn nghệ phương Đông. Nay tư duy lý thuyết của ông hướng sang phương Tây và khi đã đủ tư liệu, ông hướng tới sự so sánh thi học phương Tây- phương Đông”. Một đồng nghiệp, từng về Khoa Văn với nhau ngay từ buổi đầu là GS.Nguyễn Hải Hà đã có tổng kết khá cô đọng về con người bạn: “Có thể nói GS.TSKH nhà giáo nhân dân Bùi Văn Ba hội tụ đủ 5 yếu tố tạo nên sự thành đạt của mỗi con người: Tài, Đức, Sức, Khéo, May. Sức là sức khỏe;Khéo là khéo giao tiếp, ứng xử;May là may mắn, cơ hội, gặp dịp”.

Dẫu tôi mới tiếp xúc với bác Phương Lựu và chỉ được đọc một số công trình lí luận văn học của bác, cùng những bài viết của đồng nghiệp, học trò song cũng phần nào cảm nhận được các phẩm chất mà người bạn lâu năm của bác đã chỉ ra ở trên. Trước hết về “Tài”. Ai cũng biết, trong nghiên cứu khoa học có hai phần định tính và định lượng đề tài và bao giờ việc định lượng cũng có vai trò quyết định chất lượng của nghiên cứu. Và trong khoa học xã hội, vấn đề tìm hiểu thường “mờ”, rất khó nắm bắt để định lượng được rạch ròi. Bác vốn có khiếu về toán học(Hồi ở Trường trung học Lê Khiết, thầy Hoàng Tụy dạy toán khen Bùi Văn Ba là Tiểu Pitago-Petit Pythagore), rồi lớn lên tình cờ chuyển sang lĩnh vực mà bác cho là mình không có sở trường, thực ra trong suốt cuộc đời lao động chuyên cần, nghiêm túc, do tự thân có tư duy logic của toán học, hay có thể gọi đó là trí thông minh trời cho, đã được bác vận dụng thành công vào việc nghiên cứu văn học. Nhận xét của GS. Bùi Văn Nguyên, người phản biện luận án TSKH của bác: “...tác giả đã dựng lên được một hệ thống lớp lang về quan niệm văn chương cổ Việt Nam làm cho người đọc không khỏi ngạc nhiên, hóa ra ông cha ta cũng có cách lý luận riêng của mình, mà cũng gần như đầy đủ cả”. Đây chính là một đánh giá nghiên cứu sinh đã định lượng thành công về văn học trung đại Việt Nam. Nhìn lại cả một quá trình nhiều năm nghiên cứu của GS. Phương Lựu, việc “định lượng” cũng đã thể hiện khá nhất quán từ công trình  đầu tay về Lỗ Tấn(1977) đến gần đây nhất, năm 2021 về Hậu lý luận. Nhà nghiên cứu có cái nhìn bao quát văn học Đông-Tây đương đại, ấy là điều hiếm gặp với giới lí luận phê bình văn học thời nay và cũng giải thích vì sao đã hơn 30 năm trôi qua kể từ luận án của Phương Lựu bảo vệ đến nay chưa thấy có thêm luận án TSKH khác thành công trong nước(Gần đây nhất, phiên họp lần thứ VIII của Hội đồng giáo sư nhà nước, nhiệm kỳ 2018-2023, ngành Văn học không có ứng viên nào). Bác đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm 3 công trình xuất sắc nhất. Thực ra nghiên cứu của bác khá đều tay, có thể kể tên những công trình quan trọng như: Từ văn hóa so sánh đến thi học so sánh; Phương pháp luận nghiên cứu văn học; Vì một nền lí luận văn học dân tộc-hiện đại; Khơi dòng lí thuyết; Tinh hoa lí luận văn học cổ điển Trung Quốc; Mười trường phái lí luận phê bình đương đại phương Tây...Do  khả năng “định lượng”, mà có những vấn đề cơ bản của lí luận văn học lâu nay vẫn bị nhầm lẫn, Phương Lựu đã thẳng thắn chỉ ra. Một thời kỳ khá dài văn nghệ nước ta trong đường lối, nghiên cứu, phê bình, sáng tác...đều lấy định nghĩa gốc ở Điều lệ Hội Nhà văn Liên Xô khởi thảo từ năm 1934, rằng chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa vừa là phương pháp sáng tác, vừa là phương pháp phê bình. Tác giả Phương Lựu viết: “Làm gì có phương pháp chung cho khoa học và nghệ thuật... Rất tiếc là, ở nước ta từ đồng chí lãnh đạo đến nhà lí luận phê bình trong suốt nhiều thập kỷ không thấy rõ, mà cứ lặp lại sai sót này”. Hay quan niệm về “văn dĩ tải đạo” lâu nay cũng có những lầm lẫn, thường được dẫn chứng bằng câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu: Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà. Trong công trình Tinh hoa lí luận văn học cổ điển Trung Quốc, Phương Lựu đã vạch ra sự lầm lẫn tai hại này: “Thật ra Văn dĩ tải đạo là một quan niệm tiêu cực về nội dung ‘đạo’ và sai lầm về phương pháp ‘chở’. Nó đã từ một phía khác, triệt để tách rời giữa nội dung và hình thức trong văn học. Nó chỉ là một đặc sản của Tống Nho, là sản phẩm của Chu Trình. Khổng Tử chưa hề nói như vậy...” Hóa ra chữ “văn” ở đây là thuyết minh cho kinh kệ, nó không cần phản ánh sự thật và có tác dụng thẩm mĩ; còn “đạo” lại càng không phải là nhân đạo, đạo lí như nghĩa thông thường mà chính là giáo lí của Tống Nho duy tâm thoái hóa, phản nhân đạo.

Người làm khoa học, kể cả khoa học xã hội cũng như khoa học tự nhiên, khó mà ngay từ đầu được đông đảo đồng nghiệp thừa nhận, hưởng ứng (Văn mình vợ người mà!). Song lâu nay các nghiên cứu của Phương Lựu khi “tung ra”, hầu như không có sự phản bác nào, số đông tán đồng, có không ít công trình đã vào đi thẳng vào sách giáo khoa ở bậc đại học và trên đại học. Đôi khi nghĩ về GS.Phương Lựu tôi nảy ra một câu hỏi “lẩn thẩn”: Nếu ngay từ đầu chàng sinh viên quê Quảng Ngãi Bùi Văn Ba được học theo sở trường là toán học, liệu sự nghiệp sau này có thành đạt được như với văn học? Rồi tôi tự trả lời: tuổi trẻ cộng với tư chất thông minh, sự nỗ lực phấn đấu vươn lên không ngừng nghỉ thì chắc “Petit Pithagore” sẽ thành công thôi, biết đâu cũng được như người thầy của mình là GS.Hoàng Tụy, nổi tiếng trong lĩnh vực toán tối ưu toàn cục. Và như thế ta lại không có một GS. Phương Lựu nổi tiếng về lí luận văn học dân tộc, hiện đại. Âu cũng là... “huề”. Trường hợp Bùi Văn Ba/Phương Lựu chỉ càng minh chứng cho một thực tế đã xảy đến với một số người, cái gốc thiên bẩm toán học sẽ giúp ích được rất nhiều ở các ngành nghề khác. Nên nhớ là vị giáo sư của ngành khoa học xã hội này, còn phải có sự từng trải cùng khổ luyện mới có được nhiều thành tựu như thế!

Về “Đức”. Dẫu tôi tiếp xúc với bác chưa lâu, nhưng thấy gần gũi thân quen lắm. Số tôi hợp với bác chăng? Nếu vậy thì số bác hợp với rất nhiều người, bởi bác luôn được đánh giá là một người bạn, người thầy, người anh tốt bụng, thông tuệ, riêng đức tính ấy đã đủ sức hút với người mới quen như tôi rồi. Có một nghĩa cử của bác, chính là  cái đức  trong con người bác, đó là tấm lòng thiện nguyện. Hãy nghe lời tâm sự thật của nhà văn, GS. Phong Lê, một người bạn lâu năm của nhà văn, GS. Phương Lựu: “...một cái hơn khác rất đáng nể trọng-đó là Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học anh nhận năm 2011, với một khoản tiền lớn anh biếu tặng Quỹ Chất độc da cam. Hẳn chẳng còn ai lạ gì tình cảnh chung của giới trí thức chúng ta, số rất đông chẳng ai được gọi là giàu, mà chỉ mong đủ ăn, nếu như con cái không là doanh nhân thành đạt. Tôi là thế, hình như anh cũng thế. Nhưng có một khoản tiền thưởng lớn anh lại dành hết cho việc thiện-đó mới là điều khiến tôi khâm phục, khẩu phục đến hai lần”(Phương Lựu, sự nghiệp khoa học, tấm lòng giáo sư,NXB Đại học Sư phạm 2016). Tôi còn nghĩ: ngay pho tượng bác do các học trò mừng thọ thầy, cũng nói lên cái nhân đức của sư phụ lâu nay đã lan tỏa tới mọi đệ tử, thân hữu xung quanh. Con người không coi trọng đồng tiền bằng đạo lý nhân nghĩa, đáng được tạc tượng lắm chứ ngay cả khi đang sống!

Còn cái “Khéo” thì sao? Tôi nghĩ, người khéo đến đâu cũng trước hết phải thực lòng. Bao kẻ giả vờ khéo, chỉ một thời gian ngắn là tòi cái “giả” ngay. Khéo của GS. Phương Lựu đi cùng với sự chân tình, vui vẻ của bác. Mấy học trò cưng(đều do bác hướng dẫn TS) đã kể lại câu chuyện định mời thầy ra quán làm vại bia, thì thầy cười mà bảo: Các cậu không biết chứ, tớ sướng nhất vẫn là cái thú về nhà, ngồi vào bàn tổ chức các...cuộc họp. Tớ kéo từ cụ Marx, Engels, Lenin, Lỗ Tấn, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm đến các cụ Hegel, Kant, Freud...về họp, nghe các cụ phát biểu. Mà các cụ đã khiêm tốn lại rất vô tư nhá. Phát biểu xong là lặng lẽ về chỗ, không đòi hỏi phong bao phong bì bao giờ... Đúng là bác từ chối khéo không ra nhà hàng, cũng đúng là lâu nay bác lao động trí óc một cách say sưa nghiêm túc, lấy sách vở là niềm vui và từ lâu bác đã là một học giả có kiến thức đông tây kim cổ.

Gần đây ở tuổi ngoài bát thập bác có một tâm sự xa xa với bạn bè: Cũng thú thật, còn một tẹo phần chìm của tảng băng nữa, để dành cho may mà lên được đầu chín, còn có chuyện nói thêm. Nhưng nếu số trời đã định, âu cũng là sắp xong một kiếp người, thì xin hãy tạm xem đây là những trang phụ lục không đến nỗi đơn điệu của một cuộc đời bình dị, không được tròn vạnh, nhưng cũng có dáng vẻ vuông vức riêng. Vậy cứ xin mến thương chào trước tất cả. Hẹn gặp lại, nếu quả thực còn có một thế giới bên kia!

Đến hôm nay “đầu chín” đang hiện hữu với bác. Được quá đi chứ với một trái tim yêu thương, một trái tim khỏe mạnh. Tôi chúc bác còn hơn thế nữa, sống vui sống khỏe  tới tận bách tuế cơ, để đến đó rồi sẽ được như kiểu câu nói nhân vật của tôi mà bác tâm đắc: Sống vô tư, ăn từ từ, đi đột ngột !

 

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 14-3-22