FB
Bạch Hoàn
Phùng Xuân Nhạ, nói một lần này nữa…
Không thể nào tiếp tục vờ như mắt bị mù, tại bị điếc, và miệng thì câm
nín. Không thể nào tiếp tục quay lưng, ơ hờ, nhếch mép cười khinh bỉ rồi
lướt qua được nữa.
Không thể. Không thể vì chưa khi nào tôi thấy chất lượng tư duy, hàm
lượng tri thức trong phát ngôn của một bộ phận những người thuộc giới
chính trị lại xuống cấp đến mức tồi tệ như hiện nay. Đi kèm với nó là
những chính sách và hành động của những quan nhân cái gì cũng thừa, thậm
chí thừa mứa cả sự trơ trẽn, nhưng lại thiếu hai thứ, đó là tri thức và
tự trọng.
Trong cái đám lúc nhúc ấy, gần đây, mỗi lần nhìn xuống tôi lại thấy bóng
dáng một người mà tôi đã từng nói rằng, ông ta bị ngọng về phát âm và
ngọng cả tư duy.
Hôm nay, tôi xin được một lần nữa nói về ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng
Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đã có một thời, cứ mở miệng là người ta lôi chiến tranh ra để bao biện
cho hiện thực yếu hèn, bạc nhược, một hiện thực mòn mỏi và một tương lai
mù tối đến nỗi chỉ thấy ngao ngán, chán chường. Nhưng, giờ là lúc chấm
dứt luận điệu ấy được rồi. Hiện thực đã phơi bày cho tôi câu trả lời về
mối hoạ lớn nhất của quốc gia này, mối hoạ thực sự của dân tộc này, đến
từ đâu…
Ông Phùng Xuân Nhạ là thượng thư đương triều nắm toàn bộ trách nhiệm xây
dựng, phát triển sự nghiệp giáo dục nước nhà. Giáo dục, hiểu đơn giản là
nền móng cho tương lai. Đất nước này hưng thịnh hay suy vong, tất cả bắt
đầu từ giáo dục.
Mấy ngày trước, trong một sự kiện, ông Kari Kahiluoto, Đại sứ đặc mệnh
toàn quyền Phần Lan, nói với tôi rằng, hai quốc gia Phần Lan và Việt Nam
có những điểm tương đồng, đó là đều trải qua chiến tranh, đều phải đối
diện đối với những vấn đề đặt ra của toàn cầu hoá. Người Phần Lan đã đưa
đất nước của họ trở thành một quốc gia mà người dân thấy mình được hạnh
phúc, bằng giáo dục.
Trở lại hiện thực nước nhà. Những giá trị căn bản trong xã hội đang bị
đánh tráo, con người tha thoá, quan thời hủ bại, dân thời bạc nhược…
Hiện thực đang xuống cấp một cách vô cùng trầm trọng, xuống cấp đến điêu
tàn. Vậy, còn tương lai? Giáo dục hiện nay, nếu không có một chương
trình hành động quyết liệt nào chuẩn bị cho sự thay đổi về mặt con người
cho 10 năm, 20 năm tới, thì tôi sợ rằng dân tộc này còn tiếp tục yếu
hèn, đất nước này sẽ lại điêu linh.
Ông Nhạ là người đứng đầu một Bộ chịu trách nhiệm rèn giũa, xây dựng nền
tảng cho những con người nắm trong tay vận mệnh quốc gia, quyết định
tương lai quốc gia, những người sẽ làm chủ đất nước.
Vì thế, tôi cho rằng, những vấn đề liên quan đến giáo dục, nhất thiết
phải được chính ông Phùng Xuân Nhạ trình bày tại diễn đàn Quốc Hội. Dẫu
ông ta có ngọng cũng phải ráng nghe, có nghịu cũng phải ráng hiểu.
Thế nhưng… Vâng, lại phải thế nhưng… Ở Quốc hội, tôi vô cùng thất vọng
khi ông Phùng Xuân Nhạ mang vấn đề tên gọi “học phí”, hay “học giá”, rồi
ông ta loanh quanh rằng sẽ vẫn giữ cách gọi học phí và các trường tính
đúng, tính đủ thì gọi là giá dịch vụ giáo dục. Và ông ta vòng vo giải
thích, thay đổi như vậy không phải là tăng mức thu…
Tại Quốc hội, tôi xin nhấn mạnh là tại Quốc hội, sao ông ta có thể mang
những thứ nhảm nhí, vớ vẩn ấy ra trình bày dài dòng, lòng thòng, làm tốn
thời gian, công sức, và tiền bạc của nhân dân như vậy?
Nó quan trọng sao? Nó quyết định đến cả sự phát triển của đất nước này
hay sao? Không hề! Nó chỉ là hình thức. Nhưng, cái hình thức ấy, không
hiểu bằng cách nào lại có thể biến thành vấn đề quan trọng trong tư duy
của một người tự tin về năng lực bản thân đến mức đã dám tự phong cho
mình là giáo sư!?
Lẽ nào, giáo sư tự tin tự phong Phùng Xuân Nhạ lại không biết Quốc hội
là nơi nào, có vai trò gì, để chọn vấn đề luận bàn phù hợp?
Quốc hội là nơi bàn thảo và đưa ra những quyết sách về đường lối, cách
thức thực hiện các chiến lược, các chương trình hành động phục vụ cho
việc xây dựng, vận hành, quản trị xã hội và phát triển quốc gia. Quốc
hội không phải là nơi để những người như ông Nhạ trình bày những thứ lặt
vặt, dây cà ra dây muống, một cộng một bằng hai…
Có biết bao nhiêu vấn đề của ngành giáo dục cần phải đưa ra mổ xẻ. Đó là
hệ thống giáo dục lỗi, là chương trình giáo dục nhồi nhét, với mớ kiến
thức xa rời thực tế, nặng về lý thuyết. Đó là bệnh thành tích từ trên
xuống dưới, từ nhà trường đến xã hội. Đó là kiểu giáo dục đánh cắp tuổi
thơ con trẻ.
Vấn đề của giáo dục, đó là đào tạo ra những cái máy photo copy biết nói
biết đi, đào tạo ra nguồn nhân lực yếu về kỉ luật, kém về chất lượng. Đó
là hệ thống giáo dục không đào tạo được con người toàn diện, không trao
cho học sinh phương pháp luận để chủ động tìm kiếm và tiêu hoá tri thức
của nhân loại văn minh và tiến bộ.
Còn biết bao vấn đề quan trọng cần được Bộ trưởng Nhạ xin ý kiến đóng
góp của Quốc hội. Đó là chất lượng giáo viên, đó là tài chính để xây
dựng nguồn lực. Đó là làm sao để giáo viên có thể sống bằng nghề của
mình. Đó là làm sao để giáo viên được tôn trọng, không phải tủi hổ rót
bia ở nhà hàng cho cấp trên nào ăn, nào uống… Đó là khi giáo viên phải
đỏ mặt trong phòng karaoke với quan này chức nọ thì ông Bộ trưởng phải
biết cúi đầu xấu hổ và nhục nhã, chứ không phải cái kiểu cười hề hề chỉ
là vui vẻ thôi…
Còn nữa… Đó là làm sao để chấm dứt nạn bạo lực học đường. Đó là làm sao
để thầy ra thầy, trò ra trò, để phụ huynh kính trọng người dạy dỗ, bảo
ban con em mình.
Làm sao để học sinh hứng khởi với bài giảng, thầy cô không bắt học trò
uống nước vắt ra từ giẻ lau bảng, hiệu trưởng trường ngồi taxi đâm gãy
chân học sinh phải biết nhận lỗi và xin lỗi…
Quá nhiều vấn đề nan giải. Quá nhiều thứ cần được cả Quốc hội và người
dân cùng nhau luận bàn, phản biện và xây dựng. Gọi là học phí hay học
giá, lẽ nào lại quan trọng hơn cả việc giáo viên bất lực trong phương
pháp giáo dục tới mức chỉ biết bắt học sinh quỳ gối liên tiếp và hàng
loạt?
Hoạ của đất nước đến từ đâu ư? Nó còn đến từ đâu nếu không phải là từ
những cái đầu ngu si, dốt nát? Nó còn đến từ đâu nếu không phải từ sự
thảm hại của ngành giáo dục, mà ở đó không thể chối bỏ trách nhiệm đặc
biệt của người dẫn dắt Phùng Xuân Nhạ.
Không cần học hành cao siêu, không cần giáo sư tiến sĩ, không cần nhất
thiết phải là chính trị gia mới biết vấn đề gì bức thiết. Chỉ cần nhớ
mình là một công dân, mình là một người Việt. Chỉ cần biết đớn đau nếu
đất nước yếu kém là tự trong tâm sẽ thôi thúc để biết cần phải làm gì.
Tôi không phải người có khát vọng lớn lao. Tôi chỉ là một người phụ nữ
tầm thường, nhỏ bé trước vận mệnh đất nước nhưng lại lỡ mơ ước quá nhiều
ở tương lai. Tôi chỉ là một phụ nữ thương quá đất nước của mình, thương
quá dân tộc của mình. Tôi chỉ là một người mẹ thương vô vàn đứa con trai
bé nhỏ, là người mẹ quay quắt nghĩ về tương lai nơi con mình ở đó. Rồi
đây, con tôi sẽ được sống, hay chỉ tồn tại giống như thế hệ tôi?
Ông Phùng Xuân Nhạ có thể trả lời cho một người mẹ như tôi không? Ông
cũng là một công dân nước Việt. Ông cũng là một người cha. Và con ông
cần tương lai. Một tương lai không chỉ say mê bạc tiền, mà là tương lai
có danh dự của người cha để con thấy tự hào…
Thế nên, sau khi đọc xong bài viết này, ông hãy soi gương nhìn lại mặt
mình, xem có thấy xấu hồ không, nhục nhã không? Hãy đặt tay lên ngực
mình, nghĩ về đất nước khốn khổ này, ông có thấy trái tim mình đau nhói
hay không?
Có người sẽ bao biện rằng, Phùng Xuân Nhạ là người làm chính trị. Một
chính khách nghĩ khác một thường dân. Một Bộ trưởng nghĩ khác một người
mẹ. Nhưng, tôi không có cùng quan điểm đó. Trước khi làm chính trị, ông
Nhạ đã làm giáo dục. Trước khi là chính khách, ông Nhạ là một người
Thầy. Và dù làm gì, tôi, ông Nhạ, chúng ta đều mang trong mình dòng máu
Việt Nam.
Tôi muốn nói với ông Phùng Xuân Nhạ rằng, có thể bây giờ, ông cần bạc
tiền, hư danh hay quyền lực… Nhưng, chúng ta phải thừa nhận với nhau
rằng, con người là yếu tố quyết định. Trong nước giặc nội xâm phá hoại,
bên ngoài ngoại bang đè nén… Hiện thực hôm nay sẽ chẳng có gì thay đổi
nếu những người như ông không tha thiết nghĩ đến hưng vong của đất nước
mình.
Phùng Xuân Nhạ, ông có biết thế gian luôn biến đổi hay không? Lạc hậu,
đói nghèo, bạc nhược, yếu hèn… không phải là định mệnh của nước này. Tôi
dám khẳng định với ông điều đó. Một Hàn Quốc xơ xác sau chiến tranh, từ
lâu đã trở thành con rồng châu Á. Đó là minh chứng về sự không tồn tại
của thứ gọi là định mệnh.
Tôi vẫn luôn tin rằng, không có nơi nào mãi mãi đói nghèo. Không có dân
tộc nào vĩnh viễn làm nô lệ. Không có đất nước nào mà mọi thế hệ đều
bước đi trong tư thế cúi đầu.
Vậy nên, ông Phùng Xuân Nhạ, xin ông hãy yêu thương đất nước này bằng
một trái tim đỏ máu. Xin ông hãy cho các con của tôi, của bạn bè tôi,
anh chị tôi, các con của hàng triệu, hàng chục triệu người Việt một cơ
hội để được sống ở một đất nước tự cường, thịnh vượng.
Bằng tất cả sự chân thành của mình, tôi muốn nói với ông rằng, điều
khiến con người, khi nắm giữ trong tay quyền lực sợ nhất là nhân dân và
lịch sử. Những gì diễn ra hôm nay, lịch sử sẽ ghi lại vĩnh viễn đến muôn
đời.
Đất nước này vẫn còn cơ hội. Dân tộc này vẫn còn cơ hội. Ông Nhạ và cả
con cháu ông sẽ có chỗ ở tương lai nếu hôm nay ông thức tỉnh.
Quyền cao chức trọng không khiến người ta tài giỏi hơn trong mắt hậu
thế. Chiếc áo quá rộng không khiến quan nhân đẹp hơn trong cái nhìn đời
sau. Chiếc áo quá rộng, ông hãy cởi nó ra. Nhân dân sẽ đón ông trở về.
Chỉ khi nào nền giáo dục quốc gia giúp người dân nước Việt đứng thẳng
lưng thì những người như ông Nhạ mới không phải cúi đầu khi bước giữa
đời.
Vì thế, Phùng Xuân Nhạ, ông hãy ngẩng mặt lên! |