Ghép lại bản đã đăng nhiều kỳ trên Tuôỉ Trẻ (tháng 10-11/2006) (Trần Hữu Dũng có sửa vài tên viết sai)
Phạm Xuân Ẩn - Ông là ai?
1
Peter thuyết phục một cách đầy hứng khởi. Ông ta còn đề nghị cái tựa cho quyển sách ấy: A man of honor: The life of Pham Xuan An.
Bây giờ Peter đi dạy học và viết sách: Khi Miền Nam giải phóng, ông ta về nước, dẫn theo cô bồ người Việt. Trong khoảng thời gian dài sau này hình như họ đã ly dị. Thì Phạm Xuân Ẩn, năm nay cũng đã ngoài 70, vẫn tính hài hước đặc sắc: “Thành họ nhà ma rồi còn gì” - Thời gian đang trôi nhanh. Nói như triết, thì chẳng có gì mất đi hết, mặc dù chẳng có cái gì tồn tại mãi. “Chuyển từ dạng này sang dạng khác”. Các yếu tố tinh thần có như vậy không? Nó có chuyển các đặc điểm của mình vào các thế hệ sau? Hay là nó mang đi theo các người già nằm xuống? Có người không chịu viết hồi ký, vì dù có khách quan đến mấy thì cũng viết về mình - Mà con người ta thường nhớ kỹ những điều hay, quên đi điều dở… Nhưng cuộc đời của vô số trong số họ, đã là tài sản tinh thần, là những số phận cụ thể không có viện bảo tàng nào giữ được, nếu họ không ghi lại… Rồi đến con cái cũng chẳng hiểu ngày xưa bố mẹ mình làm gì. Đó là những lý thuyết đối chọi nhau trong việc viết hồi ký.
Với Phạm Xuân Ẩn, lý do cũng mang đậm màu sắc khó tả: Ông không viết hồi ký, từ chối tất cả các cuộc gặp gỡ báo chí để viết về ông. Tuy nhiên ông sẵn sàng gặp với tư cách đồng nghiệp hay tình bạn. Vừa mang đặc điểm thận trọng của nghề tình báo, vừa là ý thích của một “ông già” tự thấy cần một cuộc sống thanh thản. Luôn tự trào, nhìn mọi việc bằng cái nhìn hài hước: “Chẳng có ông già nào không bảo thủ hết. Thay đổi là khó chịu. Dọn nhà là khổ. Tụi trẻ đang lên, anh này lấy cô kia, chẳng sợ thay đổi. Nó chưa trải. Hồi nhỏ mình bạt mạng, nay thấy con cái bạt mạng lại không cho. Thì mày trả giá bằng cuộc đời mày. Học bài người khác trả tiền hơn là học bài mình trả…”
Ông đã trải đời mình cùng với lịch sử kháng chiến của Việt Nam, là quân nhân trong ba quân đội khác nhau. Tham gia Vệ quốc đoàn khi 18 tuổi, bị trả về vì thiếu súng đạn, vũ khí lúc đó dành cho thành phần cơ bản. Ông hòa vào phong trào học sinh sinh viên Trần Văn Ơn tại Sài Gòn năm 1950.
Trở thành lính trong quân đội Pháp, không phải lính bộ binh, mà là bí thư cho trưởng phòng lo về chính trị trong quân đội. Khi hòa bình lập lại ở Đông Dương sau hội nghị Genève, Mỹ can thiệp dựng Ngô Đình Diệm với chủ trương phá hoại Hiệp định, không chịu tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam sau hai năm như đã ký kết. Mỹ đổ tiền của vào Việt Nam để giúp họ Ngô đứng vững. Ba cơ quan như cái trụ ba chân được thành lập: Phòng thông tin Mỹ (USIS), Quân sự (MAAG) và kinh tế hành chính (USOM). Đến năm 1962 USIS đổi tên là JUSPAO và MAAG lấy tên là MACV, USOM lấy tên là USAID. Ông Ẩn do có tiếng Anh và thạo nghề, nên lại trở thành nhân viên dịch thuật tại Bộ Tổng tham mưu, tham dự vào việc thành lập những sư đoàn đầu tiên do Mỹ tuyển chọn và đào tạo.
Năm 1957 ông là sinh viên Việt Nam đầu tiên đến học về báo chí ở quận Cam và sống ở California trong hai năm. Ngày nay trong cuốn niên giám của trường Đại học Columbia của Mỹ, ở trang 2 in hình và giới thiệu về chàng sinh viên Việt Nam với tên Pham An, như mọi cuốn kỷ yếu của các trường học. Nhưng không ai biết được ngoài việc học thực sự kiến thức, chàng sinh viên ấy đã trở thành Đảng viên Cộng sản từ năm 1953, được chính bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tuyển vào Chiến khu D từ 1952.
Sang Mỹ học, Ẩn còn có nhiệm vụ tìm hiểu về văn hóa Mỹ vì Đảng đã nhìn thấy sự dính líu sâu sắc của Mỹ đối với Việt Nam. Muốn chiến thắng kẻ thù này, việc đào tạo những người có điều kiện như Ẩn, “chuyển qua làm với Mỹ, phải được đào tạo trình độ phù hợp với yêu cầu của Mỹ”. Sau khi học ở Mỹ về, Phạm Xuân Ẩn hành nghề báo chí, từ Việt Tấn xã dưới thời Ngô Đình Diệm, cho tới làm phóng viên cho các hãng nước ngoài tại Việt Nam như Reuters, Time… Ông là người Việt Nam duy nhất vào biên chế của hãng nước ngoài với lương rất cao thời đó, 750 đô la một tháng. Phạm Xuân Ẩn hành nghề báo chí và trở thành ký giả thực sự có tên tuổi. Chỉ có điều khác lạ là ông còn trở thành một vị Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Vì sao sau khi đất nước giải phóng, cả nước và thế giới biết rõ ông là tình báo, vậy mà người Mỹ trong giới báo chí hoạt động cùng thời với ông nay trở lại Việt Nam vẫn đem lòng tin tưởng và kính trọng ông? Đó là một nhân cách, một tài năng. Đời ông là một câu trả lời lớn cho nhiều câu hỏi vẫn làm đau đầu nhiều người bạn Mỹ của ông. Đến hôm nay họ quay lại đất nước này vẫn tìm ông để mong có câu giải đáp vì sao Mỹ thất bại ở Việt Nam. Vì sao một trí thức giỏi và sống có nhân cách theo “kiểu Mỹ” như ông Ẩn lại có thể là người đứng trong tổ chức chặt chẽ của Quân đội Nhân dân Việt Nam, của ngành tình báo vốn đầy hiểm nguy? Có những người Mỹ là bạn cũ trong giới báo chí của ông, nay đã mất nhưng dặn lại con cái họ sang Việt Nam hãy tìm đến ông Ẩn. Họ nói sẽ học được nhiều ở con người đó. Quả thật, cuốn sách viết về ông nên có tên là “Người có cuộc đời bí ẩn như cái tên” - chứ không cần đến cái tựa đề của Peter Ross Range đề nghị.
Bởi vì, cuộc đời ông không được ông viết ra bao giờ. Năm 1989, 14 năm sau ngày miền Nam giải phóng, Morley Safer chủ biên chương trình 60 phút nổi tiếng của đài truyền hình CBS đã trở lại Sài Gòn, gặp ông Phạm Xuân Ẩn như người bạn làm báo cũ trong thời kỳ chiến tranh. Cuộc gặp gỡ này đã được viết thành hẳn một chương trong cuốn sách Hồi tưởng: Khi trở lại thăm Việt Nam của Morley Safer do Nhà xuất bản Random House xuất bản năm 1989.
Hãy xem dưới mắt nhà báo phương Tây, ông Ẩn đã hiện ra như thế nào:
“Phạm Xuân Ẩn đang đứng nơi cổng sắt đã mở sẵn với một cặp chó Đức kèm sát bên. Ẩn và những con chó thân yêu của anh ta. Anh ta thường dắt chó đi khắp nơi, hay uống café buổi sáng ở khách sạn Continental với con chó Đức thò cái mõm đen ra khỏi gầm bàn. Anh ta tiến về phía tôi, mở rộng vòng tay choàng ôm hôn, một cung cách ít thấy ở người Việt”.
Có lẽ Morley Safer đang sống lại những cảm xúc của một thời đã xa, khi họ còn làm báo ở Sài Gòn và Continental là nơi họ tụ họp mỗi buổi sáng vừa điểm tâm vừa trao đổi tin tức. Với Safer, lúc đó Ẩn là nhà báo thực thụ của tuần báo Time, người rất nhạy bén về các vấn đề thời cuộc, cả chính trị lẫn quân sự. Anh có nhiều mối quen biết quan trọng.
Lại lời Morley Safer: “Ở tòa báo Time anh được coi là người khôn khéo. Ẩn luôn luôn được giao nhiệm vụ thuyết trình cho nhóm phóng viên mới tới. Và cũng chính anh ta là người gỡ mối cho những vấn đề chính trị rối mù của chính giới Việt Nam lúc đó. Anh là người cởi mở, dấn thân và có óc hài hước, luôn được niềm nở tiếp đón trong các giới quân sự và ngoại giao Việt - Mỹ và cũng là một trong số rất ít ký giả Việt được cho phép tham dự các buổi thuyết trình hạn chế của phái bộ Mỹ”.
Khi Safer đến gặp Phạm Xuân Ẩn muốn có người cùng đi là Patti Hassler - nhà sản xuất chương trình 60 phút vì Safer không muốn ghi chép như mọi lần hành nghề khác. Ông muốn có một nhân chứng cho cuộc gặp này, để mọi chi tiết đều được ghi nhớ. Safer đã bộc bạch cái cảm giác của người bình thường vẫn có khi bị làm nhân vật cho người khác phỏng vấn. Đấy là cảm giác rất thật mà dân nhà nghề đã quan sát được ở các nhân vật của mình. Thật chẳng an tâm chút nào khi đang nói mà có người ghi chép, hoặc dễ sợ hơn nữa là có người dùng máy ghi âm. Và Safer đã gặp ông Ẩn trong tư thế những bạn bè cũ cùng nghề, trao đổi về thời cuộc.
“Ẩn rất ít thay đổi” - Safer viết - “Nay đã 61 nhưng trông anh vẫn ở cái tuổi cách đây 30 năm. Có thể nói dáng anh vốn lòng khòng nay thêm gầy đi và khô đét…”
Safer nói ông Ẩn còn là một bí mật. Thật ra điều đó chỉ đúng với cảm giác của Safer, còn với người Việt Nam thì ông nếu có là một bí mật thì chỉ là vì ông ít bộc bạch cuộc đời mình. Người Việt Nam đều biết ông là Anh hùng tình báo, một Thiếu tướng được kính trọng. Không ai còn hỏi như Safer hỏi hôm đó: “Anh đang còn là một bí mật. Dân chúng vẫn chưa biết chắc là anh hoạt động cho phe nào. Vậy sự thật ra sao?”
“Ẩn cười lớn: Sự thật? Sự thật nào mới được chứ? Có một sự thật là trong 10 năm tôi là phóng viên cho tòa soạn tuần báo Time và trước đó làm cho hãng Reuters. Một sự thật khác nữa là tôi gia nhập phong trào cách mạng từ năm 1944 và là thành viên của họ từ đó với các chức vụ khác nhau. Hai sự thật, hai sự thật… đều thật”.
Trong cái nhìn của Safer, ông Ẩn là một sự bí ẩn, cũng khó giải thích và có những vấn đề chưa thể hiểu hết như chính cuộc chiến ở Việt Nam mà Mỹ thất bại. Vậy là đối với các ký giả Mỹ như thế này, nhiệm vụ của họ là “hai trong một”. Hiểu được những con người như Phạm Xuân Ẩn cũng có thể tiến gần tới việc hiểu vì sao Mỹ thua cuộc. Và nếu nghề nghiệp thúc đẩy họ với bản chất nghề báo “A nose for news” thì họ còn muốn biết hơn thế: Nhìn nhận con đường phát triển hiện tại của nước Việt Nam thông qua một con người đáng tin cậy. Ý muốn đó thôi thúc Safer do phẩm chất cá nhân, và cũng do sự khách quan của một ký giả lỗi lạc. Theo Safer, trong những ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn, chính ông Ẩn là người đã thuyết phục giới chức Mỹ đem đi di tản một số bạn hữu của mình rời khỏi Việt Nam. Ông Ẩn cũng thu xếp để vợ và 4 con lên máy bay, còn mình thì ở lại.
Nhà báo Safer sau gần 15 năm Sài Gòn được giải phóng, vẫn không hiểu làm thế nào ông Ẩn có thể giữ được bí mật tung tích riêng trong suốt thời gian đó. Ông Ẩn đã bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng ra sao? Ông phải làm nhiệm vụ gì trong suốt thời gian làm báo, và ông có “làm gì” trong báo Time không? Ông có cách nào chuyển tin tức đi? Ông có sợ mình bị phát hiện không? Điều gì xảy ra sau cái hôm mọi người di tản? Tại sao cuộc cách mạng lại còn nhiều điều chưa thành công trong cải cách? Người ta có rình rập ông không? Ông có được quyền ra đi không? Ông có bao giờ hối tiếc về những điều đã làm và bây giờ ông đã thấy kết quả?...
Chỉ xem qua những câu Safer hỏi cũng đủ biết người Mỹ còn vất vả, thậm chí có những điều họ sẽ không sao hiểu hết trong mọi câu trả lời của Phạm Xuân Ẩn. Dĩ nhiên, ông không trả lời theo công thức hoặc ít ra cũng là để “giữ mình” một cách cần thiết. “Tại sao cuộc cách mạng gặp những thất bại?” Safer hỏi về những suy thoái và khó khăn trong cải cách hiện nay. Ông Ẩn không “sửa gáy” người hỏi để giữ cho mình “có lập trường”. Ông đã nói thẳng thắn như xưa nay phân tích thực chất các hiện tượng một cách khách quan. “Có nhiều lý do. Có quá nhiều lỗi lầm chỉ vì sự dốt. Như mọi cuộc cách mạng, chúng tôi gọi đây là cuộc cách mạng nhân dân, nhưng dĩ nhiên chính nhân dân là thành phần đầu tiên chịu khốn khổ”.
Ông cũng không ngại ngần nhận định: “Khi nào mà dân chúng còn ngủ đầu đường xó chợ thì khi đó cuộc cách mạng còn thất bại. Không phải do giới lãnh đạo là những người tàn nhẫn, nhưng đó là hậu quả của chính sách cha chú của nhân dân cũng như các lý thuyết lỗi thời về kinh tế”. Safer nhận thấy còn nhiều người nằm vỉa hè khi ông tản bộ trên đường phố Sài Gòn vào ban đêm. “Khi tôi đề cập điều này thì Ẩn có vẻ bối rối như là chính anh đã tiếp tay cho tấn thảm kịch. Tôi nghĩ, theo một nghĩa nào đó anh ta đã có sự liêm khiết để biết hổ thẹn”.
Khi nghe ông Ẩn nhận xét về “những thất bại của cách mạng”, nhà báo Mỹ không khỏi bật ra câu hỏi: “Anh không ngại phải nói thẳng ra như vậy sao? Có nguy hiểm không?”
Ông Ẩn đã nói rằng mọi người đều biết ông nghĩ gì, vì ông không giấu giếm những suy nghĩ trung thực của mình. Không phải bây giờ, mà là từ ngày xưa, từ bản chất. Ông nhắc lại cho Safer nhớ cái thời họ cùng làm báo ở Sài Gòn trước 1975: “Thời Thiệu, chính quyền ấy biết rõ là tôi nghĩ gì về bọn trộm cắp ấy. Tôi đã quá già để có thể thay đổi”. Ẩn cười lớn: “Tôi cũng quá già để mà câm miệng lại”.
Trả lời cho câu hỏi: “Trong những năm hoạt động đó anh có sợ mình sẽ bị phát hiện không?” Ông Ẩn bộc bạch không lên gân giả dối: ông nói mình sợ thường xuyên. Bởi luôn có nguy hiểm. “Anh đã biết vào khoảng những năm 60 có tin đồn tôi làm việc cho CIA. Tôi muốn duy trì những tin đồn như vậy vì nghĩ rằng điều ấy sẽ che chở tôi phần nào. Nhưng dĩ nhiên về sau điều này trở thành một đe dọa. Tôi hoạt động trong phạm vi an ninh rất chặt chẽ, rất ít người biết được hoạt động của tôi. Vào khoảng những năm 70 khi chính quyền Sài Gòn ngày càng tồi tệ, tôi sợ rằng kkhi tình hình suy sụp, tôi sẽ chẳng có thì giờ đâu để giải thích với mấy cậu lính giải phóng trẻ với cây AK.47 trên tay rằng tôi là đại tá trong quân đội của họ. Tôi thường nói với mọi người: Có lẽ tụi nhỏ đó sẽ giết tôi đồng thời nướng sống mấy con chó của tôi nữa”.
Những mối lo rất thực tế ấy càng chứng tỏ thêm nhiều hoàn cảnh phức tạp mà nghề tình báo luôn gặp phải. Vậy mà Safer cho rằng những giải thích của ông Ẩn không làm sáng sủa gì hơn mà lại càng khiến ông thêm bí ẩn. “Anh có hối tiếc gì về điều đã làm không? Và bây giờ anh đã thấy kết quả?” Câu hỏi này được đặt ra sau khi Safer đã hỏi ông Ẩn về những ngày đầu sau giải phóng “Ẩn ở trong trại… không phải trại cải tạo nhưng là một trại đặc biệt gần Hà Nội dành cho các “đồng chí” có thể đã bị nhiễm độc vì quá gần gũi với người Mỹ”.
Ông có phút giây nào hối tiếc không? “Tôi ghét câu hỏi đó, tôi đã tự hỏi tôi câu hỏi ấy hàng ngàn lần. Nhưng tôi lại càng ghét câu trả lời hơn nữa. Không, không hối tiếc. Tôi phải làm như vậy. Hòa bình mà chúng tôi giành được có thể phải trả giá bằng sự khốn khổ của xứ sở này nhưng chiến tranh cũng đã giết chết bao nhiêu sinh linh. Cho dù tôi yêu nước Mỹ đến như thế nào, Mỹ không thể có quyền gì ở đây. Bằng cách này hay cách khác người Mỹ cũng bị đẩy ra khỏi Việt Nam. Chúng tôi phải tự chọn cách xây dựng xứ sở mình”. Đó là những câu kết trong một chương sách của Safer.
2
Ấy là vài nét hé lộ tính cách ông Phạm Xuân Ẩn. Cũng mới chỉ là lời của Peter Ross Range, của Morley Safer, hay là sau này Henry Kamm trong cuốn Dragon Ascending xuất bản năm 1996. Có vẻ như giới viết lách của Mỹ quan tâm đến ông nhiều hơn. Do trước đây họ đã làm việc với ông? Henry Kamm trong chương Heroes of war and peace đã nói rằng mình biết Ẩn đã một phần tư thế kỷ. Vậy mà Kamm“không một phút giây nào tôi ngờ rằng trong suốt cuộc chiến tranh ông là đại tá của Mặt trận giải phóng dân tộc mà kẻ thù của họ gọi là Việt Cộng. Tôi biết ông là một đồng nghiệp hào phóng, hiểu biết và hóm hỉnh”. Kamm đã đánh giá cao hơn nữa: “Tướng Ẩn - một trong những nhân viên tình báo Cộng sản bí mật gan dạ nhất ở Sài Gòn trong suốt cuộc chiến tranh chống Hoa Kỳ…” .
Trong cuộc nói chuyện với các đồng nghiệp cũ khi họ trở lại Việt Nam sau này, ông Ẩn quan tâm thăm hỏi tin tức của các đồng nghiệp cũ như Frank McCulloch, giám đốc văn phòng tuần báo Time tại Sài Gòn, Richard M. Clurman, trưởng ban phóng viên cho Time - Life có văn phòng tại New York. Những người Mỹ đã biết ông Ẩn tới một phần tư thế kỷ mà vẫn còn nhiều bất ngờ về ông. Sau nữa, chắc gì họ đã hiểu ông Ẩn như họ thường cho là họ hiểu. Như Morley Safer chẳng hạn. Safer viết: “Tội nghiệp cho Ẩn. Anh đã chọn chỗ đứng giữa vùng đất không người, tùy thuộc vào sự hình thành của lực lượng thứ ba. Chẳng có chỗ đứng nào cho một tâm hồn nhạy cảm như anh…”. Mặc dù Safer cũng nhận ra rằng do ý nghĩa lịch sử, chỉ có một chỗ đứng như ông Ẩn đã đứng, dành cho những tâm hồn nhạy cảm. Nếu hiểu theo cách người Việt nghĩ thì do đất nước gặp ngoại xâm, tất cả những tâm hồn yêu nước, nhạy cảm, chỉ có một chỗ đứng giống nhau như vậy thôi, chỗ đứng trong đội quân những người cứu nước. Safer còn cho rằng nếu Graham Greene nhìn Việt Nam theo một cách nào đó, ông có thể viết cuốn tiểu tuyết Người Việt Nam trầm lặng với Phạm Xuân Ẩn là nhân vật mẫu.
Rõ ràng Phạm Xuân Ẩn có cuộc đời của nhân vật tiểu thuyết. Nhưng các nhà báo Việt Nam cũng như nhà báo nước ngoài mới chỉ được “những chớp đèn flash” những nét thoảng qua nào đó của cuộc đời ông theo những sự kiện lịch sử lớn lao. Chưa ai có được tấm chân dung hay “bản hồ sơ về tâm hồn” với tính cách điển hình Việt Nam. Các thành tích của ông đã khắc ghi bằng danh hiệu Anh hùng cao quý do nhà nước tặng. Nhưng điều gì, hoàn cảnh nào đã tạo nên một người Việt đặc sắc như thế?
Đó là nỗi niềm mong ước của tôi, khi lưỡng lự bấm chuông một ngôi biệt thự ở vào vị trí rất đẹp nhưng chỉ vào hạng xoàng trên đường Lý Chính Thắng, Sài Gòn. Tôi không thể đủ điều kiện viết về ông theo cách chuẩn xác của những điệp vụ. Càng không muốn liệt kê theo các bản khai lý lịch đơn thuần. Tôi muốn tìm ra cái chất “Người Việt trầm lặng” mà Safer hình dung, hoặc là chất honor trong cuộc đời ông mà Peter Ross Range đề nghị. Nhưng sau hết, tôi muốn mọi người Việt Nam được đón lấy những gì dịu dàng nhất, can đảm nhất, yêu thương tươi cười nhất, từ cuộc đời của một con người cao gầy, mỏng manh như cây sậy. Sức mạnh của con người ấy được lấy từ mỏ năng lượng quý báu và thần diệu nào đã ban cho? Nếu như bạn đọc nào ao ước cùng tôi điều đó thì hãy đọc cuốn sách này. Nó là một phần chân dung để chúng ta tự hiểu, hình ảnh người Việt cao quý giống như chúng ta đang vẽ ra bản đồ của một tâm hồn. Một việc thật khó làm!
Được gặp ông, nếu như có hình ảnh nào có thể liên tưởng từ cuốn sách của Safer thì đó là cái dáng ông Ẩn lòng khòng nay gầy thêm và khô đét. Tôi để ý xem có đúng là ông mang cặp kính dày cộp trông giống trí thức gia thường gặp nơi các quán café quanh khu đại học Sorbonne không, nhưng tất nhiên là không hình dung ra, bởi tôi chưa hề đến Pháp. Ông có thói quen gỡ kính ra khi nói và đeo vào khi lắng nghe không? Tôi cũng cố hình dung ra cái góc bàn nơi Safer ngồi và đã mô tả từ chiếc máy chữ xách tay cũ kỹ hiệu Oliveti để nơi góc bàn. Ông không có điếu thuốc Lucky Strike kẹp giữa những ngón tay xương. Trên mặt bàn thấp giữa sofa và hai ghế ngồi, ông cũng không bày các ly với chai Whisky White Horse và xô nước đá như khi tiếp Safer.
Nhưng nhận xét của Safer khi nói rằng: “Anh ta nói chuyện duyên dáng thoải mái với phong cách của một thi nhân” thì vẫn luôn luôn đúng. Chính ở căn nhà này, ông Ẩn đã cùng hai con chó quấn quýt dưới chân để đưa tiễn Safer ra xe. Safer cũng nói rằng Ẩn đã sống những cuộc sống rất đặc biệt, tại sao không viết ra. Đó sẽ là cuốn sách rất hấp dẫn, và cũng là cuốn sách quan trọng nữa. Ông Ẩn trả lời: “Trong những năm tôi làm phóng viên, không ai bảo tôi phải làm gì ở hãng thông tấn Reuters hoặc Time. Tôi đã quá già để học thêm những luật lệ mới rằng điều gì cho viết điều gì không. Tôi e rằng những ngày làm phóng viên của tôi đã qua rồi”.
Không biết tới hôm nay, những năm cuối cùng của thế kỷ 20 này, liệu lời từ chối ấy của ông có lặp lại, và tôi sẽ thất bại hay không. Điều này khiến tôi thật sự lo lắng khi đã ngồi ở bộ sofa, chuẩn bị cuộc trao đổi. Đôi bàn tay xương của ông rót nước trà. Cái bình trà cũng ngộ nghĩnh: ở gần vòi của bình, có đeo một chiếc rổ nhỏ xíu bằng kim loại, làm nhiệm vụ giữ lại những sợi bã chè nhỏ theo dòng nước chảy xuống, không cho chúng rơi vào tách trà mời khách.
Tất nhiên là ông lại từ chối việc viết sách. Đã từ lâu ông ít bộc lộ mình với giới báo chí. Nhưng ông không nói rằng do cái gì là luật lệ kiềm chế hay không. Ông nói như giải thích để mong nhận được sự thấu hiểu:
- Nghề tôi có hai cái kỵ: Nếu bị bắt, không trốn được (nếu trốn được thì tốt), nhưng nếu không sống được thì phải kể là chết. Cái cần giữ không phải xác anh. Xác anh kể là chết, nhưng không được tiết lộ nguồn tin. Không khai báo đã đành, ngay khi những gì địch đã biết, anh có thể nhận, nhưng tuyệt đối phải bảo vệ người cung cấp tin. Thứ hai là cái gì lấy được rồi, giấu tuyệt đối.
- Như vậy thì không bao giờ nhân dân, người đọc rộng rãi biết được cụ thể chiến công của anh là gì và làm thế nào anh có được nguồn tin tình báo?
- Đúng vậy.
- Ngay cả khi cuộc chiến tranh qua đi đã mấy chục năm, nhiều tư liệu, nhiều sự thật rắc rối bí ẩn cũng đã được đưa ra ánh sáng, lên báo chí và phim ảnh?
Ông quay ra than phiền rằng trước đây có một nhà báo được ưu tiên tiếp xúc tài liệu và ông đã ra sức can thiệp để không đưa lên công khai, nhưng cuối cùng ngăn không được. Đấy là một sự kiện khiến ông phiền lòng nhất.
- Tôi hứa gì, giữ đúng. Bao nhiêu năm sau cũng vậy. Có phải điều gì cũng viết ra hết cả đâu. Cái nghề tình báo nó vậy, đừng ai đụng tới. Những chuyện thất bại, đổ bể mới kể ra. Thế giới, hoặc Mỹ nó cũng vậy. Cái nào êm cho êm luôn.
- Nhưng ở Mỹ người ta cũng viết về những trường hợp tình báo chống Anh. Còn những cuốn Tass được quyền công bố, Hội tam hoàng hoặc Người từ xứ lạnh đến của John Le Carré và cả Người không có mặt của tác giả Đức?
- Thì nói tượng trưng thế thôi. Hoặc như Graham Greene (tác giả Người Mỹ trầm lặng) ông ta là tình báo Anh Thế chiến thứ hai. Daniel Defoe viết Robinson cũng là một tay tình báo giỏi… Thông thường thì ít ai đụng tới viết về những gì tình báo làm. Lâu lâu lòi ra một trường hợp bị đổ bể, người ta mới viết…
Có vẻ như lý lẽ này của ông không được vững cho lắm, dù trong nghề của ông, người ta hành xử như vậy. “Lấy làm nhân vật tiểu thuyết thì nhiều hơn”. Ông Nguyễn Khải có viết hai cuốn tiểu thuyết lấy mẫu từ Phạm Xuân Ẩn, thì ông không lo lắng gì. Tiểu thuyết hư cấu mà. Còn với tay nhà báo mà ông phiền lòng kia, lại viết hết ra những “đồ” mà ông lấy được, kể tỉ mỉ cả những nguồn cung cấp tin…
Nó tai hại ở chỗ nào?
- Thường người viết cứ cho rằng viết ra những tài liệu lịch sử. Nhưng người ta tốt với mình, dù là họ vô tình không biết mà mang lỗi với công việc của họ, tổ chức của họ. Người ta giúp mình những việc nguy hiểm. Sao lại đưa người ta ra?
Thì ra là vậy - Ở đây có nguyên tắc sống, thái độ ứng xử, sự trung thành với con người chứ không đơn thuần là vấn đề kỹ thuật. Ông giữ nguyên tắc sống này cho vĩnh viễn. Bảo vệ nguồn tin mãn đời. Đến hôm nay, sau cuộc chiến tranh đã lâu, có cả lứa sinh viên trẻ nghiên cứu khoa học Mỹ sang Việt Nam, ngay đó là con trai một thống đốc bang sang liên hệ tài liệu để làm luận án, ông cũng từ chối ngay.
“Mình xài đồ. Nếu nay dù họ có chết đi rồi, cũng không nên nói họ ra. Mình viết ra, con người ta lại trách con mình sao? Lối cư xử Á Đông, ông bà mình dạy, không thể xong việc mình rồi thì mặc kệ việc người”. Rõ ràng ông giữ một nguyên tắc sống, nguyên tắc cư xử của con người được giáo dục về nhân văn rất kỹ. “Có được một người bạn là khó khăn lắm, công phu lắm. Một người quan hệ bao lâu mới thân, bao lâu mới đủ tới mức họ giúp đưa đồ, đâu phải dễ. Có cả những người bạn tốt, tin cậy tới mức đưa máy bay rước tôi lên Buôn Mê Thuột đọc tài liệu. Nay dù chiến tranh đã qua rồi nhưng các thế hệ lãnh đạo của nước Mỹ đều ít nhiều dính vô chiến tranh Việt Nam. Đám đẻ sau Thế chiến thứ hai là dính vô Việt Nam đủ các lĩnh vực. Hội chứng này nặng lắm. Cho nên những mối quan hệ sâu sắc giúp mình làm nhiệm vụ, mình không thể nói người ta ra. Lúc giúp mình, người ta tin rằng đã giúp tài liệu cho một nhà báo để xài tài liệu phân tích hiểu biết thời cuộc. Mình không thể làm hại đến họ bất kể kiểu gì”.
Ông đã nghĩ tới nguyên tắc của nghề, và nguyên tắc sống. Chỉ có hiểu ông điểm này mới biết vì sao ông oán tay nhà báo nọ. Mình kể nguồn tin ra, Mỹ nó sẽ truy người ta liền, dù là chuyện qua đi đã lâu. “Ổng đòi đăng, tôi không chịu mà không can thiệp được. Lệnh trên là phải cung cấp tài liệu cho nhà báo đặc biệt đó để phục vụ công tác chung. Nhưng đăng lên thì không được. Tôi có can thiệp nhờ ông Mười Hương lúc đó, nhưng ông Mười Hương đứt mạch máu não là ông này chơi liền. Thế mới đau…”. Không phải chỉ đau về nguyên tắc sống giữ gìn sự trong sạch của nghề, một lý do ông không muốn nói hết công việc đã làm là: Ông tự nhận “có tật” luôn luôn nhìn tới chứ không nhìn lui. Tương lai của mình là do mình quyết định hiện tại. Cái gì xảy ra đã xảy ra rồi, ngoái lại sau lưng để làm gì. Mình không thể làm thay đổi quá khứ được.
Ông thường nói: “Bệnh người già là hay nói chuyện cũ. Cuộc sống bây giờ lại găng lắm. Ngày xưa cá nhận xuồng, nhắc vô kho. Vài con trùn, nhái rê rê là có cá ăn. Nay đấu kinh tế thị trường dữ lắm. Người già sống buồn thất nghiệp, tụi trẻ ưa nói cái mới. Kể chuyện mình cũ xì tụi trẻ nó không thích đọc đâu”.
Ông đùa hay ông nói nghiêm chỉnh? Tôi tự hỏi: Có thể nào tụi trẻ nó không thích nghe những chuyện như cuộc đời ông Ẩn?
3
Trong bản thành tích tóm tắt in ra công khai, ở trang “Anh hùng Trần Văn Trung” (tên ông Ẩn) chỉ khoảng 20 dòng: Sinh năm 1927, quê Biên Hòa - Đồng Nai, nhập ngũ tháng 12-1952. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là trung tá, cán bộ tình báo thuộc Bộ tham mưu Miền, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ năm 1952 đến tháng 4-1975 do yêu cầu của nhiệm vụ tình báo, suốt 23 năm cùng ăn, ở, làm việc với địch, Trần Văn Trung vẫn luôn giữ vững lòng trung thành với Đảng, tin tưởng vào thắng lợi của Cách mạng. Trong công tác, Trần Văn Trung đã khôn khéo, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo bám chắc địa bàn, lập nhiều thành tích xuất sắc. Đồng chí đã cung cấp kịp thời nhiều tài liệu nguyên bản có giá trị lớn. Trần Văn Trung luôn giữ nếp sống giản dị, trong sạch, có ý thức tổ chức, kỷ luật cao. Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương chiến công giải phóng hạng Nhất, 2 Huân chương chiến công giải phóng hạng Nhì, 1 Huân chương chiến công giải phóng hạng Ba, 6 lần được bầu là Chiến sĩ thi đua.
Năm 1976 ông Ẩn, tức Trần Văn Trung được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Nhưng cuộc đời và cuộc chiến đấu mấy chục năm của ông chắc chắn phong phú, đầy sự kiện, đã không được công bố cho báo giới hoặc in ra trên các phương tiện in ấn khác.
Những thư báo cáo tin tức về việc Mỹ đang thay dần quân Pháp ở Việt Nam là thời kỳ trước năm 1961. Sau đó là những tài liệu có tính chiến lược để chúng ta có thể nắm vững các kỹ thuật và chiến thuật mới của Mỹ - ngụy. Có những tài liệu mang giá trị cực lớn nêu rõ chiến lược quân sự, bình định theo cách chống nổi dậy được các chuyên gia Mỹ đúc kết kinh nghiệm từ các nước để áp dụng vào Miền Nam. Tài liệu về tổ chức, trang bị, các kế hoạch hành quân và các dự định hoạt động của địch, vừa mang ý nghĩa chiến lược, vừa tổng kết kinh nghiệm hoạt động quân sự và bình định. Đó là những nét khái quát lớn nhất về sự đóng góp của điệp viên Phạm Xuân Ẩn. Những tài liệu cực kỳ quan trọng này được chuyển ra rất sớm, giúp cho quân dân ta tìm được các biện pháp chiến lược chiến thuật đối phó đánh giặc, lập được nhiều chiến công xuất sắc.
Những kế hoạch lập ấp chiến lược, bình định nông thôn, chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ… được kịp thời chuyển tới Trung ương, là kết quả của một cuộc phấn đấu, một đời hoạt động khá độc lập của ông tại các cơ quan cao nhất của kẻ địch. Ông đã làm việc, quen thân, ra vào dễ dàng, được lòng tin cậy từ những cơ quan lớn của chính quyền Sài Gòn như cơ quan Trung ương tình báo ngụy, Tổng nha Cảnh sát, An ninh Quân đội, được Phủ Tổng thống mời với tư cách chuyên viên tham gia đánh giá, đọc các tài liệu tối mật, tham gia ý kiến vào việc hoạch định chiến lược quan trọng của chế độ.
Ông đã làm việc cùng với nhân viên của đại tá Edward G. Lansdale, chỉ huy trưởng Phái bộ quân sự Sài Gòn (Saigon Military Mission - phái bộ này hoạt động cả quân sự, tình báo CIA và chính trị), người tổ chức hàng loạt chiến dịch phá hoại chống Việt Cộng. Ông Ẩn là một trong số ít phóng viên Việt Nam được mời dự giao ban quân sự. Đã có thời kỳ ông tư vấn đề cử các sĩ quan tham gia các khóa học huấn luyện ở các trường đào tạo quân sự tại Mỹ. Chính ông là người đã làm thủ tục cho Nguyễn Văn Thiệu đến Hoa Kỳ lần đầu tiên tham gia khóa học chỉ huy và tham mưu tại Leavenworth. Đám chỉ huy hành quân Mỹ còn cho phép ông lên trực thăng HU.1A đi theo hành quân sát trận địa, chiến trường, đến các phòng thuyết trình tình hình xem những bản đồ chiến sự mới nhất.
Nhưng có phải tất cả những thành công trên đây là do ông Ẩn là phóng viên chiến tranh của tờ báo Time lớn nhất nước Mỹ? Ở vị trí đó nên ông được sự thân thiết của giới cầm quyền cao nhất như Ngô Đình Cẩn ở Huế, Trần Kim Tuyến, Trần Văn Đôn, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Tôn Thất Đính, Đỗ Cao Trí và rất nhiều dân biểu, bộ trưởng Phạm Kim Ngọc, giám đốc chiến tranh tâm lý Nguyễn Hữu Có, Cao Văn Viên, Lam Sơn?... Có phải tất cả các nhà báo đều có thể dễ dàng tạo dựng những mối quan hệ như vậy? - Mối quan hệ thân tới mức “lại nhà chơi cũng được”…
Có lần Trần Kim Tuyến yêu cầu ông đứng ra làm chủ bút một tờ báo, lời ăn, lỗ thì bác sĩ Tuyến chịu. Nhưng ông Ẩn đâu có tham vọng làm chủ báo, đâu có mục đích làm giàu. Đã có lần Ẩn phỏng vấn Ngô Đình Cẩn sau vụ đảo chính hụt về việc chính Cẩn đã phát hiện âm mưu đảo chính. Đã có báo cáo lên nhưng bị vứt vào sọt rác. “Thưa ôn nếu ôn chịu, con viết chi tiết đó cho Reuters”. - Ẩn thăm dò. Ngô Đình Cẩn phải bảo thôi đừng đăng: “Mi phỏng vấn tao thiếu nước lạy. Mồm ác lắm!” Ông Ẩn có một người anh họ làm giám đốc Cảnh sát Công an Trung phần. Biết Cẩn thích chơi chim, ông anh thấy Ẩn có con chim loan liền bảo: “Mi cho tao để biếu ôn”. Ẩn có cái ống nhòm, anh cũng xin “Cho anh biếu ông Cậu để ổng đi câu cá”. “Câu cá, hay là để dòm các cô?” “Cái miệng mi ra Huế chết tao”.
Sinh hoạt thời kỳ ấy có những chuyện vui bên lề. Phủ Tổng thống thấy Ngô Đình Diệm thích có người Nam mà biết Huế, biết Bắc, nói chuyện thẳng thắn và vui, họ muốn chọn Ẩn vì Ẩn đủ “tiêu chuẩn”. Diệm thích trò chuyện với những tay thẳng thắn, lại thích cây cối. Một lần Diệm xuống Vĩnh Long thăm ông anh là Ngô Đình Thục làm đức cha ở dưới miền Tây. Ngô Đình Diệm thích cây cối. Đi dọc đường, ông ta ưa thích nhìn mạ xanh bên ruộng hai bên đường thẳng cánh cò bay. Ông luôn mồm rủa những kẻ đang tâm chặt cây cối về làm cây Noel. Đang nhìn chiếc cổng làng phía xa có cây cổ thụ, dưới gốc cây nhiều nông dân đang nghỉ ăn trưa, Diệm thính lắm bèn hỏi: “Cây chi rứa mi?” Người lái xe cự lại: “Cây chi cụ nhìn cụ biết chứ, con đang chạy xe 100km/giờ sao dám nhìn cây! Tính mạng cụ nằm trong tay con đây nè”. Sau lần đi ấy, Diệm thường than mắng các cấp dưới chỉ biết a dua nịnh bợ ông mà chẳng ai thật lòng. Có người bộ trưởng vào tiếp kiến vâng, dạ lễ độ, lúc đi ra không dám quay lưng đi tử tế, lại đi giật lùi, chẳng may đụng phải đôn chậu cây vấp ngã, Diệm khoái trá cười: “Chỉ quen a dua nịnh bợ, các ông không thương tôi bằng người Sốp - phơ”.
Có lần ở sát biên giới Miên có tranh chấp. Thiếu tướng Becna Trần Tử Oai làm Tư lệnh vùng 4 sát biên giới, Ngô Trọng Hiếu lúc đó làm đại sứ, bị Xihanúc phiền trách. Diệm kiếm chuyên gia về Campuchia để hỏi ý kiến tìm cách giải quyết tình hình căng thẳng, liền xuống Cần Thơ tìm Tư lệnh vùng 3. “Cụ kêu lên” - viên tướng cấp tốc lên gặp, chào kiểu nhà binh cái rốp. “Tư lệnh vùng phải không?” “Dạ phải.” “Ở biên giới có tranh chấp, cho ý kiến giải quyết thế nào?” “Mật lắm Cụ ạ”. “Nói đi. Mật hoài.” “Phải rồi, cái này mật. Cụ cho con một ngày đi, một ngày về, tổng cộng khoảng 5 ngày con giải quyết xong”. “Năm ngày là sao?”, “Con hành quân đến Phnom Penh đánh một ngày”. “Đâu có được. Tưởng có mưu gì ngoại giao”. “Con quân sự chỉ có hành quân thôi. Quân sự là thế. Con nói Cụ rồi, mật lắm!”. Diệm khoái những người như “Oai” và nói thẳng như thế, có khi dám phản ứng theo cách của mình. Vì vậy người ta nhắm “chắc thằng Ẩn” đủ tiêu chuẩn để trò chuyện với Cụ. Nhưng cũng có người phát hiện “Nó ẩu lắm. Nó dám dắt ông Cụ đi dancing thì lộ hết mặt đám quan chức ăn chơi đi dancing tối ngày”. Ai chứ Ẩn thì dám dắt ông Diệm đi chơi đêm bất tử, lòi ra các bộ trưởng nhảy đầm!
Một dịp Tết, Ẩn lại chơi nhà Trần Kim Tuyến. Có mấy vị bộ trưởng mới tới chào Tuyến, Ẩn liền lại nói chuyện với bà vợ Tuyến. Thấy nhà họ được biếu quá nhiều hoa thủy tiên, Ẩn miệng nói, tay bốc: “Xài không hết. Tôi không có”. Vị bộ trưởng lấy làm lạ hỏi “Thằng nào hỗn vậy?” “À, anh Ẩn nhà báo thân đó mà” - bà Tuyến cười giải thích.
Ông Ẩn được nhiều quyền đặc biệt không chỉ do nghề nghiệp mà là do quan hệ rộng. Ông đi lại có cả giấy của an ninh Phủ Tổng thống, có súng. Ông lái xe đi Buôn Mê Thuột khi cần. Cùng với các nhà báo nước ngoài, Ẩn đi cả vĩ tuyến 17. Đi tham quan khu trù mật thì bằng xe của Phủ Tổng thống. Ẩn có chiếc xe riêng, xe taxi nhỏ hiệu Renault dùng suốt từ năm 1960 tới khi miền Nam giải phóng.
Người ta đã quen chiếc xe nhỏ của tay ký giả chuyên viết chiến sự, đi khắp nơi, tự lái và luôn chở con chó đi cùng. Ông nuôi bécgiê giống quý. Con bécgiê mua từ Đức cũng nổi tiếng vào hàng số một Sài Gòn lúc đó với giá 30 cây vàng. Những đêm ông làm báo cáo bí mật con chó nằm dưới chân. Nếu có động tĩnh gì, con chó thính lắm. Cảnh sát đi khám sổ gia đình (hộ khẩu) ban đêm giờ giới nghiêm ngoài đường cách gần cây số nó nằm yên nghe, lấy chân khều khều báo cho chủ. Ban đêm khi ông chụp lại các tài liệu, bản đồ dưới ánh đèn 500 watt che kín, nếu có tiếng chó sủa tức là có ai đó đi bên ngoài.
Sau này ông bán con chó đó để mua con khác từ Mỹ đem qua. Nó cũng tinh tường một cách đặc biệt. Những đêm Mỹ đem máy bay B.52 rải bom ở xa tận ngoài chiến khu, đất rền rung rất nhẹ nó đã sủa khi chưa ai cảm thấy. Mãi sau khi nghe nó sủa rồi, cố để ý mới thấy cửa rung. Con chó thường ngồi sau xe. “Có lần tôi trao đồ cho người liên lạc, bà khựng lại sợ quá vì thấy con chó”. Khi ông vào nhà hàng (ông thường vào các nhà hàng Brô-đa, Givral, Continental… nơi tập trung giới báo chí, các quan chức, dân biểu) con chó được lệnh ngồi chờ ở ngoài xe. Nó có thể tuân lệnh ngồi yên như thế chờ đến một, hai tiếng tới khi ông chủ ra. Nếu được vào nhà hàng, nó chui nằm yên dưới bàn.
Hẳn là nó quá ấn tượng với đám bạn làm báo hồi đó. Đến nỗi nhiều năm sau này khi Sài Gòn giải phóng, họ trở lại thăm ông Ẩn, làm các cuộc phỏng vấn, như ta đã thấy trong miêu tả của họ, bao giờ bên ông Ẩn cũng có hình ảnh con vật thân thiết của ông. Safer đã tả lại kỷ niệm cũ khi tiếp xúc với Ẩn ngày xưa ở nhà hàng, cái mõm đen của con chó thò ra khỏi gầm bàn im lặng khi chủ của nó đang nói cười. Và hình ảnh gặp lại ông Ẩn ở Sài Gòn sau hàng chục năm cũng có “Ẩn và những con chó thân yêu của anh ta”. Kết thúc bài viết, cũng là “Ẩn giơ cánh tay xương dài vẫy vẫy từ biệt cùng với tiếng chó sủa theo chúng tôi ra ngoài con lộ”.
Ngày Tết, đám bạn bè và quan chức thường mừng rỡ nếu thấy chàng ký giả vốn “rất Mỹ” này lại khăn đóng áo dài dẫn bécgiê đến chúc Tết. “Ông nội này láo” - đám bạn bè trêu chọc bình luận. Nhưng Ẩn bảo: “Không đi với vợ mà đem chó bécgiê theo là hên”. Con chó cũng giúp Ẩn mở quan hệ thân thiết. Ông thân với Đỗ Cao Trí (tướng nắm Vùng 3 chiến thuật, vùng Sài Gòn và Đông Nam Bộ), cũng qua con chó. “Chả khoái bécgiê, đi chợ chó luôn. Cố vấn Mỹ mua cho chả 3 con: hai đực, một cái, nhưng đẻ con ra không đẹp. Ổng xin giống từ con chó của tôi. Nó nhảy, đẻ con rất đẹp. Ông nào thích thì cho giống với giá 100 đô một lần nhảy. Có khi tôi đem chó con đến biếu những người giúp đỡ mình. Họ mừng lắm”.
Lansdale phụ trách Phái bộ quân sự Sài Gòn, trong đó có hoạt động của CIA, cũng nuôi một con chó. Ông ta nhìn phản ứng của chó để dò xét người khác. Lansdale cho rằng người không có tà tâm thì chó của y nằm yên lặng. Người nào con chó nó dòm chừng thì có vấn đề gian dối tà tâm gì đó. Theo ông ta: “Con chó nó đánh giá được”. Có lần ông Ẩn bảo: “Mỗi lần tiếp tôi, anh để chó ớn lắm”. “Anh nuôi chó mà lại ớn chó sao? Nó giúp canh chừng, nó dòm cảm tình thì tâm địa tốt.” Lansdale lại giải thích. Ông Ẩn bảo: Đâu có nhất nhất như vậy. Có con nhạy có con không, sủa tầm bậy vu vơ. Chẳng có sách nào dạy cái “đồ” này.
Bây giờ ông Ẩn vẫn nhận xét thế. Nhưng theo ông, trong nhà phải nuôi ba con vật: con chó trung thành, “con có thể chê cha mẹ khó chứ chó không bao giờ chê chủ nghèo”. Con chim thì nhảy hoài. Nó tiêu biểu cho sự bận rộn làm việc suốt ngày, không làm biếng. Còn con cá thì dạy sự khôn ngoan, im lặng, không nói nhiều mà suy tư. Ông còn đùa: không nên làm nghề xuất nhập khẩu. Bệnh do khẩu nhập họa do khẩu xuất mà!
“Bệnh ăn bệnh nói dễ vô tù”.
4
Chiếc cổng sắt lúc nào cũng đóng kín, có một cái chuông cũng đặc biệt: không nhấn nút cho reo, mà giật vào sợi dây dài. Một cái chuông nhỏ ở đâu đó kêu leng keng lạ tai. Có lẽ vì vậy mà thỉnh thoảng đám con nít đi qua cổng “ngứa tay” lại giật chơi. Chúng tưởng rằng chỉ có bầy chó sẽ xô ra sủa mà không biết rằng mỗi lần như thế, có rất nhiều “nhân vật” kinh động. Không phải chỉ có chủ nhà...
Thông thường, ở Sài Gòn thời mở cửa, bắt đầu cuộc làm ăn thị trường sôi động, nhà mặt tiền trên phố thế này chẳng ai không nghĩ cách tận dụng, xoay ra tiền bạc. Ngôi nhà của ông là một biệt thự hạng thường mà theo miêu tả của Henry Kamm thì “tướng của quân đội Việt Nam cũ không bao giờ cư ngụ trong căn nhà khiêm nhường đến thế”. Nếu ông bán đi như người ta thường làm, để lấy số tiền lớn mua một căn nhà nhỏ hơn, dôi ra được ít tiền. Hoặc nếu ông xây cất thêm chi chít, cho thuê, mở cửa hàng, hoặc làm quán ăn, café vườn… thì đó cũng là phương án thông thường của người Sài Gòn ngày nay. Nhưng ngôi nhà của ông giữ nguyên một mảnh vườn nhỏ phía trước. Tôi cảm nhận nó giống như một lời thầm nói lên tính cách của chủ nhân.
Một người từng trải qua mọi sang, hèn, đã là một ký giả như một chính khách thời thượng nhất, giờ đây “ông Ẩn còn yếu đuối hơn những ngày ông làm phóng viên” - lại lời của Henry - “Một người yếu đuối cong xuống nhưng không dễ dàng bị đánh gục giống như cái cây trong giông bão”.
Tôi cũng giật vào cái chuông đặc biệt trước nhà. Ông ra mở cổng sau khi đã chải đầu thật gọn gàng. Không rõ là kiểu tóc luôn được chải vậy hay là vừa mới gội đầu. Có khi ông vẫn mặc áo ba lỗ, ra mở cổng ngay sợ khách chờ lâu bên ngoài. Nếu mà nghe kể tên những thứ ở khoảnh vườn nhỏ thì rất dễ bị hình dung ra bài trí của biệt thự sang mà ta hay gặp. Nhưng khu vườn lại rất bình thường với vài ba khóm cây cao, còn lại là các loại hoa cây nhỏ và thấp xuống bên dưới khiến người ta khó mà nói ngay rằng đó là mảnh vườn trồng rau hay là vườn êm ả của các bụi cây cho bóng mát và sự yên tĩnh. Một con chó đá đen trùi trũi ở gần bậc cửa, nơi có một chiếc bàn đá nhỏ có thể ngồi chơi uống nước hóng mát các buổi chiều. Cái bàn này chỉ cách đường phố ầm ĩ gầm gào xe cộ suốt ngày đêm bởi vài bụi cây nhỏ. Vậy mà vị trí của nó đã đem lại ngay sự thanh bình rồi.
Mỗi tiếng chuông giật không chỉ là bầy chó sủa, mà làm kinh động nhiều “nhân vật” nào vậy? Khách không nhận ra ngay bởi họ đang bước vào khoảnh vườn vắng trước cửa. Chỉ đến khi quan sát các công việc tỉ mỉ, rất nhẹ nhõm của ông, mới thấy ở đây được khá nhiều vị khách lạ nhòm ngó lui tới. Không chỉ mình ta là vị khách bước vào.
Ông Ẩn bắt ổ chim, đỏ lói mới nở và cho chúng ăn bằng trứng kiến. Ông lấy ra thứ trứng kiến trắng như gạo, mềm, nhỏ li ti. Đó là trứng mới đẻ. “Kiến vàng đít chua lắm. Nấu canh chua thì bắt nguyên ổ, vớt kiến bỏ đi, còn lại nước chua lắm”. Ông giải thích như chia sẻ với một người cùng sở thích. Lời nói đó nhẹ nhàng “như thi nhân” bởi nó giống lời thì thào say sưa của đứa trẻ lúc đang chơi. Một thói chơi hồn nhiên như trẻ. Không có gì to lớn hoặc cầu kỳ theo kiểu dân chơi nhà nghề sành điệu đưa lên thành nghệ thuật. Thú chơi của ông khác lắm. Chiều theo thiên nhiên, lặng lẽ và có vẻ gì đó hưởng thụ như một cậu bé con tò mò, tinh quái.
Chẳng có nhiều điều kiện để cầu kỳ, nhưng lại khá “oái ăm” bất ngờ. Ai mà có thể nghĩ ra cái tác dụng nấu canh bằng cái đít chua của bầy kiến! Chắc chắn vợ ông đi chợ chỉ vài ngàn đồng là có đủ rau, thơm, bạc hà, lá giang cho nồi canh chua. Nhưng ông biết hết “tính năng” của các loài vật. Còn oái ăm hơn cả các món ăn: “Viết thơ tình bằng nước xanh chua chua bóp ra từ kiến. Viết bằng bút học sinh. Ông bồ hơ lửa thấy chữ. Cái này đi học được. Khổ vậy kia, cái gì cũng học!” Ông nói như than thở, mà mắt lại ánh vui.
“Chú bé Ẩn” chơi các con vật từ lúc 5 tuổi, chứ không phải kiểu chơi chim chơi thú của những ông già về hưu nhàn rỗi đỡ buồn. Ông có con khướu đã sống 15 năm ở khu vườn nhỏ này. “Sáo, họa mi, năm con sóc còn hai. Nó ở đâu đó đến! Tôi treo thức ăn lên vỏ trái dừa, ngày ngày nó đến ăn rồi lại đi. Đất lành chim đậu là vậy. Sẻ rất nhiều. Súng hơi người ta bắn riết nay không còn. Hai con chích chòe lửa, tôi bắt được ở đây”. “Chị ngồi chờ, để tôi chỉ cách bẫy sẻ này”.
Ông lấy ra hai cục gạch, đặt trên cái bàn uống nước: “Lấy ba cái que lớn lớn tí thôi. Bỏ lúa trong rải vài hột thôi”. Ông say sưa: “Cây trúc cương trực. Sẻ là tiểu nhân láu lia láu lịa, không bao giờ được người ta vẽ đậu trên cành trúc. Sẻ xấu, đa nghi. Gạch đè xuống là ra bắt liền, không nó chết”. Ông hướng dẫn cứ như là tôi cũng hiểu hết, đang muốn học chơi theo. Hình như ông muốn tôi cũng nên biết chơi, vì theo ông “con nít giờ không biết, giảng không hiểu, không biết chơi”. Ông dặn tôi: “Rải một ít ở bên ngoài kẻo nó ăn no không vào ăn phía trong hòn gạch nữa”. Ngày trước thì ông bẫy chích chòe. Bẫy đâu có như bây giờ! Cây tre có cành buộc như cần câu, một đầu cắm xuống đất. Có một cái vòng bằng tre, có cái cò để vô cột con dế. Có thòng lọng, có chỉ rút. Chim vào mổ cào cào, dế. Cái cần cò bật lên siết lấy con chim. Ông lại dặn: “Đừng treo cao quá siết cổ nó chết”. Còn bắt chim én, nó thường bay thấp, ăn ruồi rác. Nó bay sớt qua sớt lại không đậu. Phải để cái vòng có con ruồi ở giữa, chim chui đầu vô, bị giật.
Thì đó, có cả một “thế giới nhộn nhịp”, thăm dò nhau, ngó nghiêng, chim, kiến, sóc… đủ cả. Nhiều khi chúng sống đâu đó, trên phố xá ta nào thấy được. Chỉ ở nơi đâu, có những người như ông Ẩn, chờ đón, xem xét nó, lặng lẽ để thức ăn ra hàng ngày cho nó đến ăn rồi lại đi. Chỉ có kẻ nào hào phóng, không định sở hữu, bắt nhốt chúng, chúng mới tới “sống cùng” trong chốc lát, rồi lại là “người của tự do”. Chúng là những nhân vật đông đúc ở khu vườn nhỏ, khách vào nào có ai biết là chính họ đang làm kinh động nhiều vị “đồng chủ nhân” cùng với người đàn ông cao gầy có bộ óc và cuộc đời của một triết gia, suốt đời sống cận kề với hiểm nguy, sống chết. Thấu hiểu cuộc đời trong cả nghĩa đen của sự sống.
Những ký giả phương Tây luôn ngạc nhiên không chỉ vì ông Ẩn là một ký giả xuất sắc, săn tin giỏi, mà còn vì óc hài hước, sự thành thạo nhiều mặt trong đời sống. Trong mảnh sân vườn nhỏ này, có lẽ tôi là nhân vật xa lạ nhất xâm nhập vào đây, mong mỏi được quan sát tìm hiểu về một con người đặc biệt. Đôi khi tôi có cảm giác hình như con chó đá nó đang cười tôi phía sau lưng, mỗi khi ông Ẩn tiễn tôi ra cổng. Dường như cả con kiến ở trong vườn này nó cũng biết rằng tôi không hiểu ông Ẩn bằng nó.
Cũng công bằng thôi, một khi mà với con chim huýt cô sầu ông nuôi nó 8 năm, đi chơi Vũng Tàu cũng mang nó theo. Có cả lồng tắm riêng cho nó. Ông nhìn cái lồng và bảo: “Lồng không sạch vầy ở Úc nó đuổi đó, không cho nuôi chim đâu. Còn nếu khi nào thấy cá lội tung tăng quá thì đừng có tưởng là vui tươi khỏe mạnh. Đó là lúc nước bẩn".
Những con chim ấy biết sắp được ăn “bít tết” như Tây khi ông cầm sâu tươi và những con rắn liu điu nhỏ xíu ra. Dường như con huýt cô sầu biết ông Ẩn đã hiểu ra lai lịch vì sao nó có cái tên buồn rầu đó: Có đứa con gái nhỏ mồ côi được cô nuôi. Khi cô chết, nó ra mả khóc không ăn uống đến chết biến thành con chim huýt cô sầu. Cái sự tích chuyện đời con hoàng anh cũng được ông Ẩn kể: Cô nương kia chờ chồng chinh chiến. Chờ đến kiệt sức thì chim bay về báo tin cô ráng sống vì chồng sắp về. Cô ráng sống, được gặp chồng là nhờ chim hoàng anh.
Ông còn bình luận vui: Nhà nào mà có con gái, lại trồng cây liễu rủ buồn, thêm con chim huýt cô sầu nữa thì con gái đến là tự tử thôi. Phải cấm con gái trồng liễu và nuôi chim huýt cô. Thêm ông nội này kêu thì chết con nhà người ta.
5
Quả thật ông không bao giờ giấu giếm ý nghĩ rằng đã học được rất nhiều điều ở Mỹ và có thể coi thời gian đi học ở trường báo chí Orange Coast tại quận Cam, California là những năm quyết định quan trọng đối với ông. Người dân Mỹ trung thực, công bằng, cởi mở và tử tế. Họ cho thấy phần nào khái niệm về tự do và lòng tôn trọng quyền của con người. “Họ chỉ cho tôi cách nhìn mọi sự theo con mắt của người khác, phê phán bản thân mình trước hết. Họ dạy các thế hệ biết lao động, biết trở về thực tế. Tôi mong muốn con cái tôi được giáo dục ở Mỹ”. Ký giả nước ngoài vẫn thường trích dẫn ý kiến này.
Nhưng họ không biết rằng việc Ẩn sang Mỹ du học vào cái năm 1957 trên danh nghĩa tự túc bằng tiền hưu trí thôi việc lúc mới 30 tuổi, có 7 năm làm việc, có đủ tiền máy bay lúc đó giá 600 đô - cuộc đi đó do Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định. Nếu không quá khó khăn, Đảng muốn Ẩn học từ 4 đến 6 năm để có bằng tiến sĩ. Mục đích của Đảng giao cho Ẩn phải học thật giỏi, và tìm hiểu nước Mỹ. Chính vì thế Ẩn đăng ký học lịch sử - địa lý - kinh tế Mỹ, báo chí, quân sự… Không những thế, Ẩn có ý thức tích lũy những kỹ thuật, nghiệp vụ, các bài học rút ra từ các tài liệu của Mỹ, Liên Xô, Nhật. Ông đã kể lại những ngày đi học ở Mỹ, với bạn ông, nhà báo Hồng Liên như sau:
Sau khi học ở Mỹ về, ông làm việc ở Việt Tấn xã, cơ quan thông tấn chính thức của chính quyền Sài Gòn. Một năm sau chuyển sang viết cho Reuters. Bốn năm sau, ông chuyển về tờ New York Herald Tribune. Từ năm 1965 - 1976 ông là phóng viên Việt Nam duy nhất viết cho Time.
Ngày nay, khi mà loài người tự nhận thấy sự biến đổi của thế giới một cách rõ ràng hơn, giao lưu với bên ngoài nhiều hơn, thì lối sống cũng thay đổi. Người ta biết rõ có nhiều lối sống khác với bao nhiêu là thách thức: Thông qua Internet, người ta có thể thấy những luồng thông tin như thác đổ. Nhân loại biết tự phê phán và mổ xẻ những nghịch lý của thời đại mình và họ đã viết ra trên Internet: “Chúng ta có nhiều tòa nhà cao hơn nhưng tính cách lại nhỏ hơn, đường cao tốc rộng hơn nhưng quan điểm hẹp hòi hơn, chúng ta chi xài nhiều hơn nhưng gia đình lại nhỏ hơn. Nhiều tiện nghi hơn nhưng ít thời gian hơn. Nhiều bằng cấp hơn nhưng lại kém ý thức hơn. Thời của thức ăn nhanh mà tiêu hóa chậm, lợi nhuận quá cao nhưng quan hệ hời hợt. Thời của hòa bình thế giới nhưng nội chiến và thiên tai nhiều hơn”…
Nhân loại tự nhận thấy mình uống quá nhiều, chi quá lố, giận quá mau, thức quá muộn, dậy quá mệt, tăng số của cải nhưng lại giảm giá trị của mình… Một thời kỳ mà nhân loại nhìn lại mình tiến những bước dài để sang một thiên niên kỷ mới - Trong đó vệ tinh đầu tiên con người đầu tiên đi lên vũ trụ, bệnh AIDS được phát hiện, có cuộc cách mạng Internet và có công ty Microsof, và nhân bản được cả con người…
Trong thế giới ấy, ở khắp nơi có đủ các kiểu sống. Chẳng phải chỉ ở phương Tây xa lạ mà ngay ở phương Đông, ở nước Nhật, người ta cũng đã thấy được một lối sống không phải của ít người, có tới 10 triệu “con ký sinh sống độc thân” . Công thức và hình ảnh tiêu biểu thường là: một cô gái ngủ 9 giờ mới dậy, mẹ đã làm thức ăn sáng. Lao vào đi làm tới 9, 10 giờ đêm mới về. Đi chơi, cưỡi ngựa, đánh golf, mỗi năm nghỉ nước ngoài tiêu hết 9.000 đô. Thời đại của những ký sinh sống độc thân, dựa vào cha mẹ, rút vào vỏ ốc, xa rời xã hội. Người ta nói rằng có cả thế hệ người - chứ không phải số ít - đã lẫn lộn giữa hai chữ hạnh phúc và tiện nghi vật chất. Rồi người ta lại hy vọng như một vị giáo sư ở Nhật nhận định: Một xã hội sau thời kỳ nhộn nhịp sẽ đạt đến thời kỳ trầm lắng và chỉ đến lúc tụt xuống quá mức thì những nhu cầu bức bách sẽ giục nó dậy lên…
Nếu như vào thời hiện đại, thì suy nghĩ của ông Ẩn về con đường rèn luyện cho một niên thiếu thành người theo cách ông thấy được ở Mỹ sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng nếu ta đứng lùi lại nửa thế kỷ khi đất nước Việt Nam còn biệt lập trong nỗi đau bị xâm lược, thì những mong muốn của ông Ẩn, cách suy nghĩ của ông cho con cái mình yêu lao động và thực tế “dễ lòi ra mình là Việt Cộng vì lúc đó ở Miền Nam giới công chức không ai nghĩ và làm như vậy”. Ông Ẩn nhớ lại cái thời mà ông là phóng viên của tờ Time, muốn con mình gần đời sống bình dân, thấy cảnh cơ cực để mà thành người. Ông nói: “Ngày đó tôi còn muốn con đi theo các chuyến xuống nông thôn cho nó thấy cảnh cực. Cho nó biết lội bùn, thấy con nít nhà quê ăn cơm bằng chén làm từ muỗng dừa đen bóng”. Ông muốn thằng con trai mình phải tập làm việc, biết giao tiếp, và định xin cho nó tập làm bồi ở nhà hàng Givral.
“Tôi muốn cho nó làm trong dịp nghỉ hè, biết làm bồi làm bếp, giao dịch, chạy bàn, lấy menu. Để sát với dân”. Ông sợ con mình giống như con cái của gia đình khá giả xa cách với cuộc sống - lúc đó Ân, con trai ông mới 12 tuổi.
“Mình làm vậy là bị nghi Việt Cộng. Nhưng tôi là vậy. Con nhà Mỹ nó làm việc nhiều. Mỹ nó dạy như vậy. Tôi thấy vậy là khôn”. Người ta ngạc nhiên và cũng ngại không dám nhân cho Ân tập làm bồi. “Các ông sợ nó lóng ngóng không biết làm? Hễ nó đập bể cái gì, tôi thường”. Nhưng ý định này chưa kịp thực hiện thì miền Nam giải phóng, cuộc đời đã thay đổi. Ông nói: “Cái cách nghĩ như vậy, giới thượng lưu miền Nam lúc đó cho chỉ có Việt Cộng mới dạy con lao động cực khổ. Tôi thì nghĩ điểm này nói là của Việt Cộng cũng được, mà nói Mỹ hóa cũng được”. Con của tụi Mỹ như ông đã thấy, “người ta nuôi con, đảm bảo cho con ăn học, có bệnh tật thì chạy chữa, đảm bảo những nhu cầu cơ bản. Nếu muốn xài hơn, thì đi làm việc kiếm tiền. Rửa xe, cắt cỏ… Dạy nó biết tiền từ lao động mà ra. Dù gia đình có là tỷ phú cũng vậy. Tôi thấy vậy là khôn”.
Phải lao động tay chân - lao động bao giờ cũng phát triển nhanh tư duy. Từ lao động chân tay mới vô trí óc. Phải lao động mới ra sáng kiến. Nhà trường Mỹ dạy kỹ lắm. Nhỏ xíu đã phải học cả những giờ học về cây cối. Ông thầy chỉ cách, trò tự trồng đậu, bắp, mía, biết cái cây nó lớn thế nào. Lớn chút ít học thêm nghề mộc, được dạy cách cầm bào, cưa, tập đóng bàn đóng ghế.
Ông thường dẫn con trai lên Thủ Đức vào những ngày nghỉ, vạch cả hàm răng trâu cho con xem để biết con trâu chỉ có một hàm răng. Chẳng gì làm cho nó nhớ liền bằng cái cách nhìn thấy tận mắt như vậy. Về quan niệm lao động để phát triển con người thì ông Mác đã dạy - Việt Cộng càng coi là lối sống căn bản. Vậy mà nếu anh sống theo cách đó, có thể là Mỹ hóa.
“Có ba nền văn hóa trong tôi” - lời ông Ẩn tự nhận, nó bao trùm lên toàn bộ tính cách và cuộc đời hoạt động của ông. Có lẽ phải hiểu lời ấy trên cách cảm nhận về thời cuộc, sự lựa chọn con đường dấn thân. Như ông đã từng trả lời phỏng vấn Safer khi được hỏi là làm thế nào để không bị lộ tung tích trong suốt bấy nhiêu năm. Ông nói: “Cái đó không khó bằng sự trung kiên”, sự trung kiên mới thực sự là vấn đề. Một số ký giả Mỹ cho rằng ông học được ý niệm về sự trung thành này từ các đại học Mỹ. Cũng có thể ông Ẩn đã được thấy và sống cùng với những người bạn Mỹ trung thực. Do đó theo ông, ở một mức nào đó, sự trung thành hoàn toàn là một ý niệm Mỹ.
Những lời như thế, không rõ thực hư là ông Ẩn có nói như vậy và các ký giả Mỹ có phần vội vã chăng khi họ có thể thừa nhận sự thấu hiểu triết lý thâm sâu của văn hóa Việt Nam. Trong ngôi nhà giản dị nhưng không quá nghèo khổ, cả gia đình ông sống theo tinh thần “xã hội chủ nghĩa” - chữ dùng của ông, khi tâm sự chút ít về chi tiêu trong nhà: “Phải có ngân sách, phải biết rõ kiếm từ đâu ra để chi. Các con nhỏ còn đi học, chi tiêu theo mức của ngân sách cho phép. Phải tiết kiệm”. Ăn thứ gì đủ dinh dưỡng, không cần xài đồ mắc tiền. Xưa người ta mặc đủ ấm, nay đẹp, tùy con mắt, nhưng phải coi ngân sách mà tính. Đi làm cũng vậy. Phải đọc sách, phải học. Con trai cũng phải biết chăm con…”
Đó là khái niệm “Việt Cộng” hay khái niệm Mỹ, ai muốn nói gì thì nói, điều chủ yếu không phải chỉ là lối sống vụn vặt bình thường hàng ngày. Nếu muốn nói đến nguồn cội văn hóa nào đã làm nên tính cách một người Việt Nam như ông Ẩn, thì phải bắt nguồn từ nhiều điều sâu xa hơn. Nó được chứng minh bằng sự lựa chọn của cá nhân đối với vận mạng gieo neo của đất nước mình. Nó còn là sự khôn ngoan của con người trước mọi biến đổi của pháp tướng vô thường.
6 Bình phong không phải là vỏ...
Một mối hoài nghi, một câu hỏi tò mò nhất mà giới báo chí phương Tây vẫn còn hỏi ông Ẩn. Đó là câu hỏi của Morley Safer: “Họ có yêu cầu anh bịa đặt tin trên báo Time không? Chữ mà người ta thường dùng là “đưa tin thất thiệt”. Ông Ẩn trả lời: “Không. Họ đủ khôn ngoan để thấy rằng loại tin ấy dễ bị phát giác. Họ dặn đi dặn lại tôi là không làm bất cứ điều gì có thể phương hại tới công tác”. Họ đây là phía Cách mạng. “Công việc khởi đầu một cách thực sự vào năm 1960 khi ông Ẩn làm việc cho hãng Reuters. Lúc đó ông đã mang quân hàm trung đoàn trưởng, nhưng thực ra chưa bao giờ ông mặc quân phục, chưa bao giờ mang súng. Có lẽ cây súng của ông là cây viết và một cái đầu cùng con tim của người chiến sĩ. Trong những năm làm việc cho báo Time, ông đã thăng quân hàm đại tá” - Nhà báo nước ngoài viết vậy.
Trong căn phòng có vẻ hỗn độn nhưng sạch sẽ và đầy sách vở, không có “mùi bùn tỏa ra từ chồng sách báo đang từ từ mục trong cái khí hậu ẩm thấp của Á châu” như lời của nhà báo phương Tây miêu tả. Ông Ẩn vẫn sống trong phong cách của một người nghiên cứu và biết dung hòa với tuổi tác ngày càng cao của mình. Công việc bận rộn suốt ngày, chỉ ngồi ở căn phòng khách, ta có thể tưởng tượng ra khối lượng công việc của ông. Bể cá phải thay nước thường xuyên. Những lồng chim treo đầy cửa, đặt trên kệ. “Con này 10 năm rồi đó” - ông chỉ về phía con chim quý và dẩu môi ra huýt sáo chẳng ngần ngại, như ông và chú chim kia vẫn thường nói chuyện cùng nhau. Dưới mắt tôi, con chim nhỏ xíu chỉ bằng quả chuối ngự kia, thật “đáng sợ”: Để cho nó được sạch sẽ và no nê cất tiếng hót, chủ nhân phải hầu hạ nó nhiều công lắm!
Vì sao ông chọn nghề báo, và giữa nghề báo thực sự với công việc của một sĩ quan tình báo, hai việc đó liên quan nhau thế nào? Làm thế nào để đúng như ông nói - Chỉ huy của ông luôn dặn đi dặn lại là đừng làm gì phương hại tới công tác của một nhà báo.
“Bình phong để hoạt động không phải là cái vỏ, không phải là sự đội lốt trá hình, đó không phải sự ngụy trang bên ngoài. Phải thực sự sống bằng nghề đó một cách trong sạch - Sống mãn đời nghề đó mới mong tiếp cận được mọi điều. Đó là cả một nghệ thuật sống. Nội cái đó không thôi cũng đã là cả một cái luận án.”
Ông lấy thí dụ Graham Greene (tác giả cuốn The Quiet American - Người Mỹ trầm lặng) hết làm tình báo trở thành nhà tiểu thuyết. Nếu không là một người trong giới trong nghề, nếu chỉ là sự ngụy trang bên ngoài, sao ông có thể trở thành một tiểu thuyết gia.
“Người muốn tạo ra phải ở trong giới đó - Sống mãn đời với nghề.”
Theo ông, có ba nghề quan hệ rộng nhất, có lợi cho công việc của tình báo, đó là luật sư, bác sĩ, giáo sư. “Thật ra, báo chí rất dễ bị nghi. Cách cả cây số có mùi nó rồi. Cứ nghi là chắc. Nó chuyên phủ định, Negative, moi móc cái tiêu cực. Xã hội lúc đó giàu và quyền thế là thiểu số. Còn đông số nghèo khổ ,uất ức sẵn. Nghề này cần đổ cái tiêu cực của đám quyền thế đó ra. Và người làm việc đó là anh nhà báo”.
Ông như người phân tích kinh tế, lấy hình ảnh chia cái bánh: “Sản xuất ra ít, nhu cầu nhiều, thì bánh chia thế nào. Dân nghèo đa số chỉ được miếng bánh nhỏ. Ức hoài. Ký giả viết thường bám vào những quan tâm của đa số đó. Tờ báo nhiều người đọc mới có quảng cáo. Một trang một kỳ mấy chục ngàn đô. Hình bìa báo tuần là 50 ngàn đô. Đó là giá ngày xưa. Nay mắc hơn nhiều”. Ông giải thích: Đó là lý do vì sao an ninh “theo” ký giả trước. Bởi dù nếu không làm tình báo, chỉ làm một phóng viên chuyên nghiệp cũng moi móc tin. Nhưng nghề nào cũng phải đạt tới mức chuyên nghiệp và phải có lương tâm nghề nghiệp.
Nghề dễ chọn làm nghề để hoạt động là luật sư, bác sĩ, nhà giáo, “kể như tính mạng bệnh nhân giao cho bác sĩ”; giáo sư không bao giờ dạy con mình làm bậy, do đó được phụ huynh tin cậy. Còn luật sư, nhất là cãi án hình sự thường bênh vực được người yếu thế, oan ức. Về cái nghề luật sư này, ông Ẩn có câu chuyện tiêu biểu của người em ông, sau này là một vị đại biểu Quốc hội khóa VIII của tỉnh Cần Thơ. “Thời kỳ tòa án xử bà Huỳnh Tấn Phát, tòa chỉ định em tôi, luật sư mới ra trường lúc đó đứng ra bênh vực. Nó theo vụ án tới cùng. Còn nếu là tiền bao nhiêu đi nữa, nếu biết án giết người là nó từ chối. Lương tâm nghề nghiệp nó dạy vậy.”
Nếu coi bình phong chỉ là thứ nghề giả tạo mà không giỏi thật sự, không làm nghề thật sự thì “chết như không”. Ông Ẩn vẫn còn nhớ chuyện của một điệp viên đóng vai cố vấn cho Nguyễn Chánh Thi lúc đó là tư lệnh quân đoàn. Một sĩ quan cao cấp bên an ninh đối phương có quan hệ khá thân, một hôm bảo Ẩn: “Toa làm cho báo Mỹ phải cẩn thận nhá. Ông Sáu Già là Việt Cộng đó (Sáu Già là một điệp viên từ Bắc vào làm cố vấn cho tướng Thi). Phải cẩn thận đó nghe. Toa có tính tốt, moa nói cho toa kiểm tra coi chừng”.
Vì sao sĩ quan an ninh này biết ông Sáu đó là Việt Cộng? Viên sĩ quan này vẫn không hề biết Ẩn cũng là một điệp báo Cộng sản. Ông ta vẫn nghĩ Ẩn chỉ là một phóng viên giỏi của báo Mỹ. Còn Ẩn, cũng không có cách nào để giúp vì nguyên tắc bí mật hoàn toàn. Ẩn chỉ rút ra bài học nghề nghiệp từ ông Sáu Già đó. “Moa biết là vì để ý thấy hễ ai quan trọng nói chuyện với ông Thi, ông Sáu thế nào cũng ngồi ở giường phía trong bức bình phong”. Viên sĩ quan nhận xét vậy, rồi xui ông Ẩn “Toa cứ thử vào phỏng vấn tướng Thi mà coi. Nó ngồi nghe đó. Có ký giả ngoại quốc là nó cho có chuyện quan trọng, thế nào cũng ngồi nghe”. Ông Ẩn thử làm, y như vậy. Ẩn dẫn ký giả nước ngoài vào phỏng vấn tướng Thi và thấy cảnh đó diễn ra thật. Sau đó, Mỹ giao cho tình báo kiểm tra ông Sáu. Ông Ẩn biết được cách kiểm tra của họ là do “đàn em” thân tín của ông, chính là người được phân công kiểm tra.
Cách kiểm tra ra sao? “Tôi sẽ dẫn thằng học trò lại vì ổng nói ổng là giáo sư trung học dạy toán ở bên Campuchia về. Mang thằng học trò lại, nói ngày mai thi rồi có bài toán bí quá nhờ giảng hộ”. Hắn đã làm như thế thật, và ông Sáu đã không giải được bài toán lớp bảy. “Sau này ông Sáu đã bị giặc bắt và ông Thi bị đưa đi Mỹ lưu vong”.
“Bình phong phải là một cái nghệ thuật, phải sống thật với nghề, phải giỏi, không thể ghép vô đóng giả được. Bác sĩ giỏi cứu được người bệnh, mới có quan hệ thân được”.
Trở lại sự nhìn nhận thời cuộc lúc đó, ông Ẩn cho rằng tình báo của các nước đều đi theo kiểu “ăn sâu trèo cao” nhưng thực tế cho thấy lên cao chừng nào thì lại có sự hạn chế chừng đó. Lên không phải dễ, nước nào cũng vậy. Phải có một nghề phù hợp với mục tiêu đối phương.
Đời ông đã từng biết câu chuyện thực tế về việc “đánh vô” không hề dễ dàng. Khi ký Hiệp định Genève, đất nước tạm chia đôi. Âm mưu của Mỹ là không thực hiện tổng tuyển cử thống nhất đất nước như Hiệp định đã ghi. Trong số những người di cư vào Nam, có hai thanh niên trẻ được cách mạng đào tạo. Con đường của họ là phải học hành thành sĩ quan chuyên nghiệp thực sự. Bao giờ thành tài, họ sẽ được giao nhiệm vụ sau. Hai thanh niên ráng học giỏi, được sang Mỹ đào tạo quân sự. Trong khi đó, có một cán bộ ngoài Bắc vào nắm tình hình và bị bắt khi chưa ổn định. Bị tra tấn dã man, ông đã khai ra kế hoạch đào tạo hai chàng trai nọ. Người tình báo bị bắt lẽ ra phải tự tử nếu chịu không nổi, vì nguyên tắc của địch là đánh cho tới khi khai. Khai ít đánh cho khai nhiều, khai nhiều rồi đánh nữa cho khai hết. Ai còn sống được là mừng. Có người bị giặc chích thuốc cho lên cơn thần kinh, bị ám ảnh ma quỷ bóp cổ để khai những gì còn nằm trong tiềm thức. Có thể nói đó là sự thử thách quá giới hạn của sức người. Sống thì thân tàn ma dại. Chính quyền ngụy không đủ phương tiện tra khảo thì chỉ dùng đòn đánh dữ. Ông cán bộ này chưa được huấn luyện kỹ. Một thử thách nữa là tình báo đảng viên lại có quy định giữ trọn khí tiết, không được tự tử, thế mới khổ thân.
Là một người được coi như một chuyên gia, ông Ẩn được phép quan hệ với nhân viên Quân ủy Trung ương ngụy, mặc dù lúc đó ông là chuyên viên ăn lương Phủ Tổng thống. Ông được tin cậy tới mức Điều lệ của Đảng Cần lao cũng đưa ông sửa và góp ý. Ông Đỗ Mậu (mà người ta gọi chệch là ông Đổ Máu - ông ta là đại tá giám đốc An ninh Quân đội) hỏi ông Ẩn: “Hai thằng này tính sao?”. “Khổ quá. Việt Cộng nó ghê gớm. Bây giờ kêu hai thằng đi học đó về, bắt xác nhận có việc đó. Chứ tụi nó mới đi học, đã hoạt động gì đâu. Cho đối chất chúng cũng biết ai đâu mà nhận mặt. Ra tòa cũng không kết tội được vì chúng chỉ đi học thôi, chưa hoạt động, đâu có tội gì”. “Thế hai thằng đó nó phải làm gì?” “Bắt xác nhận”. “Xác nhận xong làm gì?” “Đuổi nó ra khỏi quân đội. Bởi khi nhận việc, chúng nó tuổi vị thành niên”.
Việc diễn ra y như rằng, hai thanh niên kia bị gọi về nước tạm để kiểm tra thẩm vấn và sau cho ra khỏi quân đội. Câu chuyện cho thấy cài người khó như thế nào. Tạo bình phong từ nguồn đến vậy rồi mà còn hỏng. Ông Ẩn nhận xét và nhớ lại như đang bình luận một câu chuyện cũ. Trong buổi chiều thanh bình ở một thành phố mà mối quan tâm của tất cả dân chúng là hối hả làm ăn, thì câu chuyện xa xưa này nghe khó cảm nhận được hết.
Theo câu chuyện của ông, thời cuộc lúc đó hiện ra trong lời vắn tắt mà rất khốc liệt. Sau những năm 1957-1958, các lưới tình báo của ta bị bắt hết. Dương Văn Hiếu cảnh sát đặc biệt Miền Trung dưới thời Ngô Đình Cẩn rất có kinh nghiệm nắm rõ hoạt động của ta. Chính ông Mười Hương, chỉ huy của ông Ẩn, cũng bị bắt trong thời gian đó. “Tôi đang học ở Mỹ - ông Mười Hương giữ được khí tiết, không khai ra nên tôi an toàn”. Ông Ẩn nói rất kỹ về nỗi khó khăn của việc tạo vỏ bọc, của bình phong. Chính Mỹ dạy về nghề tình báo này kỹ lắm. Phải bí mật tuyệt đối. Họ dạy rằng khi nói chỉ một chuyện mật với một người khác thì phải coi là 11 người biết, còn nói với 3 người là 111 người biết.
Việc giữ bí mật quan trọng tới mức nếu một điệp viên được quá 3 người chỉ đạo là phải đổi sang bình phong khác. Tạo bình phong hoạt động cho một điệp viên rất khó và đòi hỏi nhiều thời gian, công phu và nghệ thuật.
Cách rất tốt là điệp viên đó phải đạt được tới mức trở thành chính khách, các giới đều tìm đến tham khảo ý kiến. “Giới quân sự cũng chạy tới. Bên kinh tế cũng qua hỏi. Nhưng không phải dễ đưa ra lời nhận định. Khi đã được coi như chính khách rồi thì phải hết sức khách quan khi phân tích tình hình, đóng góp được những ý kiến có giá trị”. Có người được thăm dò để chuẩn bị vào chức bộ trưởng, cũng tới hỏi, nhờ phân tích xem có nên nhận không, sẽ gặp khó khăn thuận lợi nào. Thậm chí có người sắp tiếp giới báo chí cũng tới hỏi ông Ẩn xem “Có nên tiếp thằng này không. Nó sẽ hỏi gì. Trả lời thế có được không”.
Ông Ẩn còn nhớ có một người là tiến sĩ toán học, tốt nghiệp bên Tây về, bạn của bộ trưởng giáo dục nên được chỉ định làm giám đốc Trung học. Vị tiến sĩ này về nhận việc thấy nội bộ nơi mình làm lại đang có chuyện không hay với Phủ Tổng thống. Hai bên mâu thuẫn, và tất nhiên là cơ quan đó bị Phủ Tổng thống “đánh”. Hoảng quá, vị tiến sĩ cũng tìm đến Ẩn, “tay nhà báo chuyện gì cũng biết”. “Nó đánh nhau, moa ở giữa sợ bị đạn. Có cách nào giúp không”. Vốn rất quen biết Phủ Tổng thống, ông tìm đến người phụ trách. Câu chuyện thân mật đã giải quyết vấn đề thật nhẹ nhàng: “Nè, tôi có người bạn mới về làm giám đốc đó, ông nội! Nhắn biểu đàn em cho nó yên được không?”. “Không dính dáng chính trị phải không?” “Ừ. Nếu được thì ra lệnh đàn em đừng động đến bạn tôi, tội nghiệp nó!”
Ở đời phải giúp đỡ người khác, giúp rất nhiều. Ông Ẩn còn có cả núi kinh nghiệm giúp cả mấy cô gái “ăn sương” thường bị nhân viên bảo vệ thuần phong mỹ tục (tiếng Pháp gọi là agents - de - moeurs) hỏi thăm. Từ việc to đến việc nhỏ, chẳng có việc gì lường trước được. Đôi khi tình thế xoay chuyển đạt kết quả bất ngờ, dựa vào những ứng xử mang đạo lý chứ chẳng phải bùa phép gì đặc biệt. Ngày đó, luật sư Nguyễn Hữu Thọ có cô con gái yêu một người Mỹ. Vốn thù luật sư theo kháng chiến nên chính quyền Sài Gòn lúc đó định làm lớn việc này ra bôi nhọ thanh danh ông. Viên trung tá cảnh sát nói dự định sẽ bắt người con gái đó ra xử tội. Lý do là “vi phạm thuần phong mỹ tục” vì chứa người Mỹ trong nhà khi chưa kết hôn và không khai báo với cảnh sát. Nghe được dự định này, ông Ẩn cản: “Đừng làm vậy. Hạ sách. Con ổng tự do. Bôi nhọ không được đâu. Người ta hy sinh cả gia đình đi vô chiến khu, đâu có mang con theo đâu mà quy trách nhiệm ổng. Ổng là trí thức lớn có uy tín, bôi nhọ kiểu đó không được đâu, lại lòi ra nhà nước quốc gia hành động bần tiện. Mà làm như vậy thì cũng là bôi nhọ luôn cả thằng Mỹ nữa”.
Những lời hợp lý và tỏ rõ ứng xử khôn ngoan ấy đã ngăn không cho việc xấu xảy ra. Hơn thế nữa, qua cách ứng xử ấy, những kẻ đang tính mưu mô bẩn thỉu còn thấy ở ông Ẩn một nhân cách trí thức biết tự trọng. Lời khuyên ấy giúp họ tránh được những cư xử sơ hở, ngu ngốc, nếu không, họ đã trở thành người bị chê trách. Những lợi ích như thế, qua nhiều thử thách lớn nhỏ của cuộc sống, khiến Ẩn được yêu kính và tin cậy. Ở đời phải giúp rất nhiều mới mong có quan hệ tốt, sự tin cậy và giúp đỡ lại. Không phải là trả nợ ngang giá, mà nhiều khi ông được giúp hoàn thành những nhiệm vụ to lón liên quan đến vận nước…
Đang nói chuyện về cái bình phong, cái vỏ bọc nghề nghiệp, ông Ẩn phải ngừng câu chuyện để nghe điện thoại. Không rõ câu chuyện của ông với ai đó, liên tưởng tới câu chuyện bỏ dở, ông buông máy điện thoại để tiếp tục cái ý nghĩ liên quan tới lối ứng xử mà ông suốt đời tuân theo.
“Ông bạn này người Hoa, 70 tuổi, bạn tốt. Cuộc sống ở đời có hai cái: thứ nhất là quan tâm đến người khác. Thứ hai là phải tranh thủ chơi với người bạn tốt, dù cho người xấu có nhiều, càng ngày càng xấu. Phải làm bạn thật tình cho hết cuộc đời. Đời thành công cũng nhờ hai cái đó”.
7 Chàng ký giả "nhiều tít"
Những năm 60, khi ông Phạm Xuân Ẩn bắt đầu trở thành phóng viên của Việt Nam Press Reuters; 1964-1965 là phóng viên của the New York Herald Tribune, rồi tuần báo Time từ 1965-1976; xã hội miền Nam đầy những biến cố. Hàng chục vạn lính Mỹ và chư hầu đổ vào. Nạn đĩ điếm “bùng phát” đến nỗi thượng nghị sĩ Mỹ J. William Fulbright, trưởng ban đối ngoại Thượng viện Quốc hội Hoa Kỳ đi Nam Việt Nam năm 1966 về nước đã nói rằng: Mỹ đã biến Sài Gòn thành một nhà chứa khổng lồ.
Trên tờ Le Monde của Pháp có bài viết về một Sài Gòn ngập ngụa trong ba làn sóng: bán dâm, tham ô và nạn chợ đen. Người ta nói rằng chính phủ thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ thành lập một công ty kinh doanh nghề mại dâm. Còn tổng trưởng Bộ Xã hội thì khoe: Nghề gái điếm phát triển tới mức trở thành một trong những nghề có tổ chức tốt nhất.
Sài Gòn, nơi lương tâm và lòng yêu nước không bao giờ lắng, đã có cả một phong trào đấu tranh chống văn hóa đồi trụy và nô dịch của Mỹ, bảo vệ thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Trong tình hình ấy, riêng chỉ là một nhà báo, ông Ẩn phải “lặn sâu” vào mọi giới trong xã hội. Ông không chỉ quen với đám xì ke ma túy tới độ qua xem họ chích trên đường Lê Lai, chơi với cả ông trùm. Ông tận mắt quan sát họ trong tình trạng ngà ngà hoặc thiếu thuốc, vật vã. Lâu lâu ông cũng viết những bài điều tra xã hội, mặc dù công việc chính của ông là một chuyên gia về phân tích chính trị, quân sự và chuyên viết chiến tranh.
“Tôi có nhiều tên lắm. Họ gọi tôi là chuyên viên đảo chính vì luôn viết về quân sự, về biến cố chính trị và các cuộc đảo chính. Là “tiến sĩ Cách mạng” cũng vì chuyên viết về các đổi thay thời cuộc”. Ông cũng có cái tên giảng viên sinh lý cho các cô “tứ thời” thường đến ngồi bàn với ông Ẩn tại “đại học Continental” (nhà hàng) chờ khách. Tên là “bác sĩ chó” vì Ẩn biết chữa bệnh cho chó của các bà bạn đầm. “Tôi nhiều tít lắm” - Ông Ẩn còn kể ra thêm một cái tên lạ người ta đặt cho là “giáo sư Sexology”: Lúc chiến sự tạm yên, để đổi đề tài, ông hay viết về các cô gái điếm, vũ nữ. Thời đó, nhân viên bảo vệ thuần phong mỹ tục hay bắt các cô vũ nữ lố lăng và họ thường biết ơn vô cùng “ông nhà báo” hào hiệp, có uy đã quen cò mà xin tha cho các cô. Không chỉ dân xì ke ma túy có thể nói dóc với ông ngay bên bàn đèn, khi ông ngồi coi người ta tiêm thuốc, Ẩn còn được các cô vũ nữ giúp kể nhiều chuyện về cuộc sống đưa đón khách để làm tài liệu viết bài. Ông có thể kể cho bạn đọc cuộc sống các cô ra sao khi lấy Mỹ, nếu rủi có con không nuôi được thì cho ở đâu. Cũng có khi ông đi cùng ký giả Mỹ làm các cuộc phỏng vấn tận Quy Nhơn.
“Những ký giả kiểu đó, an ninh bám theo ngay”, ông Ẩn nhớ lại chuyến đi cùng một nữ ký giả Mỹ vào đúng thời gian quân Mỹ bị tấn công lẻ ở bất cứ chỗ nào. Phong trào diệt Mỹ của quân dân ta đang lên cao. Những ổ gái điếm cũng có lúc gặp khó khăn, ế hàng vì lính Mỹ được lệnh cấm vào những chỗ đó nguy hiểm. Việt Cộng thường tận dụng diệt Mỹ trong các sào huyệt ăn chơi, lơ là mất cảnh giác. Trong chuyến công tác đó, ký giả Ẩn ở tại nhà tỉnh trưởng còn nữ ký giả Mỹ ở nhà một tướng Mỹ. Khi thâm nhập thực tế, họ đi dọc theo các Snack-bar, tiệm nước dọc bờ biển, hỏi chuyện các cô nàng đang ế khách. Ngồi trong tiệm, lâu lâu thấy bóng lính Mỹ, một cô mời gọi: “Come on, boy, no vi-xi, no vi-đi (V.C - Việt Cộng; V.D - Venereal Diseases). V.D là tên của bệnh giang mai khó chữa. Lúc đó thuờng được gọi là bệnh Okinawa do lính Mỹ bên đó mắc phải và đã nhờn với kháng sinh thường dùng. Kháng sinh chữa không ăn thua. Vì sao ký giả đi kiểu đó bị an ninh “bám?”
“An ninh rất sợ ký giả phản ánh thực trạng tồi bại của xã hội. Họ đi theo giải thích cho ký giả hiểu là đừng có viết những mặt trái đó”. Chẳng qua là chuyện xã hội bình thường, đừng viết nhá! Đời sống khó khăn. Nông thôn ra. Bị gạt. Nhưng đâu phải vậy. Làm sao lừa được người ký giả đã biết rõ mọi điều. Ăn chơi của đám có tiền đã lên đến đỉnh cao: họ phải hoán đổi cả gái nhảy từ Hồng Kông, đổi món. Ở Sài Gòn, trong các nhà hàng Mỹ Cảnh, Tự Do, Chợ Lớn… dân chơi không còn thích nhảy với vũ nữ quen. Chuyện này một ông bạn của Ẩn đã gặp trong một chuyến đi Hồng Kông. Người bạn đó không biết nhảy đầm nhưng được mời vào phòng khiêu vũ. Đụng một cô vũ nữ không nhớ là ai, vậy mà cô ta reo lên “Hà, anh Hải ở Xây Cung (tức Sài Gòn) mới qua hả?” Hỏi cô ta làm gì ở đây, cô nói “Đổi qua. Mai mốt chuyển về Xây Cung lớ”.
Ông Ẩn hay kể chuyện trào phúng về cái nghề làm báo của mình. Câu chuyện vui ông nói là của Mỹ hẳn hoi khỏi ai chê trách. Con của ký giả nọ một hôm đi học, cô giáo hỏi ba làm nghề gì? Nhà báo. Báo nào con không biết. Con về hỏi ba, cô hỏi ba bạn, bạn nào trả lời cô cũng hiểu. Bác sĩ, biết khám bệnh. Luật sư, giáo sư, lái xe cô đều hiểu cả, chỉ có nhà báo là con cũng không biết giải thích thế nào. Mẹ nói: giải thích dễ lắm. Con mẹ nào đó, thằng cha nào đó không làm được nghề gì hết vì không có bằng cấp. Luật sư, bác sĩ, lái xe phải có bằng. Thằng này không có bằng cấp nào nên nó không làm được gì hết đành đi làm báo. Viết sao cho người ta đọc được thì viết. Nó làm mấy nghề khác không được.
Những chuyện kiểu “tiếu lâm” ấy ông Ẩn nói về nghề mình vừa có chất tinh nghịch lại như có một chút gì đó giải thích cho những gì “kỳ cục” mà ông đã sống qua. Nói như chế giễu vậy nhưng ông yêu nghề báo lắm, hết lòng với nghề. Rồi như nó “vận” vào ông thật, đứa con gái của ông đi học lớp hai, cũng được hỏi rằng ba làm gì. Nó giải thích nghề ký giả của ba như sau: Thấy ba toàn ra tiệm ngồi ăn, tán dóc, tới tháng mấy ông Mỹ trả lương cho ba đem về cho má đi chợ!
Ông giải thích thêm: đã là ký giả hồi đó thì thấy biểu tình, có chém chết nó cũng chụp ảnh viết bài. Thượng vàng hạ cám cái gì đám báo chí cũng tìm biết. Vì thế an ninh nó theo là phải: ký giả tụi tôi có “mùi hôi tanh” ngửi thấy từ xa. Phải chăng ông đang nhớ lại những tháng năm lăn lộn với nghề, vừa làm một nhà báo giỏi thực sự cho tòa báo của mình, vừa có thể từ vị trí nhà báo được tin cậy mà có nhiều nguồn trung gian quan trọng lấy được tin tức cho cuộc chiến đấu của dân tộc mau thắng lợi.
Ngày nay, chúng ta sống ở một thời đại mà thông tin, báo chí phát triển đến mức con người lại phải đối mặt với sự loạn tin tức, chắc hẳn có người sẽ mỉm cười khi nhìn về thời gian làm báo của quá khứ. Nó có vẻ đơn giản? Hay là mọi sự đã tiến lên nhanh quá? Khi các nhà báo phương Tây đã từng hành nghề ở Sài Gòn nay trở lại chốn xưa, họ cũng đã phải kinh ngạc miêu tả sự biến đổi của đất nước này. Chi tiết cỏn con về người con trai một chủ tiệm café chìa cuốn bài tập Oxford nhờ chỉ cách dùng điều kiện cách, một thanh niên dọn cây đổ cũng biết đài VOA đêm qua giảng đến bài số mấy - chi tiết cỏn con đó khác xa với hình ảnh đất nước này khi xưa họ biết.
Tác giả Edith Lederer lái xe từ Sài Gòn ra Đà Nẵng cố tìm các đài kỷ niệm chiến tranh xưa và ông đã nhận ra rằng căn cứ quân sự Đà Nẵng của thủy quân lục chiến năm 1965 đã biến mất trước vẻ nhộn nhịp của một trung tâm thương mại lớn của thành phố đang mọc lên. “Căn cứ Mỹ tại Biên Hòa nay trở thành một đống xà bần to quá xá và The Brinks, căn cứ Mỹ cuối cùng tại Sài Gòn, nay sắp bị san bằng”.
Họ có thể trở lại đất nước này, ngửi lại không khí sặc mùi xăng không phải của chiến trận, mà là cái bệnh ô nhiễm của xứ sở phát triển biến đổi nhanh. Họ có thể thấy sân thượng của Continental, nơi ngày xưa những phóng viên nước ngoài viết chiến tranh lui tới, nay ở đó có bán Pizza. Khách sạn Hoàng Gia chốn tiêu hoang của dân nhà báo xưa, nay là nơi bán kem Ý. Khá nhiều người Mỹ và phương Tây giờ đây lái xe, du khảo, chạy vì hòa bình trên con đường quốc lộ, mà “adrenalin trong cơ thể không còn phải lên từng cơn qua mỗi khúc quẹo như thời chiến tranh không có Việt Cộng phục kích thì cũng có Mỹ ném bom”. Thậm chí Peter Arnett còn nhận xét rằng để kinh doanh du lịch, người Việt Nam không thờ ơ với cảm giác của du khách và đã “thương mại hóa cả các chiến trường” - đó là các tour đi Khe Sanh…
Thì nói làm gì, khi thời đại đã thay đổi lớn lao con người cũng gặp cả những thảm họa mới. Từ trước đến nay các chuyên gia nghĩ rằng các bệnh mới, gay cấn, thách đố nhân loại, do virus gây ra, đều bắt nguồn từ đột biến gen. Nhưng bây giờ điều đó không đáng sợ bằng ảnh hưởng của việc xã hội loài người biến đổi. Người ta lấy thí dụ một con HIV đã có từ lâu ở Châu Phi. Nó không lộng hành như những năm 70, 80, mà hàng thế kỷ nó không vượt biên giới để đi đâu cả. Những năm 60 được gọi là những năm “không vượt qua lũy tre làng”. Chỉ đến khi giao thông vận tải và du lịch phát triển, nó đã đưa mọi thứ đến.
Trước đó thì chiến tranh, sau này là mậu dịch và du lịch khiến con người từ lũy tre làng đi đến tận cùng cuối đất, nhìn thấy mọi nền văn hóa. Chỉ không đầy một thế kỷ, nhiều thứ đã thay đổi, và tốc độ của đô thị hóa, của lối sống con người, của khai thác đất đai, của du hành bằng máy bay đã thu nhanh bước của virus. Bao nhiêu là vấn nạn, bao nhiêu là lãng quên!
Thì chàng ký giả trẻ ngày ấy, nay đã ngoài 70 tuổi rồi còn gì. Tuổi thanh xuân của ông vật lộn với những cam go, với sống còn, với lòng can đảm hy sinh, sự lựa chọn con đường. Nó cũng gay go khủng khiếp, cần sự quật cường. Có thể nhìn thấy cái bối cảnh mà thế hệ ông đã sống, qua vài con số. Bức tranh còn lại là 15 triệu tấn bom đã ném xuống nay vẫn còn 300 ngàn tấn chưa nổ. 3 triệu người chết, 4 triệu người bị thương, 2 triệu người nhiễm chất độc hóa học, 170 ngàn người già mất người thân phải sống nhờ xã hội…
Nếu đứng lùi để nhìn lại bức tranh ấy, với hình ảnh một con người không mang súng đạn phải đương đầu. Ông đã như mọi người khác ở Việt Nam phải nếm trải. Nhưng cũng có thể nhìn từ một vị trí khác, góc độ khác sẽ thấy một hình ảnh của cuộc đời lạ lùng.
8 Sống với vỏ bọc
Trong nghề báo, anh chẳng lường trước được điều gì. Có một câu chuyện hoàn toàn là nghiệp vụ báo chí, từ thời kỳ đầu thập kỷ 60, khi ông Ẩn đang viết cho hãng Reuters. “Lúc đó báo chí đã cạnh tranh kinh hồn rồi. Với AP, UPI, AFP, chưa kể các hãng của Đài Loan, Triều Tiên và các hãng thông tấn nhỏ, các báo hàng ngày”. Một lần ông phải đưa tin việc đại sứ Mỹ lúc đó là Frederick E. Nolting khánh thành đường băng sân bay Tân Sơn Nhất. Ông Nolting sẽ đọc diễn văn tại sân bay. Bản photo bài diễn văn, ông Ẩn đã có trong tay rồi. Đó còn là bản do chính Nolting sửa bằng tay đưa đánh máy lại. “Tôi có photo bản sửa rồi, nhưng vẫn phải cho cậu phóng viên trẻ lên canh trên sân bay, khi nào ông Nolting đọc xong, phôn về cho tôi biết, là tôi sẽ chạy bài đó lên máy telex sang Singapore rồi mới chuyển đi khắp thế giới. Có bản diễn văn trong tay, vẫn phải chờ. Nhỡ nó té xe sao? Kinh nghiệm các báo ngày đó đã có rồi: Ông Dag H.A.C. Hammarskjold người Thụy Điển, Tổng thư ký Liên hiệp quốc (1953 - 1961) rớt máy bay chết ở Âu châu. Ký giả không hay, đưa tin ngày giờ ông ta đến sân bay, tiếp đón linh đình. Trật tuốt luốt. Lý do vì ký giả ngồi ở nhà viết tin dựa trên bản chương trình di chuyển của ông Hammarskjold phát trước”.
Vì thế ông Ẩn cẩn thận. Có bản diễn văn trong tay rồi, vẫn phải cử một nhà báo lên ngồi nghe. Hễ khi nào Nolting đọc xong thì nhiệm vụ của anh ta là điện thoại về báo để đưa bài chạy telex sang Sing. Mọi việc diễn ra suôn sẻ như đã định. Vậy mà tai họa lại đến một cách bất ngờ nhất: ”Vô phúc ngày sau - tối ở Mỹ, ngày bên ta nên tối đó Tiếng nói Hoa Kỳ đưa. Đài VOA tỏ vẻ khách quan không tự bênh Mỹ nên thường hay dùng tin của Reuters (Anh). Nó trích Reuters trên VOA. Nolting sáng sớm vừa cạo râu vừa nghe đài VOA. Người trong Tòa Đại sứ kể lại: Ổng ném cái dao cạo râu, giận dữ bảo thằng Reuters nó có nội gián trong Tòa Đại sứ Mỹ”.
Vì sao ông Nolting giận? Đài phát bản diễn văn của chính ông đọc hôm khai trương đường băng Tân Sơn Nhất mà? Thì ra là có bản diễn văn rồi, có cả sự sửa chữa của chính Nolting rồi, nhưng ngay khi đang đọc ông ta tự bỏ lướt qua một số câu chữ mà ông ta cho là không chỉnh, vậy mà khi phát lên lại vẫn còn y nguyên. Như thế chứng tỏ bản đó không phải bản ông đọc, mà đã được chuyển đi trước, còn nguyên tất cả.
Ông Ẩn có bị phiền toái gì vụ này không? “Sao lại không! Nó nhờ an ninh chính quyền Sài Gòn hỏi tôi. Vì là chỗ quen biết nên câu chuyện không có vẻ gì “hỏi cung”. Ẩn ơi, mày chết rồi dám ăn cắp tài liệu tòa đại sứ Mỹ. Gì đâu mà nói tầm bậy tầm bạ, ai ăn cắp đâu! Tùy viên báo chí Mỹ mời tôi đi uống nước. Mày ăn cắp gì nói coi. Bài ông ấy đọc, có lấy trước không. Vốn là chỗ quen biết, có lẽ anh ta hỏi theo ý nghĩa khai thác cách lấy tin của đám ký giả mà thôi. Ông Ẩn: Có người quen đưa đọc vậy thôi, chẳng có gì quan trọng”. Câu trả lời tưng tửng đó không đáp ứng được yêu cầu. Nolting chỉ muốn kiểm tra những người trong Tòa đại sứ, nhưng muốn vậy phải hỏi để ông ký giả cho biết ai đã cung cấp. Tùy viên báo chí George Philip được cử làm việc này vì anh ta chơi rất thân với ký giả Ẩn. Họ thân nhau tới mức trước khi về nước, Philip còn tặng lại ông Ẩn con chó quý. Câu chuyện cũng chỉ trong phạm vi của sự chân tình.
“Ẩn, tao nói thiệt, chắc có đọc?” “Đúng”. “Ai đưa?” “Mày biết người Mỹ dạy tao làm báo rất kỹ: thà mất việc chứ không nói ra nguồn tin”. George Philip đành nằn nỉ: “Không nói ra cũng được. Trong Tòa Đại sứ có ba loại nhân viên: Mỹ - Hoa - Việt - Ẩn đừng lo họ bị trả thù. Tòa Đại sứ sẽ giải quyết nhẹ nhàng thôi: tập hợp họ lại khuyên nhủ chung là không nên làm như vậy. Sẽ không truy ai cả, vì nếu truy, ai cũng sợ mất việc làm, ai cũng chối. Nếu họp chung hết, sẽ không có lợi vì người nào cũng thấy nhột nhạt. Tụi da trắng ít mặc cảm. Nếu họp chung cũng sẽ nói: Reuters không có lỗi. Lỗi nó nghề - còn nghề của các nhân viên Tòa Đại sứ là không đưa trước cho báo chí”.
Ông Ẩn giải thích rằng cũng muốn giúp bạn nhưng nguyên tắc nghề nghiệp phải giữ nguồn tin, tên cụ thể không cho được. “Ẩn chỉ cần nói Mỹ da trắng, da màu, da vàng, người Việt hay Hoa? Chúng tôi không truy họ mà muốn biết để họp nhóm riêng cho họ đỡ tự ái. Đây chỉ là bài học khuyên nhủ họ tính cẩn thận thôi”. Dù Philip có nói hạ mức xuống như vậy Ẩn vẫn “Tôi không nói được. Nguyên tắc nghề nghiệp chính Mỹ dạy xin anh thông cảm”. Anh đúng là nghề nghiệp cứng đầu. Philip nhận xét thế. Hơn nữa họ đều biết Ẩn là một nhà báo có tên tuổi và thân quen lớn, có gây rắc rối thì Ẩn cũng chỉ cần “nói một tiếng là huề”. Nhờ Ẩn cương quyết vậy nên các”nguồn tin” được bảo vệ, họ càng tin cậy một nhà báo trung thực.
Nếu giở lại cuốn sử về cuộc kháng chiến giành độc lập chống Pháp, chống Mỹ của Việt Nam, có cả một kho sử sáng chói của lòng can đảm và cũng có cả những năm đen tối nặng nề dưới chế độ Ngô Đình Diệm. Nguyễn Văn Tâm làm thủ tướng ngày 6-6-1952 đến đầu tháng 1-1954. Khi Hiệp định Genève ký kết, Pháp hết vai trò, phải giao Miền Nam cho Mỹ. Sụp đổ theo Pháp là chế độ bù nhìn. Thủ tướng bù nhìn cuối cùng thời Pháp là Bửu Lộc. Hoàng thân Bửu Lộc làm thủ tướng ngày 11-1-1954, Ngô Đình Diệm làm thủ tướng ngày 6-7-1954, Bảo Đại cũng thôi cầm quyền. Chính phủ mới phải nhường chỗ cho thủ tướng bù nhìn của Mỹ lúc đó là Ngô Đình Diệm - Diệm đã lên như thế nào và đã chết như thế nào, có thể viết thành cuốn sử riêng.
Ban đầu Diệm chưa có thực lực ở Miền Nam, chỗ dựa chính trị chính y muốn là lực lượng công giáo Miền Bắc di cư vào Miền Nam. Đã xảy ra cuộc chiến với tham mưu trưởng quân đội Nguyễn Văn Hinh thân Pháp. Bảo Đại triệu tập Hinh sang Pháp vừa yên thì Diệm lại gặp xung đột dữ dội với Tam Liên (Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên) mà sự thật là Tứ Liên (Cao, Thiên, Hòa, Bình): Cao Đài, Thiên chúa giáo Miền Nam thân Pháp, Hòa Hảo, Bình Xuyên. Ở đường Miche (Sài Gòn) có một trụ sở của quân J. Lerry là U.M.D.C. (Unités Mobiles de Défense des Chrétiennes) do quân đội của Col. Jean Leroy (người Pháp lai Việt) đa số là Thiên chúa giáo Bến Tre.
Họ đã đánh lẫn nhau ngay trên đường Catinat, Petrus Ký, lửa cháy rực trời giữa Sài Gòn - Chợ Lớn, thiêu rụi hai vạn nóc nhà dân. Cơn hỏa hoạn khủng khiếp còn ghi dấu trong ký ức những người lớn tuổi. Pháp huy động cả xe tăng, máy bay để ủng hộ Bình Xuyên, đến nỗi Tổng thống Mỹ lúc đó là Eisenhower phải cấp tốc trợ lực cho Diệm - lãnh tụ Bình Xuyên được đưa sang Pháp. Người Sài Gòn ngày đó nhớ những biển lửa từ Tân Thuận đến Xóm Củi, và kể cho nhau nghe cái chết của tướng Cao Đài Trịnh Minh Thế. Thế ở trong Tứ Liên rồi quay ra đi với Diệm. Chính Diệm - Nhu cho người giết Thế ngay chỗ cầu Tân Thuận. Diệt được thủ lĩnh Cao Đài, đuổi được Bảy Viễn Bình Xuyên và U.M.D.C. lúc đó Diệm mới yên bề độc chiếm Sài Gòn.
Thật ra, đối thủ chính của Diệm không phải là Hinh, Bảy Viễn, mà chính là lòng dân. Những phong trào rộng lớn của dân gắn liền với những tên tuổi như kỹ sư Lưu Văn Lang, luật sư Trịnh Đình Thảo, Nguyễn Hữu Thọ, bà Nguyễn Thị Lựu, Hòa thượng Thích Huệ Quang… Chính họ đã nổi lên trong phong trảo bảo vệ hòa bình Sài Gòn - Chợ Lớn… Có thể nói suốt từ năm 1954 cho đến đảo chính 1963 - trong gần 10 năm ấy, chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm đã gặp biết bao sự chống đối của nhân dân.
Chống trưng cầu dân ý và bầu cử Quốc hội của Diệm, đòi hiệp thương, tổng tuyển cử, đấu tranh cho dân sinh dân chủ. Diệm ra luật 10-59 từ việc kéo lê máy chém đi khắp Miền Nam giết hại người yêu nước, cho tới đỉnh điểm là đàn áp Phật giáo năm 1963. Ngày nay người dân đi qua ngã tư Nguyễn Đình Chiểu và Cách mạng Tháng Tám vẫn thấy am thờ Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu vào tháng 6-1963. Gần 40 năm đã qua, nhiều người trẻ tuổi không được chứng kiến giây phút của ngàn sư sãi tăng ni phật tử lặng lẽ đi sau chiếc xe hơi. Tì kheo Thích Quảng Đức từ xe bước ra ngồi xuống đường cho các vị sư tăng tưới xăng vào mình và chính tự tay Hòa thượng đánh lửa và bình tĩnh tay lần tràng hạt trong tiếng tụng kinh. Sau đó là biển người, sinh viên, học sinh, nhân dân kéo về chùa Xá Lợi, nơi di hài Hòa thượng được đưa về. Dù giới trẻ ngày nay, hoặc nhiều dân cư mới của Sài Gòn, không được nhìn cảnh ấy, nhưng am thờ Hòa thượng ngày nào cũng vẫn có hoa và hương khói…
Diệm tấn công các chùa, tiến công các trường học… Các vùng xung quanh thì chiến tranh du kích nổ ra mạnh mẽ khắp Nam Bộ. Các chiến thắng Đầm Dơi, Cái Nước, Lộc Ninh, Ấp Bắc vang dội. Trong tình cảnh Diệm không làm tốt nhiệm vụ biến Miền Nam thành “Tiền đồn thế giới tự do” của Mỹ như vậy, Mỹ phải thay ngựa giữa dòng, xui phe quân nhân đối lập với Diệm làm đảo chính. Tướng Dương Văn Minh cầm đầu phe đảo chính, sau đó lên thay Diệm. Người ta đều biết việc Diệm - Nhu đã chạy trốn trong nhà thờ Cha Tam (Chợ Lớn) và bị phe đảo chính bắt, giết trên đường về Sài Gòn như thế nào.
Trong bối cảnh đó, làm báo như ông Phạm Xuân Ẩn, theo dõi việc thay đổi chính quyền, thay đổi đường lối, là rất quan trọng. Đó không chỉ là các yêu cầu của nghề báo, mà cũng là yêu cầu của người điệp viên. Sau này, khi nhà báo Safer hỏi câu “Họ đã trông cậy ở anh điều gì”, ý muốn hỏi cấp trên đã cần Ẩn hoạt động đem lại điều gì. Ông Ẩn: “Cũng là những điều mà tòa báo Time muốn tôi viết. Cấp trên của tôi muốn được biết về các căn cứ, tiềm năng của các đơn vị, các cấp chỉ huy, để biết ai tham nhũng và những ai có thể tranh thủ được. Họ muốn biết mọi chuyện về chính trị, cũng những thứ mà các anh làm báo trước đây muốn được biết”.
Nhưng ông đã biết những điều đó theo cách nào? “Chức năng đầu tiên là tin tức”. Ông Ẩn với tính hóm hỉnh rất đặc biệt, phát triển câu chuyện của mình: “Mà cái gì lại không cần tin tức chứ? Cưới vợ cũng cần biết tin tức, ông nội, bà cố sao… Nhưng phải làm theo hình thức research (điều tra) thì mới cao hơn”. Thời của ông vào nghề, ở Việt Nam chưa có trường dạy báo chí. Nước ngoài mới dạy. Nhưng thời đó của ông, cũng bắt đầu có nhiều ký giả. Họ có hai loại thẻ hành nghề: một do Bộ thông tin cấp, còn loại khác do Mỹ cấp. Loại này chỉ cấp cho những người được tin tưởng và được Mỹ điều tra an ninh (Security Clearance) xong.
Họp báo, đi theo các cuộc hành quân, đi trong giờ giới nghiêm, viết các cuộc biểu tình. Khi các tòa báo nước ngoài tại Sài Gòn tuyển người, họ chú trọng việc không chỉ thật sự giỏi tiếng Anh, mà còn là người quan tâm đến thời cuộc, đến đất nước, chính trị, xã hội. Chuyên môn kỹ năng nó bảo sẽ học được. “Lúc đó tôi viết quân sự, chính trị, viết về các âm mưu, lật đổ, biểu tình, cháy lớn. Mỗi ngày phải cho tin chạy liền liền. Hàng ngày xách điện thoại kêu các nơi: Công an, cảnh sát, chiến tranh tâm lý, bộ kinh tế… Mỗi nơi đó có một viên sĩ quan báo chí hướng dẫn. Mình đã làm thân, quan hệ tốt. Cũng có khi người ta cần mình, giúp cho họ cách tiếp giới báo chí. Có cháy lớn, kêu cứu hỏa hỏi. Tôi luôn có bản đồ hành quân, kinh tế, chính trị, có diễn biến gì chấm ngay vào. Tất cả các bản đồ diễn biến chiến tranh đăng trên báo Time đều do tôi vẽ”.
Nhưng hãy quay trở lại thời kỳ Miền Nam còn đang dưới chế độ Diệm hà khắc. Diệm đã bị đảo chính hụt không thành vào tháng 11 năm 1960. Theo hãng thông tấn UPI chỉ trong 3 ngày sau đảo chính, số người bị Diệm bắt lên tới 30.000. Trong cái xã hội sôi sục như núi lửa phun bất kỳ lúc nào đó, nhiệm vụ của ký giả Ẩn đồng thời của điệp viên Ẩn phải là biết được khi nào thì Mỹ có ý định thay đổi đường lối, thay “nhân sự”. Điều ông phải để ý là khi nào thì Mỹ thay đại sứ ở Miền Nam như tin tức đồn đại. Bao giờ thì Cabot Lodge sang thay Nolting. Ngô Đình Diệm giấu tin này ghê lắm. Bởi đại sứ mới sang, nghĩa là đảo chính có thể diễn ra, là Mỹ đổi đường lối, là ngày tàn của chế độ độc tài cá nhân gia đình trị họ Ngô.
“Tôi viết một tin độc đáo: Một tuần nữa Nolting về nước”. Ông Ẩn đã “mạo hiểm” đưa tin này dựa vào những thẩm định chính xác, tinh nhanh của óc quan sát cá nhân, kết hợp nguồn tin dựa vào những chi tiết nhiều người bỏ qua. Thường buổi tối các ký giả hay tụ tập ở tiệm ăn Pháp có sàn nhảy và dàn nhạc có tên là La Cigale (con ve sầu). Nhân thể vừa ăn tối, uống rượu nhảy đầm, họ vừa trao đổi tin tức. Lúc đó tại Sài Gòn đã có các ký giả Nhật, Pháp, Đức, Ý, Na Uy, Thụy Điển. Có 4 hãng lớn của Pháp, Mỹ, Anh. Đã cạnh tranh kinh hồn. Trong tình hình đó Tòa Đại sứ Mỹ cũng trở nên khôn ranh: Họ lợi dụng chỗ nghe ngóng trao đổi tin tức nhanh chóng hiệu quả ở cái tiệm ăn có khiêu vũ La Cigale này. Khi cần tung một tin gì đó lên báo, nhân viên Tòa Đại sứ lại tới làm như chỉ là nói chuyện bên ly rượu.
Đã thành thói quen hễ thấy bóng sĩ quan tùy viên báo chí Tòa Đại sứ Mỹ nói chuyện là đám ký giả bám theo kiếm tin, làm thân. Khi nào có tin tức gì cần lộ ra cho báo chí mà không muốn phát ngôn chính thức, họ dùng vai trò của viên sĩ quan tùy viên báo chí đó đưa ra. Ký giả Ẩn thường quan sát hiện tượng này. Ông không vồ vập mà lạnh lạnh, không vồn vã bám theo đưa tin ào ào. Ông muốn làm sâu, cẩn trọng “Tôi hay kiểm, mà kiểm quá lâu không được, mất tin nóng. Hôm đó tôi lại quán La Cigale từ sớm, thấy viên bí thư ông đại sứ Nolting. Đám ký giả vẫn thường trao đổi hỏi nhau về bài vở “bữa nay mày đánh gì” nghe cứ như đám đánh bạc. Thực ra là “đánh” tin đi. Cũng có khi chơi theo tinh thần gentlemen, cho nhau những tin mình không xài, hoặc đã “đánh” đi những điều chủ yếu rồi. Hơn nữa, họ gặp nhau để ký giả tự bảo vệ nhau xem có ai bị mật vụ bắt cóc không.
Viên bí thư của Nolting mới ngoài 20 tuổi, rất đẹp trai. Mọi khi mặc đồ đàng hoàng lắm, bữa nay lại diện áo chim cò, dẫn theo một cô gái Việt Nam xinh đẹp tới nhảy đầm. “Ê, bữa nay sao mặc lôi thôi, lại có cả đào”, một nhân viên an ninh Mỹ làm Tòa Đại sứ ngồi trên ghế cao của quầy rượu (bar) hỏi. Viên bí thư trả đũa: “Tuần tới tao về nước rồi. Cho tao xả hơi chứ”.
Chỉ có chi tiết đó đã “bỏ phiếu” chắc chắn cho dự đoán của Ẩn về một cái tin ông theo hoài mà nắm chưa chặt. Thông thường, sinh hoạt của đám ký giả là: khi nào không moi được tin gì mới đi ăn. Khi thấy vắng mặt một ký giả nào đó thì phải nghi ngay: nó có tin gì quan trọng đang lẩn đi viết. Còn lần này, viên bí thư đại sứ nói rằng “một tuần nữa tao về nước rồi” thì cái tin nghe trước đây đã có thể “kiểm chứng”. Ông Ẩn chạy về đánh ngay cái tin độc đáo “Một tuần nữa thay đại sứ - Nolting về nước”. Có cả một chút mạo hiểm, tin ở sự suy diễn của mình.
Tin này đưa ra trúng phóc làm một lần nữa Tòa Đại sứ điên đầu. Nhất định bên trong Tòa Đại sứ có người làm cho đám báo chí. Lần này thì không thể tha thứ. Bình thường, đám mật vụ Phủ Tổng thống và an ninh Mỹ theo dõi chặt chẽ hãng Reuters. Họ thường cho người mặc đồ giả, hút thuốc lào ngồi trước cơ quan gần đó lắng nghe ai bàn tán gì, ai ra vào Reuters. Nhân viên an ninh thân quen Ẩn hỏi: chắc lần này Ẩn khó thoát. Tòa Đại sứ nó làm dữ, chúng tôi không có cách nào bênh anh nữa đâu. “Bề nào tin đó rồi cũng công khai”, Ẩn cãi. Nhưng lúc đó còn là “đồ mật mà”. “Nó sẽ phải tìm nguồn tin, ông chuẩn bị sẵn sàng mà đối phó. Ông suy nghĩ kỹ đi. Tụi tôi chưa hỏi ông đâu”.
Bao nhiêu lời nhắn nhủ, gợi ý. Nhưng làm sao nói nguồn tin được, trái nguyên tắc ký giả. Nếu nói thật kể như thua. Dù họ có hứa danh dự không trừng trị cũng không thể. Săn tin, gay cấn, ký giả bị an ninh bám. Đứa này hỏi thăm đứa kia mà ra chứ có ai nói. Cứ cái lập luận đó, ông Ẩn đã không bao giờ nói ra nguồn nào ông có được. Có lẽ họ cho ông là một ký giả giỏi moi tin, một ký giả “khó chịu” cho nên họ tìm cách khác để đối phó. Họ vận động để hãng Reuters phải cho Ẩn thôi việc. Bên Anh đã hứa nhưng chưa làm được. Họ muốn chuyển Ẩn đi Sing. Nhưng chuyển dứt Ẩn ra khỏi mối quan hệ rộng lớn đâu phải chuyện một ngày. Ẩn quen Phủ Tổng thống, Tòa Đại sứ, Bộ Tổng tham mưu…
Cũng may là khi đó Diệm đã đang đi đến phút sụp đổ. Sau ngày đảo chính vào tháng 11-1963 một ký giả Mỹ, bạn ông Ẩn đã lấy được tài liệu trong đó có message “Đã thành công trong việc vận động cho Ẩn thôi việc”. Người bạn Mỹ chọc: “Đảo chính này cứu mày đấy”. “Đảo chính này cứu Mỹ cứu ai chứ cứu tôi đâu. Tôi là ký giả”. Bây giờ, ông Ẩn nhớ lại và bình luận: Lấy nghề ký giả làm bình phong là khó lắm. Địch dễ nghi ngờ, nó bám riết sẽ lộ. Thời kỳ đó nó nghĩ mình va chạm vì nghề nghiệp chứ không nghĩ gì khác. Nếu vì nghề, thì họ chỉ dụ dỗ, gây áp lực chứ không làm quá. Phải cho nó thấy mình moi móc tin là bệnh ký giả chứ không dính dấp gì chính trị chế độ.
Người tình báo hoạt động độc lập, chỉ hai, ba người có liên quan chỉ đạo. Thời kháng chiến chống Pháp, Ẩn chỉ gặp, trực tiếp công tác với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch lúc đó là người phụ trách tình báo. Thời chống Mỹ chỉ có ông Mười Hương và sau này thêm ông Cao Đăng Chiếm, và ông Mười Nho tức Xuân Mạnh biết. Nguyên tắc bí mật đó được đảm bảo cho ông Ẩn có thêm điều kiện hoàn thành nhiệm vụ, không bị lộ.
9
Bây giờ khi đã nghỉ hưu, làm nghiên cứu tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Ẩn thỉnh thoảng tiếp loại khách “thế hệ sau”; một người bạn cũ nay là giáo sư đại học Mỹ, gửi con sang Việt Nam muốn viết luận án về đề tài ký giả thời Ngô Đình Diệm.
Là một nhà nghiên cứu, phân tích thời cuộc, ông Ẩn quá rõ làng báo lúc đó ra sao. Nhưng hầu như ông ít quen giới báo chí Việt Nam. Vì nhiệm vụ, ông phải né họ. Nhưng là người làm nghề, ông vẫn biết nhiều nghiệt ngã của hoàn cảnh các nhà báo: chế độ kiểm duyệt. Tịch thu, đình bản báo chí, đưa nhà báo vào tù, chuồng cọp, đưa về Miền Trung đày đọa trong các biệt phòng của Chín hầm khét tiếng - lịch sử báo chí sẽ còn ghi tên những ký giả như Trần Ngọc Sơn bị đày và chết ở Côn Đảo, ký giả Anh Tín bị bắt giam ở Phú Quốc…
Có cả một thời bị kiểm duyệt đục bỏ nhiều quá, báo chí phản ứng lại bằng cách chỗ nào kiểm duyệt bỏ, họ cứ để trống hốc đến nỗi Diệm ra lệnh cấm báo để trắng. Thì họ “cấm báo để trắng chứ đâu cấm để đen” thế là ký giả tìm cách xóa đen làm cho tờ báo nhiều hôm giở ra đầy mảng đen ngòm thảm hại. Lại với tính trào lộng, ông Ẩn nhận xét về nghề. Ông bảo cô phóng viên Mỹ trẻ tuổi: “Làm việc ít thôi. Làm lâu, đời tan nát. Phải viết sách, nghiên cứu, chứ chạy theo nghề báo 10 năm là phụ nữ mất hết sắc đẹp. Chạy theo tin tức quá mất thưởng thức cái đẹp thiên nhiên xung quanh mình. Lúc nào cũng tưởng ngày mai trời sập. Làm đến nỗi mặt trời mọc hay lặn không thèm để ý. Phụ nữ làm một giai đoạn thôi, chứ tất cả thành Pitơ Acnet… thì chết!”
Câu chuyện để từ chối người đến viết về ông bao giờ cũng được thể hiện trong tiếng cười. Chắc ông đang nghĩ đến cái nghề suốt ngày chạy theo tin tức, suốt đời sống chạy theo các deadline, hạn chót của nghề báo. Vậy mà ông đã làm cái nghề “săn tin” theo nhiều đích khác nhau, suốt đời: săn tin để làm một nhà báo thực thụ, săn tin cho đất nước đánh thắng quân xâm lược, giành Độc lập - Tự do. Cái nghề săn tin của ông mới vĩ đại và thiêng liêng cao quý làm sao!
Nó đầy nghịch cảnh.
Chính ông, với tư cách phóng viên hãng phương Tây viết bài về sự kiện Bác Hồ mất năm 1969 để đăng trên báo Time. Làm báo không phải chỉ chạy quần quật với tin tức thoáng qua, mà phải điều nghiên, viết sâu. Tờ Time có khi sử dụng những bài ngắn tổng hợp của cả chục người viết. Sự kiện Bác Hồ mất, cả thế giới viết: Moscow, Bắc Kinh - dĩ nhiên rồi, lúc đó đang là những nước anh em. Cả Nicaragoa, Mêxico, Italia… Nhưng Time yêu cầu Sài Gòn, xứ sở Việt Nam của Cụ Hồ, phải là nơi viết chủ yếu. Ông Ẩn kể rằng tiểu sử Cụ Hồ thì hãng nào cũng có đầy đủ. Ông chỉ được viết gọn trong 4 - 5 trang giấy và phân tích khách quan.
Người Đảng viên Cộng sản ấy không thể bộc lộ hết xúc động và tình cảm của mình, ông phải “khách quan”, dùng phương pháp khai thác của báo chí, dẫn cả thơ chúc Tết của Bác “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, sưu tầm tư liệu từ thời kỳ Hồ Chí Minh hướng dẫn quân đội Việt Nam dưới thời Võ Nguyên Giáp. Ông cũng tranh thủ phỏng vấn dân chúng Sài Gòn khi nghe tin Cụ Hồ mất. Nếu giở trong tạp chí Time ngày ấy, sẽ thấy đây là đề tài lớn được đưa trong nhiều trang. Sẽ thấy hình những người đạp xích lô đỗ chờ khách ở cửa chợ Bến Thành đang chăm chú đọc tin tức về Cụ Hồ. Bài báo của ông Ẩn chỉ là một trong hàng chục bài từ các nơi gửi về được tòa soạn báo Time đúc kết lại thành một bài để in ra cho độc giả.
Ông không thể quên tình cảm của đủ mọi tầng lớp người khắp nơi trên thế giới - lứa người trong Thế chiến thứ hai đều biết rất nhiều về Cụ Hồ. Hơn thế nữa, có cả một master Mỹ làm việc ở phòng thông tin Mỹ tại Sài Gòn trong một đợt rút lui từ ấp chiến lược Bến Súc về Bình Dương định cư, tại đây anh ta kể ra vanh vách về Cụ Hồ cho chính Ẩn nghe. Anh ta còn dám nói: “Tất nhiên tôi biết về Cụ Hồ nhiều hơn anh”.
Ông Ẩn còn nhớ tại trại Bình Dương, các ký giả đang ăn cơm. Chàng phó tiến sĩ ấy thì say sưa nói toàn chuyện về Bác Hồ và tự hào rằng mình như thuộc lòng các tài liệu về Bác Hồ cũng phải thôi, là vì anh làm luận án MA về chính trị, chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh bảo rằng đó là cua học mắc tiền nhất về xã hội học, về chủ nghĩa Mác. Không phải ai cũng có thể học được vì tiền nặng.
Làm việc chính thức cho Time từ 1969 - 1975 nhưng trước đó là các cơ quan báo chí khác, ông Ẩn không bao giờ quên nguyên tắc của nghề, cũng chính là nguyên tắc của một điệp viên. Ông bảo, báo nào cũng đòi tin tức nhanh, chính xác, khách quan. Ông Ẩn thường kể chuyện vui với các nhà báo trẻ. Làm trật vài tin là nó đuổi liền. Ví dụ nói ông A đi ly dị bà B - khi chưa biết rõ ai phải ai trái và tòa án chưa xử là sai, nhưng phải nói A và B ly dị nhau. Một số người Hoa ở Hải Nam đi vượt biển xuống phía Nam, qua Rạch Giá bị dạt vào đất liền. Ông Ẩn, ký giả duy nhất được vào phỏng vấn và “bài học” về nghề báo được phong phú thêm hàng ngày. Tin được biên tập lại và in ra sau đó sếp của tòa soạn từ Singapore bay qua phê bình “Bốn nhân viên đánh cá đảo Hải Nam thuộc Trung Cộng đi tìm tự do, bị sóng đánh dạt vào Rạch Giá”… “Viết đi tìm tự do phải đưa vô ngoặc kép. Cẩn thận vậy cho tôi, nếu không Trung Quốc sẽ đuổi cổ phóng viên của chúng tôi ở Bắc Kinh” - sếp nhắc.
Nhanh ăn thì phải chắc. Nếu bài đưa sau người ta thì phải nhiều tin hơn, “mập” hơn. Viết về sự kiện Bác Hồ mất, sở dĩ được khen vì tài liệu phong phú. Có bài, ảnh đám tang Cụ Hồ tại Hà Nội, có hình các vị đứng đầu các nhà nước Liên Xô, Trung Quốc tại tang lễ. Có cả bình luận dự báo ai sẽ thay Cụ Hồ. Có đăng ảnh bốn vị lãnh đạo lúc đó là Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Trường Chinh với lời phân tích về sự kế thừa các tinh hoa của Cụ Hồ. Ông Ẩn cũng trích một câu nói của Cụ mà ông thích, đại ý: Tôi là người già rồi. Người già nào cũng thích giữ một cái gì bí ẩn về đời mình. Tôi cũng muốn giữ một số bí ẩn riêng của tôi.
Sự phong phú của báo Time đủ đi cả tháng bài liền về đề tài Cụ Hồ. Chủ trương của tờ báo: đề tài được cả thế giới chú ý, do đó viết sâu. Người đọc viết thư cho báo, nói về Cụ Hồ, được đăng lên cùng với hình ảnh người ở Vacsava khóc Cụ Hồ, còn người Hà Nội thì mỗi người làm việc bằng hai, biến đau thương thành hành động. Ông Ẩn cũng là ký giả viết bài về cái chết anh dũng của người thanh niên ngoài 20 tuổi Nguyễn Văn Trỗi. Ông theo tin tức suốt từ lúc anh Trỗi bị bắt, thời gian bị giam và khi bị giặc bắn trong bãi bắn Chí Hòa. Ngày nay, người Việt Nam chỉ biết một đoạn phim tài liệu ngắn lúc bắn anh Trỗi với đầy cảnh sát và ký giả. Đoạn phim và bức hình duy nhất được in thêm dòng chữ gầy của Bác Hồ. Những tài liệu hiếm hoi ấy dù bao nhiêu năm qua rồi, mỗi khi nhìn lại, mọi thế hệ người Việt Nam vẫn rơi nước mắt.
Chính trong năm 2001 đầu thế kỷ này, trong “kho” sách quý của ông Ẩn, ông cho bè bạn xem những hình ảnh khác chúng ta chưa từng được thấy về giây phút anh Trỗi bị bắn. Chắc chắn sẽ làm xúc động mọi thời: người thanh niên trẻ măng, mặc bộ đồ trắng, bị bịt mắt, đứng bên cái cọc, lẻ loi giữa đám quân đầy súng ống, to mập, mũ sắt… Xung quanh là khu bãi hoang vu vắng vẻ của phía sau nhà tù. Hình ảnh anh Trỗi non trẻ thế, nhỏ bé và anh hùng thế, cái đơn độc một mình anh làm đau nhói trong tim và làm dấy lên lòng căm giận sự hèn hạ giấu giếm của chế độ Mỹ - ngụy tráo trở…
Trong cuốn War in the Shadows in rất đẹp ấy có bài của Douglas Pike tiêu đề My friend An với tấm hình chàng ký giả Ẩn trẻ măng ngồi với ba người phụ nữ Mỹ, Việt tại một quán ăn ở ngoại thành Sài Gòn năm 1963. Có thể những năm đó Ẩn đã phải sống hai mặt rất nhiều: giấu đi mọi đau đớn trong lòng để viết về nỗi đau lòng ấy với một phong cách khách quan của ký giả phương Tây vốn được dạy rất kỹ rằng không được lộ cái tôi trong tin tức.
Chỉ cần các ấn tượng của Douglas Pike về người đồng nghiệp Ẩn, cũng đủ thấy dưới mắt các nhà báo phương Tây - những nhà báo vốn rất nhạy trong xem xét con người và sự kiện - họ không tìm thấy điều giả dối nào ở Ẩn. Pike viết rằng vẫn nhớ hình ảnh của Ẩn lúc đó, luôn có người bạn thân tên là Vượng ở bên cạnh và nếu Pike có mời Ẩn tới nhà chơi thì phải mời cả Vượng, hoặc là không. Sau nữa Ẩn không bao giờ cố gắng in dấu tuyên truyền điều gì về tư tưong chính trị lên Pike. Ẩn sống đạo đức, có nguyên tắc với bạn bè, và Pike cho rằng nếu như bây giờ anh mới biết Ẩn là một agent của Quân đội Nhân dân Việt Nam thì chính Ẩn là một thí dụ chứng minh, một ẩn dụ về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Chất “hai mặt” của công việc chính nghĩa và cộng thêm với tư chất một người Việt Nam khá điển hình, đã giúp ông sống thật với tất cả các mặt của cuộc đời đặc biệt mà ông phải đảm trách.
Giờ đây ông vẫn giữ những tấm hình quý. Hình đen trắng vẫn còn tốt, tuy rằng “có tấm đã bay màu, người thì chết bớt”. Ông chỉ cho tôi xem kho ảnh quý ấy, chỉ một lần, làm sao tôi nhớ hoàn toàn được. Tôi không sống ở Sài Gòn những năm tháng ấy. Tôi chỉ mới là đứa trẻ lên mười khi Ẩn đã đứng trong vị trí đặc biệt. Vậy mà nghe chuyện của ông, xem những hình vàng ố đã gợi cảm mùi của lịch sử.
“Tôi này, Có này”, Ẩn chỉ vào ông Nguyễn Hữu Có, chỉ huy trưởng của một trong sáu sư đoàn đầu tiên. Nguyễn Văn Minh tư lệnh vùng 3. Nguyễn Văn Bang, tỉnh trưởng Buôn Mê Thuột. Đề đốc Chung Tấn Cang tư lệnh hải quân. Nguyễn Ngọc Huy lý thuyết gia Đảng Đại Việt, giáo sư chính trị. Tiến sĩ Huy là một trong những lãnh tụ Đại Việt và là trưởng trung tâm nghiên cứu Đông Dương của Harvard, chết rồi. Dưới ngón tay xương xẩu của ông, những hình ảnh khác lần lượt hiện ra: Đám này tình báo. Đây tướng 4 sao. Chỗ này ở trong dinh Đốc lý. Còn đây, đứng trong văn phòng Reuters. Đây là Neil Sheehan (tác giả Sự lừa dối hào nhoáng) hồi 25 tuổi mới ra khỏi quân đội, làm cho UPI tới đảo chính Diệm mới về làm cho The New York Times, thành nhà văn. Lúc đó Ẩn ở Reuters. Cạnh tranh theo “tinh thần thể thao” thôi, còn thân nhau lắm. Ông Ẩn còn nhớ tác giả Sự lừa dối hào nhoáng sau này được giải báo chí Pulitzer, ngày ấy còn gặp khốn đốn vì đưa tin đảo chính. Anh ta bị coi là người viết quá trớn, trong lúc tình hình rất khẩn cấp. Lệ Xuân công khai đòi “nướng mấy thằng nhà báo xúi bẩy Phật giáo đấu tranh”. Lúc đảo chính bắt đầu, Ẩn đánh tin đi. Đêm trước đảo chính Ẩn đã đưa cho David Halberstam mẩu tin mật của một đại tá để gửi qua bên kia cho Neil Sheehan. Người trực đêm ở Tokyo không biết đó là tin quan trọng nên không đưa ngay cho Neil Sheehan.
Kể đến đây, ông Ẩn lại tự cười bản thân: “Bệnh người già hay nói chuyện cũ. Ông chẳng thèm để ý đến các lý lẽ rằng đó là tư liệu lịch sử và mỗi một người mang trong mình những dẫn chứng của lịch sử. Mà có phải ai cũng có cuộc đời như ông để kể đâu - như lời Peter Ross Range?
Ông sắp xếp tập ảnh lại thì tôi kịp nhìn thấy và hỏi về một tấm hình lạ:Ẩn mặc áo len, đạp xích lô ở Mỹ. “À, người ngồi trên xích lô là tiến sĩ Elon Earl Hildreth, giám đốc cơ quan Viện trợ Mỹ về giáo dục, lo giấy tờ cho tôi đi học. Ông mua cả một chiếc xích lô, kỷ niệm Việt Nam đem về Mỹ cho đứa cháu nội chở ông đi chơi”. Ảnh chụp ở Cali năm 1958 khi Ẩn đang học ở đại học bên đó.
“Đáng lẽ tôi lấy cô này” - ông chỉ vào hình một cô gái Mỹ, nhưng ông không kể chi tiết về mối tình ấy.
10 Ẩn giữa cuộc chiến tranh
Nhà báo Phạm Xuân Ẩn kết thân với nhiều người có thế lực. Đỗ Cao Trí là một trong số đó. Thân đến nỗi Trí là tư lệnh vùng 3 có lần rủ nhà báo Ẩn viếng tiền đồn đang bị bao vây ở Tây Ninh. Trí hỏi có sợ chết không, nhà báo đi trực tiếp chiến trường? Mình như người lính dù treo toòng teng trên trời, thằng nào nó ngắm bắn cũng chết. Chết là hết. Vô quân đội là đã chấp nhận hòn tên mũi đạn còn gì. Đạn tránh anh chứ anh tránh được đạn đâu.
Với ý nghĩ đó, ông Ẩn hành nghề báo chí, hay ông là một sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, hai cái hòa làm một. Ông đã từng mượn xe của Phủ Tổng thống thời Ngô Đình Diệm đi thăm các khu trù mật, trên xe mang biển số ẩn tế, đề phòng bị phát hiện và V.C phục kích. Tuyến đường xấu lắm. Sau Mỹ qua mới có sửa lại, mở rộng, không còn quang cảnh đường đi Buôn Mê Thuột nhỏ xíu. Ẩn cũng đã từng lái xe ra tận Vĩ tuyến 17.
Sau này, ông theo cả trực thăng Mỹ đi hành quân. Đã có lúc ông tính phải tập nhảy dù, chỉ huy của ta ngăn lại, sợ nguy hiểm quá. Trong trận mạc, quân đội và du kích ta thường bắn tỉa bọn nhảy dù và đó là cách diệt địch khá hiệu quả. Cũng đã có lần trực thăng chở ông bị lửa đạn nhắm bắn. Sau một ngày ta thắng lớn trận Ấp Bắc, Ẩn đã theo trực thăng Mỹ lên tận nơi. Sự lừa dối hào nhoáng của Neil Sheehan miêu tả chủ yếu về trận Ấp Bắc này. Không một đồng nghiệp nước ngoài nào ngờ cái người đi cùng với họ với tư cách ký giả đi viết tin chiến trường ấy - Phạm Xuân Ẩn - là người góp công lớn cho chiến thắng Ấp Bắc với tư cách một chiến sĩ điệp báo Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chính ông Ẩn và người tiểu đoàn trưởng quân ta chỉ huy trận đánh này được thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì.
Những cuộc hành quân nơi xa như Cà Mau, Tây Ninh, ông đều đi theo với tư cách ký giả chiến trường bằng trực thăng Mỹ.
Trong chuyến đi Đỗ Cao Trí tổ chức, ông suýt gặp nguy hiểm mất mạng. Nếu không nhường chỗ cho ký giả Francois Sully của tạp chí Newsweek thì ông đã chết trong chuyến ấy rồi. Chiếc máy bay đó bị bắn rớt và nhà báo Francois Sully đã chết trong chuyến đi đó.
Trong các chuyến đi viết tin chiến trường như thế, với nhiệm vụ ký giả, chưa bao giờ ông đưa tin thất thiệt hoặc tin “đầu độc” theo kiểu tình báo. Ông chỉ đứng ở vị trí phóng viên để mở quan hệ rộng, thu thập tin tức chứ không dùng tờ báo làm công cụ. Không có một bài viết nào của Ẩn làm hại cho tờ báo hoặc viết điều gì không đúng. Chắc chắn là tờ Time đã kiểm tra toàn bộ những bài viết của ông sau khi Việt Nam thống nhất, ông Ẩn được biết tới là một anh hùng, một vị tướng tình báo Cộng sản.
Các nhà báo phương Tây trở lại Sài Gòn sau giải phóng, vào những dịp kỷ niệm 30-4 của các năm chẵn, họ vẫn nhớ đến thăm người đồng nghiệp cũ. Ngoài tình cảm kính trọng mang tính chất cá nhân, họ vẫn luôn khổ vì phải tìm cho ra câu trả lời vì sao nước Mỹ thua cuộc tại xứ sở nhỏ bé lạc hậu này. Họ càng mong mỏi hơn nữa tìm được lời giải, thuyết phục từ con người, từ chiều sâu truyền thống văn hóa. Mà hơn ai hết, người mẫu của họ cần nghiên cứu chính là anh bạn đồng nghiệp Ẩn.
Ẩn có thể trả lời cho họ hiểu nhiều điều, ông có tư duy phân tích khách quan của nghề báo, có tính chất sâu sắc và nghiêm cẩn của người sĩ quan tình báo, bản thân ông lại mang nhiều đặc trưng của cuộc sống Việt Nam. Còn gì hơn thế! Không chỉ là chuyện nhận định những gì đã xảy ra, mà chính ông có thể nói về hôm nay, về đường hướng phát triển của đất nước này, có thể giải thích các nghịch lý từ dưới tầng sâu của sự kiện.
Đến ngôi nhà của ông hôm nay, bạn bè thấy người chiến binh kỳ cựu ấy không nghỉ. Không phải vì ông còn giúp ích rất nhiều cho nghiên cứu, giảng dạy, soạn tài liệu, mà vì đó là một lối sống: ung dung tự tại, không tham dự nhiều nhưng lại luôn hiểu biết. Ông vào nghề tình báo từ lúc 25 tuổi - như tất cả những người yêu nước phải làm một công việc của Cách mạng, không thể có lựa chọn nào khác, khi dân tộc mất Độc lập - Tự do, dân nước nô lệ.
Nhìn vào nét lớn của những bước phát triển kháng chiến ta sẽ thấy đời ông Phạm Xuân Ẩn trải qua tất cả các giai đoạn. Từ thời chống Pháp 1945-1954; từ 1954-1960 miền Nam dưới chế độ Ngô Đình Diệm; từ 1961-1965 giai đoạn Chiến tranh đặc biệt, dùng quân ngụy với viện trợ Mỹ càn quét, dồn ấp chiến lược 10 triệu đồng bào. Những chương trình và kế hoạch lớn do Staley - Taylor (giáo sư kinh tế Eugene Staley và Đại tướng Maxwell D. Taylor) xây dựng nhằm bình định Miền Nam trong một tháng và kế hoạch bổ sung của Johnson - McNamara bình định Miền Nam trong 2 năm 1963-1964 hoàn thành 16 ngàn trong tổng số 17 ngàn ấp xã Miền Nam.
Chính thời gian đó, Mỹ thay Diệm và quân ta chiến thắng Ấp Bắc và Bình Giã vang dội - kết quả của ba mũi giáp công của quân dân Miền Nam. Giai đoạn Chiến tranh cục bộ 1965-1968 Mỹ đưa quân ồ ạt vào với ý đồ giải quyết nhanh trong 4 năm, hơn một triệu quân, trong đó 50 vạn lính Mỹ đổ vào. Đây cũng là giai đoạn các chiến thắng Vạn Tường, Pleime, Bầu Bàng, Núi Thành, Chu Lai, Đường 9. Mỹ điên cuồng ném bom hủy diệt Miền Bắc hậu phương lớn. Những chiến dịch khét tiếng quy mô tàn k hốc và do đó cũng thành lẫy lừng chiến công của quân dân ta như: Chiến dịch Xêđa phôn (Cedar Fall), Birmingham, Giônxôn City (Johnson City) với những cuộc hành quân lớn kinh khủng, tới 45 ngàn quân đổ xuống một huyện.
Đây chính là giai đoạn mà Tổng chỉ huy quân sự Đại tướng William Westmoreland bị cách chức và Bộ trưởng Quốc phòng Robert S. McNamara từ chức sau Tết Mậu Thân. Từ 1969-1973 Mỹ rút quân, thực hiện học thuyết Nixon, mở rộng chiến tranh Đông Dương. Ta lại có chiến công Đường 9 Nam Lào. Mỹ điên cuồng phong tỏa Hải Phòng và đem B.52 rải thảm bom vào Hà Nội. Sau 1973-1975 là giai đoạn cuối cùng Việt Nam hóa chiến tranh và dẫn tới chiến thắng đỉnh cao 30-4-1975 đất nước Việt Nam hoàn toàn độc lập.
Những sự phân chia giai đoạn chiến lược của kháng chiến ấy, như một cuốn sử tóm tắt, người Việt Nam đã thuộc. Còn những con số khủng khiếp cũng được tổng kết: Mỹ chi 720 tỷ đô la cho chiến tranh ở Việt Nam và đã huy động 70% lực lượng lục quân, 60% lính thủy đánh bộ, 60% không quân và 40% hải quân, cùng với 22 ngàn xí nghiệp phục vụ chiến tranh.
Các hãng truyền hình nước ngoài cho những con số khác nữa. 1 kilômét vuông ở Việt Nam đã phải chịu 6 tấn bom Mỹ ném xuống. 1/3 rừng Việt Nam bị tàn phá do bom đạn và chất độc rải xuống. Bom Napalm là một trong những thứ vũ khí tai tiếng nhất với sức nóng 2.000 độ và những chiếc máy bay chiến đấu C.47 có súng máy, đại liên và 600 quả bom, mỗi quả bung ra 300 viên bi giết người. Ký giả Mỹ đã thốt lên “năm 1968 làm bầm dập một thế hệ chúng ta”. Năm 1969 có hơn 54 vạn lính Mỹ tới Việt Nam và có 50 ngàn trẻ lai Mỹ sau chiến tranh. Có tới 2 triệu cuộc hành quân tìm diệt trong suốt cuộc chiến và 36 triệu phi vụ chiến thuật bằng trực thăng. Cuối năm 1969 ký giả nước ngoài gọi Việt Nam là một nấm mồ tập thể của đội quân nước ngoài đã mất hết lý trí. 58 ngàn lính Mỹ đã chết trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Trong giáo trình dạy về nghiệp vụ báo chí của các Đại học Mỹ, người ta dạy các sinh viên, các nhà báo tương lai rằng không nên làm báo theo kiểu “nhồi banh” (mush ball) la liệt con số, sự kiện. Nhưng có thể nào người ta lại quên đi được những con số - đã rất tóm lược, trên đây?
Tất cả cuộc chiến tranh dài đau thương và anh dũng ấy, Ẩn thực sự ẩn mình trong một vị trí chiến đấu lạ lùng và cam go không biết có thể so sánh với hàng triệu triệu số phận và câu chuyện đặc biệt của dân Việt Nam không? Chỉ biết rằng hôm nay, con người ấy vẫn tiếp tục một cuộc sống mới cùng dân tộc. Nguyên tắc sống và tính chất con người của ông vẫn là của “mùa thu cũ” như thơ Xuân Quỳnh đã nói về tình yêu. Mùa thu đã vàng hoa cúc, đã ra biển cả với dòng nước trôi, đã đi theo lá về rừng. Tất cả đã trôi qua, chỉ còn em và anh, là của mùa thu cũ thủy chung. Chỉ có tình yêu là không thay đổi. Vậy là nó mới hay cũ? So sánh với tình yêu như thế không hề sai về sự thủy chung của con người đã được miêu tả là “người yếu ớt cong xuống nhưng không dễ bị đánh gục giống cái cây trong giông bão”. Không dễ bị đánh gục, hay là con người trung kiên không dễ đổi thay?
Vài lần, khi đến nhà, tôi thấy ông đang nhặt nhạnh đống đồ chơi mà đứa cháu nội để vương vãi. Chú bé đã đi nhà trẻ mẫu giáo. Còn người ông, không giống những người ông chỉ vui với cháu chốc lát chứ không chịu được nhịp sống động của trẻ nhỏ. Ông Ẩn tự nhận mình là “vú em” vì tham gia rất nhiều vào việc nuôi nấng đứa cháu thiệt thòi vì xa mẹ. Ông như chính chú bé rất thạo “Đồ chơi Đức mắc nhất nhưng bền và chính xác”. Ông cầm lên chiếc ô tô nhỏ. Giờ đây ông thuộc đồ chơi hơn bất cứ ông già và người lớn tuổi nào. Tàu họ làm cả quỷ sống… khôn lắm, một năm thu lợi một tỷ đô. Tàu bắt chước nhanh, bán rẻ thôi, do tiếp cận thị trường. Thằng Macao bắt chước. Đây, cây sáp đốt hình con khỉ tuổi Thân. Ông cầm chiếc xe lửa: bị đập lên đập xuống hoài vẫn chạy. “Đồ chơi thì Nhật vẫn là số một. Bán cùng thế giới hết. Rẻ nhất, mề đay giả, dây chuyền. Rẻ, mau hư. Đức, Anh, Mỹ làm đồ bền chặt. Tàu bắt chước, bán chiếc xe lửa, 7,80 ngàn. Nó kiếm tiền từ những người như tôi. Nhật thua đồ Tàu vì đắt hơn”. Ông cười như nhận lỗi: “Tôi hay để ý lắm. Làm báo phải biết những gì con người quan tâm. Độc giả thường thích cái lạ, cái chưa quen thuộc. Có ba loại đề tài luôn được người ta đón đọc, đó là viết về các vấn đề xã hội, việc gia đình, và viết về bản thân mình, câu chuyện cuộc đời cá nhân…”
Ông đang nghiên cứu những vấn đề mới của kinh tế thị trường, cho nên “cái nhìn đồ chơi” của ông cũng có màu sắc tìm hiểu thương trường theo cái liên tưởng mọi vật một cách tự nhiên. Phải xây dựng một tầng lớp người mới qua kinh tế thị trường. Có những người dị ứng khi dùng chữ Tư bản. Nhưng thật ra thị trường là sản xuất theo nhu cầu con người, không đặt cao giá trị sản xuất mà chú trọng vào giá trị sử dụng và thị hiếu. Còn tư bản thì một xu nó cũng tính, lợi nhuận là trên hết.
Ông nói chơi chơi như tâm sự với bạn bè về những điều quan tâm chung. Phải xây dựng những lớp người mới có trình độ khoa học - kỹ thuật. Còn tác giả Thăng trầm quyền lực nói tiếng Tàu giỏi, nó bảo tài nguyên cũng lớn nhưng tài nguyên lớn nhất vẫn là con người. Việt Nam nhìn lại cũng sẽ rõ: Hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ vừa qua đã thắng lợi trong các điều kiện không ai làm nổi. Không có một nước thuộc địa nào giành được độc lập theo cách như vậy. Toàn là chịu thuộc địa kiểu mới. Đánh thiện chiến như chúng ta là phải có con người. Hậu cần theo kiểu đường mòn Hồ Chí Minh, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, chỉ có Việt Nam làm. Do con người sáng tạo.
Bây giờ cứ thử dòm trên ti vi là sợ liền: mâu thuẫn ly khai, sắc tộc các nơi triền miên. Việt Nam vẫn làm theo cách của mình. Theo ông, phải vận động tinh thần đường mòn Hồ Chí Minh vào kinh tế xây dựng đất nước thì không thế lực nào “ăn” nổi. Kinh tế thị trường là khách quan, có từ trước Chủ nghĩa tư bản. Bây giờ thị trường là chiến trường, chúng ta xây dựng Chủ nghĩa xã hội trên nó. Còn Tư bản xây dựng Chủ nghĩa tư bản bảo vệ quyền lợi đại tư bản. Đấu tranh này cực, cực vô giới hạn. Những suy nghĩ có tính “vĩ mô” này, ông nói ra rất tâm tình, như là đang tự nghĩ.
Ông vẫn thường bị ký giả phương Tây phỏng vấn về dân chủ, tự do, với tư cách là một người đã nếm trải cả những cay đắng ngay trong chế độ mà ông đã hết lòng.
Thật ra bọn họ không hiểu - Safer đã viết: “Ẩn chẳng phải là người biện hộ cho những nguyên do mà anh phục vụ… không giống Athur Koestler và những người say mê chủ nghĩa Mác, tôi nghĩ Ẩn chưa bao giờ sùng tín… Điều mà tôi nghi ngờ là anh đã không phân biệt rõ ràng đâu là chính bản thân, đâu là chính trị và xứ sở anh. Tôi nghĩ rằng anh đã hành xử một cách tự nhiên, chứ không chỉ vì can đảm. Không phải tính chất thánh thần mà chính vì chất con người đã khiến anh thất bại”. Cái nhìn riêng biệt ấy đã cho rằng Ẩn đã không được tin cậy do việc ông Ẩn đã đi “học tập cải tạo” dành cho những người của Đảng cần được uốn nắn về tư tưởng.
Ông cũng không suy xét về việc đó lâu. Ông lý giải về dân chủ một cách sáng sủa như một sự hợp lý hiển nhiên. Ông nói với ký giả Mỹ rằng dân chủ kiểu Mỹ chỉ là dân chủ cấp thấp: cơ chế để kiểm soát đa nguyên chỉ là cơ chế giúp không nổi loạn. La hét kệ, cả triệu người cũng không sao. Cho nó la mà biết để sửa. Công đoàn Mỹ cũng biểu tình la hét mạnh mẽ nhưng họ không bao giờ được tham gia vào đường lối chính sách. Dân chủ chỉ là đường lối để cai trị dân. Còn dân chủ xã hội chủ nghĩa mới là dân chủ cấp cao. “Cứ lấy cái thí dụ kinh tế chia phần cái bánh - Dân chủ xã hội chủ nghĩa vì đa số dân chia phần bánh lớn. Chứ tư bản: chia đều thì tao đi ăn mày à. Chuyện đó không có”. Vẫn giọng hài hước và diễn giải lý luận cao siêu ra thành hình ảnh đơn giản. Ông Ẩn thường chinh phục người khác bằng sự uyên bác nhưng rất giản dị và hóm hỉnh.
Chắc phải sửa lại câu nói của Safer: không phải chất cao siêu thánh thần mà chính vì chất người, chính chất người đậm chất khôn ngoan, chân thành của người Việt đã giúp ông thành công.
11
Ở ông hình như toát lên được chất tinh thần văn hóa Việt Nam có tiếp thu văn minh Mỹ - chất văn hóa bấy lâu nay họ hiểu như một người được đào tạo bởi nền giáo dục cả Pháp và Mỹ ấy, hóa ra lại rất tiêu biểu cho tính cách người Việt. Chính các nhà nghiên cứu Mỹ đi đến kết luận là nước Mỹ đã thất bại ở cuộc chiến tranh cũng chính vì không hiểu đúng con người và văn hóa Việt Nam. Thành ra, người bạn cũ Phạm Xuân Ẩn mà họ tưởng đã hiểu cả rồi bỗng như còn lắm điều họ cần hiểu cho hết.. vẫn còn nhiều điều cần phân tích, khám phá để qua ông, có thể tìm thêm câu trả lời thuyết phục về cuộc chiến.
Trước đây, họ đã biết về ông như thế nào? Điều đầu tiên là một người am hiểu và có óc hài hước. Cái hài hước kiểu tưng tửng thật thà, như nói chơi, dẫn người ta vào “đúng giữa vấn đề tưởng như đã rõ ràng” để rồi bật ngửa ra với cái kết cục rất tai quái, rất “hợp lôgic” thật tự nhiên. Họ cười vì được rơi vào những liên tưởng đột ngột của cái kết rất hợp lý mà đơn sơ đầy chất dân gian. Ông thường kể một chuyện như “tiếu lâm hiện đại”. Một chàng Mỹ nọ vào quán bar, say rượu. Một chàng Tân Tây Lan hỏi anh Mỹ đó xem anh là người nước nào, chàng Mỹ hãnh diện khoe mình người Mỹ và Mỹ “cái gì cũng có”, rất phong phú đa chủng tộc, có cả 5 màu da: sôcôla, đen, đỏ, trắng, vàng. Do đó chàng là người chủng tộc vĩ đại nhất có đủ loại quốc gia. Ông Ẩn vốn thân với anh chàng Mỹ, bảo anh ta: Vậy là má anh lộn xộn mới đẻ ra anh đủ thứ màu da? Chàng Mỹ cụt hứng bỏ đi thẳng. Còn Ẩn thì nói: “Điều đó Mỹ chế, không phải tôi chế” - ý nói ông chỉ là người “trích dẫn” đúng lời của người bạn Mỹ mà thôi.
Hồi cố vấn Mỹ bắt đầu vào Miền Nam, các Bộ trong chính quyền đều có cố vấn Mỹ. Cơ quan Viện trợ kinh tế Mỹ nằm ở phía sau chùa Xá Lợi. Một cố vấn về văn hóa có nuôi con bò sữa ở Bến Cát. Ông ta đem lên Củ Chi cho lai giống. Người ta thả cho 2 con bò giao phối. Nhưng con bò đực nhảy nhót, chạy tới chạy lui “không chịu làm ăn gì hết”. Ông ta bực lắm. Một người khác “cố vấn”: Con bò đực này vốn ở xứ mát. Củ Chi, Bến Cát nóng lắm, nó không chịu nhảy là phải!
Đem lên Buôn Mê Thuột vùng núi mát mẻ thử xem. Lên tới vùng mát mẻ, thả ra con bò đực cạo cạo khều khều rồi bỏ đi ăn cỏ. “O.K! Chết mẹ rồi!” Lại có người cố vấn: chắc biển nó thích! Thế là con bò lại được đem đi biển. Phan Rang, Phan Rí cũng lên, Đà Lạt cũng tới. Mới thả ra nó hăng lắm, lúc đầu cũng chạy tới chạy lui đuôi cong lên, uốn éo như cần câu rê rồi lại xụi xuống bỏ đi.
Từ câu chuyện ấy ông Ẩn “lái” ngay hình ảnh cố vấn Mỹ. Ông bảo:”Cố vấn không làm chỉ nói thôi” và nói rằng “Mỹ chế ra đó nhé!” Rồi ông làm như thật: Cái nghề khổ lại tiếu lâm: Ngày xưa các cụ có chuyện “nghề cóc kêu”. “Cố vấn” (cố là xoay qua vấn là hỏi), cố vấn ngồi gần quan lớn, khi nào quan quay qua hỏi mới được trả lời. Chẳng may quan “làm cái rầm”, hỏi chi, thưa rằng cóc kêu. Cóc kêu sao thối. Dạ cóc chết. Cóc chết sao kêu. Thưa hai con. Một con kêu một con chết. Chuyện tiếu lâm dân gian Việt Nam lạ lùng kiểu đó cũng được kể cho cố vấn Mỹ nghe. Họ vừa khoái vừa biết ngay tính chất của Ẩn. Mỗi khi ông sắp kể là họ đề phòng “lại sắp toàn chuyện trên trời”. Nhưng đề phòng rồi mà vẫn mắc mưu như thường.
“Hồi tôi đi hành quân với lính Mỹ đánh ở Đồng Tháp Mười, đóng quân tại Mộc Hóa. Có một cái chùa còn dân ở toàn nhà lá. Chỉ huy sư đoàn ở trong chùa, tôi làm phiên dịch”.
Ông kể cả những chuyện oái ăm như chuyện đám Mỹ “đi cầu” ở vùng quê - ngồi chóc ngóc trên sông, nơi chỉ quây bốn miếng vuông xung quanh, thò cái đầu ra. Một ông cố vấn Mỹ khoe đã từng đánh trận Thế chiến hai rồi đi khắp nơi, do đó ông sống đâu cũng được.
Đến đêm, Ẩn nằm với hai cố vấn Mỹ: và câu chuyện về đời sống dân dã bắt đầu. Người Mỹ khen cá chốt nhiều quá. Cá chốt nhỏ bằng ngón tay, ngón chân cái giống hệt cá trê con, ngồi đi cầu cũng thấy, nó cũng nhảy lên. “Tao thấy cá cái ít, cá đực nhiều. Con đực mập, con cái ốm”. Ẩn làm như thật thà nhận xét. “Vô lý, con cái bao giờ cũng mập hơn con đực. Sinh vật học thường nói vậy”. “Không tin mai xem. Chỗ mày ngồi đi cầu đó. Con đực mập, con cái ốm tong teo à. Con cái nó mải nhìn mày quên ăn, nên ốm. Còn nếu mấy bà ngồi thì ngược lại”. “Trời ơi, học kiểu này chết rồi”. Hai ông cố vấn tên là ông Glen và ông Hick kêu lên thích thú biết mình lại bị lừa một cách rất “tiếu lâm”.
Ông Ẩn hay “chọc” cho họ nói để dẫn đến một tình huống cười vui. Có câu chuyện vui như thế với một trung tá Mỹ. Một bữa sau khi nói mọi chuyện xong họ tán gẫu. Trung tá Mỹ hỏi theo Ẩn nhận xét thì phụ nữ ở đâu đẹp. Ẩn bắt đầu “gây sự”. “Mỹ thôi, lai nhiều giống nên đẹp phải rồi”. Nói nghiêm túc đi, không đùa nữa: phụ nữ Tàu đẹp. Viên trung tá Mỹ: “Mày ngu lắm. Gái Việt Nam đẹp nhất: Phân tích nhé, chỉ hình thể thôi, còn bỏ sang một bên tính tình dịu dàng này nọ không nói”. Ẩn: “Đâu, đẹp chỗ nào đâu? Da vàng, mày tằm, mắt phụng, lỗ mũi kỳ lân”. “Mày dòm bên ngoài nói bậy. Tao học nhân chủng học đàng hoàng. Hơi lai biết liền. Người Việt Nam khớp xương tròn. Hơi lai Tàu là xương bè. Gái Việt đầu gối đi thẳng, nở thẳng. Mỹ, Tàu, Miên, Thái Lan đi khác. Không phải ngực to đồ sộ mà mặc đầm hay áo dài đều đẹp vì xương khớp tròn. Một đứa Mỹ mặc áo dài, coi ra quỷ sống! Người Việt Nam đi thẳng. Mày cứ ra đường coi xương mông họ. Mười người Việt Nam hết chín người đi thẳng”. Người Mỹ dùng hết kiến thức để chứng minh cho Ẩn thấy lòng tự hào rồi, Ẩn vẫn chọc: “Đi thẳng đâu. Ở núi đi lom khom thấy mẹ!”
Núi là chủng người dân tộc, viên trung tá không quân Hoàng gia Anh mà “cái gì nó cũng biết!”
Khi đó Mỹ xây bệnh viện dã chiến 3 tại vùng đất trống Sài Gòn, nay là nhà Bảo tàng Quân đội. Bệnh viện đó trang bị máy móc tốt, thầy thuốc giỏi, thương binh nặng lắm mới vào đó. “Xây chỗ này hay, bệnh viện này hay”. Ẩn nghe khen tấm tắc công trình họ xây. Ẩn lại chọc. Để anh kể cho họ nghe hay chỗ nào. “Kể đi” - Đám bạn Mỹ giục, “anh kể đi, thế nào rồi đến kết luận là rắc rối đây”. Họ biết tính Ẩn nhưng chưa biết “vụ rắc rối” này sẽ dừng ở đâu. “Hay chỗ nào nào. Đường 9 Nam Lào đánh không lại Việt Cộng, thương binh đưa về cụt chân, cụt tay. Đem vào đây ráp chân người khác. Lắp chân vào, chạy như thường, giỏi. Có cái làm không được. Mắc đái là té”. Sao vậy? “Ráp lộn chân đàn bà, mỗi lần mắc là mất thăng bằng vì đàn ông đứng đái, đàn bà đái ngồi”. “Biết ngay, thế nào kết cục cũng có bài học!”. Đám Mỹ cười.
Anh chàng Ẩn này không chỉ hài hước, mà cái gì cũng biết “vận dụng”. Họ không chỉ ngạc nhiên thấy về đồng bằng, Ẩn chèo xuồng ghe như dân sông nước chính hiệu, mà khi đưa đoàn ký giả đi lấy tin tức, viết bài, Ẩn hay giảng giải về phong tục tập quán. Vào nhà có bàn ghế phía trước bàn thờ, phụ nữ vô ý ngồi đưa đít vô bàn thờ là hỏng, mấy bà nhớ chú ý cái bàn thờ nhà người ta. Vô Chợ Lớn coi chừng nhiều chỗ thờ: Thần Thổ, Thần Tài, chỗ nào bàn thờ có hình lông mày là nhà vũ nữ. Vì sao đám ma lại vui? Quan niệm sống gửi, thác về. Người ta được về, mừng, khóc là khóc cho người ở lại. Con người ta có ba hồn tất cả: linh hồn (là phần ở trên đầu) chết đi về cõi hư vô. Tâm hồn (là tim, tình cảm) còn lại hoài ngồi trên bàn thờ với con cháu trong nhà. Hồn thể chất (như bụng…) nếu sống mà xì ke ma túy, tham nhũng hối lộ, khi chết Diêm Vương lật sổ coi, cho lên hay không là sau… tùy tội nặng nhẹ.
Những phong tục, kiêng kỵ truyền miệng kiểu đó cũng được Ẩn “vận dụng” cả trong câu chuyện “phân tích chiến sự” với các nhà báo phương Tây: Mỹ đánh bom dùng máy báy B.52 rải thảm Hà Nội, thua là phải thôi, thua quân đội của Võ Nguyên Giáp là cái chắc. Vì bom dội cả mồ mả ông cha người ta, làm sao linh hồn người ta không trừng phạt cơ chứ!
Ông Ẩn vẫn còn nhớ câu chuyện của viên thiếu tướng Phạm Văn Đổng. Ông và Đổng, hai người hay đi hành quân, từng ngồi trực thăng về tuốt Cà Mau. Một lần sau khi hành quân, một sĩ quan Mỹ hẹn về Sài Gòn mời ăn cơm. Đến ngày hẹn ông Đổng không nhận mà nói dời bữa ăn tới lúc khác. Hay ổng giận, hỏi thẳng không nói? Người Mỹ đó nhờ Ẩn dò thử xem lý do sao ông Đổng không chịu. Thì ra lý do chỉ vì lật lịch thấy ngày xui, ông thiếu tướng dặn: “Đừng nói kẻo Mỹ nó bảo dị đoan”. Đến mức hành quân ông ta cũng xem ngày giờ. Nếu ngày xấu là đổi chương trình - “Việt Cộng rút rồi”, lý do ông đưa ra vậy. Rút thì cũng vẫn ở Việt Nam chứ còn rút đi đâu! Nay không đánh mai đánh cũng được.
Trong cuốn sổ tay, ông Ẩn viết tên một số bạn làm báo cũ của mình. Robert Shaplen (chết), John Stirling (chết), Keye Beech (chết), Frank McCullock (về hưu), Neil Sheehan (nhà văn), David Halberstam (nhà văn), Beverly Ann Keaver (giáo sư), Malcom Browne (ký giả)… Nhìn vào danh sách này thấy khá nhiều người đã chết hoặc về hưu. Họ đã là những người trôi dần về dĩ vãng, nhưng đúng như Robert D. McFadden đã viết trong tờ The New York Times năm 1997. Đối với các đồng nghiệp Mỹ ngày xưa, câu chuyện về ông Ẩn vẫn là chuyện về lòng trung thành và tình bạn giữa hai nước vốn là kẻ thù. Nó có thể là chiếc chìa khóa để thấu hiểu những năm tháng chiến tranh đầy xúc động và một nước Việt Nam vào thập niên 60.
Vì sao bạn bè ông vẫn đi tìm “chiếc chìa khóa” ấy? Có lẽ vì hội chứng chiến tranh Việt Nam vẫn còn cho đến hôm nay đối với người Mỹ. Thế hệ con, cháu của họ đang đương đầu với nhiều thứ, và tư duy của nước Mỹ không chỉ bận rộn quan tâm tới việc như chính phủ ông Bush mới lên đang triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia NMPD. Người ta phải tìm hiểu xem nó sẽ nhằm vào kẻ thù nào. Một số ít tên lửa mà Bắc Triều Tiên, Iraq, Iran, hay là của nước Nga đang trang bị tốt hơn, và một Trung Quốc? Đó là đề tài cho các nhà chiến lược và sự phân tích của giới truyền thông.
Họ đưa các con số: chính quyền Reagan và Bush đã chi 27 tỷ USD cho việc nghiên cứu các ý tưởng từ việc đưa vào quỹ đạo vũ khí laze bắn bằng đầu đạn đến các vệ tinh được trang bị bằng các thiết bị đánh chặn tên lửa. Những vấn đề to đùng ấy làm cho người ta lo ngại nhiều bề. Với người Mỹ thì trước hết là chi phí khổng lồ trong khi kinh tế Mỹ tụt dốc sau gần một thập kỷ liền tăng trưởng. Có vẻ như quá nhiều việc phải lo. Con người phải sống trong “một xã hội không có trí nhớ” một xã hội stress vì quá tải, lo cả chuyện không biết còn chỗ nào trên hành tinh này để đổ rác nữa hay không. Rồi điên đầu với tội phạm có tổ chức, khủng bố, đánh giết ly khai sắc tộc, tôn giáo, buôn ma túy thực sự mang tính xuyên quốc gia. Tự do hóa, đa phương thương mại, thị trường là yếu tố quyết định kết quả tài chính, con người hiểu sâu sắc thế giới nhưng cách nào để gìn giữ xã hội bền vững thì lại rất kém.
Thế giới lo chuyện đại sự, lo thay đổi về nhân khẩu học, năng lượng, môi trường an toàn lương thực. Lo “vẽ bản đồ ngôi nhà” của mình: một cụm cao tầng ở trung tâm có bảo vệ bằng điện tử: đó là khu tài chính, thương mại. Rồi đến vùng vây quanh là nơi sinh sống của hàng triệu người bỏ quê ra sống đô thị, chịu cảnh nghèo khổ trong nhà ổ chuột, dịch vụ hư hỏng xuống cấp, tắc nghẽn giao thông. Rồi đến vòng bao quanh khu đô thị đó mới là khu biệt thự của nhà giàu đã bỏ chạy khỏi cái vòng đai của dân nghèo để ra xa với vòng đai xanh và hàng ngày đám nhà giàu và trung lưu đi ô tô vào trung tâm để làm việc. Sau đó mới đến các khu xử lý rác… Còn lối sống?
Thì đã có thể tìm vào câu trả lời ở 8 đề cử Oscar cho Vẻ đẹp Mỹ - American Beauty mà các nhà phê bình gọi đó là bản luận tội xã hội trung lưu Mỹ. Không vắng mặt một việc nổi cộm nào, từ “những lời nói dối để yên thân giữa chồng, vợ, con cái” cho đến bạo lực, ma túy, tình dục ngoại hôn, dấu vết của chủ nghĩa tân phát xít và sự dò xét đời tư người khác… Tế bào căn bản của xã hội Mỹ là giới trung lưu khá giả ấy đã nhiễm bệnh thời hiện đại. Và thanh niên thì phải lo sự thành đạt để giàu có.
Người ta đã kêu lên: không ai hiểu lớp trẻ, trừ các nhà tiếp thị. Bọn trẻ có tiền, được gọi là thế hệ Y đã thay cho hình ảnh cũ về thế hệ X của những năm 90 lương ít, sống buồn, không tin quảng cáo. Nay thì hình ảnh của họ là dễ thương, có học, có tiền, đang quyết liệt leo lên đứng vào con số 2/5 số người giàu sang, nhóm dân Mỹ phát triển nhanh nhất có mãi lực 120 tỷ đô. Với cái đích đến ấy, họ phải giải quyết các vấn đề của mình. Không biết họ có giống vấn đề của nước Nhật, giới trẻ sành điệu, xăm mình, xỏ lỗ tai, nhuộm tóc, ăn nhiều hambuger, pizza và uống Coca.
Nhưng rõ ràng họ phải nhanh chân, chọn lọc, vì xã hội của họ cho thấy một người tốt nghiệp trung học không biết Newton khám phá ra trọng lực thì cũng chẳng tai hại bằng việc không biết xài thẻ tín dụng. Mỗi năm có tới cả triệu người Mỹ bị phá sản vì thẻ tín dụng! Họ cần học kỹ năng sống để không bị đào thải trong xã hội hiện đại với những khóa học “life skills course”.
Thế mà lứa cha mẹ họ, những người vẫn đặt quan tâm vào những vấn đề Việt Nam. Không chỉ là việc liên quan đến 58.000 lính Mỹ chết ở Việt Nam, số quân luân chuyển và gia đình của họ, lên tới hàng triệu người có liên quan trực tiếp, mà còn là chuyện vì sao đổ vào 350 tỷ đô mà bại trận? Và đau đầu hơn nữa là vì sao họ không hiểu hết được kẻ thù? Họ đã thua vì văn hóa, vì con người. Đến bây giờ họ vẫn trở lại đất nước này để hỏi rằng vì sao Việt Nam đánh Mỹ quyết liệt vậy mà nay đón người Mỹ một cách tử tế nồng hậu không hận thù. Họ hỏi vợ của người chiến sĩ trong bức ảnh làm chấn động thế giới, bị Nguyễn Ngọc Loan dí súng bắn chết ngay trên đường phố Sài Gòn “Có căm thù Mỹ không?”. Người đàn bà ấy trả lời chân thật: bà hận thằng bắn, còn con bà hiện nay đang học tiếng Anh.
Một dân tộc có văn hóa, cao thượng như vậy vì đâu? Chính điều này lôi kéo các ký giả nước ngoài. Họ thích ở xứ này, và ông Ẩn nói người Pháp gọi nỗi yêu Việt Nam ấy là “họ mắc bệnh da vàng. Dính đây là kẹt ở đây luôn”. Ông Ẩn đã từng gặp lại những ký giả Anh, Mỹ, Pháp những người mà ông tưởng đã không thể gặp lại. Họ nói đùa với nhau: “Khổ quá! Cái xứ sở kỳ! Say mê ở hoài còn làm ăn gì. Dứt không được”. Đến bây giờ, không chỉ người Mỹ, mà cả thế hệ sau, con cái của Việt kiều cũng có cái nhìn khác. Cha mẹ họ có thể mang nỗi đau lịch sử, phải sống xa Tổ quốc, có người chống Cộng kiểu xưa. Với lớp con cái, họ không tìm được tiếng nói chung.
Ông Ẩn đã tiếp những người con của các bạn ông làm việc cho chế độ cũ. Đám trẻ này theo cha mẹ định cư ở Mỹ, nay về nước làm ăn hoặc thăm gia đình. Ông nhận xét: “Tôi tin tưởng vào thế hệ văn minh, có nhận xét khách quan. Đụng tới dân tộc, tới Tổ quốc là họ sẽ bảo vệ. Bố mẹ nó chống Cộng, nói nó không nghe. Lý sự là: ổng làm sai, chọn không đúng đường, còn cay cú. Nhét mấy đồ đó vào tụi con đâu được. Thì ổng nuôi mày, chiều ổng tí được không? Không được. Nói láo không nên. Đó là tư duy của người con một Việt kiều lớn lên ở Mỹ, suy nghĩ “Mỹ trăm phần trăm”. Đám trẻ có học hành, gạt nó không được. Đầu đất sét sao? Nó thông minh chớ”…
Bây giờ, mỗi khi các nhà báo phương Tây trở lại Việt Nam, ông Ẩn vẫn không quên thăm hỏi những người bạn đồng nghiệp đã lớn tuổi, người nghỉ hưu, người đi dạy học. Những tên người được nhắc đến như Frank McCulloch giám đốc văn phòng Tuần báo Time tại Sài Gòn, Richard Clurman là trưởng ban phóng viên tạp chí Time với văn phòng ở New York. Ông Ẩn nhắc họ như một lời tâm sự: “McCulloch dạy tôi cách nhận tin đúng. Đó là mối quan tâm chính của Mc Culloch. Hãy nói với anh ấy, tôi không hề là thành viên của chiến dịch thông tin sai lạc. Những người bạn tốt nhất của tôi đều ở tòa báo Time. David Greenway và các phóng viên khác đã dạy tôi thế nào là tình bạn. Clurman cũng đã chứng minh thế nào là sự trung thành. Mọi người đều ngán sợ Clurman nhưng khi có vấn đề họ đều hướng về ông ta để được giúp đỡ. Clurman không hề vùi dập ai bao giờ. Nhà báo Morley Safer cho biết Frank McCulloch hiện là chủ biên điều hành của tòa báo San Francisco Examiner. David Greenway làm cho tờ Boston Globe, còn Richard Clurman hiện viết sách và là Trưởng bộ môn báo chí Đại học Columbia.
Ông cũng còn hỏi thăm về Robert Shaplen, phóng viên nhiều năm tại Việt Nam của tờ New Yorker mà ông không biết là đã chết vì ung thư. Hỏi về người bạn thân thiết Nguyễn Hưng Vượng. Safer viết trong một bài tường thuật sau cuộc gặp gỡ ông Ẩn tại Sài Gòn: “Ẩn ôm hôn và bắt tay tôi. Làm ơn nói dùm với tất cả các bạn lời thăm hỏi. Nói với Clurman và McCulloch và đặc biệt với Charlie Mohr. Nói với họ rằng tôi vẫn khỏe, vẫn thường”. Charlie Mohr trước tiên làm cho Time, rồi New York Times. Ông ta là một trong các nhà báo Mỹ đầu tiên tường thuật về một Miền Nam Việt Nam hấp hối vào đầu những năm 60. “Trở về Mỹ tôi gọi cho Clurman và McCulloch, cả hai đều rất cảm kích là Ẩn đã nhớ tới họ một cách mến mộ như vậy. Với Charlie Mohr tôi chẳng bao giờ liên lạc được, anh đã chết vào năm 1989 ở tuổi 60 vì bệnh ung thư”. Safer viết.
Họ trở lại Việt Nam không phải là chỉ đem về được những tìm hiểu sâu hơn về con người và xứ sở này, những gì trước đây đã không hiểu được. Họ còn có những ấn tượng sâu đậm từ hình ảnh người bạn cũ này, người được đánh giá là có quan hệ rộng “best connected man” tại Sài Gòn và nhờ vào đó, Ẩn đã cứu những người bạn như thế nào. Ông Ẩn hôm nay vẫn cho họ ấn tượng mới. Có vẻ là còn vô số điều có thể khám phá về tính cách người Việt Nam qua mỗi con người mà họ biết. “Có bao giờ ông buồn và ân hận vì đi làm cách mạng không?”. Câu hỏi động chạm và có vẻ khó nói nhất ấy của người nước ngoài, được ông trả lời dễ dàng: “Có buồn chứ. Buồn nhất là lúc đó cấp trên không cho lấy vợ Mỹ”. Ông đã biến những điều nghiêm trọng trở nên nhẹ nhõm nhờ vào những chuyện tưởng như nhỏ nhoi, riêng tư và “xa chủ đề” nhất.
Sao ông bảo đất nước ông tự do cơ mà? “Không được, ông nội! Vào Đảng đã hứa rồi. Vợ Mỹ, con người quốc tế, cả loài người nhập vô, lai nhiều giống. Mà ác cái, tôi thương hai ba cô liền. 14 tuổi tôi đã biết yêu rồi. Ác lắm. Vợ tôi là người thứ mười lăm mới cưới. Rảnh là đi coi vợ. Có ai lấy đâu. Tôi hỏi một lần à. Kiểu anh trời đánh không chết! Bạn bè lắc đầu cười”.
Còn những câu hỏi nghiêm trọng hơn giữa các đồng nghiệp hỏi thật nhau. Bây giờ ký giả Mỹ vẫn đòi ông bạn Ẩn của mình vốn là nhà phân tích chiến tranh, phải trả lời cho họ rõ vì sao Mỹ thua.
Ông Ẩn: “Mỹ thua bao giờ? Là anh nói đấy nhé, không phải tôi nói. Cụ Hồ cũng không nói thế. Cụ nói “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Cụ có nói Mỹ thua không? Hội nghị Paris 4 bên, anh đồng ý mới tự phải rút quân anh nhá!” “Thôi thua phải nói thua, không ngụy biện”, ký giả Mỹ vặn lại.
Ẩn vẫn đẩy cái bẫy hài hước trêu chọc ra: “Có nhớ không? Đờ - Gôn nói nước Pháp thua một trận chiến chứ đâu phải cả cuộc chiến tranh”. Lại giở trò rồi! Ký giả Mỹ lại chịu. Họ quay về đề tài cũ: Đi làm cách mạng vậy có tiếc gì không? Lại rơi vào trận cười chuyện lấy vợ Mỹ, việc coi bói. Khổ. Ông nội cách mạng rắc rối, quản lý chặt, không cho lấy vợ Mỹ… Cưới vợ phải coi bói. Tam hạp quá cũng không được. Năm thê bảy thiếp, cộng vào là mười hai con giáp. Chết cô Mẹo cưới cô Mẹo vô. Khỏe. Cộng sản lên, một vợ một chồng, chơi hại. Kẹt. Tây nói đàn bà muốn là trời muốn. Họ thương phải lấy, không được cãi lệnh trời…
Ký giả Mỹ cười bò, hỏi thân mật: Cộng sản chứa loại anh à? Đuổi không lợi, thôi để luôn cho rồi. Cứ như vậy các kiểu “đùa dai” hài hước của Ẩn đã trở nên quá quen với họ.
12
Còn Stanley Karnov cựu phóng viên tờ Washington Post người từng đoạt giải Pulitzer thì viết về ông Ẩn như sau: “Ông Ẩn là con người phải giằng xé giữa hai tình cảm. Lòng trung thành với dân tộc, đất nước ông và sự tận tụy với nghề nghiệp, tình bạn với các đồng nghiệp từ một nước đã gây chiến với dân tộc mình”. McCulloch thì cho biết: “Tôi không bao giờ giận gì ông Ẩn” (McCulloch là trưởng đại diện tờ Time nơi ông Ẩn làm việc thời đó). Culloch viết: “Bởi nếu như tình thế đảo ngược lại, nếu như hàng trăm ngàn người Việt Nam xâm chiếm đất nước tôi, tôi cũng sẽ làm như ông Ẩn đã làm. Ông là một người bạn tốt và đáng kính trọng”.
Một con người vừa đứng ở đỉnh cao nghề nghiệp, vừa làm trọn công việc mà đất nước cần, lại cũng giữ được lòng kính trọng của những người thuộc phía đối phương. Nhân cách ấy nhiều nơi có thể nhận là “sản phẩm” của mình: Văn hóa Pháp, nền giáo dục Mỹ. Hơn thế nữa, con người này đã ứng xử trong những hoàn cảnh thật đặc biệt. Ông không thể hỏi ý kiến cấp trên trong nhiều tình huống hoạt động đơn lẻ, bí mật tuyệt đối. Phải xử sự hàng ngày và rất nhiều trường hợp, “người chỉ đường” cho ông chính là cái bản lĩnh sâu sắc của người Việt Nam, một đặc tính của dân tộc đã từng sống trong những thử thách khốc liệt nhất. Cái bản lĩnh này chẳng phải có sẵn như chiếc áo mặc vào. Nó vô hình và mỗi con người góp phần mình, bằng cách chọn con đường, và bằng cảm nhận, bằng sự trải qua, đôi khi rất riêng tư”.
Dưới mắt một ký giả Mỹ, quá trình đó của ông Ẩn như sau: Năm 13 tuổi, tức là năm 1940 ông bắt đầu nhận thức về nghịch lý của dân tộc khi Nhật chiếm Việt Nam sau khi Pháp bại trận phải đầu hàng Hitler. Tại thị trấn cảng phía nam của Rạch Giá, quê nhà của ông lúc đó, những kẻ chiến thắng là Nhật vây ráp người Pháp (sau khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương ngày 9 - 3 - 1945) và dùng xích xâu họ lại với nhau dưới ánh nắng gay gắt tại một bãi đất. Mục đích của việc này là tiêu diệt hình ảnh những người cai trị da trắng trong mắt người Việt Nam và dựng nên viễn cảnh của một Đại Đông Á mới chiến thắng dưới sự bảo hộ của người châu Á - người Nhật.
Đã có lần ông Ẩn nói: “Tôi không bao giờ thích người Pháp bởi vì con cái những tên thực dân Pháp ngược đãi trẻ em chúng tôi. Nhưng người Nhật làm tôi ghê tởm. Những người Pháp bị khát. Tôi đến hỏi cha tôi và ông bảo tôi nấu ít nước mang đến cho họ. Khi tôi làm vậy, người Nhật tát tai những người Pháp đã nhận nước uống”. Ông Ẩn nói tiếp: “Tôi vẫn không thích sĩ quan người Nhật. Trước năm 1975 tôi không bao giờ nhận lời mời của Đại sứ quán Nhật cũng vì lẽ đó”.
Ký giả Mỹ đã nhận xét cả vẻ mặt ông Ẩn trong suốt cuộc nói chuyện. Lúc cuộc nói chuyện này diễn ra, ông Ẩn đã ở tuổi 68. Ông đã qua suốt hai cuộc kháng chiến và với nghề báo, ông đã hiểu sâu sắc bản chất của mọi mối quan hệ con người. Có thể nói cách nào đó, ông đã là một chuyên gia giao tiếp với đủ loại người, với con mắt phân tích của một ký giả và một nhà tình báo chiến lược. Vậy mà, vẻ mặt của ông như tác giả Henry Kamm nhận xét: “Đó là lần duy nhất trong rất nhiều cuộc trao đổi về cuộc đời đầy biến động của ông, tôi nhận thấy trên khuôn mặt trầm tĩnh của ông nét hận thù làm cho giọng nói và sự bình thản của ông đanh lại. Số phận những người Pháp dấy lên lòng thông cảm của ông với những người bị thua thiệt. Ông nói rằng một yếu tố khiến ông tích cực quyết định theo phe nào chính là sự bất công đối xử giữa người Việt và người Việt. Ông đã thấy một địa chủ, cha của một bạn học cùng lớp, đối xử thậm tệ với những người tá điền của mình. “Chúng tra tấn họ. Chúng bắt vợ con họ ngủ với chúng…”
“Đó là lý do tôi tôn trọng người Mỹ - ông Ẩn nói - Họ dạy cách giúp đỡ những người yếu thế…”
Cách nhìn này của Henry Kamm, hay chính lời nói chân thực của vị tướng Việt Nam? Những ưu việt của thế giới hiện đại tiến bộ ông đã học được ở Mỹ, dù sao không thể không đặt trên cơ sở tâm hồn và nhân văn một người Việt Nam biết cảm nhận. Chính cách cư xử trong suốt cuộc đời trọn vẹn nhiều bề đã làm giảm bớt khó khăn và được sống tự nhiên trong sự tồn tại khác thường của ông ở cả hai phía trong cuộc chiến tranh.
Các ký giả Mỹ kể rằng ông đã thành công trong việc cứu mạng Robert Sam Anson, một nhà báo trẻ tuổi của tuần báo Time bị bắt tại Campuchia nơi mà nguyên văn lời của Henry Kamm “nghĩa địa của hầu hết các phóng viên khi rơi vào tay quân đội của Khmer đỏ”. Đội quân Khmer đỏ đó hoạt động bất hợp pháp tại biên giới và thích ẩn mình ở lãnh thổ nước ngoài để thoát khỏi sự chú ý của thế giới. Chi tiết này xuất hiện trên báo nước ngoài, chắc chắn sẽ lại chất thêm những điều phong phú bí ẩn của đời mà vị tướng này chẳng bao giờ viết ra.
Nhưng có thật là “cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn với tất cả những chi tiết mập mờ gây hoang mang có thể là một mẫu cho những người trong thời đại ngày nay vẫn phải tiếp tục đối diện với vô số lựa chọn gây bối rối”, như nhận xét của ký giả nước ngoài hay không? Chắc phải tìm về nguồn cội, nguồn cội của con người mang nhiều dấu ấn và chứng cớ của lịch sử này, phải có một mở đầu như thế nào chứ? Có đặc biệt không?
Không có ý thức trả lời phỏng vấn, vào một buổi chiều đến chơi thường lệ, tôi đến khu vườn nhỏ ấy và thấy ông đang say mê giở túi rắn liu điu nhỏ xíu: “có chất, nó mới hót” đó là chất bổ dưỡng cho chim. Mọi ngày ông gọi châu chấu lá bít - tết. Rồi ông than thở: “Trước đây chim sẻ rất nhiều. Súng hơi người ta bắn riết nay không còn nhiều”. Chuyện vui mà sao nghe như thảm sầu bởi cái giọng đều đều luyến tiếc: “Chim hót cũng như đứa trẻ nít học nói 3 tuổi trở lại. Chim nhỏ mà ở rừng nó không hót nữa. Con tương tư thì mắc lắm. Bên Tàu có”.
“Ngày xưa tôi nuôi gà nòi chọi. Đầu hôm thì bắt thằn lằn, đêm cho uống nước, cho ra sương. Có hai cái đại hội. Đại hội tả kê đá gà. 6 tháng mùa khô. Đá cá ăn tiền lớn. Con nào thua chịu sọc dưa, khi sợ, nó nhạt màu. Coi miệng, bụng, lỗ mũi… nuôi cực lắm. 4,5 tuổi tôi đã nuôi, 10 tuổi đã đi “đày”.
Sao lại đi đày?
Và thế là có một chú bé hiện ra theo lời ông kể.
“Bị đày, chơi không. Không học hành gì. Lúc nhỏ 2 tuổi ở Huế với bà nội. Bốn tuổi, bà nội chết, đem vô. Chơi chim chơi cá. Học khúc, nghỉ khúc. Thôi cho mày về quê học làm điền chủ. Về Rạch Giá. Ông già làm nghề họa đồ, mua được đất, khẩn đất. Ông buồn lắm. Con người ta học đàng hoàng. Bà Nguyễn Thị Bình là con người bạn của ông già tôi, ở nhà kêu “con Châu Sa”. Bà Bình học hành giỏi giang chăm chỉ, ăn mặc đàng hoàng. Con người ta sạch sẽ. Con mình chân bùn không. Đi bắt cá, xách ná bắn chim. Không tội nào nặng bằng tội đi chơi. Thi cuối lớp 3, rớt. Mới “bị đày” ra Huế. Ông già đưa ra Truồi, ở với ông giáo tiểu học, con nuôi của ông nội, nhờ kèm cặp”.
Kể đến đây, dường như trong ông vẫn còn sống y nguyên một cậu bé con cách nay hơn nửa thế kỷ. Mắt ông có ánh lấp lánh của chú bé ấy: “Đày cũng lợi. Đâu có chừa. Đợi xe lửa trong Nam ra, tối nghe kêu ú ú là chạy ra ga, nhảy lên tàu ăn những cúi bánh mì ròn của khách bỏ lại. Tàu sắp chạy thì nhảy xuống. Ông giáo dạy rất kỹ càng. Ông còn mua lúa cho giã gạo. Chày một chày hai, chày ba. Khi mùa hè có trăng lên là giã gạo. Học thì như cuốc kêu “thiên thời địa đất vân mây - vũ mưa - phong gió - trú ngày - dạ đêm”. Thiên là trời - Địa là đất - Gia là nhà - Quốc là nước - Tiền là trước - Hậu là sau - Ngưu là trâu - Mã là ngựa” v.v… Chỉ thích chơi, giã gạo. Ham bắt cá lắm. Còn rình bắt cọp con. Lâu lâu nó rú cái, lại chạy.
Trời lạnh, mặc áo dài đi học, đem theo lò ấp, mặc áo tơi, xắn quần lên. Khi nước ngập quá, cởi cả quần đi. Học lại rớt nữa. Có học gì đâu. Về Gia Định học trường tư. Năm 1938 xuống Cần Thơ. Khổ quá! Thì chơi không! Ba năm cái lớp ba! Chơi nhưng chơi kiểu nhà nghèo. Gia đình dạy Nho giáo, mình không hợp. Mình kẹt cái đó. Mà cha buồn, thương cha buồn mà không sao đổi tính được. Ông già cũng thương con nhưng buồn. Ông biết mình nóng giận, rảnh là đánh nện. Mẹ sắm chiếc roi nhỏ cho con đỡ đòn nặng. Sau này trong đời hoạt động, đi cùng người Mỹ xuống đồng bằng sông Cửu Long, họ lạ lắm. Thấy tôi chèo xuồng, chèo ghe như không. Nông thôn trồng cây gì, nước lớn, nước ròng, hoa lá, cá chim, biết hết”…
Trong giọng ông kể, có cái cây đắng thương cha, có nỗi cảm thông với chú bé Ẩn tuổi thơ tò mò thông minh hiếu động. Đứa trẻ của đời sống ấy bị nhét vào đầu lối giáo dục Nho giáo không hợp. Có cả sự thú vị của đứa trẻ nhìn thấy thế giới trong cả trạng thái li ti của nó.
“Đá kiến nữa: lấy con đen, ngắt râu, không thấy đường, nó chạy đá loạn xạ. Còn đàn cá thia lia, ông già giận thói mê chơi, đem đổ xuống cống. Tôi khóc ra chặn nơi cống lớn chờ cả ngày mới hớt lại được một con. Khóc như ri. Hồi ở Huế, trên thuyền từ sông Hương ra Cửa Thuận, ngồi ngoài coi từng cái rong dưới nắng”…Ông kể về những bạn cùng lứa và bảo: “Mấy người đó đàng hoàng. Còn tôi vớ vẩn lắm”.
Về cả một quãng đời trẻ thơ gắn bó với đồng ruộng và thiên nhiên như thế, dưới mắt các ký giả Mỹ có thể tóm tắt như lời Henry Kamm: Cha của ông Ẩn - một viên địa chính thời Pháp ở một tỉnh cực Nam của Đồng bằng Nam Bộ, đã trừng phạt con vì đã thất bại ở trường vào tuổi lên 9, bằng cách gửi ông về sống với họ hàng ở một làng gần Huế, kinh thành cũ ở Miền Trung Việt Nam. Thất bại trong học tập ngay cả khi còn nhỏ là một tội nặng trong gia đình truyền thống Nho giáo như gia đình ông lúc bấy giờ. Cha của Ẩn muốn con trai biết mình đã may mắn thế nào bằng cách bắt con chịu sự khổ cực của cuộc sống thôn dã ở một trong những khu nghèo nhất ở Việt Nam. “Cuộc sống ở đó nghèo đến mức chúng tôi không có dầu thắp đèn và phải dùng bấc đen nhúng trong mỡ chuột để thắp sáng”.
Có lẽ vì thế, mà ông Ẩn tự thấy đời mình luôn đầy nghịch lý. Nhưng mọi sự việc bi thảm, căng thẳng đầy thử thách đã được ông làm cho nó bình thường đi. Ông đổ cho số phận và đôi khi tự trào mình bằng cách giải thích theo cuốn sách tử vi Pháp (horoscope) hướng dẫn về điểm mạnh yếu của con người.
Người yếu, mắt sâu, táo bón. Loại người quan tâm sức khỏe không dám nguy hiểm. Ông nói về mình mà như nói ai. Nhát, sợ chết, sợ bệnh. Nhưng việc phải thì dám làm. Nghề phù hợp: báo chí. Ai biết sử dụng anh thì tốt, không thì anh chơi. Nhưng rồi anh tự nhận xét: nghề hợp nhất: làm hề. Đẻ ở nhà thương điên Biên Hòa! Có máu điên điên. Xưa có ít bác sĩ, chỉ nhiều y sĩ. Chỉ có một ông bác sĩ ở nhà thương điên. Vợ các quan chức cao cấp đẻ đều vô đó. Lớn lên ông già làm địa chính họa đồ đo đạc, hay dắt Ẩn đi theo. Có lẽ vì thế ông biết rất nhiều. Như lại bị cái thói mê chơi ngày bé khuyến dụ, ông Ẩn kết hợp nói chuyện mình đẻ ở nhà thương điên cho tiện.
“Rình bắt cọp con, bắt rắn rít, nhỏ đâu có sợ chết. Cái ngu. Ham chơi quá. Không chỉ đá kiến, mà bọ cạp cũng cho đá. Mùa ve Huế, tối tôi đâu có ngủ. Sau mưa, nó như nhộng bò lên mới ra cánh. Ve bò đi để xác lại. Nó bay đi rồi ngày sau ve cái mới kêu. Có hai hạt gạo bên hông, kêu bằng cái đó. Đực không kêu. Đèn đốt bằng mỡ, không có dầu, dầu lửa mắc. Bắt ve về nhà khi nó lột, lựa ra con cái. Không kêu, nắm lắc lắc kêu, tiếng không thanh. Có khi sợ quá, nó kêu. Con đực thả đi. Dân Huế nghèo, bắt ăn. Dế ăn, ve ăn. Dế khôn hơn. Tôi lên miền Thượng, thả kiến vào cắn, dế ngoi lên…
Con nào cũng hay trơn!”
Giọng ông nửa trách móc, nửa hãnh diện kiểu trẻ con. Lại như giải thích cho tính khí của mình. Có phải tất cả mọi việc sau này đã bắt đầu từ những việc li ti đó? Có cái gì của thời thơ bé ấy còn in dấu làm nên tính cách con người anh hùng của hôm nay?
13
Theo như trí nhớ của Ẩn thì ngày ấy có một du côn Sài Gòn nổi tiếng, học đến “Đip-lôm”. Có lẽ ấn tượng ấy khiến ông nội sợ hãi. Để “nó” ở Sài Gòn thành du côn Sài Gòn thì chết nên mới “đày” ra Huế, về vùng quê. Giờ đây đã thành một ông nội, ông Ẩn vẫn như còn tìm hiểu, nghiền ngẫm về nỗi lo của ông nội ông ngày ấy. “Mà tôi đâu có du côn. Thật ra rất hiền, bị đánh không hà”. Mà hồi đó, 1943, Ẩn 16 tuổi, làm địa chủ gì được (theo ý nguyện của cha Ẩn khi thấy con không học kiểu như con người ta nên ông muốn con về quê thành địa chủ). Năm 1948, Ẩn học ở Mỹ Tho cho tới xong tú tài. Năm 1949 phong trào cách mạng bắt đầu lên, trường học đóng cửa vì phong trào học sinh sinh viên bãi khóa. Cuối năm đó, Ẩn về Sài Gòn và tham gia phong trào Trần Văn Ơn nổi tiếng năm 1950.
Sài Gòn lúc đó đã bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp từ 23-9-1945. Khi Ẩn lên Sài Gòn, đúng vào thời điểm của phong trào tổng bãi khóa và tổng bãi công những ngày cuối tháng 11-1949 và tiếp đến là đỉnh cao của phong trào học sinh sinh viên 9-1-1950. Ông Ẩn nhớ lại: có hai cuộc biểu tình lớn năm đó: một là vào tháng giêng và hai là cuộc biểu tình chống can thiệp Mỹ tháng 3-1950. Hai cuộc biểu tình chính trị tới 300 ngàn người ở trung tâm thành phố chống Pháp, phản đối can thiệp Mỹ, đuổi tàu chiến Mỹ ra khỏi Cảng Sài Gòn. Những người lứa tuổi ông Ẩn còn nhớ tên hai tàu chiến Mỹ ấy: tàu Anderson và Stichwell thả neo tại quân cảng Sài Gòn. Máy bay Mỹ bay biểu diễn.
Suốt trong hai năm 1949 đến 1951, Ẩn phải đi làm thư ký kế toán cho hãng xăng Caltex, giữ sổ sách kế toán, để chăm sóc cha lúc đó bệnh nặng nằm ở nhà thương Chợ Rẫy. Sáng làm ở hãng xăng, chiều dạy tiếng Pháp, tối đạp xích lô. Có một người mướn xích lô đạp ban ngày, tối ông ta ở nhà giữ con để vợ đi bán chè đậu, nên Ẩn mướn lại xe đi đạp buổi tối.
“Dạo đó sòng bạc Đại Thế Giới nhiều người tới đó đánh tài xỉu (tài = lớn, xỉu = nhỏ) quay Rrôbe. Tôi đưa khách vô đó đánh bạc, rồi ngồi đợi họ bên ngoài. Mấy cô mấy bà đánh bạc dữ lắm. Thấy chàng trai đạp xe vui vẻ, hễ thắng bạc là họ cho tiền nhiều. Có khi mấy bà thua quá không có tiền, tôi cũng vui vẻ chở, đạp không tiền. Họ nhớ mặt, nên thường kêu đi. Một bữa nọ ông chủ xích lô thấy Ẩn, liền chào là “thầy Hai”. Ẩn chẳng hiểu vì sao ông chào trịnh trọng, lại còn không muốn cho anh mướn xích lô nữa. “Tôi thấy thầy Hai ở hãng xăng”.
Ẩn đã “bị lộ” là một thư ký có học, nghèo quá phải làm thêm. Nhưng người chủ xích lô không hiểu nổi sự bất thường này nên tỏ ý nghi ngại và chấm dứt việc cho mướn xe. Mấy lần trước đó Ẩn chở đúng con của người bạn của ba anh. Nó về nói với ba, ba nó lại chơi, nói với ba Ẩn. Ông buồn lắm.
Ông giáo Ẩn thấy cảm động trước việc người con hiếu thảo làm cả những việc khổ nhọc để nuôi cha bệnh nên mách cho Ẩn một lối thoát. “Có một lớp, ở trường của Lê Bá Cang, con của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Đám học sinh ở đó lớn, như lớp 8 bây giờ. Toán có thầy rồi, thiếu thầy tiếng Pháp. Tuy vậy, người ta mời tôi dạy cốt là để trị giùm mấy thằng mất dạy. Họ dặn: đừng đánh. Chúng không phá. Nó học được. Trường tư khó đuổi”. Ông Ẩn nhớ lúc đó: “Tôi còn trẻ, mới ngoài 20, còn lũ học trò 18, lớn ngồng. Vô lớp, thấy nó cười cười, có ý xem xét thầy nghèo. Tôi vô lớp dòm đám học trò. Những đứa con gái ngoan ngoãn chịu học, ngồi phía trước. Tôi đọc một bài trích: Conrneille, Molière, Racine. Nó vẫn cười cười. Tôi bảo: Các em có phước được đi học. Thầy cũng không được học nhiều. Rồi tôi rủ mấy thằng to con, thích học võ không. Thích lắm. Hết giờ dạy không mất tiền. Thiệt không thầy? Tôi dạy nó đi đường roi, đánh côn, võ ta, võ Ănglê và bơi lội. Sau này nó biết “ổng trị đó”. Tôi dùng con gái trị con trai. Giảng bài hỏi hiểu không? Hiểu, đám con trai nói đại rồi sĩ diện giơ tay. Gọi lên nói không trúng. Hôm sau tôi gọi đứa con gái lên nói trúng. Rồi tôi bảo: Thầy chỉ cần có vậy. Hiểu nói hiểu. Không nói không. Một thời gian sau tôi thôi dạy. Xin trả ông, kiếm thầy khác dạy cao hơn. Nó ngoan rồi”…
Đó là thời thanh niên của chàng trai trẻ qua thử thách khá khốc liệt của tuổi vào đời. 4 giờ sáng dậy chuẩn bị đi làm thư ký kế toán hãng xăng từ 5 giờ sáng đến 1 giờ chiều. 2 giờ 30 tới 5 giờ 30 dạy học. Đọc sách. Tối đi đạp xích lô. Chàng trai ấy không hề biết đời mình sắp có một bước ngoặt, mở ra một cuộc đời mới gian lao hơn nhiều nhưng giúp ích cho đất nước ở một tầm cao mới.
Đó là thời kỳ đỉnh cao của phong trào học sinh sinh viên. Các trường học, cả công cả tư đều bãi khóa, kể cả hai trường trung học quan trọng nhất lúc đó là Marie Curie và Chasseloup Laubat. Trường Pháp, nhà cầm quyền ra lệnh đóng cửa trường. Học sinh biểu tình lên Nha Học chính rồi Dinh Thủ hiến. Cuộc bãi thị được một cuộc tổng bãi công của 8 xí nghiệp lớn với 5.000 thợ máy hỗ trợ. Cảnh sát đánh học sinh và học sinh chống lại, ném đá đến nỗi cảnh sát bỏ chạy và kêu viện binh đến đàn áp. Học sinh, phụ huynh, nhân dân, công nhân… đã nhất loạt đứng dậy đòi mở cửa trường và thả những người bị bắt. Thủ hiến Nam Phần lúc đó là Trần Văn Hữu xin ý kiến quan thầy Pháp không nhượng bộ mà còn ra lệnh đàn áp dã man hơn. Bị thương nặng, học sinh Trần Văn Ơn chết.
Cái chết của anh như luồng điện và làm bùng lên ngọn lửa phản kháng mạnh mẽ. Sài Gòn không bao giờ quên hình ảnh mấy chục vạn người trong đám tang lớn chưa từng có suốt từ khi Cách mạng tháng tám thành công năm 1945. Chợ búa không họp. Cửa hàng phố xá đóng cửa. Suốt từ tờ mờ sáng các loại xe, tàu rần rần chở người biểu tình về trường Petrus Ký. Những người tham dự biểu tình ngày ấy còn nhớ đầu đoàn biểu tình đã vào đến Chợ Lớn mà đuôi vẫn còn ở cổng trường chưa đi được.
Quan tài của Trần Văn Ơn được phủ băng trắng có dòng chữ viết bằng máu của các học sinh mà đến nay nhiều người còn đọc “Chết vì Tổ quốc, chết nhưng vẫn sống. Sống kiếp Việt gian, ô nhục muôn đời”. Đó là thời kỳ tuổi thanh xuân thuộc những tên tuổi: Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo, Lưu Văn Lang, cùng cái tên Ba học sinh (Đỗ Ngọc Thạnh) - những tên tuổi của một thời kỳ hào hùng, giống như những kỷ niệm lẽ ra chỉ là nằm trong lưu bút tuổi học trò. Nhưng vì là tuổi thơ của một dân tộc phải kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nên nó không là những chùm me hay góc phố có giàn hoa Tigôn mà học trò thường nhớ. Nó trở thành cuốn lưu bút hào hùng và đau thương của dân tộc, với những số phận con người hy sinh, chiến đấu dưới nhiều dáng vẻ. Ngày nay, ngày 9-1 được chọn làm ngày học sinh, sinh viên của cả nước.
“Lúc đó tôi ở cùng Ba học sinh”. Vị tướng Phạm Xuân Ẩn chỉ nhắc lại câu chuyện vào năm 2000, khi các cựu học sinh thời ấy nay đã nhiều tuổi, làm một lễ kỷ niệm lớn, viết sách báo, nhân kỷ niệm 50 năm ngày 9-1. Chị Nguyễn Bình Thanh, người nữ sinh Marie Curie ngày ấy, sau này trở thành nhà ngoại giao xuất sắc, đã nghỉ hưu và nay cũng đã mất trong một tai nạn. Chị đã kịp làm một việc có ý nghĩa là cùng các bạn đồng lứa, vận động tích cực cho lễ kỷ niệm và viết sách. Có phải vì thế mà ông Phạm Xuân Ẩn đã viết lại một chút ít ỏi về cuộc đời thanh xuân ấy của mình, không có in ở đâu, bất cứ bài báo khác tự viết về cuộc đời “Ẩn” của mình như vậy.
Ông Ẩn viết: “Ngày 9-1-1950 học sinh rầm rộ kéo xuống đường biểu tình. Chúng tôi tập trung trước Dinh Thủ hiến. Tất cả xe đạp chúng tôi để dựa gốc cây đa cho mát. Tôi đứng phía bên kia Tòa án. Khi chúng bắt đầu đàn áp, sinh viên chạy. Chúng bắn chỉ thiên, dùng ma trắc đánh đập. Tôi chạy ra ngoài, gặp một chị vóc dáng nhỏ bé nâng đỡ một chị rất lớn, máu me đầy người. Tôi không dám đến đó tiếp vì câu “nam nữ thụ thụ bất thân”, vội vàng kêu một anh xích lô, nhờ anh qua đó chở họ đi. Chị nhỏ người ẵm chị bị thương (chị này bị chúng đập bể đầu, máu chảy xối xả) lên xích lô. Tôi đạp xe theo chiếc xích lô. Nếu qua nhà thương Sài Gòn sợ nó bắt, tôi bảo xích lô chạy qua Khánh Hội, nay là Quận 4, qua chợ Xóm Chiếu, tôi biết ở đó có một trạm y tế. Ba chúng tôi chạy theo hướng Cầu Mống đến trạm y tế Khánh Hội. Mấy người y tá hiểu liền cơ sự. Họ thật dễ thương, rửa vết thương trên đầu cô nữ sinh, lấy bông gạc băng lại, cô y tá còn cởi áo cho nạn nhân mặc khi chúng tôi quay về…”
Hỏi ra, Ẩn mới biết người bị thương là chị Phương Dung học năm thứ hai trường Gia Long, chị họ của Bình Minh, lên ở nhà Bình Minh để đi học. Gia đình Bình Minh thì Ẩn quá quen biết. Đó là gia đình kỹ sư Nguyễn Văn Đức ở 89 bis đường Verdun, bây giờ là đường Cách Mạng Tháng Tám. Gia đình có 4 cô con gái học đàn rất giỏi và đều có cuộc đời hoạt động nổi tiếng sau này. Một người trong số họ trở thành giáo viên dạy nhạc, là vợ của nhà văn Nguyễn Thi. Còn một người trong số đó là chị Bình Thanh, nhà ngoại giao xuất sắc của Việt Nam trong những năm kháng chiến. Còn chị nữ sinh nhỏ bé đã ẵm nạn nhân lên xích lô đó là chị Huỳnh Thị Ngôn, ba ngày sau đã thay mặt nữ sinh Sài Gòn - Chợ Lớn lên đọc điếu văn trong đám tang Trần Văn Ơn.
Đến giữa năm 1951, Ẩn được lệnh vào chiến khu Đ nhận nhiệm vụ mới và phải cắt đứt tất cả các mối quan hệ trong thời gian tham gia phong trào học sinh, sinh viên. Không phải vì đi nơi khác nên không còn điều kiện gặp gỡ, mà do yêu cầu phải có một “lý lịch cá nhân” hoàn toàn mới và càng ít liên hệ với những người tham gia phong trào, thì càng tốt.
Cho đến mãi năm 1999, tức là gần nửa thế kỷ đã trôi qua, ông Ẩn - chuyên gia tiếp xúc để hoàn thành nhiệm vụ ký giả và một viên tướng tình báo, mới được giở lại một kỷ niệm thời thanh xuân đã lùi quá xa. Giờ đây ông mới có thì giờ để nhìn lại, kể lại cái ngày tràn đầy khí thế của gần nửa triệu người Sài Gòn - Chợ Lớn chống ngoại xâm. Ông kể những chi tiết nhỏ rất quan trọng mà ông đã gặp may: “Ngày đó tôi rất hãnh diện được cầm băng rôn mang dòng chữ “Toàn thể học sinh Nam Việt” đi đầu trong rừng khẩu hiệu, câu đối điếu. Tấm ảnh ấy, may mà dưới thời Mỹ, cơ quan tình báo địch không biết được, nếu không, nó đã tóm tôi chớ đâu để yên cho tôi hoạt động trong lòng địch lâu đến thế!”.
Ông Ẩn không ngờ lại có một ngày gặp lại nhiều người, sau cả nửa thế kỷ và ông tưởng không bao giờ có dịp gặp lại các bạn thân yêu của thời kỳ đó. Bây giờ khi tất cả tóc đã bạc, nhiều người đã mất, nhưng ông Ẩn lại gặp được các bạn, đặc biệt là cả chị Ngôn, người đã cùng Ẩn cứu người bạn là nạn nhân của cuộc đàn áp dã man ngày hôm đó. Họ cũng còn báo tin cho nhau biết chị Phương Dung bị đánh bể đầu hồi đó, mười năm sau đã bị điên do vết thương trên đầu. Chồng chị là bác sĩ Lê Văn Khoa, ở Cần Thơ, hết sức khổ tâm.
Đến hôm nay, họ mới cùng nhau nhắc lại cả người đạp xích lô đã chở hai học sinh đi suốt qua Xóm Chiếu rồi trở về Sài Gòn. Khi Ẩn đưa tiền ông đã từ chối với một lời chân thật: “Mấy cô, mấy cậu dám làm, tôi lấy tiền sao được!”. Cũng như vậy, nhờ khí thế đấu tranh của ngày ấy mà tới mấy tháng sau, đi quyên tiền cứu trợ đồng bào bị đốt nhà ở Bàu Sen, đi đến đâu các học sinh không những quyên tiền rất dễ, còn được đồng bào ôm khóc và khen: các cô các cậu giỏi quá, gan quá! Không phải người được cứu trợ cảm động ôm khóc, mà chính là những người cho tiền.
Có cả câu chuyện nhỏ về sự thơ ngây của tuổi học sinh. Ẩn và một số bạn bè như Ba học sinh bị ông Mười Cúc (tức đồng chí Nguyễn Văn Linh sau này) phê bình. “Có nhiều cảnh sát cũng đi đưa tang, mang cả vòng hoa đến viếng Trần Văn Ơn. Lúc đại biểu các giới lần lượt đọc điếu văn, một cảnh sát nhảy ra chụp micro xin nói. Tôi liếc nhìn Thạnh, Thạnh lắc đầu. Tôi giựt micro khỏi tay viên cảnh sát, nói to: “Không được, anh là lực lượng của Pháp”. Về sau, tụi tôi bị anh Mười Cúc phê bình là không thừa cơ hội tranh thủ họ để “thêm bạn bớt thù”.
Những kỷ niệm một thời tuổi trẻ được cùng nhau ôn lại lúc đã tuổi già, dường như nó say đắm hơn hết, nhớ thương hơn hết. Những chiến tích lớn lao và gian nan ác liệt chìm đi. Chỉ còn nổi lên những ngày đầu đời ấy. Họ nhắc tới Ba học sinh, tức Đỗ Ngọc Thạnh. Ẩn chơi với Thạnh thân lắm. Do hai ông già ba của Thạnh và Ẩn đều là các trí thức cùng nghề, học cùng khóa, cùng tốt nghiệp trường Đại học Công chánh ở Hà Nội. (Lúc đó chỉ có thể học cao ở Hà Nội, nên các trí thức đều tốt nghiệp ngoài đó). Ba của Thạnh là họa đồ Đỗ Như Khương. Ba của chị Kim Sa (tức bà Nguyễn Thị Bình, sau này làm Phó Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) là ông họa đồ Hợi. Chính vì vậy con cái của các vị chơi thân với nhau từ khi còn là những đứa trẻ dưới 10 tuổi, trong những năm 1936 - 1937 ở đường Cây Thị, Gia Định. Cuối thập kỷ 40 và đầu thập kỷ 50 bà Bình là cán bộ hoạt động trí thức sinh viên của Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.
“Giữa năm 1951, một hôm, chị Đỗ Thị Kim, hoạt động cùng một tổ với bà Bình lúc đó, chị ruột của Thạnh đến nói với ba tôi: “Con Sa bị bắt rồi, bác ơi”. Chị bị bọn ở bót Catinat tra khảo, thả ổ kiến vàng vào hai ống quần rồi cột chặt lại. Chị hết sức kiên cường, không khai báo. Sau ít lâu, chúng chuyển chị qua Khám Lớn”. Ông Ẩn nhớ lại và viết trong một bài in ở cuốn “Ngòi pháo 9-1”.
Trong ngày gặp mặt hôm nay, ông nhớ người bạn thân cùng hoạt động. Họ hay gặp nhau tại nhà bà Mười (má của anh Nguyễn Ngọc Hà lúc đó đang học ở Pháp), là chủ lò bánh mì VITA ở đường Ngô Tùng Châu, nay là đường Lê Thị Riêng. Hình ảnh nổi bật nào của Ba học sinh còn rõ nét? Đó là Thạnh rất thương trẻ con. Ở nhà bà Mười có đứa cháu nội, con của anh Kim Sơn. Kim Sơn cũng là một điệp viên nổi tiếng trong câu chuyện đánh đắm tàu của Pháp. Thạnh thường đến bà Mười để được bế ẵm con anh Kim Sơn. Chị Ngọc Hà còn giữ rất kỹ một tấm ảnh chụp Thạnh đang ẵm con chị. Thạnh và Ẩn thường gặp nhau bàn kế hoạch công tác, khi thì ở nhà bà Mười, hoặc ở nhà Ẩn và có khi ở nhà kỹ sư Nguyễn Văn Đức.
Thạnh đã là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 2-1947, được giao nhiệm vụ phụ trách Hội học sinh Việt Nam - Nam Bộ tại nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn. Anh cũng là Bí thư Đảng đoàn học sinh đầu tiên của khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1951 anh bị chỉ điểm và bị bắt. Giặc đánh đập anh tàn nhẫn, vứt xác xuống Cầu Kinh - Thanh Đa. Cái chết anh dũng và đau thương này được ông Trần Văn Trí, chưởng lý Tòa Thượng thẩm Sài Gòn báo riêng cho cha anh là ông Đỗ Như Khương. Thạnh, người bạn của Ẩn, chết giữa tuổi 21.
Đó cũng là lúc người thanh niên Phạm Xuân Ẩn mong ước ra hẳn chiến khu, trở lại bộ đội, chấm dứt cuộc đời người công chức trẻ nhân viên thuế quan, một vị trí mà trong kỳ thi tuyển toàn Đông Dương chỉ có 50 người được chọn. Anh tính về bộ đội lại, lúc đó là về tiểu đoàn Thủ Biên. Thạnh đã sắp xếp cho anh rồi. Nhưng Thạnh bị giặc giết, Ẩn đứt liên lạc. Lẽ ra anh đã tính đi luôn từ trước rồi, bây giờ chẳng còn gì cản ngại anh nữa.
Nhưng Ẩn không ngờ, công việc lại “ném” trả anh về lại Sài Gòn, không được đi đâu hết. Thế là, suốt từ năm 1947 cho tới khi Sài Gòn hoàn toàn giải phóng 30-4-1975, Ẩn hoạt động ở Sài Gòn. Cho đến bây giờ, ông vẫn sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Có thể nói, Sài Gòn là nơi in dấu gần như toàn bộ cuộc đời ông. Năm nay 74 tuổi, sống ở Sài Gòn - Chợ Lớn 60 năm, 9 năm ở miền Tây, 3 năm ở Huế và 2 năm ở California.
14
Những năm đầu kháng chiến ấy, có một cách giải quyết gần như duy nhất là những ai hoạt động bị lộ thì ra chiến khu, đi bưng. Học sinh sinh viên trốn nhà theo kháng chiến cũng vậy. Ngay từ năm 1947 có một sự kiện mà sau này các nhà viết sử còn chưa kết luận chủ trương đó đúng sai thế nào, nhưng nói lên được lòng dân với kháng chiến: sáu ngàn viên chức, một ngàn thợ chuyên môn ra bưng biền. Đó là một chủ trương của Ban nội vụ Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ nhằm tăng cường nhiều ngành, nhất là ngành cơ khí quốc phòng đang rất cần cho chiến đấu. Đó cũng là thời kỳ người ta được biết đến các trí thức lớn cũng ra bưng như bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, có cả đô trưởng Sài Gòn Phan Văn Chương.
Chàng thanh niên Phạm Xuân Ẩn nghĩ mình cũng sẽ ra đi như thế. Chỉ có một điều khó khăn thôi: cha anh đang bị bệnh nặng. Ông nằm nhà và kiêm luôn nhiệm vụ “canh gác” bởi nhà ông ở đường Ngô Tùng Châu là cơ sở cách mạng đang chứa các thiết bị cho việc thành lập Đài Tiếng nói Nam Bộ, “chở vô từng món, từng món”. Nhưng Đảng đã tìm cách móc nối qua một cách khác: nhóm ông Huỳnh Tấn Phát. Người bạn học cùng trường tên là Tảo, tên thật là Võ Phú Túc, một hôm nhắn Ẩn một câu đơn giản “Ông Thạch kêu ra nhận công việc mới”. Ẩn nghĩ chuyến này anh sẽ đi luôn, bỏ công ăn việc làm. Nhưng Tảo đã thông tin: Ra rồi vô lại, chứ không được bỏ công việc.
Nếu vẫn tiếp tục giữ công việc thì phải vô chiến khu như một kỳ nghỉ phép bình thường vắng mặt ở Sở quan thuế. Phép năm nếu nghỉ một lần được 29 ngày. Ẩn chọn thời điểm ăn Tết xong, vì như vậy cộng thêm được những ngày nghỉ Tết “lỡ nó hành quân kẹt đường tới 10 ngày, về sẽ trễ phép. Vì thế phải tính kỹ. Đi lên Bình Dương, ở nhà một viên tri huyện có con trai và con rể đi kháng chiến cả. Chiều tối có người đến móc nối đưa đi”. Ẩn còn nhớ rõ: “Rừng không, cát không, nhưng xe bò vô được”. Chàng trai mặc quần soọc, giày vớ cởi tất cả ra vác trên vai hết. Tới nhà liên lạc, người ta gói hết đồ của anh và phát cho một bộ bà ba đen mặc vào đi tiếp. Suốt ngày họ đi trong rừng, trên những con đường nhỏ lác đác đồng bào qua lại, đi kiếm củi và đôi khi có những đoàn xe đi khai thác gỗ, chặt cây.
Câu chuyện của ông về cái buổi đầu nhận nhiệm vụ trở thành người tình báo chiến lược lứa đầu tiên ấy, vẫn đầy chất vui tươi, nhiều quan sát kiểu học sinh: “Ở chiến khu Đ, lớp cây cao có, lớp cây vừa và lớp cây nhỏ đang chen nhau. Ông Thạch và các đồng chí lãnh đạo ở rải rác trong các tán cây cao của rừng có nhiều tầng cây cối. Gần suối, có nước uống chứ không thôi làm sao? Ông Thạch là bác sĩ chế ra các loại lave lấy từ nước tiểu. Hồi đó gọi vui là lave đứng hay lave ngồi là do nước tiểu đàn ông hay đàn bà. Ai uống lave đứng thì đứng, ai lave ngồi, tùy. Thường đàn bà uống lave ngồi. Ăn với khoai mì. Bánh khoai mì có lò nướng đàng hoàng. Lò nướng là những ổ mối dưới những gốc cây cổ thụ nên được ngụy trang và có ống dẫn khói tỏa theo sương để tránh bị máy bay quan sát Pháp phát hiện. Bánh khoai mì mới ra lò ăn mềm, các đồng chí già ăn được, để nguội lạnh chỉ có các đồng chí trẻ ăn thôi vì cứng như đá”.
Một thoáng nụ cười trên mặt ông Ẩn, ông giang tay miêu tả vì sao sống ở rừng bảo mật mà có bánh nướng: “Ổ mối rừng to lắm, gốc cây bây lớn, khoét bên dưới, cho củi vào đốt, có cách di tản khói dưới các tán lá. Tôi đâu có uống rượu. Bánh khoai mì thì tôi ăn”.
Ẩn ở cùng khu vực dành cho bà Mai, vợ ông Huỳnh Văn Tiểng mới ở Bắc vào. Khi được giao công tác, anh mới gặp bác sĩ Phạm Ngọc Thạch ở một căn lều nhỏ giữa rừng cây cao. Ông Thạch nói thế nào? Hẳn chúng ta rất muốn biết thật rõ cái thời khắc lịch sử những ngày đầu của người tình báo chiến lược được giao nhiệm vụ đầu tiên thế nào. Ông Ẩn nói rất giản dị: “Tôi tưởng vô được thoát ly trở lại bộ đội. Nhưng ông Thạch bảo Đảng giao nhiệm vụ mới. Năm 1951 ta đã thành lập ngành tình báo chiến lược. Cậu ở lứa đầu tiên”.
Trời ơi, cái nghề xưa nay đâu có ai ưa vì bị ảnh hưởng giáo dục văn hóa Nho giáo truyền thống của gia đình cho là một công việc của “chim mồi chó săn”. Vả lại trong thời gian đấu tranh trong phong trào học sinh thì lại càng thù ghét công an mật vụ Pháp và tay sai. Cho nên mới xảy ra vụ giật micro khi một cảnh sát viên xin phát biểu lúc chuẩn bị hạ huyệt trò Trần Văn Ơn. Tuổi trẻ dị ứng với cái nghề có vẻ rình mò, chui lủi. “Đánh nhau tắc, bùm thì được!” Nhưng ông Thạch bảo làm cách mạng không có chuyện lựa việc. Thích, không thích phải làm. Ráng làm cho tốt. “Ổng là Đảng ủy viên Nam Bộ, Đảng ủy viên Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Lúc đó ông Nguyễn Văn Linh Bí thư. Ông Thạch phụ trách trí thức vận và được chỉ định kiêm luôn tình báo chiến lược Nam Bộ. Ông giao tôi theo dõi việc di chuyển quân đội viễn chinh Pháp, dụng cụ chiến tranh Mỹ viện trợ cho Pháp, kho xăng của quân đội Pháp ở Nhà Bè. Lúc đó Mỹ đã nhảy vào giúp Pháp rồi, “mở đầu sự can thiệp trực tiếp của Mỹ vào chiến tranh Đông Dương”.
Người thanh niên trẻ Phạm Xuân Ẩn lúc ấy yêu nước, sẵn sàng hành động. Nhưng anh chưa thể hiểu hết tình thế cách mạng lúc đó, nhất là ngành tình báo chiến lược non trẻ mới thành lập. Sau này anh mới hiểu tầm nhìn chiến lược của Đảng, đánh giá và dự báo thời cuộc rất chính xác. Pháp lúc đó đã không còn đủ sức kham nổi cuộc chiến tranh cứ sa lầy mãi ở Đông Dương, ở Việt Nam. Tháng 9-1951 thống chế De Lattre de Tassigny phải sang Mỹ báo cáo tình hình quân sự bi đát ở Đông Dương và xin thêm viện trợ quân sự của Mỹ. Mỹ đã chấp thuận viện trợ 10 triệu đô la tháng 10-1950, mặc dù từ 1947 Mỹ quyết định ủng hộ Pháp ở Đông Dương và chỉ viện trợ nhỏ giọt thôi.
De Lattre de Tassigny mới được bổ nhiệm tháng 12-1950 mong cứu vãn tình hình sau chiến dịch biên giới Cao Bằng mà Pháp đại bại. Đảng đã nhìn thấy kẻ thù mới với một cục diện chiến tranh thay đổi, và đã chuẩn bị lực lượng của mình. Đảng tổ chức cuộc biểu tình lớn chống can thiệp Mỹ ở Sài Gòn tháng 3-1950 để nói rõ lập trường và quyết tâm của ta khi hai chiếc tàu chờ dụng cụ chiến tranh Mỹ cặp bến Sài Gòn và chiếc hàng không mẫu hạm đậu ở Vũng Tàu. Ẩn là một người chiến sĩ được chọn giao làm nhiệm vụ của chiến lược mới này. Cũng chính Đảng đã chỉ rõ đối tượng mới của Cách mạng Việt Nam. Ẩn đã được chọn để giáo dục chính trị và nhiệm vụ cho công tác mới lâu dài sau này.
Câu chuyện đi nhận nhiệm vụ tình báo ở chiến khu ấy gợi nhớ về câu hỏi phỏng vấn của Morley Safer khi gặp ông Ẩn tại thành phố Hồ Chí Minh sau giải phóng: “Chuyện khởi đầu ra sao?”
Quãng đời này của ông Ẩn được Henry Kamm miêu tả: Tháng 10-1945 sau khi học một khóa quân sự ở Thạnh Trị (Bạc Liêu) đào tạo cấp trung đội trưởng. Nhưng không lâu sau đó ông được trả về trong vùng quân Pháp chiếm đóng. Ông tham gia tổ chức các cuộc biểu tình của học sinh và sinh viên ở Sài Gòn chống sự cai trị của quân Pháp. “Tự do là con đường duy nhất của tôi”. Sau đó năm 1950 bị Pháp gọi nhập ngũ nhưng được hoãn dịch và đến đầu năm 1954 bị gọi lại luôn. Đầu năm 1952 những người chỉ huy của ông gọi ông vào căn cứ ở gần Sài Gòn và phân công ông làm việc ở chi nhánh tình báo chiến lược. “Tôi là người đầu tiên được chọn trong chi nhánh”. Năm sau ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản. “Tôi được phát cương lĩnh Đảng Lao động viết bằng tiếng Pháp để đọc và tôi thấy có nhiều lý tưởng tốt trong đó. Tôi trở thành người Cộng sản”.
Những câu ông trả lời phỏng vấn của phóng viên nước ngoài chỉ có thể đơn giản là các sự kiện và mốc thời gian. Những người bạn Mỹ dù có hiểu ông Ẩn đến mấy họ cũng không thể biết có những gì đằng sau những lời như “Đó không phải là sự lựa chọn”. Là bởi vì lúc đó thanh niên yêu nước chẳng còn con đường nào khác là trút nỗi đau của con dân mất nước, để đi kháng chiến. Các bạn phóng viên nước ngoài cũng không tài nào hình dung được chàng trai đó đã vào Đảng như thế nào. Sự kiện này ông cũng chưa hề viết hoặc kể lại cho nhiều người. Tôi có cảm giác như chính đến bây giờ ông mới nhớ lại tỉ mỉ để hình dung nó như một đoạn phim. Đời ông có quá nhiều sự kiện để nhớ rồi.
“Tôi được kết nạp ở Củ Chi. Lúc xét chính thức thì làm lễ ở Cà Mau. Đó là một lễ thường, vào năm 1953, vùng đó nhiều cỏ măng, hoặc cây gì đó giống dứa nước. Không phải, đó là dứa rừng rất cao, mỗi cành lá có gai dài tua tủa hai cạnh, mập mạp, tới 2-3 mét, sống từng cụm. Chống xuồng ba lá trên lạch, đi vào một chòi nhỏ dưới gốc những cụm dứa đó, và cũng ở đó tôi học Điều lệ Đảng. Người ta mang đồ ăn tiếp cho. Đưa tôi xuống đó làm kết nạp có anh Tư Tùng và cậu liên lạc”. Tư Tùng tên thật là “Dương Văn Sủng” là “Dương Minh Sơn”. Cậu liên lạc là đồng chí Đức nay còn sống. Thế các hình thức lễ lúc đó thế nào? Có cờ, hoa không? “Học xong Điều lệ Đảng, làm lễ, có chút đỉnh hoa, cờ. Bưng biền mà, trời ơi!”.
Một năm dự bị đó Ẩn sinh hoạt thuộc Xứ ủy Nam Bộ. Tới khi vào Đảng chính thức, ông phải xuống Cà Mau, Rạch Cái Bát. Chủ tọa buổi lễ kết nạp chính thức này là ông Lê Đức Thọ, lúc đó là thường trực Xứ ủy. Có anh Nguyễn Vũ là người giới thiệu và ông Ba chèo đò. Ông Ẩn đã trở thành người Đảng viên Cộng sản ở rừng U Minh Thượng như thế đó.
Ngày ấy người ta gọi đi bưng nghĩa là về miền Tây, còn đi khu là lên chiến khu miền Đông.
15
Có thể lúc đó anh thanh niên chưa hiểu thật rành rẽ các loại tình báo như một thứ “nghề” rất nhiều loại mà thế giới có. Như đối với tôi, một người “ngoại đạo” cho đến nay nếu không có nhiệm vụ tìm hiểu một con người qua công việc của người đó thì vẫn có thể lẫn lộn lung tung ngay ở tên gọi: tình báo, điệp báo, gián điệp, tình báo hành động, quân báo…
Tôi chỉ có thể hiểu tóm tắt là: một nhân vật hoạt động ngầm để moi tin tức quan trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia. Ở công việc này, người ta đã làm nên nhiều điều vĩ đại. Có thể trở thành người tình báo vĩ đại như Richard Sorge, biết trước từng ngày giờ khi phát xít Đức tấn công Tổ quốc Liên Xô. Mà cũng có thể như Xchielit trong Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân có cái đầu vĩ đại phân tích thời cuộc, chiến tranh và tâm lý kẻ địch, tìm ra nhiều phương kế cho Tổ quốc trên bàn ngoại giao và quân sự… Cũng có khi là cô gái đẹp đã bình thản nhận lấy cái chết, cho đến nay vẫn là đề tài cho nhân loại xét đoán: Cô là một gián điệp oanh liệt, hay chỉ là cô gái đẹp chết oan? Đấy, với một người bình thường thì chỉ biết đại khái như vậy.
Ở Việt Nam thì chúng tôi biết tới hoạt động của ba ông Nhạ, Thúy và Thảo thuộc loại hoạt động chính trị mật (operations politiques secrètes). Có biết bao nhiêu người khác, cả một đội ngũ thầm lặng. Có người chết đi, mang theo cả câu chuyện oanh liệt đời mình không ai biết được. Chúng tôi không thể biết hết cả một mặt trận rộng lớn của ngành tình báo nước nhà. Đó là “lỗi” của họ đã giữ bí mật mãi mãi, hay là tại chúng tôi đã không biết nghiên cứu, tìm hiểu?
Thôi thì cứ để đó làm một “bí mật vĩ đại” cái từ ngữ mà Tsekhov đã đặt định nghĩa cho tình yêu. Chúng tôi có thể không biết hết các thuật ngữ nghề nghiệp của họ. Nhìn vấn đề dưới tình hình hiện nay, những nghề thường dễ hoạt động là liên quan đến tài chính, vốn trong tình hình ngày nay đồng tiền lưu động di chuyển rất nhanh qua các biên giới. Trong câu chuyện vui bên tách trà tôi cũng xin ông Ẩn giải thích thêm. “Vấn đề đầu tư, tài chính là số một. Nhanh lắm. Vô, ra, vô, ra. Không cẩn thận chết ngay”. Cái ngành thứ hai là dầu lửa. Thứ đó khai thác cao, chi phí dữ, ngày càng cạn. Chỗ nào có dầu là quan trọng. Loại hoạt động thứ ba đáng chú ý là việc rửa tiền. “Nó đầu tư tiền bẩn vào rút ra đưa thành tiền sạch. Phải biết tiền sạch, bẩn”. Có nhiều loại tình báo: Tình báo ngoại giao (tức là tình báo chính trị), tình báo quốc phòng, tình báo kho bạc, đầu tư, thương mại, mậu dịch…
Nhưng dường như người bình thường chúng ta thường giữ trong mình sự hiểu biết có tính kỹ thuật thì ít, mà nhiều hơn cả là chất bí ẩn, lãng mạn, hào hùng có pha nhiều khủng khiếp. Chúng ta hay nhớ những cuộc đời bất thường, hồi hộp như ciné. Cho dù ông Ẩn là người của sự chuẩn xác và câu chuyện của ông vô cùng khiêm tốn giản dị, đầu óc tôi vẫn muốn giữ cái “cảm hứng dân gian” trên đây, để cho nó vẫn mãi là một “bí mật vĩ đại”. Vừa muốn vén màn sương huyền bí để biết thật rõ mọi chuyện, lại vừa muốn cứ để làn sương lãng đãng ấy. Mất nó đi, thì cái nhu cầu mỹ cảm riêng biệt ấy có thể biến mất.
Mà với ông Ẩn thì việc tiếp tục trung thành với lối suy nghĩ chuẩn xác của một người nghiên cứu tài ba, có pha thêm cái nhìn hài hước. Ông chẳng kiêng khem cả những sự thật cổ lỗ: “Có hai nghề cổ nhất nhân loại đó là mãi dâm và nghề tình báo. Thứ nhất là nghề mãi dâm, thứ hai là nghề tình báo, sau đó mới sinh ra những ngành nghề khác. Trước thế kỷ 20 không khi nào không có. Lịch sử mình cũng có đấy. Trọng Thủy nó là tình báo còn gì”. Vua chúa là sợ thứ lật đổ nhất. Sau này chiến tranh lớn, Anh chế ra tình báo chuyên nghiệp, có hải quân lớn. Đó là thời kỳ người ta nói đêm chuyển thế kỷ, từ thế kỷ 19 sang thế kỷ 20, mặt trời không lặn trên Đế quốc Anh. Tình báo mang tính chất quốc tế của Anh có từ 1909. Rồi Đức phải làm theo, thành lập tứ 1913. pháp thì 1935 và Mỹ 1947. Việt Nam ta tới 1951 chính thức thành lập ngành tình báo chiến lược, tức là có tầm vóc quốc gia.
Nghề này nếu phải đương đầu với kẻ thù nào, phải biết rất kỹ về văn hóa của nó. Khi chống Pháp, quân ta hiểu về Pháp tương đối nhiều. Nhiều lứa học sinh thời ông Ẩn, hễ vào trường Tây là không học gì của Việt Nam nữa. “Ông cha ta là người Gô-loa”, học sinh Việt phải học lịch sử mẫu quốc Pháp. Thi vấn đáp hỏi địa lý Pháp, lịch sử Pháp kỹ lắm, loạng quạng là rớt. Lúc bắt đầu chống Mỹ, chúng ta chưa hiểu thật nhiều về Mỹ. Đi học mới chỉ biết chung chung thôi. Ciné Mỹ lúc đó còn phải dịch qua tiếng Pháp. Rồi từ chỗ tò mò muốn hiểu cuộc sống, cách ăn mặc, các cô đào đẹp… mới hiểu dần thêm văn hóa - xã hội của Mỹ.
“Ngành này phải tìm hiểu cái đó”. Ông Ẩn vui chuyện. Nếu không, sẽ khó hòa nhập, tiếp xúc. Hồi đó ông hay lại phòng thông tin Mỹ lấy tin tức cho nghề báo, quen các cô gái Mỹ, phải gây thiện cảm. “Một số trong lúc nói chuyện chơi, hỏi tôi quan niệm thế nào về đồng tính luyến ái. Ở Việt Nam việc này thế nào. Ngay từ thời ấy, nhìn vấn đề như một chuyện kỳ dị động trời. Tôi trả lời cho cô ấy: ở Việt Nam cũng có, nhưng ít hơn. Thế anh quan niệm thế nào? Tôi nghĩ: bà nội này chắc bả bị cái đó. Chê thì phiền. Tôi bảo: quan niệm bình thường thôi, do trời sinh. Nó khen: mày khá, quan niệm cởi mở”.
Câu chuyện dẫn tới một người chỉ huy trực tiếp của ông là một nhân vật còn bí ẩn hơn nữa: ông Mười Hương, người có cuộc sống như một cuốn tiểu thuyết. Ông Mười Hương đã bị đày ải ở nhà tù Chín Hầm khét tiếng của Ngô Đình Cẩn ở Miền Trung. Đó không phải nhà tù theo tính pháp lý nhân loại, mà là cái trại để tra khảo và thủ tiêu những người Việt Nam yêu nước không theo thứ luật pháp nào. Chính khi ông Ẩn đang học ở Mỹ thì hầu như toàn bộ tổ chức trong nước bị chế độ Diệm đánh phá vỡ hàng loạt. Ông Mười Hương bị bắt và số phận chàng sinh viên Ẩn kể như cá nằm trên thớt. Ông Tư Tùng tức Dương Minh Sơn và cậu em trai của Ẩn cũng bị bắt. Nhưng ông Mười Hương đã chịu đựng sự khốc liệt này, giữ nguyên được tổ chức. “Ông Mười thường quan tâm dặn tôi hai việc: thứ nhất nhấn mạnh lập trường tư tưởng, chính trị, hiểu biết văn hóa, thứ hai là nghiệp vụ vững. Ông bảo: phải đi học, tìm hiểu văn hóa Mỹ. Phải học qua văn hóa”. Ông Ẩn rót thêm nước vào tách cho khách và bình luận vui thêm: “Làm nghề tiếp xúc để nó không ưa, kể như ăn mày rồi!”
Ngành tình báo chiến lược của ta lúc đó nghiên cứu những vấn đề phục vụ chiến lược quốc gia: học thuyết chiến tranh và chiến lược quân sự, chủ trương của đối phương về mọi mặt, và những toan tính của đồng minh. Nước ta là một nước thuộc địa bị đô hộ, hoạt động tình báo phải xâm nhập cơ quan đầu não đối phương ngay ở trong nước chứ chưa ra ngoài nước. Tình báo của ta là tình báo tự vệ chớ chưa có sức lực làm tình báo tấn công vào các nước lớn được.
Năm 1954 khi đất nước bị chia cắt, hai miền hai chế độ, như hai nước, cho nên hoạt động tình báo ở Miền Nam như đi hoạt động “nước ngoài”. Người cán bộ ở Miền Bắc vào cũng như đi ra một nước khác, do đó đặc biệt khó khăn. Giống như người Đông Đức mà qua hoạt động ở Tây Đức. Hoạt động ở Anh, Mỹ cũng khó như vậy. Không hợp pháp là bị bắt liền, mà đã là điệp báo bao giờ cũng hoạt động bất hợp pháp. Ông Ẩn lại hoạt động độc lập và cô đơn mà từ ngữ nghề nghiệp Anh, Mỹ gọi là lone wolf (chó sói cô đơn) dưới sự chỉ đạo rất bí mật của một số đầu mối càng ít càng tốt. Trong suốt cả mấy chục năm đó ông Ẩn chỉ biết ông Mười Hương, Cao Đăng Chiếm, Phạm Ngọc Thạch và vài đồng chí cụm trưởng. Đến năm 1962 thì Tư lệnh Miền chỉ đạo tập thể, ông không rõ từng người. “Ngành này tạo bình phong khó nhất, vừa tấn công, vừa phòng ngự. Vừa là mâu, vừa là thuẫn”.
Một buổi hè Sài Gòn nào đó, công việc đã xong, ông Ẩn đã giải thích thêm khi tôi cần hiểu những câu chuyện xảy ra từ khi tôi còn là đứa trẻ vài tuổi, sống ở Hà Nội, hoàn toàn không biết gì Sài Gòn. Phải hết cả buổi chiều đó tôi mới tạm hiểu một chút ít rằng không phải chỉ có một thứ khó nhất là chuyện bình phong trong nghề tình báo. Đó là cả một nghệ thuật mà trên thế giới có những giáo trình đồ sộ, giảng từ cách chọn người, huấn luyện thế nào… Còn nhiều thứ khác nữa, tôi đều thấy khó nhất.
Ông Ẩn đã là một nhà báo quảng giao trong lòng địch. Vậy mà quan hệ rộng cũng không trực tiếp lấy các tài liệu tối mật được. Phải qua trung gian, với sự tin tưởng, giúp đỡ, trao đổi. Phải là những chuyên gia giỏi, nếu đã chọn nghề nào đó làm bình phong. Có những tình báo quốc tế sau chiến tranh lại sống bằng nghề trước đó họ lấy làm bình phong. Đơn giản là họ đã trở nên tài năng chính cống của cái nghề họ “mượn” làm bình phong. Người ta được biết cả giám đốc CIA sau này làm cố vấn kinh tế cho Nhật; những giáo sư luật, giáo sư chính trị tham gia những cuộc tư vấn cỡ chính phủ. Nếu bình phong là nghề bác sĩ tốt ở chỗ mở quan hệ nhưng bản thân nghề lại ít dính sâu vào các vấn đề bí mật quốc gia về quân sự, kinh tế, chính trị. Làm nhà báo thì an ninh luôn để mắt. Nó nghi, chỉ gài bẫy là dễ lộ ra. Rồi chuyển tin tức đi thế nào, cũng lại là chuyện khó nhất.
Còn bao nhiêu cái khó nhất nữa? Không phải chỉ khôn khéo lấy được tài liệu mật gửi ra. Tình báo chiến lược phải chuyển tin tức có đánh giá, có phân tích, tổng hợp và dự đoán nữa. Tin tức đã được đánh giá thì gọi là tin tình báo: information = tin tức thường; intelligence = tin tình báo; renseignement (tiếng Pháp) là tin tình báo.
Ông đã nhằm đến các loại người như thế nào để hoạt động? “Phải định ra được mục tiêu. Nếu đó là tư lệnh quân đội, làm chỉ huy, ra lệnh, ra kế hoạch hành quân thì tin tức của họ là nhất. Loại thứ hai là người không thảo ra kế hoạch, nhưng là nơi thi hành. Loại thứ ba là số người được đọc, như bí thư, người lưu giữ hồ sơ. Tôi làm báo, là người ở ngoài ba mục tiêu trên. Chỉ có báo chí Mỹ mới vô được. Và tôi phải nhắm vô những mục tiêu đó”.
Ông liên hệ cho tôi dễ hình dung cách học “nhìn ra” các loại người: thí dụ, ngày nay muốn biết Mỹ có bỏ cấm vận nước nào đó hay không, ngoài các nguồn tin tức khác, giới thành thạo còn có thể quan sát các nhân vật. Thí dụ như chủ tư bản kếch xù cỡ ông trùm tư bản tài chính David Rockefeller, và một chủ báo lớn, có ảnh hưởng chính trị ở Tòa Nhà trắng là bà Katherine Graham. Trước kia David Rockefeller được xem là Hoàng Đế Hoa Kỳ và bà Katherine Graham là Nữ Hoàng Hoa Kỳ. Ý muốn nói hai người có thế lực mạnh nhất nước Mỹ. Nhìn hai nhân vật đó người ta đoán biết những quyết định quan trọng. Nếu không ở trong giới “A nose for news” thì làm sao biết được kiểu quan sát đó. Nhưng các “mục tiêu” mà ông nhắm vô đó, có phải chỉ là vì cảm tình mà họ đi đến việc cung cấp tin mật? Có cả lòng tin yêu quý trọng trong quan hệ cá nhân, nhưng đâu phải chỉ có vậy!
Ông không thể chỉ moi tin mà không giúp đỡ trở lại. Vấn đề là giúp thế nào. Những người đó thường ở trong giới báo chí, tình báo, an ninh đối phương, họ cũng cần tin tức. “Thức ăn của họ là thông tin, tư liệu”. Ông Ẩn lại so sánh với những con chim ông nuôi “như chim phải cho ăn hoài nó mới hót. Như con này này, chuối, sâu không đủ, không hót. Hoặc hót nhưng màu lông không tươi…” Nghĩa là hai chiều chứ không phải một chiều. Phải có tin cho họ “ăn” chứ không chỉ moi tin của họ. Mà phải cho tin thật. Có nhiều người cho tin láo không được. Đầu họ có óc như tình báo viên chớ không phải đất sét muốn nắn cái gì cũng được.
“Người kinh tế cần tin kinh tế. Tin công khai thôi. Chơi thị trường chứng khoán có lúc họ không biết nên hay không nên bán ra. Họ tìm đến hỏi mình vì mình biết phân tích các dấu hiệu thời cuộc có thể ảnh hưởng. Thí dụ năm 1973 thị trường chứng khoán Mỹ xuống dữ. Mỹ lạm phát nặng. Khi họ hỏi ý kiến, tôi cũng xin chút thời gian ngắn tham khảo và đưa nhận xét để họ tự quyết định. Chẳng hạn như lạm phát đấy, nhưng chưa đến nỗi. Vẫn có khả năng lên lại… Ngay cả giới tướng lĩnh quân sự cũng làm ăn nên họ quan tâm”.
Ông Ẩn còn là một nhà nghiên cứu. Ông có thể đưa ra những dấu hiệu tâm lý biểu hiện nền chính trị. Thí dụ sau tết Mậu Thân, sau chiến công quân ta đánh thẳng vào đô thị, tinh thần ngụy quyền lung lay. Tướng lĩnh gửi tiền nhiều sang ngân hàng nước ngoài để nếu nguy sẽ chạy qua sống ở đó. Trong giới chính trị thì có hai loại: một đương quyền, một loại đối lập luôn moi móc lắm tin. Họ sẵn sàng cung cấp cho báo chí. Đôi khi họ cần phải vạch vòi giới cầm quyền, tìm đến nhà báo để cho tin, và để nhận tin. Họ âm mưu đảo chính v.v… cũng tìm báo chí thảo luận.
Ông giải thích thêm về việc chiều nào cũng ra ngồi quán café bánh ngọt Givral: “Ở chỗ đó có đủ loại. Việt Cộng hoạt động, người của Tổng nha, An ninh quân đội, Phòng Nhì Pháp, Tây Đức, Mật Vụ Tưởng Kiến Quốc, Triều Tiên, v.v… người của quốc tế, của CIA, có cả các bà, các cô ra tán dóc”. Ông phải là “trùm nói dóc” phục vụ những cuộc quây quần như thế. Không phải tin gì cũng nói giữa đám đông. Khi có ai đó muốn biết thật, biết sâu, thường gặp riêng để hỏi. Phải cho tin thật có mức độ. “Đừng nghĩ tình báo là chuyên môn gạt gẫm nói láo. Không phải đâu!” . Tôn chỉ của một tình báo viên có kinh nghiệm là phải nhớ ba chữ S “Sociable, Serviable et Sincère”.
Về chuyện này thì tôi có thể hiểu ông nhanh chóng. Trong các tiểu thuyết tình báo, dù các nhân vật có đưa tin đầu độc thì họ cũng dựa trên những nghiên cứu cẩn trọng, hợp lý. “Khi nó họp bàn định ra kế hoạch, phải theo dõi. Rồi lại phải xem nó có làm không. Khi nó thảo kế hoạch, phải tìm cách tiếp cận với người làm kế hoạch, với tư cách chính khách”. Với cách như thế, ông Ẩn đã tham gia góp ý từ việc thành lập 6 sư đoàn đầu tiên do Mỹ thành lập, tuyển chọn gửi sĩ quan đi Mỹ huấn luyện cho tới cả kế hoạch Khu trù mật, rồi Ấp chiến lược sau này v.v…
Mặc dù ông Ẩn nói rằng nghề điệp báo mà ông đã làm chỉ là nghề “gián điệp cổ điển”, lấy tài liệu mật, moi tin tức, săn tìm ý đồ của địch. Đó là những công việc gián điệp, điệp báo nào cũng làm. Nhưng tin tức phải được đánh giá, điều này mới thực sự quan trọng. Phải phân tích cho được, dự báo tương lai gần, tương lai xa, hướng đi nên thế nào, có thể giải đáp gì cho việc xử lý tình hình. Đó là nghệ thuật và cũng có cả phần linh tính mà Mỹ gọi là ESP = Extra Sensory Perception.
Nhưng quan trọng hơn cả là Trung ương có được nghệ thuật phân tích mà Mỹ gọi là Art of National Analysis. Những báo cáo ông gửi đi đều có đánh giá cả chất lượng và nguồn tin đáng tin cậy tới đâu. Bộ phận nghiên cứu của lãnh đạo sẽ xem xét, tính toán và tổng kết dựa trên những tài liệu như vậy. Công việc không hề đơn giản như những công thức cũng không đơn giản chỉ là “ăn cắp đồ” như lời hài hước của ông. Vì địch hoàn toàn có thể tương kế tựu kế. Chúng đã làm những tin đầu độc. Muốn bản tin chắc, phải có tài liệu, phải tham khảo với lịch sử của vấn đề và mối tương quan tác động qua lại của ta và đối phương. Đôi khi trong tài liệu lấy được, cả mười chương đúng, địch chỉ nhét vào đó một chương đầu độc. Địch cũng chơi con bài nhử, phản tình báo. Cái trò chơi hiểm này được làm công phu tới mức đã có lần chúng đem qua Phi Luật Tân in lại tờ báo Nhân Dân của Miền Bắc, chỉ in đầu độc vào đó thêm một khúc tin rất nhỏ. Đem báo in đó đi theo các đoàn hành quân (vờ rơi khi địch hành quân). Có khi nó nhét cả vào hầm trú ẩn để quân ta trở lại đọc. Do đó tin điệp báo rất khó kiểm tra. Phải là tài liệu nguyên bản và so sánh các bản tin tham khảo công khai khác trong quá trình soạn thảo nhiều lần.
“Tài liệu mật phải chụp liền, trả liền các tài liệu mượn được. Cũng có khi phải có trí nhớ tốt, mượn đọc tại chỗ rồi trả lại và về nhà tập hợp lại nội dung”. Cũng còn phải biết kiềm chế để tránh sơ hở. Có lần ông mượn được tài liệu tốt, một mình đọc ngay ở văn phòng. Tuy xung quanh không có ai nhưng ông không dám sao chụp, sợ nó đặt máy theo dõi. “Sử dụng tài liệu cũng vậy, có lần tôi phải ngưng mấy tháng liền không hoạt động để bảo vệ an toàn”. Đó là khi ông báo cáo về trường hợp có một tổ chức thật ra là bình phong của CIA đang hoạt động ở phía quân ta. Không may người liên lạc mang báo cáo ra, giữa đường bị bắn chết. Địch lấy báo cáo đó đưa cho an ninh, thông báo với người kia là “phải hết sức cẩn thận vì Việt Cộng đã biết và theo dõi”. Tin phải được kiểm tra, nguồn cho chắc, phải bảo vệ nguồn. Có ai trong số nguồn cung cấp tin mất việc do thay đổi thời thế, phải lo cho họ nếu có thể...
Ông làm thế nào để chuyển tin tức đi? Câu hỏi này mấy chục năm sau ký giả Mỹ vẫn hỏi. Không phải chỉ vì họ tìm hiểu vì sao Việt Nam chiến thắng, mà có thể còn vì những câu chuyện tình báo, tiểu thuyết tình báo đã trở thành một môn học nhân văn. Nó vẫn luôn làm người ta quan tâm.
“Tại Sài Gòn chúng tôi có một hệ thống liên lạc. Tôi đưa tin qua ngả đó và cũng tránh để dấu vết qua bút tích. Rồi thỉnh thoảng vài tháng tôi lại biến mất vài ngày. Điều đó không có gì là bất thường khi làm việc cho các cơ quan báo chí. Cấp chỉ huy tôi ở chiến khu đôi khi muốn có một tường trình dày đầy đủ. Chúng tôi gặp nhau ở một số nơi, nhưng chủ yếu là trong mật khu Hố Bò”. Đó là câu trả lời phỏng vấn của ông Ẩn cho Safer. Ký giả này giới thiệu thêm: Mật khu rừng rậm Hố Bò cách khoảng 20 cây số hướng Tây Bắc Sài Gòn. Địa điểm này thường trực bị sư đoàn 25 bộ binh Mỹ tấn công.
Chắc chắn là bạn đọc Mỹ khi đọc những dòng đó sẽ nhớ ngay cái tên hiệu “sư 25 bộ binh”. Sư đoàn 25 bộ binh Mỹ còn có tên là “Tia chớp nhiệt đới” (Tropic Lightning). Đó là sư thiện chiến trang bị tối tân, được coi là đội quân tiêu biểu cho sức mạnh Mỹ, như một kiểu anh cả Đỏ. Tia chớp nhiệt đới - Cái tên sư đoàn cho thấy sự ác liệt của chiến trường. Còn đối với người đọc Việt Nam thì cái tên Hố Bò lại nói được nhiều hơn. Đó là chiến khu ngoan cường của quân dân ta ngay bên nách địch, chúng đánh phá kiểu gì cũng không quét nổi Việt Cộng.
“Có một lần vào dịp Tết hưu chiến, tôi đang trên đường trở lại Sài Gòn thì bị kẹt giữa cuộc giao tranh. Tôi phải ẩn 2 ngày 2 đêm dưới hầm, với ý nghĩ là mọi sự đối với tôi thế là tiêu tùng. Tôi nghĩ thật là cái chết lãng nhách, nạn nhân của một cuộc hưu chiến”. Ông Ẩn kể tiếp một tình tiết nguy hiểm thường nhật. Ông lén ra chiến khu, lúc trở về bị kẹt. Mà không phải chỉ một lần.
Một câu hỏi nữa ký giả Mỹ thường hỏi, và tôi nghĩ rằng câu này chắc đã có lần ông tự hỏi mình. Ông rất thành thực nói rằng nỗi lo về khả năng bị bắt là luôn đặt ra. “Sợ thường xuyên”. Có khi ông giải thích một cách khơi khơi: có gì đâu mà bị bắt. Ông làm nghiên cứu thời cuộc thôi chứ có làm gì vi phạm đâu. Người bạn Mỹ hỏi: Thế thì sao lại được tặng thưởng phong Anh hùng? Không làm những việc quan trọng, sao thưởng? “Vậy là đủ thưởng”. Không ai có thể giải thích ngắn gọn cho ký giả Mỹ này hiểu được. Bởi vì ngay người liên lạc trong đường dây của ông - dù rất ít - cũng đã có người được phong Anh hùng và cuộc đời bà cũng đã được viết thành cả một cuốn sách.
Liên lạc là khó nhất. Năm 1954 có nhiều cán bộ được đưa vào, phần lớn bị bắt, hy sinh rất nhiều do đường dây liên lạc bị vỡ bể.
16
Nếu đã lướt qua thời thơ ấu, thời thanh niên và cuộc đời hoạt động có thể bị bắt bị giết bất cứ lúc nào, thì rõ ràng là khó chọn lựa lấy một cao trào nào riêng biệt trong cuộc đời người tình báo.
Hồi mới hoạt động tình báo, tuổi ngoài 20, làm kho 5 Hải quan thời Pháp, chàng thanh niên mới chỉ làm công việc quan sát việc di chuyển hậu cần của quân Pháp. Có một lần anh đạp xe đi đến chỗ hẹn với bà liên lạc để chuyển tài liệu cho ông Phạm Ngọc Thạch. Ẩn đến chỗ hẹn trễ giờ, trên người có dính tí máu. Anh bị xây xát ở đâu đó không để ý. “Sao trễ vậy?” - người liên lạc tá hỏa khi nghe chàng trai trả lời là anh vừa đánh lộn vì “đổ dốc cầu, va vào thằng kia”. Nó gây sự sao đó, tuổi trẻ không biết kiềm chế, anh đã xông vào đánh nhau. Bà liên lạc giảng giải và nghiêm khắc phê bình: Phải trái gì cũng phải bỏ qua. Mình đang làm nhiệm vụ quan trọng. Đánh lộn, tài liệu để trong bụng nó văng ra sao? Đánh lộn, cảnh sát nó bắt về bốt có chết không?
Ẩn nhớ mãi lời bà liên lạc nói hôm đó: “Tội cậu nặng lắm đó. Nhiệm vụ phải đặt lên hàng đầu. Nó có chửi bố mình cũng phải làm thinh mà đi. Chà, cậu làm nghề này không được rồi. Từ nay cấm tiệt chuyện gây lộn. Xe có hư cũng vất liệng qua, đi làm nhiệm vụ cho kịp hẹn.”
Ông Ẩn như vẫn còn ân hận về chuyện đó. “Qua kinh nghiệm mới nhớ lâu. Tôi biết ơn bà liên lạc, sau giải phóng có hỏi thăm xem bà ở đâu nhưng không ai biết. Hình như bà mất rồi. Không sao biết được, vì sau Hiệp định Genève là tôi cắt hết liên lạc mối đó để làm nhiệm vụ với đường dây khác”.
Bài học về cảnh giác và bí mật luôn thường trực nhưng không phải dễ rút kinh nghiệm vì đâu có chuyện nào giống chuyện nào. Một lần ông bí mật vào căn cứ chuyển tài liệu. Ở trong chiến khu quân ta bắt được một người lính Mỹ con nhà giàu, có máy chụp hình rất đắt tiền. Các đồng chí định lấy chiếc máy đó cho Ẩn vào thành phố, nếu có chụp tài liệu cũng có máy tốt chụp cho rõ. Nhưng ông Ẩn cảnh giác. Nó bị bắt, mình lại cầm máy của nó về Sài Gòn xài thì bằng lạy ông tôi ở bụi này. Lấy máy của nó là chết!
Cũng giống như một tết nọ, bà liên lạc và các đồng chí ở chiến khu biết Ẩn thích cây cối chim chóc nên đã đem biếu một cành mai rừng tuyệt đẹp. “Mai gì?” “Trắng, chưa nở”. Thôi chết rồi, loại mai này chỉ mọc trong rừng sâu, vùng giải phóng. Các chị em khác cũng thế. Có một chị liên lạc, con được 2 tuần đỏ lói bồng đi liên lạc. Tôi nghe kể khâm phục vừa sợ cho tính mạng cháu bé và điều đó bắt tôi phải tích cực hoạt động cho xứng đáng công lao và sự hy sinh của các chị. Có một bà còn bắt cá nhét tài liệu vào bụng cá. Bà lắm sáng kiến và rất nguyên tắc. Hoạt động như vậy, liên lạc là công việc rất quan trọng. Từ chỗ liên lạc bị bắt, có người phản bội là chết. Các chị rất kiên cường”.
Ông chuyển tin đi cách nào?
“Trước tôi có cả hộp thơ sống (người liên lạc) và hộp thơ chết (các chỗ quy định đặt tài liệu như gốc cây, ghế ngồi). Sáng tôi dắt bécgiê cho nó đi đái. Tôi đứng hút thuốc lá, lúc dụi thuốc đi thì để nhanh tài liệu viết sẵn vào chỗ đã hẹn. Khoảng nửa tiếng sau liên lạc tới. Hai người không biết nhau, người nào làm việc người ấy”. Nếu là tài liệu dày, phim tới 10 cuốn thì sao? “Dùng bọng cây gần trường đua hoặc gò mả có bia, trở đá ra gửi vô đó đậy lại, người liên lạc đến cúng nhang, lấy đồ. Phải đổi chỗ luôn. Phải lựa bọng cây chim đẻ rồi không đẻ nữa, để tài liệu trên cao, phòng con nít. Nhưng tốt nhất vẫn là dùng người”.
Nếu đưa trực tiếp, thí dụ ở tiệm thuốc, phải có quy ước. Liên lạc sẽ có quy ước từ trước báo dấu hiệu an toàn. Thí dụ nếu không thấy bẻ cành cây và có dấu than, phấn, tức là không an toàn, liên lạc sẽ không đến. Theo quy ước là chờ thêm 5 phút, nếu trật, hẹn lại. “Trật một cái là hai bên đều lo âu. Do đó, đúng hẹn phải tới cho được”. Đã có lần liên lạc từ trong khu ra, bị hư xe. Ông Ẩn đi hành quân về không kịp. Hẹn tới lần thứ ba không thấy tới là phải cắt luôn để điều tra xem sao. Có khi “hàng hóa” đã để rồi mà quan sát chưa thấy liên lạc tới lấy, ông phải lấy lại tài liệu đem về.
“Cái nghề nó khó chỗ này”. Ông giải thích: không phải chỉ là chuyện hành động chuyển tin đi, mà thời đại văn minh ngày nay càng khó vì có đủ thứ hết. Thí dụ quan hệ với nhân vật họ đã chú ý an ninh cả hai bên cùng theo. “Khi nhập cảnh, khi xin Passport là người ta đã nắm hết lịch sử cá nhân rồi. Luôn luôn bị điều tra. Có lẽ đó là một “kinh nghiệm” nữa của ông Ẩn. Khi ông làm báo cho hãng phương Tây là an ninh đã điều tra về con người ông rất kỹ. Lý lịch của ông có chi tiết làm việc cho Sở Chính trị Phủ Tổng thống.
Ông Trần Kim Tuyến, Giám đốc Sở Nghiên cứu chính trị, văn hóa và xã hội tức là mật vụ thời Diệm, cộng tác lâu dài với Cục tình báo Trung ương Mỹ. Lúc đó Tuyến có biết việc Ẩn bị điều tra để cấp thẻ báo chí. Vì quen biết nên ông Tuyến đã làm một việc tưởng là che giấu giúp bạn. “Nó hỏi moa rằng toa trước có làm Sở nghiên cứu không, moa bảo không”. “Chết rồi! Ông phải nói rõ là có vì nó sẽ điều tra ra ngay. Hồi đó còn ghi rành rành: cấp bậc ngang cử nhân chỉ số chuyên viên 420. Nay chối không ổn. Nó cho là dối trá còn chết nữa. “Tuyến đành “thôi được để moa kêu điện thoại cho nó nói rõ lại kẻo lôi thôi”. Thật hú vía. Suýt nữa thì Ẩn bị điều tra.
“Nhỏ tới lớn lúc nào cũng gay” cũng có nghĩa là lúc nào cũng phải đương đầu, luôn lo lắng tự kiểm soát mọi hành vi của mình. Chuyển tài liệu đi chỉ yên tâm khi biết chắc chắn tài liệu đến nơi, đừng thất lạc. Ông nhớ mãi cái lần hú hồn vía, ông vừa vào họp cụm trong cứ, hôm sau về nhà. Liên lạc bị bắn chết, tài liệu lọt vào tay địch. Đó là báo cáo về một người vừa nhận chức làm việc cho một cơ quan bình phong của CIA, được mười hôm đã có báo cáo vào khu. Khi ông vừa về đến Sài Gòn, một người ở bên an ninh báo cho ông biết “có địch trong bình phong này, nó lấy tin quan trọng báo ra khu”. Ông Trần Kim Tuyến thì tham khảo ý kiến “ông nhận định xem có phải Việt Cộng lọt vào không”. “Làm gì có”.
Ông Ẩn phân tích “tin tức lọt vào Việt Cộng là do nội bộ mình. Thằng nào cũng giành chỗ làm đó vì lương lớn và an ninh Mỹ đã điều tra kỹ mới cho làm việc. Họ đánh nhau bằng cách đưa tin đầu độc ra làm cho thằng này sợ, hoảng quá xin thôi rồi đó”. Ông Ẩn báo tình hình này vào khu. Do tài liệu bị mất, để đảm bảo an toàn cho công tác, trong khu nói ông hãy ngừng hoạt động một thời gian.
Rồi đến lượt ông Ẩn hỏi ông Trần Kim Tuyến: “Vụ này nó có truy trách nhiệm cho ai rồi chưa?” “Truy gì. Tụi nó đánh nhau tung tin thôi”.
Nhỏ lớn lúc nào cũng gay, còn do luôn phải sống trong nghịch cảnh. “Cuộc sống người ta một nghề, mình hai nghề, một nghề đi theo cách mạng, một nghề bám ở đây, để tự túc lâu dài, nghề báo không bao giờ rảnh. Hai nghề này nó rất mâu thuẫn nhau, nhưng lại giống nhau. Một đằng lấy được tin tức gì phân tích ra sao giấu đi như mèo giấu cứt là tình báo. Đằng khác thì lấy được tin gì, phân tích ra sao thì đăng toạc móng heo lên báo, phát thanh lên đài! Đó là làm nghề báo chí”.
Bản thân được một nền giáo dục nhân văn của gia đình, nhưng luôn gặp nghịch cảnh thách đố. Bạn bè đồng nghiệp có tình cảm với nhau, nhưng ông đứng về cuộc kháng chiến thì họ ở phía đối phương. Lòng nhân của người nhân văn phải nhìn thấy cảnh bom đạn chết chóc ngay bên mình. Luôn luôn gặp nguy cơ trước việc bị bắt bị giết. Có chuyện, nói hay giấu vợ con? Rủi họ không chịu được thì sao? Ông Ẩn tự nhận mình có hai cái yếu: phụ nữ và con nít khóc, ông không chịu nổi. Bây giờ ở thời bình, thỉnh thoảng ông vẫn thấy người nước ngoài đến xin trẻ em Việt Nam đem về làm con nuôi. Trong những ngày chờ làm thủ tục, ông nằm nhà kế bên nghe trẻ khóc quá, lòng xót xa không chợp mắt.
Có lẽ vì thế mà Stanley viết: “Ông Ẩn là con người phải giằng xé giữa hai tình cảm. Lòng trung thành với đất nước, dân tộc và sự tận tụy với nghề nghiệp, tình bạn với các đồng nghiệp từ một đất nước đã gây chiến với dân tộc mình”. Còn Henry Kamm thì trích lời ông Ẩn: Những hoạt động của tôi hoàn toàn được chia ra những ngăn riêng biệt. Rõ ràng thách đố lớn nhất đối với ông phải chịu nhiều gay gắt. Tất cả đều đỉnh cao: Vừa phải làm nhà báo thật sự có tầm vóc, vừa làm sao phát hiện các vấn đề, các “mục tiêu” để tiếp cận lấy được tin tình báo và tài liệu. Phải có một óc phân tích giàu hiểu biết thời cuộc, sắc bén, chính xác. “Tình báo chiến lược phải khách quan. Nếu biết vận dụng sáu quy luật cơ bản triết học của Marx để kiểm tra và phân tích tin tình báo và tài liệu thì tương đối sẽ khách quan”. Ông “tổng kết” vậy.
Cũng có nhiều chuyến đi theo các cuộc hành quân, ngồi trên trực thăng Mỹ, với tư cách một nhà báo, ông Ẩn đã chứng kiến bao cảnh xót xa. Một lần ông Neil Sheehan tác giả Sự lừa dối hoàn hảo đi theo cuộc hành quân của quân đội Việt Nam Cộng hòa tấn công vùng giải phóng. Từ trên trực thăng nhìn qua chiếc ống nhòm mua từ Mỹ đem về, thấy nông dân đàn bà và con nít đi làm ruộng bị đạn của quân Cộng hòa bắn phủ đầu rượt theo. Họ chạy men theo đê để vào làng. Không cầm lòng được ông Ẩn nói với viên chỉ huy: “Đại úy coi, nông dân, đàn bà con nít không thôi đang làm ruộng chắc không phải Việt Cộng. Đại úy ra lệnh ngừng bắn đi”. Và Ẩn đã đưa ống nhòm cho tên sĩ quan này xem cho rõ.
Tiếp đó ông lại phải đi theo cuộc bao vây cả làng, các cuộc bắt bớ khủng khiếp diễn ra. Từng người bị xét hỏi. “Có một thanh niên mặt xanh dờn, dáng vẻ lờ khờ, dân làng bảo nó nghèo lắm đi làm thuê, xin cho nó đi. Tôi liền hỏi lẹ, biết nó giữ bò. Trẻ vậy mà vợ chết, nuôi 3, 4 đứa con nhỏ, nhà cửa không có. Tôi bảo viên đại úy: Theo tôi hiểu nó như vậy đó. Không tin cứ thẩm vấn nó đi. Viên đại úy cự lại: “Ông ký giả, ông xen vào chuyện tụi tôi hai lần rồi”. Thì ra hắn tính một lần trên máy bay ông Ẩn nói ngừng bắn nông dân, lần này lại can thiệp nữa. “Không phải tôi xen - ký giả Ẩn nói - không tin cứ tra khảo đi”. “Thôi nha, lần này nữa là hai rồi đó”. “Lần trước là tôi nói nhận xét, có xin đâu. Lần này thì ông làm phước để đức lại cho con cháu ông thế thôi!”. Viên đại úy dù giận cũng lắc đầu “nói nghe hay lắm”. Viên sĩ quan sai bọn quân báo ra hỏi dân, kiểm tra thấy đúng sự thật đã thả người đàn ông nọ. Đó là cuộc hành quân của Sư đoàn 7 miệt Cai Lậy.
Trong hoạt động, ông Ẩn “sợ thường xuyên” (trả lời phỏng vấn). Điều đó là thành thực, thậm chí còn nói chưa đủ. Cứ thử nghe câu chuyện bất ngờ của ông về đứa con gái nhỏ 6 tuổi.
“Đôi khi có tài liệu nhiều, chụp ảnh cũng cả tiếng, phải làm ban đêm thật bí mật. Ngoài con chó canh chừng, có người nhà thức nữa. Hôm đó tôi viết bằng nước cơm trắng nhách, viết trên giấy xi măng. Thường để đèn rọi xéo, thuộc tài liệu rồi viết liền. Tôi để đèn nhỏ vừa đủ chiếu theo dòng. Hôm đó đang viết, đứa con gái 6 tuổi tôi tưởng nó đã ngủ rồi bỗng chạy ra đứng sau lưng. “Bố chưa ngủ?” “À, bố viết báo”. Không ngờ sáng hôm sau nó khoe với anh trai: Bố viết mực gì mà không thấy chữ, đọc không ra”. Ông Ẩn như vẫn còn nhìn thấy cảnh ấy, đến tận hôm nay. “Lỡ nó đi chơi với bạn kể ra thì chết”. Ông bèn phải gọi con đến: “Không có chuyện đó đâu. Đèn chói mắt con không thấy. Tối bố làm lại con xem”. Tối đó, ông vặn đèn thật lớn chói mắt nó. “Con mơ ngủ không nhìn thấy. Coi chữ nè. Có chứ sao không?”
Kể chuyện đó, ông Ẩn cười vui với khách: “Ác vậy đó. Những chuyện không nghĩ nó xảy ra mà nó xảy. Thật may còn giải quyết êm được”.
Làm tình báo nhiều gian truân, bất ngờ, nhưng ông Ẩn gom lại: Cụ Hồ dạy tình báo viên phải cảnh giác với ba chữ T tức là Tiền, Tình và Tù. “Tình báo thì có ba chữ phải giữ: “Tiền, là dễ bị mua chuộc. Gái là mỹ nhân kế. Và tù. Điều này đe dọa mạng sống luôn luôn”. Nếu làm ở vị trí nghề này mà tham giàu cũng dễ lắm. Nhưng xài tiền trên mức thu nhập làm ra là một yếu tố dễ bị lộ. Ông Mai Hữu Xuân, chủ đồn điền lớn kêu cho ông đất ở Đường Sơn Quán, rồi bảo cơ hội thuận tiện mở công ty, qua Bộ Kinh tế. “Mình dính vô đó là mất thì giờ lắm. Phải chạy ngay, không để xảy ra”.
Còn về chuyện các cô gái, thì ông Ẩn vốn tự giễu mình là “Biết yêu từ lúc 14 tuổi. Ác lắm”. Đối với ông, không thể chịu được cảnh phụ nữ và con nít khóc. Ông thật sự là một người hiền. Vậy mà ngày ông còn trẻ, là chàng trai tuổi 33, có quen cô gái nhảy tên Thủy, đẹp nổi tiếng. Một hôm khuya khoắt cô đi đâu về nhấn chuông xin cho ngủ nhờ. “Được, vô đi không sao”. Chàng thanh niên cho cô vũ nữ ngủ chung phòng, mình thì rải chiếu nằm đất. Tờ mờ sáng anh chở cô đi Mỹ Tho theo lời cô nhờ. Có lần cô ham vui, đi theo Ẩn lên xa lộ bắt dế. “Xa lộ đèn sáng, cà cuống bay, đi bắt mấy thứ này vui, cô đòi đi theo”. Có lần cô còn đi Củ Chi, xách về truyền đơn Cộng sản đưa cho Ẩn “Việt Cộng họ chặn đường, tuyên truyền đưa cho đồ này”. Chạy dài là tốt nhất. Đó là “nguyên tắc” ông tránh những mối liên hệ có hại đến công việc.
Còn chuyện phải lo sợ việc tù đày có thể đến bất cứ lúc nào. Những chuyện không ngờ này đều có thể xảy đến bất kỳ cho một tình báo viên nào. Ông Allen Dulles, cựu giám đốc CIA, gọi là mishap (tạm dịch = việc không may). “Phải chuẩn bị sẵn chuyện này. Rủi bị bắt, thì phải coi là chết. Dặn ở nhà: nếu thấy bị bắt mà chết thì nên mừng. Nếu có thơ tôi viết về phải trả lời thế này với bọn đem thơ về: Nếu ổng theo Việt Cộng thì chết ổng ráng chịu. Thăm nuôi cũng không. Có chết cũng không nhận chôn. Thơ đó chắc sẽ có chữ ký thiệt, chữ tôi viết thiệt. Nhưng không có dấu kín đáo để biết theo quy ước riêng thì phải hiểu thơ đó nó đọc cho viết, không được tin cậy. Phải giao hẹn trước với gia đình ký hiệu riêng để biết thơ nào đúng, thơ nào bị khống chế phải viết”.
Lời kể của ông khiến người nghe muốn ngộp thở. Cuộc đời luôn phải chuẩn bị cõi sống, chết như thế thật không còn lời bình. “Do hoạt động của mình hợp pháp gì cũng tới lúc bất hợp pháp. Bao nhiêu là tình huống có thể: đem tài liệu vô, xách tài liệu mật đụng xe là lộ… Bắt bớ tù đày là chuyện phải xảy ra. Hoạt động như cá trong rọ. Cá còn nhỏ có thể lọt lưới dễ dàng nhưng càng lớn lại càng dễ bị mắc lưới. Không bị bắt là chuyện hiếm có".
Những sức mạnh nào đã đem đến cho người tình báo sự chịu đựng? Ông Ẩn giải thích: “Làm tình báo lại càng quan trọng cái giá trị số một, là tư tưởng, lý tưởng. Chứ bị bắt buộc mà làm thì khó tin cậy. Cái lý tưởng nó đảm bảo. Loại tình báo làm vì lý tưởng này, thử là biết: bị bắt bớ, vẫn làm. Xác định rồi. Còn nhiều loại tình báo nữa, thế giới cũng có nhiều. Làm tình báo có nhiều động cơ theo trật tự sau: 1- Lý tưởng, 2- Tiền, 3- Phiêu lưu, 4- Âm mưu, 5- Bệnh tâm lý, 6- Bị khống chế và nhiều loại khác như muốn lật đổ chế độ, trả thù v.v… Nếu làm vì tiền, phải là tiền lớn. Còn loại nữa: làm vì danh vọng. Nếu làm cho tình báo Anh - Mỹ, nó sẽ giúp bằng cách cung cấp tin tức cho, đưa tên tuổi lên cao có cương vị cao trong xã hội. Có những phần tử đối lập chế độ, họ dùng để giành chính quyền mà không ai biết họ làm cho tình báo”.
Ông như có chút tổng kết: “Lịch sử tình báo mình hay. Mình là một trong những nước giỏi tình báo. Có khi một tin tức nào đó cả làng cả xã biết hết nhưng khi địch tìm hiểu thì dân lại bảo không biết gì hết. Rồi chính dân lại đi báo tin cho ta. Ngay với những âm mưu địch cài cấy trà trộn hiểm độc, người dân vẫn có cách. Đã có rất nhiều câu chuyện kể về các loại mật hiệu của dân báo cho ta biết. Dân không làm tình báo, nhưng từ cành cây, ngọn đèn, cách cho gà ăn người ta báo động cho mình biết”. Làm tình báo, lý tưởng là quan trọng, một mình mình tự kiểm soát. Người ta nói sự say mê, cuồng tín, ông cho là nói không đúng. “Tóm lại, phải có lý tưởng, mục đích. Khơi khơi hoặc mê cũng không được. Nhiều khi không thích cũng phải làm”.
Chính vì lý tưởng, và chỉ có lý tưởng mới chỉ huy được trái tim và tình cảm lãng mạn của con người vượt qua mọi thứ để hoàn thành nhiệm vụ. Cái mạng sống của người tình báo đã tự nguyện trao gửi, thì tiền bạc hay tù đày - những thứ dù khó vượt qua nhất họ cũng vượt được. Không biết bao nhiêu đồng chí và các anh chị em liên lạc, bảo vệ tình báo đã hy sinh vì lý tưởng. Tính đến ngày hôm nay vẫn chưa kể xiết được. Cũng vì lý do đó mà đã hai sáu năm qua kể từ ngày 30-4-1975 các cơ quan chinh sách của hai ngành tình báo và công an vẫn còn tồn tại để lo cho công tác này chớ chưa giải tán.
17
Sau hiệp định Genève, Việt Nam tạm chia hai để chờ tổng tuyển cử, nhưng âm mưu của Hoa Kỳ đã làm cho con số 2 năm mà người đi tập kết cùng gia đình họ ở lại Miền Nam đau đáu mong chờ, đã thành 20 năm. Thắng lợi ấy cũng phải do chiến tranh giải phóng đem lại. Mỹ hất Pháp khỏi Miền Nam, thành lập chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm.
Đó cũng chính là lúc nhân vật tình báo Phạm Xuân Ẩn vào sâu trong cuộc. Ông được đi cùng các sĩ quan tham mưu tham gia phái đoàn cố vấn Mỹ soạn thảo, tham mưu tổ chức 6 sư đoàn khinh quân đầu tiên trong chương trình xây dựng quân đội. Thời kỳ đấu tranh chính trị 1954 - 1959 bao đau thương, mất mát cho tới cuối 1959 Đảng ta quyết định phối hợp đấu tranh chính trị và quân sự. Chỉ sau đó 4 năm, chế độ Diệm sụp đổ, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam ra đời. Mỹ đã lựa chọn đưa quân vào trực tiếp làm chiến tranh.
Lịch sử chương này sẽ cho thấy các chi tiết: Đại tướng Maxwell D. Taylor cố vấn an ninh Tổng thống được cử làm đại sứ thay Henry Cabot Lodge năm 1964. Mọi chủ trương chính sách chiến lược đều do Hội đồng Tối cao (Mission Council) gồm 4 đại diện: Đại sứ, Đại tướng chỉ huy Quân sự MACV, giám đốc USAID về kinh tế, giám đốc USIS JUSPAO về chính trị. Chúng ta cũng thấy được sự thành công to lớn của cách mạng thể hiện trong ngành tình báo. Họ đã vào sâu được các nội dung quan trọng của cơ quan đầu não này. Phạm Xuân Ẩn chỉ là một ví dụ. Năm 1964 Mỹ đưa chiến hạm Maddox vào Hải Phòng khiêu khích làm cớ mở rộng chiến tranh ra Miền Bắc Việt Nam. Tại Miền Nam, quân ta thắng lớn tại Bình Giã, được coi như biến cố quân sự lớn đánh dấu giai đoạn 2 của quân ta vận động dã chiến sang giai đoạn 3 tấn công toàn diện về quân sự - chính trị. Chính phủ Hoa Kỳ quyết định triển khai đưa đủ mọi binh chủng vào Việt Nam.
Trong hồi ký của tướng Westmoreland, viên Đại tướng đã đến Sài Gòn năm 1964 thay Harkins làm tư lệnh MACV về quân sự, một ứng viên được coi như “người hùng” của chiến tranh Việt Nam tương tự như tướng Dwight Eisenhower trong Đại chiến II và là nhân vật Đảng Cộng hòa đưa ra ứng cử Tổng thống vào cuối 1968. Chúng ta hãy đọc lại những dòng hồi tưởng của Đại tướng Westmoreland về những ngày này:
“Đầu tháng 5, một trung đoàn Việt Cộng, trung đoàn đầu tiên tấn công với lực lượng lớn như vậy kể từ trận Bình Giã trước đó 6 tháng, đã gây thiệt hại lớn ở Sông Bé, thị xã tỉnh Phước Long, dọc biên giới Campuchia, phía bắc Sài Gòn. Chỉ với sự chi viện tích cực của máy bay và tiếp viện một trung đoàn mới cứu được thị xã. Đến cuối tháng ở Ba Gia thuộc tỉnh Quảng Ngãi, một trung đoàn Việt Cộng hầu như đã tiêu diệt sạch một tiểu đoàn của Việt Nam trong một trận phục kích và sau đó đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn khác tìm cách tới ứng cứu, trong đó viên cố vấn Mỹ, đại úy O. Sulivan đã chiến đấu rất dũng cảm. Sức ép của cao nguyên Miền Trung nặng nề tới mức quân chính phủ đã phải bỏ nhiều quận lỵ.
Sau khi đánh tràn vào một quận ở Pleiku, Việt Cộng bắt đầu bao vây một trại lực lượng đặc biệt CIDG (Civilian Irregular Defence Group - Dân sự chiến đấu). Đó là trận đánh do lực lượng đặc biệt - Special Forces chỉ huy ở gần đó. Ngày 10-6 chiến sự lại nổ ra ở tỉnh Phước Long tại quận lỵ Đồng Xoài với một trận tấn công của các bộ phận thuộc hai trung đoàn Việt Cộng. Việt Cộng đã san bằng trại CIDG, lực lượng đặc biệt bên ngoài thị trấn, tiêu diệt đơn vị đầu tiên của một tiểu đoàn dự bị thuộc quân đội Việt Nam được chở đến bằng máy bay lên thẳng, và ngăn không cho số còn lại của tiểu đoàn đổ xuống. Hai tiểu đoàn cứu viện nữa đã bị đánh nặng nề trước khi Việt Cộng rút lui sau đó 2 ngày”.
Điểm qua một đoạn hồi ký của viên tướng tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam để thấy được không khí chiến tranh thật sự được nhìn nhận dưới mắt đối phương. Phạm Xuân Ẩn phân tích đó là giai đoạn cuộc chiến tranh toàn diện ác liệt với hơn nửa triệu quân Mỹ và chư hầu với kế hoạch 4 bước: 1965 đưa quân vào, 1966 triển khai quân; 1967 tấn công toàn Miền Nam, vào 1968: chiến thắng quyết định. Rồi cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968 ta đánh ba đợt, vào cả các thành phố lớn, 64 mục tiêu lớn, 107 mục tiêu vừa và nhỏ, trong các mục tiêu có cả Dinh Độc lập và Đại sứ quán Mỹ. Tổng cộng chiến dịch Mậu Thân ta tiêu diệt 630.000 quân địch, phá hủy 13.000 xe, 3.400 máy bay, 1.000 tàu chiến; phá 15.000 đồn bốt và phá rã 1.200 ấp chiến lược. Tổng thống Mỹ Lyndon B.Johnson quyết định không ra ứng cử tiếp. Đại tướng Westmoreland bàn giao trở về Hoa Kỳ. Cuộc chiến tranh sang giai đoạn mới, ứng cử viên Đảng Cộng hòa Richard Nixon lên với chủ trương Việt Nam hóa chiến tranh nhưng đến 1973 phải ký Hiệp định Paris, rút quân Mỹ. Đến 1975 chiến dịch đại thắng mùa Xuân, mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh đã giải phóng hoàn toàn Việt Nam.
Ngày nay, thiên sử vẻ vang ấy đã trở nên chói sáng và rõ ràng trước toàn nhân loại. Nhưng đối với người Mỹ, việc nghiên cứu và trả lời cho cuộc chiến này không hề dễ dàng, nếu không muốn nói nó vẫn là những chia rẽ nội bộ về nhận định. Như tác giả cuốn Sự nghiệp của một Tổng thống bị đổ vỡ - L.Johnson và Việt Nam, H.Y. Schandler viết: “Những sự phân hóa và bất đồng ý kiến về việc Hoa Kỳ tham gia vào chiến tranh Việt Nam vẫn chưa phai mờ trong trí nhớ”.
Còn trên báo chí, cho đến đầu thế kỷ 21, khi chiến tranh qua đã 26 năm, đã bao nhiêu tài liệu, sách, phim ảnh được công bố, giờ đây người ta vẫn còn phải bàn cãi xem những báo cáo nói trên 100 ngàn cựu binh Mỹ tại Việt Nam đã tự tử khi trở về Mỹ là đúng, hay là 58 ngàn là đúng. Nhưng dù có là con số nào đi nữa thì một sự thật mang cái tên “Hội chứng Việt Nam” đã là căn bệnh kéo dài cho cả nước Mỹ.
Chẳng thế, mà chỉ riêng những cựu binh Mỹ trở lại Việt Nam, trung bình cứ mỗi tháng có một đoàn. Họ đến khắp nơi trên đất nước này, đầu tiên là về nơi họ đã tham chiến xưa kia, rồi làm cái việc lẽ ra phải làm từ trước khi họ đến lần đầu để đánh trận, là tìm hiểu về xứ sở, con người và nền văn hóa Việt Nam, những thứ mà bây giờ đang được nhắc đến như là những nguyên nhân của thắng lợi.
Một cựu binh Mỹ trở lại Charlie-one, một căn cứ pháo binh cũ của Mỹ - ngụy ngày trước thường nã đạn vào Việt Cộng ở khu phi quân sự, chính tại vùng đất này của Quảng Trị, đã diễn ra phần lớn các trận đánh ác liệt của cuộc chiến tranh từ năm 1965 đến 1975. Và vùng này đã được nhà báo Pháp của tờ Liberation mô tả như sau: “Một cánh rừng cây lúp xúp trải dài xa tít tắp, tận chân những quả đồi tròn như những chiếc bát úp màu đỏ quạch. Một làn mưa bụi và sương mù bao phủ những quả đồi trọc lốc cho đến nay vẫn không có cây mọc vì chất độc hóa học do máy bay Mỹ rải trong chiến tranh. Hai mươi nhăm năm sau cuộc chiến tranh, mảnh đất dưới chân đồi vẫn còn dày đặc bom mìn chưa nổ và cả những bộ xương người”.
Vẫn trong bài báo này, tác giả Philippe Grangereau nhắc tới số lính Mỹ còn mất tích đến nay sau nhiều tích cực tìm kiếm của hai nhà nước, chỉ còn 1.500 người thì số lính Việt Nam mất tích là 300 ngàn người. Vì thế khi đến vùng Quảng Trị, cựu binh Mỹ David Denman nói: “Khi những cựu chiến binh Mỹ đến đây, họ tưởng dân chúng sẽ đón tiếp họ bằng những viên đá. Nhưng họ đã được đón tiếp nồng nhiệt và khi ra đi họ vẫn còn ngạc nhiên và như bị thôi miên”. Còn Suel Jones, một lính Mỹ đã từng chiến đấu tại khu phi quân sự cũ vào năm 1968 nói: “Ngày tôi có thể nói chuyện với những Việt Cộng và gây được cảm tình của họ, là một ngày trọng đại trong đời tôi”…
Những chuyện như thế kể ra thì rất nhiều. Vẫn tác giả cuốn Sự nghiệp của một tổng thống bị đổ vỡ - L. Johnson và Việt Nam cho rằng: “Tất cả các tư liệu lịch sử đều có những hạn chế, gò bó cố hữu của chúng. Người viết sử chẳng mấy khi gặp dịp nắm đủ tất cả các tin tức liên quan. Phần lớn những gì anh ta nắm được đều đã bị chiến tranh hoặc ảnh hưởng của thời gian làm sai lạc trầm trọng… Thực tế, một người từng tham dự các sự biến có thể cho thấy những hiểu biết tường tận có ích. Ngoài ra không có một tác phẩm soạn thảo nào có thể hình thành trong một đầu óc rỗng không, bởi người nào làm việc đó cũng có những ước đoán, hiểu biết và những chính kiến bắt nguồn từ những kinh nghiệm bản thân, văn hóa và thời đại của chính người ấy. Trên phương diện đó, mọi lịch sử chẳng qua chỉ là phản ánh thời đại lúc viết”.
Chỉ riêng ở Mỹ, tính tới năm 1971 đã có 10 quyền sách được viết về việc hình thành các quyết định của Mỹ sau Tết Mậu Thân. Sự chuyển hướng chính sách của Hoa Kỳ ở Việt Nam luôn là kết quả của các cuộc tranh cãi nội bộ cao cấp nhất…
Công việc tổng kết cuộc chiến tranh không chỉ diễn ra khá đồ sộ ở phía Mỹ. Tại Việt Nam, nhiều bộ sử lớn về chiến tranh đã và đang tiến hành. Hồi ký của các tướng lĩnh là rất quan trọng bởi đời họ thấm đẫm các chi tiết của sự kiện lớn. Nhưng những người lính thường vẫn chưa có nhiều hồi ký và ghi chép vào cuộc. Ngay cả nhân vật của cuốn sách này, thiếu tướng Anh hùng Phạm Xuân Ẩn cũng không có chủ trương công bố tác phẩm nào về phía cá nhân. Đó là một sự khiêm tốn, một cách sống mang tính nguyên tắc cá nhân có thể đang được tôn trọng nhưng đồng thời cũng là một sự lãng phí xót xa vì những câu chuyện con người cụ thể, mang nhiều phần lịch sử sẽ bị đem đi âm thầm. Đằng sau bức tranh tổng quát nhất về các diễn biến của chiến tranh, sự vĩ đại của chiến công, vẫn còn tiềm ẩn câu chuyện đời của những người Việt Nam. Đó là nỗi khát khao của người viết cuốn sách nhỏ này, muốn như những chớp đèn flash chớp vội, vẽ chân dung tản mạn của một người anh hùng.
Ông có mặt ở nơi cần thiết nhất cho việc có tài liệu giá trị chiến lược loại tuyệt mật trong suốt các giai đoạn khác nhau của chiến tranh. Các kỹ thuật, chiến thuật mới của kẻ thù, các cuộc hành quân lớn, các trang bị của quân viễn chinh, các chiến dịch lớn, đều được chuyển đến Bộ chỉ huy của cách mạng, an toàn tuyệt đối tới ngày chiến thắng.
Chính sự an toàn này, nó cũng là một sự tuyệt mật lớn lao của kỳ tích cách mạng! Sự tuyệt mật này thách đố cả ngọn đèn flash muốn chớp lấy dù chỉ là phần nổi của chân dung con người. Còn bề chìm sâu với những vẻ đẹp dữ dội của các tình huống gay go ác liệt trong hoàn cảnh đặc biệt của ông, vẻ đẹp tinh thần của các chiến sĩ tình báo nữa… Có thể chúng ta sẽ chẳng bao giờ có được hết hình ảnh cụ thể những người tình báo chiến lược như ông. Tất cả những chuyển động hàng ngày, đòi hỏi sự phân tích, đeo bám của người tình báo. Giống như một sự đối chiếu tương ứng với diễn biến cuộc chiến tranh, chúng ta đã có nhiều bản tiểu sử cá nhân như của ông Ẩn. Nếu đem lý lịch của các cán bộ lão thành cách mạng ra khảo sát, chúng ta sẽ thấy như hồ sơ cá nhân người cách mạng Việt Nam, luôn tương quan với lịch sử. Họ luôn ở ngay trong lòng sự kiện.
1947 - hoạt động ở Sài Gòn. 1948 - xuống Mỹ Tho học tú tài. 1949 - bãi khóa, tham gia phong trào học sinh sinh viên. 1950 - đỉnh cao phong trào Trần Văn Ơn. 1951 - làm thư ký kế toán hãng xăng - rồi thư kýhải quan. Được giao nhiệm vụ tình báo chiến lược. 1954 - đi lính Pháp, làm bí thư phòng chiến tranh tâm lý Bộ Tổng tham mưu. 1955 - Mỹ qua thay Pháp, ông làm sĩ quan liên lạc của phía Việt Nam trong cơ quan TRIM (3 bộ Tư lệnh nhập lại: Mỹ - Việt - Pháp) và tiếp theo là phái bộ huấn luyện quân sự Mỹ C.A.T.O (Combined Army Training Organization) cho đến đầu năm 1957. 1957 - đi học Đại học tại Mỹ. 1959 - về nước, làm việc ở Sở nghiên cứu chính trị - văn hóa - xã hội, biệt phái sang Việt Tấn xã đến cuối 1960. 1960 đến giữa 1964 - làm hãng Reuters. 1965 đến 1976 - làm cho Tuần báo Time; Ngoài ra đã từng làm cộng tác viên của hai nhật báo: The New York Herald Tribune, và The Christian Science Monitor.
Nhìn hồ sơ cá nhân tóm lược ấy, mới hiểu ông đã “lặn sâu” vào đầu não đối phương tới mức hệ thống như thế nào. Lặn sâu đến mức có hẳn một cuộc đời khác sau tất cả các kỹ nghệ điều tra tân kỳ của thời Mỹ cũng như thời Ngô Đình Diệm.
Vậy nên cũng dễ hiểu khi một tiểu thuyết gia, một nhà văn lớn của Việt Nam, ông Nguyễn Khải đã lấy nguyên mẫu đời ông Ẩn để viết hai cuốn tiểu thuyết. Đó là sau khi đã ngạc nhiên thấy ông mặc quân phục cấp tá trong Đại hội Đảng lần thứ Tư. Trước đó, nhà văn cứ tưởng ông chỉ là một viên sĩ quan ngụy bị “kẹt lại” không di tản kịp.
18
H.Y.Schandler viết: “Trận tấn công Tết năm 1968 là một trong những biến cố quan trọng của chiến tranh Việt Nam, là một đỉnh cao của hoạt động quân sự và có thể nói là trận đánh duy nhất người ta nhớ đời. Sự kiện ấy đã được nhiều người xem là một khúc quanh lịch sử làm Hoa Kỳ phải lao vào một đường lối hoạt động mới tại Việt Nam, đã đưa đến việc chấm dứt sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ, đã thay đổi triệt để khung cảnh chính trị nội bộ của nước Mỹ và mở màn cho việc rút quân khỏi Việt Nam. Nhưng quyết định đưa ra trong tháng 3-1968 dính líu đến không chỉ thuần túy chiến lược quân sự mà cả dư luận quần chúng và của Quốc hội, đến tính chất và kỹ thuật thu thập tin tức, đến tâm lý của cả nước, đến cá tính của các nhân vật trong nội bộ làm quyết định cả vòng trong vòng ngoài các giới cao cấp nhất trong chính quyền… Các quyết định trong tháng 3-1968 đã thật sự trở thành một giai đoạn đầy mâu thuẫn trong lịch sử hiện đại”.
Trong cuốn hồi ký của Tổng thống Lyndon B. Johnson Vị trí ưu thế (The Vantage Point) ông có cả một chương về Tết Mậu Thân đặc biệt đầy đủ và chi tiết. Trong tài liệu của Lầu Năm Góc cũng đề cập cuộc tấn công Tết. Nó còn có trong các cuốn Lịch sử Bộ tư lệnh (Command History 1968) và các văn khố của trung tâm quân sự quân đội Hoa Kỳ, trong tài liệu thư viện Tổng thống chưa được giải mật cho các nhà nghiên cứu vì còn phải chờ sắp xếp các thủ tục giải mật. Đó là chưa kể các luận văn trường đại học và sách báo khắp nơi trên thế giới.
Có một câu hỏi đặt ra là: Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân có thật sự bất ngờ với địch không? CIA có biết tin tức không? Câu hỏi này được đặt ra với ông Ẩn.
“Mỹ biết là sẽ có đánh nhưng không ngờ thời điểm chính xác. Nhưng họ đã đánh giá sai mục tiêu tấn công chính và mức độ. Họ cho là đánh thành phố chỉ là nghi binh, còn mặt trận chính là Khe Sanh. Chính Mác-vi (Macv) nhận định như vậy. Khi đó tôi có được tin từ các nhân vật cao cấp cho hay là Việt Cộng sẽ đánh vào thành phố, nhưng họ vẫn cho là đánh nghi binh cho Khe Sanh, cho nên dù có tin tức họ vẫn bất ngờ. Ngay khi xảy ra rồi, vẫn còn tưởng…”
Ông nhớ lại các phân tích quân sự, đã là các nghiên cứu của ông cách nay mấy chục năm: “Trước đó họ thấy ta pháo kích, tập trung quân ở Khe Sanh. Rạng mùng 1 Tết ta tấn công Miền Trung, Huế - Nha Trang, ở Khe Sanh cũng đánh mạnh. Đêm 30 rạng mùng 1: Miền Trung, đêm mùng 1 rạng mung 2 Miền Nam. Vậy là lúc xảy ra rồi, tôi điện thoại hỏi nguồn tin ở Macv thì ông ta vẫn nói Khe Sanh mới là chính”.
Các tài liệu khác sau này cho thấy thông tin này của ông Ẩn là chính xác. Người Mỹ cho rằng những điểm giống nhau về địa lý và quy luật hoạt động của đối phương khiến Khe Sanh giống Điện Biên Phủ. Điều này thu hút sự chú ý của cả dân chúng lẫn báo giới Hoa Kỳ. Thậm chí Tổng thống đã cho lập một sa bàn khu vực chiến trường ngay trong phòng tình hình của Nhà Trắng để nghiên cứu rất kỹ. Nhưng tướng Westmoreland vẫn tin chắc quân Cộng sản sẽ dồn lực lượng chính vào hai tỉnh phía Bắc của Vùng 1 chiến thuật. Quân đội cũng di chuyển theo nhận định đó: Lữ đoàn lính thủy đánh bộ Nam Hàn từ phía Nam đã chuyển ra vùng Đà Nẵng để thay thế cho lính thủy đánh bộ Mỹ để họ có thể chuyển về phía Bắc nếu có nhu cầu.
Sau này, trong hồi ký, Westmoreland cay đắng cho rằng các tin tức đã có, nhưng rất mập mờ. Thậm chí chính ông đánh giá trước Hội đồng phái bộ Mỹ rằng khả năng 40-60% “địch” sẽ ngừng bắn và đánh sau Tết. Sau này nhìn lại, ông cho rằng một số nhà báo cũng đã đưa dự báo - Oberdorfer đã viết trên Washington Post và Miami Herald, nhưng, “Thế nhưng ai sẽ chịu nghe những lời đó?” Westmoreland viết như kêu lên trong hồi ký “Làm thế nào báo động cho mọi người biết khi mà báo chí, Quốc hội và Nhà Trắng đang lo chuyện Khe Sanh và tác động Miền Bắc chịu thương lượng do việc tạm ngừng ném bom”. Và mãi sau này trong các tác phẩm nghiên cứu, tác giả H.Y. Chandler viết: “Không mấy người Mỹ biết rõ rằng chiến công nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam là trận đánh hào hùng của Nguyễn Huệ (Quang Trung) bất thần tấn công vào quân Thanh chiếm đóng Thăng Long Tết năm 1789”.
Những bất ngờ còn ẩn chứa trong các sinh hoạt đặc biệt của dân tộc này. Chính Westmoreland miêu tả trong hồi ký của mình về Tết của Việt Nam: “Người Mỹ không có cái lễ nào giống dù là giống một cách xa xôi với cái Tết Việt Nam bắt đầu từ ngày đầu năm âm lịch. Dù so sánh nó với lễ Noel, lễ Tạ ơn và ngày 4-7 cũng không đủ để nói lên tầm quan trọng mà người Việt Nam gắn bó cái Tết của họ. Trước Tết hàng mấy tuần lễ, các bà nội trợ Việt Nam đã gói bánh chưng bằng nếp dẻo bên trong những chiếc lá dong mùi rất thơm. Người ta bày bán chè, bánh kẹo, rượu, nếp, mua sắm quần áo mới, trang hoàng nhà ở bằng các thứ hoa. Người thân chuẩn bị về quê làm lễ cúng ông bà, tổ tiên. Trẻ em mường tượng sẽ được mừng tuổi bằng kẹo bánh và giấy bạc 5 đồng. Không có gì, thậm chí cả một cuộc chiến tranh để sống còn, lại có thể cản được lễ Tết”. Chính ông Westmoreland lo ngại: trong số người đi lại như nước ấy, Việt Cộng trà trộn làm sao biết được. Các tài liệu sau này cho biết: ít ra tới nửa quân số của Quân đội Cộng hòa bỏ về quê ăn Tết và chính Tổng thống Miền Nam Nguyễn Văn Thiệu cũng về quê vợ ăn tết ở Mỹ Tho.
Nói lại chuyện chiến sự với người Anh hùng tình báo Phạm Xuân Ẩn hôm nay, ông vẫn nhớ lại các chi tiết buồn cười: “Phải rồi. Dân vẫn đi. Ngay lúc bắt đầu tấn công, dân vẫn đốt pháo. Pháo đốt cả đêm. Súng với pháo nhập nhằng với nhau. Quân đội bị cấm trại 100% nên mới có bài hát “100% em ơi” không đi với đào được”.
Lúc đó ông làm gì?
“Ngay từ hồi năm 1966 quân Mỹ ồ ạt qua, tôi cũng có ý nghĩ nên phản công. Vào trong mật khu họp hành, tôi cũng có nói ý này. Nhưng lúc đó lãnh đạo nói nên coi cách nó sao đã, nghĩa là phải nắm chắc đường lối của địch. Trước khi tiến hành chiến dịch, tôi cũng được biết trước 3 tháng để chuẩn bị nghiên cứu các mặt chiến lược. Công việc của tình báo chiến lược là vậy: nghiên cứu các mặt quân sự - chính trị - xã hội - kinh tế, xem các yếu tố này và sự phòng thủ của địch thế nào. Vì khá gần gũi và am hiểu phía địch, biết đánh vô thời điểm nào là tốt. Tôi cũng ủng hộ phương án đánh vào dịp Tết, bất ngờ”. Lãnh đạo, đã lệnh cho ông thời gian đó phải ở Sài Gòn nắm tin tức, không được đi đâu xa vắng mặt.
Ông phải có hoạt động cụ thể, hay lúc đó vẫn phải nằm im để khỏi bị lộ? “Tôi phải sống bình thường với công việc nhà báo. Lúc đó tôi làm một lúc cho hai tờ, phải viết tin tức chiến sự, máy chạy liền liền”. Có lẽ đời làm báo với tin tức nóng bỏng và tiếp xúc trực tiếp với các đầu nguồn tin, ông đã được ở một thế quan sát tổng quát cả chiến dịch. “Tôi thường kêu điện thoại sang các nguồn tin quen thuộc ở phòng Hành quân, Tổng tham mưu, Nha Cảnh sát. Đánh đâu, biết liền”.
Trong lúc quân ta tiến đánh thành phố, Chợ Cũ đóng cửa do lệnh giới nghiêm, ông Ẩn cùng với các quan chức ngụy rủ bạn bè đi vòng vòng. Đại tá Nguyễn Bé mời ông đi ăn cơm cùng với Vượng người bạn thân và một cố vấn Mỹ đeo hàm trung tá, nói tiếng Việt giọng Huế. Họ quan sát tình hình, thảo luận thời cuộc và kéo nhau đi ăn. Họ phải gọi cửa, chủ tiệm mới mở cho vào. Vừa ăn, vừa nghe đài, theo sát chiến sự, đánh đến đâu, quân ta vào đến Hàng Xanh, đánh đến Bộ Tổng tham mưu… Khi quân ta tiến công đợt 2, ông cũng ngồi với viên đại tá Thanh Tùng, một trong những sĩ quan chỉ huy chiến dịch phía quân ngụy, theo dõi và viết tin tức theo từng bước tiến quân, làm chiến lược, tổng hợp và báo cáo ra cho chiến khu tình hình địch phản kích như thế nào. Với tư cách nhà báo chuyên về tin tức chiến sự, ông đã được chứng kiến, theo dõi nhịp độ của các trận đánh.
Ông kể lại: “Quân ta vô ban đêm. Một tổ đề kháng của địch gần Dinh Độc Lập, chỗ Thủ Khoa Huân - Nguyễn Du bây giờ, thành ra quân ta bị kẹt ở đó. Có một tiểu đội ngầm ở phía dưới Gia Định, máy bay nó bắn xả xuống. Anh em gan dạ, chết thôi chứ không lên hàng. Tin tức về nhóm anh Tư Hùng đánh Tòa Đại sứ rất dũng cảm. Họ leo qua phía sau Tòa Đại sứ để vào bên trong, gặp phải một tay súng giỏi của nó nằm phục. Ta súng AK phải nhô lên. Nó nằm, phục bắn anh em. Đó là tên đại tá, đại tá George Jacobson có vợ Việt Nam, ở phía sau Tòa Đại sứ. Chúng điều động tụi bảo vệ bên trong. Anh em hy sinh hết, chỉ còn một chiến sĩ ta bị thương, bị bắt, rồi được trao trả nhưng sau này anh bị tai nạn giao thông chết. Tụi nhà báo Mỹ sang đây kiếm anh hoài không được”.
Ông cũng kể về các nhân vật chỉ huy của quân ta rất dũng cảm như ông Tư Cang, cụm trưởng tình báo chiến lược và sau đó là chính ủy Sư 316, hoặc ông Bảy Vĩnh cũng là một chỉ huy giỏi của quân ta. “Ông Tư Cang cụm trưởng tình báo chiến lược và sau đó là Tham mưu trưởng Sư 316, biết rất nhiều chi tiết của chiến dịch. Đợt 2 cũng ông. Mãi đợt 3 sợ lộ, trên mới rút ông ra”. Ông Ẩn cũng còn chứng kiến cảnh thẩm vấn kẻ đầu hàng.
Từ trước khi chiến dịch xảy ra, ông có nhiệm vụ đưa một người quân báo của ta vào nội thành để quan sát mọi mặt. Dưới vẻ ngoài, họ là bà con, bè bạn, đi xem phim, đi chơi các phố xá.
“Tôi dẫn vào xem các hãng phim Mỹ cho coi các cuộc hành quân của Mỹ, để ông biết đại đội nó đi sao, cỡ tiểu đoàn nó đi sao. Nhờ chỗ tôi thân quen nên coi được những phim tư liệu đó. Chúng tôi tìm hiểu được cả kế hoạch bảo vệ thành phố, tâm lý dân chúng, các mặt binh vận, dân vận. Đó là việc của ông. Tôi thì phải sống bình thường, vẫn đi làm việc. Chỉ có khác là đêm xuống, công việc vãn, tôi quan sát các chuyển động của địch như xe cộ nó chạy, chuyển quân. Tôi thường lái chiếc xe quen thuộc của tôi, trên có con bécgiê, đi vòng vòng quan sát thành phố”. Ông đã dẫn cả người quân báo “đi xem” Sở Thú. Họ coi dò máy, lái phía sau nổ điếc tai. Đi hóng mát chơi bằng đò nhỏ như vậy ông mới có thể chỉ cho người quân báo thuộc trong lòng một cái “bản đồ”. Chỉ huy nó nằm ở đâu. Quân ta sẽ vô hướng nào. Bảo vệ của nó có mấy lớp, cái nào tại chỗ, cái nào di động. Đi đường thế nào…
Ông cũng không quên những chi tiết vui của cuộc đi quan sát ấy. Người quân báo ở vùng giải phóng ra, cứ yên trí là khi nào tấn công vào thành phố, sẽ phải lấy tiền ra cho cách mạng. Ông chăm bẵm nghiên cứu kho bạc. Ông Ẩn kêu lên: “Ở đó kho bạc nhưng không có nhiều tiền đâu. Trời ơi ở đó nó chỉ phát lương thôi. Tiền nó lấy ở Ngân hàng Quốc gia. Tôi dẫn ông vô chỗ mấy đàn em của tôi ở kho bạc, giải thích cho ông tiền bạc chi sao… Mà muốn lấy tiền làm quỹ cho cách mạng, sao không nghĩ tới tòa án. Ở đó mới lắm tiền, lắm vòng vàng, vật chứng của những vụ ăn cướp, buôn lậu đang chờ xét xử”.
Người quân báo còn được anh bạn Ẩn dặn là khi tấn công vào kho bạc hoặc ngân hàng, nhớ đem theo mỏ hàn. “Nhưng đó là việc của ổng. Làm những việc đó không phải nhiệm vụ tôi”. Ông Ẩn kết thúc những chi tiết hiếm hoi của cuộc chuẩn bị cho chiến dịch. Phần việc của ông là thu thập và phân tích chiến lược.
19
Nếu chỉ là các số, thì ngày nay người ta có thể biết một cách rộng rãi bước đi cuối cùng của chiến thắng đã diễn ra như thế nào! Ngày 6-1-1975 quân ta giải phóng Phước Long; ngày 1-3 mở chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, đánh chiếm Buôn Mê Thuột, tiểu khu Daklak. Địch hoảng hốt rút bỏ Pleiku, Kontum, Quảng Trị, Huế, đưa lực lượng về cố thủ ở ven biển Miền Trung và bảo vệ Sài Gòn. Quân ta truy kích suốt ngày đêm. Ngày 17-3 Pleiku, Kontum giải phóng. 25-3 toàn bộ Tây Nguyên đã thuộc về cách mạng. 19-3 Quảng Trị, tuần cuối tháng 3 là Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và 29-3 Đà Nẵng giải phóng, từ ngày 1 đến ngày 4 tháng tư 5 tỉnh nữa: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Tuyên Đức được giải phóng. Sau một tháng, quân ta giải phóng toàn bộ Tây Nguyên và duyên hải Miền Trung.
Ngày 26-4 cuộc tổng công kích đánh chiếm Sài Gòn - Gia Định bắt đầu. Quân ta từ 5 hướng tiến công, làm tan rã các sư đoàn ngụy. Sư đoàn trưởng Sư 5 và 7 tự sát. Hàng loạt sĩ quan, nhân viên chính quyền ngụy kéo nhau chạy ra nước ngoài. Ngày 30-4 quân ta tấn công vào nội thành Sài Gòn và hình ảnh chính quyền ngụy đầu hàng và chiếc xe tăng quân Giải phóng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, lá cờ cách mạng được cắm trên nóc dinh, đã là những hình ảnh tiêu biểu nhất trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam.
Sự kiện lịch sử có tính “thống kê niên giám” ấy đã và vẫn đang được các nhà văn, nhà nghiên cứu của Việt Nam và thế giới tiếp tục nghiên cứu, bởi tìm ra những tư liệu mới mãi chưa thôi. Riêng những ngày này, đã được Frank Snepp, chuyên viên phân tích chiến lược của CIA viết hẳn cuốn sách Cuộc tháo chạy tán loạn (The decent Interval) đưa ra phần nào hình ảnh của những ngày cuối cùng này. Frank Snepp có điều kiện chứng kiến từng chi tiết, diễn biến. Từ cách phản ứng thảm hại của các viên tướng ngụy thua trận bỏ mặc quân lính tan rã, rồi lên máy bay ra tàu USS Midway trên biển Đông để tháo chạy, cho tới cảnh Tổng thống Dương Văn Minh buồn rầu bắt tay lần cuối tham mưu trưởng Hải quân. Tại Nhà Trắng ở Hoa Thịnh Đốn, cũng theo sự miêu tả của Snepp, “Tổng thống Ford mệt mỏi căng thẳng sau một ngày dài lo nghĩ, đã lên giường nằm. Ông sắp uống như thường lệ, một ly bia bơ nóng ở trên bàn. Dưới nhà, Kissinger tiếp tục đọc tin mặt trận. Theo báo cáo mới nhất của chỗ Tướng Smith thì quân đội Sài Gòn đã sụp đổ và bộ chỉ huy không còn”. Quân chính phủ rút lui “như đàn cua trước nước lên” (chữ dùng của Snepp) và cảnh hoảng hốt tán loạn một cách khá chi tiết khi ra đi của các nhân vật như tướng Timmes, Polgar (chủ nhiệm Sở CIA ở Việt Nam), Martin (đại sứ Mỹ) và rất nhiều nhà báo nước ngoài cố gắng hành nghề đến giây phút cuối.
Cho mãi đến những năm sau này, báo chí Mỹ và các nước cố gắng tái hiện lại càng chi tiết càng tốt những gì xảy ra ngày hôm đó, một thời khắc hiếm hoi của lịch sử thế giới. “Đó là 4 giờ chiều của Washington, Brent Snowcroft cắt ngang cuộc họp ở Nhà Trắng để trao cho Tổng thống Ford một tờ giấy vừa nhận tin. Đó là giờ phút bắt đầu chiến dịch “Gió lớn” (Operation Frequent Wind) tên gọi của chiến dịch di tản khỏi Sài Gòn”. Vào giờ đó, đài phát thanh Sài Gòn phát bản nhạc hiệu đã quy định như mật hiệu rút lui, bản “White Christmas” báo hiệu cho người Mỹ. Các nhà báo mô tả lại giây phút phải chặt bỏ cả cây me trong Tòa Đại sứ Mỹ để cho máy bay lên thẳng có thể đổ xuống. Hàng ngàn người Việt Nam hoảng sợ la hét trước bức tường Tòa Đại sứ. Chính Snepp và các nhân viên sứ quán phải kéo những người bạn quen của họ qua bức tường để vào bên trong và đạp những người không quen xuống đất bên ngoài. Những cảnh chen lấn hoảng sợ leo lên máy bay lên thẳng ở mái nhà Tòa Đại sứ và mái nhà của cơ quan CIA đường Gia Long đã trở thành biểu tượng của Sài Gòn sụp đổ.
Tuần báo Newsweek đã miêu tả câu chuyện của ông Ẩn trong ngày 30-4 như là một chi tiết, một cận cảnh của bức tranh ấy. Đó là việc ông Ẩn đã “cứu” Trần Kim Tuyến đi di tản chuyến cuối tháo chạy khỏi Việt Nam trong một hoàn cảnh tưởng đã tuyệt vọng!
Tờ Newsweek cho rằng: “Tuyến sẽ bị giết chết nếu ông ta còn ở lại Sài Gòn”. Khi ông Tuyến gọi điện cho Sứ quán Mỹ hôm đó, tìm sự giúp đỡ của CIA đưa ông đi thoát, ông được trả lời là cơ quan CIA đã rời đi hết. Quá hoảng sợ lo cho tính mạng, ông quay lại tìm người bạn thân Phạm Xuân Ẩn, người được đánh giá là có nhiều mối quan hệ rộng vào bậc nhất ở Sài Gòn. Sau này trong các cuộc phỏng vấn của các ký giả quay trở lại Sài Gòn đã giải phóng nhiều năm, ông Ẩn đã miêu tả lại vẻ mặt hãi hùng của ông Tuyến khi tìm ông trong phòng khách sạn dành cho các nhà báo Mỹ. Ông Ẩn vội vã lái xe đưa ông Tuyến đến Tòa Đại sứ Mỹ kiếm tìm cơ hội cuối cùng bất kỳ có được. Nhưng cảnh tượng thật hãi hùng: Tòa Đại sứ đông nghẹt những người cầu cứu hoảng loạn. Chiếc xe cũ Renault của ông Ẩn không sao len vào được. Gọi điện khắp các địa chỉ cần thiết khác trong thành phố, cuối cùng ông Ẩn liên lạc được với một nhà báo Mỹ có thể nhắn cho Tòa Đại sứ. Nhờ thế họ mới biết được còn chuyến di tản tại ngôi nhà của CIA đường Gia Long nơi đã “diễn ra” hình ảnh biểu tượng của Sài Gòn sụp đổ.
Ở tòa nhà này, họ cũng suýt nữa thì trượt chuyến đi. Cánh cửa thép của tòa nhà đã đóng lại khi chiếc xe Renault ông Ẩn chở bạn chạy tới. Người lính gác không mở cửa để tránh dòng người có thể ập vào. “Đề nghị cho gọi ông Polgar!” Ông Ẩn yêu cầu được gặp sếp CIA mà ông quen. Nếu gặp được Polgar, chắc chắn ông ta biết câu chuyện trầm trọng của ông Tuyến, sẽ giải quyết ngay. Nhưng người lính gác không chịu gọi. Vừa may lúc người vợ của anh lính gác đi mua đồ ăn đến. Cánh cửa hé ra cho bà ta vào, thế là ông Ẩn dùng một tay giữ chặt cửa, tay kia đẩy mạnh bạn mình vào lọt. Tờ Newsweek kết luận: Thế là, vị trùm cảnh sát mật vụ Sài Gòn đã được một điệp viên của Hà Nội cứu thoát, leo lên mái nhà để lên máy bay đi di tản.
Trong nhiều bài báo của các nhà báo thế giới khi trở lại Việt Nam tìm tòi mọi câu chuyện, người ta đều chú ý chi tiết này. Một điệp viên tình báo chiến lược đã cứu mạng viên chỉ huy mật vụ, người cộng tác lâu năm của CIA. Bài phỏng vấn của Morley Safer cũng không bỏ qua chi tiết này. “Chuyện gì xảy ra sau khi mọi người đi khỏi?” Ông Ẩn: “Bob Shaplen đưa tôi chìa khóa phòng của anh ta tại khách sạn Continental. Mấy phóng viên ngoại quốc khác cũng làm theo. Tôi trở về nhà đón mẹ tôi và dọn lên ở khách sạn. Tôi biết rằng ở đó có an ninh hơn. Mẹ tôi lúc đó cũng rất đau yếu nên tôi nghĩ có thể chăm sóc mẹ tôi dễ dàng hơn tại khách sạn. Tôi đoán vợ và các con tôi đã ra đi được trên một chuyến máy bay nào đó. Vì sao tôi ở lại? Ngoài việc chúng tôi đã đẩy hết người ngoại quốc ra khỏi xứ sở, giành độc lập, cần phải góp phần xây dựng lại Tổ quốc, thì còn lý do nữa là mẹ tôi đã quá già yếu, không thể đi được. Những điều này thật khó mà giải thích cho người ngoài cuộc hiểu được” Safer kết luận: “Ý thức bổn phận của một đứa con, chọn sự trung hiếu thay vì là Tự do”.
Về câu chuyện ông Ẩn cứu Trần Kim Tuyến, Safer viết: “Tuyến chắc chắn là mục tiêu trả thù đầu tiên của Việt Cộng. Với sự giúp sức của Mỹ, Tuyến đã tổ chức và chỉ huy mạng lưới tình báo đầu tiên của chính quyền Sài Gòn chống lại Cộng sản Miền Bắc. Trong tình hình hỗn mang của Sài Gòn sụp đổ, Tuyến bị lỡ hai chuyến bay do CIA tổ chức cho anh ta và gia đình. Vợ con ông ta thì đã tìm cách thoát đi qua ngả bạn bè ở Tòa Đại sứ Anh. Riêng Tuyến đến ngày cuối cùng không còn ai ngoài Phạm Xuân Ẩn để nhờ cậy. Ẩn đã đẩy Tuyến vào xe hơi của mình chạy vòng vòng trên một Sài Gòn đang sụp đổ để tới một cao ốc của Mỹ, vượt qua lính gác mở cánh cửa sắt đẩy Tuyến vào. Trong một bức ảnh ở ngày cuối cùng ấy, trong lố nhố khuôn mặt nhào tới chiếc trực thăng Mỹ trên nóc tòa cao ốc, có mặt Tuyến. Nhưng Ẩn đã không có mặt trong hình. Anh ta đã ở lại”.
Ngày 30-4 năm 2001, qua đi đã 26 năm, và dường như vị tướng già này vì lịch sử mà phải kể lại, chứ nó không còn là câu chuyện quan trọng nữa. Ông cho nó là chuyện cũ.
Vì sao ông Tuyến lại rơi vào cảnh đó, khi mà ông ta đứng đầu bảng số những người mà Mỹ phải đưa đi? “Ông ta là nhân vật thứ ba sau Diệm - Nhu. Làm Giám đốc Sở Nghiên cứu chính trị - văn hóa - xã hội, người Mỹ gọi là Sở Mật vụ. Trong suốt cuộc đời làm việc, quan hệ lấy tin tức, ông mến tôi. Sau đảo chính Diệm 1963, ông ta cũng bị bắt. Ông ta đi cùng máy bay với ký giả Stanley Karnow từ Hồng Kông về. Ổng bị bắt ngay trước mắt Stanley. Sau lúc ông ta bị bắt, tôi tới nhà thăm, bả đang mang bầu. Vì sao ông ta kẹt lại ngày 30-4 khi vợ con đi cả rồi? Vì ông này ghét Thiệu. Trước giải phóng một tháng, ngay sau khi Đà Nẵng thất thủ, Tuyến vẫn đang trong một âm mưu lật đổ Thiệu để lập chính phủ mới.
Tối 1-4 bác sĩ Trương Khuê Quang, giám đốc trường Quốc gia nghĩa tử, người trung gian của Tuyến đưa Tuyến đến gặp Trí Quang. Đêm mồng 3 rạng mồng 4 Thiệu bắt nhốt hết những phần tử âm mưu đảo chính. Thành ra mới có vụ cả dân biểu, nghị sĩ, nhà báo bị nhốt. Ông Tuyến hy vọng Thiệu đi sớm, sẽ thả đàn em của mình ra. Nhưng mãi khi ông Hương lên rồi vẫn thưa thả, 26 mới thả. Ông Tuyến yên trí CIA đưa mình đi”.
Ngày 30-4 đó, câu chuyện của ông Ẩn làm rõ thêm hình ảnh cuối cùng: “Người cháu ông Tuyến, một viên thiếu tá chở ông đến bằng xe Hon-đa. Tôi giục nó về lo vợ con, để ông Tuyến lại. Tôi kêu Tòa Đại sứ. 5 cái telephone tất cả. Sự thể diễn ra như báo chí nói rồi. Tuyến đi chuyến cuối cùng của CIA cùng với ông Trần Văn Đôn. Ông Đôn trông cũng thảm, không lên được mấy chuyến trước. Con ông bảo “Ba! Ba! Đừng bỏ cuộc”. Cô bí thư tên là Hà Hiếu Lang, em đại tá Điệp. Sau cô bí thư của ông Polgar, chủ nhiệm CIA nhường 3 chỗ cho gia đình trung tướng Đôn. Người cuối cùng lên máy bay là ông Tuyến. Trong hình, cái người thấp bé là ổng. Chi tiết này sau tôi biết được do đọc báo trong bài người ta phỏng vấn tướng Đôn. Tấm hình cuối cùng đó của một phóng viên hãng UPI. Hãng được sử dụng 20 năm, mới gần đây tác giả mới lấy bản quyền”.
Safer viết: “Ẩn đã can đảm giúp cho Trần Kim Tuyến thoát khỏi Việt Nam. Tuyến là một trong những viên chức cao cấp nhất của CIA tại Việt Nam. Là một tay âm mưu bất trị làm việc cho Thiệu sau đó chống lại chính quyền Thiệu. Vào ngày cuối cùng của Sài Gòn Tuyến vẫn còn nỗ lực thương thuyết với Phật giáo để lập một chính quyền mới”.
Có lẽ những việc cứu kẻ thù này không chỉ diễn ra một lần. Ông đã từng cứu cả những người bạn Mỹ thoát chết trong các tình huống cực kỳ phức tạp của chiến tranh. Vì sao ông làm điều đó? Các nhà báo nước ngoài có phần cho rằng vì ông được đào tạo từ nhiều nền văn minh Pháp - Mỹ, hiểu và sống theo giá trị nhân văn, thoát ra khỏi quầng tối của sự cực đoan nên nhân cách cao quý đã giúp ông làm nên nhiều việc phi thường. Khi ông trả lời Henry Kamm “Những hoạt động của tôi hoàn toàn được chia ra những ngăn riêng biệt” là nói về sự tồn tại khác thường của ông ở cả hai phía. Những cái mâu thuẫn ấy thật không sao tả nổi. Nội làm một cái nghề lấy tin tức báo chí không thôi đã nghịch cảnh rồi. Làm báo, tìm mọi cách moi tin, để rồi đưa ra rộng rãi. Còn làm nhiệm vụ tình báo thì tìm mọi cách lấy được tin tình báo rồi, lại phải giấu biệt đi. Ông thường phải sống với nghịch cảnh đó.
Cái ngày 30-4 ấy hình như bây giờ mỗi khi nhớ lại, ông phát hiện thêm tình trạng của chính mình. Vợ con ông đã đi cả, còn một mình ông với mẹ già ở lại. Ông chưa nhận được chỉ thị gì mới. Đó cũng chính là lúc hỗn loạn, rất có thể một chàng lính trẻ Giải phóng nào đó không biết ông là đại tá trong quân đội Cách mạng, với cây AK47 trên tay thì chẳng có lời giải thích nào lọt tai anh ta. Và rất có thể “tụi nó sẽ giết tôi đồng thời nướng sống mấy con chó của tôi nữa”.
Ông Ẩn ít khi nói về nỗi sợ hãi, không phải ông cố tỏ ra can đảm, mà là cho rằng sợ hãi, lo âu trong đời người tình báo là tất yếu, luôn luôn. “Những lần ấy ông Tuyến làm tôi muốn đái ra máu”, vẫn cái giọng ôn hòa rất hài hước dân dã mà không lộ liễu, ông kể về cuộc cứu ông Tuyến nó gay go thế nào. Không chỉ là việc Tuyến cuống quýt leo lên được chuyến máy bay cuối cùng, mà trước đó nữa, suýt thì ông lâm vào cảnh rắc rối vì Tuyến. “Ông Tuyến đang lo mưu đảo chính. Đà Nẵng mất ngày 29-3, trong này Tuyến càng gấp gáp. Cái đêm cả đám 14, 15 đàn em của Tuyến và lối một chục tên của các tổ chức khác bị nhốt ấy thật đáng sợ. Tuyến rất có thể sẽ bị bắt vì đứng đầu. Tất cả những ai thân thuộc qua lại nhà Tuyến cũng sẽ bị bắt. Nếu có bắt tôi lúc này thì rất kẹt. Sau chiến thắng Ban Mê Thuột là biết địch sẽ di tản. Phải chuẩn bị chờ lệnh mới, mà mình bị bắt, bị thủ tiêu thì thật khủng khiếp. Suốt cả ngày tôi không ăn uống gì được. Tôi vào ngủ trong tòa báo, không dám ở nhà”.
Sau này ông mới biết được cái cảnh ông Tuyến nghe điện thoại vợ con đàn em lần lượt báo tin chồng họ bị bắt. Ông ta mặc đồ Tây sẵn sàng trong đêm để bỏ trốn. Ông Tuyến không bị bắt do có sự can thiệp của Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Hảo. “Còn với tôi, có lẽ họ còn ngại đụng đến người của báo Time”.
Cho dù đã đọc chuyện 30-4 do báo chí viết, cũng như lời ông kể với bạn bè, tôi vẫn thấy ông còn là điều bí ẩn. Có nhiều chuyện tuyệt mật chưa được giải mật chẳng bao giờ ông kể đã đành, nhưng có nhiều điều bình thường ông cũng không kể ra. Nó thoảng qua trong câu chuyện khiến người tinh ý hiểu rằng phía sau còn nhiều chiến công thầm lặng. “Có những chuyến trước khi tôi đi, vợ chồng tôi phải xác định với nhau một là nó bắt, thủ tiêu thì tốt nhất. Hai là đáng sợ hơn nó bắt tra khảo, lộ ra tài liệu thì liên lụy nhiều người”. “Có lần nguy hiểm đến nỗi tay đưa ám hiệu, chân tôi vẫn run bần bật. Dù đã cố trấn tĩnh, nhưng phản xạ tự vệ của cơ thể khiến nó vẫn run lên trước tình thế quá nguy hiểm”.
Trong câu chuyện, ông rất ít trả lời vào những câu hỏi về người vợ mình. Bà đã thôi hẳn công việc của một nhân viên tiểu công nghệ để làm người nội trợ. “Để cho không có môi trường địch có thể đánh vào bên trong”. Ông giải thích sơ lược, vì nó động đến các vấn đề kỹ thuật của nghề tình báo. Dù luôn có ý thức cảnh giác đi nữa, càng ít mối quan hệ với bên ngoài càng tốt cho vợ ông. Bà không đi làm việc ra ngoài. Không có người ở giúp việc. Bà vẫn đi riêng kín đáo theo dõi từ xa mỗi khi chồng giao tài liệu cho giao liên. “Rủi có bị bắt thì bả báo cho cơ sở ta biết”. Mỗi khi ông đến nhà các nhân vật quan trọng, bà đi theo cốt kéo bà vợ hay nghe chuyện của ông chủ nhà ra một chỗ. Hai người vợ nói chuyện, để cho chồng bà nói chuyện với ông chủ nhà.
Từ ngày 23-4 vợ con ông đã được gửi sang Hoa Kỳ. Họ bay trên chuyến bay sơ tán thân nhân những người làm báo Time. Tòa báo muốn tránh cho khỏi vướng vào chiến trường có thể sẽ đẫm máu ở Sài Gòn. Sau này, họ đã trở về được.
Những chi tiết về người vợ chỉ xuất hiện rất ít. Henry Kamm cũng chỉ có được vài dòng sơ qua: “Chỉ có mẹ và vợ của ông Ẩn biết cuộc sống lưỡng diện đầy nguy hiểm của ông”.
Hình như vì nhiệm vụ Cách mạng và công việc khác thường của vị tướng, mà cả gia đình ông cũng sống phong cách Ẩn. Người ta chỉ thỉnh thoảng thấy bóng bà trong phòng khách, ít khi ngồi tiếp khách cùng chồng. Mọi lo toan, sự can đảm của bà êm thấm ở khu sau nhà, nơi mọi sinh hoạt hậu cần diễn ra với tiếng la chí chóe của đứa cháu nội nghịch ngợm nô giỡn. Còn về người mẹ của ông, không có hình ảnh gì nhiều ngoài vài chi tiết. Bà không đi Mỹ với con dâu và các cháu mà đến ở trong tòa báo với con. Qua câu chuyện của ông Ẩn, hình ảnh cuối cùng của người mẹ, cũng chỉ là hình ảnh của một đám ma im lặng.
“Bà già tôi mất ở chính ngôi nhà này. Làm đám ma mà hàng phố trước cửa không ai hay. Làm êm rơ, lúc đưa ra cửa, hàng phố mới biết. Có người nói nhà ông Ẩn cách mạng, làm đám ma nhanh quá, như mấy ông cán bộ. Tôi bảo họ: “Không phải, cách mạng người ta đàng hoàng, đâu như tôi, ông nội!”
Nói chuyện này ông Ẩn không nhìn ra xung quanh. Ông rót nước trà mời khách và cho biết ngôi nhà này sống đã bốn thế hệ, chết một còn ba…
Những người phụ nữ quan trọng nhất đời ông, mẹ và vợ chỉ xuất hiện rất ít trong câu chuyện. Nhưng vì thế lại càng gợi lên bao nhiêu mong muốn tìm hiểu về họ. Càng mong muốn càng gặp sự im lặng. Không phải ông cố giấu, hoặc khiêm tốn. Cũng có thể nhưng có một phần chắc là do lối sống kín đáo cả một đời. Phải chăng vẻ đẹp đó cũng mang chút gì như “bệnh nghề nghiệp?”.
Vị tướng đã yếu ớt do bệnh và tuổi cao. Dáng đi của ông hơi còng xuống, do cao gầy, hay là do thân thể ấy đã mang vác một cuộc đời quá phong phú và gian truân. Chỉ vẻ mặt, đôi mắt to đen thông minh và đôi tai to, người trong nghề nhạc gọi là đôi tai thẩm âm tốt, làm toát lên vẻ linh hoạt, trẻ trung của một trí tuệ vẫn mạnh mẽ.
Ông ngồi giơ điếu thuốc, miêu tả cách gói tài liệu tài tình của những chị giao liên. Họ nhét vào bụng cá, để cho hôi rình. “Bọn lính mở ra khám là bố mày đưa trả ngay. Sao chịu được mùi khắm hôi rình”.
Khi giải thích cái từ kỹ thuật nghề nghiệp của người tình báo hoạt động độc lập và cô đơn mà thuật ngữ nghề nghiệp Anh - Mỹ gọi là “Lone Wolf” (chó sói cô đơn) ông lại có một thoáng cười hài hước tự trào của người già thông thái: Trong bầy sói thường có con sói đầu đàn dũng mãnh xông pha. Nhưng khi về già, nó không theo kịp bầy đàn nữa, mà thường tách ra khỏi đàn, đi một mình kiếm ăn cho qua đời.
Cái cười hài hước về thân phận người, không chua chát. Có vẻ gì đó ung dung của một người thông minh chấp nhận quy luật của thiên nhiên.
Có lẽ vì thế mà với những nhà báo phỏng vấn kỳ cựu nhất, tỏ ra hiểu con người nhất vẫn phải chịu cảm giác của Morley Safer: “Những giải thích của Ẩn không làm sáng sủa gì hơn mà lại càng khiến anh ta thêm bí ẩn. Bài toán đố càng trở thành khó hiểu. Ngồi cách tôi không xa trong vùng tranh tối tranh sáng nhìn qua làn kính dày, cặp mắt anh lớn ra một cách tức cười. Ẩn bước ra khỏi cứ điểm, nhưng liệu còn bao nhiêu lớp che giấu nữa và còn thêm những gì tự thú trong tình bạn bè?”
Đúng là cảm giác ấy. Đôi khi ông như bước ra “khỏi cứ điểm” của cuộc đời đầy bí ẩn rồi lại bước vào, bao nhiêu là sự kiện quý báu của lịch sử đã đi qua mà không muốn để lại điều gì về cá nhân mình.
Đây chính là sự bất lực của những ai ham muốn tái hiện cuộc đời ông bằng chữ nghĩa. Ông không cố ý làm họ đau đớn hay thất bại. Giúp ai được gì ông cố giúp, nhưng ông giữ lại cho mình lối sống tự nhiên, rất im ắng đi vào chiến công sáng chói của người anh hùng. Nay lại im ắng rút lui khỏi hào quang sáng chói của sự tôn vinh của xã hội khi mọi việc đã hoàn tất.
Kỳ cuối
“Có ba nền văn hóa trong những người Việt Nam như tôi”. Henry Kamm trích lời ông Ẩn, nhưng bài viết Kamm chỉ đưa ra biểu tượng của những nền văn hóa ấy ở lòng yêu nước, yêu con người, dũng cảm, khôn ngoan và độ lượng. Những đặc tính lớn ấy cụ thể trong đời sống của ông như thế nào?
“Khổng học trong ông già tôi nặng lắm. Gốc từ thời ông bà ông cố ông sơ từ bao giờ. Lớ quớ là tôi ăn đòn liền. Văn hóa văn minh Việt Nam nhân nghĩa lễ trí tín thấm sâu vào trong lối sống. Cụ Hồ trước lúc mất cũng như suốt đời Cụ là những bài học đối nhân xử thế. Ông nội tôi cũng găng lắm. Tôi vô lớp bét Đồng Ấu về, ông hỏi: thầy dạy em đi học để làm gì. Dạ, để học tính, học đọc, học viết. Thế là ông đánh cho một trận liền: Mày bỏ khúc đầu. Thầy bao giờ cũng dạy: Tiên học lễ, hậu học văn…”
Dường như giờ đây là một người ông thấu hiểu nỗi khốn khổ của trẻ con nên ông thương thằng cháu nội lắm, thương cả trẻ con nói chung. Ông vẫn còn thấy hình ảnh của mình khổ vì không sao hòa hợp được các quan niệm của ông, cha mình. “Mình kẹt cái đó”, vừa thương tuổi thơ, thương cả cha mình vừa không có gì trách giận, chỉ trách giận bản thân mình. Bằng chứng để tự giận mình là mọi đứa trẻ ngày ấy không gặp vấn đề như ông. Lứa trẻ con ngày đó nhiều đứa đã hòa hợp được mà nên người, còn ông thì không. Ông vẫn nhớ mình luôn được cha mẹ dạy rất kỹ các phép tắc: “Đi đường thấy chai bể không được phớt lờ đi qua, mà phải lượm để vào gốc cây cho ai đi qua vô ý không đạp phải. Khách đến chơi, không được leo lên sa lông, ghế ngồi hóng chuyện. Đến chơi nhà ai nếu không được phép thì không ngó nghiêng hay tự ý vào phòng trong…” Ông nói sơ qua về lối dạy dỗ thường của gia đình truyền thống Việt Nam nặng Nho giáo.
Thế còn văn hóa Pháp? Ảnh hưởng ra sao? “Từ lúc học trung học là đã thuộc văn hóa, lịch sử, văn chương Pháp. Lịch sử Việt Nam chỉ học cấp dưới, lên trung học là thôi. Học địa lý Pháp là phải thuộc từ cục đá, con sông, có hình ảnh chứ như bây giờ thấy toàn vẽ không. Chỉ có một nước nó không cho học là Liên Xô. Á Châu mà nó trừ Nga!”. Ông nhớ lại thuở đi học ấy. Cách dạy của Pháp tuy có nhồi sọ thật, nhưng lần đầu tiên có thêm cho người học sinh nhiều khái niệm mới. “Khái niệm về vấn đề quốc gia, nhà nước lúc ấy học sinh mới được dạy. Sách giáo khoa dày cộp, phải học kỹ. Đi thi trả lời loạng choạng là rớt liền. Thí dụ nó dạy ăn cắp của nhà nước là ăn cắp của mọi người, phải nói đúng khái niệm, chứ không thể nói kiểu xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa như bây giờ ta nói. Phải học thuộc lòng. Cả cách đối xử với mọi người: lúc lên thang, ngồi xe có phụ nữ. Học từng tí”.
Còn sự ảnh hưởng của văn hóa Mỹ, thì rõ ràng ông đã học được nhiều điều thiết thực làm thay đổi các suy nghĩ thông thường. Câu chuyện ông hay kể lại về mình “có cái thông minh, có cái ngu”. Người ta hỏi vì sao làm đường phải ngoằn ngoèo. Nghĩ một lúc thì trả lời là làm thế cho tài xế phải chú ý mà không dám ngủ gật! Đâu phải! Thực tế hơn nhiều: con đường chạy sao cũng gặp các khu mồ mả, đất riêng của dân. Có khi do tiền không có nhiều phải làm đường uốn vòng vèo tránh khúc khó. Thời Pháp quy định sĩ quan cấp nào không được lái xe. Binh nhì, hạ sĩ, lái xe Jeep, sĩ quan không được đi xe đạp. Nếu cần phải ngồi xích lô giữ tư thế. Không được đi xe điện. Đến thời Mỹ, viên trung tá hẳn hoi cũng xắn tay áo sửa xe. Cái gì thuận lợi, tốt cho cuộc sống thì làm… Văn hóa thực dụng kiểu Mỹ đã dạy nhiều thứ…
Ông kể nhiều chuyện đời sống và các câu chuyện đơn giản ấy của thời cuộc đã tạo nên con người: “Nặng chất Việt Nam, yêu nước số một là người Việt Nam. Pháp thì mở ra những khái niệm công bằng tự do bác ái. Mỹ thì nặnglà vấn đề lao động, thực tế. Có làm mới có sáng kiến và kỷ luật. Cai trị bằng luật. Thế giới nhiều luật sư nhất là Mỹ. Tranh chấp việc bầu cử Tổng thống giữa Bush và Gore vừa rồi mỗi bên 500 luật sư theo dõi ở Florida. Trưởng cảnh sát ở cấp quận là phải bầu…”
Dưới dàn cây bóng mát, ông có thể vừa cho chim ăn, vừa trò chuyện nhỏ nhẹ và các câu chuyện đều mang ý nghĩa rất gần gũi đời sống. “Rất Mỹ”. Cái cảm giác đó không rõ bắt đầu từ cái gì. Khó lòng tách bạch, bởi ở ông toát lên một nét nhân văn rất Việt Nam. Rõ ràng không phải là một ông già yếu ớt lo sợ trước cuộc đời xáo động. Có thể “Chung sống hòa bình” với các bệnh tật, trào lộng hồn nhiên mà không lộ liễu. Ở ông vừa có một cậu bé tinh nghịch yêu súc vật cây cỏ, một người tò mò kỹ thuật nhưng lại sống bằng nghề phân tích và tư duy trừu tượng. Ông không viết ra như Đoàn Giỏi, Sơn Nam, cũng chẳng nghiên cứu bác học như cụ Vương Hồng Sển, nhưng ông sống thấm đẫm quê hương. Có lẽ cái dáng vẻ thi nhân của ông mà ký giả nước ngoài cảm thấy mà họ không thể chứng minh. Đời ông hoàn toàn xa cách với thi ca.
Ông làm cái nghề, ngay từ lúc mới nhận nhiệm vụ đã không muốn, cái nghề của khôn ngoan, của suy xét trước sau không được sai một ly. Một ly là mất mạng, là hỏng việc nước… Có thể đó phải là con người luôn mở to mắt nhìn, toan tính cho rõ, tránh những sai lầm. Vậy mà lại dáng thi nhân và một triết gia. Vẻ phong nhã thi sĩ và cái khôn ngoan triết gia có thể chắc chắn đã thấm vào ông từ nền văn minh Á Đông mềm mại nhất. Nó bắt đầu từ đâu nhỉ? Thật khó biết rạch ròi. Bắt đầu từ cái thuở trước Đại chiến Thế giới thứ hai?
“Lúc tôi 9, 10 tuổi, sống ở Sài Gòn, bắt đầu biết cảm nhận cái thành phố nhiều chỗ để chơi này”. Chú bé 10 tuổi xuống xưởng Ba Son, vào Sở Thú học làm Tazan leo cây đa, đu để rớt ào xuống sông lại bơi vào đeo toòng teng trên rễ đa. Làm quen với một ông thợ xưởng Ba Son xin ông đúc cho đồng xu nặng để đánh đáo: “Ổng cưa cho miếng, và mài bóng lên. Vào khoảng năm 1928 khi chưa có tiền xu đồng nặng, tới năm 1935 là nhẹ rồi, dùng làm cái chọi. Mãi sau này mới có đồng nửa xu”. Một chú bé nghịch ngợm, ham chơi, say khám phá, cho đến bây giờ thành một người nhiều tuổi vẫn yêu mãi cái thành phố thuở xưa ấy. “Lúc đó dân còn thưa thớt, ở xa. Dinh Đốc lý Sài Gòn một cái, Chợ Lớn một cái. Thành phố thoải mái. Tôi thì có tật lang bang chơi nhiều, đi khắp, cái gì cũng biết. Tây thì sống ở mạn bến Bạch Đằng, Sở Thú, dinh Norodom. Tây luôn lựa đất cao ở, họ không chịu được phong thấp của xứ nóng. Vùng cao nhất Sài Gòn là vùng Sở Thú. Cây lớn. Lúc đó mới chỉ là vườn bách thảo. Sau dần mới có đem thú vô. Tây thì luẩn quẩn ở đó thôi, khu của người Pháp. Bao giờ cũng vậy: nhà ông toàn quyền, dinh Norodom (nay là dinh Thống nhất). Vừa hành chính chen lẫn khu nhà ở. Xây ở tỉnh nào cũng vậy, luôn có nhà ông chánh tức là tỉnh trưởng, rồi đến tòa án, khám lớn. Dân sang trọng cũng ở gần đó…”
Trong ký ức cậu bé, Sài Gòn xưa còn nhỏ, ra khỏi là đến Gia Định. Bên kia cầu Thị Nghè là Gia Định. Đakao đã là ngoại ô. Sài Gòn lúc đó nhiều Tây, có tới 50 ngàn người Pháp cai trị toàn Nam Kỳ. Xuống bờ sông là hải quân. Nhà cửa chạy từ Sở Thú xuống tới Đại Sứ quán Mỹ bây giờ, là doanh trại trung đoàn bộ binh thuộc địa 11 của Pháp 11e Régiment d’ Infanteric Coloniale (11e R.I.C). Ông vẫn còn nhớ: “Nhà kiểu doanh trại, nay hình dáng gốc vẫn còn y nguyên, chỉ sửa bên ngoài”.
Xem ra chú bé này nghịch đủ mọi thứ: “Cúng lăng Ông, lẻn vô coi hát bội. Năm nào cũng cúng lớn. Đứng coi ai cao phía sau. Phía trước ngồi. Nam nữ lúc đó còn thụ thụ bất thân. Tôi đứng, nhổ nhang sướng lắm. Nhang lớn, bằng cái cẳng cái. Thích Tết. Noel vào nhà thờ Gia Định coi lễ. Ở đó, trước trống trơn, có cả ao hồ, xe điện từ Gò Vấp, Hóc Môn ra Chợ Lớn. Đi xe điện mấy xu. Muốn đi ciné thì lên xe điện ra Đakao gần Cầu Bông. Đi sớm chút. Thường đi một mình, hoặc với đứa em gái 8 tuổi. Nếu đi một mình thì khoái hơn, chui vô mua giấy xe điện. Có nhiều suất coi: 1 tới 3 giờ, 3 tới 5 giờ, 5 tới 7 giờ, 7 tới 9 giờ. Coi suất 3 tới 5 giờ có lợi: ra còn coi Tây đầm đi Patin ở góc Đinh Tiên Hoàng, nay xây tùm lum rồi. Coi đã, lên xe về. Chủ nhật thì đi bộ, cầm cái ná bắn chim. Nhà ở đường Cây Thị (gần Hàng Xanh), trồng toàn cây thị, lúc đó ruộng hết, không có nhà. Chiều mát Tây đầm chạy xe hóng mát vòng vòng Hàng Xanh, Cầu Bông, chạy về đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa bây giờ, về Sài Gòn. Mùa thị chín, phố thơm lắm. 4, 5 giờ sáng đã ra lượm thị. Trái chín vàng bỏ túi thơm như các chị thường làm. Hễ thấy có gió thổi nhiều là chạy ra liền ngồi chờ.
Ông già tôi khi rảnh hay đem ra dạy học. Hay đánh lắm. Vì con lười, chơi không. Vì vậy tôi hay trốn đi chơi. Còn đem theo cả vắt cơm. Đạn để bắn chim thì vò viên tròn phơi khô bằng đất sét. Vò viên bây lớn, se lại phơi khô, để cái bao, bên đây giàn thun, vắt cơm muối mè. Nói là đi chơi chút, là đi luôn. Bắn chim xong tắm. Sông bần mọc đầy. Mà sông sạch lắm, nước trong vắt. Hồi đó có nhà Phú Hữu sản xuất gạch đỏ, rất giàu. Tôi sang đó lấy đất sét nắn nồi, soong, ba ông đầu rau. Củi cây mục bẻ chỗ nào cũng có. Gia Định lúc đó nhiều rừng cao su. Từ chợ Gia Định có đường Chi Lăng mọc cao su, tay trái là mả. Lấy mủ cao su làm banh đá nặng lắm. Rồi bắt cá dưới ruộng. Nghĩa địa thấp, mưa ngập nước, hòm mục, sọ người trồi lên, cá đẻ vào đó. Hễ thấy bọt, nắm lấy xương sọ đổ rút ra rổ là có cá!”…
Đúng là chú bé chơi thật đã, chẳng biết sợ là gì. Có lẽ chú đã lục lọi khắp các ngõ ngách của cái thành phố tuổi thơ của chú không còn bỏ sót xó nào. Không có phố nào không có kỷ niệm. Cho tới lúc thành chiến sĩ tình báo rồi, đi làm phóng viên cho hãng Reuters rồi, những con phố vẫn chưa thôi “dính dấp”.
“Thời kỳ làm cho Reuters, tôi đi làm lái xe vòng sau dinh Độc Lập. Thời kỳ 1961 - 1962 Lệ Xuân cấm chơi bạc nên các tay chơi phải tụ tập ở quán, cá độ bằng số xe qua lại. Xe tôi đi qua cứ bị ném đá hoài. Có đứa còn quát chửi theo, Đ.M cái xe này cứ qua đây hoài! Thì ra là số tôi số NBC - 253 cộng lại là 10, số bù, đám cá cược gặp xui. Ông Tuyến biết chuyện bảo tôi: “Đi lối khác đi. Tránh đường đó đi”.
Đánh bài cào, nhảy đầm, cái gì ông cũng chơi cũng thử. Thích nhất là hay chơi vòng vòng đây đó. Một lần nhà văn Nguyễn Khải hỏi ông: “Làm nghề tình báo giữa cái sống cái chết, ngay trong đầu não địch, căng thẳng vậy làm sao sống được”. Ổng trả lời: “Chơi!” Và nói giỡn: Đi nhảy đầm ôm mấy cô là quên hết…
Cậu bé lớn lên, thành người hoạt động tình báo, chứng kiến Sài Gòn trải qua bao rung chuyển đổi thay. Sài Gòn chống Mỹ, Sài Gòn biểu tình, Sài Gòn trong bom đạn Mậu Thân, Sài Gòn giải phóng. Từ cậu bé xài những đồng xu đầu tiên bằng đồng điếu, (tiền xưa Bảo Đại lỗ vuông) cho tới hôm nay vẫn chưa thôi “chơi” những “trò chơi” của cuộc sống. Vẫn đòi hỏi gắng sức cho công việc không hề có kết thúc.
Bao nhiêu người bạn bè đi xa đã trở về gặp gỡ, phỏng vấn mãi không thỏa mãn mong muốn biết rõ về cuộc đời của ông. Kể cả những người đã từng sống với ông nhiều quãng đời quá khứ. Cũng có những người bạn của ông khác chính kiến đã ra đi, hẹn về gặp rồi không bao giờ trở về nữa. Họ đã nằm lại một xứ sở khác, để không bao giờ còn được thỏa lòng mong ước thấy lại Sài Gòn với những con người kiệt xuất của nó như Phạm Xuân Ẩn.
Những nhà báo nước ngoài không ngừng miêu tả nhịp sống Sài Gòn hôm nay với đủ cách nhìn. Các nhà khoa học Nhật Bản thì tính rằng giao thông của thành phố này có thể gặp rắc rối, mật độ dân cư đi lại dày đặc, tốc độ đi lại trung bình của xe cộ đã giảm xuống chỉ còn 10-12km/giờ. Nhà báo khác thì so sánh những tòa nhà cao ốc và thích chụp các ngõ hẻm hơn. Hậu trường của cái thành phố được xây dựng từ thế kỷ thứ 17 này đã biến đổi. Khách sạn thuộc địa, tòa thị chính, nhà thờ xây theo kiệu Gô-tích hình như đang mờ dần đi sau các cao ốc văn phòng. Người ta nói tới những chiếc cầu vượt sông, các dự án tuyến đường xe điện, các chung cư và trung tâm thương mại lớn. Khách nước ngoài và Việt kiều có thể đi du lịch vòng vòng bằng xích lô để thấy những hàng quán, dòng người và những biển quảng cáo nhiều màu. Tùy theo cách nhìn mỗi người, họ có thể nói về xây dựng, phát triển, hay là chỉ thấy những bác xích lô đẫm mồ hôi, những người ăn xin tàn tật. Hoặc chỉ thấy các vũ trường, các nhà hàng với món xúp cua, tôm… Tất cả đều đúng với Sài Gòn vì nó có những thứ ấy trong nhịp điệu tăng trưởng của mình. Chỉ có điều, những doanh nhân ở các liên doanh với Hồng Kông, Đài Loan, Malaysia hay Singapore, giờ đây đã là một thế hệ mới. Những vũ trường Queen B hay Cheers, Tropical Rainforest Gossip hay Pink Cadillac… hoặc là các quán ăn uống rực sáng đèn giờ đây không chỉ dành cho những vị khách thời thượng của ngày xa xưa.
Thời đại mới, có lớp người mới với những phẩm chất mà lớp người xưa không có. Những gì ưu tú của lớp người xưa, bây giờ có thể không giống cái ưu tú của thời nay. Nhiều phẩm chất mới khác đang hình thành. Lớp người mới không còn phải dùng đến thứ can đảm, chịu đòn tra, hoặc làm những việc chiến đấu đạn bom. Thử thách hôm nay khác. Nhưng vượt lên trên hết, cái chất Việt Nam đã chắt tận lòng của mình gửi vào con người. Sức mạnh tinh thần đã được truyền đi một cách mầu nhiệm, bí ẩn. Nó mầu nhiệm bí ẩn đến mức ta khó chỉ ra rạch ròi.
Nó giống như là tôi không thể nào chỉ ra nổi trong người tình báo Anh hùng Phạm Xuân Ẩn, đâu là phần cái rễ cây đa và nước sông trong mát cho cậu nô nghịch thuở thiếu thời, còn đâu là phần của những câu hát ru của bà mẹ, ngọn roi dạy dỗ một cách đớn đau của người cha. Đúng như lời của một triết gia “Linh hồn chính là quá khứ” (L’âme, c’est le Passe). Mà quá khứ của cuộc đấu tranh anh dũng của dân tộc này đã gửi vào các cá nhân của nó bao gồm những gì? Đó vẫn là một câu hỏi, một sự khám phá mãi không thôi…
Với Phạm Xuân Ẩn, cũng có thể lắm, làm nên đời anh hùng, có phần của những quả thị theo gió rơi xuống, thơm lừng trong túi áo. Bên trong hột thị, chú bé vẫn đinh ninh là có con Tấm, con Cám thật…
Lên trang này ngày 6-11-06
|