Lạ, sao giới truyền thông “bỏ sót” trường hợp này...
Phạm Quang Đẩu
Nhiều năm qua, các báo chí chính thống ở Việt Nam đã có cơ man bài viết
về những gương người tốt việc tốt, nhiều người còn được viết đi viết lại
không biết bao nhiêu lần, rồi tập hợp in thành cuốn sách dày. Thật bất
ngờ và xúc động khi tôi được gặp ông Nguyễn Đức Tấn, tức Thao, 78 tuổi,
ở khu tập thể Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội), một người “đặc biệt” mà
chưa bao giờ lên đài, báo trong suốt ngần ấy năm.
Ông Thao là thương binh nặng hạng 1, mất tới 80% sức khỏe, ông bị thương
trong trận 12 ngày đêm máy bay Mỹ tập kích vào Hà Nội cuối tháng
12-1972. Trường hợp sống sót của ông còn là minh chứng cho sức sống mãnh
liệt của con người trước những thử thách nghiệt ngã.
Trung úy Nguyễn Đức Thao học ở Liên Xô (cũ) về điều khiển tên lửa, thuộc
biên chế của Trung đoàn tên lửa 277 bảo vệ vùng trời Hà Nội. Ngày ấy tên
lửa phòng không chủ yếu là SAM 2, để đối phó với đòn tập kích chiến lược
bằng không quân của Mỹ dùng tới con “át chủ bài” B-52, quân đội Việt Nam
được Liên Xô viện trợ thêm loại tên lửa SAM3 và Trung đoàn 277 lần đầu
tiên dùng loại vũ khí này bố trí trận
địa tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh phía bắc thủ đô. Đêm 21-12-1972 khi đơn
vị chưa bài binh bố trận xong, các khẩu pháo cao xạ bảo vệ xung quanh
cũng chưa kịp kéo về, thì bất ngờ B52 ào tới ném bom rải thảm liên tục
trong một ngày hai đêm. Kíp trắc thủ của trung úy Thao 7 người thì hy
sinh 6, ông bị thương rất nặng. Đến ngày thứ hai, một bà lão ở địa
phương tình cờ phát hiện ông đang bị vùi trong đất đá và gọi cứu thương,
khi đưa ông ra, thân thể mềm nhũn, bê bết máu, bụi đất. Người ta bỏ ông
vào túi nhựa đựng xác tử sĩ, may mà ở tuyến sau phát hiện ông còn thở
thoi thóp, thì vội chuyển về một viện quân y đóng ở Vĩnh Yên. Cuộc chiến
đấu vẫn tiếp diễn, nhiều ngày ông được cấp cứu dưới hầm sâu, bác sĩ, y
tá túc trực 24/24 giờ ông có thể ra đi bất cứ lúc nào. Trận “Điện Biên
Phủ trên không” kết thúc, ông được đưa lên mặt đất vẫn trong tình trạng
hôn mê sâu. Người ta không dám đưa ông lên xe cấp cứu thông thường để
chuyển về tuyến điều trị cao hơn, phải gần một năm sau ngày bị thương
mới có được chiếc xe cứu thương “êm ái” đưa ông về Viện quân y108 ở Hà
Nội. Các giáo sư, bác sĩ ngoại thần kinh nổi tiếng như Phạm Gia Triệu,
Nguyễn Văn Cự trực tiếp điều trị cho ông. Trong vòng 3 năm, 3 lần lên
bàn mổ. Lần đầu vào tháng 12- 1973, tức mộ năm sau ngày bị thương, một
mảnh bom lớn đã cày vào sọ não ông một “đường hào”, mổ xong chỗ đó được
đậy lại bằng một miếng mi ca mỏng. Ông được phẫu thuật tiếp các năm sau
để lấy các mảnh bom cùng dị vật trên mắt trái, vùng sau gáy. Có lần
không kiềm chế được, ông dứt một dị vật nổi cộm trên mí mắt, máu chảy
lênh láng. Một đại úy phi công bị tai nạn xe máy ngay trước cổng Viện
108, bác sĩ đã lấy mấy dẻ xương sườn của người tử nạn làm thành mảng sọ
não thay cho tấm mi ca. Sau mấy cuộc mổ và chỉnh hình ông tạm “lành
lặn”, liệt nửa người, hỏng mắt trái. Giáo sư Triệu nói với vợ ông: Chồng
cháu có thể sống thêm 10 năm nữa. Từ ngày đó ông như đứa trẻ nhỏ: tập
ngồi dậy, tập bò, tập vịn giường đi, rồi đi chống nạng, còn phải tập
nhớ, tập viết bằng tay trái nữa. Khoảng10 năm kiên trì tập như thế ông
mới gần được như một người bình thường. Có một việc để luyện trí nhớ,
bác sĩ Phạm Gia Triệu đưa ông tập tài liệu y học tiếng Nga nhờ dịch.
Cũng thật lạ, tiếng mẹ đẻ có lúc ông còn quên, lẫn lộn, vậy mà đến nước
Nga hai lần tổng cộng có 6 năm (lần đầu ông là học sinh học trường Lư
Sơn-Quế Lâm, Trung Quốc sang Liên Xô học đại học kinh tế 4 năm) mà chỉ
một thời gian ngắn ông đã nhớ lại, đọc, kết hợp tra từ điển dịch được bộ
sách chuyên môn dày hàng trăm trang. Và đến ngày hôm nay ông đã sống dài
hơn 3 lần thời gian tiên liệu của bác sĩ.
Ở Việt Nam những năm 60 của thế kỷ trước, do được báo chí phát hiện
không ai không biết đến tấm gương của Đại úy Phạm Hồng Sơn, tiểu đoàn
trưởng Tiểu đoàn 307 lừng danh, bị thương liệt nửa người vẫn kiên trì
tập luyện và học tiếng Nga, trở
thành một dịch giả. Còn có tấm gương về ý chí, nghị lực của nhà văn Sơn
Tùng thời chống Mỹ. Là phóng viên chiến trường ông bị thương nặng vào
vùng đầu, nhiều lần chết đi sống lại vẫn làm việc không ngừng, đã viết
được nhiều tác phẩm có tiếng vang trong lòng bạn đọc.
Ông Nguyễn Đức Thao chính là một
“Phạm Hồng Sơn”, “Sơn Tùng” mới. “Tàn” nhưng không “phế”, sau khi ở bệnh
viện ra, ông đã trở lại làm việc ở cơ quan nhà nước thêm 14 năm nữa đến
khi nghỉ hưu. Đó cũng là một kỳ tích về nghị lực sống, làm việc của con
người. Cần phải nói thêm về bà Nguyễn Thư Kim, vợ ông cũng giống như vợ
dịch giả Phạm Hồng Sơn, vợ nhà văn Sơn Tùng, đó là những người phụ nữ
tuyệt vời. Bà là chỗ dựa tin cậy, niềm hy vọng lớn lao của cuộc đời ông.
Có lẽ do bản tính khiêm nhường, không hay kể về mình mà vì thế suốt 45
năm qua chỉ trừ một số bạn bè thân thiết, không báo đại chúng nào viết
về ông, không nhiều người biết về chiến công cùng cuộc chiến đấu với cái
chết một cách thầm lặng nhưng vô cùng quyết liệt của ông. Bản thân người
viết bài này vốn là phóng viên quân đội đã từng phát hiện nhiều nhân vật
ở nhiều tầng lớp, ngành nghề cũng có những việc làm “đặc biệt”. Song
thật bất ngờ, thú vị giữa lòng Hà Nội ồn ã, hoa lệ hôm nay, lại được đến
một góc sống bình lặng, thanh bần để được diện kiến một cựu chiến binh
từng sống, chiến đấu như một người anh hùng chân chính.
Ông, bà Nguyễn Đức Thao.
|