ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn:  Văn nghệ, Hà Nội, số 39 (24-9-1989)

HỘI NGHỊ LẦN THỨ VII BAN CHẤP HÀNH
HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM KHÓA III

(Lược thuật của Hội Nhà văn Việt Nam)

Trong năm ngày từ 5 đến 9 tháng 9 năm 1988, Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa III đã tiến hành Hội nghị toàn thể lần thứ VII để chuẩn bị cho Đại hội Nhà văn lần thứ IV, sắp tới.

Công việc chính của hội nghị lần này nhằm xem xét các văn kiện dự thảo của Đại hội trước khi gửi xin ý kiến của toàn thể hội viên, đồng thời nhận định tình hình văn học từ sau Hội nghị toàn thể lần thứ VI (tháng 4-1987) đến nay.

Từ các địa phương và các ngành trong cả nước, các ủy viên Chấp hành đã về dự đông đảo gồm:

- Vương Anh, Nguyễn Văn Bổng, Huy Cận, Nông Quốc Chấn, Lê Chí, Lâm Thị Mỹ Dạ, Phan Cự Đệ, Nguyễn Khoa Điềm, Y Điêng, Hà Minh Đức, Đoàn Giỏi, Tế Hanh, Tô Ngọc Hiến, Bùi Hiển, Tô Hoài, Chính Hữu, Nguyễn Kiên, Hữu Mai, Giang Nam, Vũ Tú Nam, Nguyên Ngọc, Lương Quy Nhân, Hồ Phương, Viễn Phương, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Đình Thi, Hữu Thỉnh, Hoàng Trung Thông, Hà Xuân Trường, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Phan Tứ, Chu Văn, Bằng Việt, Đào Vũ, và nhà thơ Lưu Trọng Lư, Ủy viên đoàn cố vấn Ban Chấp hành.

- Vắng mặt có ba đồng chí do ốm (Nguyễn Minh Châu, Chế Lan Viên và chị Vũ Thị Thường), ba đồng chí do bận công tác (Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Thép Mới), một đồng chí ở xa, gặp trắc trở về phương tiện đi lại (Lý Văn Sâm). Ba đồng chí vắng mặt có gửi thư phát biểu ý kiến. Riêng đồng chí Nguyễn Khải, Phó tổng thư ký xin vắng vì lý do đặc biệt và gửi một thư yêu cầu đọc tại hội nghị.

Hội nghị đã dành một phút mặc niệm các nhà văn, nhà thơ hội viên đã mất từ hội nghị lần thứ VI (4-1987): Nguyễn Tuân, Vũ Ngọc Phan, Thanh Tịnh (Hội đồng cố vấn của Ban Chấp hành), Xuân Quỳnh - ủy viên Ban Chấp hành, Lưu Quang Vũ, Phạm Huy Thông, Nguyễn Đức Nam, Trịnh Xuân An, Đào Cảng.

Đồng chí Đào Duy Tùng, Ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, đã nói chuyện với hội nghị vào sáng ngày 7-9 về những vấn đề chung của tình hình đất nước trong hai năm qua, những vấn đề lớn mà Trung ương đang nghiên cứu, kiểm điểm về kinh tế, về xã hội và văn hóa, về quốc phòng an ninh và quan hệ quốc tế, về các thể chế chính trị. Đồng chí đề nghị hội nghị nên thảo luận và đánh giá một số vấn đề hiện đang có ý kiến tranh luận trong văn học xem có những thiên hướng nào, ở mức độ nào. Đồng chí Đào Duy Tùng đã dự nghe các cuộc thảo luận, tranh luận cho đến buổi kết luận.

Đồng chí Trần Độ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Văn hóa - văn nghệ Trung ương đã đến dự suốt hội nghị. Sáng ngày 8-9-1988, đồng chí Trần Độ đã phát biểu ý kiến, nêu rõ chức năng Ban Văn hóa - văn nghệ Trung ương theo quy định mới của Ban Bí thư, và quan hệ làm việc của Ban với các hội văn học nghệ thuật. Đồng chí nêu những vấn đề mà Ban đang nghiên cứu, chung quanh công việc lãnh đạo, quản lý văn nghệ và một số ý kiến của Ban về vấn đề quản lý và tự do sáng tác. Đồng chí nêu một số nhận xét về bản dự thảo báo cáo là còn chưa đủ nhấn mạnh đổi mới trong văn học. Về vấn đề đoàn kết nội bộ, đồng chí đề nghị tránh những thông tin nhiễu, gây hiểu lầm. Vì có nhiều ý kiến về tuần báo Văn nghệ, đồng chí đề nghị Ban Chấp hành ra một nghị quyết nhận xét về tuần báo Văn nghệ.

Đồng chí Nguyễn Đình Thi, Tổng thư ký, trưởng ban chuẩn bị Đại hội trình bày dự thảo báo cáo của Ban Chấp hành; đồng chí Nguyên Ngọc, trưởng tiểu ban dự thảo điều lệ trình bày dự thảo điều lệ (sửa đổi).

Cuộc thảo luận trong hội nghị đã diễn ra hết sức sôi nổi và thật sự dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, có buổi làm việc tới sáu giờ chiều, có buổi tới một giờ rưỡi trưa. Những ý kiến va chạm có khi gay gắt, nhưng không hề có thái độ đả kích cá nhân hoặc thiếu tôn trọng nhau. Không hề có sự chèn ép, ngăn ngừa một ý kiến nào.

Hầu hết các ủy viên Chấp hành đã phát biểu ý kiến.

Tóm tắt nội dung một số ý kiến chính:

Về dự thảo báo cáo: Có ý kiến cho là "cân hòa", chưa nhấn mạnh đổi mới, có ý kiến cho là có tính thuyết phục, có ý kiến cho là còn nể nang đối với những lệch lạc. Nói chung, các đồng chí đồng ý với những nhận định chính trong dự thảo, nhưng đòi hỏi bổ sung thêm nhiều vấn đề.

Phần nhận định giai đoạn văn học trước đây, khẳng định những thành tựu, phân tích các khuyết điểm, cần nêu rõ thêm các nguyên nhân.

Phần nói về các vấn đề văn học hiện nay: một số đồng chí phân tích thêm những tìm tòi đổi mới trong văn xuôi, trong thơ, về chủ đề, đề tài, về hình thức nghệ thuật. Trong dự thảo báo cáo đã nêu, nhưng cần nhấn mạnh ủng hộ những tìm tòi để miêu tả đúng sự thật đời sống xã hội và con người, đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực và vun bón những nhân tố mới trong đời sống, suy nghĩ đánh giá lại các giá trị tinh thần và đạo đức, vượt khỏi những quan niệm cứng nhắc, những sự gò bó cấm đoán. Nhiều đồng chí cũng nêu lên sự cần thiết uốn nắn những lệch lạc, ngăn chặn những nhân tố xấu độc xâm nhập vào văn học ta. Như một số lập luận phủ nhận văn học cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng đối với văn nghệ. Một số thiên hướng thương mại hóa sự sáng tác, đưa đến loạt sách thấp kém. Hoặc dưới cớ "hạ các thần tượng" mà đảo ngược cả sự thật lịch sử, bôi nhọ những vĩ nhân của lịch sử dân tộc... Những thiên hướng lệch lạc ấy tuy không phải của số đông nhà văn nhưng cần hết sức chú ý. Uốn nắn những lệch lạc, ngăn chặn những nhân tố xấu độc, không phải là dội nước lạnh vào xu thế đổi mới của văn học mà trái lại giúp cho xu thế đổi mới phát triển mạnh hơn và có phương hướng đúng.

Bản dự thảo báo cáo cần bổ sung phần phương hướng sáng tác, phương hướng lý luận phê bình cho giai đoạn tới, nhấn mạnh các nhà văn cần đi vào đời sống nhân dân, tìm tòi khám phá những nhân tố mới, nâng cao trình độ hiểu biết các vấn đề kinh tế - xã hội rất phức tạp đang đặt ra để viết được tác phẩm có chất lượng cao phục vụ sự nghiệp đổi mới. Cần có phần nói về các vấn đề xây dựng đội ngũ nhà văn và bồi dưỡng đào tạo lớp trẻ. Cần nhấn mạnh bản sắc dân tộc trong văn học ta.

Các đồng chí người dân tộc yêu cầu trong báo cáo nên có một đoạn nói riêng về văn học các dân tộc thiểu số.

Cần có phần báo cáo các công tác của Ban Chấp hành và Ban Thư ký Hội, với sự tự kiểm điểm nghiêm túc.

Về dự thảo điều lệ sửa đổi: Một số ý kiến nêu lên vấn đề về tiêu chuẩn hội viên, vấn đề tổ chức các chi hội địa phương, vấn đề cơ cấu các cơ quan lãnh đạo của Hội, cần bàn sâu thêm.

Về các vấn đề đoàn kết nội bộ và quan hệ làm việc: Hội nghị đã thảo luận có lúc gay gắt. Một số ý kiến cho là có tình hình phe cánh đáng lo ngại, với những ý đồ cá nhân sau những lời tốt đẹp. Và cần chú ý kẻ địch lợi dụng những phát biểu sơ hở hoặc quá khích.

Một số đồng chí tỏ ý buồn phiền về những lộn xộn mất đoàn kết nội bộ và đề nghị cần giải quyết tốt vấn đề mới họp Đại hội. Một ủy viên Chấp hành đã phản ánh ý kiến của một số nhà văn đảng viên thuộc chi bộ cơ quan Hội Nhà văn cho rằng báo Văn nghệ có ô dù ở trên, đã vô hiệu hóa sự lãnh đạo của Ban Thư ký Hội. Một ủy viên phản ánh ý kiến các hội viên ở Bình Trị Thiên, ủng hộ sự đổi mới của tuần báo Văn nghệ.

Một số đồng chí cho rằng có dấu hiệu bè phái gây mất đoàn kết. Trong lúc đang cần thảo luận các vấn đề văn học trong công cuộc đổi mới, tuần báo Văn nghệ đã tập trung tuyên truyền cho một số người, quá sớm tập trung vào vấn đề chuẩn bị bầu cử như "chạy đua vào Nhà Trắng". Tuần báo đã hai lần đăng bài gây ảnh hưởng xấu cho đồng chí Nguyễn Khải. Đồng chí Tổng biên tập tuần báo đã thanh minh về hai bài trên là hoàn toàn do sơ sót khi duyệt, chứ không hề do cố ý.

Về tuần báo Văn nghệ:

Đồng chí Tổng biên tập tuần báo Văn nghệ đã trình bày trước hội nghị về phương hướng chỉ đạo tờ báo, và nói rõ một số sự việc do khiếm khuyết của công tác biên tập, có thể gây hiểu lầm.

Hầu hết các ủy viên Chấp hành đã có nhận xét về tuần báo. Có ý kiến nhấn mạnh ưu điểm của tuần báo Văn nghệ đã có cống hiến trong sự nghiệp đổi mới, và cho những thiếu sót khuyết điểm là phụ hoặc khó tránh khỏi, có làm có sai, đó là chuyện bình thường. Tuy vậy, cũng không tán thành báo đăng truyện Phẩm tiết.

Số đông ý kiến công nhận báo Văn nghệ, có một số đóng góp trong sự nghiệp đổi mới. Một số bài phóng sự và truyện ký tốt đã gây ấn tượng mạnh mẽ trong bạn đọc. Ví dụ: Lời khai của một bị can, Cái đêm hôm ấy... đêm gì?, Người đàn bà quỳ, Chuyện như đùa... Nhưng bên cạnh đó một số bài và tranh gợi những tình cảm hằn thù kích động như trong bài ký Tiếng đất, hoặc trong trang thơ, tập hợp vội nhiều bài tỏ thái độ phấn khích về tội ác của một công an viên, như một tuyên ngôn tập thể. Một số tranh châm biếm trong đó có tranh con cóc chĩa súng B.40 vào cổng mái cong đầy mạng nhện v.v... Báo đã đăng những ý kiến phủ nhận cả giai đoạn văn học trước đây, phủ nhận Hội Nhà văn có cũng như không, hoặc "chưa bao giờ văn nghệ sĩ bị khinh rẻ như bây giờ". Những ý kiến đó đăng lên mà không có những ý kiến trao đổi lại. Báo không đăng tin tức về hoạt động của Hội Nhà văn, ví dụ: không đăng báo cáo của Tổng thư ký Hội trong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội, không đăng báo cáo của các hội đồng bộ môn về các tặng thưởng văn học, v.v... Nhiều ý kiến phê phán mạnh mẽ truyện ngắn Phẩm tiết: Anh hùng dân tộc Quang Trung bị xuyên tạc và bôi nhọ. Có ẩn ý về mối quan hệ không thể hòa hợp giữa người cầm quyền (dù tiến bộ hay phản động) với cái đẹp nghệ thuật. Có ẩn ý bôi nhọ người khác bằng lối văn chương tục tĩu. Một vài ý kiến phê phán truyện ngắn Năm ngày, cho rằng đã hạ thấp nhân cách con người.

Nhiều ý kiến nêu rõ đổi mới nhưng không thể tách rời khỏi tình hình xã hội ta hiện nay. Đổi mới nhưng không được làm đổ vỡ lòng tin vào sức sống của chủ nghĩa xã hội. Đổi mới mà hò hét, mị dân và kích động là gây hại cho phong trào. Nếu không uốn nắn thì những thiên hướng quá trớn cực đoan sẽ tạo điều kiện cho những thiên hướng hẹp hòi bảo thủ quay lại. Đổi mới phải trung thực, nếu dùng thủ đoạn thì không thể đổi mới được. Cũng có ý kiến cho rằng việc báo Văn nghệ dành nhiều trang, nhiều số để phê phán ông Đặng Bửu, một bạn đọc bình thường là việc làm quá đáng, có tính cách đàn áp, không phải là thảo luận về văn học, việc này có tính cách đe nẹt.

Về tình hình văn học ở Liên Xô, tuần báo đã thông tin một chiều. Có những ý kiến của các nhà văn Liên Xô chống những biểu hiện cá nhân, bè phái, những thiên hướng quá trớn cực đoan trong đổi mới thì báo cũng không đăng, dù Ban Thư ký đã có ý kiến nhắc và giới thiệu.

Kết luận và Nghị quyết của Ban Chấp hành

Trưa ngày 9-9, đồng chí Tổng thư ký đã tóm tắt các cuộc thảo luận, và nêu một số vấn đề về hội nghị biểu quyết.

- Về dự thảo báo cáo và dự thảo điều lệ sửa đổi, hội nghị nhất trí giao cho Ban Thư ký hoàn chỉnh thêm hai văn kiện này, trên cơ sở những ý kiến bổ sung rất phong phú của hội nghị. Hai văn kiện sau khi được bổ sung, điều chỉnh, sẽ gửi cho toàn thể hội viên để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi. Trước ngày họp Đại hội, sẽ họp lại Ban Chấp hành để duyệt thành báo cáo chính thức trong Đại hội.

- Về tuần báo Văn nghệ, theo gợi ý của đồng chí Trần Độ ngày 8-9-1988, Ban Chấp hành thấy cần ra một nghị quyết. Sau khi thảo luận, nghị quyết như sau:

"Vừa qua, tuần báo Văn nghệ đã có một số đóng góp tích cực trong công cuộc đổi mới. Song bên cạnh đó, tuần báo đã có những khuyết điểm và lệch lạc, trong đó có những lệch lạc nghiêm trọng. Ban Chấp hành giao cho Ban Thư ký uốn nắn chấn chỉnh tờ tuần báo Văn nghệ về nội dung và tổ chức, nhằm nâng cao chất lượng của tuần báo Văn nghệ theo hướng đổi mới".

Nghị quyết này đã được toàn thể hội nghị biểu quyết nhất trí thông qua. Không có phiếu chống và phiếu trắng. Có ba ý kiến đồng ý thông qua, nhưng ghi chú là nhận xét những lệch lạc còn quá nhẹ.

Ban Thư ký cũng tự nhận xét đã có thiếu sót trong việc chỉ đạo tuần báo Văn nghệ vừa qua.

- Cuối cùng do thư đồng chí Nguyễn Khải có nêu vấn đề, nếu Ban Chấp hành thấy đồng chí ấy sai thì xin cách chức, đồng chí Tổng thư ký nhân đó nêu vấn đề tín nhiệm trước Ban Chấp hành. Nếu có bất cứ ý kiến nào đặt vấn đề tín nhiệm vào toàn Ban Thư ký, hoặc một ủy viên thư ký nào thì sẽ xin biểu quyết bằng phiếu kín. Sau khi thảo luận, Ban Chấp hành thấy không cần đặt vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm.

w Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 39 (24-9-1989)

Mục lục 

28-5-2022