ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn:  Nguồn: Sài Gòn giải phóng, Tp.HCM, số ra ngày 6-12-1988

 

 DÂN CHỦ VÀ SÔI NỔI

(Tường thuật Hội nghị Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 5, khóa IV)

 

Trong bốn ngày 28, 29, 30-11 và 1-12-1988, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam đã họp Hội nghị lần thứ V, tại Hà Nội để kiểm điểm tình hình hoạt động của Hội và bàn việc chuẩn bị Đại hội lần thứ V. Ban Chấp hành có có 53 ủy viên, tại hội nghị có mặt 41 đồng chí, vắng mặt 12 đồng chí, đó là các đồng chí Hoàng Tùng, Thanh Nho, Trần Công Mân, Hồng Hà, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Thị Vân, Trần Đình Hòe, Lưu Thành Tâm, Nguyễn Văn Thường, Hồ Ngọc Hương, Trần Năng Tâm (mất), Lan Anh.

Hội nghị đã diễn ra trong không khí dân chủ rất sôi nổi so với 4 kỳ họp trước đây. Các ủy viên dự họp đã làm chủ hội nghị với 38 người tham gia diễn đàn, 69 lượt phát biểu trong đó 21 người phát biểu 1 lần, 10 người phát biểu 2 lần, 6 người phát biểu 3 lần, 1 người phát biểu 4 lần và 1 người phát biểu 6 lần.

Đánh giá tình hình báo chí và hoạt động của Hội một năm qua

Trong buổi sáng ngày họp đầu tiên, các đại biểu đã phát biểu tập trung các nội dung: Báo chí vừa qua có những nỗ lực đổi mới nhưng nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu của quần chúng và của Đảng và dân chủ hóa, công khai hóa. Nhiều báo địa phương đã mạnh dạn đi vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong năm qua và được bạn đọc tin cậy hơn. Hội Nhà báo cũng đã chuyển hướng hoạt động, nhiều cuộc hội thảo, trao giải thưởng... là những chuyển biến tích cực góp phần đẩy mạnh phong trào đổi mới báo chí. Các ý kiến quan tâm phân tích một tình hình khá phổ biến. Ở nhiều nơi, cấp ủy chưa ủng hộ báo chí đi vào đổi mới, hiện còn nhiều trục trặc, xa cách trong mối quan hệ giữa cấp ủy và báo chí nhất là trên hai mặt chống tiêu cực và đổi mới thông tin. Nhiều đại biểu nêu lên mối lo ngại về một hiện tượng ngày càng phát triển hiện nay là: Những cách ra đi khác nhau của các tổng biên tập báo, cụ thể có ý kiến nêu vấn đề báo Kiên Giang, Minh Hải, Quảng Ninh... cần được Ban Chấp hành Hội xem xét theo hướng bảo vệ đội ngũ những người làm báo đổi mới. Tính về số lượng, con số các tờ báo đi vào đổi mới còn là thiểu số (khoảng 1/8) trong 250 tờ báo cả nước từ trung ương đến địa phương, vì thế cần có cơ chế đảm bảo chung cho báo chí đổi mới thay vì để mặc cho tình hình hiện nay, báo nào đi vào đổi mới thì luôn gặp khó khăn, đe dọa, còn các báo đứng ngoài cuộc đổi mới, trì trệ, thì được yên ổn, có khi còn được một số cấp ủy cho là chững chạc, vững vàng.

Đặc biệt, các ý kiến phát biểu đều lưu ý đến sự kiện báo Văn nghệ, yêu cầu Ban Chấp hành phải có trách nhiệm đánh giá báo Văn nghệ với tư cách một tờ báo, một thành viên trong đội hình báo chí cả nước.

Vào buổi chiều ngày họp đầu tiên, đồng chí Trần Trọng Tân, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, đã đến phổ biến kết luận chín điểm về công tác tư tưởng của Bộ Chính trị.

Những vấn đề được thảo luận tập trung trong đánh giá tình hình báo chí và công tác Hội năm năm qua

Kể từ ngày thứ hai của cuộc họp, ngoài các ý kiến phát biểu tiếp tục tập trung chung quanh báo Văn nghệ, các đại biểu đã đi vào thảo luận về dự thảo báo cáo công tác báo chí và công tác Hội năm năm qua, về việc chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc lần thứ V sắp tới.

Hầu hết ý kiến cho rằng từ sau Đại hội VI, hoạt động báo chí đã có những chuyển biến tích cực cần ghi nhận. Đã có những bước tiến cơ bản ngay cả trong việc xác định rõ thêm chức năng, nhiệm vụ của báo chí. Báo chí không chỉ nói tiếng nói của Đảng mà còn là diễn đàn làm chủ của nhân dân, là công cụ của quyền lực nhân dân. Báo chí không còn có thể chỉ truyền đạt, thúc đẩy cho dân làm, dân bàn, dân kiểm tra. Nhiều ý kiến tâm đắc nhận xét công cuộc dân chủ hóa xã hội đã xác định ngày càng rõ hơn quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của nhân dân và báo chí đã biết chủ động thoát ra khỏi số phận cũ trước đây thường được coi là "kẻ ăn người ở trong nhà". Báo chí đã mở rộng thông tin dù cái nền chung vẫn đang tồn tại một chính sách thông tin hết sức lạc hậu, bảo thủ. Báo chí đã dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực, bước đầu lấy lại lòng tin của người đọc, động viên được sức mạnh của dư luận. Đã hình thành một đội ngũ nhà báo trẻ, nhạy bén về chính trị và sắc sảo về nghiệp vụ. Về các mặt non yếu, các ý kiến rất tập trung phân tích, phê phán nhiều tờ báo còn bị kềm hãm bởi tư duy cũ, bị trói buộc bởi cơ chế cũ và những thế lực bảo thủ thành ra xa rời cuộc sống, quay lưng với yêu cầu của nhiệm vụ và người đọc. Hội nghị chia sẻ mối quan tâm của 10 ý kiến tập trung phân tích tình trạng đang còn có khoảng cách không nhỏ giữa các cấp ủy và báo chí. Ở những mức độ khác nhau, các ủy viên là Tổng biên tập các báo địa phương đã phân tích tình trạng lệ thuộc nặng nề, có khi không còn có thể độc lập trong hoạt động, nhất là trong những trường hợp báo tiến hành chống tiêu cực, mà các cấp ủy không ủng hộ hay lại bao che cho tiêu cực. Các ý kiến cũng yêu cầu Hội Nhà báo Việt Nam nên có thái độ đầy đủ trách nhiệm về những trường hợp ra đi hoặc bị đe dọa ra đi khác nhau của một số tổng biên tập. Có ý kiến phản ánh dư luận đang lo ngại về một chính sách cứng rắn không phải đối với những tờ báo nhạt nhẽo, không tham gia đổi mới mà lại đối với các tờ báo được công chúng tín nhiệm, quan tâm. Có một số ý kiến đề nghị "điểm danh" lại đội ngũ báo chí, thậm chí Hội nên đề nghị cách chức một số tổng biên tập đứng ngoài phong trào đổi mới, "yên tâm ngủ ngon".

Hội nghị cũng bàn đến nhiệm vụ báo chí phải thông tin đúng đắn, kịp thời cho lãnh đạo, một yêu cầu có thực và cấp thiết hiện nay khi mà việc phản ánh thông tin còn có thể bị nhiễu bởi những nguồn tin không xác thực hay có xu hướng xấu. Có ý kiến đề nghị báo chí cần chú ý hoạt động đổi mới lý luận hiện nay, là việc cơ bản không kém phần gay go trong đấu tranh đổi mới tư duy. Có ý kiến nhấn mạnh bên cạnh mối lo ngại rằng dân chủ hóa đang làm nảy ra những khó khăn có thể bị địch lợi dụng thì cũng phải chú ý tình hình bộ máy quan liêu bảo thủ vẫn đang tiếp tục những việc làm vô chính phủ, tác hại hơn đến đời sống kinh tế - xã hội. Có ý kiến cho rằng cần tăng cường công tác báo chí đối ngoại, cần chú ý nhu cầu được thông tin của gần hai triệu người Việt ở nước ngoài.

Về Hội, đa số ý kiến tập trung bàn về chức năng một Hội Nhà báo thật sự đổi mới. Hoạt động Hội gần đây đã có những chuyển biến tích cực phục vụ phong trào chung. Tạp chí Người làm báo cần được tăng cường. Cần góp sức giải quyết tình trạng có nhiều địa phương chưa lập được Hội cấp tỉnh. Tuy có cố gắng, Hội chưa làm tròn trách nhiệm bảo vệ các nhà báo bị trở ngại trong nghề nghiệp hoặc bị trù dập.

Ban Chấp hành Hội sắp tới nhất thiết phải gồm những người làm báo có khả năng, thật sự đổi mới. Cơ cấu đại biểu nên dành ưu tiên cho các nhà báo vừa qua thật sự có góp mặt trong xu thế tiến bộ. Đề nghị trước đại hội có hội nghị báo chí các khu vực và một kỳ hội nghị Ban Chấp hành nữa để trực tiếp kiểm tra công việc chuẩn bị cho đại hội.

Ban Chấp hành Hội đã quyết định triệu tập đại hội lần V vào cuối quý II-1989. Đại hội sẽ tiến hành theo phương châm đổi mới, dân chủ, đoàn kết. Vào ngày họp thứ tư, hội nghị đã dành cả hai buổi góp ý và kiến nghị về dự thảo Luật Báo chí.

Vấn đề chiếm nhiều thời gian thảo luận: Tuần báo Văn nghệ

Ngay từ buổi thảo luận đầu tiên, các ý kiến đều đề nghị bổ sung vào văn bản dự thảo báo cáo một sự kiện nổi bật trong năm qua của phong trào báo chí đổi mới: sự kiện tuần báo Văn nghệ. Các ý kiến tập trung quanh các điểm: báo Văn nghệ là một bộ phận của báo chí cả nước, được dư luận đánh giá là đã góp sức vào công cuộc dân chủ hóa, cần được Hội Nhà báo đánh giá thật chính xác. Bạn đọc các địa phương gửi gắm sự chờ đợi vào thái độ trách nhiệm của Ban Chấp hành Hội Nhà báo. Có ý kiến cho rằng việc đối xử, đánh giá báo Văn nghệ cần hết sức thận trọng, thánh thức phong trào đổi mới báo chí. Có ý kiến cho rằng việc Ban Thư ký Hội Nhà báo quyết định khen thưởng ba phóng sự đăng trên báo Văn nghệ gần đây (Lời khai của bị can của Trần Huy Quang, Tiếng hú của con tàu của Nguyễn Thị Vân Anh, Anh hùng khi đã sa cơ của Hoàng Minh Tường) đã minh định thái độ đánh giá nỗ lực đổi mới của báo Văn nghệ. Trong thư gửi hội nghị (vì bị bệnh không dự được), đồng chí Phó Chủ tịch Hội Thanh Nho cũng đề nghị đánh giá rõ đóng góp tích cực của báo Văn nghệ. Từ sau đó, hễ có người lên phát biểu là hầu như đều có ý kiến về báo Văn nghệ. Đến hết ngày họp thứ ba, đã có 20 đồng chí phát biểu, 33 lượt ý kiến về nội dung này.

Vào buổi chiều ngày họp thứ hai, Ban Thư ký Hội Nhà báo đã công bố thư đề ngày 27-11-1988 của đồng chí Nguyên Ngọc, Tổng biên tập báo Văn nghệ, gửi Ban Chấp hành Hội Nhà báo. Bức thư có đoạn viết:

"Vừa qua, như tất cả các đồng chí đều biết, tuần báo Văn nghệ đã bị Ban Chấp hành Hội Nhà văn phê phán rất nghiêm khắc. Việc đó đã gây ra nhiều sự phản ứng trong công luận.

Trong gần hai năm nay, mặc dầu còn nhiều khuyết điểm và nhiều sơ suất, song tuần báo Văn nghệ đã có sự chuyển biến mạnh mẽ rõ rệt, đã có sự đóng góp tích cực đáng kể vào đời sống xã hội và đời sống văn học, đặc biệt trong công cuộc đổi mới đất nước theo tinh thần Đại hội lần thứ VI của Đảng. Sự chuyển biến và đóng góp đó đã được đông đảo công chúng đồng tình hoan nghênh. Tuần báo Văn nghệ đã thật sự trở thành một thành viên tích cực trong đội ngũ báo chí của chúng ta, trong công cuộc đấu tranh đổi mới hiện nay.

Do đó, việc đánh giá và xử lý đối với báo Văn nghệ không chỉ liên quan trực tiếp đến bản thân báo Văn nghệ mà còn có tác động quan trọng đối với đời sống báo chí nói chung, với công cuộc dân chủ hóa và công cuộc đổi mới hiện nay.

Đến nay, theo một nguồn tin chính xác, tôi được biết rõ Ban Thư ký Hội Nhà văn đã có quyết định "thuyên chuyển công tác" tổng biên tập báo Văn nghệ và thay tổng biên tập khác.

Sau những sự việc xảy đến với báo Văn nghệ như vừa qua, thì một người ngây thơ nhất cũng thấy rõ ngay rằng cái gọi là "thuyên chuyển công tác" đó thực chất là một kiểu kỷ luật, là cách chức tổng biên tập một cách trá hình. Đây là một việc làm không chính đáng.

Báo Văn nghệ là tờ báo của Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng đương nhiên cũng là một tờ báo trong đội ngũ báo chí chung của chúng ta.

Tôi xin chính thức đề nghị Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam có ý kiến của mình về sự việc, theo chúng tôi là quan trọng này đối với một tờ báo, và đối với báo chí nói chung. Tôi đề nghị Hội Nhà báo lên tiếng, tùy theo cách các đồng chí thấy thích hợp về việc này.

Buổi sáng ngày làm việc thứ ba, hội nghị được nghe đồng chí Trần Trọng Tân trình bày thêm về báo Văn nghệ. Đồng chí đã đọc cho hội nghị nghe văn thư của Ban Thư ký Hội Nhà văn quyết định thuyên chuyển đồng chí Nguyên Ngọc (thôi chức Tổng biên tập báo Văn nghệ) sang nhận công tác thường trực Ban chuẩn bị Đại hội, công văn của Ban Tuyên huấn Trung ương trả lời là Ban tôn trọng quyền quyết định của Ban Thư ký Hội Nhà văn và điện khẩn từ thành phố Hồ Chí Minh ngày 29-11-1988 của Phó tổng thư ký Hội Nhà văn Nguyễn Khải: "Tôi không đồng ý thay Tổng biên tập báo Văn nghệ".

Vào những phút cuối buổi sáng ngày làm việc thứ ba này, bỗng bùng ra một cuộc thảo luận rất nhanh chóng, sôi nổi về báo Văn nghệ. Trong bảy ý kiến có sáu ý kiến nhấn mạnh Ban Chấp hành Hội Nhà báo cần tỏ thái độ bảo vệ Tổng biên tập báo Văn nghệ, không thể tránh né, quay lưng, phải nhìn thẳng vào sự thật đây chính là cách đối xử với Tổng biên tập một tờ báo đổi mới, phải chú ý phản ứng của dư luận trong, ngoài nước. Chỉ có một ý kiến ngược lại, cho rằng không cần tỏ thái độ vì đồng chí Nguyên Ngọc không "bị đánh", "bị giết" gì cả.

Tóm lại, sau ba ngày làm việc, 33 ý kiến trong tổng số 59 lượt phát biểu (ngày thứ tư của hội nghị có 10 phát biểu về dự thảo Luật Báo chí) đã thống nhất đánh giá báo Văn nghệ đã tích cực đóng góp vào phong trào đổi mới báo chí, đã đi vào những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống và con người, hơn một năm qua đã hấp dẫn và có uy tín đối với đông đảo bạn đọc. Dù có những nhược điểm, thiếu sót nhưng cơ bản tờ báo đã tham gia công cuộc đổi mới. Chỉ có một ý kiến (phát biểu dài nhất) cho rằng dù có đổi mới, báo Văn nghệ đã có những "lệch lạc nghiêm trọng". Hội nghị giao cho Ban Thư ký Hội Nhà báo gặp Ban Tuyên huấn Trung ương để phản ánh sự quan tâm của các đồng chí về trường hợp báo Văn nghệ tại hội nghị, gặp Ban Thư ký Hội Nhà văn thông báo các ý kiến trong Ban Chấp hành Hội Nhà báo và gặp đồng chí Nguyên Ngọc, Chi hội Nhà báo báo Văn nghệ, tìm hiểu thêm tình hình.

Vào lúc thông qua bản thông báo của hội nghị, vấn đề báo Văn nghệ cũng được nhiều người dự quan tâm, tỏ thái độ rất kiên quyết.

  • Nguồn: Sài Gòn giải phóng, Tp.HCM, số ra ngày 6-12-1988

Mục lục 

12-2-2022