Việt Nam cần vươn lên thực hiện vai trò phải có

ở Đông Nam Á trong tình hình mới

 

Nguyễn Trung

 

I

 

1.   Ngày 16-09-2021 tổng thống Mỹ Joe Biden, thủ tướng Anh Boris Johnson và thủ tướng Úc Scott Morrison cùng một lúc công bố việc thành lập liên minh AUKUS (bao gồm Úc, Anh và Mỹ). Ngay lập tức báo chí thế giới nhận định một dạng NATO tay ba của khu vực Indo-Pacific đã chính thức ra đời.

 

2.     Chỉ vài giờ sau đó cùng ngày 16-09-2021, Liên Hiệp Châu Âu công bố chiến lược của mình về vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, khẳng định sự có mặt của mình đối với khu vực này và ý chí thúc đẩy các mối quan hệ với các nước trong vùng, bao gồm cả Đài Loan.

 

3.   Cùng ngày 16-09-2021 (chênh nhau múi giờ khoảng 10 tiếng) Trung Quốc chính thức đệ đơn gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), muốn lấp chỗ trống Mỹ thời Trump bỏ lại, để ăn miếng giả miếng Mỹ ngay tức khắc trong vấn đề AUKUS. Báo Nhật Nikkei Asia 18-09-2021 nhận định đây là bước đi nguy hiểm của Trung Quốc nhằm chia rẽ Nhật-Mỹ, tìm cách thao túng CPTPP, và quyết tranh giành khốc liệt với Mỹ trong toàn bộ khu vực Indo-Pacific[1].

 

4.     Ngày 17-09-2021, ngay lập tức Hội nghị Thượng đỉnh của tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO - do Trung-Nga dẫn đầu) họp tại Tajikistan chấp thuận Iran trở thành thành viên chính thức; ý đồ hình thành phe trục TQ-Nga-Iran nhằm đối đầu với Mỹ và phương Tây qua việc kết nạp Iran tiến thêm một bước quan trọng.

 

Bốn sự kiện quan trọng nêu trên diễn ra dồn dập trong vòng 48 tiếng đồng hồ - cụ thể là trong vòng ngày 16 và ngày 17 tháng 9 2021 – xác lập thực tế: Trận địa trung tâm của tranh chấp toàn cầu giữa các thế lực lớn trên thế giới đã chuyển hẳn về khu vực Indo-Pacific, trận đia Trung Đông chỉ còn vai trò thứ yếu.

 

Hiện tượng AUKUS và những phản ứng dây chuyền cho thấy sự vận động của những mối quan hệ tranh chấp toàn cầu ở thế kỷ XXI (i) đầy kịch tính, (ii) đột phá theo kiểu bùng nổ, và (iii) với vận tốc có thể nói là gần như cái chớp mắt  mà nhân loại chưa từng được chứng kiến trong lịch sử cận đại (tính từ thế kỷ XIX) của địa chính trị - địa kinh tế thế giới. Nếu muốn, gọi đấy là sự vận động của tranh chấp địa chính tri – địa kinh tế ở quy mô toàn cầu thời cách mạng công nghiệp 4.0. có lẽ không phải là quá lời!

 

Bốn sự kiện nêu trên tạo ra bước ngoặt của lịch sử quan hệ quốc tế đương đại, đặt ra cho mọi quốc gia liên quan – trong đó có nước ta với tính cách là quốc gia giữ vị trí địa đầu của khu vực Đông Nam Á – đòi hỏi sống còn: Phải xác định rõ chỗ đứng của mình trong bàn cờ mới này của thế giới, và phải xốc lại chính mình để sống kịp và để giành lấy vị thế mới phải có – sống hay là chết!

 

Để dễ nhớ, tôi đặt tên cho kết cục những diễn biến quan hệ quốc tế đang bàn ở đây là bước ngoặt AUKUS.

 

 

II

           

            Bước ngoặt AUKUS tích hợp những sự kiện gây ra cho mọi người cảm giác như đang được xem các thế lực lớn đánh bài với nhau. Khi Mỹ ngả con bài AUKUS, thì các tay chơi khác lập tức ngả các con bài của mình – cứ như là có sẵn trong túi áo rút ra vậy!

 

            Sự thật không hoàn toàn như thế. Tất cả đều là những con bài được tính toán đến giờ phút cuối cùng khi chúng được quật xuống bàn!

 

Con bài của mỗi tay chơi là sự tính toán trăm bề và sự vật lộn liên tục nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ trước đó, không một lúc nào chợp mắt, cho đến khi những con bài được thi nhau quật liên tiếp xuống bàn, cứ như là ai cũng sợ mình bị cướp mất cơ hội, hoặc bị lâm vào cảnh trâu chậm uống nước đục!

 

Là người Việt, tôi thực sự vô cùng hổ thẹn thú nhận: Các tay chơi này không một giây phút nào ngủ như nước mình… Và sự thật là có một vài phương diện quan trọng, thậm chí cực kỳ quan trọng, nước mình đã và đang ngủ cả một giai đoạn phát triển!!! (Quan sát cái thế giới đang sôi sục như vậy, không dưới một lần tôi thốt lên trong lòng: …Trời ơi đất nước tôi!..)

 

Để tiết kiệm thời giờ, tôi cố sưu tầm một số tài liệu tham khảo đính kèm bài viết này, nói lên quá trình các sự vận động trong quan hệ quốc tế và những nguyên nhân dẫn đến bước ngoặt AUKUS, mong bạn đọc tự tìm hiểu.

 

Dưới đây tôi xin cố nêu lên một số điểm theo tôi đáng quan tâm nhất.

 

Sự suy yếu của Mỹ và phương Tây cũng như những thất bại và sai lầm của họ từ nhiều thập kỷ nay (bắt đầu từ thời Clinton, 1993-2001) trong việc kéo Trung Quốc cùng đi với cả thế giới đã khiến cho Trung Quốc, với tính cách là đế chế Trung Hoa trên đường phục hưng, tại Đại hội 18 của ĐCSTQ (2012) cho rẳng thời cơ ngàn năm có một đã đến với Trung Quốc. Ngay lập tức lãnh đạo Trung Quốc quyết định: Giành lấy vai trò dẫn đầu thế giới của Mỹ để bá chủ thiên hạ, hoàn thành mục tiêu này vào lúc CHNDTH 100 tuổi (2049). Mục tiêu trước mắt là hoàn tất việc độc chiếm và quân sự hoá Biển Đông, sáp nhập Đài Loan, khuất phục Việt Nam để nắm toàn bộ ASEAN, đẩy lùi / xoá bỏ ảnh hưởng Mỹ ở Đông Nam Á; đồng thời tận dụng lợi thế áp đảo tại chỗ ở đây và cùng với chiến lược vành đai – con đường ra sức thâu tóm thế giới, tạo thế tiếp tục đẩy lui Mỹ ở mọi nơi khác trên toàn cầu. Từ Đại hội 19 của ĐCSTQ (2017), việc thực hiện những mục tiêu chiến lược này được tăng tốc chưa từng có – quyết liệt nhất là trên mặt trận Biển Đông, đồng thời đẩy mạnh tiến công chính trị dưới mọi hình thức, tuyên bố với cả thế giới mô hình CNXH đặc sắc Trung Quốc là điều mà các nước trên thế giới ngày nay nên có để thay thế thể chế dân chủ đã lỗi thời, ủng hộ hoặc cứu vớt các chế độ độc tài, xuất khẩu mô hình thể chế toàn trị... Ngay trong nội bộ quốc gia, ĐCSTQ nhấn mạnh phải đẩy mạnh đấu tranh chống lại những giá trị phổ quát của nhân loại để trung thành với CNXH đặc sắc Trung Quốc, phải khuếch trương và xuất khẩu mô hình phát triển của Trung Quốc ra thế giới (thực chất đấy là mô hình phát triển của chủ nghĩa tư bản nhà nước kiểu Trung Quốc thời đế chế Trung Hoa trên đường phục hưng). Khi đại dịch covid 19 xảy ra, nhiều nước – trước hết là Mỹ - lao đao, Trung Quốc đẩy mạnh ngoại giao vaccine và ngoại giao chiến lang, vừa thao túng vừa uy hiếp các nước, đồng thời lấp liếm vấn đề virus Vũ Hán. Tận dụng việc Mỹ rút quân rất vụng về ra khỏi Afghanistan, ngày 28-07-2021 Vương Nghị tiếp đại diện Taliban tại Thiên Tân, mở ra việc Trung Quốc hoàn toàn lấp chỗ trống của Mỹ ở Afghanistan. Sự kiện ngưu tầm ngưu mã tầm mã này gây ra nhiều lo ngại cho cả thế giới. Ngay sau đó chủ tịch Uỷ ban Châu Âu von der Leyen đã phải lên tiếng cảnh báo: EU đang phải đối mặt với những nguy cơ khủng bố mới từ Trung Á… Ngày 15-09-2021 – nghĩa là chỉ 3 ngày sau khi đi thăm VN về,  bộ trưởng Bộ quốc phòng Nhật Nobuo Kishi tuyên bố Nhật đã vạch ra làn ranh đỏ bảo vệ bằng mọi giá hải phận Nhật ở biển Hoa Đông tính từ đảo Senkaku trở lên, và tuyên bố Nhật có lợi ích gìn giữ hoà bình thông thương hàng hải quốc tế liên quan đến Đài Loan… (8 tháng đầu năm 2021 tầu chiến Trung Quốc đã có tới gần một nghìn lượt tầu xâm phạm hải phận Nhật ở Hoa Đông, riêng trong tháng 8-2021 là 88 lần!). Có thể đoán chắc khi tuyên bố như vậy, Nobuo Kishi có lẽ không thể biết chỉ vài chục giờ sau đó (tính theo múi giờ là khoảng 30 giờ) AUKUS được khai sinh! (Bởi vì Pháp có nhiều liên can quan trọng đến chủ đề AUKUS mà còn bị cho ra rìa và bị bất ngờ!). Vậy là tham gia vào cái thế giới quyết liệt này chẳng có ai ngủ cả!

 

Có thể nói toàn bộ những bước đi nói trên cho thấy phía Trung Quốc đã vung tay quá trán và ngày càng nguy hiểm. Trong khi đó EU nói chung, các thành viên quan trọng như Đức và Pháp nói riêng, cứ chung chiêng giữa  dòng mãi trong đối kháng mất còn Mỹ - Trung. Trong thực tiễn của đời sống kinh tế không hiếm những hiện tượng các tập đoàn kinh tế của Đức và Pháp bắt cá hai tay giữa đối kháng Mỹ-Trung[2]. Dễ hiểu, vì sao tuyên bố của thượng định G7 tại Cornwall (Anh, 12-06-2021) và thượng đỉnh NATO ở Bruxells (14-06-2021) phần nói về Trung Quốc quá mờ nhạt…

 

Riêng về Úc, cần nhấn mạnh áp lực của Trung Quốc đối với Úc đã lên tới đỉnh điểm: Quan hệ Trung Quốc-Úc 20 năm thì 10 năm cuối cùng là sự can thiệp thô bạo của Trung Quốc vào nội trị Úc, sự lũng đoạn kinh tế Úc quá mức có thể chịu đựng, cảng Darwin cho Trung Quốc thuê đang dần dần trở thành căn cứ hải quân của Trung Quốc tại đây uy hiếp trực tiếp ngay nước Úc... Trong khi đó hợp đồng Úc mua tầu ngầm Pháp 60 tỷ Euro chủ yếu chỉ là một hợp đồng mua vũ khí và không góp phần được bao nhiêu vào bảo vệ an ninh của Úc, chưa nói đến công nghệ chạy điện diesel không thể đáp ứng yêu cầu quốc phòng của Úc trong tình hình mới. Thủ tướng Úc Scott Morrison nói rõ: Sự lựa chọn AUKUS của Úc là toàn diện, lâu dài và quyết định, Úc phải đặt lợi ích quốc gia của mình là trên hết! Do đó việc Úc loại Pháp là có thể hiểu được, Pháp giận dữ thế nào cũng đành lòng. Sự sàng lọc của cuộc sống thế giới hôm nay thật vô cùng phũ phàng – dù ở đây là đế chế Pháp gạo cội, dù Pháp là đồng minh không thể thiếu của Mỹ ở châu Âu…

 

Anh có động cơ chính trị lập ra AUKUS có lẽ không kém phần quyết liệt so với Úc và Mỹ. Việc Anh gần như bằng mọi giá phải tiến hành Brexit là do sự năng động của Anh không thể chịu đựng nổi cái trì trệ lùng nhùng của tập thể EU. Do đó AUKUS là một liên minh mới lý tưởng đối với Anh trong cái thế giới không một ai có thể đơn thương độc mã này. Hơn nữa trung tâm phát triển năng động của kinh tế thế giới đã chuyển hẳn sang khu vực Indo-Pacific, rất đáng là đất mới để Anh thông qua liên minh AUKUS dụng võ nuôi những ước vọng toàn cầu của mình.

 

Đương nhiên AUKUS không thể tránh được những trở ngại và thách thức rất nhiều chiều từ nhiều quốc gia khác nhau, như bất kể liên minh mới nào ra đời cũng phải đối mặt. Song cuộc sống và thời gian sẽ dần dần “giàn xếp” tất cả theo xu thế vận động của lịch sử: Thuận theo thì cùng phát triển, hoặc không thuận theo thì bị loại bỏ không thương tiếc.

 

Cần đặc biệt lưu ý là sự xuất hiện của AUKUS sẽ mở đầu một cuộc chạy đua vũ trang quyết liệt chưa từng có, và hiện tượng này cần được xem là hệ quả chứ không phải là nguyên nhân. Nguyên nhân chính là ngân sách quốc phòng hàng thập kỷ nay của Trung Quốc tăng 2 con số, đưa Trung Quốc gần như từ số không (với nghĩa không đáng lưu ý) trong hải quân, hiện nay trở thành quốc gia có lượng tầu chiến đông nhất thế giới (vượt Mỹ), có 3 hàng không mẫu hạm và khoảng 1 tá tầu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân; Trung Quốc đồng thời là quốc gia có vũ khí hạt nhân. Vì vậy AUKUS là cần thiết: Lấy độc trị độc! AUKUS sẽ có tác động đẩy nhanh việc hình thành QUAD, kích hoạt mạnh mẽ nhóm “Five eyes”, và khiến những quốc gia trên Biển Đông đang bị Trung Quốc uy hiếp trực tiếp sẽ can đảm hơn – tất cả đang tạo nên một triển vọng: Nếu Trung Quốc gieo gió, sẽ phải gặt bão!

Rất đau lòng, nhưng có một sự thật khủng khiếp của thực tiễn vượt lên mọi đạo và lý: Chiến tranh thế giới III cho đến nay sở dĩ chưa nổ ra, có phần nào là do sự răn đe của 2 quả bom hạt nhân ném xuống Hiroshima và Nagasaki vào lúc chiến tranh thế giới II chỉ còn vài ngày là kết thúc. Hôm nay cần phải nhìn nhận thực tiễn khủng khiếp này với tầt cả khía cạnh nguy hiểm của nó trong tình hình Biển Đông. Bởi vì có rất nhiều nguyên nhân đối kháng chiến lược đang biến Biển Đông thành cái vạc lửa chiến tranh chờ sẵn, hay là đang tạo ra ở đây vùng ươm ngọn nấm hạt nhân! Hơn nữa, nếu một khi các đối thủ rơi vào trường hợp phải xử lý nhau bằng chiến tranh, họ thường trước hết bằng mọi cách đưa chiến tranh vào đất nước bên thứ ba, hoặc tiến hành các cuộc chiến tranh uỷ nhiệm, hoặc kiếm các con dê tế thần để đổi chác với nhau… Và những kịch bản này thường dễ xảy ra nhất, và thường là lối thoát khả dĩ nhất giữa họ với nhau, trước khi họ phải tính đến xử lý nhau bằng chiến tranh lớn… Xin đừng lúc nào quên: Gần hết nửa sau thế kỷ XX Việt Nam là nạn nhân đã từng nếm đủ loại các bài học cay đắng này! Không có một sự van xin nào, không có một cái mũ ni che tai nào có thể giúp nước ta qua khỏi sự mua bán, đổi chác, hoặc thoát được những thủ đoạn bẩn thỉu khác thế thân nước ta cho những mưu ác của họ!

Cục diện quốc tế và khu vực rất quyết liệt hôm nay như nêu trên chỉ dành cho nước ta sự lựa chọn duy nhất như nước ta đã từng phải lựa chọn qua 4 cuộc kháng chiến cứu nước trong gần hết nửa sau thế kỷ XX: Nước ta phải bằng tất cả ý chí và nghị lực của mình tự đứng lên quyết định vận mệnh của nước mình! Nghĩa là không muốn làm đe, thì phải đứng lên làm búa: Đừng cam chịu thân phận làm quân cờ hay con mồi cho thiên hạ nữa! Phải quyết đứng lên tự mình làm bằng được vai trò đối tác chiến lược mà hoà bình, hợp tác và phát triển của khu vực Đông Nam Á này và Biển Đông hiện nay không thể thiếu!

 

 

III

 

            Thế nhưng vấn đề “đối tác chiến lược” của nước ta hiện nay như thế nào?

 

Cho đến nay Việt Nam có 3 đối tác chiến lược và toàn diện là Trung Quốc, Nga và Ấn Độ, có 12 đối tác chiến lược là 5 nước ASEAN, và 7 nước khác là Nhật, Pháp, Anh, Ý, Tây-ban-nha, Hàn Quốc và Úc. Mỹ cho đến nay mới  chỉ được nhận là đối tác quan trọng hàng đầu; trong chuyến thăm của phó tổng thống Kamala Harris (08-2021) phía Mỹ đề nghị ta nâng lên thành đối tác chiến lược nhưng chưa thành, vì phía ta ngại Trung Quốc[3].

 

            Thoạt nhìn, có thể nói danh sách các đối tác nói trên cho thấy Việt Nam có vị thế rất đẹp, không dễ gì nước nào cũng có được. Song rất tiếc có nhiều trường hợp hữu danh vô thực – không phải vì nước ta nghèo hay thiếu tiềm lực, mà trước hết vì phía ta chưa xây dựng được cho mình đường lối đối ngoại phát huy được vị thế này của quốc gia, không có một nền nội trị vững mạnh làm nền tảng, cách làm còn cũ kỹ, không ít trường hợp còn nặng về ngoại giao đi xin! Thiếu sót lớn nhất là ta đi xin các nước  bạn chấp nhận với ta mối quan hệ đối tác chiến lược của nhau, nhưng tự chính mình phía ta lại chỉ làm được những việc của đối tác bình thường  hoặc dưới bình thường trong thực tế, còn tầm quan trọng chiến lược chỉ có ý nghĩa ở cửa miệng – nghĩa là chỉ để tâng bốc hay nói ngoại giao với nhau.

 

            Tồn tại lớn nhất mang tính sống còn đối với an ninh và phát triển của đất nước ta chưa khắc phục được là: Cho đến nay nước ta vẫn chưa xây dựng thành công mối quan hệ đối tác chiến lược với đúng nghĩa với 2 đối tác quan trọng nhất và không thể thiếu đối với ta (và cũng là quan trọng nhất đối với thế giới) là Trung Quốc và Mỹ. Mà nguyên nhân chủ yếu và trước hết của tồn tại này là chính bản thân nước ta không / chưa có phẩm chất và bản lĩnh là đối tác chiến lược! Xin tập trung trí tuệ và nghị lực cả nước bàn giải quyết tồn tại gốc này – nếu làm được, những mối quan hệ đối tác chiến lược với các nước khác cũng sẽ xuôn xẻ.

 

            Trước hết về mối quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện giữa ta và Trung Quốc:

           

            Thực chất đây là mối quan hệ giữa một bên Trung Quốc là nước bá quyền, và một bên Việt Nam là nước đối tượng để khuất phục cho thực hiện mục tiêu bá chủ toàn cầu của Trung Quốc như đã điểm trong phần II bên trên. Mối quan hệ này mấy chục năm nay đã biến nước ta thành kẻ lệ thuộc chiến lược và toàn diện vào Trung Quốc, đất nước ta phải chịu sống nhiều bề cay đắng, lãnh thổ và biển đảo của nước ta bị xâm phạm, con đường phát triển của nước ta bị kìm hãm. Xin miễn cho tôi phải đi vào chi tiết, vì cả nước ta ai là người không biết thảm trạng vô cùng đau lòng của mối quan hệ song phương Việt - Trung này?![4] Tình hình cực chẳng đã, đến mức trong thư của tôi ngày 28-10-2010 gửi Uỷ viên BCT ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng trước khi ông được bầu là Tổng bí thư ĐCSVN khoá XI, tôi đã phải lưu ý ông và toàn thể Bộ Chính trị đương chức là trên thực tế VN đã trở thành một chư hầu kiểu mới của TQ. Trong thư này tôi khẩn thiết yêu cầu Bộ Chính trị phải đảm nhiệm vai trò một Trần Thủ Độ tập thể cứu đất nước ra khỏi thảm trạng này! Đấy không phải là thư duy nhất, và tôi không nhớ hết đã viết bao nhiêu thư như vậy cho BCT về những vấn đề khác nhau trong mối quan hệ Việt – Trung. Tại đây xin chốt lại một điều: Trong nhiệm vụ xây dựng các mối quan hệ đối tác chiến lược với các nước bạn bè trên thế giới, việc đầu tiên VN phải làm bây giờ là phải xây dựng lại cho chính mình có phẩm cách và bản lĩnh là một đối tác chiến lược, trên cơ sở này thoát khỏi thân phận là kẻ lệ thuộc chiến lược và toàn diện vào Trung Quốc, xác lập lại quan hệ hai nước đúng với tinh thần là đối tác chiến lược và toàn diện của nhau! Làm được việc này, sẽ mở đường cho thực hiện mọi việc khác.

 

            Để bàn tiếp, tôi xin phép nói mộc mạc đôi điều theo hiểu biết của mình về hiện trạng mối quan hệ tay ba Mỹ - Việt Nam – Trung Quốc: Đấy là một anh chàng Việt Nam  có hai tay và một chân đã đặt lên phía Trung Quốc – vì theo ngôn ngữ chính thức đây là đối tác chiến lược và toàn diện, còn lại một chân được đặt lên phía Mỹ - vì theo ngôn ngữ chính thức đây là mối quan hệ quan trọng hàng đầu!.. Bây giờ muốn cả Trung Quốc và Mỹ đều là đối tác chiến lược của ta thì sẽ chia đều cho mỗi bên một tay và một chân hay sao? Chia đều cái ta có cho mỗi bên như thế, nhưng bản thân ta ở giữa hiện nay vẫn giữ mình nguyên vẹn là một miếng da lừa cho 2 bên Mỹ và Trung thi nhau giằng xé, liệu có ích gì, hay chỉ tổ gây thêm hại?! Vì thế tôi kiến nghị không chia đều chân tay cho bên nào cả, mà trước hết phải vứt bỏ thân phận miếng da lừa lệ thuộc, để đứng thẳng lên làm người có phẩm chất và bản lĩnh tự quyết định lấy vận mệnh của chính mình.

 

            Đặt vấn đề  như vậy có nghĩa trước tiên cả nước và mỗi người sẽ phải tự thay đổi quyết liệt chính bản thân mình trở thành người có phẩm chất và bản lĩnh tự quyết định lấy vận mệnh của đất nước mình. Đấy là một sự thay đổi đến mức lột xác, gian khó đến tận cùng, có thể tìm thấy ví dụ trong tự nhiên như một con sâu phải trải qua quá trình biến thành nhộng để cuối cùng lột xác thành con bướm, nghĩa là từ miếng da lừa với thân phận lệ thuộc mấy chục năm nay, bây giờ lột xác để trở thành con người với đúng nghĩa, để đi vào một thế giới hoàn toàn mới – cụ thể ở đây là cái thế giới sau bước ngoặt AUKUS. Tiến hành cải cách chính trị đổi đời đất nước để xây dựng nên một dân tộc Việt Nam trưởng thành – như tôi đã chính thức đề nghị nhiều lần với lãnh đạo ĐCSVN qua các kỳ ĐH Đảng khác nhau – chính là con đường lột xác nước ta phải đi! Có một dân tộc Việt Nam trưởng thành, đất nước sẽ có tất cả. Không làm được như vậy, nước ta sẽ chỉ là thân phận con sâu cho người ta xéo chết, hoặc là con mồi cho đủ loại chim muông cóc nhái… Trong những kiến nghị gửi đến các ĐH Đảng gần đây, tôi đã trình bầy suy nghĩ của mình về nội dung, bước đi và phương thức tiến hành cuộc cải cách chính trị đổi đời này, ĐCSVN đang có trong tay những điều kiện lý tưởng để tiến hành cuộc cải cách vỹ đại này mà cả nước đòi hỏi – chỉ còn thiếu ý chí thực hiện.., xin được miễn nhắc lại tại đây.

 

            Nhìn vào những thách thức nước ta hôm nay phải đối mặt trong cái thế giới sau bước ngoặt AUKUS, tôi liên hệ đến nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà thời trứng nước. Những khó khăn thách thức hôm nay thấm gì! Hồi ấy còn chưa có phe XHCN, CHNDTH còn chưa ra đời, thực dân Pháp và Tầu Tưởng Giới Thạch tìm mọi cách nuốt chửng VNDCCH trứng nước và bơ vơ một mình nhưng không làm nổi. VNDCCH chẳng những trơ trơ đứng vững mà còn tiến hành kháng chiến chống pháp thành công… Các thế hệ lãnh đạo gần đây của ĐCSVN hình như quên hoặc hầu như không biết đến giai đoạn cách mạng hào hùng này và những bài học quý giá hôm nay vẫn còn nguyên giá trị… Và có lẽ vì vậy, hôm nay họ càng không thể hiểu những giá trị nền tảng của vấn đề dân tộc và vấn đề dân chủ - thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập và trong Hiến pháp 1946 – đã dựng lên ý chí quyết chiến và quyết thắng, đã giải phóng trí tuệ và sức mạnh của toàn dân tộc để giành thắng lợi vẻ vang cho kháng chiến. Những giá trị nền tảng này của vấn đề dân tộc và dân chủ chính là cái gốc, là cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh, là cái dỹ bất biến ứng vạn biến đã đoàn kết và dẫn dắt nhân dân ta trên suốt chặng đường giành lại độc lập thống nhất cho đất nước hôm nay.

 

            Vấn đề Trung Quốc của thế giới hôm nay là: Trung Quốc + virus corona + Taliban. Trong cái thế giới sau bước ngoặt AUKUS Trung Quốc  quyết giương cao ngọn cờ CNXH đặc sắc Trung Quốc để bình thiên hạ, thách thức cả nhân loại tiến bộ phải đối mặt.

 

VN không có yêu cầu bình thiên hạ. Song bối cảnh của địa chính trị và địa kinh tế toàn cầu cũng như của khu vực trong thế giới sau bước ngoặt AUKUS cho dù cục diện thế giới sắp tới sẽ xoay vần như thế nào hay tiến triển theo hướng nào, thực tế khách quan của đối kháng Mỹ - Trung đòi hỏi nước ta phải tự mình phải vươn lên vứt bỏ thân phận miếng da lừa lệ thuộc đeo bám đất nước mấy chục năm nay rồi, để tự quyết định lấy vận mệnh của chính mình, để có phẩm cách và bản lĩnh xây dựng thành công mối quan hệ đối tác chiến lược với đúng nghĩa với cả Trung Quốc và Mỹ. Có một con đường như thế, nước ta phải lựa chọn như thế, và nếu ta là chính ta sẽ hoàn toàn có thể chọn được! Đấy là con đường duy nhất để Việt Nam bảo vệ thành công an ninh và phát triển của quốc gia mình, đồng thời cho phép Việt Namthực hiện nghĩa vụ không thể thoái thác của mình là quốc gia ở vị trí địa đầu đối với hoà bình, hợp tác và phát triển của khu vực Đông Nam Á.

 

Vì những lẽ nêu trên, ĐCSVN nắm trong tay mọi quyền lực của đất nước nên có trách nhiệm ràng buộc phải đứng lên thay đổi chính mình trước để trở thành đảng của dân tộc và của dân chủ, phải dựa hẳn vào nhân dân để thay đổi bằng được chính mình, để có phẩm chất và khả năng phát huy những giá trị nền tảng của v/đ dân tộc và v/đ dân chủ, quyết tâm phát huy sức mạnh của một dân tộc trưởng thành, giành về cho nước ta vị thế là đối tác chiến lược phải có trong thế giới hôm nay. Sức mạnh của những giá trị nền tảng trong vấn đề dân tộc và dân chủ của một dân tộc trưởng thành sẽ là yếu tố bất biến để nhân dân ta dấn thân giành thắng lợi cho Tổ quốc trong mọi tình huống./.

 

Hà Nội – Võng Thị, ngày 23-09-2021

 

Vĩ Thanh (24-9-2021)

 

Tôi bắt đầu viết bài này dạng đêm 21-09 (sau khi mất ba hay bốn ngày chỉ để xoá đi xoá lại 2 hay 3 tiêu đề khác nhau tôi muốn lựa chọn), song bài chủ yếu được viết xong trong ngày 22-09-2021, cứ như là một ai đó cầm tay tôi gõ xuống bàn phím vậy, kể cả ý tứ và bố cục của bài! Thật ra là ý tứ của bài đã được nung nấu trong mạch suy nghĩ chung của tôi từ lâu, song AUKUS đã giúp tôi lựa chọn được tiêu đề cho bài  mà tôi chấp thuận được. Và đúng là một cú hích, tôi ngồi vào bàn phím gõ một mạch, không chần chừ được nữa. Sáng nay, 24-09-2021, sau khi đọc xong một lần nữa bài mà anh để chậm lại một ngày này, một bạn cùng nghề ngoại giao nhưng ít tuổi hơn tôi một con giáp - vốn là đại sứ ở một nước Tây Âu, vì phải giãn cách do covid 19 nên đành nói chuyện với tôi qua mobile chung quanh chuyện AUKUS hơn một giờ đồng hồ, câu chuyên đụng tới quyền lực mềm của TQ và bản lĩnh của Việt Nam. Tôi phải nói thực với bạn mình: Chúng ta hiểu bao nhiêu về 2 chủ đề này cũng không đủ đâu, tốt nhất là chúng ta phải mở lòng  để cuộc sống dạy chúng ta tiếp, dạy liên tục, và  không ngừng, miễn là chúng ta đừng lúc nào quên học. Bạn tôi  đòi dẫn chứng, tôi kể ra 2 sự việc với điều kiện bạn phải đem ra so đo chuyện kể với tầm suy nghĩ trong thâm tâm của mình. 

 

Chuyện thứ nhất:  Quyền lực mềm - Mục tiêu biện minh cho biện pháp – thời Xuân Thu chiến Quốc: Chuyện kể rằng: Kinh Kha (người nước Vệ) được thái tử Đan (nước Yên) trọng dụng, giao cho nhiệm vụ ám sát Tần Thuỷ Hoàng (xem sử ký của Tư Mã Thiên). Trước khi lên đường hành sự, Kinh Kha được thái tử Đan mở đại tiệc trọng đãi. Trong buổi tiệc có một mỹ nữ hát và múa làm Kinh Kha ngây ngất, nhất là hai bàn tay múa rất đẹp của nàng… Kinh Kha không nén được cảm xúc, buột miệng khen với tất cả tâm can mình… Trước khi đặt chân vào đất của Tần Thuỷ Hoàng, người tiễn Kinh Kha trao một gói được  gọi là lưu niệm quý, do chính thái tử Đan đích thân đề tặng. Kinh Kha mở ra… và đấy là đôi bàn tay của mỹ nữ…  … … Lúc hành sự dù bị bại lộ, nhưng Kinh Kha vẫn tìm mọi cách thực hiện đến cùng nhiệm vụ được giao của mình, cho đến lúc bị quân nhà Tần phanh thây giết chết - vì Kinh Kha không còn đường nào khác.

 

[Đương nhiên, đây chỉ là câu chuyện của văn học, thời điểm của cốt truyện cách đây mấy nghìn năm rồi, truyện được viết khoảng thế kỷ 14. Song văn học này phản ánh sinh động văn hoá Trung Quốc, cái nền của tư duy Trung Quốc cho đến hôm nay... Toàn bộ bộ “Xuân Thu Chiến Quốc” có nhiều chuyện phi thường như thế… Tôi đọc “Xuân Thu Chiến Quốc” trong tủ sách của bố mẹ mình, hồi tôi đang học élémentaire – lớp 3 bây giờ - song chuyện Kinh Kha như bị ấn vào đầu, nên tôi không quên được.]

 

Chuyện thứ hai - bản lĩnh Việt Nam: Đêm 22-09-2021, viết xong bài về AUKUS. tôi giải lao bằng cách xem trận đấu  vòng 1/8  Việt Nam - Nga của World Cup Futsal 2021 để chọn 8 đội vào tứ kết. Ở thời điểm này đội tuyển Việt Nam xếp hạng 34 thế giới, Nga là đương kim á quân.  Ở châu Á ngoài Việt Nam  chỉ còn Nhật và Thái Lan  đi tới được vòng 1/8 này,  Do sự chênh lệch quá lớn giữa hai bên Nga-Việt Nam cả về thể chất (Nga cao to hơn ta nhiều) và kỹ năng của cầu thủ, việc đương kim á quân Nga sẽ thắng tuyển Việt Nam coi như chuyện đã bỏ sẵn trong túi! Tuy nhiên, Nga tung hết vở áp đảo trong hiệp 1, song  bị dẫn trước 1-0, mãi tới cuối hiệp 1 Nga mới thắng lại ta 2-1.  Sang hiệp 2 Nga thắng tiếp thành 3-1. Còn 1/3 thời gian của hiệp 2 (7 phút), tuyển Việt Nam quyết định chơi power-play (nghĩa là bỏ trống goal, vai thủ môn cũng phải xông trận), ta thắng thêm thành 2-3, và đôi ba lần xuýt nữa làm được 3-3 cho Việt Nam! Nga tìm mọi cách xoay sở, nhưng kết thúc vẫn chỉ giữ nguyên được tỷ số 3-2 và đây là điều tuyển Nga không ngờ, ông bầu của Nga thú nhận như vậy! [Ở vòng này Nhật thua Brazil 2-4, TL thua Kajaskstan 0-7]. Nguyên nhân thành tích 2-3 của Việt Nam là: (1) cầu thủ Việt Nam tâm lý thép, bất chấp mọi va đập và lấn át của đối phương, luôn bị đối phương cướp mất bóng, bất chấp bị đối phương dẫn trước, (2) giữ nghiêm ngặt  chiến thuật và đấu pháp đã được tính toán và xác định trước từ đầu cho đến hết trận đấu, (3) khoảng thời gian cuối cùng quyết định sáng suốt:  đem hết tổng lực chơi power-play theo chiến thuật định trước! Xem đấu bóng, tôi cứ ước ao cả nước mình là một đội tuyển như thế!

 

 

 

Tài liệu tham khảo:

 

1.      Nguyễn Trung: Vài suy nghĩ sau sự kiện Kabul  - http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_SuyNghiSauKabul.html

2.     Nguyễn Trung, “Kiến nghị về Đại hội XIII”

http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_KienNghiDaiHoiXIII.pdf

 

3.     Hoàng Anh Tuấn: Mười điều rút ra từ sự ra đời của Liên minh AUKUS –  http://nghiencuuquocte.org/2021/09/19/muoi-dieu-rut-ra-tu-su-ra-doi-cua-lien-minh-aukus/  

 

4.     The Taiwan Temptation - Why Beijing Might Resort to Force - By Oriana Skylar Mastro - July/August 2021
https://www.foreignaffairs.com/articles/china/2021-06-03/china-taiwan-war-temptation

 

5.     THE CCP'S NEXT CENTURY Expanding economic control, digital governance and national security

https://merics.org/sites/default/files/2021-07/MERICSPapersOnChinaCCP100_3_1.pdf

 

 

 



[1]Tham khảo: NikkeiAsia 18-09-2021- “Analysis: China's CPTPP bid is curveball aimed at splitting U.S. and Japan https://asia.nikkei.com/Economy/Trade/Analysis-China-s-CPTPP-bid-is-curveball-aimed-at-splitting-U.S.-and-Japan

 

[2] Ví dụ: Trong một cuộc phỏng vấn ở Đức cho báo Die Welt (Thế giới), do hãng Infratest Dimap thực hiện tháng 12-2020 cho thấy: Chỉ có 17% người Đức ủng hộ việc đứng về phía Mỹ trong đối kháng Mỹ - Trung, khoảng trên 70% còn lại giữ thái độ trung lập. Ở hầu hết các nước thành viên khác của EU cũng có những hiện tượng tương tự. Đức là quốc gia dẫn đầu của EU trong làm ăn lớn nhất và lâu đời nhất với TQ.

[3] Phải nói phía Trung Quốc có nhiều hoạt động ngoại giao rất tiểu nhân và bỉ ổi kiềm chế VN nhân chuyến thăm này của bà Harris.

[4] Tìm xem những tổng kết của tôi về quan hệ Việt – Trung nêu trong các kiến nghị gửi các Đại hội của ĐCSVN – gần đây nhất là các Đại hội XI, XII và XIII.

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 23-9-21