Suy nghĩ về thế giới và nước ta
thời hậu đại dịch covid-19
Viết nhân dịp 25 năm bức thư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
09-08-1995/2020
Nguyễn
Trung
Dựa
vào quan sát thế giới và những phân tích thu thập được, theo tôi, từ hơn
một thập kỷ nay, nhất là từ khi Trung Quốc Tập (2012) và nước Mỹ Trump
(2016) xuất hiện như một nhân tố có vai trò chi phối mang tính quyết
đinh, thế giới đã sang trang đi vào một thời kỳ phát triển mới để rồi sẽ
hình thành nên một trật tự quốc tế khác trong khung khổ những thể chế
mới sẽ đến. Đại dịch covid-19 lay động tất cả, bắt buộc tất cả các quốc
gia và từng con người phải thay đổi đến tột cùng, càng làm rõ thêm những
đặc chưng mới của thời kỳ sang trang này.
PHẦN MỘT
Phải chăng có thể nêu lên một số nhận xét khái quát sau đây:
1 - Mâu thuẫn Mỹ - Trung, hình thành với những lý do đã biết, mang tính
đối kháng lớn nhất và triệt để nhất kể từ sau chiến tranh thế giới II,
giữa một bên là Mỹ quyết bảo vệ vai trò số một thế giới và những giá trị
đã làm nên nước Mỹ, và một bên là đế chế Trung Hoa trỗi dậy và cho rằng
thời cơ đã đến để thực hiện giấc mông Trung Hoa bá quyền thế giới. Trên
nhiều phương diện, tính đối kháng của mâu thuẫn Mỹ - Trung hôm nay vượt
xa tính đối kháng của mâu thuẫn Mỹ - Xô thời chiến tranh lạnh I.
Sự thật là thế giới đang đi vào
thời kỳ biến động quyết liệt nhất kể từ sau tranh thế giới II, với
những nguy cơ chiến tranh ngày càng nhiều ở những quy mô khác nhau, có
thể bắt đầu nổ ra ở trận địa nước bên thứ ba trước khi lan rộng hoặc trở
thành chiến tranh thế giới, hoặc chủ yếu chỉ diễn ra trên trận địa nước
bên thứ ba, hoặc cuốn hút những nước bên thứ ba vào cuộc... Như một hệ
quả tất yếu, quá trình này gây ra những tập hợp lực lượng mới và làm
phân rã hay thay, đổi đáng kể những tập hợp lực lượng đang có (thái độ
nhiều mầu sắc khác nhau của EU đối với vấn đề Trung Quốc là một trong
những ví dụ điển hình).
Với những nguyên nhân đã xác định được, sự vận động của kinh tế thế giới
và quá trình toàn cầu hóa của nó từ gần 2 thập kỷ nay cũng chuyển sang
một giai đoạn khác với những gì đã hình thành nên sau chiến tranh thế
giới II, tác động sâu sắc vào sự phát triển của mọi quốc gia. Thực tế
này về nhiều mặt là một nguyên nhân cơ bản dẫn đến mâu thuẫn đối kháng
Mỹ - Trung và đồng thời cũng làm cho mâu thuẫn đối kháng này càng triệt
để hơn, đại dịch covid-19 là một cú hích quyết định thúc đẩy tiếp toàn
bộ sự vận động này.
Lợi ích của
Mỹ hôm nay và những giá
trị nó phải bảo vệ cho sự tồn tại của nó với tính cách là vai trò số một
thế giới có nhiều mặt phù hợp với lợi ích và những giá trị phổ quát của
nhiều quốc gia. Trong khi đó mục tiêu bá quyền thế giới của giấc mộng
Trung Hoa lại nhằm khuất phục thế giới phải vận động theo những giá trị
và khuôn mẫu của đế chế này – nhiều học giả có tên tuổi trên thế giới đã
đi tới kết luận chung: Đế chế
Trung Hoa trỗi dậy đang muốn tạo dựng nên một thế giới theo cái bóng của
nó! Thực tế này làm cho mâu thuẫn đối kháng Mỹ - Trung về nhiều mặt
và ngày càng mang tính là
mâu thuẫn giữa một bên là những
giá trị cốt lõi của văn minh nhân loại là tự do và dân chủ, và một bên
là độc quyền toàn trị kiểu Trung Quốc (à la chinoise) đã có những bước
đi dưới lá cờ của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc vượt xa những gì
chủ nghĩa Đức quốc xã đã làm trong thế kỷ trước.
Thời kỳ biến động quyết liệt
đang nói tới ở đây có thể kéo dài nhiều năm hoặc một hai thập kỷ (nghĩa
là có Trump hoặc sau Trump), trước khi thế giới có thể định hình được
một trật tự quốc tế mới khả dĩ mang lại một sự dung hòa nào đó,
với sự thắng thế của trào lưu dân
chủ và những giá trị cơ bản của nó như một xu thế chủ đạo mới,
bởi vì hầu như chắc chắn mâu thuẫn Mỹ - Trung sẽ không thể hay rất khó
dẫn tới tình huống bên đối kháng này xóa bỏ được bên đối kháng kia.
Những tập hợp lực lượng khác và “nhân tố Nga” càng làm cho
thời kỳ biến động quyết liệt
này thêm rối rắm, song đối kháng Mỹ - Trung vẫn giữ vai trò chi phối.
Vì chung cuộc có thể sẽ là hình thành một xu thế chủ đạo mới của trào
lưu dân chủ và những giá trị cơ bản của nó, cho nên có thể dự báo thời
hậu pandemic covid-19 sẽ mở ra
thời đại của thể chế dân chủ và
của vai trò con người sẽ trở thành 2 yếu tố cơ bản định hình và tạo ra
nội hàm sự vận động của thế giới, sẽ dựng nên bộ mặt mới của thế giới
thời hậu đại dịch covid-19.
Nhìn
tổng thể, khả năng TQ Tập Cận Bình có thể thực hiện được giấc mộng Trung
Hoa bá chủ / dẫn dắt thế giới hầu như không hiện thực / bị loại trừ,
cho dù có thể xen kẽ xảy ra những thời kì ngắn hạn đối đầu / giành giật
nhau rất khốc liệt, thắng bại có thể đổi chỗ cho nhau trong những khúc
quanh này, giữa một bên là Trung Quốc có tham vọng bá quyền thế giới, và
một bên là đối tượng / các đối tượng của Trung Quốc. Cũng phải nói rất
khó dự báo được một TQ thất bại
trong thực hiện giấc mông Trung Hoa sẽ là một quốc gia như thế nào –
Sẽ là một liên bang? Hay là những tiểu Trung Quốc? Hay là một TQ nào
khác nữa? Dù thế nào, các nước ASEAN có ý thức được chính mình và tự
quyết định được vận mệnh của mình trong những lực chung của tổ chức
mình, thì mới có khả năng xây dựng được quan hệ láng giềng yên ổn với
TQ...
Xin lưu ý, giấc mộng Trung hoa về nhiều mặt đã trở thành lá cờ, cái bùa
hộ mệnh, thậm chí là lẽ tồn tại của đế chế Trung Hoa trỗi dậy hôm nay.
Thực tế này đối kháng triệt để (categorical) với những giá trị dân chủ
và tự do của văn minh nhân loại, vì thế làm cho
Trung Quốc của giấc mộng Trung
Hoa hôm nay trở thành vấn đề của cả thế giới, chỉ có thể giải quyết
được với sự chung tay của cả cộng đồng thế giới – bao gồm cả chính nhân
dân Trung Quốc. [Ở Mỹ có một số ý kiến đặt câu hỏi mang tính giả thiết:
Thế giới hay một khu vực nhất định nào đó sẽ ra sao, nếu TQ Tập giành
thắng lợi tạm thời hay cục bộ trong đối đầu Mỹ - Trung? Từ góc nhìn của
nước ta, câu hỏi này không được bỏ qua, nhất là nhìn vào những hiện
tượng suy thoái của Mỹ và phương Tây và những vấn đề phức tạp mới trong
thế giới hiện nay, nhưng xin được bàn riêng vào một dịp khác.]
Nói những năm tới hoặc một vài thập kỷ tới sẽ là thời kỳ rất quyết liệt
khó lường hết được của thế giới, trước hết vì mâu thuẫn đối kháng
Mỹ-Trung này đang giữ vai trò chi phối và sẽ thay đổi sâu sắc cục diện
thế giới. Chưa nói đến những diễn biến khó lường trước của kinh tế thế
giới trong một quá trình toàn cầu hóa hoàn toàn khác trước và sự xuất
hiện trên thế giới ngày càng nhiều vấn đề mới phức tap, nan giải khác
nữa, trong đó có vấn đề dịch bệnh. Thực tế này thách thức quyết liệt hơn
bao giờ hết khả năng, bản lĩnh và sức mạnh của mọi quốc gia và từng con
người!
Cần nhấn mạnh một đặc điểm nữa: Trong thế giới hôm nay xuất hiện ngày
càng nhiều vấn đề trọng đại và khó, không một cường quốc hay một nhóm
cường quốc nào có thể đơn phương giải quyết được. Mặt khác các nước nhỏ
yếu hơn và cả cộng đồng các quốc gia trên thế giới hôm nay ngày càng ý
thức được chính mình, có tiếng nói và sức mạnh ngày càng quan trọng, khả
năng của họ tự quyết định lấy vận mệnh của mình ngày càng lớn, và nhìn
chung họ không cam chịu tình huống phó thác vận mệnh của mình vào tay
các nước lớn! Chặng đường 4 cuộc kháng chiến của nước ta và hơn 4 thập
kỷ xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời bình cũng mang lại cho chúng
ta nhiều bài học để đời: Phải là chính mình trước đã, phải dấn thân, thì
mới bảo vệ được mình và mới có được bạn bè đúng nghĩa, dựa dẫm hay leo
dây nếu không èo uột, lệ thuộc thì cũng là chư hầu, không ít trường hợp
mất cả chì lẫn chài!
2 - Sự thay đổi nội dung và cấu trúc quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế
giới hiện nay đặt ra cho mọi quốc gia những thách thức hoàn toàn mới,
đòi hỏi mỗi quốc gia và mọi công dân của nó phải thay đổi toàn
diện để tạo ra cho mình khả năng thích nghi mới và khả năng phát
triển mới trong thế giới thời hậu pandemic covid-19 (đấy là một thế giới
đang trải qua một quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện – a total and
comprehensive reshaping process). Hơn thế nữa, quá trình toàn cầu hóa
mới đang đỏi hỏi, thách thức mọi quốc gia, trước hết là các nước công
nghiệp phát triển, phải cải cách hoặc thay đổi các thể chế quốc tế và
khu vực đang hiện hành nay đã trở nên lỗi thời, và phải phát triển những
thể chế mới. Thực tế này sẽ gây ra không ít những xáo động /giành giật
mới và những xung đột lợi ích mới ở các tầm khu vực hoặc toàn cầu, với
những mức quyết liệt và phức tạp khác nhau, thách thức mọi quốc gia.
Thực tế này đòi hỏi mỗi quốc gia phải tăng cường hơn bao giờ hết sức
mạnh nội trị làm nền tảng gốc trên cơ sở ra sức phát huy sức mạnh của
thể chế chính trị dân chủ - và đặc biệt là phát huy vai trò con người
của quốc gia mình, để quốc gia có đủ trí tuệ, khả năng / bản lĩnh và
thực lực ứng phó có hiệu quả với mọi tác động / sự can thiệp của những
yếu tố bên ngoài.
3 – Phát huy thể chế chính trị dân chủ để phát huy được ở mức cao nhất
vai trò con người (bao gồm 2 vế là thực thi quyền con người –
human right, và nâng cao quyền năng của con người – people
empowerment) là con đường tạo ra
sức mạnh cốt lõi của mỗi
quốc gia. Thực hiện được đòi hỏi này, quốc gia sẽ tạo ra lợi thế hoàn
toàn mới và sẽ làm nên sự phát triển bứt phá. Quốc gia phải thiết lập
được một thể chế chính trị có khả năng phát huy được
sức mạnh cốt lõi này trở
thành tiền đề quyết định và đầu tiên phải có cho sự sống còn của nó
trong thế giới hôm nay. Trách nhiệm nặng nề xây dựng nên một thể chế
chính trị như vậy cho quốc gia trước hết đặt lên vai giới tinh hoa và
giới trí thức của quốc gia, thông qua những cuộc vận động xã hội khai
dân trí và những cải cách chính trị - kinh tế phù hợp. Trong toàn bộ quá
trình vận động này, lấy phát triển kinh tế bền vững và những tiến bộ đạt
được trong cải thiện và nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần
của đông đảo các tầng lớp nhân dân làm động lực thực hiện công cuộc cải
cách để phát triển này. Nói cụ thể hơn nữa, đây là quá trình vận dụng
những kiến thức và khả năng mới nhất của thành tựu văn minh nhân loại
hôm nay cho xây dựng và phát triển
hệ thống giường cột quốc gia – bao gồm kinh tế thị trường-nhà
nước pháp quyền-xã hội dân sự
–
thích nghi được và theo kịp
những đòi hỏi mới của thế giới thời hậu đại dịch covid-19. Lấy thực hiện
công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình làm nguyên tắc cho mọi
hoạt động kinh tế, chính trị và xã hội của đời sống đất nước.
Trong thế giới mở của thời đại thông tin hôm nay, các nước đang phát
triển, còn được hiểu là các nước đi sau (late comers), có nhiều điều
kiện hơn bao giờ hết để thực hiện sự thay đổi mang tính đổi đời cho quốc
gia mình, để tạo ra
sức mạnh cốt lõi như vừa
trình bầy trên. Đòi hỏi đầu tiên là giới tinh hoa và trí thức của quốc
gia phải ý thức được
sức mạnh cốt lõi nhất
thiết phải xây dựng này và có ý chí theo đuổi, thực hiện. Điểm mới trong
thế giới mở thời đại thông tin và trong sự phát triển của văn minh nhân
loại hôm nay là sức mạnh của phát triển dân trí của quốc gia có
thể tạo ra cho quốc gia những bước phát triển đột phá, đồng thời có khả
năng tranh thủ được hậu thuẫn rất lớn của thế giới tiến bộ. Mặt khác sự
can thiệp của quyền lực bên ngoài – cho dù là bất kể thuộc cường quốc
nào – hôm nay không thể tác yêu tác quái chống lại các nước nhỏ yếu như
trước kia nữa.
Bản thân toàn bộ các nước công nghiệp phát triển cũng đang đứng trước
những đòi hỏi quyết liệt không kém phải khắc phục những hiện tượng tha
hóa và những hiện tượng thiên lệch không tránh khỏi trong quá trình phát
triển của họ. Chưa nói đến toàn bộ thế giới phương Tây nói chung đang
đứng trước thực tế gay gắt: Tòa nhà dân chủ của họ ngày càng nhiều phần
nhiều mảng không chịu đựng nổi thử thách của thời gian và những biến
động mới trong cuộc sống. Tòa nhà này đang phải trung tu hay đại tu lại
rất nhiều – Ví dụ, cứ nhìn những rối lọan trong nước Mỹ nói riêng và
trong các nước phương Tây nói chung giữa đại dịch hôm nay, rồi nhìn vào
sự can thiệp ghê tởm và có hiệu quả của Trung Quốc vào nội bộ những quốc
gia này, sẽ thấy được nhiều vấn đề.
Là nước đi sau, các nước đang
phát triển có thể rút ra cho mình nhiều bài học bổ ích.
4 – Sự phát triển của văn minh nhân loại ngày nay, nhất là những tiến bộ
và thành tựu khoa học kỹ thuật đã đạt được trong mọi lĩnh vực (bao gồm
cả những lĩnh vực kinh tế - xã hội…), sự xuất hiện của cách mạng công
nghiệp 4.0 và AI, tất cả đang mở ra những khả năng phát triển hoàn toàn
mới, cho phép giải quyết ngày
càng hiệu quả hơn những mâu thuẫn hay những vấn đề (dù là do con
người hay do thiên tai, hoặc do các yếu tố trong tự nhiên) đang thách
thức cuộc sống của con người nói chung và của mỗi quốc gia nói riêng.
Trong thế giới hôm nay, một quốc gia có thể chế chính trị và có con
người làm chủ được những tiến bộ và thành tựu mới này của văn minh nhân
loại, sẽ luôn luôn giành được những thành tựu phát triển mới, sẽ có khả
năng tốt hơn bảo vệ chính mình, và đồng thời có thể dấn thân cả quyết
hơn cho sự tiến bộ chung của cộng đồng các quốc gia. Chính vì những lẽ
tối quan trọng này, một quốc gia như thế sẽ trở nên
bất khả chiến bại trước mọi thách
thức, luôn luôn tìm được bạn bè,
và luôn luôn có được chỗ đứng
xứng đáng trong hàng ngũ các quốc gia tiên tiến trên thế giới –
vô luận nó là một nước nhỏ hay nước lớn.
Không có thành trì tự vệ nào của
quốc gia vững vàng hơn thực tế rất quý báu này.
Thể chế chính trị dân chủ, con người được giác ngộ về chính bản thân
mình và về đất nước, và nền giáo dục tiên tiến – đấy là
3 yếu tố căn bản để dựng
nên được một quốc gia như thế. Cuộc sống trong thế giới hôm nay hoàn
toàn cho phép các nước đi sau (late
comers) bằng mọi nỗ lực chủ quan cộng với tranh thủ sự hợp tác quốc
tế để xây dựng cho nước mình
3 yếu tố căn bản này.
Điều kiện tiên quyết là quốc gia phải ý thức được
3 yếu tố căn bản này như
một đòi hỏi tất yếu khách quan cho sự sống còn của mình, và có đủ ý chí
và nghị lực theo đuổi, thực hiện.
*
PHẦN HAI
Từ
cái nhìn chung như thế về thế giới soi rọi vào nước ta, xin nêu lên một
số ý sau đây nhìn theo góc độ là một quốc gia:
1 – (a)Thế giới thời hậu đại dịch
covid-19 khách quan đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi triệt để vì sự tồn
tại và phát triển của chính minh trong một thế giới đã đổi khác. Hơn nữa
sự phát triển tự thân của Việt Nam hôm nay đã đi tới đòi hỏi cấp thiết
phải tìm đường chuyển lên một thời kỳ phát triển mới cao hơn. (b)Hơn thế
nữa, nằm ở vị trí địa đầu của khu vực Đông Nam Á, Việt Nam lọt vào một
trong những tâm điểm quyết liệt nhất, nóng nhất tại Biển Đông của mâu
thuẫn đối kháng Mỹ - Trung, với tất cả những hệ lụy nguy hiểm nhất có
thể – bao gồm cả tình huống có thể xảy ra chiến tranh cục bộ, hoặc chiến
tranh xâm lược từ phía Trung Quốc (ví dụ, theo kiểu dậy cho VN một bài
học mới, hoặc vì một lý do chiến lược hay chiến thuật nào đó TQ thấy cần
thiết thực hiện trong tranh chấp Mỹ - Trung…). (c)Trên tất cả, mối quan
hệ Việt – Trung dù quan trọng đến mức sống còn đối với Việt Nam như thế
nào đi nữa, dù phía Việt Nam đã làm tất cả những gì có thể hoặc thậm chí
đã quá mức có thể để gìn giữ, củng cố mối quan hệ song phương không thể
thiếu này; song những xâm phạm, sự can thiệp, và những thách thức mới
ngày càng nhiều và thường trực hơn từ phía Trung Quốc đã đi quá làn ranh
đỏ, đã và đang kìm hãm sự phát triển của Việt Nam, uy hiếp nghiêm trọng
Việt Nam trên nhiều phương diện.
Vì sự
tồn tại và danh dự của quốc gia, vì sự phát triển của chính đất nước
mình, Việt Nam bắt buộc phải xử lý thành công 3 loại thách thức nói
trên.
Với những gì có
được trong tay hôm nay, và trong bối cảnh cục diện thế giới mới này,
Việt Nam hoàn toàn hội đủ mọi điều kiện giải quyết thành công 3 loại
thách thức nói trên để phát triển quốc gia mình và đồng thời để đưa quan
hệ Việt – Trung vào thời kỳ phát triển lành mạnh đúng như nhân dân hai
nước mong đợi. Mọi hèn kém chỉ mời gọi thảm bại và sự lấn tới của TQ.
Điều quyết định là Việt Nam cần ý thức sâu sắc được chính mình, và nhìn
nhận được thấu đáo cục diện và xu thế vận động của thế giới hôm nay.
2 – (a)Thông qua xây dựng thể chế chính
trị dân chủ để phát huy vai trò của con người, Việt Nam có thể tận dụng
được cơ hội và những điều kiện chưa từng có trong sự phát triển của thế
giới hôm nay, sớm đưa Việt Nam trở thành nước phát triển. (b)Mặt khác
Việt Nam vừa có bài học của chính mình trong thực tiễn kháng chiến giành
lại độc lập thống nhất về thực hiện kết hợp sức mạnh dân tộc với sức
mạnh thời đại để giành thắng lợi. Giác ngộ được 2 điều quan trọng này,
Việt Nam sẽ sớm tìm ra con đường đưa đất nước vào một thời kỳ phát triển
mới, và tạo ra cho mình thực lực vật chất cũng như tinh thần cho việc xử
lý thành công 3 loại thách thức nêu trong điểm “1” (Phần hai). Mở đường
đi vào thời kỳ phát triển này là
cuộc cải cách chính trị đổi đời
đất nước bắt buộc phải tiến hành.
So sánh trên nhiều phương diện với
nhiều nước đang phát triển khác, có thể nói Việt Nam là quốc gia hội tụ
được nhiều – hoàn toàn có thể nói là
đủ - những điều kiện lý
tưởng nhất cho việc tiến hành cuộc cải cách chính trị nhất thiết phải
thực hiện này. Chỉ còn thiếu điều kiện “cần”
duy nhất: Nhân tố tổ chức và thúc đẩy những điều kiện “đủ”
này hoạt động và phát huy được vai trò của chúng cho mục tiêu thức tỉnh
tinh thần quật khởi và sức mạnh của dân tộc, tất cả vì sự nghiệp chấn
hưng đất nước để sống được trong thế giới hôm nay.
Cần lưu ý Việt Nam hôm nay không phải
là một nước nhỏ, có vị thế quốc gia quan trọng trong khu vực, có vai trò
được tôn trọng trên trường quốc tế. Việt Nam hôm nay có nhiều lợi thế
lớn ở phạm vi khu vực và toàn cầu, nhưng chưa được nhận thức thấu đáo để
phát huy, và càng chưa được vận dụng bao nhiêu – nhất là những lợi thế
liên quan đến phát huy vai trò con người và nguồn lực con người của nước
ta, những lợi thế liên quan đến huy động những khả năng to lớn trong
những tiến bộ của thế giới hôm nay cho nhiệm vụ phải xây dựng một thể
chế chính trị dân chủ như những điều kiện sống còn của quốc gia, v… v…
Nghiêm khắc mà nói: nhiều trong
những lợi thế này bị thể chế chính trị toàn trị triệt tiêu, hủy hoại
trong những thập kỷ đất nước độc lập thống nhất.
Tại đây cũng phải
nói ngay: Việt Nam hôm nay chưa nhận thức sâu sắc được những yếu kém của
mình, chưa có đủ trí tuệ và ý chí khắc phục những yếu kém này, nhất là
những yếu kém cố hữu nằm sâu trong sự lạc hậu và tụt hậu của quốc gia.
Không ít giá trị cao quý và vốn liếng quốc gia đã bị hủy hoại trong quá
trình phát triển hơn bốn thập kỷ vừa qua, cái giá phải trả đắt quá, nhất
là đến nay vẫn chưa khắc phục được vết thương dân tộc, đất nước bị tiêm
nhiễm không ít nọc độc chết người theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Trong
những yếu kém này, đang nổi lên một đòi hỏi hiện nay đã trở nên cấp
thiết sống còn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hôm nay, đó
là:
Cần sớm khắc phục mọi sai lầm,
yếu kém và khó khăn, để xác định được chuẩn xác lợi ích quốc gia cũng
như chỗ đứng đất nước ta nhất thiết phải giành lấy trong một thế giới
rất phức tạp và quyết liệt
như hôm nay, ra sức phát huy sức mạnh của đoàn kết dân tộc và những giá
trị cao quý của quốc gia, đồng thời tranh thủ sự hậu thuẫn của cả thế
giới tiến bộ, để quyết tâm thực hiện và bảo vệ thành công.
Xin nhấn mạnh, chưa bao giờ Việt Nam có
lợi thế là hầu như cả thế giới (có lẽ chỉ ngoại trừ chủ nghĩa bá quyền
Trung Quốc) đều mong muốn Việt Nam phải phát triển và làm được vai trò
phải có của mình trong khu vực – vì lợi ích của Việt Nam cũng như vì lợi
ích chung trong khu vực và trên thế giới. Thậm chí bạn bè đòi hỏi phải
có một Việt Nam dấn thân cho sự phát triển của chính mình và cho gánh
vác nghĩa vụ chung trong cộng đồng thế giới. Hầu như cả thế giới (ngoại
trừ chủ nghĩa bá quyền TQ) không mong muốn Việt Nam rơi vào tay Trung
Quốc và qua đó có thể làm nghiêm trọng thêm vấn đề Trung Quốc đối với
thế giới, nhất là đối với khu vực Đông Nam Á. Hơn nữa, con đường tạo ra
mối quan hệ láng giềng tốt, có hòa bình, hữu nghị và được tôn trọng với
Trung Quốc chỉ có thể là con đường tạo ra một Việt Nam phát triển như
nhân dân ta đòi hỏi và như bạn bè mong đợi. Nói ngắn gọn: Muốn sống được
bên cạnh Trung Quốc, Việt Nam phải là một quốc gia như thế, nhân dân ta
hoàn toàn có đủ trí tuệ, ý chí và khả năng xây dựng quốc gia của mình
thành một Việt Nam như thế - thông qua con đường xây dựng thể chế chính
trị dân chủ và phát huy vai trò con người. Cải cách chính trị đổi đời
đất nước là bước đi đầu tiên trên con đường nước ta phải đi này.
Xin mạn phép cho tôi nhân đây chia sẻ một câu hỏi riêng hàng
ngày day dứt tôi, đó là:
Trong mối tương quan với thế giới
hôm nay, phải chăng Việt Nam với tính cách là một quốc gia, đất nước này
đang cùng một lúc vừa không nhận thức được đầy đủ những yếu kém rất
nghiêm trọng của chính mình, mặt khác vừa không nhận thức thấu đáo và
vừa tự mình lãng phí / vứt bỏ một cách không thể tha thứ những khả năng
to lớn, những điểm mạnh, những lợi thế, những nguồn lực trong / ngoài
rất lớn đã huy động được mà không phải nước đang phát triển nào cũng có
thể có được; và nhất là trong những thập kỷ đất nước độc lập thống nhất
vừa qua Việt Nam đã tự tay đánh mất (hay là cố ý vứt đi, hay là không
nhìn ra?..) những cơ hội vô cùng quan trọng cho phép đổi đời đất nước!?
Thậm chí tôi cả nghĩ,
nếu có suy
nghĩ và quyết định đúng đắn, các điểm mạnh Việt Nam có được hoàn toàn
cho phép khắc phục có hiệu quả mọi yếu kém của mình, để đổi đời quốc gia
mình trở thành một nước phát triển; và hơn 4 thập kỷ vừa qua hoàn toàn
có thể là thời gian đủ để đạt mục tiêu này! Ở thời điểm hiện tại, chữ “nếu”
này vẫn còn nguyên hiệu lực. Vì thế xin nhấn mạnh: Trở thành một nước
phát triển là một thách thức phải chấp nhận, một mục tiêu sống còn Việt
Nam phải thực hiện, để có thể sống được trong thế giới quyết liệt hôm
nay, để chậm một ngày, nguy cơ và mọi uy hiếp khác chống nước ta sẽ lớn
lên một ngày! Lịch sử không làm lại được, nhưng bài học thì phải rút ra.
Thực tiễn hiện nay của đất nước và chữ
“nếu” này
khiến tôi đụng vào câu hỏi thắt ruột thắt gan:
Tại sao lại để xảy ra điều đau lòng này?
Tổ quốc là của tất cả chúng ta, vì thế từng người dân của đất nước -
không phân biệt một ai – nên và phải nén mình xuống, và chỉ đặt tổ quốc
lên trên hết, để từng người tự mình tìm ra cho chính mình câu trả lời
trung thực, để từ đây cùng nhau khép lại quá khứ, cùng nhau mở lòng đoàn
kết và hòa hợp dân tộc, để chung tay xây dựng nên câu trả lời và nhận
thức chung cho cả nước ta! Cho đến giờ phút này mỗi chúng ta không ngoại
trừ một ai vẫn đang nợ đất nước câu trả lời phải có này!
3 – Giới tinh hoa và đội ngũ trí thức
của đất nước có trách nhiệm nặng nề là phải tự vượt lên chính mình, phải
trở thành người đi đầu trong giác ngộ thấu đáo tình hình mới, nhiệm vụ
mới và những vấn đề đặt ra cho quốc gia trong thế giới hôm nay, để qua
đó trở thành người truyền đạt, người đánh thức nhân dân cả nước cùng
giác ngộ chính bản thân mình và những đòi hỏi của đất nước trong thế
giới mới hôm nay. Đánh thức được sự giác ngộ như vậy của nhân dân, đất
nước sẽ có được sức mạnh bất khả kháng, và sẽ làm nên sự nghiệp của quốc
gia. Nghĩa là: Quốc gia phải có một thể chế chính trị phát huy được
những quyền tự do dân chủ của nhân dân, để giải phóng con người, vừa
thực hiện được quần tụ được dân tộc, vừa phát huy được sức mạnh của dân
tộc.
Về phần ĐCSVN với tính cách là lực
lượng chính trị duy nhất, lớn nhất, độc quyền nắm mọi quyền lực quốc
gia, thách thức lớn nhất đặt ra cho Đảng là:
Nên, hay không nên huy động trí
tuệ trong Đảng và trong cả nước đánh giá và nhận thức thấu đáo cục diện
quốc tế mới hôm nay, thực trạng đất nước, những vấn đề đặt ra cho Việt
Nam, những quyết định phải lựa chọn? Thiết nghĩ: Đảng phải đặt
tổ quốc lên trên hết, vượt qua mọi yếu kém của chính mình, để nhận thức
lại thế giới thời sang trang, nhận thức đúng đắn thực trạng đất nước hôm
nay, nhận thức lại đúng/sai chính bản thân Đảng về mọi mặt trong nhiệm
vụ của mình đối với đất nước cũng như trong mọi mối quan hệ với quốc
gia, với nhân dân, và với thế giới bên ngoài… Trước hết cần làm ngay tất
cả mọi việc, đề Đại hội XIII có thể mang lại nhận thức mới cho toàn Đảng
về tình hình và nhiệm vụ mới đặt ra cho đất nước trong thế giới hôm nay
theo tinh thần và nội dung như đã trình bầy trong PHẦN MỘT. Thời gian
vẫn hoàn toàn đủ để chuẩn bị Đại hội với tinh thần và nội dung như thế,
miễn là toàn Đảng và trước hết là đội ngũ lãnh đạo giác ngộ được đòi hỏi
sống còn này. Đòi hỏi này đang thách thức quyết liệt trí tuệ, ý chí và
phẩm chất chính trị của ĐCSVN hôm nay.
Trước những thách thức mất/còn của đất
nước cũng như trước cái sống/chết của sự nghiệp của Đảng trong thế giới
khắc nghiệt hôm nay, xin cho phép
tôi đặt ra câu hỏi với Đảng, đúng hơn là cho phép tôi nhắc lại câu hỏi
này của tôi đã nhiều lần nói lên với Đảng:
-
Vào thời khắc nghiêm trọng này của đất nước trong một thế giới hoàn toàn
khác, ĐCSVN có dám hay không dám khép lại quá khứ rối rắm của chính mình
để vượt lên chính mình, vượt lên mọi sức ép bất kể loại gì và từ đâu
đến, để từ ngay bây giờ trở đi quyết hướng về phía trước, chỉ lấy tìm
đường cứu nước và chấn hưng đất nước làm lẽ sống của mình, để từ đó tự
mình và dựa hẳn vào nhân dân quyết thay đổi chính mình, để quyết đứng
lên vận động cả nước mở ra con đường sống đi vào một trật tự thế giới
khác đang hình thành, Đảng có dám như thế hay không? Tôi đã hỏi ĐCSVN
như vậy nhiều lần, có nghĩa là tôi đã có câu trả lời. Nhưng còn nước còn
tát, tôi vẫn đặt ra rõ ràng và không dao
động câu hỏi phải hỏi này của mình đối với Đảng trước thềm Đại hội
XIII!!!
Chưa bao giờ ĐCSVN
phải đứng trước không biết bao nhiêu câu hỏi: Phải thay đổi những gì? và
thay đổi như thế nào, theo hướng nào?.. Không biết bao nhiêu câu hỏi đã
có câu trả lời?
Đương nhiên vì lý
do nào đấy, con người sinh lý có thể vô cảm, mang nhân sinh quan khác và
cách tư duy khác, có thể điếc, có thể mù, vân vân.., song không vì thế
mà thế giới khách quan chung quanh nó không tồn tại.
Một câu hỏi hệ trọng liên quan đến sự
mất/còn của Đảng không thể tránh né, nghĩa là “tồn tại hay không tồn
tại?” (to be or not to be?!):
-
Đứng trước những đòi hỏi của quốc gia và những thách thức của thế giới
hôm nay, ĐCSVN nên hay không nên lựa chọn cho mình trách nhiệm thực hiện
“điều kiện cần”? - bằng
cách tự thay đổi chính mình trở thành đảng của dân tộc và dân chủ,
theo tinh thần cố Thủ tướng Võ
Văn Kiệt đã chính thức đề nghị với Bộ Chính trị trong bức thư ngày
09-08-1995 – nghĩa là cách đây đã 25 năm, Đảng đứng ra làm
nhân tố tổ chức và thúc đẩy sự vận động của những
“điều kiện đủ” đất nước
đã hội tụ được cho thực hiện cuộc cải cách chính trị đổi đời đất nước
không thể tránh né, mở đường cho đất nước đi vào thời kỳ phát triển mới
trong thế giới quyết liệt hôm nay.
-
…Hay là Đảng chẳng cần đặt ra cho mình câu hỏi nào thuộc thể loại này
cả, quyết kiên định và kiên trì bảo vệ quyền lực toàn trị của mình?!
Thảo luận và trả
lời công khai và dân chủ như vậy những câu hỏi trên trong toàn Đảng và
trong cả nước, bất luận Đảng bác bỏ hay chấp nhận đứng ra làm nhân tố
của
“điều kiện cần”, đất nước
– và chắc chắn cả Đàng nữa – sẽ chỉ có
được ít hoặc
được nhiều, chứ không có
mất:
-
Nếu là bác bỏ: Sẽ là Đảng nói trước nhân dân Đảng là ai, điều này sẽ
giúp Đảng tự nhìn lại mình.
-
Nếu là chấp nhận: Cả nước sẽ hưởng ứng và hậu thuẫn bất khả chiến bại
Đảng hoàn thành nhiệm vụ phải làm này của mình, để đổi đời chính bản
thân Đảng và đổi đời đất nước.
Đến đây, giờ phút
này, làn sóng 2 của đại dịch covid-19, bắt đầu từ Đà Nẵng ngày
20-07-2020, với những uy hiếp còn quyết liệt hơn làn sóng 1! Làn sóng 2
này thách đố quyết liệt cả nước vừa phải đối mặt với dịch bệnh, vừa phải
gồng mình lên cứu kinh tế. Đồng thời, làn sóng 2 này đòi hỏi nghiêm khắc
mỗi chúng ta phải tìm được câu trả lời trung thực nêu trên mà mỗi chúng
ta không ai được miễn trừ đang mắc nợ đất nước!./.
Tài liệu tham khảo:
1.
Nguyễn Trung, “Kiến nghị về Đại hội XIII”
http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_KienNghiDaiHoiXIII.pdf
2.
Nguyễn Trung,
“Hãy xây dựng một Việt Nam của một dân tộc trưởng thành và dấn
thân!” (Suy nghĩ về sự lựa chọn của Đại hội XIII cho đất
nước)
http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_VNTruongThanhDanThan.html
3.
Nguyễn Trung, “Vài
suy nghĩ về 3 nhiệm vụ lớn gian khổ phía trước của nước ta”
http://www.viet- studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_BaNhiemVuLon.html
|