Làm gì?
Nguyễn Trung
Cuộc chiến tranh của Putin xâm lược Ukraina đẩy thế giới đến bờ vực
cuộc chiến tranh thế giới III.
Phải nói ngay tại đây: Toàn bộ thực tế đẫm máu này tác động trực
tiếp hoặc gián tiếp đến nước ta trên mọi bình diện, đặt ra cho nước
ta nhiều thách thức mới. Tất cả tập trung trong câu hỏi:
-
Với khởi điểm là cuộc chiến tranh Ukraina này, cái gì nữa trên thế
giới này đang thách thức nước ta ngay bây giờ, cái gì nữa đang chờ
đợi nước ta phía trước?
*
Trước khi bàn đến những thách thức mới đặt ra cho nước ta, xin góp
vài ý nhìn nhận lại quá khứ chung của thế giới và của chính nước ta.
Chiến tranh thế giới II còn đến từ sự giả dối lừa lọc nhau, bán rẻ
nhau để ăn mảnh trong hàng ngũ các quốc gia có liên quan hay chịu
tác động – chủ yếu ở châu Âu; từ những toan tính dùng mọi thủ đoạn
đổi chác nhằm đẩy đối thủ của mình sang láng giềng – để vừa trục
lợi, vừa mong tránh được lửa bén đến nhà mình…
Chiến tranh còn đến
từ thực tế không
có một thủ đoạn nào của đạo đức giả có thể ngăn chặn nổi. Cũng chẳng
có sự ve vãn, đổi chác, hay dâng hiến nào có thể làm cho lũ hổ đói
đang gầm rú rung trời đất có thể rủ lòng thương hại…
Và cuối cùng, mãi đến lúc phe trục đã tưới máu khắp nơi, đã
hoàn toàn đứng trước khả năng có thể khuất phục cả thế giới, phe
đồng minh lúc ấy mới tỉnh ngộ, mới hình thành được một mặt trận
chung chống lại.
Là người quan sát, tôi cho rằng tình hình hiện nay chưa quá muộn,
nhưng thực sự đã bị muộn, do Nga và Trunng Quốc đã chọn đúng thời
điểm vào những lúc Mỹ và phương Tây có nhiều yếu kém và sơ hở nhất,
khoét sâu được vào những yếu kém và sơ hở ấy, để thực hiện đúng lúc
(in time) những bước đi như đã và đang diễn ra trên Biển Đông từ
nhiều năm nay, thời điểm công bố khát vọng giành lấy vai trò của Mỹ
để bá chủ thế giới, và hôm nay là tiến hành cuộc chiến tranh điên rồ
ở Ukraina.
Ví dụ, Mỹ và phương Tây phê phán rất đúng là Trung Quốc làm giầu bất
chính trong thế giới toàn
cầu hoá nhưng không trở thành một cường quốc có trách nhiệm với thế
giới, và hôm nay vấn đề Trung Quốc đang thách thức cả thế giới! Phê
phán được như thế cũng đồng thời chứng tỏ: Mỹ và phương Tây nuôi hy
vọng vô cùng sai lầm, và đã phải trả giá cho ảo tưởng! Phê phán được
như thế, song hơn ai hết nhiều tập đoàn của Mỹ và phương Tây hàng
thập kỷ nay vừa ăn mảnh, vừa thi nhau làm giầu gần như bất cứ giá
nào cho riêng mình – chứ không phải cho các quốc gia của họ - trên
thị trường Trung Quốc béo bở! Hôm nay vẫn dứt không ra! Sai lầm của
họ đến trước hết từ bệnh không chê tiền và tự tay mình tha hoá hay
góp phần tha hoá các thể chế của dân chủ ở ngay các quốc gia của họ,
chứ không phải là ngày nay các giá trị của dân chủ đã lỗi thời;
đương nhiên có vấn đề những thể chế này có những mặt không chạy theo
kịp sự vận động của cuộc sống! Mỹ và phương Tây chắc chắc sẽ phải tự
rút ra những bài học cho mình – ngay cả trong đối phó với chiến
tranh Ukraina hiện tại cũng vậy. Mỹ và phương Tây có nhiều điều phải
nhìn nhận lại chính mình và nhìn nhận lại cái thế giới hôm nay đã và
đang làm lỗi thời nhiều tư duy của họ. Tôi tin rằng sớm hay muộn họ
sẽ học được, họ có khả năng này, đương nhiên với những cái giá nhất
định họ phải trả không thể tránh được.
Đã gần một nửa thế kỷ quốc gia độc lập thống nhất, song toàn bộ
những mối quan hệ rối rắm phức tạp nước ta phải đối mặt với thế giới
bên ngoài như trình bầy khái quát trên đây chưa một giây phút nào
ngừng thách thức nước ta toàn diện; hiển nhiên cục diện thế giới
hiện nay với chiến tranh ở Ukraina mang đến cho nước ta thêm nhiều
mối lo âu mới.
*
Hôm nay, nếu đất nước ta – từ kẻ
cai trị đến người bị cai trị - nếu nhắm mắt trước sự thật, hay là
huênh hoang để huyễn hoặc chính bản thân mình đối với mọi hiểm bệnh
và tha hoá đang mang đầy trong người, hoặc cam chịu cúi đầu câm lặng
và tìm cách thoả hiệp tiếp để sống tạm, hoặc sống thế nào cũng được
– và được tới đâu hay tới đó, lo gì..,
múc, đớp, hớp càng nhanh càng tốt, càng nhiều càng tốt, mạnh ai nấy
được, nhanh ai nấy chạy, dọn sẵn chỗ để chạy, móc ngoặc nhau trước
sẵn sàng cùng chạy..,
v… v… - toàn bộ những ứng phó kiểu này chỉ dẫn tới chết mòn, với kết
cục bất di bất dịch đã được định sẵn là cái chết thật: Đất nước sẽ
rơi vào một cuộc bể dâu mới của
cùng tắc biến,
để cho kền kền khắp nơi đến nhặt xác thối!
Đất nước ta muốn chọn con đường sống, từ người lãnh đạo cao nhất đến
người dân thường, không phải là đảng viên hay là đảng viên.., tất cả
mọi người trước hết phải đủ can đảm nhìn thẳng vào mọi thách thức và
yếu kém đất nước và bản thân mình đang phải đối mặt, để từ đó có cái
nhìn không khoan nhượng đối với mọi lỗi lầm, hèn kém và những bệnh
tật khác của quốc gia và của chính bản thân mình, để xây dựng cho
mình cách nhìn và nghị lực phải có, để từ đó tính toán đường đi nước
bước cho quốc gia trong cái thế giới quyết liệt hôm nay. Từ một vài
thập kỷ nay thế giới này đã sang trang đi vào một thời kỳ khác rồi –
đang đòi hỏi người lãnh đạo và nhân dân phải tư duy khác, đất nước
phải có lối đi khác!
Cần nhấn mạnh khó khăn lớn nhất hiện nay của quốc gia không phải
nghịch cảnh châu chấu đá voi nước ta đang lâm vào! Nước ta từ khi
sinh ra đã đứng trong nghịch cảnh này. Suốt chặng đường từ Cách Mạng
Tháng Tám giành lại độc lập thống nhất đất nước cho đến hôm nay nước
ta luôn luôn đứng trong nghịch cảnh này. Kẻ thù số một của nhân dân
và đất nước ta hôm nay không phải là chủ nghĩa bành trướng bá quyền
Trung Quốc. Cũng chẳng có bất kỳ thế lực thù địch nào ở trong nước
hay nước ngoài có thể xoá bỏ chế độ chính trị hiện nay của Việt Nam
hay lật đổ được Đảng Cộng Sản Việt Nam hôm nay. Kẻ thù số một của
đất nước và nhân dân ta hiện nay là những yếu kém, sai lầm và những
loại bệnh tật khác ngay trong mỗi con người chúng ta, trước hết là
ngay trong lòng chế độ chính trị hiện nay.
Cũng xin đừng bao giờ quên: Mọi thất bại cay đắng, sai lầm và tội
lỗi đất nước và nhân dân ta phải chịu đựng trên suốt chặng đường từ
Cách Mạng Tháng Tám giành lại độc lập thống nhất và kiến thiết quốc
gia cho đến hôm nay đều có nguyên nhân hàng đầu là: ĐCSVN xâm phạm
những giá trị của tinh thần dân tộc và dân chủ, và đánh mất độc lập
tự chủ trong tư duy lãnh đạo đất nước. Mặt khác phải nhấn mạnh: Hoàn
thành được sư nghiệp giành lại độc lập thống nhất cho quốc gia và đã
xây dựng nên được những thành tựu cho đất nước dù còn rất khiêm tốn
trước hết là nhờ thực hiện những giá trị của vấn đề dân tộc và dân
chủ, phát phát huy được sức mạnh của quốc gia, đồng thời tranh thủ
được hậu thuẫn của đông đảo bạn bè trên thế giới, từng bước hội nhập
quốc tế ngày càng thành công hơn. Chẳng có chủ nghĩa nào có thể đóng
góp vào những thành quả này!
*
Nhận thức đúng những thách thức nước ta phải đối mặt, dám nhìn thẳng
vào những yếu kém của mình như khái quát trên đây, nước ta sẽ có cơ
sở vững vàng đề ra được những quyết định đúng đắn.
Trong thế
giới hôm nay, nhiệm vụ gìn giữ hoà bình cho nước ta phải được
khẩn trương chủ động thực hiện với những nỗ lực cao nhất, toàn
diện nhất, càng sớm càng tốt, với những nhận thức mới và cách
tiếp cận mới, vì cuộc chơi đã thay đổi và diễn ra trong một thế
giới khác; dứt khoát không thể chấp nhận tình huống nước đến
chân mới nhẩy.
Tổ quốc là của chúng ta, tất cả chúng ta phải cùng nhau bảo vệ. Tôi
xin đề nghị ĐCSVN và toàn thể nhân dân ta sống ở trong nước hay ở
nước ngoài với tất cả tinh thần Diên Hồng hãy cùng nhau hiến kế và
dấn thân chủ động bảo vệ hoà bình cho quốc gia. Riêng tôi xin đề
xuất để cả nước xem xét, xây dựng, và quyết định
nhiệm vụ chiến lược mới:
Toàn thể nhân dân ta hãy cùng nhau làm
tất cả mọi việc để xây dựng đất nước ta trở thành một cái nôi
của hoà bình, hợp tác và phát triển tại vị trí địa đầu của khu
vực Đông Nam Á; dấn thân vận động các nước ASEAN chung tay chung
sức xây dựng nên một ASEAN xanh[ii]
là một trung tâm của hoà bình và hợp tác, không chiến tranh,
không vũ khí A trong khu vực Indo-Pacific.
Tôi xin lưu ý, Việt Nam không phải
là một nước nhỏ, tự thân và do vị trí địa kinh tế và địa chiến lược
của mình, và với vị thế quốc tế của chính mình, Việt Nam không có
xung đột lợi ích chiến lược với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới,
không có nhu cầu hay lợi ích theo đuổi xung đột này với bất kỳ nước
nào. Đường lối đối ngoại của Việt Nam ghi rõ trong Hiến pháp: Việt
nam
“là
bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng
quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hòa
bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”.
Hơn thế nữa,
một Việt Nam của hoà bình, hợp tác và phát triển là một yếu tố quan
trọng không thể thiếu của hoà bình, hợp tác và phát triển trong khu
vực. Phải
làm gì để thực hiện
chiến lược nêu trên?
Cũng xin đặc biệt lưu ý: Những những biến động của lịch sử các mối
quan hệ quốc tế đưa Việt Nam hôm nay trở thành đối tác có ý nghĩa
quan trọng với cả bộ ba Trung Quốc – Nga – Mỹ (xếp theo thứ tự China
– Russia – United States). Tất cả tạo ra cho Việt Nam một vị thế độc
đáo trên trường đối ngoại quốc tế. Nước ta phải
làm gì xứng đáng với
vị thế quốc tế này, để bảo vệ hoà bình của chính mình và của khu
vực, để có thể làm gì góp
phần vào hạ nhiệt, vào hoà giải bầu không khí nóng bỏng giữa 3 đối
thủ này với nhau?
Và câu hỏi quan trọng nhất của cả nước ta là: Phải
làm gì để thực hiện
thắng lợi
nhiệm vụ chiến lược mới
nêu trên?
Xin kiến nghị câu trả lời để toàn ĐCSVN
và cả nước cùng tham khảo, xây dựng, và quyết định:
-
ĐCSVN hôm nay chủ động kiến nghị với nhân
dân cùng nhau xây dựng một cam kết Diên Hồng:
ĐCSVN cam kết thực hiện dân chủ, giải
phóng sức mạnh của đoàn kết dân tộc, để thực hiện thành công nhiệm
vụ chiến lược mới. Nhân dân cam kết bảo vệ sự lãnh đạo của ĐCSVN
trong tổ chức và dẫn dắt nhân dân thực hiện nhiệm vụ chiến lược mới!
Toàn thể dân tộc ta cam kết trước tổ quốc thiêng liêng quyết thực
hiện thành công nhiệm vụ chiến lược mới này!
Hoà bình không thể đến với rúc đầu vào cát hay há miệng chờ sung rụng!
Hoà bình phải cùng nhau đoàn kết đứng lên mà giành lấy! Chưa bao giờ tổ
quốc độc lập thống nhất của chúng ta đứng trước những thách thức mất còn
quyết liệt như hôm nay! Cũng chưa bao giờ nhân dân ta và đất nước ta
đứng trước cơ hội xây dựng nên một Việt Nam là cái nôi của hoà bình, hợp
tác và phát triển của khu vực, chúng ta quyết đem tất cả trí tuệ, ý chí
và nghị lực nắm lấy cơ hội này để giành tắng lợi. Có tinh thần dân tộc,
dân chủ và tự do là chìa khoá, nhân dân ta nhất định đưa tổ quốc mình
tới đích:
Thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược mới!
Tổ quốc Việt Nam muôn năm!
Hà Nội – Võng thị, ngày 01-03-2022
[i]
Đó là những cuộc chiến
tranh giữa
(1) phe đế quốc và phe cộng sản, (2) chủ nghĩa đế quốc và phong
trào độc lập dân tộc, (3) Mỹ và Liên Xô, (4) Mỹ và Trung Quốc,
(5) Liên Xô và Trung Quốc, và (6) nghiêm trọng nhất, và cũng là
đau lòng nhất, do mỗi bên theo đuổi 2 đường lối cứu nước khác
nhau nên đã dẫn tới hình thành trên thực tế một cuộc nội chiến
Bắc – Nam đẫm máu chưa từng có trong lịch sử quốc gia. Qua
nghiên cứu diễn tiến các giai đoạn khác nhau của cuộc kháng
chiến chống Mỹ xâm lược, và qua phân tích các mối quan hệ giữa
mọi thành phần trong nước và trên thế giới có mối liên quan trực
tiếp hoặc gián tiếp đối với cuộc kháng chiến này, dần dần tôi đi
tới kết luận như vậy. Song vì kết luận này rất hệ trọng và nhạy
cảm, nên ban đầu tôi tạm giữ riêng cho mình. Mãi đến khi tôi
được cử đi làm đại sứ tại Thái Lan (1989-1993), trong báo cáo
của tôi ngày 08-02-1992 gởi Bộ Chính
trị, tôi mới chỉ xới
lên: Phải chủ động và cấp
thiết hàn gắn vết thương dân tộc do chiến tranh gây ra, thời
gian lúc này còn
quý hơn vàng để phục hồi sức mạnh quốc gia. Phải tiến hành thực
sự chính sách hoà giải – đoàn kết dân tộc theo tinh thần
“Nước Việt Nam là của
người Việt Nam!” (khẩu hiệu đã làm nên Cách mạng Tháng Tám)
đối với mọi người Việt Nam dù sống ở trong nước hay ở nước
ngoài; trong lòng đất nước mọi người đều có chỗ đứng xứng đáng
của mình so với cống hiến dành cho đất nước (trang 19-21).
Trong bộ tiểu thuyết
Dòng đời (NXB Văn
Nghệ, TPHCM, 2006) lần đầu tiên tôi nêu rõ trong lòng cuộc kháng
chiến chống Mỹ còn có những cuộc chiến tranh khác, và đau lòng
nhất là cuộc nội chiến Bắc – Nam (tập 2, tr 496-497). Từ đây trở
đi, tôi đã chính thức nêu nhận định này trong một số thư, báo
cáo gửi Bộ Chí trị vào những dịp khác nhau, và trong một số bài
viết, kiến nghị…
[ii]
ASEAN xanh
với nghĩa: Không đi với một bên để chống một bên, không tiến
hành chién tranh chống bất kỳ ai, không vũ khí A, không để chiến
tranh đến khu vực mình, phấn đấu trở thành một trung tâm hợp tác
của khu vực. Thời anh Phạm Gia Khiêm làm Bộ trưởng ngoại giao
(khoảng năm 2006), tôi đã kiến nghị chiến lược xây dựng một
ASEAN xanh theo tinh thần này, nhưng câu chuyện bị bỏ ngoài tai.
|