Bản chính thức

 

Tôi làm “chính trị”

Nhng k nim và trăn tr

 

Hồi ký

 

Nguyễn Trung

 

 

 

Phần kết

Đất nước có một triệu người vui

Và cũng có một triệu người buồn

              

Kỷ niệm và suy ngẫm xin được dừng tại đây, blốc lịch trên bàn làm tôi trạnh lòng: Người có nhiều duyên nợ với tôi đi xa đã gần 10 năm – cố thủ tướng Võ Văn Kiệt!

Nhân dịp này, báo Người đô thị, Hà Nội yêu cầu tôi nói đôi điều (số 73, tháng 6-2018):   

“…Trong lòng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chẳng những chứa đựng những mâu thuẫn của thời đại, và đau đớn hơn thế là còn có một cuộc nội chiến kéo dài mấy thế hệ, do cái thế giới “2 phe 4 mâu thuẫn” giằng xé đất nước ta, xô đẩy nhân dân ta không thể cưỡng lại được vào một cuộc sát phạt tương tàn này! Cả thế giới thời kỳ này bị chia làm 2 phe như thế không riêng ai, nhưng cái vết rách chia 2 phe này ở châu Á đi ngang qua nước Việt Nam! Như là ở châu Âu nó đã xé đôi nước Đức, ở Bắc Á cắt đôi bán đảo Triều Tiên!.. Có gọi mặt chỉ tên cuộc nội chiến đất nước ta bị cái thế giới “2 phe 4 mâu thuẫn” ác nghiệt cưỡng hiếp đẩy vào như thế, thì mới thấu hiểu được nỗi đau dân tộc – như Võ Văn Kiệt đã dũng cảm nói lên. Và chỉ có như thế mới tìm được tới hòa hợp dân tộc!

Kẻ mang tội là cái trật tự “2 phe 4 mâu thuẫn” của thế giới cưỡng hiếp! Đất nước ta bị cưỡng hiếp không có tội! 43 năm đã trôi qua, thời gian như thế là đủ, để hôm nay phải tỉnh táo phân biệt rạch ròi ra như thế, để từ nay trở đi – dù là rất muộn – thôi đừng mỗi bên của đất nước xem bên kia là kẻ thù của mình nữa, trong nội bộ mỗi bên cũng thôi ân oán không nguôi với nhau, để chỉ còn lại hòa giải, ngay từ trong sách giáo khoa!  

Hôm nay, có nhận chân được nỗi đau này, nhân dân ta mới thực sự trưởng thành được, mới ý thức được sâu sắc hơn đòi hỏi sống còn: Không bao giờ một lần nữa để nước ta lại trở thành “miếng da lừa” cho các thú hoang giằng xé – nhất là nguy cơ bị giằng xé như vậy hôm nay vẫn thường trực nước ta không buông tha!

Hôm nay phải nhận chân được nỗi đau này, vì đất nước đã giành được độc lập thống nhất, nhưng nhân dân chưa hoàn thành việc tự giải phóng chính mình khỏi tư duy nô lệ và tiểu nhược quốc: Phải theo ai? chống ai?!.. Không nhìn ra được thủ phạm xé đôi nước mình! Càng không đủ lớn lên để tha thứ cho nhau và để mãi mãi sống cho đất nước xứng đáng với những tổn thất và đau thương tổ quốc đã phải chịu đựng! Giác ngộ lợi ích quốc gia kém cỏi đến nỗi hôm nay mỗi bên của đất nước vẫn còn coi nửa bên kia là thù!..

Đau đến thế là cùng!..

Quan trọng hơn tất cả những điều vừa nói trên, hôm nay phải nhận chân được nỗi đau này, để giác ngộ đầy đủ quyền lợi quốc gia và đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, chung tay hàn gắn vết thương dân tộc, thống nhất với nhau trong ý chí và trong những quốc sách nuôi dưỡng – phát huy trí tuệ và sức mạnh dân tộc, quần tụ nên sức mạnh quốc gia đổi đời thân phận đất nước trong thế giới hôm nay – để mỗi chúng ta trở thành một công dân tự do của một nước độc lập, tự do, hạnh phúc!

Bên chiến thắng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước có nghĩa vụ tự nhiên phải là bên chủ động và đi tiên phong thực hiện nghĩa vụ hòa hợp dân tộc!

Liên quan đến nghĩa vụ tự nhiên nói trên, đã có ý kiến đề xuất: Lấy ngày 30-04-1975 làm ngày Hòa Giải Dân Tộc! Với tất cả trải nghiệm của tôi cho đến tuổi đời hôm nay của mình, tôi tán thành và thiết tha mong mỏi toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam ta cân nhắc.

Tôi nghĩ: Đất nước chúng ta – bằng cách nào đó và với hình thức nào đó – phải có ngày Hòa Giải Dân Tộc, vì đau thương đã xảy ra quá lớn, không ngôn ngữ nào chứa được ngoài sự tha thứ cho nhau và hòa giải!

Đau thương đã xảy ra quá lớn, vì thế không bao giờ được phép quên, phải có ngày Hòa Giải Dân Tộc – để nhớ đời bài học: Phải khôn hơn mọi tham vọng của thiên hạ, quyết sẽ không bao giờ lại cho phép họ biến nước ta thành miếng da lừa để họ giằng xé, hoặc thành con chuột bạch cho họ thử nghiệm!

Đau thương đã xảy ra quá lớn, phải có ngày Hòa Giải Dân Tộc, để ghi nhớ đời đời và quyết cùng nhau sống xứng đáng với đất nước!

Phải có ngày Hòa Giải Dân Tộc, để chính nước ta cũng hòa giải với cả cái thế giới đã bị cái “trật tự 2 phe 4 mâu thuẫn” cuốn hút vào trận địa nước ta. Chúng ta có đủ bản lĩnh chìa tay ra với cả thế giới cùng nhau khép lại quá khứ, mở ra chân trời mới! Chìa tay ra thật, chứ không rụt rè!

Ngày Hòa Giải Dân Tộc như thế, sẽ là sinh nhật của một thế hệ dân tộc Việt Nam mới, ra đời từ môt dân tộc anh hùng của một đất nước Việt Nam anh hùng! Mỗi chúng ta, dù sống ở đâu dưới vòm trời và trên trái đất này, có quyền tự hào là con em của một thế hệ Việt Nam mới như thế!

Sau 43 năm, đất nước ta hôm nay vẫn còn đoạn đường rất dài phía trước – do những yếu kém của chính mình – để đi tới hòa hợp dân tộc với những mục tiêu và hoài bão như vậy. Cần thức tỉnh sự chậm trễ này, vì thời gian không chờ đợi ai, cái thế giới này càng không chờ đợi chúng ta!..”

Vâng, thời gian không chờ đợi ai! Cái thế giới này không chờ đợi chúng ta!

Không phải chỉ có nhiệm vụ hòa hợp dân tộc mà mỗi người Việt chúng ta phải vượt lên chính mình để thực hiện bằng được!

Sát nách cái đế chế Trung Hoa trên đường phục hưng đang náo động cả thế giới, đất nước chúng ta vẫn đang ngổn ngang trăm bề! Không phải chỉ có những tàn dư của 4 cuộc kháng chiến đẫm máu và nước mắt, mà còn có biết bao nhiêu điều không đáng có, không nên có trong 43 năm độc lập thống nhất đầu tiên của đất nước! Ngay hôm nay, cả nước chỉ vì những điều không đáng có, không nên có này – kinh tế kém hiệu quả, cố bịt lỗ hà ra lỗ hổng, bao nhiêu công sức và của cải hàng chục năm qua cứ như đổ vào cái thùng không đáy vì tham nhũng và thể chế bất cập, giáo dục, văn hóa và đạo đức xã hội xuống cấp - , cho nên cả nước hôm nay đang phải nóng ran lên về những chuyện “lò và củi”... – trong khi ngoài Biển Đông máy bay ném bom, tên lửa trên các đảo Trung Quốc lấn chiếm đã sẵn sàng, còn trong nước đang đau đầu nhức óc hàng trăm chuyện rối rắm – nào là những ách tắc kinh tế, chính trị, xã hội.., nào là nợ đến hạn, nào là những trấn áp và bất công mới, dối trá vẫn tiếp tục lên ngôi, chuyện phe nhóm chưa kết thúc!..

Vì một nửa sức lực và tâm trí buộc phải tiêu hao vào những chuyện đau đầu rối rắm như thế, chỉ còn một nửa sức lực và tâm trí cho những việc phải làm và cơ hội đang đến, cho nên đất nước chẳng có việc nào đến đầu đến đũa, cơ hội đang hàng ngày hàng giờ lăm le trở thành thách thức, duy nhất cái ý thức hệ của chế độ toàn trị bằng tất cả quyền lực của nó vẫn đang kiên định giữ cho đất nước chệch hướng khỏi cái đích trở thành một nước phát triển của độc lập tư do hạnh phúc!.. Và còn muốn học tập Trung Quốc nữa (?)!

Trong khi đó đất nước độc lập thống nhất đã 43 năm, nhưng cho đến hôm nay chưa xây dựng được một chiến lược phát triển quốc gia với tầm nhìn theo kịp xu thế vận động của thế giới, chưa có một chiến lược ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu của một quốc gia hạ lưu có nhiều thách thức từ thiên tai và từ địa kinh tế / địa chính trị rất nhạy cảm – trong khi đó vấn đề nước, vấn đề thủy lợi và hầu hết các con sông trong cả nước bị ô nhiễm ở mức độ khác nhau ngày càng trở thành đại sự quốc gia, chưa có một chiến lược chủ động giải quyết vấn đề Trung Quốc để có hòa bình thật, hữu nghị thật và hợp tác thật với quốc gia láng giềng khổng lồ này. 3 món nợ lớn này đối với đất nước nói lên chỗ yếu kém nghiêm trọng nhất của ĐCSVN hôm nay với tính cách là đảng duy nhất nắm quyền. Sự hẫng hụt của tri thức, tư tưởng nhiệm kỳ và sự trói buộc của ý thức hệ, cùng với lối sống của tham nhũng bóc ngắn cắn dài đã làm hỏng tất cả. 

Bức tranh toàn cảnh của đất nước có phải là như vậy không?

Xin cả nước hãy bình tâm nhìn thẳng vào sự thật!

Tôi cũng xin ở tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và toàn thể Bộ chính trị điều này!

Tình thế đất nước hôm nay chẳng khác gì lắm thân phận con ếch nằm trong chảo nước ấm, đang được đun nóng dần lên.

Xin hãy thử lẩy ra bất kỳ sự việc nào tùy bạn muốn, của bất kỳ lĩnh vực nào trong đời sống mọi mặt của đất nước, để có được một mẫu sinh thiết bất kể nào đó, để bạn có thể tự xác nghiệm bức tranh toàn cảnh nói trên của đất nước!

 

Ví dụ 1:

Ý kiến đúng đắn bên ngoài nói: Viêt Nam không có tự do ngôn luận, không có tự do báo chí.

Báo Nhân Dân ngày 26-09-2013 bác bỏ thẳng thừng, với dẫn chứng hùng hồn:

“…cả nước Việt Nam có 812 cơ quan báo chí in với 1.084 ấn phẩm; gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ; một hãng thông tấn, 67 đài phát thanh, truyền hình, 101 kênh truyền hình, 78 kênh phát thanh; 74 báo và tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, 1.174 trang thông tin điện tử được cấp phép hoạt động (năm 2011 là 46 báo điện tử, 287 trang thông tin điện tử). Hiện, Ðài Tiếng nói Việt Nam phủ sóng 99,5% diện tích lãnh thổ, qua vệ tinh tới nhiều nước trên thế giới. Hiện hơn 90% hộ gia đình Việt Nam đã sử dụng sóng truyền hình của Ðài Truyền hình Việt Nam. Qua nhiều hình thức cung cấp, người dân Việt Nam được tiếp xúc với 75 kênh truyền hình nước ngoài, trong đó có các kênh nổi tiếng như CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg,... 20 cơ quan báo chí nước ngoài đã có phóng viên thường trú tại Việt Nam, nhiều báo, tạp chí in bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài được phát hành rộng rãi. Qua internet, người dân Việt Nam có thể tiếp cận tin tức, bài vở của các cơ quan thông tấn, báo chí lớn trên thế giới như AFP, AP, BBC, VOA, Reuters, Kyodo, Economist, Financial Times,...

Về xuất bản, ở Việt Nam có 64 nhà xuất bản. Chỉ tính riêng trong năm 2012, ngành này đã xuất bản 28.009 xuất bản phẩm có nội dung phong phú và đa dạng, với khoảng 301.717.000 bản. Từ việc xác định vai trò của internet, Nhà nước Việt Nam có chính sách, biện pháp cụ thể để khuyến khích sử dụng internet phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, hỗ trợ cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm các quyền cơ bản của nhân dân. Ðó là cơ sở để năm 2012, về số lượng người sử dụng internet, Tổ chức Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) xếp Việt Nam đứng thứ ba tại Ðông - Nam Á, thứ 8 tại châu Á. Theo số liệu khảo sát của WeAreSocial - tổ chức nghiên cứu độc lập về truyền thông xã hội toàn cầu, tới tháng 12-2012 số người sử dụng internet ở Việt Nam là 30,8 triệu, chiếm 34% dân số (mức trung bình của thế giới là 33%). Tháng 10-2009, dịch vụ truy cập internet qua mạng 3G có mặt tại Việt Nam, lập tức góp phần tạo nên sự phát triển vượt bậc của internet băng thông rộng, sau ba năm (tính đến tháng 7-2012), số lượng sử dụng đạt con số 16 triệu người (chiếm khoảng 18% dân số). Riêng với blog, trên cả nước hiện có gần 3 triệu người có blog cá nhân. Ða số blogger sử dụng blog làm nơi bày tỏ suy nghĩ, trao đổi tâm tình, kiến thức; thông qua blog đã hình thành nhiều nhóm sinh viên, thanh niên rất tích cực hoạt động xã hội như quyên góp giúp đỡ trẻ em nghèo, giúp người không nơi nương tựa,... Hầu như các cơ sở công cộng ở đô thị như nhà hàng, khách sạn, quán giải khát, nhà chờ sân bay,... đều có Wifi miễn phí. Tại các địa phương có ngành du lịch phát triển như Huế, Ðà Nẵng, Hội An,... kế hoạch phủ sóng Wifi đã và đang được triển khai là bằng chứng cho thấy sự quan tâm của chính quyền địa phương với sự phát triển internet…”

Song trong cái dẫn chứng rất dài này, báo Nhân Dân quên không nêu những tường lửa, những hoạt động của đội ngũ dư luận viên – nhiều khi bỉ ổi đến mức vô văn hóa, những xử lý khắc nghiệt đối với phóng viên hay tờ báo nào muốn đứng về phía sự thật, những vụ án nặng nề dành cho những người bất đồng chính kiến với tội danh lật đổ chế độ, chống phá nhà nước CHXHCNVN…

Toàn bộ cái dẫn chứng rất dài nêu trên của báo Nhân Dân chỉ thiếu duy nhất mỗi cái sợi chỉ đỏ của tuyên giáo đảng, siết toàn bộ các thứ kể trên, dù là có xuất xứ nào, vào bên trong cái “lề phải” tuyên giáo đảng đã hoạch định. Các con số hùng hồn được đưa ra bên trên của bất kỳ thứ gì chỉ duy nhất nói lên được phạm vi kiểm soát của sợi chỉ đỏ lớn và sâu rộng đến mức nào!.. Song có một bằng chứng ngược: Báo Nhân Dân – tờ báo lớn nhất của đảng và cả nước, lại là tờ báo có ít người mua nhất, chủ yếu chỉ có các tổ chức cơ sở đảng có nghĩa vụ phải mua báo đảng.

Nếu gọi dẫn chứng như thế của báo Nhân Dân là lời nói dối cao cấp, chắc không sai! Nhưng mà dại! Trong ví dụ cụ thể này, nếu phải tham gia thi nói dối, tôi sẽ nói dối tốt hơn, thuyết phục hơn!

Hiển nhiên, nhân dân cả nước không thể thông minh lên với một hệ thống báo chí “lề phải” như thế, chưa nói đến việc bị ngu dân hay bị đầu độc trí tuệ ở mức đáng kể.

Hiển nhiên, ảnh hưởng của “lề phải” mấy chục năm qua đã góp phần đích đáng của nó vào việc gây ra những điều không đáng có, không nên có, tồi tệ đến mức hội nghị Trung ương 4 và hội nghị Trung ương 6 khóa XI đã phải làm những việc phải làm. “Lề phải” như thế trở thành một yếu tố không thể bỏ qua đã hậu thuẫn hay góp phần tạo ra những tội ác và tội phạm phải mang ra xử lý ở “lò và củi”.

Hiển nhiên, một tờ báo lớn số 1 đất nước như thế, và cả một hệ thống báo chí đã nêu ra như thế, lẽ ra và rất cần phải mang lại cho nhân dân và cho đất nước một sức sống mà nghĩa vụ báo chí đúng với chính danh và danh dự nghề nghiệp của nó phải làm, nhưng không làm! Chẳng lẽ đất nước ta hôm nay không cần một nền báo chí như vậy? Nước ta sẽ mạnh lên hay yếu đi với một nền báo chí lẽ ra phải như vậy?..

Ai đo lường được những thiệt hại về kinh tế và chính trị cho quốc gia? Với nền báo chí như đang có, chế độ hiện nay mạnh lên hay đang yếu đi?.. …

Xin hãy tự kết luận.

Trong khi tôi viết những dòng này, dư luận giới trí thức, giới chuyên môn và trong dân xôn xao không tán thành dự luật về an ninh mạng. Các giáo sư, tiến sỹ đầu ngành công nghệ tin học và internet ngày 08-06-2018 đã kiến nghị Quốc hội hoãn thông qua dự luật này vì sai sót quá nhiều và xâm phạm quyền của dân,. Ngày 11-06-2018 79 luật sư từ 3 miền đất nước gửi kiến nghị đề nghị QH hoãn thông qua dự luật ANMXH vì dự luật xâm phạm những quyền của công dân đã ghi trong hiến pháp, nhất là quyền về tự do ngôn luận. Các tầng lớp nhân dân khác nhau gọi đây là dự luật bịt miệng dân. Một số đại sứ quán nước ngoài ở Hà Nội ra thông báo cảnh báo dự luật này sẽ gây nhiều thiệt hại cho Việt Nam và vi phạm nhiều cam kết Việt Nam đã ký, xâm phạm các quyền cơ bản của công dân…  Liên quan đến chuyện cấm đoán này, nhân đây xin lưu ý: Trong diễn văn tại hạ viên Mỹ ngày 25-04-2018, tổng thống Emmanuel Macron nói cần tìm những biện pháp bảo vệ quyền thông tin số (digital right) của công dân, luật an ninh mạng là để phục vụ mục tiêu này. Người ta xử lý vấn đề như vậy, chứ không đặt vấn để cấm như trong luật an ninh mạng xã hội vừa mới được Quốc hội thông qua ngày 12-06-2018! 

 

Ví dụ 2:

Từ đại hội X trở đi, có thể quan sát sự lên ngôi của chế độ toàn trị kéo theo dối trá và ngày càng nhiều xung đột xã hội khác nhau, dẫn đến những trấn áp vừa dầy nhất về mật độ, vừa nghiêm trọng hơn về hình thức và nội dung. Số người bất đồng chính kiến bị bắt, bị khép án tù, số các năm tù đều vượt so với những thập kỷ trước đó, xã hội bị phân hóa. Theo báo cáo của Bộ Công An trong thời gian từ 2011 đến 2014 có 226 tù nhân bị đánh chết trong trại giam…  Tình trạng tham nhũng ngày càng nặng diễn ra song song càng thúc đẩy những căng thẳng chính trị - xã hội. Luật pháp và kỷ cương bị lũng đoạn chưa từng có, không khí đất nước càng ngột ngạt, lòng dân ly tán. Càng trấn áp, tham nhũng tiêu cực như được tiếp tay, tất yếu sự phản ứng trong dân càng gia tăng. Trong khi đó báo chí lề phải nhất quán quy kết hầu như mọi phản ứng như thế của dân vào “những hoạt động của các thế lực thù địch”,  nhiều bản án cũng dựa vào khung hình phạt chống đối, lật đổ chế độ để kết án dân. Đổ riết những phản ứng này trong dân cho diễn biến, tự diễn biến, suy thoái đạo đức chính tư tưởng hiển nhiên hoàn toàn không ổn – vì cái gốc của phản ứng trong dân như vậy là sự phản kháng quyết liệt sự tha hóa đến mức biến chất của hệ thống chính trị và những con người trong hệ thống. Sự thực là toàn bộ diễn biến này đang chia rẽ nghiêm trọng dân tộc và đất nước, tự tay chế độ chính trị tạo ra đối kháng từ dân bằng cách đẩy họ vào thế lực thù địch!

Họa hoằn có thể có một số vụ án mang tính chất hình sự chính trị, với bất kể lý do gì, song chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong các vụ đã thành án và phạm vi tác động cũng nhỏ. Những vụ án này chẳng liên quan gì đến sự phản kháng trong dân như đang nói tới ở đây!

Những bản án rất nặng dành cho những Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, những Nguyễn Hữu Vinh / Anh BA Sàm… không thể nói là dành cho những thế lực thù địch được! Tội của họ chỉ là yêu nước và vì nước dũng cảm nói lên sự thật, tranh đấu cho lẽ phải.

Những trấn áp dành cho những Phạm Đoan Trang chỉ vì đã viết ra “Chính trị bình dân” hay “đánh” những việc làm tương tự của bao nhiêu người khác giúp dân ý thức được quyền công dân của mình không thể coi là để trừng trị những tội tuyên truyền chống lại quốc gia! Trong khi đó công dân của quốc gia rất cần những kiến thức như vậy!

Càng không thể quy kết mọi cá nhân hay tổ chức bảo vệ nhân quyền tại các nước bạn hữu với Việt Nam, thậm chí các nước đối tác toàn diện, các nước đối tác chiến lược.., là các thế lực thù địch và đả kích họ bất chấp những đòi hỏi gìn giữ quan hệ ngoại giao và hợp tác.

Xin đừng làm càn mãi như thế nữa, vì chỉ có hại cho tất cả các bên liên quan! Cho cả người đàn áp! Chung cuộc rất hại cho đất nước.

Vân vân…

Phải nhấn mạnh toàn bộ tình hình này rất bất lợi cho đất nước, thậm chí có những mặt nguy hiểm, phải chặn đứng. Làm sao có được quốc thái dân an, tất cả một lòng dốc hết sức lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc?  Làm sao thu được nhân tâm về một mối để có Diên Hồng  như đất nước đang đòi hỏi?

Cần bình tĩnh nhìn nhận lại chính xác và khách quan mọi sự việc, hệ quả, và rút ra kết luận đúng, hành xử đúng.

Còn bao nhiêu điều luật trong Hiến pháp đã quy định về quyền công dân, về quyền con người sao cứ lẫn lữa trì hoãn mãi, dân tự hành động theo những luật này thì đẩy họ vào hàng ngũ thế lực thù địch để trấn áp? Sao không ban hành sớm những luật này để dân và cả nhà nước đều phải hành xử đúng luật? 10 năm vừa qua cho thấy càng trì hoãn ban hành những luật này càng mất ổn định: tham nhũng và tội ác càng tăng lên, nhân dân ngày càng bất bình, đất nước tích tụ những căng thẳng mới nguy hiểm.

Nếu thả ngay những Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Hữu Vinh.., dừng ngay những trấn áp đối với những Phạm Đoan Trang… như thế, đối thoại xây dựng với họ… Cùng với họ tìm ra những điều đất nước đang cần… Đất nước này sẽ được gì, mất gì? Và ai sẽ được gì, mất gì?..

Viết đến đây, tôi nhớ đến các anh Lê Hiếu Đằng (đã mất), Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Huỳnh Kim Báu, Hạ Đình Nguyên, Bùi Tiến An, Nguyễn Văn Ly [Tư Kết], vân vân và vân vân.., những người từng vào sinh ra tử trong phong trào đấu tranh trước 1975, những cựu tù chính trị Côn đảo…, song họ không dưới một lần phải chịu những đòn thù bẩn của chế độ chính trị hiện nay!  Sao lại ác và bẩn đến vậy!?

Xin nói rành rẽ đến thế này: Nghiêm minh với đất nước để nói phân miêng bên công bên tội của đảng, rất khó mà nói hơn nhau nặng nhẹ mỗi bên thế nào. Song bây giờ là hòa hợp dân tộc, là khép lại quá khứ, là nhìn về phía trước – phải bắt đầu từ nghĩ lại tất cả, tự vấn lại mình tất cả!

Đất nước này được gì, mất gì? Và ai được gì, mất gì? Nếu như tiếng nói của dân được lắng nghe, có chỗ để nghe tiếng nói của họ, có chỗ để họ đối thoại với nhau, có chỗ họ đối thoại với người của nhà nước…

Đất nước này sẽ bớt được bao nhiêu thiệt hại, sẽ giành được bao nhiêu cái lợi mới, sẽ vững lên hay yếu đi.., nếu con đường đúng đắn này được mở ra? Đi con đường như thế, sẽ thêm bạn hay mất bạn bè trên cái thế giới đang hỗn loạn này?

Không may, đất nước đang còn rất nhiều những ví dụ đau lòng không đáng có như thế! Tự tay chế độ chính trị này gây ra, song một phần cũng tại nhân dân ta còn quá khoan hồng đối với đảng, chứ không phải tại trời, càng không phải tại thiên tai hay thiên thời.

Tình hình còn thêm trầm trọng ở chỗ đội ngũ túi khôn (think tank) của đảng chỉ một bề quán triệt, thậm chí đôi lúc còn bảo hoàng hơn vua, do hãnh tiến hay mong đợi được thăng tiến.

Ví dụ, học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, mà kết quả học tập được đo bằng tấn để báo cáo thành tích. Trong khi đó cái cần phải học ở Chủ tịch Hồ Chí Minh là tinh thần dân tộc, là dân chủ có nghĩa để nhân dân mở mồm ra nói, là Không có gì quý hơn độc lập tự do! Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư... thì lại không học và không làm. Ngày 20-05-1957 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 102 về Quyền lập hội của công dân Việt Nam, nhưng cho đến nay chế độ toàn trị vẫn tìm mọi cách trì hoãn, vân vân…

Ý của lãnh đạo nói ra một điều gì đó là một, nhưng những phương tiện truyền thông của chế độ phải cương lên, dấn lên hai, ba.. để chứng tỏ quán triệt, hoặc là mẹ hát con khen hay… … …

Nếu đúng là túi khôn thật, thì cần phải cố vấn cho đảng nên làm việc phải làm, can gián đảng nên tránh việc phải tránh. Điều này hầu như không thể, phần vì túi khôn với chất lượng như thế là sản phẩm của hệ thống, phần vì hễ có cái cái đầu khôn ngoan nào xuất hiện là dễ bị đánh bật ra khỏi hệ thống hơn là được lắng nghe! Đất nước đã khó, sự kìm hãm tự thân như vậy của hệ thống cứ làm cho đất nước khó thêm mãi. Ví dụ, cho đến ngày hôm nay, không biết túi khôn của đảng làm việc gì và đứng ở đâu, hòa hợp dân tộc và xã hội dân sự là hai vấn đề vô cùng quan trọng giải phóng mọi tiềm năng của đất nước, song nhiều thập kỷ đã trôi qua, nhưng hễ nói đến hai vấn đề này là phạm đại húy kỵ!

Trên hết cả, hàng chục năm nay tham nhũng tiêu cực ngang nhiên làm siêu vẹo sơn hà xã tắc, nhu nhược với kẻ xâm phạm lợi ích và chủ quyền quốc gia, nhưng ác với dân.., xin hỏi: Túi khôn của đảng đã làm gì ngoài việc kiên định bảo vệ định hướng và trấn áp tự do tư tưởng?

Trong khi đó tham nhũng tiêu cực mới chỉ là nguyên nhân trực tiếp làm băng hoại quốc gia, đồng thời tha hóa đảng trầm trọng. Túi khôn của đảng hầu như không bao giờ dám đụng tới nguyên nhân đẻ ra tham nhũng tiêu cực là chế độ chính trị. Thực tế hàng chục năm qua cho thấy khi chế độ chính trị của đảng đã tha hóa thành chế độ toàn trị, đồng thời cũng là thời kỳ tham nhũng tiêu cực lên ngôi hoành hành trong mọi lĩnh vực của đời sống đất nước. Cả hai hiện tượng này đều là nhân / quả của nhau, nhưng cái gốc vẫn là hệ thống chính trị. Trong khi đó ngoài đời đã có biết bao nhiêu tiếng nói chân chính chỉ ra nguồn gốc của tham nhũng tiêu cực là lỗi hệ thống![i]

Thiết nghĩ tối ưu cho đất nước là con đường sống phải khai phá: ĐCSVN hôm nay, nhất là những đảng viên nặng lòng với đất nước, cũng như nhân dân cả nước, nhất thiết phải cùng nhau mở ra cuộc cải cách chính trị để mỗi người tự đổi đời chính mình, và cùng nhau đổi đời đất nước. Còn đạo đức nào, ý chí nào, ước mơ nào đáng sống hơn thế!

Nước ta đang phải cùng với các nước trên thế giới bước vào một trật tự quốc tế mới đầy hỗn loạn. Ở cái vị trí địa đầu này của khu vực, nhân dân ta không có gì hơn – và phải nói là không gì có thể mạnh hơn – là một lòng cùng nhau vì đại nghĩa xây dựng một Việt Nam của một dân tộc tự do, cùng dấn thân với cả thế giới tiến bộ cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Trước những thách thức và cơ hội khôn lường trên con đường phải đi nhưng chưa có sẵn trong cái thế giới toàn cầu hóa của cục diện quốc tế mới hôm nay, cái bất biến nước ta phải có để ứng vạn biến chính là tinh thần và sức mạnh của đại nghĩa này!

 Những kỷ niệm và suy ngẫm tôi đã trải qua và đang nghĩ, và trên hết cả là những mối lo về những gì phía trước thách thức đất nước, tất cả đang xâm chiếm hết tâm hồn tôi. 

 

Xin cho phép tôi tại đây nhắc lại một lần nữa những điều tôi cho là hệ trọng nhất tôi cảm nhận được trong suốt chặng đường đời mình trên con đường của đất nước đang đi.

 

Điều thứ nhất:

Tôi dám cả quyết: Nếu tất cả những kinh nghiệm và bài học của mọi thành / bại đất nước ta đã trải qua từ thời Gia Long đến nay, đặc biệt là từ năm 1930 đến nay, được rút ra và đánh giá nghiêm túc, cùng với những kiến thức mới của trí tuệ văn minh nhân loại hôm nay, nhân dân ta hôm nay hoàn toàn có đủ trí tuệ và nuôi được cho mình ý chí để vượt qua mọi thách thức, để trở thành một nước phát triển của độc lập, tự do, dân chủ, giàu mạnh và hạnh phúc trên thế giới này. Kinh nghiệm và bài học quan trọng nhất của đất nước trên chặng đường lịch sử này mà nhân dân ta nên khắc cốt ghi xương là: Cần hiểu đúng thế giới chúng ta đang sống, chấm dứt hẳn thân phận phải theo ai chống ai cho thiên hạ giằng xé, để giác ngộ bằng được lợi ích quốc gia và chiến đấu! Đây cũng là bài học dân tộc Việt Nam ta đã phải trả giá lớn nhất trên chặng đường lịch sử này.

Điều thứ hai:

Xin đừng bao giờ quên trong thời kháng chiến chống Pháp và chống MỸ, mối nguy lớn nhất của quốc gia là dân tộc bị chia rẽ, nên đất nước đã phải trả giá rất đắt! Cho đến hôm nay nước ta chưa có tổng kết nghiêm túc để nhận thức đầy đủ và sâu sắc mối nguy này cùng với những hệ lụy của nó. Hôm nay mối nguy này đang tiềm tàng trong những vấn đề mới của đất nước và trong bối cảnh quốc tế mới, nguyên nhân chính hôm nay lại là những yếu kém của chế độ toàn trị! Hòa hợp dân tộc trở thành đòi hỏi sống còn hơn bao giờ hết của nước ta, để cả nước chỉ là một ở vị trí địa đầu Đông Nam Á trong trật tự quốc tế mới hôm nay.

            Điều thứ ba – về đối ngoại:

43 năm độc lập thống nhất, nền ngoại giao CHXHCNVN chưa phải là một nền ngoại giao quốc gia, càng chưa phải là một nền ngoại giao của một quốc gia trưởng thành trong thế giới hôm nay. Nó là ngoại giao của đảng nắm quyền cai trị đất nước – một dẫn chứng nghiêm trọng của Điều 4 trong Hiến pháp trên phương diện đối ngoại – hội nghị Thành Đô và vụ Trịnh Xuân Thanh là 2 ví dụ tiêu biểu – do ăn phải bả quyền lực mềm Trung Quốc. Hơn bao giờ hết, đất nước ta hôm nay phải dấy lên đại nghĩa Diên Hồng làm nền tảng đối nội và chỗ dựa cho một nền ngoại giao hòa hiếu, dấn thân với cả nhân loại tiến bộ cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Tôi mang nặng trong lòng những điều ấp ủ trên, xin bộc bạch ra như vậy.

 

Nhiều đêm không ngủ được, trong đầu lục lọi mọi thông tin và dự báo sưu tầm được, tôi suy tính những gì thế giới này ngay trong hiện tại, rồi đến năm 2030, năm 2050 sẽ có thể đặt ra cho nước ta thách thức mất còn nào, hoặc cơ hội nào..?

Cân nhắc mọi tình huống, kịch bản có thể xảy ra.., cuối cùng tôi chỉ đi tới được một kết luận, gồm những ý sau đây:

-       Nhiệm vụ số 1 của cả nước ta là ngay bây giờ phải có sức mạnh nội lực chấm dứt bằng được trong thời gian sớm nhất thân phận quốc gia leo dây! Vì thế giới trong cục diện quốc tế mới hôm nay với sự hỗn loạn thể chưa lường được (R Klapan) không có đất sống cho bất kỳ quốc gia nào trở thành vật đổi chác!

-       Còn giữ chế độ toàn trị, sống tiếp thân phận quốc gia leo dây sẽ là hệ quả tất yếu, tiếp tục là con bài ngày càng lệ thuộc hơn nữa của Trung Quốc, không khác được đâu! Giả thử chế độ toàn trị có muốn chủ động chọn đi với Mỹ mà nội tình đất nước chia năm xẻ bẩy thế này, thì cuối cùng vẫn là đất nước thịt nát xương tan, rồi sẽ rơi trở lại vào tay Trung Quốc lần thứ 3, hoặc sẽ bị Mỹ thí khi cần thiết!  Bởi vì thân phận của con nghiện chỉ là để bị thí cho bất kể ai được giá. Con nghiện đừng bao giờ mơ sắm vai đồng minh!

-       Vấn đề sinh tử và cốt lõi đối với nước ta hôm nay không phải là chống Trung Quốc, mà là làm sao tồn tại và phát triển được với tư cách là một quốc gia độc lập có chủ quyền để không bị giằng xé hay bị thí – chứ không phải là một chư hầu hay thuộc quốc trong làn sóng Trung Quốc. Thách thức này làm chúng ta trưởng thành lên, hay nhấn chìm chúng ta? – Đấy là câu hỏi đất nước ta phải trả lời trong cục diện quốc tế mới hôm nay! 2000 năm lịch sử tổ tiên chúng ta đã trả lời được câu hỏi này. Hôm nay đến lượt chúng ta!

-       Hòa bình để bảo vệ và xây dựng đất nước phải giành lấy, chứ không thể cầu xin hay nhờ bố thí mà có được! Cải cách chính trị để sớm có  cả nước là một là lối thoát duy nhất, đất nước ta sẽ có sức sống bất khả kháng, rồi sẽ có toàn khu vực và cả thế giới tiến bộ đứng về phía mình – bởi vì hầu hết các nước không ai muốn là nạn nhân của thảm cảnh trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết! Nhiệm vụ cải cách chính trị để cả nước là một 43 năm qua đã bỏ bễ không làm, bây giờ phải làm, không thể thì hoãn được nữa!

Khi quyền lực dẫn dắt nhân dân trong sự nghiệp giành lại độc lập thống nhất đất nước, quyền lực hội tụ được tinh hoa của đất nước và phát huy được sức mạnh dân tộc, làm nên sự nghiệp cứu nước! Khi quyền lực chiếm hữu đất nước, nó trở thành bạo chúa!

Hôm nay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ lựa chọn kịch bản nào?

Trước khi khuyến nghị Tổng bí thư câu trả lời,  tôi xin phép nêu ra với cả nước bài học mất nước về tay thực dân Pháp theo nhận thức của tôi, tóm lược như dưới đây.

            Sử sách hôm nay trong nhà trường dậy học trò rằng vua quan  nhà Nguyễn cõng rắn cắn gà nhà, và sau đó thối nát nên để mất nước vào tay thực dân Pháp! Công lao của Đảng là vô song lãnh đạo nhân dân làm Cách Mạng Tháng Tám giành lại đất nước.

 Xin miễn tại đây để được bàn vào một dịp khác về đánh giá vua Gia Long[ii]. Chỉ xin nhắc lại Gia Long lên ngôi 1802, và năm 1804 đặt quốc hiệu là Việt Nam, hoàn chỉnh thể chế độc lập thống nhất quốc gia Việt Nam bao gồm cả vùng trời và vùng biển như hôm nay và được luật pháp quốc tế hiện nay thừa nhận. Thực dân Pháp lần đầu tiên tấn công vào Đà Nẵng năm 1858, nghĩa là 54 năm sau, vào đời vua Tự Đức. Không thể đổ tội cho Gia Long cõng rắn cắn gà nhà được!

            Cũng không thể nói vua quan nhà Nguyễn thời Tự Đức (Nguyễn Dực Tông – trị vì 1847-1883) thối nát, nên để mất nước vào tay thực dân Pháp. Càng không thể nói nhân dân ta thời vua Tự Đức là không yêu nước hay là không yêu nước bằng hôm nay. Nguyên nhân hàng đầu và sâu xa nhất dẫn đến mất nước vào tay thực dân Pháp là nước ta thời Tự Đức lạc hậu hẳn một giai đoạn phát triển so với các thế lực thực dân đế quốc phương Tây! Mất nước mà không hiểu hay là hiểu sai vì sao mất nước, sẽ lại có thể mất nước một lần nữa! Đấy là vấn đề đại sự của nước ta trong trật tự quốc tế mới hôm nay!

Hôm nay, nước ta lại một lần nữa lạc hậu nghiêm trọng về mọi phương diện so với đối tượng đang muốn khuất phục nước ta trong trật tự quốc tế mới hôm nay: đế chế Trung hoa trên đường phục hưng!

Lạc hậu vì ta thua kém trong so sánh lực lượng mọi mặt đã đành.

Song nguy hiểm hơn nhiều là lãnh đạo đảng nắm vận mệnh đất nước trong tay, nhưng 43 năm độc lập thống nhất rồi, và với biết bao nhiêu cái giá đắng lòng đất nước đã phải trả, mà vẫn không nhận thức ra – hay là nhận thức được ở chừng mực nào đó nhưng không dám nói ra: nguy cơ số một của mất nước hôm nay là tình trạng lạc hậu nghiêm trọng về mọi mặt so với đối tượng muốn khuất phục ta; nguy cơ số hai của mất nước hôm nay là mơ hồ hoặc có tâm lý đầu hàng mong dựa dẫm vào đối tượng để hòng thoát khỏi nạn mất nước một lần nữa – thật ra nghĩ thế đã là cam chịu mất nước rồi, chỉ để bám giữ lợi ích xấu xa; nguy cơ số ba của mất nước hôm nay là sơn hà xã tắc đang bị tệ nạn tham nhũng tiêu cực làm suy đồi mọi mặt, lòng dân phân tán, ly tán, quyền lực mềm TQ can thiệp sâu chưa từng có. – Hoàn toàn không thể nói tình trạng đất nước ta hôm nay lành mạnh hơn thời Tự Đức!

Có thể kết luận: Trong cục diện quốc tế mới hôm nay, chẳng những lãnh đạo ĐCSVN hôm nay không nhận thức ra 3 nguy cơ mất nước đang cận kề, mà vẫn cố siết chặt hơn nữa cái vòng luẩn quẩn này. Gần như bằng mọi giá!

Thế là thế nào?

ĐCSVN hôm nay nhất thiết phải thức tỉnh lại!

Tại đây xin được nhắc lại bức thư của tôi ngày 28-10-2010 gửi ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Phú Trọng, với dụng ý nêu lên những vấn đề hệ trọng của đất nước cần đặc biệt quan tâm trước khi ông trở thành Tổng bí thư khóa đại hội XI.

Nội dung thư:

-       Trên thực tế Việt Nam đã trở thành một trong những chư hầu kiểu mới quan trọng nhất của Trung Quốc, ngày càng lệ thuộc và bị o ép nhiều bề, đất nước vấp phải nhiều thất bại chiến thuật và chiến lược. Chủ nghĩa thực dân mới đặc sắc Trung Quốc hoàn toàn vượt trội so với chủ nghĩa thực dân mới của các nước đế quốc sau chiến tranh thế giới II.

-       Nội tình tha hóa trầm trọng, có nhiều “Vinashin” trong kinh tế và trong chính trị. Đất nước èo uột mãi thế này bên cạnh Trung Quốc sẽ còn thua tiếp.

-       Chỉ có lối thoát duy nhất là tiến hành cải cách chính trị triệt để, vực đất nước đứng dậy đảo ngược tình hình nguy hiểm này, để đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

-       Tình hình đòi hỏi mỗi ủy viên Bộ Chính trị phải tự tách mình ra khỏi quyền lực, đặt tổ quốc lên trên hết, tất cả đoàn kêt với nhau là một, để cùng nhau làm nhiệm vụ của một Trần Thủ Độ tập thể thời Việt Nam hiện đại cứu nguy đất nước.

Tám năm qua cho thấy tình hình đất nước như đã diễn ra và hiện nay còn xấu hơn rất nhiều so với những cảnh báo trong thư này, đảng và chế độ chính trị ngày càng mất lòng dân do tham nhũng, mất dân chủ và phạm quá nhiều sự việc đối kháng với lợi ích quốc gia, Trung Quốc đã lấn thêm những bước mới cực kỳ nghiêm trọng. Nhiệm vụ cải cách chính trị để cứu nguy đất nước cấp bách hơn bao giờ hết. Bức thư không được hồi âm.

            Phát biểu ngày 17-06-2018 với cử tri Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trong cho rằng sự phản đối vừa qua của nhân dân đối với dự án 3 ĐKKT và luật an ninh mạng có bản chất sâu xa là các đối tượng đã xuyên tạc sự thật, kích động lòng yêu nước chân chính của người dân để âm mưu việc xấu, trong đó có bàn tay của những phần tử phá hoại, không loại trừ yếu tố nước ngoài.

Nói như thế, có nghĩa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trước sau không quan tâm đến mọi lo lắng chính đáng của nhân dân cả nước về những mối nguy hiện hữu không thể biện minh của dự án 3 ĐKKT quá lỗi thời này đối với kinh tế đất nước? Tổng bí thư không đếm xỉa đến thực tế năm 2018 không phải là những năm 1990s?

Hôm nay đã xuất hiện một trật tự quốc tế mới, tình hình thế giới và  khu vực hiện nay rất nhạy cảm đặt ra những thách thức chưa từng có; Biển Đông đang trong tình trạng bên miệng hố chiến tranh; toàn bộ tình hình này uy hiếp trực tiếp nước ta hơn bao giờ hết. Trong khi đó sự lệ thuộc của đất nước ta quá lớn và sự can thiệp của quyền lực mềm Trung Quốc rất nguy hiểm. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực như vậy, và với nội tình đất nước còn nhiều vấn đề chưa kiểm soát được như hiện nay, chủ quyền và an ninh của tổ quốc không cho phép tồn tại trên lãnh thổ quốc gia một ĐKKT nào dù được sửa đổi như thế nào và dù chỉ một ngày![iii] Chẳng lẽ Tổng bí thư và Bộ Chính trị không nhận định như vậy? Trước sau vẫn quyết tâm giao cho cái vòng luẩn quẩn giam hãm đất nước 43 năm nay nhiệm vụ giữ bình? Trước sau vẫn tiếp tục siết cái vòng luẩn quẩn này xoáy tiếp bảo vệ chế độ toàn trị ở nấc cao hơn nữa? Trước sau quyết trực tiếp thách thức với bất kỳ giá nào sự phản kháng của nhân dân cả nước, bất chấp mọi thảm họa khôn lường cho đất nước?

Tôi khẩn thiết mong Tổng bí thư và Bộ Chính trị nghĩ lại!

Trong khi đó hệ thống pháp luật hiện hành hoàn toàn đủ sức giải phóng nội lực và khuyến khích mạnh mẽ FDI đóng góp tích cực vào sự phát triển năng động của quốc gia, cần tiến hành cải cách thể chế chính trị để thực hiện có hiệu quả. Giải bài toán hiện nay của kinh tế đất nước nói riêng và quyết định số phận quốc gia nói chung là vấn đề thể chế chính trị, chứ không phải là các ĐKKT, càng không phải là Luật an ninh mạng bịt miệng dân như vừa ban hành!

 

Đại hội XII đã vứt bỏ nhiệm vụ cải cách chính trị để cả nước một lòng cứu nước. Đại hội XII không chặt đứt mà còn nuôi dưỡng cái vòng luẩn quẩn “tha hóa > mất dân > lệ thuộc TQ > tha hóa nhiều hơn nữa > mất dân nhiều hơn nữa – lệ thuôc TQ nhiều hơn nữa >…”

Trước đại hội XII cái vòng luẩn quẩn này kể từ 30-04-1975 chưa có sự kiện ngày 10-06-2018. Sau đại hội XII cái vòng luẩn quẩn đã xoáy tới cái nấc ngày 10-06-2018. Những hành động trấn áp dân đang diễn ra hiện nay đang xoáy ốc siết cao hơn nữa cái vòng luẩn quẩn này. Nên xem diễn biến mới nhất này bắt đầu từ sự kiện 10-06-2018 là lời cảnh báo nghiêm khắc không thể trì hõan cải cách thể chế chính trị để tháo ngòi nổ và mở ra con đường sống cứu nước.

Tiếp súc với cử tri Hà Nội ngày 17-06-2018 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi nhân dân tin vào đảng, trong khi khắp cả nước trong cuộc sống hoặc trên mọi phương tiện truyền thông đảng vẫn tiếp tục cho tiến hành các hành động trấn áp dân liên quan đến các vụ biểu tình phản đối 3 ĐKKT và Luật an ninh mạng.

Là người dân đáp lời kêu gọi của Tổng bí thư, việc đầu tiên tôi xin đề nghị Tổng bí thư ra lệnh: Chấm dứt ngay mọi hành động trấn áp, mọi nơi phải thực hiện đối thoại với dân, đến tận nơi có biểu tình và xảy ra các sự việc để nói chuyện cởi mở với từng người và tìm hiểu nguyên do, thực lòng trao đổi và lắng nghe họ, nghiêm cấm ngay mọi hành động bạo lực đánh đập, khủng bố dân; không vơ đũa cả nắm và chụp mũ cho mọi ý kiến bất đồng với chế độ là lực lượng thù địch chống phá nhà nước để xử lý tùy tiện. Mọi hành động bạo lực mang tính khủng bố này của chính quyền tất yếu sẽ chỉ tích tụ thêm thuốc nổ mới đem lại thảm họa khôn lường cho đất nước! Xin đề nghị Tổng bí thư không cho phép trì hoãn nữa việc ban hành Luật biểu tình, Luật lập hội và Luật tự do ngôn luân để cả nước phải làm theo luật. Đề nghị đối đầu chỉ dành cho các thế lực thù địch bên ngoài! Nếu có kẻ thù địch nào là người Việt sống trong lòng đất nước cố tình đứng ra phá hoại, thì đấy là kẻ phản bội đất nước, làm tay sai cho các mưu đồ xấu của quyền lực hoặc của nước ngoài. Những người Việt xấu này phải được điều tra, xét xử đúng Luật pháp và Hiến pháp, công khai và minh bạch.

Tổng bí thư kêu gọi nhân dân tin vào đảng, tôi rất mong Tổng bí thư hãy chủ động lấy lại lòng tin của nhân dân bằng cách chính mình tin vào nhân dân sẽ biết thực hiện tốt những Luật đã ghi trong Hiến pháp mà đảng còn nợ, để nhân dân đủ quyền lực dốc hết sức mình gìn giữ giang sơn và xây dựng đất nước tự do, no ấm và giầu mạnh. Tin vào dân như thế, đi với dân như thế, đây chính là con đường dẫn dắt năng lượng của sự kiện ngày 10-06-2018 trở thành sức mạnh và nghị lực sáng tạo của toàn thể cộng đồng dân tộc vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, không một thế lực thù địch nào dù từ đâu tới có thể đảo ngược được.

Sự kiện 10-06-2018 cho thấy lâu nay nhân dân ta vốn đã nhẫn nhục chịu đựng rất nhiều, nhưng một khi đụng đến “99 năm” với những dấu hiệu bán lãnh thổ quốc gia và luật an ninh mạng bịt miệng dân, nhân dân ta đã không khoanh tay ngồi nhìn. Nghĩa là nhân dân biết phải làm gì, và đã tự mình nhất loạt đứng lên phản đối. Đúng ra nên cảm ơn nhân dân đã hành động quyết liệt và kịp thời, đồng thời cũng phải hoan nghênh “quyết định lúc 3 giờ sáng” đình lại việc Quốc hội thông qua 3 ĐKKT là sáng suốt! Thử hình dung hậu quả gì có thể xảy ra nếu Quốc hội không kịp thời dừng lại?.. Vì vậy, không nên tiếp tục mọi nỗ lực mang tính thách thức tinh thần sự kiện 10-06-2018, Luật an ninh mạng tuy đã thông qua cũng phải xem lại. Bởi vì trước sau mọi trấn áp sẽ chỉ tích lũy mọi thúc bách đi tới một cuộc bể dâu mới. Thảm họa này nếu xảy ra, sẽ nhấn chìm toàn bộ sự nghiệp của ĐCSVN và mọi thành quả đất nước đã giành được, sẽ là thịt nát xương tan đối với quốc gia, sẽ là mời gọi kền kền các nơi đến nhặt xác thối. Quyền lực trong đảng nhất thiết không nên đánh giá thấp sức lật thuyền của nhân dân và cần tránh bằng được kịch bản đẫm máu này.

Dựa vào truyền thống yêu nước của dân tộc mình, tôi hoàn toàn tin rằng: Cho dù có bất kỳ thế lực đen tối nào muốn cố tình một lần nữa nhấn chìm đất nước chúng ta trong bể máu như thế, một dân tộc đã làm nên Cách Mạng Tháng Tám và đã biết cách trả lời kẻ muốn thôn tính mình trong 4 cuộc kháng chiến vừa qua, sẽ biết cách trả lời thế lực đen tối này.

Hay là trong tình hình đất nước muôn vàn nguy khốn hiện nay, Tổng bí thư lúc này sẽ xuống đường cùng với toàn dân, phát đi hiệu lệnh Diên Hồng đoàn kết hòa giải dân tộc, cùng nhau tiến hành cải cách chính trị cứu nước??? 

Tôi đánh giá đất nước đến giờ phút này vẫn còn  hội đủ mọi điều kiện để Tổng bí thư có thể đi tới một quyết định thiêng liêng như vậy, nếu Tổng bí thư còn biết suy nghĩ vì lợi ích của tổ quốc. Đây là nhận định tôi dựa trên cân nhắc mọi mặt nội tình đất nước và bối cảnh thế giới trong trật tự quốc tế mới hiện nay, với tất cả hiểu biết và kinh nghiệm tôi có được về sự vận động của các quốc gia cùng hoàn cảnh như nước ta trên con đường tự giải phóng chính mình trong thế giới hôm nay. Bản thân tôi cũng phải tự vượt lên hòa giải với chính mình để đặt ra cho Tổng bí thư trách nhiệm lịch sử là người đứng lên quyết định kịch bản Diên Hồng cho đất nước!

Đọc tới đây, tôi nghĩ sẽ có nhiều người đứng dựng lên và nguyền rủa tôi không tiếc lời. Tất cả những gì nghe được từ miệng dân gian 2 khóa đại hội nay về Tổng bí thư bắt tôi phải suy đoán như vậy, và tôi thông cảm được. Tôi xin chấp nhận mọi điều tôi phải nhận.

Là người đã từng viết lá thư ngày 28-10-2010 cho Tổng bí thư và những gì đã diễn ra sau đó cho đến hôm nay, tôi nghĩ mình có đủ căn cứ để hiểu Tổng bí thư là người như thế nào; hơn nữa đấy không phải là bức thư duy nhất, và cũng chưa phải là bức thư quyết liệt nhất tôi gửi Tổng bí thư! Chính tôi cũng phải cân nhắc rất nhiều đêm trước khi đưa ra kịch bản này. Tôi dựa vào sự tỉnh táo của lý trí và kinh nghiệm, và tôi xin chịu trách nhiệm hoàn toàn về ý kiến của mình đưa ra.

Xin cho phép tôi với tính cách là một công dân già của đất nước, là người đảng viên ĐCSVN từ thuở thiếu niên đã cùng với gia đình và họ tộc mình đi theo sự nghiệp cứu nước của đảng kể từ ngày 19-08-1945 cắm lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên lên Khâm Sai Bắc Bộ Phủ giữa thủ đô Hà Nội, đã cùng với nhân dân cả nước mình sau đó đi qua mọi chặng đường đất nước đã phải trải qua cho đến hôm nay, xin cho phép tôi nhân danh các đảng viên, các đồng chí và đồng đội đã ngã xuống vì tổ quốc trên con đường này, xin cho phép tôi nhân danh lời nguyền không được phản bội bất kể một tổn thất sinh mạng nào dù là của bên nào trong toàn thể cộng đồng dân tộc ta trong suốt 4 cuộc kháng chiến cứu nước vỹ đại để có đất nước độc lập thống nhất hôm nay, xin cho phép tôi nhân danh từng giọt mồ hôi, từng giọt nước mắt của toàn thể cộng đồng dân tộc ta sống trong nước hay tại bất kỳ đâu trên thế giới này đã đổ xuống và chắt chiu nên mọi thành quả dù còn khiêm tốn của đất nước hôm nay, - và  trên hết cả, xin cho phép tôi nhân danh đoàn kết và hòa giải dân tộc, yêu cầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng lên giương cao ngọn cờ Diên Hồng cho đất nước!

Xin cho phép tôi được mở lòng nói với cả nước:

Thưa vâng, tôi biết Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không phải là minh quân, dư luận trong nhân dân bất bình về ông không ít, và đấy là những bất bình chính đáng. Song ông là người đứng đầu ĐCSVN – lực lượng chính trị lớn nhất của cả nước. Thông tin trên báo chí cho thấy ông trong sạch đối với tệ nạn tham nhũng.

Nếu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vì nước dám lựa chọn con đường Diên Hồng, chắc chắn lực lượng các đảng viên yêu nước trong đảng cùng với sự hậu thuẫn của toàn dân, sẽ quyết liệt chung tay với Tổng bí thư khai phá thành công con  đường chuyển đổi ĐCSVN hôm nay thành đảng của dân tộc. Cả nước sẽ bảo vệ Tổng bí thư thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử này!

Đây sẽ là cơ hội ngàn năm có một, mở ra  một trang sử mới cho đất nước, đồng thời đổi đời ĐCSVN đã tha hóa hôm nay trở thành một đảng đời đời đi với dân tộc, đi với tổ quốc Việt Nam của tất cả chúng ta. Đất nước ta sẽ thông qua con đường cải cách chính trị trong hòa bình và hòa hợp dân tộc tiến lên trở thành một quốc gia phát triển.

Một khi dân tộc này, đất nước này hôm nay đứng lên dưới ngọn cờ Diên Hồng, đất nước này hôm nay sẽ là của dân tộc này và bất khả chiến bại trên con đường trở thành một nước tự do của một nhân dân tự do! Dưới ngọn cờ Diên Hồng, ý chí và trí tuệ Việt Nam hôm nay sẽ làm nên một Việt Nam vững chãi của hòa bình, hợp tác và hữu nghị tại vùng đất địa đầu này trong khu vực, qua đó góp phần mình xứng đáng vào hòa bình và sự phồn vinh chung của nhân loại.

Xin cho phép tôi nói hết nhẽ với Tổng bí thư thế này: 

Bối cảnh lịch sử éo le và đòi hỏi sống còn của tổ quốc hôm nay tự nó đặt lên vai Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nghĩa vụ thiêng liêng giương cao ngọn cờ Diên Hồng cứu nước!  Từng đảng viên hãy cùng với Tổng bí thư giác ngộ nhiệm vụ mình phải làm, trở về với dân, xuống đường cùng đi với dân trên con đường của dân. Nguyện cùng với toàn dân đồng lòng dốc sức đưa đất nước đi vào một thời kỳ phát triển mới – với tất cả hào khí, ý chí và trí tuệ đã từng làm nên Cách mạng Tháng Tám và dựng lên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của Tuyên Ngôn Độc Lập 02-09-1945 và Hiến Pháp 1946!

Định mệnh chỉ đặt ra cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng một trong hai lựa chọn không thoái thác được:

-       Hoặc là phất cao ngọn cờ Diên Hồng cứu nước, quyết tiến hành cải cách chính trị để chiến thắng những thách thức mới chưa từng có hiện nay đang uy hiếp đất nước, giành lấy cho quốc gia vị thế phải có!

-       Hoặc là ném bỏ ngọn cờ thiêng liêng này để bảo toàn chế độ toàn trị chống lại quốc gia, nhân dân và lịch sử sẽ lên án. Trong kịch bản này, nhân dân sẽ chỉ trưởng thành thêm để tự quyết định công việc của mình. Lịch sử mấy nghìn năm và lịch sử cận đại của đất nước đã chứng minh như vậy.

 Dù lựa chọn nào, dân cũng sẽ là người có tiếng nói cuối cùng và quyết định tất cả./.

 

Hết

 

Viết xong ngày 10-06-2018

Bản chính thức hoàn thành ngày 21-06-20 18,

Kỷ niệm 10 năm ngày giỗ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

 08 tháng Mậu Ngọ năm Mậu Tuất

Nguyễn Trung

 

 

 

 



[i] Tham khảo: Nguyễn Trung, Tạp chí Tia Sáng 06:25' SA - Thứ năm, 17/08/2006,Tham nhũng - tiếp cận từ phía hệ thống http://www.chungta.com/vi-VN/DF813127C0CC44E8808B1137C152BEE4/View/Tu-lieu-Tra-cuu/Tham_nhung-tiep_can_tu_phia_he_thong-E/Print.aspx

 

 

[ii] Trong lịch sử thời phong kiến ở châu Á cũng như châu Âu, sự việc một thế lực (nhà vua) này nhờ cậy một thế lực khác ở bên ngoài lãnh thổ quốc gia mình để tranh giành với các thế lực khác trong nước mình là một thực tiễn khá phổ biến. Ở châu Á, năm 1781, khi còn chưa lên ngôi, chính Nguyễn Ánh đã giúp Xiêm La đánh  quân xâm lược Miến Điện và giúp vương triều Chakri ở Thái Lan ra đời còn tồn tại đến hôm nay!

[iii] Khoảng đầu năm 1997, mặc dù lúc này đã từ dã nhiệm sở, sau chuyến đi thăm Phú Quốc đầu tiên, hồi đó phải đi nhờ tầu của hải quân, tôi đã đề nghị với Thủ tướng Võ Văn Kiệt lập đặc khu kinh tế Phú Quốc, song đó sẽ phải là một đặc khu mang tính quốc tế - tương tự như ý tưởng  biến Cam Ranh thông qua hợp tác kinh tế quốc tế thành một áo giáp sắt để bảo vệ đất nước mà tôi đã đề nghị trong báo cáo năm 1994 gửi Bộ Chính trị (tr. 15), trong đó lưu ý để chậm sẽ lỡ thời cơ và TQ sẽ đi quá xa trên Biển Đông. Rất tiếc những ý tưởng này không thành, vì hồi đó sự hoài nghi Mỹ và phương Tây rất nặng, quá trình bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ rất chật vật, thường xuyên bị nỗi lo mất CNXH ám ảnh... Ý tưởng này hôm nay đã bị thời gian và trật tự quốc tế mới vượt qua, TQ trên thực tế coi như đã hoàn thành việc kiểm soát Biển Đông, tình hình hôm nay hoàn toàn khác so với cách đây 20 năm.