Tôi làm “chính trị”


 Nhng k nim và trăn tr

 

Hồi ký 

Nguyễn Trung 

Phần một: Vào đời


 

2

 

Trở lại đoạn trước

Những mẩu chuyện nhớ lại

…Trước hết xin nói lên một vài ý chung chung.

Cuộc đời làm nghề ngoại giao cho tôi một đặc ân: Được đi nhiều, thấy nhiều, hiểu thiên hạ nhiều hơn, và do đó tôi cũng hiểu đất nước mình hơn. Đúng là cố nhìn cho xa để biết được gần!.. Song học phí tôi phải trả là nỗi đau canh cánh khôn nguôi về đất nước mình – trong đó đau đớn nhất là nỗi bất lực của chính mình![1]

Tôi có 2 món nợ đối với đất nước, mà tôi biết chắc mình đành mắc lỗi với đất nước, còn sống được ngày nào, thì ngày đó còn biết là mình chưa có cách gì trả nợ được!

Món nợ thứ nhất: Tôi muốn tổng kết con đường đất nước đã đi qua từ thời Gia Long đến nay, trong đó đặc biệt là đoạn trường từ 1930 đến hôm nay. Chí ít phải bắt đầu từ thời Gia Long, mới đủ tầm nhìn cho đánh giá tập trung đoạn trường của đất nước mình từ 1930 đến nay, nhất là 4 cuộc kháng chiến vừa qua, và chặng đường đất nước độc lập thống nhất đến hôm nay được / mất ra sao.

Món nợ thứ hai: Tổng kết đường lối đối ngoại của Viêt Nam và những thành / bại từ Cách Mạng Tháng Tám đến hôm nay! Vì đất nước đang rất cần những bài học để tìm ra con đường có thể sống được trong cái thế giới đã sang trang này!

Xin mạn phép nói luôn: Về hai món nợ trên, hay là về hai đề tài nói trên, toàn bộ cái hệ thống các think tank mà chế độ ta đang nuôi – dù là thuộc về ĐCSVN hay là thuộc bên nhà nước, đều chưa bên nào có một công trình nghiên cứu đủ độ tin cậy, có thể mang lại lợi ích cho đất nước, tôi đánh giá như vậy. Tất cả những gì cái hệ thống các think tank này 43 năm qua đã viết ra về 2 chủ đề này đã in ra thành sách công khai, nhìn chung quá dưới tầm, có nhiều điều không thật, và không ít những thứ sai, chỉ để tô hồng và biện minh!

Nguyên nhân hàng đầu: ĐCSVN và chế độ chính tri hiện nay không  cần hay không muốn đối mặt với sự thật.

Tôi nghĩ thế. Nhưng chính tôi cũng đang bất lực. Xin lúc nào đó sẽ bàn tiếp. Hơn nữa, đây không thể là công việc của một người.

Xin kể một dẫn chứng làm ví dụ: Thời tôi làm trợ lý cho anh Kiệt, một hôm tôi được anh đưa cho bộ sách (bản thảo) “Lịch sử kháng chiến miền Tây Nam Bộ”, hai tập, khoảng gần 2000 trang.., yêu cầu đọc và sớm đưa ra nhận xét để góp ý.

Độ 3 tuần sau tôi trả lại sách và trình bầy với anh Kiệt:

-       Nếu cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Miền Tây Nam Bộ mà như thế này, thì phía ta xoàng quá, đánh một kẻ địch thua kém ta về mọi mặt, từ đạo đức, trí tuệ, đến năng lực chiến đấu… Địch ngu dốt mọi đường, cái gì ta cũng biết trước, ta thì siêu thông minh, siêu anh hùng… Đảng thì cực kỳ vỹ đại qua các cán bộ của mình, chẳng thấy dân đâu cả, đất nước mất còn cái gì không rõ, cũng không có bài học nào đáng giá có thể rút ra ngoài cái kiên cường, anh dũng, hy sinh… Sách không thể dùng để dậy sử, dùng để tuyên truyền giáo dục càng có hại!..  

 

Giáo sư Ngô Vĩnh Long ở Mỹ cũng đồng tình với nhận xét của tôi như vậy.

Xin nói riêng tại đây với ĐCSVN: Bộ phận lý luận và think tank của Đảng đang nợ đất nước và nợ chính ĐCSVN một bộ sử Đảng trung thực và khoa học. ĐCSVN muốn vươn lên thay đổi chính mình để phục vụ đất nước, tôi nghĩ không thể thiếu một bộ sử như thế.  

...

 

Thời gian công tác ở ĐSQ ta tại CHDCĐ, tôi có một may mắn được Bộ cử đi cùng với đồng chí đại sứ sang Áo và Đan Mạch là 2 nước chưa có quan hệ ngoại giao với ta hồi ấy, để vận động hai nước này ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của ta.

Đường đi qua Praha, đúng vào khoảng thời gian xảy ra Cách mạng mùa xuân Praha 08-1968. Khi chúng tôi tới nơi, chính quyền của Alexander Dubcek đã bị dẹp xong xuôi, tình hình đã dịu đi nhiều... Song các đơn vị quân đội do Liên Xô được điều động tới (báo chí nói  là nửa triệu quân của khối Varsovie) vẫn còn đầy đường. Phố xá đã đi lại bình thường, song vẫn trong không khí căng thẳng… Tôi tự hỏi mình nhiều điều.

Nhưng ĐSQ ta tại chỗ giải thích theo ngôn ngữ: Lực lượng cách mạng đã dẹp tan lực lượng phản cách mạng…

Hôm sau, khi sang đến Vienne, báo chí ở đây nói khác hẳn.

Tôi thầm lo nhiều điều cho phe XHCN của mình, lo tại sao ta cứ phải gọi sự việc đã xảy ra bằng những cái tên không phải là của nó!? Nhất là nỗi lo: Tính ưu việt của chế độ XHCN tại sao lại dẫn tới sự kiện nhân dân phải theo cái ông Alexander Dubcek là đảng viên đảng lãnh đạo của mình nổi lên giành lại chính quyền, dù chỉ là trong vài ngày?.. Cướp chính quyền từ tay một đảng cộng sản đâu dễ dàng vậy?.., thế rồi lại phải dùng quân đội của cả khối Varsovie mới dẹp tan được, rồi còn phải ở lại ít bữa để trấn an?.. Phản động trong dân của chế độ XHCN ở đâu ra mà đông thế mà phải làm vậy?..  V.. v…Sự việc hẳn phải có những gì ẩn khuất bên trong sâu hơn…

Tôi dịch một số bài báo ở Áo cho đại sứ nghe và nói: Cần tìm hiểu kỹ vấn đề, phải có cái gì đó bên trong sự vật.., nhất là 1949 ở Berlin đã xảy ra một vụ bạo động tương tự, rồi một vụ nổi dậy vũ trang ở Hungary 1956 – vẫn cùng một cách giải thích là chống bạo loạn phản cách mạng… Đại sứ đồng tình, song hai chúng tôi cũng thừa nhận phải có cách báo cáo và trình bầy với trong nước, nếu để bị quy chụp là “xét lại!” thì khỏi phải làm việc! Nhất là vào thời kỳ này trong nước đang có vấn đề “chống xét lại!” rất quyết liệt.

[Khi tôi còn đang ngồi ở ghế nhà trường, xẩy ra sự kiện xây dựng bức tường Berlin 13-08-1961, mở đầu là thiết lập trong một đêm một vòng dây thép gai khép kín chung quanh Tây Berlin, bản thân bức tường khoảng một năm sau mới hoàn thành. Sự việc bắt đầu từ các bạn học Đức của tôi là đoàn viên FDJ (Đoàn Thanh niên tự do Đức) đột nhiên vắng mặt hàng loạt, hầu như trong toàn trường. Sau này được các bạn ấy kể là đã cùng với các đoàn viên FDJ trong cả nước tham gia sự kiện này, với sự hậu thuẫn của quân đội CHDCĐ và quân đội Liên Xô. Chiến tranh lạnh đi vào thời kỳ cao điểm mới.]

Sau này nghiên cứu kỹ tình hình các nước XHCN Đông Âu và những mối quan hệ của họ với Liên Xô, tôi hiểu rõ hơn nhiều chuyện và căn nguyên.

Qua Áo, đi Đan Mạch, rồi qua Tây Berlin trở về ĐSQ của mình, hai chúng tôi có dịp tiếp xúc một số nhân vật, tham quan một số xí nghiệp lớn… Chuyến đi này lần đầu tiên cho tôi cái nhìn trực tiếp và khá cụ thể về tình hình kinh tế - chính trị - xã hội phương Tây – tạm nói như vậy.

…Hôm ấy, sau khi hai chúng tôi vừa mới đặt chân vào khách sạn đầu tiên tại Vienne để nhận phòng và gởi hành lý, khi quay ra đi gặp Bộ Ngoại giao Áo, thì đã thấy cánh cửa chiếc xe Cadillac chở bọn tôi bên trong gắn một phong bì nhỏ. Ngồi trong xe mở ra xem, là một thiếp in rất đẹp của một hộp đêm, mời hai chúng tôi đi mua vui Vienna by night, nền của thiếp mời là hình một phụ nữ khỏa thân! Tôi dịch cho đại sứ nghe.

-       Họ dùng mỹ nhân kế dụ chúng ta? – đại sứ hỏi.

-       Tôi chịu, không đoán được.

-       Chúng ta phải cảnh giác.

-       Đồng ý.

-      

Mấy ngày ở Vienne là mấy lần chúng tôi nhận được những thiếp mời như thế. Cả đại sứ và tôi vỡ lẽ: Thế giới phương Tây mà!..

Hồi ấy hai chúng tôi ấu trĩ đến mức như vậy.

Kể lại chi tiết này tôi chỉ muốn nhắc lại: Hồi ấy sự nghi kỵ lẫn nhau do không khí chiến tranh lạnh tạo ra ngấm vào vi ti huyết quản con người, đến nỗi nhìn vào đâu cũng thấy “địch!”…  Song chính câu chuyện rất vặt vãnh này nhắc nhở tôi không bao giờ được xem xét sự vật bằng những định kiến có sẵn!..

Tóm tắt thu hoạch toàn bộ chuyến đi: Tôi thấy họ dân chủ hơn, nhiều tự do hơn, và năng suất lao động cao hơn!

Sống và làm việc trong một Bộ làm chính trị (nghĩa là không phải một Bộ làm kinh tế hay làm kỹ thuật), tôi được giáo dục kỹ về lập trường giai cấp và chủ nghĩa Mác – Lênin (đương nhiên thứ CNML do Liên Xô Stalin sáng tác, được Trung Quốc hóa, rồi được Việt Nam hóa thêm), trong đó tôi tán thành quan điểm: năng suất lao động là thước đo, là phản ánh trình độ lạc hậu hay phát triển và những đặc tính phản tiến bộ hay tiến bộ của một chế độ kinh tế - chính trị - xã hội.

Và… năng suất lao động phương Tây ở những nơi chúng tôi đi qua nói trên hiển nhiên cũng cao hơn, so ngay với CHDCĐ. Xin lưu ý, trước chiến tranh thế giới II Áo và Đan-mạch đều ở trình độ phát triển kém nước Đức.

Tôi  bắt đầu phải kiểm điểm lại những gì mình đã được học và được trau giồi… Song phải giấu kỹ mọi người: Tôi mắc bệnh “xét lại!”

Đối mặt với sự thật và trao đổi thẳng thắn ý kiến của mình dần dà trở thành phong cách làm việc của tôi. Không hiếm lúc tôi bị đồng nghiệp và cấp trên chụp cho cái mũ “kiêu ngạo”, (tôi nghĩ bụng: dù sao  vẫn còn may, chưa bị kết tội là “xét lại!”, nếu không thì ăn đòn nặng từ lâu rồi!). Tôi cố sửa đổi cách diễn đạt và thận trọng hơn, song kiên định điều gì mình tin. Tính tôi là như vậy.  

Vấn đề Đức suốt thời chiến tranh lạnh là một vấn đề khó, có nhiều vấn đề nhánh và phức tạp của vụ LXĐÂ – nơi mà tôi công tác, vì nó liên quan trực tiếp đến Liên Xô và toàn bộ thế giới phương Tây. Song cách làm việc của tôi có hiệu quả, được chấp nhận và tin cậy. Đây cũng là một lợi thế cho tôi có cớ và có dịp để nói sự thật và dám nói thật.

Cũng có thể nói, những năm đằng đẵng làm việc ở CHDCĐ tôi cố phấn đấu trở thành một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, bù đắp cho sư thiếu hụt tôi không được đào tạo bài bản cho lĩnh vực này. Đằng đẵng, vì những năm này chiến tranh trong nước khốc liệt, phải xa nhà lo lắm, khổ lắm…

Ngày 30-04-1975 đến với tôi ở CHDCĐ. Tôi được lệnh về nước gấp đi tiếp quản đại sứ quán Việt Nam Cộng Hòa tại liên bang Đức, xúc tiến mối bang giao giữa nước ta nước Đức thống nhất.

Nhờ vào những năm chuyên sâu vấn đề Đức, khi được giao nhiệm vụ đại biện lâm thời của nước ta ở CHLB Đức kiêm nhiệm Thụy Sỹ sau 30-04-1975, tôi nhập cuộc khá thuận lợi trong xúc tiến những mối quan hệ bang giao với nước Đức thống nhất, cũng như trong nhiệm vụ thiết lập đại sứ quán của ta. Quan hệ của tôi với con người và các cơ quan hữu quan của nước sở tại phát triển khá nhanh chóng. Đồng thời ngay lập tức tôi tìm cách giáp mặt xúc tiến các mối quan hệ kinh tế với các tập đoàn có tên tuổi của Đức..

Cơ quan tất cả chỉ có 6 người trong một thời gian dài, song hoạt động như một ĐSQ hoàn chỉnh, trong tình hình thiếu thốn mọi điều kiện vật chất kỹ thuật cần thiết. Sống ở khách sạn là chính, cứ một tháng hay  5 – 6 tuần lại phải chuyển chỗ ở một lần. Bonn là thành phố nhỏ và là thành phố du lịch, việc thuê khách sạn rất chật vật, luôn luôn phải đặt trước khá lâu… Mỗi lần di chuyển như thế là vô cùng vất vả đối với việc bảo vệ và bảo mật tài liệu. Nhiều tháng sau mới tìm mua được ngôi nhà ưng ý làm trụ sở cho ĐSQ. Rồi lại phải nhiều tháng nữa mới hoàn tất được mọi thủ tục mua nhà. Rồi thời gian sửa chữa lại nhà gần như từ A – Z, từ một biệt thự trở thành trụ sở của một cơ quan đại diện ngoại giao của nước ta… Tôi học được rất nhiều thứ mới trong cuộc đời “du mục” tạm thời này.

Việc mua nhà ở Bonn cho tôi một bài học rất quý về phát triển dịch vụ công trong một bộ máy quốc gia – từ quan niệm, luật pháp, cách tổ chức thực hiện, lực lượng chuyên môn phải có, cách vận hành, các chính sách hỗ trợ và bảo hộ của nhà nước… Một bài học cả lý luận và thực tiễn không phải trả học phí, có ích cho tôi rất nhiều sau này trong việc đóng góp ý kiến với Chính phủ ta về đề tài này. Hệ tổ chức nhà nước có dịch vụ công như vậy đã tinh giảm tối ưu bộ máy nhà nước, tính trách nhiệm giải tình và công khai minh bạch cao rõ rệt, tham nhũng khó luồn lọt, dân chủ và quyền & quyền lợi của dân được bảo đảm…

Sau đó đại sứ đầu tiên của nước ta ở CHLBĐ là đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm.

Những năm công tác của tôi ở CHLBĐ là một cơ hội quan trọng cho tôi tìm hiểu toàn diện một quốc gia phương Tây cụ thể, và qua đó hiểu thêm thế giới phương Tây. Hàng chục năm ngày đêm vốn phải ăn ngủ với vấn đề Đức, nghề nghiệp của tôi ngay từ khi rời đại học Leipzig (Karl Marx) năm 1964 là phải thường xuyên đem 2 nước Đức ra cọ xát với nhau. Cho nên, khi sống trong lòng CHLBĐ, tôi có dịp kiểm điểm lại mọi hiểu biết của mình, chú trọng tìm hiểu cấu trúc và sự vận hành của (1) hệ thống nhà nước, (2) hệ thống kinh tế, và (3) sự vận động của xã hội và toàn bộ hệ thống chính tri – nói theo ngôn ngữ hôm nay là xã hội dân sự.

Điều này khiến tôi rút ra – (có thể đúng hoặc sai, nhưng đến hôm nay tôi vẫn giữ kết luận như thế): Đặt hệ thống chính trị bao gồm các đảng phái và các tổ chức chính trị / xã hội… vào phạm trù xã hội dân sựkhác biệt quan trọng nhất của thể chế dân chủ so với chế độ chính trị một đảng!.. Nói rõ hơn nữa: Xã hội dân sự là môi trường sống của mọi đảng phái chính trị. Còn trong hệ thống nhà nước chỉ có Hiến pháp và luật pháp. Toàn bộ hệ thống an ninh quốc phòng, gìn giữ trật tự xã hội đều thuộc phạm trù nhà nước – trong đó trên hết là hiến pháp và hệ thống pháp luật, mọi công dân đều dược đối xử bình đẳng. Song ở nước ta, đảng và hệ thống chính trị hữu cơ [built-in] nằm ngay trong hệ thống nhà nước, đứng trên nhà nước, đứng trên hiến pháp.  

Dần dần tôi ngày một hiểu thêm cấu trúc rường cột cho sự vận động và phát triển của một quốc gia phải gồm đủ bộ 3 trụ cột hài hòa: Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, xã hội dân sự. Càng so sánh, tôi càng hiểu thêm vì sao CHLBĐ có trình độ phát triển cao hơn hẳn CHDCĐ – dù cùng sinh ra từ một quốc gia, những lý lẽ biện minh trước đây cho sự phát triển chậm hơn của CHDCĐ tôi được “tuyên truyền” hay là tự tôi có được không còn đứng vững được nữa.

Có nhiều chuyện minh họa để kể. Nhưng tôi chỉ muốn lẩy ra 2 ví dụ đơn giản và dễ thấy nhất:

-       Khả năng tiếp cận và kiểm chứng thông tin rất phong phú, nhờ đó tôi sớm hiểu được với sự tin cậy nhất định những vấn đề tôi nghiên cứu và muốn biết đến nơi đến chốn. Ngôn ngữ khoa học thì nói đấy là tính công khai minh bạch của hệ thống và trách nhiệm giải trình. (Có lần tôi đã tự nói với mình: Ở CHLBĐ làm công tác nghiên cứu sướng vô cùng so với CHDCD. Song những thập niên về sau này khi đi vào vùng trời Mỹ, tôi lại thấy nghiên cứu chính trị và kinh tế ở Mỹ là sướng nhất, vì có thừa các vùng cho bơi lội tìm kiếm, chỉ sợ không có sức bơi, và nếu bơi không đúng cách thì cũng chết đuối luôn – vì không tài nào đọc xuể thông tin và những sản phẩm trí tuệ sản sinh hàng ngày!..).

-       Về hệ thống chính trị là đa nguyên đa đảng của CHLBĐ: Trong thực tiễn cuộc sống, hệ thống luật pháp CHLBĐ cuối cùng vẫn sàng lọc được nhiều thứ, để bao giờ cũng chủ yếu còn lại 4 đảng chính lâu đời, có vai trò quyết định, loại bỏ được rất đáng kể cái tệ hại của thứ dân chủ bầy đàn, làm nổi bật một cách tập trung vào những vấn đề quốc sách lớn cho tranh cử của các đảng phái và cho sự lựa chọn của bầu cử. Bầu cử ở quốc gia này mang tính chất lựa chọn quyết sách là chủ yếu – người trúng cử trước hết vì nội dung tranh cử của mình được lựa chọn. Bầu cử ở chế độ một đảng hầu như chỉ chọn người lãnh đạo là chủ yếu! Đáng chú ý là các đảng chính trị - kể cả 4 đảng chính này – đều không có cấu trúc tổ chức và phương thức vận hành như các ĐCS nắm quyền ở các nước XHCN, càng không có hệ thống chính trị dọc với các chân rết chi bộ / tổ đảng xuống tận thôn xóm, ngõ ngách, khu phố, xí nghiệp, cơ quan, đoàn thể, trường học, bệnh viện… Xin vào đảng, bỏ đảng, hay thay đổi đảng là quyền công dân… v… v… Thế nhưng tổ chức và phương thức hoạt động của 4 đảng chính này vẫn bảo vệ được vai trò và truyền thống của họ, vân vân… Nói đến cùng, cách vận động như vậy của thể chế đa nguyên CHLBĐ dẫn tới kết quả chọn lọc: Về cơ bản, quốc gia này vẫn do đội ngũ elite của nó đến từ những nhóm quyền lực hay  những nhóm có ảnh hưởng khác nhau của đất nước này dẫn dắt. Không hiếm trường hợp những lực lượng cực đoan, hoặc thậm chí mang các mầu sắc tự do vô chính phủ, phát xít, “đảng xanh”, “đảng đỏ”… bị loại trong các cuộc bầu cử ở CHLBĐ. Thực tế này chứng minh: một nước phát triển và giầu mạnh không thể do nhóm người điên khùng hay thiểu năng trí tuệ dẫn dắt! (Tuy nhiên đôi khi vẫn xảy ra ngoại lệ cá biệt).

 

Nói ra thì đơn giản như vậy, song trước hết đó là kết quả cả một quá trình phát triển văn minh hai ba thế kỷ nay. Chỉ có điều, các nước đi sau có thể làm cho quá trình này ngắn hơn, tùy theo sự phấn đấu của mỗi quốc gia – trước hết là đội ngũ tinh hoa của những nước này.

Đương nhiên sự vật vận động không ngừng. Hôm nay hầu hết xã hội các nước phát triển phương Tây đều có vấn nạn của chủ nghĩa dân túy hôm nay (cũng có người gọi  là neo-populism) – một sản phẩm mới của quá trình phát triển và toàn cầu hóa. Ngày càng có những vấn đề mới khác xuất hiện chưa có lời giải… Nguyên nhân gốc là sự phát triển nói riêng và toàn cầu hóa nói chung không phải là một quá trình chia đều cho mọi người trong một quốc gia mọi cơ hội và thách thức, dẫn tới những phân hóa mới, những vấn đề mới trong mọi mặt của cuộc sống.

Tại Thụy Sỹ, điều hấp dẫn nhất của quốc gia này đối với tôi là vì sao các con hùm, con sói chung quanh nó luộn luôn để cho nó yên!.. Trong khi đó chẳng ai để nước mình yên!..

Một mẩu chuyện vui: Đại diện tập đoàn đầu tiên tôi gặp khi đặt chân đến Bonn là hãng Krupp, tại chiêu đãi quốc khánh của ĐSQ Tiệp Khắc. Ông này dễ bắt chuyện, với điều kiện phải thực hiện một cuộc thi: Cả hai, cứ mỗi người một lượt uống một cốc bia Pilsner (vùng Pilsen nổi tiếng) thì phải uống kèm thêm một cốc vodka Nga, sau đó cứ tiếp tục các lượt như thế, đến khi nào ông ta cảm thấy làm bạn được với tôi thì dừng và kết bạn! Tôi nói: Cuộc đố này không “fair” vì chỉ có một bên được quyền quyết định, nhưng tôi chấp nhận! Vì tôi muốn mời Krupp sớm vào Việt Nam!

Ông ta thì như hộ pháp, tôi chỉ bằng 2/3 thôi, đố với tay này không dễ… Song tôi đã có mẹo riêng của mình. Cứ mỗi lần uống xong 2 thứ một lượt như thế, tôi lấy cớ đi la cà với các bàn tiệc khác để giao tiếp, ngoài ra còn có mục đích phải cố tìm một bát súp nhỏ húp vào bụng cho loãng rượu đi. Xong, tôi quay lại chỗ cũ tìm ông ta, chấp nhận đố tiếp… Cứ thế đến lần thứ 5 thứ 6 gì đó, ông ta ôm hôn tôi và tuyên bố kết bạn… Sau này Krupp cũng là hãng sớm nhất cử người vào tìm hiểu khả năng đầu tư ở Việt Nam, trong đó có ông bạn thách rượu này!..

Nhưng cũng có một chuyện hồn vía lên mây: Một lần di chuyển cơ quan sang khách sạn khác, vì thời hạn thuê khách sạn đang ở đã hết. Như mọi khi, sau một đêm ngủ ở khách sạn mới, buổi sáng tự tôi một lần nữa điểm lại từng người một mọi việc, trước khi bắt đầu ngày làm việc đầu tiên ở chỗ mới. Đến khi tôi hỏi người giữ cặp tiền mặt để mua nhà, cặp tiền đâu, anh ta nói: Ở trong tủ rồi ạ! Tôi đòi cho xem, anh ta tìm cặp tiền không thấy đâu nữa! Họp toàn cơ quan, bàn đi bàn lại mãi, anh ta vẫn khăng khăng “Tự tay em xách lên tối hôm qua, anh đã hỏi em rồi, tự tay em cho vào tủ, không thể khác được!..” Cuối cùng tôi quyết định xuống lục lại xe ô tô xem sao, mà xe này lai do ĐSQ Cuba cho mượn tạm. Đêm qua quá khuya mới chuyển đồ đạc xong nên ĐSQ Cuba chưa kịp đến đòi xe về.

May quá: Cặp tiền vẫn chơ vơ một mình trong xe suốt một đêm!

Tôi cảm ơn trời!

Công việc của ĐSQ ta những tháng và thậm chí suốt cả năm đầu tiên, không thể không thiếu sự giúp đỡ rất nhiệt tình của một số bạn người Đức trong phong trào ủng hộ Việt Nam và của cộng đồng sinh viên Việt Nam học ở Tây Đức (CHLBĐ). Một số ĐSQ thân với ta ghen tỵ với ĐSQ ta, vì ở Bonn rất đắt đỏ, không dễ gì làm được nhiều việc như ĐSQ ta.

Song một nỗi buồn đau lòng đến rất sớm: Nhiều anh chị sinh viên ở Tây Đức đã nhiệt tình tham gia ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của đất nước từ nhưng năm mới vào trường, bây giờ học xong, nước nhà thống nhất, họ rất muốn về nước xây dựng đất nước, nhưng không được chấp nhận.

Trong nước đưa ra cho ĐSQ đủ mọi thứ lý do để tùy nghi giải thích, nghĩa là gần như đẩy quả bóng vào chân ĐSQ!..

Càng để chậm, số tốt nghiệp càng đông, số đơn xin về nước không được chấp thuận càng nhiều!.. Họ bắt buộc phải tìm mọi cách ở lại sinh sống tại nước Đức, lại phải trải qua những thủ tục xét duyệt rất phức tạp của nước sở tại…  Nhọc nhằn và tủi hổ vô cùng!..

Tôi vốn dỹ có quan hệ mật thiết với phong trào sinh viên ta ở Tây Đức nhiều năm trước 30-04-1975, được anh chị em quý mến, vẫn là bạn của nhau ở tuổi đầu bạc hôm nay, bây giờ một vài anh chị đã đi xa… Song tôi không thể tìm ra lời lẽ thuyết phục để giải thích việc các anh chị xin về nước phục vụ không thành, càng không thể giúp được bất kỳ một ai! Tôi không biết xin lỗi anh chị em như thế nào về sự bất lực của mình. Đại sứ và tôi báo cáo đi báo cáo về thế nào đi nữa, trong nước vẫn không xoay chuyển!

Càng về sạu, vấn đề người Việt ở Đức càng là vấn đề lớn, vì thêm số lao động ở CHDCĐ ở lại, rồi những làn người nhập cư mới, năm sau nhiều hơn năm trước…

Cái rủi mau chóng trở thành cái may, tuy ít nhiều mỉa mai: Nếu có được về nước làm ăn sinh sống và phục vụ đất nước, hầu như chắc chắn những anh chị em này cũng sẽ phải sớm tìm cách ra đi thôi. Bởi vì làm sao những anh chị này có thể sống bằng tiền lương trong nước, lại càng không thể thích nghi với môi trường làm việc và chế độ.

Niềm vui nho nhỏ: Năm tháng qua đi, trong số này ngày càng nhiều anh chị ở tuổi về hưu đã trở về sống trong nước, đương nhiên sống bằng lương hưu của nước ngoài và hình như với cả hộ chiếu nước ngoài nữa. Không sao cả, hầu hết những anh chị này lại góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp chung bằng cách khác, rất có lợi cho đất nước. Những sản phẩm trí tuệ của những Bùi Văn Nam Sơn, những Nguyễn Xuân Xanh là những ví dụ tiêu biểu. Đất nước vẫn mong đợi rất nhiều những đóng góp như thế của các anh các chị!.. Chung cuộc câu chuyện như thế, phải nên coi là “Happy End!”…

Tuy nhiên, “Happy End!” như thế, chỉ có thể làm cho tôi cười gượng thôi, vì thiệt thòi cho đất nước nhiều quá! Dù sao vẫn còn hơn là phải mếu!.. Tôi lại vấp phải câu hỏi mới: Không biết đất nước ta hàng ngày có bao nhiêu cái thiệt không đáng có như vậy?..

Kết thúc nhiệm kỳ ở CHLBĐ khoảng cuối thập niên 1970, tôi “ly hôn” với thế giới Đức của mình, 1957 – 1978, nghĩa là cuộc hôn nhân này được 2 thập kỷ. Để từ đó “kết hôn” với cả thế giới, tôi được chuyển hẳn sang công tác ở một vùng trời khác của ngoại giao, song có thể nói là hoàn toàn mới đối với tôi: Lĩnh vực kinh tế - nói chính xác hơn: Kinh tế và phát triển! Trong thời kỳ này tôi đi đến nhiều nơi khác nhau trên thế giới để tìm những câu trả lời cho nhiệm vụ của mình.

Cuộc hôn nhân mới này đến hôm nay (2018) được 4 thập kỷ. Tôi không biết có thể kỷ niệm ngày cưới vàng (50 năm) cho cuộc hôn nhân này không, vì tuổi mụ năm nay đã 84 rồi!.. Tôi cố phấn đấu…

Cái giá phải trả cho cuộc hôn nhân mới là 40 năm nay tôi không dùng tiếng Đức nữa, bây giờ cứ mở mồm nói tiếng Đức thì chỉ được vài câu, rồi tự nó nhảy sang tiếng Anh. Hơn nữa hầu hết mọi thứ tôi phải đọc hàng ngày là tiếng Anh, sách báo cho nghiên cứu sâu những vấn đề tôi muốn hiểu tìm kiếm được cũng chỉ là tiếng Anh… Song may mắn thay, những lúc khó, tôi vẫn phải dựa vào tiếng Đức để kiểm tra tiếng Anh của mình. Tôi tự rút ra cho mình một kinh nghiệm, nhưng hơi muộn: Vốn quý thế nào đi nữa mà không dùng, đến thế nào cũng sẽ mai một! Có đúng không nhỉ?..

     Xem tiếp Đoạn 3



[1] Thú thực, nhiều khi tôi nhìn thân phận của Faust trong tác phẩm cùng tên của Goethe, để tự an ủi mình: Hiểu biết phải giành lấy mới có được, dám sống thì phải trả giá!