-
Hãy làm
cho cả nước là một chiến tuyến thống nhất
- Hãy làm
cho cả nước dốc lòng xây dựng
Nguyễn Trung
Mấy tháng
nay cả thế giới lo lắng theo dõi: Chỉ cần một
phát súng
định mệnh nổ ra trên Biển
Đông – dù vô tình, hay vì chủ ý, do bất kể nguyên nhân gì, từ phía
nào… (vì phải tự vệ, hay do khiêu khích…) – trong những đợt quần
rượt, xua đuổi nhau, giữa một bên là các lực lượng bảo vệ bờ biển
của Việt Nam xua đuổi những kẻ xâm phạm đến từ phía Trung Quốc, và
một bên là các lực lượng hải quân và cảnh sát biển Trung Quốc hộ
tống tầu hải dương địa chất HD8 và tầu cần cẩu khủng Lam Kình liên
tục mấy tháng nay ngang nhiên tiến hành những hành động chỉ có thể
đặt tên là xâm lược – nhiều lúc xảy ra tại những điểm rất sâu trong
vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam – có khi chỉ cách đường cơ sở
của Việt Nam 11 hải lý, và cách đảo Lý Sơn 30 Hải lý (vùng đặc quyền
kinh tế của Việt Nam có chiều rộng là 200 hải lý tính từ đường cơ
sở)…
Giới nghiên cứu quân sự của NATO,
EU.., hoặc của những tổ chức có tên tuổi như RAND Corporation, Học
viện Hải quân (Mỹ)… cho rằng phía TQ rất cần một tia thuốc súng như
thế cháy lên ở Biển Đông,
để
có cớ cho họ chủ động ráng cho lực lượng bảo vệ biển của Việt Nam
đòn chí mạng, và xúc tiến luôn thể một số việc đã rồi khác! Trung
Quốc đang theo đuổi đến cùng mục tiêu này!.. V… v…
Cho đến nay,
phát súng định mệnh này chưa nổ ra trên Biển Đông – về phía VN rõ
ràng là do sự tự kiềm chế đến buốt gan buốt óc, với sự kiên định tới
cùng còn nước còn tát vì
hòa bình![i]
– còn về phía TQ, như trong tình trạng đất nước họ ở thời điểm này
(bao gồm cả vấn đề Hongkong và vấn đề Đài Loan đang rất nóng bỏng) cho thấy, có lẽ cũng không đơn
giản
lắm nếu lúc này chủ động khiêu khích cuộc chiến trên biển!..
[Ai cũng biết, chủ tịch Tập Cận Bình
ngày 29-08-2019 đã bác bỏ thẳng thừng ý kiến của tổng thống Duterte về
bãi Sacarborough của Philippines, và còn nói TQ
sẽ rộng lượng để cho phía
Philippines hưởng tỷ lệ ăn chia là 60% trong khai thác dầu tại đây. Ông
Duterte nhận lời, nhưng phó tổng thống Philippines
-
bà Leni Robredo
– và cả nước Philippines phản đối, gọi đấy là
bán tương lai Philippines cho TQ… Còn giới nghiên cứu nước ngoài – trong
đó có Bill Hayton…- cho rẳng
bất cứ một thỏa hiệp nào kiểu như thế này sẽ làm cho hệ thống pháp lý ở
Biển Đông và ở những nơi khác sụp đổ!..]
Cũng trong những ngày tháng này rộ lên
những nhận định từ những giới nghiên cứu này: Giới quân sự TQ lộ rõ ý đồ
rất muốn lựa chọn VN làm đối tượng cho cuộc
chiến khởi động (warm up
fight) để chuẩn bị cho những cuộc chiến lớn!
*
Ngày
14-09-2019 kho dầu của Ả-rập Saudi bị vũ khí từ máy bay không người lái
tấn công, khiến cho nguồn dầu của quốc gia này giảm 5,7 triệu thùng /
ngày (tương đương 1/5 sản lượng cung hàng năm của thế giới), với mọi tác
động nhiều chiều cho khu vực và toàn cầu. Lực lượng Houthi ở Yemen đứng
ra nhận là họ tấn công.
Nhưng Mỹ và một số nước thành viên NATO nghi ngờ đây là hành động do
Iran chủ mưu vì nhiều lẽ. Trump phản ứng ngay, nói (đại ý) “đạn
đã lên nòng” và còn chờ xác minh kẻ tấn công… Một vùng chiến tranh
lớn từ Iran đến A-rập Saudi kéo theo toàn bộ khu vực Trung Đông sẽ có
thể bén lửa! Chưa thể nói nếu bén lửa, cái gì sẽ đến với cả thế giới!
Tấn công bằng máy bay không người lái thực sự đã mở ra một chương mới
rất khó lường trong chiến tranh đương đại.
Với những diễn biến mới ở Trung Đông, ở
châu Phi..[2],
tính hỗn loạn và sự căng thẳng của cục diện thế giới kể từ thời xuất
hiện đối kháng thế kỷ Trump- Tập
đang leo thang lên một nấc cao mới.
Nước Mỹ thời Trump đã chính thức từ bỏ
vai trò “sen đầm quốc tế” để tập trung cho “America first!”, vì trong
các mối tương quan quốc tế hôm nay nước Mỹ đã vượt qua thời kỳ đỉnh cao
của mình, và phải đối mặt với một thế giới đa cực hoàn toàn khác, đầy
hỗn loạn, rất khó tiên liệu. Mới đây nhất, việc Mỹ giữ thái độ tự kiềm
chế trước sự kiện Iran ngày 20-06-2019 bắn rơi máy bay không người lái
của Mỹ (UAV) trên vùng biển Hormuz cho thấy: Những tuyên bố của Trump dù
quyết liệt như thế nào, song nước Mỹ đang phải rất thận trọng (điều này
có lý lẽ riêng của nó, và hoàn toàn có thể hiểu được).
Đúng là không còn nữa “sen đầm quốc tế”
Mỹ. Song dù muốn hay không, cộng đồng các quốc gia trong thế giới hôm
nay đang thiếu, và sự thực là không thể.., hay là chưa thể tạo ra được
cho mình một “cảnh sát thế giới”
với một “hiến pháp chung” đủ
mạnh để giữ trật tự chung!
Bàn riêng về Biển Đông, so với thời
Obama với cao điểm là chính sách “xoay trục” (mới chỉ được nói ra và
chưa thực hiện được gì), có thể nhận định: Chính sách, luật pháp, lời
nói và việc làm của chính quyền Trump thay đổi một trời một vực, rất
quyết liệt, theo hướng phải duy trì luật pháp quốc tế ở Biển Đông, nhiều
đồng minh của Mỹ đã hưởng
ứng bằng hành động cụ thể. Song chưa thể nói phản ứng của Mỹ và đồng
minh như thế là đủ, vì tại đây Trung Quốc vẫn đang leo thang tiếp. Nhất
là Trung Quốc đang muốn phát huy thế mạnh áp đảo tại chỗ ở Biển Đông, để
bù đắp cho những yếu kém khác của Trung Quốc trong đối kháng thế kỷ
Mỹ-Trung! Nhất là trong những nỗ lực này
Trung Quốc lựa chọn Việt Nam làm
mục tiêu chính, Việt Nam đang trở thành “nạn nhân kép” trong chiến lược
của Trung Quốc!..[3]
Trên võ đài mất /còn (zero sum game)
của thế giới hôm nay, lợi thế của kẻ này là thất thế của kẻ khác. (1)
Những bước leo thang mới của Trung Quốc trên Biển Đông – cụ thể đối với
nước ta là vùng bãi Tư Chính, và (2) những diễn biến nguy hiểm khó lường
đang xảy ra ở Trung Đông là hai sự kiện tác động lẫn nhau, có thể một
lần nữa tạo ra cho nước ta nguy cơ “đục
nước béo cò” – mà trên chặng đường kể từ sau chiến tranh thế giới II
đến nay nước ta đã hàng chục lần là nạn nhân khốn khổ của
tình trạng đục nước béo cò!
Hai lần mới đây nhất là: (1) Mỹ và Trung Quốc đi với nhau sau cuộc gặp
Nixon-Mao năm 1972 và Liên Xô đang trong quá trình sụp đổ, Trung Quốc đã
chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 - trong lúc tình hình khu vực tranh
tối tranh sáng! Sau đó TQ còn dậy
cho Việt Nam “bài học” – cuộc
chiến tranh 17-02-1979; (2) lợi dụng khoảng trống trong khu vực và yếu
kém của phía ta, năm 1988 Trung Quốc đã chiếm 7 đảo và bãi đá của ta ở
Trường Sa, rồi sau đó còn đẩy nước ta đến Hội nghị Thành Đô năm 1990 –
bất chấp tình hình Trung Quốc lúc đó đang khốn đốn vì sự kiện Thiên An
Môn (04-06-1989).
Trong mọi lúc đất nước là nạn nhân của
bối cảnh đục nước béo cò, cần
thẳng thắn thừa nhận để ghi nhớ cho hôm nay: Ngoài những trò chơi bẩn
thỉu của các thế lực lớn, về phía ta thường có 2 sai lầm chủ quan không
nhỏ - vì giới hạn của tầm nhìn, vì sự nô lệ của ý thức hệ, vì thiếu vắng
phẩm chất và bản lĩnh chính trị phải có…. Tựu trung 2 sai lầm đó là (1)
thường đánh giá không đúng bàn cờ thế giới, và (2) là lựa chọn không
chính xác, lựa chọn quyết định sai cho đất nước. Đất nước ta thường phải
trả giá vô cùng cay đắng cho hai yếu kém này.
Chẳng lẽ nước ta – trước hết là giới
cầm quyền – “học” đi học lại
mãi như thế mà vẫn chưa đủ cho thế giới hôm nay!?
*
Không có
cảnh sát thế giới và
hiến pháp chung đủ mạnh để giữ
trật tự chung, nước ta chỉ có một con đường:
Nếu không khoanh tay chịu làm nô
lệ, thì phải tự cứu mình trước khi trời cứu!
Thật ra đấy
là chân lý muôn đời! Là bài học số 1 của Việt Nam trong mọi tình huống
kể từ sau chiến tranh thế giới II cho đến hôm nay!
Xin nhắc lại để không bao giờ hiểu lầm:
Tôi, và chắc chắn là mọi người Việt có suy nghĩ như tôi, không bao giờ
muốn coi Trung Quốc là kẻ thù – ngoại trừ khi Trung Quốc xâm lược Việt
Nam và cố tình xâm phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của
Việt Nam! Thậm chí trước sau tôi không từ một nỗ lực nào có thể, những
mong để vãn hồi, để duy trì mối
quan hệ láng giềng tốt đẹp có lợi cho cả hai nước và phù hợp với luật
pháp quốc tế, phù hợp với nguyện vọng chung cho hòa bình, hợp tác và
cùng nhau phát triển của cộng đồng các quốc gia trên thế giới.
Trên thế giới này còn ai muốn chung
sống hòa bình, có quan hệ láng giềng tốt, bình đẳng cùng tôn trọng lẫn
nhau với Trung Quốc hơn Việt nam!? Song bảo vệ tổ quốc đối với tôi trước
sau luôn luôn là giá trị thiêng liêng, bất khả xâm phạm![4]
Xin được nói rành mạch với nhau tại
đây, theo tôi:
-
Bốn
thập kỷ độc lập thống nhất vừa qua cho thấy nước ta chẳng
xin được bất kể cái gì từ
giữ đại cục, từ “4 tốt”, từ “16 chữ”, từ
biết bao nhiêu hứa hẹn đường mật khác, nếu không muốn nói rằng nước ta
đã mất quá nhiều – kể cả mất cả hòa bình và ổn định, tương lai phát
triển bị kìm hãm… – chỉ vì ta một bề cố giữ những cam kết này (thực ra
đấy chỉ là những cam kết một chiều về phía ta)!
-
Cũng bốn thập
kỷ này cho thấy, vì còn có những
điểm Đảng biết sợ dân, biết nghe dân (ví dụ mới đây nhất là trong vụ “3
đặc khu kinh tế” vừa qua), nên còn giữ được cho đất nước những gì còn
đang giữ được như hôm nay – không phải là quá nhiều so với đã mất nhiều,
trong khi đó nguy cơ mất tiếp không hề nhỏ!
Như vậy, bảo vệ tổ quốc và gìn giữ quan
hệ láng giềng đúng đắn là hai nhiệm vụ khác nhau. bốn thập kỷ vừa qua
cũng cho thấy có bảo vệ được tổ quốc thì mới có thể giữ được quan hệ
láng giềng tốt – nếu không nước ta sẽ chỉ là kẻ nô lệ,
kẻ chư hầu – sự thật là trăm mưu nghìn kế của Trung Quốc đang
thường trực đẩy tiếp nước ta xuống làm kẻ chư hầu!
Cả cuộc đời làm công tác ngoại giao
trong những quan hệ đụng chạm đến Trung Quốc đã cho tôi kinh nghiệm:
Không thể mong chờ Trung Quốc sẽ ban cho ta thiện chí này nọ, cũng không
thể thay đổi được những điều họ muốn theo đuổi đối với nước ta, họ chỉ
hợp tác với nước ta hoặc để cho ta yên trong những trường hợp họ không
thể làm gì khác. Vì vậy hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển
không thể đi xin được, mà phải có phẩm cách, bản lĩnh và sức mạnh để
giành lấy!
Song bảo vệ tổ quốc chúng ta và xây
dựng mối quan hệ láng giềng tốt của ta với Trung Quốc bằng cách nào
trong thế giới hỗn loạn hôm nay – một thế giới đang chịu tác động sâu
sắc của đối kháng thế kỷ Mỹ - Trung như thế này?
Vâng, bằng cách nào? – Nếu không phải
là:
-
Hãy làm cho
cả nước là một chiến tuyến thống nhất bảo vệ tổ Quốc!
-
Hãy làm cho
cả nước dốc lòng xây dựng đất nước sớm giầu mạnh!
Câu trả lời của tôi là như vậy. Còn của
các bạn? Của mỗi người dân Việt chúng ta?
Tôi vô cùng mong muốn câu hỏi và câu
trả lời của tôi trên đây phải là câu hỏi và câu trả lời của từng đảng
viên ĐCSVN, phải trở thành chương trình nghị sự của Đại hội XIII! Đấy là
trách nhiệm ràng buộc của ĐCSVN đối với đất nước trong cục diện thế giới
hôm nay, rất sát phạt đối với mọi quốc gia. Nếu nhiệm vụ này vượt tầm
với của Đảng hôm nay, thì Đảng
hôm nay phải phấn đấu lột xác để dựa vào nhân dân mà làm cho bằng được!
Vì hỏi được, và trả lời được như
thế, ĐCSVN và từng đảng viên sẽ tìm được lối ra cho chính bản thân mình
và cho đất nước!
Nếu không hỏi được và không trả lời
được như vậy, họp Đại hội XIII để làm gì?
Tôi hiểu được và hoàn toàn thông cảm
tình huống sẽ có nhiều người phát ớn đối với sự kiên định của tôi về
trách nhiệm không thể tránh né nêu trên của ĐCSVN. Tôi cũng mong được
thông cảm, vì kinh nghiệm đường đời của tôi mách bảo tôi lựa chọn như
vậy![5]
Đất nước ta phải tự cứu mình trước khi
trời cứu!
Phải tự cứu mình, cả thế giới tiến bộ
mới đứng về phía mình! Vì thế giới này không có “bữa trưa miễn phí” (There is no free lunch!)! Và như thế nhất định
sẽ giữ được nước – cho dù nếu xảy ra những thách thức long trời lở đất…
Và chỉ như thế chắc chắn mới có hữu nghị thật và có thể chung sống hòa
bình thật với Trung Quốc.
Quan trọng hơn nữa, chủ động bảo vệ tổ
quốc như vậy, là chủ động gìn giữ và phát triển được những mối quan hệ
song phương hòa bình nhất định nào đó hiện còn có với Trung Quốc. Mọi nỗ
lực hòa hiếu một bề cam chịu tất cả, bốn thập kỷ nay chỉ gặt hái được: Ta
càng thỏa hiệp, càng nhân nhượng cho
đại cục, cho “4
tốt”.., Trung Quốc càng lấn tới – như đang diễn ra trên bãi Tư
Chính, và còn đang tiếp diễn!
Nguyễn Trung
Hà Nội – Võng Thị, tháng 9-2019
[i]
Đây
không phải lần đầu tiên VN đối mặt với sự đọ sức này. Vụ đẩy lùi
dàn khoan HD 981 của TQ tháng 05-2014 xâm phạm vung biển nước ta
là vụ gần đây nhất.
[2]
Với
tình hình Syrie hiện nay – chủ yếu do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kì
chi phối, giới nghiên cứu cho rằng Mỹ đã bị Nga đẩy ra khỏi châu
Phi!
[3]
Tham
khảo
(1)Vũ Ngọc Hoàng, “Trao đổi nhanh về chuyện Biển Đông”
http://www.viet-studies.net/kinhte/VuNgocHoang_TraoDoiBienDong.html
(2) Nguyễn Trung,
“Tổ quốc đang bị thách thức nghiêm trọng”
http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_CungChiaSeMoiLo.html
[4]
Tham khảo: Nguyễn
Trung,
“Trung Quốc là kẻ thù hay là bạn của ta?”
http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_TQThuHayBan.html
[5]
Trong “Kiến
nghị về Đại hội XIII” tôi đã trình bầy lý do của sự lựa
chọn này, sơ bộ phác thảo những bước đi thực hiện – như một gợi
ý để tham khảo. Sự thật đây là lựa chọn vô cùng khó khăn của
tôi. Có thể vì tôi vẫn tin vào con người, và tin rẳng trong sự
chuyển đổi của quốc gia, nếu tự giác được bao nhiêu, sẽ tiết
kiệm được xương máu cho đất nước bấy nhiêu.
http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_KienNghiDaiHoiXIII.pdf
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 18-9-19
|