Hàn Quốc –  CHDCND Triều Tiên

…và Việt Nam?

 

Nguyễn Trung

 

 

        Báo chí thế giới rộn lên những hình ảnh và tin tức về các vận động viên Hàn Quốc và Triều Tiên cùng diễu hành dưới lá cờ chung của hòa bình trong lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Pyeongchang, về sự kiện bà Kim Yo Jong – người được coi là nhân vật thứ hai của Bắc Triều Tiên – tham dự thế vận hội này với tính cách đại diện chính thức cho anh trai mình và chính thể Cộng Hòa dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên và đã được chủ nhà đón tiếp rất trọng thị, tổng thống Hàn Quốc được mời đi thăm chính thức CHDCNDTT… Toàn bộ những động thái này tạo nên một sự kiện trọng đại, một hiện tượng hy hữu lần đầu tiên trong 7 thập kỷ vừa qua trên bán đảo Triều Tiên. Chí ít, qua sự kiện này nhân dân hai miền trên bán đảo Triều Tiên có thể thở phào nhẹ nhõm, dù chỉ là trong giây lát, trước tình hình bán đảo này đang cận kề miệng hố chiến tranh – mà lại là miệng hố có thể là chiến tranh hạt nhân, có thể là chiến tranh sẽ hủy diệt cả khu vực…

 

Hiện tượng nói trên là một thắng lợi của hòa bình đối với nhân dân cả hai miền Nam - Bắc trên bán đảo Triều Tiên, bất luận ẩn sâu bên trong sự kiện này là những toan tính hay tham vọng gì của bất kỳ bên hữu quan nào – dù là ai, bên trong hoặc bên ngoài bán đảo Triều Tiên! Bất luận những kẻ yêu hay ghét, hoặc không thích, hoặc không mong muốn sự kiện này là ai – dù họ là những người bên trong hay bên ngoài bán đảo Triều Tiên!

 

Loại trừ bất kể tính toán nào của mỗi bên trên bán đảo Triều Tiên – dù ở tầm địa chính trị nào, kể cả hiện tượng diễu hành quân sự quy mô lớn ở Bình Nhưỡng ngay trước khi thế vận hội Pyeongchang khai mạc –  có thể nói lãnh đạo hai miền trên bán đảo Triều Tiên đã có một bước đi đúng đắn nhân dịp thế vận hội này, ít nhiều có lợi cho hòa bình của nhân dân ai miền trên bán đảo là tổ quốc mình.

 

Dù thế nào, mỗi bên có ý đồ gì.., bước đi nói trên ít nhiều phản ánh họ - lãnh đạo của hai miền – mong muốn vượt lên trên những mối ràng buộc địa chính tri khu vực và toàn cầu, để tự quyết định lấy công việc và vận mệnh của hai miền trên đất nước họ. Dù đấy chỉ là một bước nhất thời, bước đầu tiên! Vô cùng mong manh… Vô cùng thách đố!..

 

Câu chuyện thống nhất hai miền trên bán đảo Triều Tiên còn vô cùng xa vời, và có lẽ chưa ai đủ trí tưởng tượng dám vẽ ra một kịch bản khả thi nào – cho dù là có thể vạch ra những thỏa hiệp lớn nhất, với những cái giá phải trả “rẻ” nhất, ít xương máu nhất cho mỗi bên Nam, Bắc Triều Tiên!.. Vì lẽ giữa hai miền đối với nhau có sự khác biệt quá lớn – gần như giữa nước và lửa, rất khó dung hòa. Song quan trọng không kém hoặc thậm chí có thể hơn thế, là còn vì lẽ những xung đột địa chính trị - địa kinh tế tại khu vực này hội tụ những mâu thuẫn quyết liệt nhất, trực tiếp nhất và mang tính zero sum games toàn cầu giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga, kế cận tiếp theo là Nhật, rồi còn có thể loang rộng ra Ấn Độ, Úc.., và rất có thể sẽ kéo theo những tác động khu vực và toàn cầu khác, được hình dung – nếu những mâu thuẫn này bắt lửa và bùng nổ - sẽ có thể như …một sự hủy diệt tận thế – một viễn cảnh inferno tại trần gian này…

 

Không loại trừ tình huống mọi nỗ lực tránh nguy cơ bùng nổ hủy diệt ở đây lại có thể làm gia tăng nguy cơ “xả sú-páp” bằng những “cuộc chiến tranh qua tay người khác” (proxy wars) tại những nơi khác…

 

Khó lắm, vì rất nhiều lý do chồng chéo nhau, hầu như trong khoảng thời gian nhất định, sẽ không thể có chuyện “để cho nhân dân hai miền trên bán đảo Triều Tiên tự giải quyết lấy công việc của mình!”.

 

Song cứ tạm đặt quyền tự quyết này của nhân dân 2 miền trên bán đảo Triều Tiên sang một bên lúc khác sẽ bàn, để đưa ra câu hỏi điểm danh từng bên hữu quan nào bên ngoài bán đảo Triều Tiên:

 

-       Ai là người trong thế giới hiện tại sẽ ủng hộ thống nhất 2 miền trên bán đảo Triều Tiên?

 

Đương nhiên, câu trả lời nào cũng sẽ phải gắn liền hữu cơ ngay lặp tức với những câu hỏi “Đấy sẽ là một quốc gia thống nhất nào trên bán đảo Triều Tiên? Sự thống nhất này có lợi cho ai?.. Ai được hưởng lợi? Ai mất gì, được gì? V… v…”

 

Những câu hỏi phái sinh nêu trên cho đến giờ phút này hầu như không thể có câu trả lời nào mà tất cả các nước hữu quan bên ngoài có thể cùng chấp nhận! Ngoài nỗi đau riêng của sung khắc như giữa lửa và nước trong lòng đất nước giữa hai miền, bi kịch của nhân dân hai miền trên bán đảo Triều Tiên còn do những câu hỏi phái sinh này làm cho vô cùng nghiêm trọng.

 

Sự lạnh nhạt của phó tổng thống Mike Pence đối với đoàn Bắc Triều Tiên tại Pyeongchang là hoàn toàn hiểu được, nói lên nỗi lo của Mỹ là sợ Hàn Quốc có thể mềm lòng và “chệch hướng” trước những áp lực của vũ khí A và tên lửa của Bắc Triều Tiên. Nước chủ nhà Hàn Quốc đã cố ý tạo dựng một sự tiếp xúc nào đấy giữa Mike Pence và Kim Yo Jong nhưng không thành. Xử sự như thế của M. Pence là dở hay khôn ngoan, xin bàn vào dịp khác.

 

Trung Quốc có muốn một quốc gia thống nhất trên bán đảo Triều Tiên không?

 

Hầu như trong thời gian nhất định chắc chắn là không.

 

Hơn nữa, về đại thể Trung Quốc đang là nước có lợi nhất trong kịch bản tồn tại 2 quốc gia trên bán đảo Triều Tiên như hiện nay và trong tình hình vũ khí A và các tên lửa của Bắc Triều Tiên đang hướng vào Mỹ. Cân đong đo đếm mọi bề, Trung Quốc hầu như không thể có một kịch bản nào tốt hơn nào khác cho vấn đề Triều Tiên trong thế giới hiện tại.

 

Thế còn vấn đề thống nhất Triều Tiên?

 

Để khỏi đoán già đoán non, xin kể lại lịch sử: Lúc nước ta ở vào thời kỳ cao điểm quyết liệt trong kháng chiến chống Mỹ, lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông đã từng khuyên lãnh đạo Việt Nam: Thống nhất đất nước của Việt Nam là chuyện trăm năm, chổi ngắn không quét được rác xa!.. Còn mọi chuyện đã xảy ra ngay sau khi Việt Nam thống nhất cho đến hôm nay đủ nói lên tất cả.

 

Nhật có muốn một Triều Tiên thống nhất không?

Câu trả lời hoàn toàn phụ thuộc vào các câu hỏi phái sinh không dễ hoặc tạm thời không thể trả lời được: Sẽ là một quốc gia thống nhất nào trên bán đảo này?!

 

Nga… .., và có lẽ không ít những cường quốc khác trong EU, không ít những nước khác nữa cũng ở trong tình thế trăn trở nhiều điều trong vấn đề Triều Tiên như đang diễn ra hiện nay.

 

Là con của một đất nước đã từng bị chia cắt, tôi hoàn toàn thông cảm và chia sẻ nỗi sót xa của nhân dân hai miền trên bán đảo Triều Tiên về tình trạng phân ly của đất nước họ. Tôi cầu mong những điều tốt đẹp nhất về thống nhất quốc gia sẽ sớm đến với họ, mặc dù đến giờ phút này trí tuệ của tôi không thể hình dung nổi viễn cảnh này sẽ diễn ra như thế nào. Khi nước Đức thống nhất, tôi vô cùng nhẹ nhõm khi thấy nhân dân Đức không phải trải qua con đường thống nhất như nhân dân nước ta đã phải kinh qua. Tôi không ảo tưởng, nhưng vẫn cầu mong một ngày nào đó chuyện thống nhất nước Đức sẽ có thể tái diễn trên bán đảo Triều Tiên! Cầu mong đến mức như trông chờ vào thượng đế vậy!

 

Nghĩ đến những điều trên, tôi càng vô cùng thấm thía và nguyện quyết tâm góp phần gìn giữ độc lập thống nhất đất nước đã giành được – một cái đích dù thế nào đi nữa một quốc gia, một dân tộc bị nô lệ và chia cắt nhất thiết phải tìm cách giành lấy để tự bảo tồn chính mình. Cái giá đã phải trả cho độc lập thống nhất đất nước càng đắt, thì càng phải chăm lo cho sự cường thịnh của quốc gia độc lập thống nhất và tự do - hạnh phúc của nhân dân. Suy nghĩ này tự nó nhói lên trong tôi câu hỏi:

 

-       Nếu tổ quốc độc lập thống nhất của chúng ta hôm nay có một nền kinh tế và có một tiềm lực quốc phòng như hai miền trên bán đảo Triều Tiên đã đạt được, thì một Việt Nam vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển sẽ là gì, và sẽ có vị thế nào trong thế giới hôm nay?

 

Chữ “nếu…” chợt đến ấy trong tôi lóe lên như một nhát dao khía vào tim: Độc lập thống nhất mà không có được thực lực như thế thì làm sao độc lập thống nhất được – ngay trong lòng dân tộc mình, và cả trong mọi mối tương quan với thiên hạ trong cái thế giới ngày càng quyết liệt hôm nay!?..

 

Càng nhức nhối hơn nữa là: 42 năm độc lập thống nhất là khoảng thời gian hoàn toàn đủ để có được một Việt Nam tự lập tự cường của một nhân dân tự do – hạnh phúc. Thế nhưng liệu chúng ta hôm nay có thể tự nói với nhau: Tổ quốc của chúng ta đã trở thành một quốc gia như thế?

 

Câu chuyện quyết liệt hôm nay của hai miền trên bán đảo Triều Tiên chẳng lẽ không thúc giục mỗi người Việt Nam chúng ta dù là ai cũng phải suy nghĩ: Nước ta đang ở đâu trong thế giới này? Đang có gì trong tay? Đang được gì, mất gì? Vì sao?.. Chúng ta đã biết trân trọng những cái đã có trong tay? Đã ý thức được những còn/mất trong 42 năm quốc gia độc lập thống nhất? Vì sao?.. Và đã ý thức được chúng ta và đất nước của chúng ta hiện nay đang thực sự là ai trên thế giới này?.. Muốn biết rõ chính mình, phải tự soi vào gương như vậy!

 

Nhìn người, tôi không thể không nghĩ đến ta như vậy, nhất là trong những ngày này đang sửa soạn lại bàn thờ, tâm trí đang dành những cảm nghĩ thiêng liêng về tổ tiên, về đất nước.., để chào đón Tết Mậu Tuất/.

 

Nguyễn Trung

Hà Nội, những ngày chờ đón Tết Mậu Tuất

(12-02-2018)

 

Tác giả gửi viet-studies ngày 12-2-18