Bản gốc của tác giả bài đã đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 1-2-12 

Những đoạn bôi đậm là những đoạn mà báo Tuổi Trẻ thay đổi.

 

 

Bắt đầu từ nhìn thẳng vào sự thật

 

Phỏng vấn Nguyễn Trung

 

Đầu xuân Nhâm Thìn, phóng viên Tuổi Trẻ nhận được email bài viết khai bút của ông Nguyễn Trung (nguyên trợ lý cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) “Khép lại quá khứ, không ngoái lại quá khứ”, từng câu chữ của ông vẫn cháy bỏng tâm huyết như hồi đầu năm 2006 khi ông gửi đến Tuổi Trẻ bài viết về “thời cơ vàng, hiểm họa đen” của đất nước. Gặp lại ông, câu chuyện gần xa rồi lại chạm đến chủ đề thời sự: Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng.

 

*

 

- Là một đảng viên, ông đón nhận Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” như thế nào?

- Tôi đánh giá cao việc Hội nghị Trung ương 4 thừa nhận một số vấn đề cấp bách của nhiệm vụ xây dựng Đảng, xuất phát từ nhận thức cho rằng công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận xét đúng, nếu những yếu kém này không khắc phục được, sẽ là thách thức lớn đối với sự tồn vong của Đảng và của chế độ.  Tôi hy vọng từ nhận thức này toàn Đảng – trước hết là các cấp lãnh đạo và những người đứng đầu các cấp lãnh đạo – sẽ định hướng được hành động của mình trong nhiệm vụ đổi mới xây dựng Đảng.

Nhiều Đại hội và Hội nghị Trung ương trước đây cũng đã có những đánh giá tương tự như trên. Mới đây nhất là Báo cáo Chính trị của Đại hội XI (mục B điểm 6) cũng nghiêm khắc nhận xét nhiều hạn chế, yếu kém trong nhiệm vụ xây đựng Đảng chậm được khắc phục. Ở Hội nghị Trung ương 4 lần này Tổng bí thư đặt ra câu hỏi day dứt: Vì sao công tác xây dựng Đảng rất được coi trọng với nhiều Nghị quyết, nhiều cuộc vận động như vậy, nhưng kết quả vẫn không như mong đợi?

Cả nước đang bức xúc về tình trạng suy thoái đạo đức và tham nhũng, tiêu cực trong hàng ngũ cán bộ đảng viên ngày càng gia tăng. Vì thế tôi nghĩ dư luận rộng rãi cả nước mong muốn, đòi hỏi Nghị quyết 4 lần này sẽ được thể hiện và thực hiện bằng những việc làm thiết thực.

*

- Nghị quyết đề ra phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh”. Với phương châm đó, theo ông đâu là đòi hỏi bức thiết nhất hiện nay trong vấn đề xây dựng Đảng? Cần làm gì để đáp ứng được đòi hỏi bức thiết đó?

- Nhìn thẳng vào sự thật, như Tổng bí thư đã nêu tại Hội nghị Trung ương 4 chính là thái độ của Đại hội VI đối với sự thật, điểm xuất phát mở ra công cuộc đổi mới xoay chuyển hẳn tình hình đất nước. Nhìn thẳng vào sự thật, đấy là một trong những là nguyên nhân chính yếu mở ra công cuộc đổi mới, nhờ đó đất nước giành được nhiều thành tựu to lớn trong ¼ thế kỷ vừa qua. Đấy là một kinh nghiệm quan trọng của Đại hội VI.  

Bây giờ, xác lập được thái độ nhìn thẳng vào sự thật như thế trong nhiệm vụ chấn chỉnh và đổi mới xây dựng Đảng, chắc chắn sẽ thấy được rất nhiều việc phải bàn, phải làm và có thể làm được.

Thử xuất phát từ chuyện hôm nay: Ví dụ, để đạt được mục tiêu cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng văn minh và hiện đại vào năm 2020 như đã nêu trong các nghị quyết các Đại hội Đảng, nhất thiết phải tạo ra cho đất nước chí ít là 4 yếu tố làm tiền đề, đó là: (1) con người có tự do – điều kiện hàng đầu để phát huy nguồn lực lớn nhất và quý nhất của đất nước là con người; (2) có thể chế chính trị dân chủ để phát huy được sức mạnh mọi mặt của đất nước đồng thời tạo ra được nội lực tốt nhất cho hội nhập quốc tế; (3) đất nước có hòa bình ổn định; (4) cả 3 yếu tố vừa nêu phải dựa trên căn bản một nền giáo dục chân chính. Nếu nhất trí thừa nhận được với nhau 4 yếu tố như thế là tiền đề của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đai hóa, chắc chắn sẽ nhận ra ngay hệ thống chính trị phải được thiết kế và tổ chức lại như thế nào để tạo ra, duy trì và phát triển được 4 yếu tố này làm tiền đề như vậy. Từ đây cũng sẽ nhìn ra Đảng phải được chấn chỉnh, đổi mới như thế nào cho phù hợp trong một hệ thống chính trị có nội dung và mục đích cốt lõi là phải tạo ra cho đất nước 4 yếu tố quyết định làm tiền đề như thế. Hơn nữa, nếu muốn thực hiện được được nhiệm vụ vai trò đảng lãnh đạo, sẽ có câu hỏi: Đảng phải được chấn chỉnh, đổi mới như thế nào để có khả năng và phẩm chất đáp ứng nhiệm vụ này trong một hệ thống chính trị được đổi mới như thế.

Trí tuệ, kinh nghiệm, hiểu biết, các nguồn lực tinh thần và vật chất khác… tích tụ được trong quá trình hoạt động của Đảng, trong lịch sử của đất nước, cũng như trong kho tàng văn minh nhân loại và trong quan hệ quốc tế không thiếu cho việc Đảng giải quyết thành công những vấn đề chấn chỉnh, đổi mới nhiệm vụ xây dựng Đảng theo yêu cầu nói trên. Song đúng là cần bắt đầu từ nhìn thẳng vào sự thật với ý chí tổ quốc trên hết, lợi ích quốc gia là duy nhất và trên hết, để đi tới nhận thức mới về Đảng trong tình hình và nhiệm vụ mới, để có được những quyết định đúng đắn cho việc xác lập nội dung và những bước đi trong nhiệm vụ chấn chỉnh, đổi mới xây dựng Đảng. Đấy là cái mối đầu tiên Đảng phải gỡ ra, cái việc đầu tiên Đảng phải làm, như Đại hội VI đã từng làm.  

*

- Vậy xin hỏi ông phải làm như thế nào để thúc đẩy cái việc đầu tiên ông vừa nêu?

- Đầu tiên là thực hiện dân chủ và công khai minh bạch với thái độ nhìn thẳng vào sự thật; trước hết thực hiện việc này trong Đảng, sau đó và đồng thời là trong cả nước, nhằm làm bộc lộ rõ mọi yếu kém, mọi vấn đề và mọi thách thức đang đặt ra đối với Đảng và hệ thống chính trị trong tình hình mới. Trên cơ sở này đề ra phương thức khắc phục những yếu kém, xác định những năng lực và phẩm chất mới của Đảng và của hệ thống chính trị cần được tạo ra cho phù hợp với đòi hỏi cùa nhiệm vụ chuyển đất nước đi vào thời kỳ phát triển bền vững, giữ gìn độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước, mở rộng quan hệ quốc tế. Lịch sử đã tạo ra cho Đảng mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào dân để thực hiên dân chủ và công khai minh bạch với nội dung và mục đích như thế, Đảng nhất định sẽ thành công. Nếu dám nhìn thẳng vào sự thật như đã nói tại Hội nghị Trung ương 4, nhất thiết phải làm như vậy. Nói đi đôi với làm thì phải làm như thế.

*

- Nghị quyết lần này đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng như: tự phê  bình và phê bình; chất vấn tại các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương và cấp ủy các cấp; sớm thực hiện quy định lấy phiếu tín nhiệm... Ý kiến ông thế nào?

- Các giải pháp cụ thể như đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 đều đáng hoan nghênh, cần được thực thi nghiêm túc. Tuy nhiên, với kinh nghiệm và hiểu biết tích lũy được, theo tôi nên nhìn nhận việc chấn chỉnh đổi mới xây dựng Đảng với nội dung và mục đích nêu trên thực chất là nhiệm vụ đầu tiên và quyết định nhất trong toàn bộ nhiệm vụ đổi mới hệ thống chính trị của nước ta. Với tầm vóc như thế, nhiệm vụ lớn về chấn chỉnh và đổi mới xây dựng Đảng, nói một cách giản lược, nên chia thành 2 bước.

Bước 1: Phát huy dân chủ trong Đảng, thảo luận thẳng thắn và xây dựng về nội tình Đảng hiện nay, so sánh thực trạng Đảng hiện nay với những nhiệm vụ và nghĩa vụ đối với đất nước ở giai đoạn hiện nay Đảng phải cáng đáng với tính cách là một đảng lãnh đạo. Thảo luận cho vỡ ra, những kết luận rút ra được từ việc nghiêm túc thực hiện Bước 1 này sẽ là cơ sở để thiết kế và mở ra Bước 2.

Bước 2: Dựa vào những kết luận rút ra từ bước 1, trên cơ sở nhận thức đúng đắn tình hình và nhiệm vụ đề ra cho đất nước trong bối cảnh thế giới hiện nay và những đòi hỏi phát triển của đất nước của thời kỳ đi vào phát triển bền vững (như đã ghi trong NQ ĐH XI), đề ra những nhiệm vụ chính trị cụ thể Đảng phải thực hiện liên quan đến phần đổi mới hệ thống chính trị, trên cơ sở đó xác lập nội dung và nhiệm vụ chấn chỉnh, đổi mới xây dựng Đảng.

Những  biện pháp cụ thể đã nêu tại Hội nghị Trung ương 4 và được trình bày trong diễn văn bế mạc Hội nghị của Tổng bí thư nên được hiểu là những biện pháp tu dưỡng thường xuyên và cần thực hiện thường xuyên của đảng viên và của toàn Đảng, cần làm ngay.

 *

- Như vậy, ông muốn đặt nhiệm vụ chấn chỉnh, đổi mới xây dựng Đảng trong khuôn khổ đổi mới hệ thống chính trị?

- Xin lưu ý, chỉnh đốn và đổi mới xây dựng Đảng là một việc rất lớn, hệ trọng, khó, phức tạp.., khó hơn rất nhiều so với khi nước ta tiến hành đổi mới năm 1986 (chủ yếu là đổi mới kinh tế). Trong hệ thống chính trị hiện nay của nước ta, Đảng nắm vai trò duy nhất cầm quyền, cho nên có sự thay đổi hay đổi mới có thực chất nào của Đảng mà lại không liên quan đến hệ thống chính trị của đất nước? Vì vậy, việc chấn chỉnh và đổi mới xây dựng Đảng cần được coi là một trong những vấn đề cốt lõi trong nhiệm vụ đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta. Nhìn nhận một cách nghiêm túc và trung thành với tôn chỉ mục đích như đã ghi trong Cương lĩnh, đó là Đảng không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân, nhất thiết phải đặt nhiệm vụ chấn chỉnh và đổi mới xây dựng Đảng trong khuôn khổ đổi mới hệ thống chính trị và cần được hiểu với nội dung và ở tầm cao là một bước quyết định của đổi mới hệ thống chính trị.

Đại hội XI đã quyết định việc sửa đổi Hiến pháp, đây là công việc hệ trọng bực nhất trong nhiệm vụ đổi mới hệ thống chính trị. Vai trò lãnh đạo của Đảng ở đây cần được hiểu là: Phát huy dân chủ và trí tuệ trong cả nước và tận dụng thành quả của văn minh nhân loại, để xây dựng thành công một Hiến pháp mới phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước và xu thế văn minh của nhân loại. Một Hiến pháp mới tiên tiến, đấy chính là cơ sở quyết định để dựa vào đó đổi mới, thiết kế mới hệ thống chính trị, và từ đó quyết định đổi mới xây dựng Đảng cho phù hợp.  Phải có cả một chiến lược, một kế hoạch và quy hoạch chu đáo, lộ trình, các bước đi… cho việc thực hiện đổi mới hệ thống chính trị, căn cứ vào đó tính toán, thiết kế các bước đi chấn chỉnh, đổi mới xây dựng Đảng – bao gồm cả vấn đề con người, nhân sự, kể từ đảng viên thường trở lên… Nói và làm nghiêm túc chấn chỉnh, đổi mới xây dựng Đảng thì phải làm như thế.

*

- Cách đây 6 năm, ông đề cập đến “thời cơ vàng và hiểm họa đen” của đất nước, theo ông hiện nay thời cơ và hiểm họa đó diễn biến ra sao?

- Có thể nói hiện nay nước ta đang đứng trước thời cơ lớn. Vì  địa chính trị và địa kinh tế của thế giới nói chung và của Châu Á nói riêng thuận cho việc xây dựng một Việt Nam hòa bình, dân chủ và giầu mạnh. Có thể nói hầu hết các quốc gia xa gần trên thế giới đều mong muốn như thế; vì họ hiểu một Việt Nam như thế sẽ là một yếu tố quý báu có lợi cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển – nhất là ở khu vực Đông Nam Á. Hơn nữa, chỉ một Việt Nam hòa bình, dân chủ và giầu mạnh thì về đối nội nhân dân mới có tự do, hạnh phúc; về đối ngoại chỉ một Việt Nam như thế mới có thể có hòa bình, hữu nghị, có khả năng hợp tác bình đẳng và được tôn trọng trong quan hệ với mọi quốc gia cũng như có khả năng làm tốt nghĩa vụ là một thành viên tích cực trong cộng đồng các quốc gia trên thế giới.

*

- Thế còn về hiểm họa?  

- Thời cơ nào cũng có trong nó hay mang gọi theo nó thách thức và hiểm họa. Song nói cụ thể đối với nước ta trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, hiểm họa và thách thức lớn nhất là mối nguy nước ta để cho thời cơ lớn nêu trên vuột mất khỏi tay! Mà những nguyên nhân hiện hữu có thể làm cho thời cơ lớn nói trên vuột khỏi tay chủ yếu hay trước hết lại là những nguyên nhân đối nội đang làm suy yếu đất nước - ví dụ, hệ quả sẽ ra sao nếu như cứ để cho những yếu kém và tình trạng tụt hậu của nước ta kéo dài ra mãi, giữa lúc thế giới và khu vực chuyển biến vô cùng nhanh chóng, nhiều thách thức mới cũng đang xuât hiện nhanh chóng, trong khi đó khả năng ứng phó của đất nước không theo kịp hoặc thâm chí có mặt giảm, vân vân?... Mà đã là một quốc gia nghèo yếu, thì hầu như chẳng có cái gì đáng giá để nói chuyện với thiên hạ, mà chỉ có một cái lợi duy nhất là luôn luôn bị ăn hiếp và được hứng lấy mọi thiệt thòi. Tụt hậu bây giờ đối với nước ta không chỉ có nghĩa là đời sống thấp kém so với các nước phát triển hơn, mà còn có nghĩa là không thể bảo toàn được độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Tụt hậu còn có nghĩa là kích thích (tự ta hay từ phía ngoài) lòng dân ly tán, xô đẩy (tự ta hay từ phía ngoài) đất nước đi vào thời kỳ nô dịch mới… 

Tôi tin vào ý chí quật khởi của dân tộc sẽ sớm khắc phục được tình trạng tụt hậu. Tôi mong báo chí và phương tiện truyền thông làm cho từng người dân nước ta ý thức sâu sắc về thời cơ và hiểm họa phía trước.

       

- Xin cảm ơn ông.    

 

 

1-2-12