Vài suy nghĩ về 3 nhiệm vụ lớn
gian khổ phía trước của nước ta

 

Nguyễn Trung

 

Những năm tháng tới, thậm chí có thể là cả thập kỷ tới hoặc xa hơn nữa, một trật tự quốc tế mới hoàn toàn khác đang xuất hiện và mang nặng dấu ấn của thời hậu đại dịch SARS-CoV2, khách quan đặt ra cho nước ta 3 nhiệm vụ lớn, đó là:

 

I.                 Phải chiến thắng đại dịch SARS-CoV2 và phục hồi kinh tế.

II.              Giành lấy sức mạnh và vị thế nước phát triển để trụ được trên vị trí địa đầu của khu vực trong trật tự quốc tế mới thời hậu SARS-CoV2.

III.            Bảo vệ độc lập chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của nước ta trước sự uy hiếp ngày càng gia tăng của Trung Quốc, thiết lập lại quan hệ láng giềng Việt – Trung đúng với 5 nguyên tắc chung sống hòa bình mà chính TQ là người đề xướng. 

 

Ba nhiệm vụ lớn nói trên thách thức quyết liệt mang tính mất / còn, đòi hỏi cả nước phải thức tỉnh, giác ngộ với tất cả trí tuệ, tâm huyết và ý chí vì nước. Thực hiện 3 nhiệm vụ lớn này có nghĩa cả nước phải đồng lòng đứng dậy bước vào một cuộc trường chinh mới, như thời làm Cách mạng Tháng Tám, với ý chí phấn đấu trường kỳ gian khổ không thua kém thời 4 cuộc kháng chiến cứu nước – sẽ có những mặt phức tạp hơn – bởi vì trước hết phải chiến đấu trên trận địa khắc phục những yếu kém của chính bản thân mình để vươn lên. Đây là con đường sống duy nhất của đất nước để bước vào một cục diện quốc tế mới với những hệ quả chưa lường hết được của đại dịch SARS-CoV2.

 

            Xin lần lượt nêu một vài suy nghĩ sơ bộ sau đây.

 

Bàn về nhiệm vụ chiến lược số một: Phải chiến thắng SARS-CoV2

 

Có thể nói, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cho đến nay nước ta đã kiểm soát thành công dịch bệnh, cứu kinh tế tránh được những đổ vỡ khốc liệt, đất nước ổn định, và đang từng bước trở lại nhịp sống năng động vốn có.

 

Như phó thủ tướng Vũ Đức Đam – trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 – đã nhận định chính xác, đại ý: Nước ta đã đánh thắng quyết liệt trận đầu tiên chống đại dịch covid-19; nhưng nước ta đang là vùng trũng vì đại dịch ở các nước chung quanh rất quyết liệt, cả cuộc chiến tranh tiến tới đánh bại đại dịch vẫn còn ở phía trước!  Phải tiếp tục chiến đấu với tất cả quyết đoán chuẩn xác và mọi nghị lực phải có!

 

Song chiến thắng đầu tiên vô cùng quan trọng này là tiền đề quyết định, tạo ra cho nước ta niềm tin vững chắc sẽ đánh bại được đại dịch. Trong bài “Sức mạnh của chúng ta là dám đối mặt với sự thật[1] tôi đã sơ bộ nêu lên theo hiểu biết của mình những nguyên nhân dẫn tới thành công và những việc phải làm tiếp. Chỉ xin bổ sung thêm một số ý.

 

Khái quát lại: Cả nước đã chiến thắng quyết liệt dịch bệnh trong trận đánh đầu tiên bằng chiến tranh nhân dân chống dịch, với nghĩa: Toàn dân quyết liệt tham gia chống dịch ngay trên vị trí của từng người, trong một mặt trận chung, dưới sự chỉ huy chính xác, chặt chẽ, cập nhật, và với quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính quyền quốc gia. Toàn quốc đã cùng nhau lâm trận với tinh thần chống dịch như chống giặc!  

 

Thiệt hại đại dịch gây ra cho nước ta không hề nhỏ, sắp tới chúng ta sẽ có đủ thời gian để ngấm đòn. Nhưng ngay bây giờ có thể nói, bên cạnh việc kiểm soát được dịch bệnh, nước ta đồng thời lần thứ hai kể từ khi đất nước độc lập thống nhất gặt hái được bài học vô giá, đó là: Sự nghiệp chống dịch đã trở thành sự nghiệp của từng người dân và toàn dân, là sự nghiệp chung của nhân dân và toàn bộ hệ thống chính quyền quốc gia, nhờ đó đất nước tuy còn nghèo và bị hạn chế trên nhiều phương diện, nhưng đã giành được thắng lợi giòn giã trong trận đầu chống dịch, tạo ra tiền đề để chiến thắng đại dịch, tránh nguy cho đất nước!  

 

[Lần thứ nhất đất nước độc lập thống nhất gặt hái được bài học vô giá xoay chuyển tình hình và cứu nguy đất nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc thời bình chính là công cuộc đổi mới năm 1986].

 

Bài học vô giá nói chung, nhất là bài học vô giá làm xoay chuyển tình hình đất nước (tạo ra bước ngoặt), được nói tới ở đây thật ra đã và luôn luôn là bí quyết vô địch của cách mạng Việt Nam, đã làm nên mọi thắng lợi vẻ vang của đất nước trên suốt chặng đường từ Cách Mạng Tháng Tám cho đến hôm nay. Cũng xin đừng quên: Mọi thảm bại đất nước đã phải trả giá trên chặng đường này cho đến hôm nay đều có nguyên nhân xâm phạm bài học vô giá này.

 

Bài học vô giá này gồm 2 nội dung:

(a) - xác định được đòi hỏi sống còn của đất nước và của dân tộc ta trong tình hình mới để xây dựng thành mục tiêu phấn đấu của đảng cầm quyền – chứ không phải là ốp vào đất nước bất kể thứ chủ nghĩa hão huyền, quan điểm duy ý chí, hay tư duy hoang tưởng nào.  

(b) - trong thực hiện mục tiêu đã xác định được này phải tạo ra sự thống nhất làm một giữa cộng đồng dân tộc và thể chế chính trị quốc gia.

 

Thực hiện được 2 điều kiện cốt lõi trên đây (a và b), đất nước ta sẽ có sức mạnh vô địch trước mọi đòi hỏi và thách thức của bối cảnh quốc tế mới.

 

Bài học vô giá này đang trực tiếp thách thức mất / còn đối với  Đảng Cộng Sản Việt Nam hôm nay, ngay tại Đại hội XIII sắp tới. Thắng lợi của trận đánh đầu tiên này trong chống đại dịch còn cho thấy: Nếu ĐCSVN biết đặt lợi ích của quốc gia, của dân tộc lên trên hết, toàn tâm hy sinh phấn đấu cho mục tiêu này, Đảng hoàn toàn có thể học lại bài học vô giá này của chính mình (hiện nay đang để mất vì tha hóa), và sẽ thực hiện được 2 điều kiện cốt lõi (a và b) không thể thiếu đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng.   

 

            Như đã trình bầy trong bài “Chúng ta cần chăm lo cho thời hậu dịch covid-19 ngay trong khi còn đang chống dịch[ii], trận thắng đầu tiên chống đại dịch đã làm sống lại nhiều giá trị chân chính vốn làm nên sức mạnh của dân tộc, của đất nước, đồng thời cũng thu hoạch được nhiều gợi ý cụ thể cho việc tiến hành cuộc cải cách chính trị đổi đời đất nước không được tránh né. Nổi bật nhất trong cuộc chiến này là quan điểm chống đại dịch theo cách của con nhà nghèo, với tất cả trí tuệ và ý chí quyết đoán của khoa học và kỹ thuật, với sự sáng tạo và hiệp lực của toàn dân, với sự chỉ huy và những quyết định đúng đắn của vai trò nhà nước.

Cuộc chiến chống đại dịch làm lộ rõ hơn bao giờ hết những mặt mạnh và yếu của đất nước, cần được đánh giá thấu đáo. Thắng lợi đầu tiên này mang lại cho đất nước thời gian vàng để kiện toàn mọi mặt, để chiến đấu tiếp cho đến khi chấm dứt được đại dịch[iii]. Trong sống chung với dịch cho đến khi toàn thắng, nên chú ý vận động tăng cường hơn nữa tính tự giác của từng người dân, và tìm cách vận dụng những tiến bộ khoa học – kỹ thuật mới của chính nước ta và trên thế giới[iv].

Cũng ngay từ hôm nay, phải tính đến và đề phòng nguy cơ làn sóng thứ 2 của đại dịch, có thể xảy ra trên thế giới vào mùa đông tới. NATO đã phải lên phương án đối phó với nguy cơ này cho các quốc gia thành viên. Chưa ai dự báo được đại dịch sẽ kết thúc như thế nào, do đó cũng không rõ kinh tế thế giới sau đại dịch sẽ phát triển theo chữ V (được hiểu là phục hồi nhanh), hay chữ (U) được hiểu là phải mất một thời gian suy thoái kéo dài trước khi phát triển trở lại, hay chữ W (được hiểu là sẽ trồi / sụt một thời gian nhất định rồi mới tìm được xu thế phát triển ổn định. Nước ta do đó cũng phải trù tính trước cho mọi tình huống.

Ngay từ bây giờ, nhất là qua những kinh nghiệm chống đại dịch covid-19 hiện nay, đất nước phải quan tâm đầu tư thỏa đáng nguồn lực chất xám của mình vào chủ đề chống những đại dịch mới đang xuất hiện trên thế giới với tần xuất ngày càng mau từ mấy thập kỷ nay – một đòi hỏi không thể thiếu trong hoạch định chiến lược phát triển quốc gia. Cục diện thế giới mới phức tạp hôm nay còn đòi hỏi nước ta cũng phải tính đến việc đối phó với nguy cơ trở thành nạn nhân của chiến tranh sinh học.

Tôi ước mong cả nước sẽ bền gan chống đại dịch, vượt qua được mọi thách thức và sự cố xảy ra cho đến khi toàn thắng. Đến khi ấy, tôi sẽ cùng những bạn bè của mình đề nghị Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu ANH HÙNG LAO ĐỘNG cho Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.

Việc trao tặng danh hiệu cao quý này là sự tôn vinh mang tính biểu trưng dành cho trước hết toàn thể các chiến sỹ từ mọi nơi trong cả nước đứng trên tuyến đầu chống đại dịch và đã chiến thắng, là sự tôn vinh mang tính biểu trưng dành cho những chiến sỹ trên trận tuyến cứu kinh tế trong thời đại dịch. Sự trao tặng mang tính biểu trưng này nói lên niềm vui của nhân dân đã đoàn kết chiến thắng đại dịch, và đã làm nên một Vũ Đức Đam thành người con xứng đáng của mình có năng lực và bản lĩnh mà nhân dân mong đợi.

Sự trao tặng mang tính biểu trưng này nói lên lòng tự tin và ý chí của nhân dân Việt Nam ta quyết cùng nhau một lòng dấn thân đưa đất nước đi lên một thời kỳ phát triển mới.      

 

Bàn tiếp về nhiệm vụ chiến lược số hai: Nắm lấy cơ hội đưa nước ta trở thành nước phát triển 

            Hầu như cả thế giới đều chia sẻ nhận định chung: Sau đại dịch SARS-Cov2 sẽ là một thế giới khác và một nền kinh tế khác so với trước đó. Thực tế này đặt ra cho nước ta những thách thức rất lớn, đồng thời cũng mang lại cho nước ta cơ hội vươn lên trở thành nước phát triển. Trong bài “Hãy xây dựng một Việt Nam của một dân tộc trưởng thành và dấn thân” đăng ngày 15-04-2020 trên trang VSN[v], tôi đã trình bầy cần phải tiến hành một cuộc cải cách chính trị đổi đời đất nước – bắt đầu từ thay đổi ĐCSVN trở thành đảng của dân tộc và dân chủ (theo tinh thần bức thư gửi Bộ Chính Trị ngày 09-08-1995 của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt), để giải phóng sức mạnh của dân tộc, từ đó có điều kiện thực hiện kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại hôm nay, nắm lấy cơ hội hiện nay đưa nước ta trở thành một nước phát triển. Tại đây xin bàn về khía cạnh kinh tế của nhiệm vụ thứ hai này – xoay quanh vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế nước ta.

Điểm nổi bật của quá trình toàn cầu hóa thời hậu đại dịch là: Chọn lọc nhiều hơn, bảo hộ nhiều hơn, cạnh tranh quyết liệt hơn, thách thức và cơ hội đều rất lớn.., và sẽ hình thành những cấu trúc kinh tế mới… Nghĩa là kinh tế thế giới sẽ có những thay đổi lớn trong nguồn cung cũng như trong nguồn cầu, sẽ xuất hiện những cách vận hành mới và những mối quan hệ mới trong giao lưu kinh tế  (P Krugman, giải thưởng Nobel kinh tế năm 2008, gọi thực tế này là sự đảo lộn hoàn toàn của kinh tế học và chính trị học hiện nay).

 (a) Do nguồn cung và nguồn cầu của cả thế giới thay đổi, nên VN đứng trước đòi hỏi khách quan cũng phải thay đổi cấu trúc kinh tế của nước mình, đồng thời phải thay đổi các mối quan hệ kinh tế đối ngoại của mình với cả thế giới bên ngoài để thích nghi.

(b) Trong chuyển dịch cấu trúc kinh tế của các nước phát triển thời hậu dịch, nhất là đòi hỏi phải giảm bớt sự lệ thuộc vào TQ, địa bàn Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn, nhất thiết nước ta phải tranh thủ cơ hội này sớm đưa nước ta trở thành nước phát triển. [Đây còn là đòi hỏi phải có, để VN có thể chung sống với TQ trong hòa bình, hữu nghị và hợp tác – một lựa chọn không thể khác và phải thực hiện đời đời.]

(c) Thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 trong toàn bộ cuộc sống của đất nước trở thành đòi hỏi tất yếu và đồng thời là chìa khóa để thành công trong nhiệm vụ sớm đưa nước ta trở thành nước phát triển (điểm b nói trên). Đây không phải chỉ là nhiệm vụ của khoa học và kỹ thuật, mà quan trọng không kém – hay trước hết phải là nhiệm vụ của đổi mới / cải cách toàn bộ đời sống đất nước để có được một môi trường kinh tế - chính trị - văn hóa – xã hội có mối gắn bó hữu cơ không thể thiếu cho thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời cũng phải thường xuyên đưa những thành quả gặt hái được trong thực hiện CMCN 4.0 vào đổi mới toàn diện đời sống đất nước.

Ba điểm a, b, c vừa trình bầy trên đây là nội dung chủ yếu của xây dựng và phát triển đất nước thời hậu đại dịch. Ba nội dung này đòi hỏi phải được nghiên cứu nghiêm túc để xây dựng thành chiến lược tổng thể phát triển quốc gia và những chiến lược ngành / nhánh cho từng lĩnh vực, phân chia thành những bước đi / giai đoạn thực hiện, đòi hỏi toàn bộ trí tuệ và chất xám của cả nước phải vào cuộc. Lãnh đạo quyền lực quốc gia cần sớm hình thành một bộ não (hay một think tank, nhóm ad hoc…) của quốc gia có thẩm quyền, được giao nhiệm vụ đứng ra huy động và tổ chức mọi nguồn lực – trước hết là những nguồn lực trí tuệ và chất xám – để nghiên cứu, xây dựng các chiến lược, và hoạch định những bước đi thực hiện.

Dưới đây xin phác ra đôi nét để minh họa nội dung vấn đề tái cấu trúc kinh tế.   

Nói thật đơn giản: Tái cấu trúc kinh tế là việc thực hiện những thay đổi để tạo ra một sản phẩm mới và những mối quan hệ kinh tế mới, nhằm đạt được nhiều lợi hơn cho chính người lao động và cho quốc gia.

Nghe thì mộc mạc như vậy, nhưng thực hiện không dễ chút nào.

Thử xem một vài ví dụ.

-      Loại ví dụ tiêu cực: Hàng chục năm nay Bộ, ngành, tỉnh tại chỗ (Tây Nguyên) muốn giảm bớt diện tích cà phê và hạt tiêu để tránh những thua thiệt không đáng có, song vẫn không sao thực hiện được. Để tránh nhiều hậu quả rất tai hại, Hưng Yên và Hà Nội hàng chục năm nay muốn dẹp nạn cát tặc, đưa việc khai thác cát xây dựng vào quy hoạch kết hợp với khai thoáng luồng sông, nhưng đến nay chưa thành công. … V… v…

-      Loại ví dụ tích cực: Nhiễm mặn là một tai họa đối với nhiều vùng nông nghiệp phía Nam, song nhiều nơi tại đây nông dân trồng lúa lựa chọn lách nạn bằng cách đổi lệch thời vụ trồng trọt và đưa giống lúa mới chịu mặn tốt hơn vào canh tác, nhờ đó thu được kết quả ngoạn mục trên nhiều phương diện. Để giảm bớt lệ thuộc vào thị trường TQ, người nông dân, nhà kinh doanh, cán bộ khoa học kỹ thuật, nhà quản lý… của một số vùng trồng cây ăn quả ở miền Nam đã liên kết cùng nhau trong một chuỗi liên thông, nâng cấp sản phẩm và sắp xếp lại logistic; nhờ vậy đưa được ngày càng nhiều nông sản cao cấp của nước ta đến các thị trường xa hơn và khó tính hơn, tỷ lệ lợi nhuận và tính độc lập của sản phẩm trong kinh tế đều cao hơn... V… v…

Những ví dụ tiêu cực nêu trên trong kinh tế thật ra không sao đếm xuể; không hiếm những trường hợp vô cùng nghiêm trọng, có lúc nhà kinh tế Phạm Chi Lan đã phải kêu lên: Tham nhũng tiêu cực đã một thời tự nó đẩy vào tay TQ không biết bao nhiêu công trình kinh tế trọng điểm của quốc gia, tạo ra sự lệ thuộc và làm cho đất nước ta bị lũng đoạn khôn lường!

Những ví dụ tích cực như nêu trên trong kinh tế đất nước cũng rất nhiều song còn xa sự mong đợi, chủ yếu do quyết tâm vào trận và ý thức hiệp đồng chiến đấu của người lao động, của các đơn vị sản xuất, người làm khoa học, của các nhà kinh doanh và quản lý, của cả hệ thống chính trị - nhà nước… tại chỗ.

Hai loại ví dụ thất bại và thành công nêu trên cho phép hình dung và suy ra việc tái cấu trúc của cả nền kinh tế quốc dân sẽ khó khăn và gian khổ như thế nào.

Hiển nhiên cần nhận thức tái cấu trúc kinh tế như vậy là nhiệm vụ của từng người lao động có ý thức nói riêng đối với việc tạo ra sản phẩm mới kể từ người nông dân, công nhân.., nhà kinh doanh, người làm khoa học kỹ thuật, các nhà nghiên cứu… cho đến nguyên thủ quốc gia,  và đồng thời cũng là nhiệm vụ của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các đơn vị sự nghiệp hoặc công tác – bao gồm cả hệ thống các trường – viện làm nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu.., và của toàn bộ hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước nói chung.

Hơn nữa, việc tái cấu trúc nền kinh tế của nước ta như vậy sẽ là một sự lựa chọn quyết định (và những quyết định) vô cùng phức tạp và gian khổ. Sự lựa chọn quyết định này tùy thuộc vào 3 khâu chính:

 

(a) xu thế phát triển của kinh tế trên thế giới trong mô hình toàn cầu hóa mới – mặt nào đó là xu thế phát triển của sản phẩm,

(b) sự lựa chọn của đối tác đối với nước ta, và

(c) sự lựa chọn của chính nước ta và khả năng của ta thực hiện sự lựa chọn này – [trong đó có vấn đề thực hiện những cam kết nghĩa vụ và những quyền lợi được thụ hưởng trong những ký kết hợp tác đa phương hoặc song phương, gần đây nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa các nước trong cộng đồng kinh tế ASEAN và những nước ngoại khối, ký kết tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ ba về RCEP tại Thái Lan ngày 4/11/2019, và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)...]

 

Toàn bộ nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế đòi hỏi rất nhiều thông tin, hiểu biết, và tầm nhìn, phải lao động trí não có khoa học và cực kỳ gian khổ cho những công việc điều tra / nghiên cứu, mới có thể đi tới sự lựa chọn và quyết định, để xây dựng thành chiến lược và những luật, chủ trương, chính sách… kèm theo; không thể chủ quan duy ý chí ngồi soạn thảo thành văn bản như vẫn thường làm của các Đại hội Đảng, hoặc ban hành những chỉ thị / nghị quyết làm cái này, cấm cái kia, v… v...

 

Vả lại một khi đã xây dựng được chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế, còn tùy thuộc vào việc thể chế chính trị - nhà nước của quốc gia được tiếp tục hoàn thiện được đến đâu, những thành quả kinh tế - chính trị - văn hóa – xã hội tiếp tục được củng cố ra sao, mặt trận đối nội và mặt trận đối ngoại tiến triển vững chắc như thế nào, tập hợp được sự hợp tác và hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế và khu vực ở quy mô và chất lượng nào, tính công khai minh bạch và khả năng tiên liệu được những vấn đề kinh tế lớn của đất nước ra sao, v… v.., - những yếu tố này sẽ quyết định chiến lược tái cơ cấu kinh tế đã lựa chọn trở thành hiện thực hiện tới đấy – hoặc giả chiến lược này sẽ vấp phải những thất bại tương ứng, nếu những yếu tố mang tính tham số kể trên là tiêu cực.

Hơn nữa, thời đại của CMCN 4.0 làm cho tuổi đời của mọi sản phẩm ngày càng ngắn và tần suất /mật độ xuất hiện sản phẩm mới ngày càng cao. Sự phát triển của cuộc sống chuyển đổi số[vi] và của trí tuệ nhân tạo (AI) thường xuyên tạo ra đòi hỏi mới, cách sống mới, cũng có nghĩa là tạo ra những cung mới và cầu mới, nhiều khi mang tính nhảy vọt đột biến (tính cách mạng).  Những yếu tố mới này khiến cho công việc tái cơ cấu nền kinh tế quốc dân gần như là nhiệm vụ thường trực và liên tục theo thời gian của mọi quốc gia có ý thức với sự phát triển của chính mình trong thế giới hôm nay.

Quá trình tái cấu trúc kinh tế như vậy phải thực hiện đồng thời mang tính cách vừa là tiền đề, vừa là cứu cánh của nhau với những cuộc vận động sâu rộng mọi tầng lớp nhân dân tham gia đổi mới đất nước trong những lĩnh vực kinh tế - chính trị - văn hóa – xã hội, nhằm mục đích sớm hình thành cho quốc gia một hệ thống chính trị - nhà nước mới của thể chế pháp quyền dân chủ không thể thiếu cho nước ta ở thời kỳ đang hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa và khai phá con đường tiến lên trở thành nước phát triển.

 Theo giáo sư Trần Văn Thọ, nền kinh tế mới của VN trong quá trình tái cấu trúc thời hậu đại dịch Covid-19 cần đặc biệt quan tâm 5 vấn đề lớn:

Thứ nhất, xét lại vấn đề hội nhập và củng cố nội lực. 

Thứ hai, đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng tiến lên trên chuỗi giá trị sản phẩm, đẩy mạnh sản xuất hàng công nghiệp thay thế nhập khẩu.

Thứ ba, chú trọng an ninh lương thực và liên kết phát triển công nghiệp thực phẩm với phát triển nông nghiệp chất lượng cao.

Thứ tư, toàn dụng lao động phải được xem là ưu tiên hàng đầu của chiến lược phát triển.

Thứ năm, cần cách tiếp cận mới trong đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển trong giai đoạn mới[vii].

           

            Chỉ xin lưu ý: Nước ta có mật độ dân số cao nhất châu Á, nghĩa là đất chật người đông. Khoảng 60% lao động cả nước vẫn là lao động thủ công. Tỷ trọng dân số sống trong nông thôn hiện vẫn còn khoảng 60%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng số lao động cả nước chiếm khoảng 40%, với một nền nông nghiệp có khoảng 78 triệu mảnh ruộng cho khoảng 22 triệu lao động nông nghiệp, tổng diện tích canh tác khoảng 300 - 400 m2 / 1 lao động, nghĩa là quá manh mún[viii]. Đồng thời Luật đất đai và chính sách đất đai hiện hành đang gây nhiều cản trở nghiêm trọng cho toàn bộ nền kinh tế. Thực tế quyết liệt này cho thấy nhiệm vụ tái cấu trúc kinh tế để đi lên nước công nghiệp hiện đại phụ thuộc sâu sắc vào (a) quá trình công nghiệp hóa / đô thị hóa và (b) phát triển nguồn nhân lực.  

             Tại đây, xin bàn thêm vấn đề con người và nguồn nhân lực trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế quốc dân – như giáo sư Trần Văn Thọ đã nêu ra trong vấn đề thứ năm trên đây.  

Nước ta có tuổi dân số vàng, nguồn nhân lực dồi dào, song chỉ có đội ngũ lao động của một nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp, với nền kinh tế nông nghiệp lao động thủ công là chủ yếu, và với nền công nghiệp gia công là chính, chỉ phủ hợp với một đất nước chủ yếu là của những người đi làm thuê và đất nước cho thuê. [Có lần tiến sỹ Trần Đình Thiên đã nói buồn một cách khái quát: Ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam là ngành chị em ngồi đạp máy khâu!] Trong khi đó, cùng với thời gian những lợi thế của nước ta về giá lao động rẻ đang mất dần, tỷ lệ lao động có tay nghề cao, có chất xám quá nhỏ trong lực lượng lao động của cả nước…

Nghiêm trọng hơn nữa, thời đại chuyển đổi số và CMCN 4.0 đặt ra những thách thức chưa từng có đối với con người: quá trình tự động hóa và số hóa trong kinh tế phát triển chưa từng có, robot có năng xuất lao động cao hơn rất nhiều so với lao động cùng công việc của con người hoặc thậm chí làm được những việc mà con người không thể, trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành yếu tố không thể thiếu trong kinh tế cũng như trong khoa học, trong quản lý, trong tòan bộ đời sống con người nói chung, v… v…  Trong thời đại chuyển đổi số và CMCN 4.0 cuộc sống của con người hoàn toàn thay đổi, vì phải sống, học tập và làm việc trong môi trường hoàn toàn khác. Nói một cách khái quát, cuộc sống của con người hôm nay gồm 2 phần gắn bó hữu cơ với nhau: một mảng là sống trên mặt đất, mảng còn lại là sống trên mạng, hầu như khó có một việc gì con người phải quan tâm hay xử lý mà không liên quan đến cả 2 mảng này. Ví dụ trong lĩnh vực học tập, hàng ngày trên mạng xuất hiện hàng trăm trang web mới, với hàng nghìn các khóa học khác nhau cho mọi lĩnh vực của cuộc sống, với những thông tin / trí tuệ / know how mới nhất, đến mức độ có thể bới tìm những khóa học rất riêng đáp ứng những phần rất riêng muốn học của từng người. Bí quyết là phải biết bới tìm và đừng chết chìm trong vũ trụ thông tin này. Trong lao động, phần việc phải làm liên quan đến mạng hoặc phải thực hiện trên mạng ngày càng nhiều và hầu như là tất yếu, không có khả năng này con người sẽ bất cập và dần dần trở nên vô dụng!

Xới lên như vậy vấn đề phát triển con người và nguồn nhân lực để thấy sự bức thiết phải sớm tiến hành cải cách giáo dục – song không phải theo cách muốn vay tiền World Bank để làm sách giáo khoa như Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đề nghị, mà phải làm theo những kiến nghị nhiều thầy giáo có tên tuổi đã nêu ra từ hàng chục năm nay – trong đó có GS Hoàng Tụy (đã mất)[ix], GS Nguyễn Xuân Hãn, GS Huỳnh Ngọc Phiên…, và rất nhiều học giả như Phan Đình Diệu (đã mất), Ngô Bảo Châu, Chu Hảo, Hoàng Xuân Phú, Nguyễn Xuân Xanh, Bùi Văn Nam Sơn, v… v... Cần tận dụng thành quả và kinh nghiệm của một số nền giáo dục tiên tiến. Nội dung giảng dậy và học tập cần xúc tích để có thời gian thỏa đáng dành cho học và thực hành, cho tự học và nghiên cứu trên mạng... Ngôn ngữ phổ cập nhất trên mạng là tiếng Anh nên phải là môn học bắt buộc. Cần loại bỏ cách dạy và học nhồi sọ theo giáo án và đáp án, chú trọng dậy và học để xây dựng kiến thức, năng lực tư duy, bản lĩnh làm chủ chính mình để trở thành người chủ của đất nước…

Cải cách để xây dựng một nền giáo dục mới phải được xem là sự nghiệp của cả nước và toàn bộ hệ thống chính trị - nhà nước của quốc gia, đồng thời phải có một thể chế chính trị dân chủ và làm được mọi việc để cho tổ quốc của chúng ta là cái nôi của hiền tài với tính cách là nguyên khí của quốc gia – chứ không phải là môi trường của những bi kịch oan khiên chữ tài liền với chữ tai một vần. Cả nước phải vào cuộc, để tổ quốc của chúng ta là nơi vun đắp những giá trị thôi thúc mọi người con của đất nước cống hiến hết mình cho mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và giầu mạnh, với cuộc sống của một xã hội bình đẳng, công bằng, dân chủ và văn minh. Thực tiễn mấy thập kỷ vừa qua ở nước ta cho thấy: Không có cải cách chính trị, không thể có một nền giáo dục thực hiện được chức năng quan trọng như được nêu ra ở đây!

Giáo sư Eddie Obeng[x] mô tả sự khác biệt giữa lực lượng lao động của nước đang phát triển (ví dụ như ở nước ta hiện nay) và  lực lượng lao động của nước công nghiệp thời chuyển đổi số và CMCN 4.0 là sự khác biệt giữa con sâu và con bướm. Ở thời kỳ nước đang phát triển lực lượng lao động này là con sâu, đi vào giai đoạn nước công nghiệp – nhất là vào thời chuyển đổi số và CMCN 4.0 – lực lượng lao động này phải được phát triển thành con bướm. Kỹ năng của sâu là bò trên cành cây và gặm lá để sống. Còn kỹ năng của bướm để tồn tại là phải biết bay hút nhị hoa mà sống và làm đẹp cho đời. Giữa 2 loại kỹ năng này là sự chiến đấu và tích tụ sức sống để sâu tiến hóa thành nhộng; rồi còn phải tiến hóa tiếp đến mức lột xác mới có thể trở thành bướm! Phát triển con người nói riêng và nguồn nhân lực nói chung là làm mọi việc để tạo ra sự phát triển từ con sâu đi tới thành con bướm![xi] Xem như vậy nhiệm vụ phát triển con người và nguồn nhân lực khó khăn gian khổ như thế nào và là chìa khóa để một quốc gia thành công. Điều quyết định trước tiên là phải ý thức được con đường này và quyết tâm khai phá. Liên quan đến chủ đề này, nhà tương lai học Alvin Toffler từng đưa ra định nghĩa, đại ý: Kẻ mù chữ hôm nay không chỉ là những người không biết đọc và không biết viết, mà còn là những người không biết học, không có khả năng rũ bỏ cái mình đã học được, và không có khả năng học cái mới

Tóm lại, tái cấu trúc cả một nền kinh tế là một giai đoạn phấn đấu vô cùng gian khổ của quốc gia, điều quyết định là chất lượng cao của thể chế chính trị - nhà nước và nguồn nhân lực, là quyết tâm chống tụt hậu như chống giặc (Trần Văn Thọ)[xii] và khắc phục sự lệ thuộc nguy hiểm vào TQ, để giành lấy sự phát triển ngày càng chủ động và mang tính độc lập, xây dựng được một nền kinh tế ngày càng nhiều công nghệ nguồn của chính mình – nghĩa là để nước ta có được một nền kinh tế đi trên đôi chân của mình chứ không phải sống nhờ vào vay mượn nguồn lực bên ngoài và bị bên ngoài lũng đoạn, là ý chí xây dựng  thương hiệu Việt Nam trong đó lấy chữ tín làm trọng..! Xác lập được những việc phải làm như vậy, đất nước ta sẽ vạch ra được con đường phải đi.

 Bàn về nhiệm vụ chiến lược thứ ba: vấn đề Trung Quốc

Khó mà nói cho hết được, song có lẽ đến nay trí tuệ và lương tri của con người trên thế giới cũng đã nói quá đủ về vấn đề Trung Quốc như là một trong những thách thức nguy hiểm đối với nhiều quốc gia trong thế giới hôm nay – trong đó có Việt Nam[xiii].

Cũng không phải minh chứng dài dòng, mà có thể kết luận ngay: Trong quá trình leo thang liên tục nhiều thập kỷ nhằm thâu tóm Biển Đông, hiện nay Trung Quốc Tập đang lợi dụng lúc đại dịch Covid-19 hoành hành ác liệt trên thế giới – nhất là Mỹ đang phải đối phó khốn khổ với đại dịch này – để lấn tới nữa trên Biển Đông. TQ có nhiều bước đi mới vừa tăng cường uy hiếp  trực tiếp các nước như Việt Nam, Malaysia, Philippine, Indonesia.., vừa đẩy mạnh chia rẽ cộng đồng các nước ASEAN.

Đối với Việt Nam, chỉ riêng trong khoảng thời gian từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19 (cuối tháng 12-2019) cho đến hôm nay, Trung Quốc đã khai trương hai trạm nghiên cứu mới trên đảo đá Xu-Bi và Chữ Thập (20/3); khai thác 862.400m3 khí từ “băng cháy” (hydrates) tại bắc Biển Đông (17/2-18/3); tập trận tại bắc Biển Đông (vào cuối tháng 3) có tàu sân bay Liêu Ninh tham gia; tàu hải cảnh của họ đã đâm chìm một tàu đánh cá Việt Nam ở biển Hoàng Sa (ngày 2/4), tiếp tục ngăn cản việc khai thác dầu khí của ta trên các vùng thuộc chủ quyền và quyền tài phán của nước ta, đang lăm le chờ cơ hội hạ đặt dàn khoan hoặc cấu trúc nào đó để lấn chiếm thêm một số vị trí (như tại bãi Tư Chính, cụm Tri Tôn, bãi cạn Scaborough…).  Ngày 18/4, TQ lập ra “quận đảo Nam Sa” (Nansha) và “Tây Sa” (Xinsha). Ngày 19/4, đặt tên bằng tiếng Trung cho 25 đảo, bãi đá và 55 thực thể địa lý dưới đáy Biển Đông…[xiv]; đồng thời có những tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao với lời lẽ uy hiếp Việt Nam trắng trợn, mang tính hăm dọa chiến tranh. Chưa nói đến toàn bộ lịch sử quan hệ Việt – Trung mảng tối của những hiện tượng tiêu cực do TQ gây nên không nhỏ, trong đó không hiếm những sự kiện nghiêm trọng.

Tuy nhiên, TQ đang gặp nhiều khó khăn lớn do hệ quả của đại dịch: kinh tế tổn thất lớn và tốc độ tăng trưởng tụt thấp chưa từng có kể từ khi “thực hiện mèo trắng – mèo đen” (năm 1978, Đặng Tiểu Bình), nội bộ chia rẽ, địa vị của Tập bị thách thức.

Dư luận thế giới, đặc biệt là trong hàng ngũ các nước phát triển, ngày càng nhận định thống nhất: Trung Quốc Tập Cận Bình đang lợi dụng đại dịch đẩy mạnh thực hiện giấc mộng Trung hoa trên 3 mặt trận: Xúc tiến ngoại giao corona covid-19, tiếp tục lũng đoạn kinh tế thế giới và các thể chế của nó, đẩy mạnh bành trướng quân sự trên Biển Đông. Sự leo thang quyết liệt này còn là phương thức để Tập Cận Bình vượt qua những thách thức trong đối nội, tiếp tục theo đuổi giấc mộng Trung Hoa; đã hình thành làn sóng thế giới phản đối những gì TQ đã làm trong đại dịch; đã có những tiếng nói quyết liệt ở những quốc gia khác nhau đòi TQ phải bồi thường hàng nghìn tỷ USD cho những gì TQ đã gây ra… Những bước đi mới của TQ trong đại dịch hiện nay đang thách thức thế giới, làm cho TQ trở thành vấn đề của cả thế giới.., vân vân…[xv]

Trong khi đó báo chí TQ, đặc biệt là Toàn cầu thời báo, xuất hiện những tiếng nói rất hiếu chiến: Hãy tận dụng những thất bại của Mỹ Trump trong đại dịch[xvi], giành lấy thế thượng phong cho TQ trên bàn cờ thế giới, đẩy lùi ảnh hưởng Mỹ!

Nước Mỹ Trump đang chống trả quyết liệt những bước đi của TQ, phần nào có chuyện đổ lỗi cho TQ để lấp liếm những yếu kém của chính quyền Trump trong chống đại dịch, nhưng nguyên do chính là đối kháng Mỹ - Trung trong đại dịch này đã có bước leo thang mới. Trump nói thẳng: Chiến tranh thương mại với TQ chỉ còn là quan trọng thứ yếu, quyết định bây giờ là phải chống TQ vì những việc TQ đã làm trong đại dịch – trên 2 vấn đề: (a)TQ đã giấu giếm đại dịch và gây thảm họa cho cả thế giới, (b)có hay không virus Covid-19 xuất xứ từ bàn tay con người ở TQ?

Mâu thuẫn Mỹ - Trung hôm nay không còn là đối kháng ý thức hệ nữa như thời chiến tranh lạnh Xô-Mỹ, mà là đối kháng toàn diện của thực lực, sự phát triển và ý chí của mỗi bên! Một bên là vì những giá trị đã làm nên nước Mỹ - những giá trị này hôm nay vẫn đang tiếp tục tạo ra tập hợp lực lượng quan trọng trên thế giới và có tính chất dẫn dắt sự phát triển của thế giới, và một bên là vì giấc mộng Trung Hoa – với tập hợp lực lượng thế giới theo kiểu ngưu tầm ngưu, mã tầm mã rất phức tạp và hỗn tạp, và trong tình thế cả thế giới đang ngày càng thức tỉnh những hiểm họa của giấc mộng Trung Hoa[xvii]!  Thực tế được trình bầy rất cô đọng này cho phép hình dung cuộc đọ sức Mỹ - Trung sẽ kịch tính như thế nào, triển vọng kết thúc đối kháng Mỹ - Trung sẽ ra sao, cách thức cuộc đọ sức này tác động / chi phối sự vận động của thế giới hậu pandemic SARS-CoV2, v… v..![xviii]

Thực tế vừa nêu trên cho thấy: Sau đại dịch sẽ có thêm những căng thẳng mới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và quân sự ở khu vực ĐNÁ, – trong đó điểm nóng quyết liệt sẽ là VN, đấy là thực tế nước ta sẽ phải đối mặt. Bởi vì một khi TQ hoàn toàn khống chế / kiểm soát được VN (điều mà TQ đang coi đại dịch là một cơ hội để thực hiện), hầu như chắc chắn sẽ kiểm soát được cả ĐNÁ và sẽ có một thế hoàn toàn khác có lợi cho TQ trong đối kháng Mỹ - Trung nói riêng, và một vị thế toàn cầu khác nói chung. [Song có thể dự báo gần như khẳng định: Tham vọng này của TQ sẽ không thể trở thành hiện thực, ít nhất vì 2 lẽ: (1)nhân dân VN sẽ không bao giờ chấp nhận điều này, và (2)các lực lượng khác nhau trên thế giới – trước hết là Mỹ và một số nước lớn khác – vì những lý do chiến lược mất / còn đối với họ cũng sẽ không chấp nhận điều này xảy ra].

Vậy nước ta sẽ phải xử sự như thế nào?

Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Quang Dy mở đầu bàiViệt Nam cần ứng phó ra sao tại Biển Đông?[xix] đăng ngày 30-04-2020 bằng cách trích dẫn câu nói của Churchill Một dân tộc tìm cách né tránh chiến tranh bằng cách chịu nhục, thì dân tộc ấy sẽ lãnh đủ cả hai thứ: cả chiến tranh và sự nhục nhã!”

 

Trước mối nguy xâm lược đối với nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thời còn trứng nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh thời ấy cũng đã từng phải nói rõ cho nhân dân hiểu: Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới… …!” 

Hiển nhiên, trước thách thức quyết liệt của bành trướng bá quyền TQ nước ta không thể rúc đầu vào cát để trốn chạy. Thà chết, quyết không như vậy! Song nước ta cũng không muốn chiến tranh. Vậy phải làm thế nào?

Chỉ còn 2 cách:

-      Trên nguyên tắc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển và vùng đảo của quốc gia, quyết làm tất cả mọi việc để gìn giữ hòa bình và những mối quan hệ bình thường hiện có, làm thất bại mọi ý đồ và hành động muốn gây chiến tranh lấn chiếm hay chiến tranh xâm lược của Trung Quốc chống nước ta!

-      Nhưng nếu phía Trung Quốc vẫn rắp tâm làm chiến tranh chống nước ta dưới bất kỳ hình thức và quy mô nào, nước ta phải quyết chống lại dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả hình thức chiến tranh – như nước ta đã từng phải đáp trả cuộc chiến tranh 17-02-1979 của TQ!

Điều bất di bất dịch trong cả 2 tình huống nói trên, là không được một giây phút nào chúng ta được phép quên kinh nghiệm đau lòng của nước ta mấy chục năm qua trên mọi lĩnh vực: …Chúng ta càng nhân nhượng, phía TQ càng lấn tới.

Vậy mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện Việt – Trung như hai bên đã thiết lập sẽ như thế nào?

Có thể nói dứt khoát: Cho đến giờ phút này và mãi mãi trong mối quan hệ với Trung Quốc, phía Việt Nam không mong muốn gì hơn là mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện này được gìn giữ bền vững và mang lại những điều tốt đẹp cho 2 nước. Cho đến nay VN chưa một giây phút nào muốn làm tổn hại mối quan hệ đã được xác lập này. Song phía TQ đã không biết bao nhiêu lần đơn phương xâm phạm chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải và biển đảo của VN, xâm phạm những quyền lợi quốc gia chính đáng của VN, can thiệp sâu vào nội bộ VN…, – rõ ràng nhất và không thể chối cãi là những gì TQ đã và đang gây ra trên Biển Đông. – Và bằng những việc làm như thế, phía TQ đã đơn phương liên tục chà đạp mối quan hệ này. Không biết bao nhiêu lần phía VN đã yêu cầu phía TQ hãy dừng những việc làm và hành động phi nghĩa như vậy để gìn giữ mối quan hệ mà nhân dân cả 2 nước đều mong mỏi. Nhưng cho đến TQ nay vẫn tiếp tục lấn tới. Do đó sự tồn tại hay bị phá hủy của mối quan hệ chiến lược này hoàn toàn và duy nhất chỉ tùy thuộc vào TQ! Có thể nói luôn ở đây: Dù TQ muốn vận dụng kịch bản nào, VN cũng luôn luôn sẵn sàng đối mặt xứng đáng, vì VN không có sự lựa chọn nào khác.

Có thể khẳng định: Nhân dân Việt Nam sẽ không từ một nỗ lực nào  mãi mãi gìn giữ chung sống hòa bình, phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác với nước Trung Quốc của nhân dân Trung Hoa, vì sự thịnh vượng của 2 nước. Nhưng nhân dân VN sẽ không bao giờ chấp nhận bất kể một mưu đồ hay hành vi mang tính bá quyền và xâm lược nào của phía Trung Quốc chống Việt Nam. Ngàn đời nay đã là như vậy, hiện tại và sắp tới nhân dân Việt Nam sẽ chỉ lựa chọn như vậy.

Xin bàn thêm đôi điều về phía nước ta.

Lịch sử bảo vệ tổ quốc của nước ta luôn luôn phải chống lại kẻ xâm lược mạnh hơn ta gấp bội. Thời xa xưa, truyền thống chiến thắng xâm lược của nước ta là lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo (Nguyễn Trãi). Trong 4 cuộc kháng chiến cứu nước vừa qua, truyền thống này được phát triển thêm: Lấy sức mạ­­nh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại! Đấy là bí quyết của dân tộc ta thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc.  

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mang những ví dụ điển hình về kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để chiến thắng chiến tranh ngoại xâm. Sức mạnh dân tộc trước hết là phát huy chủ nghĩa yêu nước. Sức mạnh thời đại là tổng hợp sức mạnh của 3 dòng thác cách mạng hồi đó: các nước xã hội chủ nghĩa (lúc đó có cả TQ đến gần hết cuộc kháng chiến), phong trào giành độc lập dân tộc, phong trào của các lực lượng tiến bộ trong các nước tư bản.

Bí quyết của phát huy được sức mạnh của thời đại bao gồm các yếu tố: Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có nhiều điểm quan trọng phù hợp với lợi ích của 3 dòng thác cách mạng này; bản thân cuộc kháng chiến này đã cổ vũ và cống hiến phần mình vào sự nghiệp của 3 dòng thác, và vì thế được 3 dòng thác cách mạng này ủng hô, hậu thuẫn vô cùng to lớn; cuộc kháng chiến này vô cùng anh dũng với không biết bao nhiêu hy sinh cao cả, làm nên những giá trị lay động lòng người, được nhân loại tiến bộ trân trọng, và dành cho nhân dân ta tình đoàn kết gắn bó và lòng yêu thương chưa từng thấy – vì vậy không phải ngẫu nhiên hồi ấy có những ý kiến coi cuộc kháng chiến này của nhân dân Việt Nam phản ánh lương tri của nhân loại – hồi ấy hầu như với nghĩa: Đụng vào Việt Nam là vấp phải lòng người. Thực tế đã hình thành hồi ấy một mặt trận rộng lớn của nhân dân thế giới ủng hộ VN kháng chiến chống Mỹ cứu nước! Nói cách khác: Phải có phẩm chất cao cả, bản lĩnh kiên cường và tầm nhìn đúng đắn mới thực hiện được kết hợp dân tộc với sức mạnh thời đại.

Bí quyết của kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại là đảng lãnh đạo – ĐCSVN – đã dựa hẳn vào nhân dân, dấy lên được sự giác ngộ kiên cường của nhân dân quyết kháng chiến cứu nước, và vì thế đã tạo ra được sức mạnh đoàn kết chiến đấu bất khả chiến bại của cả nước, bản thân đảng viên đi tiên phong hy sinh chiến đấu cho sự nghiệp cứu nước, Đảng với nhân dân là một. Về phương diện này, thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thắng lợi thuyết phục và điển hình của Đảng Cộng Sản Việt Nam trong phát huy đường lối cách mạng dân tộc và dân chủ.

Đến đây có thể khẳng định: Nội dung của bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại chính là vận dụng phát huy đường lối cách mạng dân tộc và dân chủ, kết hợp với vận dụng những giá trị của văn minh nhân loại! Đây chính là bài học lịch sử đã giúp ĐCSVN lãnh đạo thành công nhân dân Việt Nam đấu tranh hoàn thành vẻ vang sự nghiệp giành lại độc lập thống nhất cho đất nước, là cái vốn tinh thần vô giá của ĐCSVN, không phải đảng cầm quyền nào tại các nước khác cũng có thể có được! Bài học lịch sử này sẽ còn giúp ĐCSVN tiếp tục làm nên sự nghiệp vẻ vang của mình trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc hôm nay, chừng nào ĐCSVN coi lẽ sống của mình là trung thành với lý tưởng đặt tổ quốc trên hết để phục vụ nhân dân.  

Lãnh đạo ĐCSVN hôm nay có biết đến và biết học bài học lịch sử này của Đảng, của đất nước?

Vừa qua, nhân dịp kỷ niệm ngày lịch sử 30 Tháng Tư, cũng như mọi năm trước, mọi lúc và mọi nơi chỉ thấy nhắc đi nhắc lại không mệt mỏi những trận đánh, nghĩa là mài tiếp quá khứ như vậy trong lịch sử để sống, để lên dây cót, để tự tôn vinh… Không thấy tý gì về bài học lịch sử nói trên, càng không thấy sự thôi thúc toàn Đảng và cả nước phải quyết dựa vào bài học lịch sử này để đi tiếp trên con đường phía trước đất nước phải đi. 45 năm rồi mà vẫn chưa có hòa giải dân tộc! Xin lưu ý, toàn bộ những thất bại đã vấp phải cùng với sự tha hóa sức chiến đấu ngày càng trầm trọng hiện nay của ĐCSVN từ khi đất nước độc lập thống nhất đều bắt nguồn từ chỗ vứt bỏ bài học lịch sử này! Hiểu được những điều đang nói ở đây, ĐCSVN sẽ hiểu được phải làm gì!

Bàn về bảo vệ tổ quốc và chống lại những âm mưu và hành động mang tính bành trướng bá quyền của TQ chống VN, trước hết là cả Đảng và nhân dân phải dựa vào bài học lịch sử nói trên, để nhìn thẳng vào sự thật, để mỗi người phải chiến thắng những yếu kém của chính bản thân mình, để nhìn cho rõ con đường phía trước và những nhiệm vụ phải làm[xx].

Điểm mới so với trước khi xảy đại dịch Covid-19 là: TQ Tập đã lợi dụng đại dịch Covid-19 đẩy mạnh thực hiện giấc mộng Trung Hoa, việc làm này đã tự bóc trần dã tâm của TQ, thức tỉnh cả thế giới về những gì vấn đề Trung Quốc đang gây ra cho thế giới hôm nay!

Bàn riêng về việc thực hiện nhiệm vụ duy trì, gìn giữ và phát triển mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện với TQ, và việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ độc lập chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải và vùng biển đảo của nước ta trước những thách thức bành trướng bá quyền của TQ, có thể khẳng định ngay tại đây: Bí quyết để thành công của nước ta trong 2 nhiệm vụ gian khổ và phức tạp này vẫn là chân lý kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, với bài học lịch sử đã có được như vừa trình bầy trên. Việt Nam hôm nay có những điều kiện quyết định và phong phú hơn bao giờ hết vận dụng thành công bài học lịch sử này để bảo vệ tổ quốc mình! Nhất là VN luôn luôn có chính nghĩa, lợi ích chiến lược số 1 sống còn của VN trong đối ngoại là tranh thủ và xúc tiến mối quan hệ hữu nghị với mọi quốc gia trên thế giới, vì hòa bình, hợp tác và cùng phát triển – nghĩa là VN không bao giờ có đường lối đối ngoại thù địch với bất kỳ quốc gia nào…

Từ xác định như trên, xin mỗi người – nhất là những người đang nắm trong tay vận mệnh đất nước – thử đặt ra các câu hỏi và xin tự trả lời, tự kết luận: Trên thế giới này ai hay nước nào muốn có một VN như thế? Ai hay nước nào chống lại một VN như thế? Ai hay nước nào muốn có một VN trong vòng tay kiềm tỏa hay là chư hầu của TQ? Ai hay nước nào coi hay muốn có một VN ở vị trí địa đầu của khu vực ĐNÁ là một yếu tố không thể thiếu đối với hòa bình, ổn định và phát triển tai đây cũng như đối với toàn vùng CÁ-TBD? Để thực hiện được đường lối ngoại giao VN kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại phát triển mối quan hệ song phương mang tính xây dựng với TQ và ngăn cản được những bước đi bành trướng bá quyền của TQ chống VN, nước ta phải làm gì – nhất là trong đối nội và trong phát triển nền kinh tế quốc dân của mình?.. V… v… Cần phải hỏi những câu hỏi như thế và tìm ra những câu trả lời xác đáng, vì hòa bình, hữu nghị và hợp tác với TQ phải giành lấy, phải cùng đi với cả thế giới để giành lấy và bảo vệ, chứ không thể ngửa tay xin mà có được!

VN nhất thiết phải tự hỏi mình phải làm những gì để bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ và các vùng biển, đảo của quốc gia[xxi], để một khi TQ thực hiện bất kể một mưu toan hay thách thức xâm lược nào chống nước ta, sẽ chẳng những bị nhân dân ta giáng trả quyết liệt, mà sẽ còn vấp phải lòng người và sự tẩy chay, phản kháng từ khắp thế giới!

Tôi đã tìm cho mình câu trả lời và hôm nay xin kiến nghị: Việt Nam nên tiến hành một chính sách ngoại giao công khai minh bạch, nói rõ trước toàn thế giới và TQ quan điểm lập trường của mình, nói rõ cái mình muốn hoặc mong đợi, và khước từ dứt khoát và chống lại sự xâm phạm dưới bất kỳ hình thức nào chủ quyền và lợi ích chính đáng của VN, thực hiện sự công khai minh bạch mọi diễn biến trong quan hệ Việt – Trung để công luận cả thế giới cùng biết và phán xét.

Cụ thể là trong tình hình mới thời đại dịch và sau nữa, trước những bước leo thang mới của TQ trên Biển Đông, xin đề nghị Bộ Ngoại Giao ra sách trắng về đường lối đối ngoại xây dựng của VN trong cục diện quốc tế đã sang trang hôm nay, khẳng định VN nỗ lực đóng góp hết mình vào duy trì, bảo vệ hòa bình, ổn định và sự hợp tác xây dựng trên thế giới và trong khu vực. Nhân dịp này sách trắng nói rõ một lần nữa quan điểm và lập trường xây dựng của VN về mọi vấn đề ở Biển Đông, khẳng định thiện chí của VN tìm giải pháp hòa bình cho những vấn đề tranh chấp, nêu rõ quyết tâm của VN bằng mọi giá bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền những vùng biển và đảo của VN theo tinh thần UNCLOS 1982, kể cả việc đưa những vấn đề tranh chấp ra Tòa trọng tài quốc tế. Sách trắng nói rành rẽ việc VN quyết tâm đem tất cả sức mạnh tinh thần và vật chất của mình bảo vệ những quyền thiêng liêng này của quốc gia, việc VN sẽ kêu gọi sự giúp đỡ của các nước khác và sẵn sàng hợp tác với các nước khác khi tình hình đòi hỏi để bảo vệ những quyền thiêng liêng của quốc gia mình (nghĩa là bỏ “ngoại giao 3 không” vừa không đúng tầm, vừa gây ra hiểu lầm), v… v…

Nói dứt khoát, nghĩa là ngoài việc khẳng định đường lối đối ngoại xây dựng của Việt Nam trong cục diện quốc tế mới, sách trắng nêu rõ ràng và nêu trước thái độ và những bước đi của VN đối với những tình huống có thể xảy ra, thực hiện công bố công khai minh bạch trước toàn thế giới các tình huống một khi xẩy ra, quyết tâm thực hiện các bước đi như đã nêu trước trong sách trắng cho mỗi tình huống xảy ra. Việt Nam không phải là nước nhỏ, có sức mạnh là chính nghĩa, vì thế không có gì phải úp mở [Chẳng lẽ tôi phải viết ra ở đây: Xin đừng tự ti và hèn nữa!]. Đây còn là cách VN với cương vị năm nay là ủy viên không chính thức của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và là Chủ tịch của ASEAN thực hiện những nghĩa vụ của mình đối với thế giới và khu vực. Một quan điểm rõ ràng và sự dấn thân như vậy của VN qua bước đi này còn là cách thực hiện nghĩa vụ cam kết của mình đối với cộng đồng ASEAN, củng cố sự đoàn kết thống nhất của ASEAN, cổ vũ các thành viên ASEAN cùng nhau hiệp lực phát huy vai trò quan trọng và sự đóng góp của cộng đồng cho hòa bình và an ninh của khu vực, phát huy ảnh hưởng của ASEAN đối với cộng đồng quốc tế.

Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, gìn giữ và phát triển những mối quan hệ đúng đắn với TQ, và đồng thời quyết chống lại những ý đồ và hành động của TQ xâm phạm độc lập chủ quyền của nước ta là sự nghiệp của nhân dân, chỉ có sức mạnh của nhân dân mới thực hiện được. Chế độ chính trị - nhà nước phải làm mọi việc để nhân dân đem hết ý chí, nghị lực, sẵn sàng hy sinh chiến đấu cho sự nghiệp này – đây chính là con đường đúng đắn gìn giữ hòa bình, xây dựng được mối quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt – Trung bền vững, phục vụ lợi ích chính đáng của cả 2 nước! Càng hèn càng lùi, chiến tranh càng đến gần và không buông tha nước ta! Sự nghiệp này phải giành được sự hậu thuẫn của cả thế giới để thực hiện thành công. Sự nghiệp này đòi hỏi trước hết toàn dân ta cần tự mình giác ngộ sâu sắc, đem hết ý chí và nghị lực ra thực hiện, bảo vệ… - chứ không phải là sự nghiệp này đã có lãnh đạo Đảng và nước lo, như tuyên giáo và dư luận viên lâu nay muốn áp đặt lên nhân dân bằng mọi cách – kể cả nói sai sự thật và trấn áp! Thể chế chính trị - nhà nước hiện nay – bắt đầu từ ĐCSVN – phải thay đổi quyết liệt mới thực hiện được nhiệm vụ chính trị phải làm của nó như trình bầy tại đây. ĐCSVN nói chỉ có mục đích duy nhất là phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân, vậy hãy dựa hẳn vào nhân dân, lấy nhân dân làm nguồn gốc của mọi sức mạnh của quốc gia trong thực hiện ý chí và cam kết này của Đảng. Đây chính là vấn đề mất / còn đối với đất nước và đối với ĐCSVN, đặt ra trực tiếp ngay cho đại hội XIII này, không thể tránh né!

Trong cục diện thế giới mới đầy bất định như hiện nay, nước ta còn phải tính đến và phải sẵn sàng đối phó với những tình huống bất khả kháng (force majeure). Bởi vì ai nói trước được một TQ Tập sẵn sàng, đã và đang lợi dụng đại dịch SARS CoV2 để xúc tiến ngoại giao Corona cho mọi ý đồ lũng đoạn của mình đối với thế giới, sẽ có thể còn làm những gì khác nữa?! – nhất là trong tình  hình hiện nay TQ Tập đang bị cả thế giới tẩy chay, lên án.., và đối kháng Trung – Mỹ chuyển lên nấc thang quyết liệt mới!

Trong cục diện thế giới xảy ra tình hình bất khả kháng, câu hỏi cụ thể riêng đối với nước ta sẽ là: Ngoài những bước lấn tới xâm phạm chủ quyền và hăm họa chiến tranh chống nước ta ở Biển Đông TQ đang thực hiện liên tục, nước ta sẽ còn phải đối mặt với những gì khác nữa? Câu trả lời có thể tìm thấy được ngay trong lịch sử quan hệ Việt – Trung, qua những sự kiện đối nghịch mang tính chất mục tiêu biện minh cho biên pháp do phía TQ đã gây ra.  

Ở nước ta hôm nay, điều quyết định là phải có dân chủ để thực hiện được đoàn kết hòa giải dân tộc, thực hiện được sự thống nhất làm một toàn dân và hệ thống chính trị - nhà nước, quyết dựa hẳn vào dân tộc và phát huy sức mạnh dân tộc, để từ đó nước ta có thực lực và ý chí cho thực hiện kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong cục diện thế giới đã sang trang hôm nay.

 

Thay cho lời kết:

Nắm lấy thời cơ hiện nay, hay là chết!?

          

So với suốt chặng đường từ sau 30-04-1975, Việt Nam hôm nay là lúc đạt được nhiều thuận lợi nhất trên phương diện phát triển và trong vị thế quốc tế của mình – do tự thân thực lực của nước mình, và do những xoay chuyển trong cục diện thế giới đem lại. Song Việt Nam hôm nay cũng đang đứng trước những thách lớn nhất chưa từng có trong cục diện thế giới mới đã sang trang dưới mọi tác động chưa lường hết được của đại dịch SARS-CoV2.

Như tôi đã nêu ra trong những bài viết trước đây, một mặt đòi hỏi phát triển tự thân của Việt Nam, và đồng thời sự xoay chuyển của bối cảnh thế giới đang khách quan tạo ra những thuận lợi chưa từng có, cho phép VN có cơ hội vươn lên đổi đời, trở thành một nước công nghiệp phát triển – như một đòi hỏi tất yếu để tồn tại được với tư cách là một quốc gia ở vị trí địa đầu khu vực ĐNÁ trong thế giới quyết liệt hôm nay.  

Mặt khác những thách thức chưa từng có của cục diện thế giới mới hôm nay – trong đó VN là quốc gia địa đầu của một khu vực đã trở thành một trong những trận địa chính của đối kháng Mỹ - Trung mang tính cách chi phối sự vận động của thế giới, VN đứng trước sự lựa chọn bắt buộc (forcing alternative):

-      Hoặc là vươn lên sống với tư cách là một nước phát triển, làm chủ được và tự quyết định lấy vận mệnh của nước mình – với tính cách là một thành viên xứng đáng trong cộng đồng các quốc gia của khu vực và trên thế giới.

-      Hoặc là cam chịu ươn hèn như hiện nay, để trở thành trận địa quốc gia bàn đạp, nước chư hầu kiểu mới của TQ, miếng da lừa cho sự giằng xé trong trò chơi vương quyền của những hùm sói khác nhau.

Đấy chính là sự lựa chọn: Việt Nam phải vươn lên nắm lấy cơ hội đổi đời để sống, hay là chết!?

            Còn gì hơn, nếu ĐCSVN hôm nay kế tục sự nghiệp lãnh đạo nhân dân đã giành được độc lập thống nhất, hôm nay quyết thay đổi chính mình để sống trong cục diện thế giới mới, quyết vứt bỏ mọi yếu kém tham nhũng tiêu cực đã gây ra biết bao nhiêu tội lỗi nghiêm trọng đối với đất nước và hủy diệt sức chiến đấu của chính mình, quyết dựa hẳn vào nhân dân thực hiện bằng được sự thay đổi này, để thực hiện được trách nhiệm ràng buộc với nhân dân và tổ quốc: Quyết lãnh đạo nhân dân giành lấy cơ hội mở ra con đường sống của đất nước trong cục diện thế giới mới!?

            Ví thử ĐCSVN hôm nay vì lẽ nào đấy lựa chọn hay không lựa chọn con đường sống này, nhân dân Việt Nam đã đi qua 4 cuộc kháng chiến cứu nước và đã giành lại được độc lập thống nhất, dứt khoát trước sau sẽ tự mình vượt qua tất cả để lựa chọn bằng được con đường sống này! Dù có hay không có ĐCSVN! Sự lựa chọn này của dân tộc Việt Nam hôm nay hình thành từ xương máu trong lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của chính mình, làm nên dân tộc Việt Nam, và là lẽ sống không gì ngăn cản được của dân tộc Việt Nam! Có người Việt Nam nào – dù là đảng viên hay không phải đảng viên – lại không hiểu sử của chính dân tộc mình?

            Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại là bài học vô song của ĐCSVN, đúc kết từ hy sinh xương máu bao nhiêu thế hệ đảng viên và nhân dân trên con đường từ Cách Mạng Tháng Tám đến nay. Xin nhấn mạnh đây là bài học hàng đầu làm nên Việt Nam độc lập thống nhất hôm nay, phải có phẩm chất cao cả, bản lĩnh kiên cường và tầm nhìn đúng đắn mới thực hiện được.

Trong cục diện quốc tế mới hôm nay, tiếp tục thực hiện kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là tiếp tục đồng hành cùng với thời đại. Điều này đòi hỏi dân tộc ta phải luôn luôn vun trồng cho mình trí tuệ, bản lĩnh và những giá trị, để có thể luôn luôn cùng đi với thời đại, để sống, để tiếp tục phát triển chính mình cùng với sự phát triển của thời đại. Đây chính là sự phấn đấu giành lấy con đường sống phía trước và sự phát triển của đất nước trong cục diện quốc tế mới. Và chính điều này mãi mãi sẽ là lẽ sống và cách sống của VN trong cộng đồng các quốc gia trên thế giới. Mong rằng ĐCSVN hôm nay hiểu sâu sắc bài học của chính mình đã làm nên sự nghiệp cách mạng của Đảng và đã giành lại được độc lập thống nhất cho đất nước, quyết trung thành với bài học này vượt lên chính mình, để thực hiện lý tưởng phục vụ tổ quốc và nhân dân mà ĐCSVN đã cam kết, lãnh đạo nhân dân quyết giành lấy cho đất nước con đường sống trong cục diện quốc tế mới./.

 

Hà Nội – Võng Thị, ngày 11-05-2020



[ii] Tham khảo bài: “Chúng ta cần chăm lo cho hậu dịch covid-19 ngay trong khi còn đang chống dịch ngày 18-03-2020 trên VSN - http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_ChamLoHauDich.html

[iii] Dự báo lạc quan và lãng mạn nhất thế giới đến nay có thể có được cũng phải là hết năm 2020, nghĩa là cho đến khi có thể có được vaccine đầu tiên có khả năng chế ngự dịch – những dự báo khác về vaccines có khoảng thời gian dài hơn rất nhiều[iii]! Thời gian đạt được miễn dịch cộng đồng cũng rất dài và khác nhau ở mỗi quốc gia hay khu vực lãnh thổ, có nơi dự báo phải đến tháng 04-2021 mới đạt được…

[iv] Tham khảo bài “Covid-19: Giãn cách xã hội hay Smart IT truy tìm tiếp xúc?” của Dr-Ing Thái Thanh Phương (Munich, CHLB Đức), đăng trên Kinh Tế Sài Gòn online Thứ Hai,  27/4/2020,  https://www.thesaigontimes.vn/302737/covid-19-gian-cach-xa-hoi-hay-smart-it-truy-tim-tiep-xuc-.html

[v] Nguyễn Trung: (1)“Hãy xây dựng một Việt Nam của một dân tộc trưởng thành và dấn thân!” (Suy nghĩ về sự lựa chọn của Đại hội XIII cho đất nước)

http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_VNTruongThanhDanThan.html

(2)“Kiến nghị về Đại hội XIII” (Văn bản tiếp theo thư ngày 25-04-2019 gửi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và toàn thể các Ủy viên Bộ Chính trị BCHTƯ ĐCSVN khóa XII)

 http://www.viet-tudies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_KienNghiDaiHoiXIII.pdf

và một số bài viết gần đây có liên quan của cùng tác giả.

[vi] Tham khảo: GS Hồ Tú Bảo, “Chuyển đổi số thời Covid-19”– tạp chí Tia Sáng 16/04/2020 14:47

https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/Chuyen-doi-so-thoi-Covid19-23135

 [vii] Tìm xem:  Trần Văn Thọ “Bước ngoặt toàn cầu hóa và chiến lược phát triển của Việt Nam” - Người đô thị online 04-05-2020  https://nguoidothi.net.vn/phuc-hoi-kinh-te-sau-dai-dich-covid-19-23353.html

[viii] Diện tích canh tác theo đầu nhân khẩu lao động nông nghiệp ở các nước Tây Âu khoảng 5- 6 hecta per capita, ở Mỹ lớn khoảng gấp đôi…

[ix]Tham khảo: GS Hoàng Tụy, “Xin được nói thẳng”, NXB Thế Giới, sách nghiên cứu.

[xi] Tham khảo: EDDIE OBENG – BET ON COLLECTIVE DYNAMICS! JULY 12TH, 2017

https://blog.usievents.com/en/eddie-obeng-miser-dynamique-collective-transformation-digitale/

 [xii] Trong những bàn luận về 4 nguy cơ do Hội nhị Toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa Đại hội VII (1991-1996)  nêu ra, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho rằng nguy cơ tụt hậu là nguy hiểm nhất đối với đất nước; trong thư ngày 09-081995 cố Thủ tướng Võ Văn kiệt cũng lưu ý nguy cơ này.

[xiii] Tham khảo bài nói của Dr. John Lenczowski, người sáng lập và là Chủ tịch Học viện Chính trị Thế giới (IWP), Washington, đọc ngày 18-10-2019 tại cuộc họp do Diễn đàn Quốc Hội về Quốc phòng và Chính sách Đối ngoại (Congressional Defense and Foreign Policy Forum) tổ chức ở Capitol Hill, chủ đề: Chiến lược của Mỹ đối với thách thức ngày càng gia tăng của Trung Quốc (“U.S. Strategy for the Growing China Threat.”) https://www.iwp.edu/speeches-lectures/2020/01/29/u-s-strategy-for-the-growing-china-threat/

[xiv] Tham khảo: Nguyễn Quang Dy – “Việt Nam cần ứng phó ra sao tại Biển Đông?

http://nghiencuuquocte.org/2020/04/30/viet-nam-can-ung-pho-ra-sao-tai-bien-dong/

[xv]Tham khảo bài ''Cuồng phong Covid-19: Bão đổi chiều nhắm vào Bắc Kinh”, đăng trên Le Figaro ngày 05-05-2020, đươc đăng lại trên RFI cùng ngày.

http://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200505-cu%E1%BB%93ng-phong-covid-19-b%C3%A3o-%C4%91%E1%BB%95i-chi%E1%BB%81u-nh%E1%BA%AFm-v%C3%A0o-b%E1%BA%AFc-kinh

[xvi] Có những ý kiến ở TQ nói toẹt ra, đại ý: Hãy nhấn chìm nước Mỹ trong đại dịch!.. … …

     Trong khi đó ở Mỹ và Tây Âu có những ý kiến lo lắng: Trong đại dịch này TQ đang làm tất cả mọi việc có thể nhằm đẩy lùi ảnh hưởng Mỹ ở mọi nơi, đại dịch này với bàn tay của TQ như vậy có thể sẽ đẩy Mỹ vào nguy cơ thoái trào (fade out – lặn biến dần…); - tham khảo bài mới nhất về chủ đề này: “The Coronavirus Pandemic and the Risks of America’s Fade-Out”, của Howard W. French Wednesday, May 6, 2020 - https://www.worldpoliticsreview.com/articles/28738/the-coronavirus-pandemic-and-the-risks-of-america-s-fade-out

[xvii] Điểm nổi bật là hầu hết các nước phát triển đều quyết định phải xem lại mọi mối quan hệ kinh tế với TQ và phải sớm khắc phục tình trạng lệ thuộc của họ quá sâu vào thị trường khổng lồ này.

[xviii] Nói rõ hơn nữa, phải chăng có thể nhận xét: Cao điểm cuối cùng của đế chế Trung Hoa trước khi tàn lụi là thời nhà Thanh, vào lúc thế giới phương Tây đã chuyển hẳn vào chủ nghĩa tư bản và đang phát triển rất năng động. Nguyên do cơ bản của sự tàn lụi này – nói theo ngôn ngữ của Marx – là phương thức sản xuất của chủ nghĩa phong kiến Trung Quốc ở thời nhà Thanh đã tụt hậu hẳn một giai đoạn phát triển so với phương thức sản xuất của chủ nghĩa tư bản ở các quốc gia phương Tây. Hôm nay lại có mâu thuẫn: TQ Tập với giấc mộng Trung Hoa, tuy là nền kinh tế lớn thứ 2 sau Mỹ, và một ngày không xa có thể sẽ vượt Mỹ về quy mô, nhưng nội hàm của TQ Tập trong giấc mộng Trung Hoa lại không mang các giá trị, và trên thực tế cũng không đại diện cho các giá trị đang ngày càng ngày mang tính phổ cập của nhân loại tiến bộ. Phải chăng mâu thuẫn này một mặt hé lộ tính quyết liệt toàn diện của đối kháng Mỹ - Trung, mặt khác dự báo rất sớm cái kết cục sẽ tới? Xu thế vận động của thế giới thời hậu đại dịch Covid-19 có lẽ là như thế?

Sẽ có hay không khả năng Mỹ - Trung sẽ quay trở lại hợp tác với nhau chia sẻ thế giới? Trả lời: Viễn cảnh này còn quá xa và đòi hỏi phải có những điều kiện nhất định – hầu như những điều kiện này phải là kết quả của quá trình mâu thuẫn đối kháng Mỹ - Trung đang diễn ra; xin tạm gác sang một bên.

[xix] Tham khảo: Nguyễn Quang Dy, bài đã tích dẫn – “Việt Nam cần ứng phó ra sao tại Biển Đông?” – đã trích dẫn.

http://nghiencuuquocte.org/2020/04/30/viet-nam-can-ung-pho-ra-sao-tai-bien-dong/

 [xx] Tham khảo bài đã trích dẫn: Nguyễn Trung, “Sức mạnh của chúng ta là dám đối mặt với sự thật                             http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_DoiMatSuThat.html

 [xxi] Tham khảo: Nguyễn Trung,

“Hãy xây dựng một Việt Nam của một dân tộc trưởng thành và dấn thân!” (Suy nghĩ về sự lựa chọn của Đại hội XIII cho đất nước) http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_VNTruongThanhDanThan.html

và một số bài viết gần đây có liên quan của cùng tác giả.

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 11-5-20