NGOÀI CỬA SÔNG LÀ BIỂN…

Tùy bút

Nguyễn Thị Hậu

 

 

Cách đây khoảng mươi lăm năm tôi có nhiều dịp đến Bình Định. Dạo ấy tôi làm việc ở Bảo tàng lịch sử TP. Hồ Chí Minh nên thường đi khảo sát, sưu tầm, tham quan các di tích lịch sử và khảo cổ học. Bình Định là nơi có nhiều loại hình di sản văn hóa mà bất cứ người nghiên cứu lịch sử - văn hóa nào cũng không thể bỏ qua. Tuy những chuyến đi của tôi đến Bình Định ngắn ngủi và có phần vội vã nhưng những ấn tượng về Bình Định thì luôn in sâu trong ký ức tôi.

Thời tiền – sơ sử Bình Định thuộc địa bàn của nền văn hóa Sa Huỳnh cách nay khoảng 3000 – 2000 năm. Sau thời kỳ này trên vùng đất Bình Định còn lưu lại dấu tích của văn hóa Champa kéo dài hơn mười thế kỷ, nhiều chứng tích của thời Chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn rồi vương triều Nguyễn… Cùng với hệ thống hơn 150 di tích và danh thắng gắn liền với những nhân vật lịch sử, Bình Định còn có hàng chục di sản truyền thống như làng nghề, lễ hội, những món ăn độc đáo… Tất cả tạo nên một bức tranh đa sắc nhưng hài hòa, thể hiện chiều sâu của lịch sử - văn hóa vùng đất này.

Bình Định là địa phương thứ hai sau Quảng Nam lưu giữ được nhiều đền tháp Chăm. Tại đây những đền tháp Chăm gần như nguyên vẹn, đồ sộ, hoàn chỉnh đến từng chi tiết. Nhiều nhà khảo cổ và nghiên cứu nghệ thuật Champa đánh giá những cụm đền tháp Chăm Bình Định ở vào giai đoạn chín muồi của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, nổi bật vì đã dung hòa được nhiều phong cách nghệ thuật nên sự độc đáo khác với những quần thể đền tháp Chăm có niên đại trước và sau chúng. Những đền tháp nổi tiếng như Tháp Đôi, Cánh Tiên, Dương Long, Thập Tháp, bánh Ít, Bình Lâm đều được xếp hạng Di tích quốc gia, là điểm nhấn độc đáo trên đường thiên lý xuôi ngược Bắc Nam của bao nhiêu lượt du khách ghé thăm và chiêm ngưỡng.

Cùng thời với những ngôi đền tháp Champa huyền bí, di tích Thành Đồ Bàn – thành Hoàng đế, thành Tra, Hầm Hô… lại là “chứng nhân” của một thời loạn lạc giữa Đại Việt và Champa, giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Ngày nay trở thành dấu tích nhắc nhớ những sự kiện và nhân vật lịch sử trong hành trình mở rộng đất nước và thống nhất quốc gia. Quá trình “mang gươm đi mở cõi” đã để lại nhiều bài học sâu sắc mà thế hệ hôm nay còn cần phải thấu hiểu nhiều hơn nữa.

***

Theo mô hình quy hoạch một tiểu vương quốc Champa mà giáo sư Trần Quốc Vượng cùng các cộng sự đã khái quát từ nhiều năm nghiên cứu và điền dã khu vực miền Trung, thì mỗi tiểu vùng/tiểu quốc Champa đều có một dòng sông thiêng mà dựa vào đó có các yếu tố sau: Phía Tây, thượng nguồn sông là (ngọn/dãy) Núi Thiêng, ở đó là trung tâm tôn giáo - khu đền tháp Thánh Địa; vùng hạ lưu – đồng bằng, là trung tâm chính trị nơi có Thành cổ, khu vực cửa sông – vịnh biển là trung tâm kinh tế - cảng thị. Một số tiểu vùng có các đảo gần bờ làm nhiệm vụ “tiền cảng thị” đảm bảo an ninh cho cảng và là tiền đồn quân sự. Mô hình tiêu biểu nhất là tiểu quốc Amavarati vùng Quảng Nam gồm có: sông Thu Bồn - Núi Chúa và thánh địa Mỹ Sơn – Thành Trà Kiệu – Cảng Đại Chiêm Hải khẩu (Hội An) – tiền cảng Cù lao Chàm. Là một trong những tiểu vùng của vương quốc Champa phồn thịnh, “tiểu vùng” Bình Định có sông Côn, thánh địa Thập Tháp (từ thế kỷ 17 Chùa Thập Tháp Di Đà được xây dựng ở đây trên nền móng và phế tích khu đền tháp Champa) , thành Đồ Bàn, cảng Thị Nại và tiền cảng có thể là Cù Lao Xanh - cụm đảo lớn nhất, chỉ nơi đây có người sinh sống còn những đảo khác là đảo hoang.

Vương quốc Champa xưa nổi tiếng với nghề biển gồm khai thác hải sản và buôn bán đường biển, chắc chắn tiểu vùng Vijaya - Bình Định không nằm ngoài truyền thống này, chưa kể thủy quân Champa một thời hùng mạnh góp phần làm vùng biển Champa nổi tiếng trên con đường hàng hải ở Đông Nam Á. Bình Định có đầm nước mặn Thị Nại (tiếng Chăm cổ là Thi Lị Bi Nại) thực chất là một vịnh biển kín, nơi có cửa sông Côn đổ ra (vịnh) biển. Thế nhưng hiện nay trong hầu hết những công trình, trang web, bài viết giới thiệu về Bình Định, kể cả ở bảo tàng của tỉnh, hầu như rất ít nói về biển Bình Định. Ngay Vikipedia (từ điển mở) tiếng Việt cũng chỉ nói về các đảo và địa hình ven biển Bình Định. Giới thiệu về đầm Thị Nại thì chủ yếu là về những trận chiến đã xảy ra ở đây. Điều này khiến những người quan tâm tìm hiểu chỉ biết một vùng đất Bình Định của núi, của rừng, của trung du và vùng đầm phá, của sông Côn và nhiều cửa sông khác làm nên câu ca dao nổi tiếng “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Măng le gửi xuống cá chuồn gửi lên”.

Dường như với người Bình Định rừng núi càng gần hơn mà biển lại càng xa hơn, nhưng từ bao giờ?

***

Không ít lần tôi nghe một câu vè truyền miệng của những người vùng Nam – Ngãi – Bình – Phú (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên): “Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co, Bình Định hay lo, Phú Yên hưởng trọn” (có bản khác là “Thừa Thiên ních hết” nhưng tôi cho rằng câu vè này nói về 4 tỉnh liền kề và có hoàn cảnh lịch sử tương tự nhau thì có lý hơn).

Nhìn từ lịch sử văn hóa của vùng đất Nam – Ngãi – Bình – Phú tôi hiểu câu nói trên như sau: Người vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi hay cãi lý, đôi co không ai chịu ai, có lẽ bắt nguồn từ việc nơi này là “địa đầu” của quá trình tiếp xúc giữa người Chăm và người Việt từ khoảng thế kỷ 15, cũng là nơi vua quan nhà Lê để lại nhiều binh lính và gia đình sau những lần Nam tiến… Buổi đầu “cộng sinh” khi mà ngôn ngữ, văn hóa, lối sống Chăm - Việt còn nhiều khác biệt nên nảy sinh sự tranh luận, giải thích, thậm chí áp đặt lẫn nhau. Lâu dần trở thành “cá tính” cương cường, không dễ chấp nhận, khuất phục… Người vùng Bình Định “thất thế” từ sau khi vua Lê Thánh Tông san bằng kinh thành Đồ Bàn vào năm 1471, rồi từ thế kỷ 19 thời Nguyễn lại phải chịu một “định kiến” là quê hương của nhà Tây Sơn nên thường phải lo lắng cho hiện tại và tương lai (hay phải lo lót để được yên thân?). Họ phải thu mình lại nhằm tránh mọi sự thóc mách nghi ngờ, lối sống ấy lâu dần trở thành thói quen luôn “thủ thế”. Tuy dân Bình Ðịnh "hay lo" nhưng không quên thời oanh liệt của Tây Sơn hào kiệt, vì vậy có thể sẽ phản ứng bất ngờ dữ dội khi không thể chịu đựng được mãi sự thua thiệt, bất công. Trong khi đó Phú Yên là vùng tương đối yên bình từ thời Lê đến thời Nguyễn vì những cuộc chiến ác liệt đều xảy ra bên kia đèo Cù Mông. Bên này đèo là miền đồng bằng màu mỡ đất rộng người thưa. Cùng với Quảng Nam, Phú Yên là một trong hai đồng bằng lớn ở miền Trung, tránh được chiến trường chính của binh đao trong thời gian dài nên đời sống khoan hòa, “hưởng trọn” những thuận lợi, thoải mái.

Tất nhiên, trong nhiều lý giải về một câu vè khá phổ biến thì đây chỉ là cách hiểu của riêng tôi. Mong rằng không phải “cãi, co” với ai, chỉ muốn đóng góp một  cách giải thích đặng làm giàu thêm vốn văn hóa dân gian.

Quay lại câu hỏi trên, từ bao giờ người Bình Định lại xa biển và lạ biển? Có lẽ từ giai đoạn lịch sử làm nảy sinh câu vè dân gian kia, khi mà vùng đất này mất dần lối sống và văn hóa biển. Khi những lớp dân cư mới là người Việt quen nghề nông trồng lúa, quen khai thác rừng, quen đánh cá trong hồ, đầm (nên gọi vịnh biển là đầm Thị Nại?) có mặt đông đúc ở nơi đây thì biển trở nên xa hơn, rừng núi trở nên gần hơn nhờ quen đi theo những con sông từ nguồn đến ngọn. Cứ thế, nhiều thế kỷ trôi qua đến ngày nay, những người làm công việc về văn hóa – lịch sử miền Trung và Bình Định hình như chỉ quen nhìn thấy đất liền mà ít nhìn ra biển, nhìn lối sống văn hóa của cộng đồng trong quá khứ không khác lối sống văn hóa của dân cư hiện tại… Sự “quen thuộc” này càng củng cố thêm tâm thức “xa biển” của chính chúng ta.

Mong lắm những công trình khảo cứu văn hóa – lịch sử bổ túc cho thiếu hụt này, để Bình Định không chỉ là vùng đất của những con người thượng võ, của voi của ngựa, mà còn là của những chiến thuyền vượt qua sóng gió, hướng ra biển Đông chứ không chỉ quanh quẩn trong đầm và nhìn về rừng núi.

 

Sài Gòn, 16.11.2016