THUYẾT MÁC XÍT
Nguyễn Thế Anh
Nhà sách Khai Trí, Tập san Sử
Ðịa, N° 2 (1966), pp. 29-34.
Học thuyết của Karl Marx đã xuất hiện vào một giai đoạn rất sôi nổi của
lịch sử Tây phương, giai đoạn các cuộc cách mạng giữa thế kỷ thứ XIX; vì
thế, học thuyết này đã tìm cách giải thích tình trạng xã hội bằng những
nguyên nhân kinh tế, cho là cách mạng là kết quả tự nhiên của xã hội tư
bản, xã hội bị kỹ nghệ hóa[1].
Với Marx, cần lao đối với con người là phương sách để con người tự giải
phóng trước thiên nhiên, để con người khuất phục thiên nhiên. Vì con
người làm việc, đã giác ngộ được rằng mình là một phần tử của một xã
hội: con người là một con người lao động, bên cạnh những con người lao
động khác. Nhưng trong xã hội mà Karl Marx chứng kiến, lại có một sự mâu
thuẫn: cần lao không giải phóng, trái lại lẹ thuộc con người. Các cơ
quan sản xuất, đất ruộng hay xưởng máy, không thuộc quyền sở hữu của
người lao động; thêm nữa, người lao động cũng không được hưởng cả những
lợi tức của các sự sản xuất nữa. Con người bắt buộc phải bán sức cần lao
của mình, nghĩa là phải tha hóa sức cần lao ấy để làm lợi cho người
khác. Xã hội hiện đại như thế đã dùng cần lao làm một phương sách để nô
lệ hóa.
Xã hội tư bản đã đưa tới sự tha hóa này khi nó tới giai đoạn kỹ nghệ
hóa. Ở giai đoạn này, chúng ta chứng kiến một sự đại sản xuất, và chế độ
kinh tế này tạo nên một giai cấp nô lệ càng ngày càng lớn, và hiểu là
mình bị lệ thuộc: giai cấp vô sản. Vì ý thức được tình trạng và địa vị
của mình, giai cấp vô sản này sẽ làm cho sự tranh đấu giữa các giai cấp
trở nên nghiêm trọng hơn, và chính giai cấp vô sản này sẽ đưa tới cách
mạng. Giai đoạn tư bản kỹ nghệ là giai đoạn cuối của một sự diễn tiến
lịch sử đã đưa xã hội loài người đi từ chế độ nô lệ tới chế độ phong
kiến, rồi tới chế độ tư bản trước thương mãi, sau kỹ nghệ. Thế giới của
thế kỷ thứ XIX, cùng một lúc nó bị kỹ nghệ hóa, đã đi tới giai đoạn cách
mạng, giai đoạn ở đó quyền tư hữu bị phế trừ.
Cuộc cách mạng của giai cấp vô sản này phù hợp với sự diễn tiến bất khả
kháng của lịch sử, với sự vận chuyển biến chứng của lịch sử, nghĩa là sự
đấu trang giai cấp. Marx viết là: “Giai cấp trung lưu đã giữ trong lịch
sử một vai trò rất là cách mạng. Ở khắp những nơi nào nắm được chính
quyền, giai cấp trung lưu đã phá hủy tất cả mọi điều kiện phong kiến,
thị tộc…” Nhưng làm như vậy, “giai cấp trung lưu đã không chỉ rèn luyện
những khí giới sẽ diệt vong giai cấp này: nó lại còn sản xuất những con
người sẽ sử dụng khí giới ấy – các thợ thuyền ngày nay, các người vô
sản”[2].
Cuộc cách mạng hoàn toàn là một sự đấu tranh giai cấp mà giai cấp vô sản
cầm đầu để chống lại giai cấp trung lưu; sự đấu tranh này bắt đầu từ
tình trạng mâu thuẫn giữa các lợi ích kinh tế. Trong quyển
La lutte des classes en France
(1848-1850), viết vào năm 1850, Marx cho là cuộc cách mạng tháng
2 năm 1848 ở Pháp đã làm giai cấp vô sản, giai cấp tiểu tư bản, dân quê
và giới trí thức chống lại giai cấp mà Marx gọi là giai cấp quý phái tài
chính (giới ngân hàng và kinh doanh).
* * *
Thuyết mác xít như thế đã được thiết lập với những tiêu chuẩn lý tưởng (ideal
typen) – chế độ tư bản, lao động vô sản, giai cấp xã hội, sản
lực… - để giải thích các hiện tượng xã hội liên hệ với cuộc cách mạng
kinh tế ở Âu châu vào giữa thế kỷ thứ XIX. Thuyết này đã hướng các sử
gia vào khu vực phức tạp của các giải thuyết kinh tế; nhờ có nó, người
ta đã ý thức được một cách xác đáng hơn các sự vận chuyển kinh tế và xã
hội. Sử giai nghiên cứu sử kinh tế ngày nay đã lợi dụng được tư tưởng
của Karl Marx. Như E Labrousse[3]
đã nối liền các cuộc cách mạng ở Âu châu vào tiền bán thế kỷ thứ XIX với
thuyết tuần hoàn (théorie
cyclique) của các giai đoạn kinh tế: có hai giai đoạn luân phiên
nhau, giai đoạn A, khi giá cả tăng và kinh tế thịnh vượng, và giai đoạn
B, khi giá cả hạ, kinh tế trầm trệ, tình trạng của giới thợ thuyền rất
khó khăn, nhiều khi đen tối. Ở Âu châu, giai đoạn 1815-1850 là một giai
đoạn B, vì thế có thể giải thích được các cuộc cách mạng.
Như thế, thuyết mác xít đã giữ một vai trò phong phú, bằng cách chỉ cho
sử gia thấy là các khía cạnh kinh tế của lịch sử có thể có tính cách hệ
trọng, và khuyến khích sử gia đi tìm những khía cạnh ấy. Song thuyết mác
xít chỉ phong phú nếu nó hiến cho ta những giả thuyết cần được chứng
minh; nó phản sử học khi nó trở thành một phương pháp để giải thích mọi
thời đại lịch sử.
Tại vì Marx coi sự diễn tiến xã hội như là một sự diễn tiến tự nhiên,
phụ thuộc với những quy tắc không những độc lập đối với ý chí của con
người, nhưng lại còn quy định cả ý chí ấy nữa: có những định luật lịch
sử đưa giai cấp vô sản tới công cuộc đạp đổ giai cấp tư bản để chiếm lấy
quyền thế. Thành thử, sự diễn tiến lịch sử không được bày tỏ như là sự
đấu tranh giữa hai nhóm người, nhưng như là sự vận động của các khối
khác nhau, và tự hủy lẫn nhau vì trọng lực riêng của chúng. Vì thế cho
nên thuyết mác xít có thể được coi như là một thuyết tất định, cho lịch
sử là một sự tiến hành nghiêm khốc, không thể nào ngăn cản hay làm cho
đổi hướng được. Các định luật của Marx tìm thấy ấy là những yếu quyết
của một cơ giới sẽ luôn luôn lập lại trong thời gian sự biến chuyển
nghiêm nhặt của nó. Giai cấp của những người bị bóc lột sẽ phá hủy giai
cấp những người bóc lột; cuộc cách mạng này liên hệ với một giai đoạn
trong sự tiến triển kinh tế xã hội. Giai cấp trung lưu loại trừ giai cấp
quý tộc, khi kinh tế dinh điền phong kiến được thay thế bởi tư bản
thương mãi; lao động vô sản sẽ loại giai cấp trung lưu khi quyền công
hữu thay thế quyền tư hữu.
Dưới con mắt của Marx, lịch sử Tây phương được coi là “lịch sử mô phạm,
vì chỉ có lịch sử này mới đã phát triển cực độ các tiến bộ kỹ thuật, mới
đã thiết lập tư bản kỹ nghệ, mới đã bành trướng các cuộc đấu tranh giai
cấp và các cuộc cách mạng. Lịch sử ấy có một giá trị tiêu chuẩn nhờ ở
những điển hình nó có thể hiến cho các xã hội, các lịch sử khác. Nhưng
thuyết mác xít lạc lối ở đây: thay vì hiểu là các hình thức biến chuyển
từ những xã hội vô giai cấp tới những xã hội có giai cấp có một phức số
tính rất lớn, hệ thức của Marx được coi như là mô phạm các giai đoạn mà
mỗi xã hội bắt buộc phải trải qua, tuy là mau hay chậm tùy theo các
trường hợp.
Như vậy, dòng lịch sử trở nên một sự vận động tương phản giữa một hằng
tố (constante) và một
biến tố (variable). Hằng
tố là đoàn thể xã hội, nhưng một đoàn thể xã hội cơ giới hóa, luôn luôn
tương tự trong sự biến chuyển của nó. Biến tố là trình độ hay hoàn cảnh
kinh tế xã hội trên thế giới, nhưng những điều kiện kinh tế xã hội này
được trình bày như những sức mạnh thiên nhiên đã được tổ chức một cách
khoa học, nghĩa là nằm ngoài con người, không dính dáng chút nào với con
người. Thành thử, hiện tại sẽ lập lại quá khứ, chỉ với những điều kiện
kinh tế kỹ thuật khác mà thôi. Công việc sử gia phải làm sẽ là nghiên
cứu những sự lập lại, nhấn mạnh lên tính vĩnh cửu của quan niệm giai
cấp, và nối liền với các sự tiến triển của giai cấp ấy với sự phát triển
khách quan (développement
objectif) của kinh tế. Nhiệm vụ của sử giai không phải là khám
phá ra lịch sử nữa, mà là “tìm lại” lịch sử, tìm lại lịch trình diễn
tiến đã thúc đầy một cách cơ giới nhân loại tiến hành từ chế độ cộng sản
nguyên thủy để kết thúc bằng chế độ cộng sản tối hậu.
Thuyết mác xít là thuyết của cái không thể tránh được, và Marx đồng hóa
triết lý về sử của ông với lịch sử; ông đòi hỏi lịch sử bắt buộc chỉ làm
những gì nó phải làm.
Nhưng các kết luận của Marx khó gò ép các xã hội lịch sử, rất thường
không chịu nhận những sự phân chia giai đoạn của thuyết mác xít, những
sự phân chia giai đoạn cho phép phân biệt một xã hội bằng một cách thức
sản xuất “nô lệ”, “phong kiến” hay “tư bản”, v.v… Vì thế, các nhà chuyên
môn đã phải tranh luận nhiều, khi đề cập tới “giai đoạn nô lệ” ở Ấn Độ,
Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam, Hắc Phi Châu, v.v… Cũng có người tìm cách
biến đổi hệ thức 4 giai đoạn xã hội của Marx, tuy không muốn đạp đổ hẳn
hệ thức ấy: vì họ chỉ có những khái niệm Tây phương về chế độ nô lệ và
chế độ phong kiến, họ xếp nhiều đoàn thể xã hội vào trong loại phong
kiến, làm quan niệm “phong kiến” mở ra quá trộng; họ nói tới xã hội
phong kiến mỗi khi họ gặp một giai cấp quý phái. Quan niệm này đã bị chỉ
trích rất nhiều bởi những sử gia như Marc Bloch[4]
hay Robert Boutruche[5].
Riêng với các xã hội Á Đông, các sự kiện lịch sử khó thích ứng nổi với
các khái niệm của lịch sử Tây phương. Để giải thích đặc tính của lịch sử
Á châu, các sử gia áp dụng thuyết mác xít đã phải nghĩ tới một quan niệm
khác, quan niệm “cách thức sản xuất Á Đông” (mode de production asiatique). Quan niệm này chỉ định vài xã hội
trong đó các đoàn thể bộ lạc đã biến chuyển tới những hình thức sở hữu
đoàn thể mới, và đã xuất hiện một giai cấp quý phái nắm được quyền uy.
Trong những xã hội này, dân quê không phụ thuộc giai cấp quý phái y như
ở Âu châu phong kiến; sự liên hệ giữa giai cấp quý phái và giai cấp nông
dân ở đây hoàn toàn khác biệt với sự liên hệ giữa các giai cấp trong một
xã hội phong kiến[6].
* * *
Sử quan mác xít căn cứ trên những con số trung bình, mà không để ý tới
những tình trạng đặc biệt của các thời đại lịch sử, ngoài tình trạng của
sự phát triển kinh tế. Vì hạn chế như thế, vì nhấn mạnh lên yếu tố kỹ
thuật có vong nhân tính, thuyết mác xít đã cơ giới hóa lịch sử, đã xóa
bỏ tha tính của lịch sử, xóa bỏ những biệt dị ở trong con người, vừa là
con người tôn giáo, con người kỹ thuật, con người chính trị, con người
văn hóa và con người kinh tế. Thuyết mác xít đã đem áp dụng cho con
người những quan niệm căn bản của kinh tế học, trong khi sử học lại đem
tính bất nhất, tạp bác của con người tới giải thích kinh tế. Thuyết mác
xít trở nên một phương pháp giải thích lịch sử đã chỉ có những kết quả
tiêu cực nếu nó chỉ được áp dụng một cách câu nệ. Thật ra, sử quan của
Marx là một lòng tin, là một ý thức hệ, nó hiến cho lịch sử một nghĩa lý
mới, một mục đích mới trong thời gian, sự chấm dứt thời “tiền sử”, theo
lời Karl Marx.
N.T.A
[1]
Tất nhiên, ở đây chúng ta chỉ có thể tóm tắt một cách hết sức sơ
lược tư tưởng của Karl Marx, đã được bày tỏ trong rất nhiều tác
phẩm. Ngoài ra, các ấn phẩm về tư tưởng Mác xít cũng đầy rẫy;
Cf. Trần Văn Toàn, Tìm hiểu triết học của Karl Marx, Saigon, Nam Sơn, 1965.
[2]
Bản tuyên ngôn đảng
Cộng sản, 1848.
[3]
E. Labrousse, Aspects
de la crise et de la dépression de l’économie francaise au
milieu du XIXè siècle (1846-1851), Paris, 1956.
[4]
La Société féodale,
Paris, 1940.
[5]
Seigneurie et féodalité,
T.I. Paris, Aubier, 1959. [6] Đọc thêm: P. Vidal-Naquet, Karl Wittfogel et le concept de “Mode de production asiatique”. Annales (Economies, Sociétés, Civilisations), N0 3, 1964. Tác giả gửi cho viet-studies ngày 8-8-17 |