Phiếm Luận Về Chữ Prince
Tôi là một người mê đọc và thích viết lách lăng nhăng. Thỉnh thoảng có
nhà xuất bản thuê tôi dịch sách thì tôi cũng dịch, kiếm tý tiền còm.
Chẳng biết các “dịch giả”, “dịch thật” khác nghĩ sao, riêng với tôi,
trong quá trình dịch thuật, tôi không ngán thuật ngữ phức tạp, mà chỉ
ngán những chữ rất đơn giản, thông thường. Điển hình như cách xưng hô,
trong tiếng Anh chỉ có I và
you, còn tiếng Việt thì thiên
biến vạn hóa, mỗi lần dịch là mỗi lần nhức óc.
Ví dụ, trong một cuốn sách tôi từng dịch, có đoạn như vầy:
“That you may know the state of
the rest of my misfortune, there is nothing left to me but honour and my
life, which is saved - François I, in a letter written after Pavia, 1525.”
Đây là lời vua Pháp François I viết trong một bức thư, sau trận Pavia,
diễn ra vào năm 1525. Đâu có gì khó phải không các bạn?
Thế mà lại khó, vì sách không ghi thư gửi cho ai.
Nhưng cần gì phải biết thư gửi cho ai? Hễ đã là vua, tất tự xưng là
trẫm, là
ta, và gọi người đối thoại là
khanh, là
ngươi chứ gì?
Xin thưa: Không nhất thiết như thế. Sau khi lùng sục Google, truy cho ra
nguyên văn bức thư, mới hay đây là thư François gửi bà Louise de Savoie,
tức là…thái hậu. Nếu cẩu thả dịch thành
ta – ngươi ắt đã tổ trác!
Tương tự, mỗi lần gặp từ brother
hoặc sister, tôi lại phải tra
cứu mối quan hệ, xem nên dịch là
anh, chị, hay
em. Gặp
aunt còn khổ hơn nữa, không
biết là bác,
cô,
dì,
thím hay
mợ. Gặp
uncle không biết là
bác,
chú,
dượng, hay
cậu, cần tra cứu luôn luôn.
Mà đâu phải hễ tra là ra!
Tuy nhiên, hơn tất cả những từ trên, nếu được chọn một từ tiếng Anh khó
dịch sang tiếng Việt nhất, tôi sẽ không ngần ngại chọn từ
prince.
Vì sao? Prince tức là
hoàng tử thôi mà.
Nếu vậy thì cuốn Il Principe
của Machiavelli dịch là “Hoàng Tử”, cũng như
Das Kapital của Marx dịch là
“Thủ Đô” à?
Tôi thấy hiện nay, bên cạnh xu hướng chống Tàu, đang có một phong trào
bài trừ, kỳ thị từ Hán Việt. Việc kỳ thị này thật ra không mới, vì ngay
từ đầu thế kỷ 20, Nguyễn Háo Vĩnh đã phê bình Phạm Quỳnh dùng nhiều Hán
Việt rồi.
Vấn đề là từ Hán Việt có phải từ Việt không? Rõ ràng có chữ “Việt” đằng
đuôi, thế là Việt quá đi chứ. Đã là từ Việt, tội gì phải tránh? Chẳng lẽ
chúng ta không muốn ngôn ngữ nước nhà đa dạng, phong phú, lại muốn nó
nghèo đi hay sao?
Chính vì không chú trọng từ Hán Việt, tình trạng dùng từ mà không hiểu
nghĩa đã trở nên rất phổ biến trong xã hội.
Nếu đều hiểu hoàng là
hoàng đế,
tử là
con,
hoàng tử là
con của hoàng đế, thì người
ta đã không nhất loạt dịch prince
thành hoàng tử.
Các cháu trai của nữ hoàng Anh Elizabeth II hiện nay đều được báo giới
Việt Nam gọi là hoàng tử. Đấy là lối dịch rất ẩu, rất…”loạn luân”.
Cha ông chúng ta ngày xưa không thế. Chẳng hạn, Nguyễn Phúc Cảnh, con
trai của Thế Tổ Cao Hoàng Đế nhà Nguyễn (Gia Long), được gọi là Hoàng Tử
Cảnh. Nguyễn Phúc Đảm (Minh Mạng), một con trai khác của Gia Long, gọi
là Hoàng Tử Đảm. Cùng gọi hoàng tử, tức có quan hệ anh em. Nhưng Nguyễn
Phúc Đán, con trai Hoàng Tử Cảnh, cháu đích tôn Gia Long, thì gọi là
Hoàng Tôn Đán.
Hoàng tôn
thấp hơn hoàng tử một đời,
nhưng người đời nay quên mất chữ “hoàng tôn”, cứ gặp
prince là nhè ngay
hoàng tử mà phang. “Prince
William is a grandson of Queen Elizabeth II” dịch thành “Hoàng
Tử William là cháu của Nữ Hoàng Elizabeth II” thì vô nghĩa lý, khác
nào bảo “con của hoàng đế là cháu
của hoàng đế”! Prince Charles
dịch là Hoàng Tử Charles,
Prince William là
Hoàng Tử William, thì chẳng
hóa ra hai người này là anh em với nhau ư? Quan hệ cha con biến thành
anh em, tức là “loạn luân”, đảo ngược luân thường! Dưới thời quân chủ
ngày xưa, nhầm lẫn thế thứ hoàng gia là tội trọng, mất đầu chứ không
chơi!
Tiếng Việt vô cùng chặt chẽ và nghiêm cẩn về thế thứ, nên trong cùng một
cuốn sách, có khi chỉ một chữ
prince mà phải dịch ra hàng chục chữ tiếng Việt khác nhau, chẳng hạn
hoàng tử, hoàng thân, hoàng tôn,
vương tử, vương thân, vương tôn, tiểu vương, công tử, vv…
Sở dĩ phức tạp, là vì trước tiên, cần phân biệt giữa
đế và
vương. Đây không phải chuyện
chữ nghĩa vớ vẩn, mà có khi là vấn đề tự hào dân tộc, thể diện quốc gia.
Xưa kia, vua Tàu phong vua ta chức An Nam Quốc Vương, song vua ta vẫn tự
xưng hoàng đế, ngụ ý mình
đứng ngang hàng, không kém vua Tàu. Do đó, khi dịch sang tiếng Anh, danh
hiệu của các vua Việt Nam phải là
emperor, nếu dịch king,
tức tự nhận mình hèn kém, là thần tử của Tàu vậy!
Con của hoàng đế, gọi là
hoàng tử; con sẽ nối ngôi,
gọi là hoàng thái tử (em/cháu
được truyền ngôi gọi là hoàng
thái đệ/hoàng thái điệt); cháu nội là
hoàng tôn; chắt là
hoàng tằng tôn; chút là
hoàng huyền tôn…Khi vua cha
qua đời, hoàng tử sẽ trở
thành hoàng thân. Tùy theo
quan hệ với vị vua mới, hoàng thân ấy có thể là
hoàng huynh (anh vua),
hoàng đệ (em vua),
hoàng thúc (chú vua),
hoàng bá (bác vua)…Ví dụ, Tuy
Lý Vương dịch sang tiếng Anh chỉ là Prince Tuy Ly, nhưng trong tiếng
Việt, ông là hoàng tử của
Minh Mạng, hoàng đệ của Thiệu
Trị, hoàng thúc của Tự Đức.
(Đoạn trên là nói về con trai, còn con gái hoàng đế gọi là
hoàng nữ. Khi lớn lên, đi lấy
chồng, hoàng nữ sẽ được phong
công chúa. Danh xưng công chúa trong tương lai cũng sẽ thay đổi, tùy
theo quan hệ với vị vua đang cai trị. Ví dụ: Công chúa có thể trở thành
trưởng công chúa (chị/em của
vua), thái trưởng công chúa
(bác/cô của vua), thái thái
trưởng công chúa (bậc bà của vua)...Tuy nhiên, chủ đề bài này là về
prince, nên về
princess, chỉ xin nhắc sơ như
vậy.)
Với bậc vương, con của
vương gọi là
vương tử; con sẽ nối ngôi,
gọi là vương thế tử (thời Lê
– Trịnh, vua Lê là đế, chúa
Trịnh là vương, con kế vị của
vua Lê là hoàng thái tử, con
kế vị của chúa Trịnh là vương thế
tử); cháu nội là vương tôn…Tóm
lại cứ thay chữ hoàng bằng
chữ vương.
(Đến đây, ta thấy lối viết thông thường “quốc
vương và hoàng hậu” là không chính xác, vì vợ
quốc vương phải là
vương hậu,
hoàng hậu là vợ
hoàng đế.)
Nhiều người hẳn sẽ nói sao mà phức tạp thế! Vâng, quả có phức tạp, nhưng
cái gì thuộc về vua chúa mà chẳng cầu kỳ, phức tạp. Vả lại, văn hóa Việt
Nam minh định tôn ty, thứ bậc rất rõ ràng, tiếng Việt chỉ đơn giản phản
ánh đặc tính đó. Con phải là con, cháu phải là cháu, không thể đánh đồng
hoàng tôn với
hoàng tử,
hoàng tử với
vương tử.
Thêm nữa, vấn đề chưa dừng ở chỗ này, vì ngoài nghĩa là con cháu, họ
hàng của vương hay
đế, chính chữ
prince cũng có thể là
vương, hoặc
tiểu vương, đây là nghĩa
trong Il Principe (Quân
Vương) của Machiavelli. Nước do một
prince đứng đầu gọi là
principality, một từ hay bị
dịch sai trong tiếng Việt, chẳng hạn
Principality of Monaco dịch
là Công Quốc Monaco.
Vì sao sai? Vì đế quốc
(empire) do một hoàng đế đứng
đầu, vương quốc (kingdom) do
một quốc vương đứng đầu, thì
công quốc (duchy) phải do một
công (duke) đứng đầu, chứ sao
lại prince? Hiện nay trên thế
giới chỉ còn một công quốc duy nhất là Đại Công Quốc Luxembourg (Grand
Duchy of Luxembourg) mà thôi.
Principality đứng giữa duchy
và kingdom, nên có thể dịch
là tiểu vương quốc.
Chưa hết, nói tới công quốc,
con trai của vị công tước/công
quân đứng đầu một công quốc
cũng gọi là prince.
Prince trong trường hợp ấy
phải dịch là công tử, rồi con
công tử là
công tôn, vv…
Chữ prince phức tạp là thế.
Ngay khi chỉ về một người duy nhất, nó cũng có thể mang hai nghĩa khác
nhau. Ví dụ, nghe Prince Charles,
Prince of Wales, các bạn có nghĩ chữ
prince đầu tiên khác với chữ
prince thứ hai không? Có đấy,
chữ prince đầu tiên chỉ địa
vị hoàng tử, con trai nữ hoàng Elizabeth II, còn chữ thứ hai là vương
hiệu. Prince of Wales nghĩa là Wales Vương. Nếu thấy chữ Wales Vương
không xuôi tai, thì đổi thành Thân Vương xứ Wales, hoặc phiên Hán Việt
thành Uy Nhĩ Sĩ Vương là xuôi ngay.
Tóm lại, nghề chơi nào cũng lắm công phu, dịch thuật không là ngoại lệ.
Nếu dịch thế nào cũng được, thì gặp chữ
prince cứ phang
hoàng tử là xong, còn dịch có
tâm một chút, ắt phải…lên bờ xuống ruộng!
Nguyễn Minh
Adelaide, tháng 7, 2019
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 14-7-19 |