Luận Về Giáo Dục Làm Người

Nguyễn Minh Đào

Tôi từng học trường làng đến trường quận thời Pháp thuộc và có vài năm làm giáo viên trường làng sau năm 1954 ở quê tôi. Với trải nghiệm về giáo dục, tôi có đôi điều lạm bàn về nền giáo dục nước nhà.

Trước chiến tranh đời sống văn hóa, tinh thần của dân ta chịu ảnh hưởng nền giáo dục Nho giáo và truyền thống đánh giặc cứu nước của Tổ tiên. Ông cha ta dạy con cháu làm người phải sống có nghĩa có nhân, phải biết yêu nước thương nòi, quí trọng cỏ cây sông nước… từ những bài học vở lòng trong sách giáo khoa như: “Con ơi muốn nên thân người/Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha/…; Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/…”; hay: “Thương người như thể thương thân/Thấy người hoạn nạn thì thương/Thấy người tàn tật lại càng trông nom/… hay dạy những điều thiết thực dể hiểu, dể nhớ như bài tập đọc lớp 4 dưới đây:

“Tập đọc

“2.- NGOÀI ĐƯỜNG

“1.- Con ơi! ở ngoài đường là nơi công chúng qua lại, con có bổn phận phải giử gìn cử chỉ cho được đúng đắn.

“2.- Con nên nhớ khi gặp những người già nua, nghèo khó, những đàn bà ôm dắt trẻ thơ, những người đầu tang tóc rối, con phải nhường bước. Đứa trẻ kia đứng khóc một mình, con chạy lại hỏi han, dổ dành, hoặc chỉ bảo. Cụ già nọ đánh rơi gậy, con lại nhặt giúp. Gặp trẻ con cải nhau, con đứng lại can ngăn. Gặp người lớn đánh nhau, con hãy tránh xa. Khi có đám ma đi qua, đừng cười nói với bạn con nữa, hãy ngã mũ chào người quá cố. Có ai hỏi thăm đường, con phải trả lời cho có lể phép. Đừng chạy nhảy nô đùa, phải giử luật đi đường.

“3.- Con nên nhớ rằng chỉ liếc mắt trông qua cử chỉ của dân chúng ngoài đường, là người ta có thể xét đoán được trình độ giáo dục của cả một dân tộc.

“Theo Hà Mai Anh

Trong hai cuộc kháng chiến trước đây, tôi sống nhiều năm trong vùng giải phóng còn gọi là vùng tự do, do Nông hội – đoàn thể của nông dân tự quản mọi mặt đời sống xã hội như chánh quyền ngày nay. Người dân phần lớn nghèo khó thiếu thốn mọi thứ, nhưng thương yêu đùm bọc, tin cậy nhau trong tình làng nghĩa xóm, nhà không đóng cửa, ngoài đường không mất của rơi…

Đời sống xã hội lành mạnh trong vùng giải phóng ngày xưa thoát thai từ nền giáo dục coi trọng giáo dục làm người, lấy nhân nghĩa lễ tiết làm đầu như câu “Tiên học lể - Hậu học văn” treo trang trọng trong các trường phổ thông tôi học ngày xưa, càng củng cố niềm tin trong tôi sau khi kháng chiến thắng lợi, nước nhà hòa bình, đồng bào ta nhất định được sống ấm no hạnh phúc trong một xã hội mới tươi đẹp. Thế nhưng, đời sống xã hội nước ta ngày càng bất an, tội ác lộng hành, đạo đức suy đồi, những giá trị truyền thống gia đình Việt Nam bị hủy hoại, lòng người phân rẽ! Tôi tự hỏi vì sao dưới sự lãnh đạo, quản lý một hệ thống chánh trị đồ sộ từ trung ương đến cơ sở và thường phát động, tổ chức những “cuộc vận động”, những “phong trào quần chúng”… mà đời sống xã hội nước ta lại thế?!

Mới đây, tại thành phố Hồ Chí Minh xãy ra vụ em bé 8 tuổi bị mẹ ghẻ bạo hành đến chết, cha ruột của bé đồng lõa người tình hãm hại con mình. Vụ việc xãy ra trong chung cư cao cấp một thời gian, các hộ dân cùng chung cư hay biết nhưng không can ngăn! Đây quả là tột cùng của tội ác “Trời không dung đất không tha”, chánh quyền đang xử lý chuyện đã rồi! Ôi! Tội ác nối tiếp tội ác xãy ra nhan nhãn hàng ngày trên đất nước ta!

Câu nói “Con người là thực thể và là chủ thể xã hội” quả không sai, bởi vì ai cũng biết mọi hoạt động xã hội xưa nay là do con người. Như vậy, tình trạng xã hội bất an, đạo đức suy đồi... bắt nguồn từ “lổ hỏng” của nền giáo dục chưa thật sự coi trọng giáo dục làm người!

Dân ta có câu “Dạy con dạy thuở còn thơ…”. Cha mẹ muốn con nên người phải chăm lo dạy dổ từ tuổi còn thơ đến khi cấp sách đến trường và trưởng thành vào đời. Đó là nói chuyện gia đình. Suy rộng ra đối với một dân tộc cũng vậy, muốn dân tộc cường thịnh, xã hội lành mạnh phải lấy giáo dục đạo đức nhân cách làm đầu, từ khi con người ở tuổi còn thơ. Thế nhưng, nền giáo dục nước nhà nhiều năm trong chiến tranh bị “chánh trị hóa”, xem nhẹ giáo dục làm người. Sau chiến tranh, đến nay đã bao lần thực hiện cải cách giáo dục, bao lần lấy thế hệ trẻ làm “con chuột bạch thí nghiệm”. Thế nhưng càng cải cách, đồ thị giá trị nền giáo dục Việt Nam càng đi xuống, người dân mất niềm tin đưa con cháu “tị nạn giáo dục” nước ngoài!

Hiện nay, đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng, trong đó nền giáo dục lạc hậu đã góp phần không nhỏ vào những căn nguyên làm cho xã hội không phát triển. Từ các cấp lãnh đạo cho đến thường dân, ai ai cũng nhìn thấy rõ nền giáo dục Viẹt Nam đang đi vào ngõ cụt! Chính thời ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng đã phải thốt lên rằng: “Giáo dục không đổi mới thì chết!”.

Nhưng đổi mới như thế nào? Tôi thấy thực trạng nền giáo dục nước nhà như con bệnh trầm kha, Ban lãnh đạo cấp cao đất nước và các nhà lãnh đạo, quản lý vĩ mô nền giáo dục chưa chẩn đoán đúng căn nguyên gốc rể con bệnh, mà chỉ thấy cái ngọn với những hiện tượng phơi bày trong đời sống xã hội, nên tôi nghĩ khó tìm ra giải pháp thích ứng đổi mới có hiệu quả.

Tôi có đọc một bài viết nói về triết lý giáo dục của Mỹ và Nhật, xem giáo dục làm người là nhân tố hàng đầu mới có nước Mỹ, nước Nhật cường thịnh, xã hội an lành. Được biết, ở nước ta giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – người chủ trì Dự án đổi mới giáo dục hệ phổ thông từ nguồn vốn vay nước ngoài gần 80 triệu đô la, ông Thuyết nói “Triết lý giáo dục Việt Nam là “Thực học – Thực nghiệm và bảo đảm tính dân chủ”.

Ôi! Câu nói của ông giáo sư Thuyết như từ trên trời rơi xuống, xa lạ hiện trạng nền giáo dục nước nhà, khiến cho tôi thất vọng về tầm nhìn của vị giáo sư nổi tiếng này và càng làm cho tôi thất vọng về tương lai nền giáo dục đất nước đang chệch hướng không biết đi về đâu?!

Long Xuyên, ngày 31 tháng 12 năm 2021

N.M.Đ

 Tác giả gởi cho viet-studies ngày 1-1-2022