Hãy thay đổi quan điểm lịch sử,
Sông Hồng là trung tâm
Nguyễn Khoa Một
quyển sách của một nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Việt đang được đánh giá
rất cao tại Việt Nam, đó là quyển Nguồn gốc và hình thành giọng Quảng
Nam (Quang Nam phonology & sound change through contact), của tác
giả Andrea Hoa Pham, từ trường Đại học Florida. Tác
giả là một nhà nghiên cứu ngữ âm lâu năm tại Mỹ. Điểm
quan trọng nhất của nội dung quyển sách là: giọng Quảng Nam được hình
thành do sự trộn lẫn giữa giọng Thanh Hóa và Nghệ An, rồi biến đổi mà
thành, chứ không phải do sự tiếp xúc với ngôn ngữ người Chàm
(Chiêm Thành, Champa) mà ra. Như
vậy quyển sách này phủ định kết luận từ quyển sách khác cách đây hơn 10
năm, là quyển Có 500 năm như thế, của tác giả Hồ Trung Tú. Ông Hồ
Trung Tú cho rằng tiếng nói vùng Quảng Nam chính là do tiếng Chàm ở địa
phương mà ra. Cả
trong hai quyển sách, các tác giả đều có đưa nhiều “bằng chứng” về ngôn
ngữ, về biến âm. Cả hai đều có thực hiện những khảo sát trên thực tế, và
cả hai đều là dân Quảng Nam. Kể
ra cũng rất khó mà nói rằng một cách phát âm hiện nay từ đâu mà ra, sau
hàng mấy trăm năm, nhất là trong tình trạng chiến tranh chinh phục của
Đại Việt đối với Champa. Vì thế, ít hay nhiều những kết luận về nghiên
cứu như vậy sẽ mang rất nhiều chủ quan, quan điểm, chứ không phải là
thực chứng như những số đo đồng vị phóng xạ tại các điểm khảo cổ.
Nhưng điều tôi muốn nêu lên trong bài viết ngắn này là quan điểm về lịch
sử của nhà nước Việt Nam cộng sản nói chung, mà trong đó quyển sách của
Andrea Hoa Pham may mắn rơi vào và được đánh giá cao, không giống như
tác phẩm của Hồ Trung Tú cách đó hơn 10 năm, tuy cũng được đánh giá cao,
nhưng chỉ ở mức độ địa phương. Đài
truyền hình trung ương của nhà nước Việt Nam đánh giá quyển Nguồn gốc
và hình thành giọng Quảng Nam của Andrea Hoa Pham như sau: “Sách
nhận được sự đánh giá cao từ giới học thuật bởi những giá trị về phương
diện nghiên cứu ngôn ngữ học lẫn lịch sử dân tộc học ở Việt Nam”. Qua
những cuốn sử biên niên mà nhà nước cộng sản Việt Nam soạn từ trước đến
nay, và dùng chúng trong các trường học, ta thấy rất rõ các nhà sử học
Việt Nam dựa trên 1 nguyên tắc bất di bất dịch, đó là lịch sử Việt
Nam hiện nay là sự phát triển từ nền văn minh Sông Hồng
(miền Bắc hiện nay), tuy rằng cái nước Việt Nam hiện nay
đó là sự cộng chung của Sông Hồng với hai vương quốc oanh liệt
một thời là Champa (miền Trung hiện nay) và Phù Nam-Chân Lạp (miền Nam
hiện nay). Rất
khó mà bác bỏ được lịch sử hàng trăm năm của hai vương quốc Champa và
Phù Nam, trước khi những cư dân trên hai mảnh đất đó nói tiếng Việt như
chúng ta hiện nay. Ấy
vậy mà hầu như không có bao nhiêu kiến thức lịch sử về hai vương quốc
này được giảng dạy cho người Việt Nam hiện nay. Dường như đã có
một số sử gia Việt Nam hiện nay toan tính đưa lịch sử của hai vương quốc
này vào các cuốn biên niên sử Việt Nam, nhưng không thấy có kết quả gì,
cho đến hiện nay. Câu
hỏi rất dễ đặt ra từ những người quan tâm tới lịch sử: dân chúng Champa
và Phù Nam-Chân Lạp, cùng ngôn ngữ của họ, đi đâu mất cả rồi? Chỉ
có hai cách trả lời, dựa trên quan điểm Sông Hồng là trung tâm:
Những người Champa và Phù Nam-Chân Lạp đã bị diệt chủng, hoặc là họ đã
bị đồng hóa. Cả
hai câu trả lời đều không phù hợp với gương mặt hiếu hòa của dân tộc
Việt Nam, mà Đảng Cộng sản mong muốn trình bày.
Thuật ngữ Nam tiến hầu như không thấy trong các sách của
những sử gia cộng sản, vì nó hàm ý một cuộc chinh phục, một cuộc xâm
lược. Cần
ghi nhận một điều là các nhà sử học cộng sản Việt Nam luôn nhấn mạnh đến
yếu tố bản địa. Họ chỉ trích rất mạnh quan điểm cho rằng văn hóa
đồng thau Đông Sơn có chịu ảnh hưởng từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam hiện
nay. Chúng ta cũng thường
thấy trong các sách lịch sử Việt Nam, người ta hay nói đến sự gìn giữ
bản sắc dân tộc, sự duy trì ngôn ngữ tiếng Việt, sau cả ngàn năm Bắc
thuộc. Các nhà sử học cộng sản không cho rằng triều đại Triệu Đà là một
phần của lịch sử Việt Nam, họ cũng không cho những công việc của các
thái thú người Hoa Hạ như Tích Quang và Nhâm Diên, liên quan đến ngôn
ngữ, văn hóa,… là quan trọng. Thế
nhưng, như là một sự mặc định, lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ của Champa và
Phù Nam-Chân Lạp lại gần như bị phủ định trong lịch sử chính thống của
Việt Nam hiện nay. Như
vậy khi viết sử, những người cộng sản chọn lọc theo kiểu tiêu chuẩn kép.
Một mặt khi nói về những gì liên quan đến thế giới Trung Hoa ở phương
Bắc, họ nhấn mạnh đến yếu tố bản địa của Việt Nam hiện nay, mặt
khác khi liên quan đến phương Nam, đến hai vương quốc Champa và Phù
Nam-Chân Lạp, họ quên mất bản địa, mà cũng không nói đến Nam tiến, cứ
như người Việt… từ trên trời rơi xuống ở hai vùng đất này. Tính
chất tiêu chuẩn kép cũng thể hiện rõ khi ta so sánh với cách trình bày
sử thế giới của họ. Sử sách Việt Nam chỉ trích quan điểm “khám phá Tân
thế giới của Christopher Columbus”, vì trước khi ông này đến châu Mỹ, đã
có người da đỏ ở đó rồi. Điều
này đúng hoàn toàn. Thế nhưng người Chàm và
Khmer ở đâu trong các cuốn biên niên sử Việt Nam hiện nay? Nói
cho công bằng, quan điểm Sông Hồng là trung tâm không phải chỉ có
ở những sử gia Việt Nam cộng sản, trong các quyển sử Việt Nam Cộng hòa
trước kia, cũng như thế. Trong những năm cuối của Việt Nam Cộng hòa, có
những quan điểm bắt đầu khác, như ông Bình Nguyên Lộc, nêu ra quan hệ
dân tộc, ngôn ngữ rất mạnh giữa người Việt ngày xưa, và các dân tộc
không nói tiếng Việt như Chàm, Mã Lai, Khmer,… (Nguồn gốc Mã Lai của
dân tộc Việt Nam). Nhưng những cách tiếp cận mới này vẫn còn nằm ở
ngoại vi, không phải là dòng chính của lịch sử Việt Nam thời Việt Nam
Cộng hòa. Theo
quan điểm của tôi, cách nhìn lịch sử Sông Hồng là trung tâm này,
của những sử gia cộng sản nói riêng, người Việt nói chung, là một cái
nhìn dân tộc chủ nghĩa rất đậm, nếu không nói là có tính chất Sô Vanh
(Chauvinism), và mang cả một mô hình “Trung Hoa” trong đó. Ở đây “Trung
Nguyên” được thay bằng “Văn minh Sông Hồng”. Sự
phủ nhận tính chất bản địa Chàm trong sách của Andrea Hoa Pham,
rơi đúng vào mô hình Sông Hồng là trung tâm này. Tôi
sẽ không dám nói gì về tính chính xác của những căn cứ ngữ âm học của
tác giả, nhưng tôi nghĩ rằng không gian vật chất và văn hóa vùng Quảng
Nam ngày nay, trước khi nó là Quảng Nam, là không hề nhỏ. Các kinh đô
Indrapura (Đồng Dương), Simhapura (Trà Kiệu) vang bóng một thời, không
thể biến thành những phế tích mà không để lại một mảnh linh hồn nào. Cả
ngàn năm sau khi Hán Vũ đế bình định miền Lĩnh Nam, người Quảng Đông và
người Bắc Kinh vẫn không thể hoàn toàn toàn hiểu nhau được. Nói
như quan điểm về lịch sử của những người cấp tiến ở Mỹ: Nếu đọc lịch sử
chỉ thấy tự hào, thì đấy chỉ là tuyên truyền. Lịch sử thật sự có nhiều
đau khổ, tổn thương và xấu xí. Nếu
thật sự Indrapura và Simhapura biến mất cả linh hồn, thì ắt hẳn đã xảy
ra một cuộc diệt chủng, đồng hóa rất khủng khiếp. Tôi
viết những dòng này vài giờ đồng hồ sau khi Đức giáo hoàng Francisco
tuyên bố rằng câu chuyện các trường nội trú Công giáo ở Canada, nơi hành
hạ và đồng hóa trẻ em da đỏ ở thế kỷ 19, đầu 20, là một cuộc diệt chủng.
|