Vài lời đáp lại ông Boristo Nguyen(1)

 

Nguyễn Huệ Chi

 

Tôi rất khâm phục ông thưa ông Boristo Nguyen, trong việc ông chuẩn bị rất bài bản bài viết này để hạ nhục tôi sát đất, bằng nhiều cách khôn khéo. Chẳng hạn ngay mở đầu ông đã trình ra mấy lời tôi “tự khoe khoang” làm độc giả mất cảm tình, mà mấy lời đó chỉ là phản ứng tức thời của tôi viết trên Facebook của ông Sơn Kiều Mai nhằm chống lại dụng tâm của ông Sơn Kiều Mai mượn miệng ông Nguyễn Văn Hoàn (không biết thật hay giả) nói những lời mạt sát tôi về tư cách nhà nghiên cứu. Tiếp đó ông trưng một cái hình mập mờ về bản khai lý lịch khoa học của tôi (nhưng lại cố tình ghi ở dưới là bút tích cụ Đào Phương Bình), để bạn đọc nhìn vào tưởng nhầm rằng mấy lời trên là ông trích từ lý lịch tự khai của cá nhân tôi, nhưng do cụ Đào Phương Bình sao chép (nghĩa là bảo đảm rất thật). Lắp hai mảnh ghép khác nhau lại như thế, nếu không phải là khôn khéo thì còn gì nữa, bởi những ai đã đọc vào bài ông đều đinh ninh rằng đấy là lời khai trong lý lịch, thì còn ai chịu đọc tiếp cái chú thích vắn tắt của ông ở dưới bài để hiểu cho được nguyên ủy vì sao tôi lại tự khoe mình với một người mà mình chưa bao giờ quen biết như ông Sơn Kiều Mai. Vâng, nếu quả tôi là con người kiêu căng, hợm hĩnh, thích huênh hoang trước mọi người kiểu ấy, thì ông làm như thế có thể nói là đạt rồi đấy. Tiếc thay tôi lại không phải là người như ông hình dung. Ông cứ tìm hiểu những ai từng quen biết tôi mà xem. Tôi nghĩ, nên xem xét người khác một cách cầu thị hơn và không định kiến, không cố ý tách câu này chữ nọ ra khỏi văn cảnh để đánh vào tâm lý người đọc, thì mới tìm ra sự thật, đó là điều cần cho con người nhân văn trong thế giới hôm nay.

 

Ông lại có đưa những lời của GS Nguyễn Đình Chú viết trên talawas nhiều năm trước để làm dẫn chứng tiếp về sự lúng túng chịu trận của tôi trước một chân lý khó chối cãi là cụ Nguyễn Đức Vân và cụ Đào Phương Bình là hai người khởi thảo bản dịch thơ văn Lý-Trần đầu tiên và tất nhiên đóng một vai trò đi đầu rất quan trọng trong bộ sách Thơ văn Lý-Trần. Tôi đã quyết không trả lời GS Chú ngay lúc ông ấy vừa đăng, dù rằng cô Phạm Thị Hoài và một số bạn bè đã rất muốn tôi trả lời. Xác nhận vị trí của hai dịch giả tiền bối thì đó là điều đã hiển nhiên trong cả 3 tập của bộ sách. Trong tập I, ngoài việc ghi tên hai cụ vào “nhóm biên soạn”, Lời nói đầu cũng viết những dòng rất đúng đắn về công lao của hai cụ mà GS Nguyễn Đình Chú đã trích dẫn. Trong Tập III, tuy không viết vào Lời dẫn (tức lời nói đầu) nhưng tên hai cụ vẫn được ghi theo trình tự a, b, c trong “nhóm biên soạn”. Còn trong Tập II Quyển Thượng, tên hai cụ được ghi ở trang nhất trong “nhóm dịch thơ” mà không ghi ở trang hai, “nhóm soạn thảo”, bởi khi Hội đồng duyệt bộ sách gồm 13 thành viên họp và bỏ phiếu, có một thành viên trong Viện phát biểu rằng đặt như thế không trang trọng và cũng không đúng với thực tế, vì hai cụ là thế hệ làm trước, ở bản thảo đầu tiên, nay đã là bản thảo làm đi làm lại đến lần thứ mấy rồi. Vì thế thay cho việc đó, Lời nói đầu Tập II Quyển Thượng đã viết rõ như sau:

 

“Cũng như đối với các tập I và III, ở [Tập II] Quyển [Thượng] này tập thể soạn giả vẫn tích cực kế thừa các bản tuyển dịch thơ văn Lý-Trần do các nhà Hán học, nhà nghiên cứu, nhà thơ, như ĐINH VĂN CHẤP, NGÔ TẤT TỐ, NGUYỄN ĐỔNG CHI, NGUYỄN HỮU TIẾN, NGUYỄN LỢI, NGUYỄN TRỌNG THUẬT… đã làm từ trước Cách mạng, cũng như hai cụ NGUYỄN ĐỨC VÂN và ĐÀO PHƯƠNG BÌNH đã làm vài chục năm nay. Và trong quá trình biên soạn, ở mọi khâu công việc lớn hay nhỏ, đều có sự giúp đỡ, cộng tác mật thiết của các cụ, các đồng chí Trần Lê Văn, Đào Duy Anh, Lê Tư Lành, Khương Hữu Dụng, Trần Nghĩa, Nguyễn Cẩm Thúy, Tảo Trang, Phan Đại Doãn, Lê Hữu Nhiệm, Nguyễn Văn Lãng, Hoàng Lê, Ngô Thế Long, Nguyễn Văn Phát… Xin ghi nhận ở đây tình cảm biết ơn chân thành của tập thể soạn giả và của Viện chúng tôi” (tr. 9).

 

 

 

Hình chụp trang 9, Tập II Quyển Thượng

 

Đọc đi đọc lại Lời nói đầu Tập II Quyển Thượng này, tôi thấy viết như thế là tương đối nghiêm chỉnh, đặt hai cụ vào giữa lớp dịch giả tiền bối và lớp hiện tại là xác đáng, và không chỉ coi trọng các bậc tiền bối và hai cụ mà cũng không bỏ sót bất cứ ai chúng tôi đã từng tham vấn dù chỉ một điển cố hay một chữ, kể cả với các bạn ở nhóm Lý-Trần 2 như Trần Nghĩa, hoặc các bạn trước ở trong cùng nhóm biên soạn với mình mà lúc này đã đi sang cơ quan khác. Tất nhiên khi GS Nguyễn Đình Chú có ý không hài lòng về tên nhạc phụ của ông không có trong những người soạn thảo thì tôi đã cân nhắc lại, nhận lỗi mình sơ suất và hứa rằng nếu tái bản tôi và anh chị em lại sẽ đưa tên hai cụ vào vị trí đó, mặc dù thật ra như trên cũng đã đủ.

 

Tôi biết trả lời chừng ấy ông Boristo vẫn không đời nào thỏa mãn, vì ông coi bộ sách là một “đại án văn chương của thế kỷ XX” kia. Sau việc hạ nhục tôi về nhân cách thì đây mới là mục tiêu chính của ông. Ông có ý đổ riệt cho tôi cái tội tiếm danh, xóa tên hai cụ đi để bộ sách nghiễm nhiên là sách của tôi. Ừ thì cứ cho là tôi có ý đồ như vậy, nhưng đây có phải sách của riêng tôi đâu. Chúng tôi là hai nhóm biên soạn Thơ văn Lý-Trần được đích thân Viện trưởng ký quyết định thành lập, nằm trong Tổ văn học Cổ cận đại lúc bấy giờ, nếu tôi xóa tên hai cụ đi để nổi danh một mình thì vẫn còn 12 người nữa, biết xóa làm sao được? Vì vậy, phải trở lại một chút lý do vì sao thay vì một việc nhẹ nhàng hơn là đưa ngay bản thảo của hai cụ ra xuất bản, Viện lại phải tổ chức ra hai nhóm Lý-Trần trong khoảng 1968-1970 làm gì cho thêm rắc rối (làm mệt lũ trẻ chúng tôi và vô tình lại sinh chuyện về sau). Muốn thế, thì cần trích tiếp một đoạn trong Lời nói đầu Tập I, tiếp theo đoạn mà GS Nguyễn Đình Chú đã trích, mới giúp sáng tỏ thêm ít nhiều. Đoạn đó như sau:     

   

“Đến năm 1965 thì việc sưu tập cũng như việc phiên dịch [của hai cụ] bước đầu đã hoàn thành. Nhưng cũng vào thời gian đó, giặc Mỹ gây chiến tranh phá hoại trên miền Bắc. Các thư viện lớn đều đi sơ tán. Bộ phận Hán học của Viện lúc này tập trung vào nhiệm vụ đào tạo một lớp cán bộ Hán học trẻ tuổi. Công tác biên soạn đành tạm thời gác lại. Phải đến cuối năm 1968, vấn đề thơ văn Lý-Trần mới lại được tiếp tục đề ra. Do yêu cầu mới của công tác nghiên cứu, lúc bấy giờ, Viện nhận thấy cần đặt lại một cách hệ thống và toàn diện hơn việc khai thác di sản văn học Lý-Trần, tiếp tục tìm tòi bổ sung những tài liệu mới, cũng như đối chiếu, tra cứu lại tất cả những văn bản trước đây đã tuyển lựa. Có thế mới hy vọng cung cấp cho bạn đọc một tập tài liệu không đến nỗi quá tản mạn, nghèo nàn [HC nhấn mạnh].

 

“Từ yêu cầu nói trên, trong khoảng 1969-1970, hai nhóm biên soạn thơ văn Lý-Trần đã được thành lập. Nhóm 1 gồm các đồng chí Nguyễn Huệ Chi (nhóm trưởng), Đỗ Văn Hỷ, Trần Thị Băng Thanh, Hoàng Lê, Phạm Tú Châu, Ngô Thế Long, Nguyễn Văn Phát. Nhóm II gồm các đồng chí Trần Nghĩa (nhóm trưởng), Trần Lê Sáng, Tiên Sơn, Phạm Đức Duật, Đào Thái Tôn. Cả hai nhóm đã kế thừa bản thảo của các vị túc nho làm từ trước, khảo đính lại văn bản và phiên dịch tiếp những phần chưa dịch, đồng thời đi về các địa phương còn khả năng lưu trữ tài liệu Lý-Trần để tìm kiếm; nhờ đó đã kịp thời phát hiện được một số trường hợp sai dị hoặc lầm lẫn về tác giả tác phẩm vốn bắt nguồn trong các sách vở cũ, cũng như đã tìm thêm được ít nhiều văn bia, thư tín, thơ, phú có giá trị nằm lẫn lộn đó đây, chưa kịp sao chép, sưu tầm. Và cũng do vậy, bản thảo bộ sách lại phải kéo dài thêm một thời gian, cho đến hết năm 1974 mới tạm gọi là xong” (tr. 8).

 

Nói cho đúng, tập bản thảo này đã được Viện mời nhà thơ Nam Trân, Trưởng phòng Tư liệu và Thư viện, đứng ra chỉnh lý, nhưng ông chỉ mới dịch và sửa được hơn vài chục bài thì năm 1967 bị bạo bệnh qua đời. Lúc đầu GS Đặng Thai Mai quyết định chỉ thành lập một nhóm biên soạn thơ văn Lý-Trần do tôi làm nhóm trưởng. Tuy nhiên, sau hai năm đi điều tra điền dã cũng như tiến hành đọc sách trong Thư viện Khoa học, chúng tôi bị ngốt bởi một đống tư liệu quá bề bộn, thấy không thể nào kham nổi, bèn đề xuất lên Viện và được Viện trưởng cho lập thêm một nhóm thứ hai, nhận một phần bản thảo (Tập III) nhằm chia sẻ gánh nặng với chúng tôi. Mặt khác, nói là “năm 1974 mới tạm gọi là xong” nhưng trên thực tế thì năm đó chỉ mới xong Tập I (nhóm 1) và đưa duyệt được một phần Tập II và Tập III. Phải đến 1978 mới xong Tập III (nhóm 2), và mãi đến 1989 mới xong Tập II (nhóm 1). Và vì càng làm thì việc càng đẻ ra, văn bản càng phát hiện thêm nhiều nên lại nẩy sinh thêm một tập nữa, đành phải đổi Tập II thành Tập II Quyển Thượng để còn có tiếp Tập II Quyển Hạ. Mãi cho đến tận lúc tôi về hưu (2005) Quyển Hạ này mới duyệt trọn vẹn nhưng tôi đã kiên trì không cho in vì những mắc míu trong sắp xếp: có 21 bài thơ của Phạm Nhữ Dực (đều nằm chung trong Toàn Việt thi lục) không hiểu sao các cụ lại bỏ lại không dịch, lẽ ra đã phải đặt vào Tập III (in năm 1978). Có nhiều văn bia thời Lý và thịnh Trần nay mới phát hiện, lẽ ra đã phải đưa vào Tập I (in năm 1977) và Tập II Quyển Thượng (in năm 1989). Có tác giả Nguyễn Trung Ngạn với Giới Hiên thi tập phải loại bỏ đi hơn một phần ba vì đều là thơ của thế kỷ XVIII lẫn vào, phần còn lại cũng thuộc về Tập II Quyển Thượng. Có những tác giả như Trần Ích Tắc, Lê Trắc đều là “tội đồ của xã tắc” có nên đưa vào không, đưa thế nào cho thỏa đáng, mà chắc chắn cũng phải đặt vào Tập II Quyển Thượng vì họ sống cùng thời với thế hệ kháng Nguyên. Vân vân… Nếu nay cứ dồn tất cả vào Tập II Quyển Hạ thì trình tự khoa học bị phá vỡ mất còn gì.

 

Hãy đặt một vài câu hỏi để ông Boristo rõ: Ví thử cả hai nhóm biên soạn được thừa kế sẵn một tập bản thảo đã thật hoàn chỉnh thì công việc đâu phải kéo ra lâu như đã thấy, nhiều lắm in xong toàn bộ cũng chỉ một hai năm là cùng. Và nếu định tiếm danh thì làm theo cách in mau có ngay sản phẩm có khỏe hơn mà danh cũng dễ kiếm hơn không? Đằng này mỗi tập phải kéo dài trên dưới 10 năm, riêng nhóm chúng tôi thì kéo cho đến hết cuộc đời nghiên cứu, như thế là khổ nạn chứ danh đâu ở đó?

 

Mượn ý GS Chú, ông Boris Nguyen cho rằng với cái vốn 3 năm Trung văn tôi làm gì dịch được chữ Hán nếu không thừa hưởng thành quả của các cụ. Xin thưa, thừa kế những gì các cụ để lại là việc không có gì phải xấu hổ mà chối bỏ, nhưng nói rằng tôi chỉ có cái vốn 3 năm Trung văn thì nhầm. Tôi không trả lời GS Chú cũng vì nghĩ việc trả lời là thừa. Khi vào Khoa Ngữ văn ĐHTH năm 1956 tôi đã được học chuyên Trung văn suốt 3 năm. Tôi còn được học chữ Hán với thân phụ mình ở nhà. Vì thế vừa về Viện tôi đã được ông Trần Thanh Mại là Tổ trưởng giao cho đi sưu tầm và chép lại toàn bộ tài liệu chữ Hán về Nguyễn Trãi trong Thư viện Khoa học để nhờ cụ Nguyễn Văn Huyến dịch, sau đó biên soạn cuốn Mấy vấn đề về sự nghiệp và thơ văn Nguyễn Trãi xuất bản năm 1963, có phần so sánh giữa Việt sử thông giám cương mụcĐại Việt sử ký toàn thư (cuốn sau bấy giờ chưa dịch) của tôi. Sau khi tốt nghiệp thêm Đại học Hán học 4 năm (1972) chúng tôi đều đọc và dịch được chữ Hán cổ, tất nhiên là còn phải học hỏi rất nhiều mới mong theo chân các cụ.

 

Bây giờ xin nói vào vấn đề then chốt nhất mà ông Boristo Nguyen mong đợi: lại cũng cứ coi như tôi cố tình xóa tên các cụ để thay tên mình vào các bài thơ các cụ dịch, nếu đúng thế thì tôi dám nhận ngay. Khốn nỗi tôi lại là người kỹ tính đến độ một bài thơ do mình dịch ra bao giờ cũng nâng lên đặt xuống, xóa đi dịch lại nhiều lần. Phải hơi kỳ khu trong dùng chữ, phải hiện đại một chút trong biểu đạt mới chịu. Ông biết đấy, chỉ một việc dịch thơ đã làm khổ tôi đến thế thì đi nhận xằng những bài dịch mộc mạc chân chất của người sẽ còn khổ tôi đến thế nào(2). Huống nữa bộ sách là một công trình tập thể, lại do hai nhóm khác nhau phụ trách, chẳng lẽ tôi làm việc “chiếm đoạt” mà các bạn đồng nghiệp không biết, hay là các bạn đồng nghiệp của tôi cũng đều ngấm ngầm thông đồng với tôi? Cấu trúc Tập I chủ yếu là do chúng tôi dựng lên chứ các cụ không có thêm các triều đại trước đời Lý, nên hãy tạm để sau. Cụ thể ở Tập II Quyển Thượng, không nói những bài thơ đứng riêng, tôi chủ yếu nhận dịch tác phẩm Thượng sĩ ngữ lục chung với anh Đỗ Văn Hỷ, thì tác phẩm này bấy giờ các cụ đều chưa biết hoặc chưa coi trọng, bởi tác giả Trần Tung chưa ai biết tên. Cho nên chỉ có 4 bài thơ dịch của cụ Đào Phương Bình mà cụ tưởng đó là của Trần Quốc Tảng nên chỉ chọn có thế – là những bài thiên về cảm hứng nhàn của một nhà nho ảnh hưởng Lão Trang chứ không có một bài nào dịch phần thơ Thiền cả. Còn những cuốn danh tiếng hơn như Khóa hư lục, gồm 58 bài văn xen với thơ, thì tôi mời anh Đỗ Văn Hỷ và chị Trần Thị Băng Thanh đảm nhiệm. Nay nhìn vào thì thấy cụ Nguyễn Đức Vân có 6 bài dịch, cụ Đào Phương Bình 3 bài (trong đó có 1 bài gồm 4 bài gộp chung lại dưới một tiêu đề), ông Lê Hữu Nhiệm 3 bài (trong đó cũng có 1 bài gồm 40 bài tứ tuyệt gộp lại dưới một tiêu đề, dịch chung với Băng Thanh), Thiều Chửu 3 bài lấy từ bản dịch cũ, tôi dịch 1 bài và 1 bài dịch chung với Đỗ Văn Hỷ, còn lại đều là bản dịch của hai bạn Hỷ và Băng Thanh. Lại nữa, anh Hỷ là người có vốn Hán học uyên thâm nhất trong anh em, nên tôi mời anh dịch những tác phẩm dài và khó như văn bia. Soát kỹ lại phần văn bia khá phong phú ở cả hai tập thì thấy cụ Nguyễn Đức Vân chỉ dịch một bài văn bia Linh Xứng ca ngợi công lao Lý Thường Kiệt (mà anh Hỷ có xin chỉnh sửa lại cả văn và ý), là bài văn đã được GS Hoàng Xuân Hãn ca ngợi trong sách của ông; số còn lại phần lớn đều do anh Hỷ dịch. Tôi không tin có chuyện cụ Vân vốn dịch nhiều bài hơn mà anh Hỷ và chị Băng Thanh đã tự ý đoạt lấy rồi thay bằng tên của hai người. Chỉ có thể giải đáp là các cụ đã tuyển chọn khá ít văn học Phật giáo và rất ít văn bia. Các cụ không có điều kiện đi về địa phương để đọc văn bia. Còn chúng tôi thì đã về tận nơi có bia để dập bia và mang về dịch trực tiếp. Nhìn sang Tập III do nhóm anh Trần Nghĩa phụ trách cũng vậy. Cuốn Nam Ông mộng lục gồm 30 truyện, không thấy cụ Vân dịch bài nào mà chỉ một mình tên ký của anh Nghĩa. Anh Nghĩa đã làm cái việc soán danh chăng? Tôi tin chắc là không. Bởi vì cuốn Nguyễn Phi Khanh thi văn cũng trong tập ấy, tuyệt đại đa số do cụ Bình dịch, vẫn giữ nguyên tên dịch giả Đào Phương Bình.

 

Bên Tập III còn có một hiện tượng rất đáng chú ý: trong 415 đơn vị tác phẩm, thì có đến 145 đơn vị chỉ có dịch nghĩa, không có dịch thơ. Cụ Nguyễn Đức Vân dịch 26 bài ½ và cụ Đào Phương Bình dịch 86 bài ½ (chỉ những bài hai cụ ký tên chung mới tính mỗi cụ một nửa), cộng lại cũng chỉ mới có 113 bài thơ thôi. Nhóm dịch đã cố gắng dịch thêm và tìm kiếm thêm bản dịch cũ hoặc mời một vài người cùng dịch nhưng cũng chỉ thêm được 162 bài. Rõ ràng 145 bài để trống tức là 35% đơn vị tác phẩm của Tập III đã không có ai dịch ra thơ, tính từ thời các cụ cho đến thời anh em trẻ tiếp tục công việc. Nay nếu bỏ con số 162 bài thơ dịch của những người biên soạn sau ra ngoài, thì cái tỷ lệ không dịch thơ trong bản thảo của hai cụ tăng lên suýt soát 80%. Điều đó cho phép xác nhận ý kiến của tôi – mà ông Boristo Nguyen khăng khăng bác bỏ – là hoàn toàn có cơ sở: trong bản dịch thơ văn Lý-Trần do các cụ để lại, các cụ chú trọng dịch nghĩa là chính mà không dồn tâm sức nhiều vào dịch thơ. Các cụ chú trọng chọn thơ văn nhà nho qua các bộ tuyển tập theo con mắt Nho gia ở thế kỷ XV và thế kỷ XVIII (Toàn Việt thi lục), chứ không lưu ý mấy đến văn học phi Nho. Các cụ chỉ khoanh trong hai triều Lý và Trần, ngay thơ văn hai triều ấy, các cụ cũng làm tuyển mà không làm toàn bộ.

 

Trở lại Tập I và Tập II Quyển Thượng do tôi phụ trách. Sở dĩ bạn đọc không thấy để trống bài nào không dịch thơ hoặc văn biền ngẫu, không phải vì các cụ đã dịch hết những bài này mà chúng tôi cố tình chiếm lấy, mà chỉ đơn giản vì chúng tôi không chịu để bài nào trống. Chúng tôi cố gắng dịch và chỉnh sửa cho nhau để bài dịch đáp ứng được yêu cầu khắt khe mà chủ biên đòi hỏi. Chúng tôi còn tìm trong các dịch giả quá khứ, ai đã dịch được bài nào hay thì đều chọn lại. Như Ngô Tất Tố chọn 22 bài, Đinh Văn Chấp 7 bài, Cao Huy Giu 31 bài, Đồ Nam Tử 3 bài, Trần Trọng Kim 3 bài, Hoàng Xuân Hãn 2 bài, Đông Châu 1 bài, Trúc Thiên 8 bài, Nguyễn Đổng Chi 13 bài ½, Nguyễn Lợi 5 bài, Nhóm Lê Quý Đôn 6 bài, Phan Võ 3 bài, Hoa Bằng 3 bài, Trần Văn Giáp 2 bài, Lê Thước 1 bài, Đào Duy Anh 1 bài, Phạm Trọng Điềm 1 bài, Lê Tư Lành 1 bài, Hải Thạch 1 bài, Khương Hữu Dụng 1 bài, Bùi Văn Nguyên 1 bài, Trần Quốc Vượng 4 bài, Đinh Gia Khánh và Nguyễn Ngọc San 1 bài, Kiều Thu Hoạch 3 bài... Ngoài ra chúng tôi còn mời năm người là nhà thơ Trần Lê Văn dịch 23 bài, nhà thơ Hoàng Trung Thông 3 bài, nhà nho Lê Hữu Nhiệm 26 bài ½ , Trần Nghĩa 7 bài, Nguyễn Văn Lãng 2 bài. Lại thêm nhà thơ Nam Trân đã dịch 13 bài và sửa 9 bài, cả cụ Cao Xuân Huy trong khi duyệt cũng đã thuận tay chỉnh sửa và dịch lại 3 bài. Nhờ thế hai tập I và II trám được hết những bài chỉ có phần dịch nghĩa. Thử hỏi nếu các cụ Vân (dịch 20 bài) và Bình (dịch 37 bài) dịch được nhiều hơn con số ấy và đều là tuyệt phẩm cả, thì chúng tôi còn cần phải chọn thêm ở các dịch giả quá khứ và mời thêm người dịch hiện đại với số lượng bài dịch lớn như vậy làm gì? Phàm ăn cắp thì lo nuốt cho trôi chứ cần gì bày mâm bát.

 

Bổ sung cho điều vừa nói, một việc cuối cùng cũng cần nhắc cho phân minh và nhẹ lòng: GS Nguyễn Đình Chú trong bài viết trên talawas đã nhắc ở trên(3) cho rằng tôi có sửa lại và ký thêm tên vào một bài dịch của cụ Vân (đặt tên mình sau tên của cụ) là không làm cho bài đó hay hơn mà lại làm bài thơ dịch “hụt ý”. Bài của cụ dịch:

 

                                  Muôn duyên cắt đứt một thân nhàn, 

                                  Bốn chục năm dư những hão huyền.

                                  Nhắn nhủ người đời xin chớ hỏi,

                                  Bên kia trăng gió ấy vô biên.

                                                                      Nguyễn Ðức Vân dịch

 

Bài tôi sửa lại:

 

                                 Một thân nhàn nhã dứt muôn duyên,

                                 Hơn bốn mươi năm những hão huyền. 

                                 Nhắn bảo các người đừng gạn hỏi, 

                                 Bên kia trăng gió rộng vô biên.

                                            Nguyễn Ðức Vân và Nguyễn Huệ Chi dịch

 

GS Nguyễn Đình Chú bình: “Tôi chỉ nói qua thế này: pha chế lại như thế không thêm gì mà còn hụt đi đấy. Ở câu 3 làm mất cái nhã của lời thơ. Ở câu 4, đã "vô biên" thì sao lại còn phải "rộng". Trong khi "ấy vô biên" mới gây được ấn tượng đậm về sự vô biên, sự mênh mông chứ”. Vâng, tôi xin lắng nghe. Với tôi, sở dĩ phải chữa là vì bài dịch không đồng vần nên âm điệu câu thơ chưa nhịp nhàng lắm. Nguyên tắc căn bản mà tôi tuân thủ là chỗ ấy. Nhưng điều tôi muốn nói đến ở đây là: GS Chú chỉ mới tìm thấy bản thảo lần thứ nhất mà tôi chỉnh lý. Khi xem vào sách in (in 1989, trước bài viết của GS Chú 19 năm)(3), có một điều khác lạ đã xảy ra. Ở trang 648 Tập II Quyển Thượng, sách in như sau:

 

                                 Một thân nhàn nhã dứt muôn duyên,

                                 Hơn bốn mươi năm những hão huyền. 

                                 Nhắn bảo các người đừng gạn hỏi, 

                                 Bên kia trăng gió rộng vô biên.

                                                                 Theo Nguyễn Ðức Vân

 

Bản dịch đã chỉnh lý thì không khác. Chỉ khác là… cái tên Nguyễn Huệ Chi đã bị xóa đi, chỉ còn lại một mình tên Nguyễn Đức Vân. Trong khi dịch thơ văn Lý-Trần, chúng tôi thường chữa cho nhau hay chữa lại người khác theo đề nghị của người duyệt, có khi ký thêm tên mình bên cạnh cho có trách nhiệm. Điều ấy là bình thường. Nhưng với cụ Nguyễn Đức Vân, sau khi cân nhắc, tôi đã không ký thêm tên mình. Tôi tôn trọng cụ. Trong các bài dịch của cả hai cụ, tôi có thể có chỉnh sửa chút ít ở bài này bài khác, nhưng cũng không ghi thêm tên mình ở một bài nào cả. Thêm một minh chứng nữa cho thấy, việc gán cho tôi ý đồ xóa tên cụ đi để cho mình nổi danh là điều phi lý.

 

 

Hình chụp trang 648, Tập II Quyển Thượng

 

Ngẫm nghĩ lại, tôi có một cái lỗi rất nặng đối với hai cụ, đó là tôi đã không giữ lại được bản thảo chép tay của hai cụ (đúng hơn là bản do cụ Bình chép lại, có một phần nhỏ hình như chưa kịp chép, còn nguyên chữ cụ Vân) do anh Nguyễn Văn Hoàn trao cho trước mặt GS Viện trưởng vào cuối tháng 11-1968. Thời đó nhìn chung đều như vậy, máy photocopy còn rất lâu mới du nhập, chúng tôi lại trẻ người non dạ, bảo làm thì cắm đầu làm. Nhận cả tập giấy đen dày xong đem phân chia cho mọi thành viên trong nhóm, anh em cứ thế đem đi tra cứu, đối chiếu, viết thêm, gạch xóa vào chi chít, rồi về sau khi viết tinh lại (và viết đi viết lại nhiều lần) thì loại bỏ mất bản gốc. Cả nhóm tôi và nhóm anh Trần Nghĩa đều có chung tình trạng đó. Cầu mong hai cụ nơi suối vàng tha thứ cho những ấu trĩ không thể tránh của tất cả anh em chúng tôi.

 

Tôi nghĩ mình vẫn chưa nói hết, mà nói làm sao hết được, nhưng thế cũng tạm xong. Xin trình ông Boristo Nguyen cùng bạn đọc xa gần.

 

26-6-2018

 

N.H.C.

 

___________

 

 (1) Nhân đọc bài Thơ văn Lý - Trần – Nghĩ về “tư cách trí thức” (1) của GS. Nguyễn Huệ Chi trên tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh số 502. Đường link mạng của bài báo: http://tuanbaovannghetphcm.vn/tho-van-ly-tran-nghi-ve-tu-cach-tri-thuc-cua-gs-nguyen-hue-chi-so-502/

(2) Tôi có mượn một vài đoạn câu hoặc chữ ở 1-2 bài dịch của Trúc Thiên, là những cụm từ ngữ rất đắt, khó lòng thay thế cách dịch khác cho hay hơn.

(3)(4) Bài của Nguyễn Đình Chú trên talawas công bố năm 2008 (xin xem:  http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=14539&rb=0202), sau khi đã in Tập II Quyển Thượng (1989) mười chín năm. Tức là việc xóa bỏ tên Nguyễn Huệ Chi như một đồng dịch giả với cụ Nguyễn Đức Vân, là do chính tôi chủ động ngay từ lúc in Tập II Quyển Thượng Thơ văn Lý-Trần, chứ không phải như một sự sửa chữa sau khi bị GS Chú phê phán.

 


 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 26-6-18