Lược bày những sự thật
Thưa anh Trần Hữu Dũng,
Tôi cứ ngỡ sẽ không còn phải phiền đến trang mạng của anh để đăng những
chuyện xung quanh bộ sách Thơ văn
Lý-Trần mà Viện Văn học công bố cách đây trên dưới 40 năm, không ngờ
lại vẫn cứ phải phiền anh một lần nữa – hy vọng đây là lần cuối. Bởi hôm
nay mở máy tính, lướt xem các trang mạng, đến trang viet-studies thì gặp
bài của ông Kiều Mai Sơn ghi
lại lời ông Nguyễn Văn Hoàn – một đồng nghiệp của tôi thuở ở Viện
Văn học – trò chuyện với ông này về những điều liên quan đến cá nhân tôi
và bộ sách nói trên. Vì phát biểu của ông Hoàn trong chỗ riêng tư lại có
động đến nhân cách tôi, hơn nữa xét cách nói không phải ngẫu nhiên, tiện
thể thì nói, mà nói rất nghiêm túc, nên buộc tôi phải trả lời. Nhưng ông
Hoàn đã quá cố, không thể mời ông dậy đối thoại được nữa. Còn ông Kiều
Mai Sơn chỉ là người đưa chuyện, chẳng dây mơ rễ má gì với tôi. Vì thế,
hay hơn hết, tôi nghĩ, xin mượn anh làm một thính giả để tôi có đôi lời
phân giải (xin dùng chữ Anh ở
tất cả những chỗ phải nhắc đến anh), qua đó giúp công luận nhìn rõ hơn
vài điều về bản thân mình. Tôi cũng không muốn đem những chuyện tỉ mẩn
trong nhà mình ra kể, nhưng không dưng ông Hoàn lại đề cập, đành phải bỏ
thói quen lâu nay vẫn giữ, cũng là bất đắc dĩ, rất mong bạn đọc cảm
phiền.
1.
Theo tôi, những gì ông Nguyễn Văn Hoàn nói về việc biên soạn
Thơ văn Lý-Trần thì chẳng
đáng bàn thêm dài dòng. Ông ấy không trực tiếp bắt tay làm bộ sách nên
nhận xét sai lạc cũng là dễ hiểu, phản bác lại thực chẳng để làm gì.
Vậy, chỉ xin Anh cho tôi được
gói gọn trong hai điểm:
Thứ
nhất, ông Hoàn cho rằng phần
Khảo luận hơn 150 trang của tôi in ở đầu bộ sách “thì
những ý chính và chỉ đạo là Huệ Chi chịu khó nghe và ghi chép của cụ
Đặng Thai Mai với cụ Vân rồi viết thành bài”.
Nếu quả có điều đó chắc hẳn tôi rất mừng chứ không việc gì phải cãi, vì
chứng tỏ mình là người có duyên mới nhận được sự “truyền thừa” của hai
cụ. Khổ nỗi, cụ Mai tuy là một trong hai người chỉ đạo và duyệt bộ sách,
lại không hề giảng giải về thơ văn Lý-Trần cho chúng tôi một buổi, một
giờ nào cả, cả ở lớp Đại học Hán học cũng như ở trong Viện. Còn cụ Vân ở
tổ Hán Nôm thì tôi có biết, có được nghe cụ phát biểu một đôi lần khi
họp với nhóm biên soạn Truyện
Kiều, nhưng không từng giao thiệp. Năm 1965, toàn Viện đi sơ tán lên
Hà Bắc và mở lớp Đại học Hán học, riêng tôi tuy là sinh viên bắt buộc
của lớp nhưng lại được giao ở lại Hà Nội lo xong số
Tạp chí Văn học kỷ niệm 200
năm sinh Nguyễn Du ra mắt vào tháng 11 và viết bài “Tìm
hiểu thơ chữ Hán Nguyễn Du” trong số này. Lúc đã xong xuôi, lên tham
gia lớp học vào đầu năm 1966 thì nghe nói cụ đã về hưu, rời bỏ nơi sơ
tán của Viện về xuôi, và không còn một lần nào quay lại. Mãi đến tháng
11 năm 1968, thi xong kỳ thứ nhất khóa học 3 năm tôi mới được Viện
trưởng trao quyết định phụ trách Nhóm Lý-Trần, trước khi cả Viện chuyển
về Hà Nội. Sau đó, sang đầu 1969 Nhóm Lý-Trần mới thành lập. Hỏi từ đấy
tôi còn có cơ hội nào để tiếp xúc với cụ Vân mà xin chỉ giáo về những
“lý thuyết văn học Lý-Trần” do cụ đúc rút được, nếu có? Giá thử có đi
tìm cụ để hỏi thì cũng chỉ trong một vài buổi chứ đâu dám đến nhà các
con cụ ngày này tháng khác quấy rầy, hơn nữa lại chẳng phải là việc
chính thức tại Viện (ai bắt buộc được người già đến Viện khi họ đã về
hưu?) thì ông Hoàn làm sao nắm được? Nghe ông Hoàn khẳng định chắc nịch
tôi có hơi ngơ ngác, nhưng rồi nghĩ lại, do việc ai người ấy biết, ở
tuổi ông trí nhớ về người xung quanh cũng có thể không còn minh mẫn, nên
ông đã lầm lẫn mối quan hệ cộng tác nhiều năm giữa ông với cụ Vân trong
việc làm Truyện Kiều sang
chuyện tôi “thỉnh giáo cụ Vân” mất rồi!
Sang việc
thứ hai, ông Hoàn có ý mai
mỉa: “Còn
bộ “Thơ văn Lý Trần” thì nhiều người làm. Sau này ông Huệ Chi có hơi lạm
dụng công của mình ở trong đó”.
Tôi đồng ý với lời ông, xác nhận Tập I và Tập II Quyển Thượng
Thơ văn Lý-Trần là “do nhiều
người làm” (như tôi đã trả lời ông Boristo Nguyen, cùng một ý ấy). Nhưng
tôi lại tự hỏi: không biết ông Hoàn nói tôi “hơi lạm dụng công của mình
trong đó” là muốn ám chỉ cái gì đây. Vì dẫu phải quán xuyến rất nhiều
việc, tôi cũng chỉ ký tên dưới
các bài dịch của mình hệt như người khác,
đứng tên trong nhóm biên soạn
theo trật tự a, b, c hệt như người khác, và chỉ
ghi thêm trách nhiệm chủ biên
của mình ở dưới hàng tên nhóm biên soạn nữa thôi. Vậy có gì là “hơi
lạm dụng”? Thậm chí ở Tập I, sau khi đã duyệt xong đâu đấy thì cụ Đặng
Thai Mai có đưa cho đọc một bài “Mấy
điều tâm đắc về một thời đại văn học” do cụ viết. Chúng tôi đều thấy
bài viết ngắn gọn mà cô đúc nên xin phép cụ cho in vào đầu sách, đặt
trước phần Khảo luận của tôi.
Cụ rất thoải mái, tỏ ý bằng lòng. Nhưng bản thân tôi tự nghĩ, đã đưa bài
cụ làm lời đề dẫn mà còn để tên mình chủ biên thì thực không phải đạo.
Cho nên, trước khi chuyển sang nhà xuất bản tôi đã kịp xóa tên mình làm
chủ biên đi. Sau 3 năm in xong, khi nhận được sách, chính cụ Mai cũng có
ý thắc mắc, không hiểu vì sao, hay vì cụ mà tên chủ biên lại bị bỏ (cụ
có gọi điện hỏi tôi). Nếu ông Hoàn còn sống tôi sẽ khuyến cáo ông mở lại
Tập I xem điều tôi nói đúng hay không đúng. Phải chăng những nhận xét có
vẻ như bôi bác của ông Hoàn đối với tôi là do ông chủ quan không mở sách
ra ngó lại, để nhìn cho rõ những căn cứ xác thực phơi bày trên sách?
Bìa giả Tập I Thơ văn Lý-Trần,
1977
Các chuyện khác nữa cũng đều đại loại như trên. Cho nên, tôi hứa với
Anh sẽ không nói lại ở đây
những điều đã nói trong bài phúc đáp ông Boristo Nguyen. Nếu bạn đọc có
gì cần tra cứu xin mời tìm vào đường link sau là đủ:
http://www.viet-studies.net/NguyenHueChi_vs_Boristo.html
2.
Bước vào vấn đề chính – chuyện nhân cách cá nhân – xin được lần lượt
điểm qua từng việc ông Hoàn đưa ra làm ví dụ nhằm chỉ trích tôi là người
“quay quắt trong thời tiết chính trị hiện nay”. Tôi chỉ nêu lên với
Anh dưới hình thức một vài
câu hỏi trực tiếp hay gián tiếp, để
Anh thử đặt mình vào địa vị
ông Hoàn, xem nên trả lời tôi thế nào thì thỏa đáng. Thế thôi.
a.
Ông Hoàn cho biết: “có
1 bài, cậu
[HC] trả lời trên báo, cậu nói 1
cách tự hào là cả gia đình cậu không ai vào Đảng cả, không ai đảng viên
cả, và lấy điều không đảng viên là cái vinh quang trong thế giới tự do”.
Nếu ông Hoàn còn sống thì hư thực ra sao chuyện này sẽ rất dễ minh định,
vì chỉ cần hỏi ông bài báo tôi viết có tên gì, xuất xứ từ báo hoặc trang
mạng nào, là đủ “ba mặt một lời” rồi. Tiếc rằng ông Hoàn đã chết, và tôi
cũng đã dùng cụm từ ông nói đem tra “gu gồ” mà tuyệt nhiên không thấy.
Đành chỉ có thể thổ lộ với Anh,
tôi là anh cả trong một gia đình có 5 anh em, trong đó 3 em đều là đảng
viên (Nguyễn Du Chi ở Viện Mỹ thuật, Nguyễn Tộ Chi ở Sở Thủy lợi TP HCM,
Nguyễn Ái Chi ở Trường ĐH Thương mại HN). Ba người em ấy lại cũng là
những người có chút học thức, một người là Phó giáo sư nghiên cứu mỹ
thuật, hai người nữa là Kỹ sư, và cho đến nay một người đã mất, hai
người còn sống đã về hưu, nhưng chưa một ai đốt bỏ thẻ đảng. Nay xin anh
hãy bình tâm phán xét, là anh cả, tôi có thể không dưng liều lĩnh vứt
hết uy tín người anh cả của mình trước các em để nói dối với báo chí
rằng nhà tôi không có ai là đảng viên, để mà “tự hào” về một điều gì đó,
được hay không? Làm thế tôi không sợ các em khinh rẻ, không thèm nhìn
mặt mình nữa sao? Dẫu là người từng gặp không ít vấp váp trong trường
đời, riêng về phát ngôn không chỉ tôi mà cả mấy anh em chúng tôi vẫn
thường tự lấy làm răn về câu nói của Khổng Tử “Nhất
ngôn ký xuất tứ mã nan truy” –
Một lời đã nói ra, xe bốn ngựa đuổi theo không kịp
–
mà người bố dạy cho từ nhỏ.
b.
Cũng để làm rõ thêm “sự quay quắt chính trị” của tôi, ông Nguyễn Văn
Hoàn còn dẫn chứng, bố tôi – Nguyễn Đổng Chi – “không
phải là người không thèm vào Đảng” mà
“cũng
xin vào Đảng nhưng người ta không kết nạp, dù người ta vẫn trọng thị ông
là một trí thức làm việc nghiêm túc”.
Rất lạ lùng là chưa bao giờ và ở đâu tôi đã nói bố tôi “không thèm vào
đảng”. Nói thế sao được, bởi, thân phụ tôi vốn từ lâu lắm rồi đã là… một
đảng viên. Sau khi ông mất, trên báo chí đã có người viết về điều này.
Cụ thể là ông Nguyễn Chung Anh, một người hoạt động cùng thời với bố tôi
trước 1945, là tác giả cuốn Hát
ví Nghệ Tĩnh, sau này là Vụ trưởng Vụ đối ngoại Bộ Nội thương. Năm
1984 bố tôi qua đời, ông Nguyễn Chung Anh viết bài
Nguyễn Đổng Chi nhà văn, nhà khoa
học, đăng trên Tạp chí Văn
học, có đoạn chỉ rõ: sau hai tháng tham gia tự vệ Thủ đô trong những
ngày đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, “Trở
về lại khu IV, ông [Đổng Chi] sẵn sàng nhận bất kỳ công việc gì mà trên
giao phó, từ việc đi trồng trẩu tại nông trường Bà Triệu (Nghĩa Đàn),
đến công tác Chánh văn phòng Ban Kinh tài Liên khu ủy IV, cho đến Giám
đốc NXB Dân chủ mới Liên khu IV. Còn nhớ thời kỳ ở Nông trường Bà Triệu,
ông phụ trách thanh niên. Đêm đêm ông đã đi ngựa hàng chục cây số vào
các làng bản trong rừng dạy bình dân học vụ cho đồng bào Mường [… ] Ông
được kết nạp Đảng vào cuối năm 1947, cũng tại nơi rừng núi này(4)”.
Cũng nói thêm, sau thời gian làm Chánh văn phòng Ban Kinh tài Liên khu
ủy IV và Giám đốc NXB Dân chủ mới LK IV, cuộc đời bố tôi đã có một sự rẽ
ngoặt. Cùng với anh trai (Thứ trưởng Bộ Y tế) và em trai (Quản đốc Xưởng
giấy Đông Nam ở Hà Tĩnh) cả ba đều bảo nhau xin nghỉ công tác, trở về
quê vào năm 1953, khi biết tin bà Nguyễn Thị Năm bị tử hình trong Cải
cách ruộng đất ở Thái Nguyên. Rồi khoảng một năm sau khi về, gặp cuộc
CCRĐ đợt V ở quê nhà, ông lại bị quy thành phần địa chủ và khai trừ khỏi
đảng. Chính vì lẽ đó, khi bài viết của tác giả Nguyễn Chung Anh được
đăng lại trên nhiều sách và báo, như
Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam
in lần thứ 7 (1993), lần thứ 8 (1999), lần thứ 9 (2015), hay
Văn hóa Nghệ An (năm 2015 –
nhân 100 năm sinh Nguyễn Đổng Chi)…, để bạn đọc khỏi hiểu lầm, tôi đã
mạnh dạn thêm một dòng chú thích ở dưới trang có đoạn vừa trích dẫn: “Đến
năm 1954, trong phong trào Phát động giảm tô và CCRĐ đợt 5 ở Nghệ-Tĩnh,
vì gia đình bị quy là địa chủ, Nguyễn Đổng Chi bị đưa ra khỏi Đảng (chú
thích của con trai tác giả). Ở đây nữa, chỉ mong
Anh cân nhắc để hiểu cho cái
tâm của tôi là người con, không
thể nói sai sự thật khi đưa các thông tin về bố mình.
Kho
tàng truyện cổ tích VN, Tập I, in lần thứ 8, NXB GD, 1999; tr 28
Kho
tàng truyện cổ tích VN, Tập I, in lần thứ 8, NXB GD, 1999; tr 29
c.
Cũng để làm bằng chứng tôi là người “quay quắt trong thời tiết chính
trị”, ông Hoàn lại còn thông báo với KMS rằng chính tôi – Nguyễn Huệ Chi
– miệng nói không thèm vào đảng, mà kỳ thực “Chính
cậu đó muốn vào Đảng lắm. Cậu làm đơn xin vào Đảng. Ở Viện, Huệ Chi công
tác lâu năm, nó có tha thiết vào Đảng thì cũng chấp nhận, tổ Đảng đồng
ý. Hai người giới thiệu là bà Băng Thanh [tức PGS.TS Trần Thị Băng Thanh
– KMS] và tôi. Băng Thanh là người giới thiệu thứ hai, còn tôi làm việc
với Huệ Chi lâu thì tôi là người giới thiệu thứ nhất”.
Ông nói thêm: “Ra chi bộ nó bác
thẳng thừng: Tư cách như thế này chưa được. Hai người giới thiệu bọn tôi
phải đề nghị xin rút lui lần sau để bồi dưỡng thêm. Và lần sau không bao
giờ xảy ra nữa”. Lại một lần nữa tôi phải ngạc nhiên: ô hay, tôi đâu
có giấu chuyện mình từng hụt vào đảng (giấu cốt để chứng tỏ “mình không
thèm vào đảng”, hoặc “vinh quang
trong thế giới tự do”) như ông Hoàn bêu riếu? Sáu năm trước thời
điểm diễn ra cuộc trò chuyện
giữa NVH và KMS, tôi đã viết lại kỷ niệm “phấn đấu vào đảng” của chính
mình trong bài Những năm tháng
với Phong Lê – bạn tôi và là Viện trưởng Viện Văn học từ 1990 đến
1995 – in vào cuốn sách Phong Lê
& chúng tôi do người con gái của anh biên soạn, và cũng đã đăng trên
talawas ngày14-6-2008 rồi. Đoạn đó như sau: “Đến
chuyện vào Đảng cũng thế, mãi năm 1983 tôi mới được nhất trí kết nạp, từ
Chi bộ Viện Văn học đến Đảng ủy UBKHXH đều tán thành một trăm phần trăm.
Vậy nhưng khi đưa lên Thành ủy HN tôi bị bác vì có đơn khiếu nại. Thế
này thì đành là chịu, đến Phong Lê và Băng Thanh là bạn thân nhất cũng
vô kế khả thi. Nguyên nhân vì đâu? Một Ủy viên thường vụ Đảng ủy UBKHXH,
người viết những lời nhận xét nhiệt tình đối với tôi, sau đó có gọi điện
bảo riêng: “Anh nên xem lại mình xem, có thể là trong chuyên môn bướng
bỉnh quá cũng không nên”. Tôi
biết chứ, ngay trước đấy vừa xẩy ra vụ “Hý trường tùy bút” xôn xao cả
giới nghệ thuật. Trong cuộc hội thảo trang trọng về Đào Tấn ở Quy Nhơn,
một mình tôi dám cả gan phơi bày sự giả mạo của một văn bản mà Tỉnh ủy
Nghĩa Bình vẫn đinh ninh là “đặc sản vô giá” của đất Nghĩa Bình. Tôi
“không có tính đảng” trong cái tạng con người mình là đúng quá đi rồi”.
Sách Phong Lê & Chúng tôi,
NXB Hội Nhà văn, 2008; tr. 57
Thế đấy, điều ông Nguyễn Văn Hoàn nói tôi cố ý che đậy thì chính tôi đã
phơi bày ra trong sách và cả trên mạng. Tôi có sợ người khác nói mình là
người từng có nguyện vọng vào Đảng, và từng được xét kết nạp đảng đâu?
Chỉ có điều, giữa sự trình bày của ông Hoàn và của tôi có
một chỗ
chênh nhau. Trong khi ông
Hoàn nói: tổ đảng đưa ý kiến kết nạp tôi lên chi bộ “bị nó bác thẳng
thừng”, thì những gì tôi nắm được là danh sách kết nạp tôi đã lên đến
Thành ủy Hà Nội, rồi có thư gửi lên khiếu nại nên “đành dừng ở đấy”. Hai
người là Bí thư chi bộ Bùi Công Hùng và Thường trực Đảng ủy Phạm Duy
Hiển bấy giờ có trực tiếp gặp tôi báo tin, đưa cho xem nghị quyết kết
nạp của Chi bộ Viện và lời phê chuẩn của Đảng ủy UBKHXH, để
nếu thấy những khiếu nại về mình
không thỏa đáng thì tôi có quyền viết thư đến Thành ủy trình bày lại,
nhưng tôi đã khước từ. Gần đây, tôi cũng có hỏi lại PGS Trần Thị Băng
Thanh, người giới thiệu thứ hai và là tổ trưởng đảng thuở đó, hiện đang
minh mẫn. Chị ấy hồi đáp rằng thông tin của tôi đúng. Chị còn nói thêm:
“Nghị quyết của Chi bộ đã gửi lên trên”; “Chắc anh Hoàn quên, nhưng anh
Hoàn là người giới thiệu thứ nhất kia mà”. Tôi cũng không rõ vì sao ông
Hoàn lại quên, song hẳn Anh
cũng thấy, ở trường hợp này, sai một ly đi một dặm.
3.
Trước khi đi vào phần kết, xin được chốt lại một lần nữa những nhận xét
cụ thể của ông Nguyễn Văn Hoàn về tôi. Nguyên văn ông ấy quy kết cho tôi
là “quay quắt trong thời tiết
chính trị hiện nay”. Thì ra ông bảo tôi “quay quắt”, vì cho rằng tôi
đã thay đổi quan điểm nhìn nhận các vấn đề học thuật cũng như xã hội
hiện thời, xét theo lăng kính của ông. Ông Hoàn trao đổi với KMS vào
ngày 20-4-2014. Tôi tự suy ngẫm: Từ sau “đổi mới” cho đến thời điểm
2014, tôi đã làm những việc gì khiến ông Hoàn phải nặng lời và buộc tôi
vào một thái độ chính trị mà với ông là không đứng đắn? Không khó để tôi
tìm ra câu trả lời. Có 6 việc tôi đã làm cho đến 2014, gây nên những
chấn động, dù lớn dù nhỏ, đù dở dù hay.
1. Đó là việc tôi đề
xuất Hội thảo “Đổi mới nhận thức và phương pháp trong khoa học lịch sử
và trong nghiên cứu văn học” cho toàn Viện vào đầu những năm 90;
2. Đó cũng là việc tôi đề
xuất tiếp Hội thảo nhân 75 năm
Nam phong tạp chí năm 1992;
3. Là bài báo tôi viết “Vài cảm nhận về văn học hải ngoại” đăng
Tạp chí văn học số 2-1994;
4. Là tham gia kiến nghị
dừng thiêu hủy tập Trần Dần Thơ
gửi lên Bộ Thông tin Truyền thông và lên Quốc hội năm 2008 mà tôi là một
trong 7 người khởi xướng; 5.
Là hàng loạt kiến nghị do tôi và hai người nữa – nhà giáo Phạm Toàn và
GS Nguyễn Thế Hùng – đề xuất, soạn thảo và trực tiếp gửi đi trong các
năm 2009-2010, đòi hỏi Chính phủ và Quốc hội dừng ngay việc mời Trung
Quốc sang khai thác bauxite ở Tây Nguyên;
6. Là những cuộc xuống đường
chống Trung Quốc xâm chiếm biển đảo Việt Nam, diễn ra rầm rộ trong nhiều
năm mà tôi đã cùng nhiều trí thức và quần chúng tham gia tại Hồ Gươm
cũng như tại vườn hoa Lê-nin trước Sứ quán Trung Quốc, từ 2011 đến 2013.
Ông Hoàn chỉ trích tôi không phải vì tôi thay đổi (đổi mới mà khư khư
cách nghĩ cũ liệu có được không?), mà ông thừa biết, ngay từ đầu chỗ
đứng của ông và tôi đã đối lập nhau trong những sự kiện trên đây. Tôi
tôn trọng ông, chưa từng hạ một lời phẩm bình hay chê trách gì ông. Về
phía tôi, tự xem đi xét lại cũng không thấy có gì sai khi quyết tâm thực
hiện các việc mình đã nung nấu và lựa chọn. Còn hơn thế, với thời gian,
tôi ngày càng nghiệm ra con
đường mình theo đuổi từ bấy đến nay trong tư cách một trí thức độc lập,
là đúng đắn. Cuộc hội thảo
đổi mới phương pháp nghiên cứu năm 1990 gây được tiếng vang trong giới
khoa học xã hội, ngay đến Chủ nhiệm và Phó chủ nhiệm UBKHXH cũng đều về
dự, tuy tôi lên tiếng phê phán nặng nề “chủ nghĩa công lợi” làm chính
trị hóa đến trì trệ các ngành khoa học lịch sử, nhưng không một ai trong
cuộc phản bác, mà trái lại, còn có những bài viết kế tiếp hưởng ứng, tán
đồng. Mặc dù bài báo “Vài cảm nhận về văn học hải ngoại” của tôi sau khi
in ra trong đầu năm 1994 có bị cấp trên “đánh động”, và Tòa soạn
Tạp chí văn học phải theo
lệnh gửi 30 số có đăng bài ấy lên cho các vị quan chức Ủy viên trung
ương chuyên trách xem lại, tôi vẫn đinh ninh con đường giao lưu, hòa hợp
giữa các nhà văn trong ngoài nước là một xu thế phát triển hợp lý hợp
tình; nếu được thực hiện trên một tinh thần cởi mở, thiện chí, chắc hẳn
nó chỉ có lợi cho việc nâng cao sức mạnh dân tộc. Việc phản kháng thiêu
hủy tập thơ Trần Dần năm 2008 cũng đã buộc Bộ TTTT năm ấy phải rút bỏ
lệnh chỉ phản văn hóa của chính quyền, đánh dấu thắng lợi đầu tiên của
tiếng nói dân sự hướng tới một thái độ hành xử nhân văn hơn cho người
cầm quyền hiện hành. Còn phong trào kiến nghị dừng khai thác bauxite ở
Tây Nguyên thì đã thu hút được sự đồng tình của hàng chục nghìn người ký
tên, trong đó có không ít những trí thức tên tuổi từng suốt một đời đi
theo Đảng. Hiện trạng thua lỗ trầm trọng và phá hoại môi trường, phá
hoại an ninh, phá hoại nền văn hóa độc đáo của các cộng đồng thiểu số cư
ngụ lâu đời trên “mái nhà Đông Dương”, do khai thác bauxite bằng mọi giá
ở Tân Rai và Nhân Cơ gây ra, đã được các nhà khoa học hàng đầu, thông
qua báo chí nhà nước phản ánh tường tận, như những lời cảnh báo rất
nghiêm, đồng thời đánh dấu một nỗi bức xúc chỉ ngày càng dâng cao chứ
không thuyên giảm. Tất cả, đều cho thấy sự xác đáng trong chủ kiến và
hành động của tôi.
Tôi tôn trọng lập trường đối nghịch của ông Nguyễn Văn Hoàn còn với một
tinh thần cởi mở, đàng hoàng, trong khu xử với nhau. Xin dẫn ra một việc
có thể làm chứng cho sự trước sau như một cái tinh thần đó của mình. Năm
1992, tôi nẩy ra sáng kiến tổ chức cuộc hội thảo khoa học nhân 75 năm
ngày ra đời tạp chí Nam phong
do Phạm Quỳnh làm Chủ bút (1917-1992). Hơn hai năm trước, một thế hệ
lãnh đạo mới của Viện Văn học lần đầu tiên đã được bầu lên bằng phiếu
kín (trở về trước đều là chỉ định từ trên xuống và cũng rất tiếc đến các
khóa sau việc bầu cử đúng nghĩa lại bị bỏ) – tôi được giữ chức danh Chủ
tịch HĐKH Viện cũng là kết quả của phiếu bầu. Tôi đề xuất tổ chức hội
thảo Nam phong là đứng trên
cương vị này, được cả Viện trưởng, Viện phó và HĐKH Viện nhất trí tán
thành. Tôi không thấy ai trong Viện phản đối, ngoại trừ ông Hoàn đáng lo
hơn cả, bởi ông vẫn giữ quan điểm “Quỳnh Vĩnh đều là tội nhân của lịch
sử”. Nhưng tại các cuộc sinh hoạt ở Ban và Viện, ngay khi tôi trực tiếp
gặp hai ông bà để trình bày định hướng và chương trình hội thảo, dù vẫn
phê phán Phạm Quỳnh gay gắt, ông không hề bày tỏ một ý kiến nào ngãng
ra, nên tôi rất yên tâm. Cá nhân tôi chỉ nghĩ, tạo điều kiện cho học giả
các trường đại học và các nơi đến trao đổi thật khách quan, về các mặt
“công” và “tội” của một nhà văn hóa nổi tiếng như Phạm Quỳnh, nhất là từ
góc độ học thuật vượt lên khỏi góc nhìn chính trị, là việc mà một trung
tâm khoa học như Viện Văn học rất nên làm. Lời đề dẫn của tôi trước sau
không chệch ra ngoài phương hướng do tôi và HĐKH thống nhất. Cả trong và
ngoài Viện đều hưởng ứng viết bài rất đông. Vậy mà, bất ngờ đêm trước
ngày hội thảo, có điện thoại từ cấp trên gọi xuống yêu cầu stop. Cuộc
hội thảo vì thế đành phải bỏ dở.
Ai đúng ai sai? Tôi tin rằng công luận trong ngoài Viện đã, đang và sẽ
còn phán xử. Chỉ muốn qua Anh
gửi đến bạn đọc một lời tâm sự cuối cùng: rằng ngay trong những công
việc chuyên môn có sự khác biệt không thể nhân nhượng về quan điểm, chưa
bao giờ tôi làm một việc gì không phải với ông Nguyễn Văn Hoàn.
Xin cảm ơn Anh và quý bạn
đọc.
Nguyễn Huệ Chi
|