SỐNG QUA NHỮNG BIỆT THỰ PHÁP CỔ
“Một thoáng hồi ức“
Không phải con nhà giàu. Cũng không phải
được ở những loại biệt thự “khủng" như cái Phương Nam giá tới 35
triệu đô ở ngã ba Võ Văn Tần - Bà
Huyện Thanh Quan - Nguyễn Thị Diệu.
Sài Gòn dạo nào dư luận nín thở theo dõi xem ai mua. Rộng 3000
mét vuông giữa Quận 3. Sánh
ngang Nhà hát Lớn và mỗi khi sơn cửa thôi cũng mất.. 2 tỷ.
Đủ thứ lời đồn bí hiểm, nào là có tới 7 chủ sở hữu thì 6 đang ở ngoại
quốc và đồn, chủ thực sự là
một doanh nhân chỉ mới 8X.
Mà tôi sống qua - góp phần lớn lên - trong khá nhiều biệt thự cổ Pháp
giản dị hơn. Loại mà ta có thể thấy nhiều ở Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn,
Đà Lạt….Cả cha và mẹ tôi đều là những trí thức do Pháp đào tạo, nói giỏi
tiếng Tây, (nay đều đã mất từ
lâu). Cha là y tá và sau tham gia kháng chiến, trở thành Đại tá bộ
đội, Phó tư lệnh sư 350. Thời kỳ làm Thành đội trưởng, đã là chỉ huy
trưởng Phòng không cùng quân dân Hải Phòng đánh nhau với máy bay Mỹ ném
bom và gỡ mìn Mỹ thả phong tỏa
bến Cảng.
Mẹ là nhà giáo. Và theo chồng đi kháng chiến, dù có nhiều
chú bác làm quan thời Pháp. Có một cái lý lịch “bị ảnh hưởng”
vì , khi Pháp rút, bà con họ hàng lũ lượt “Đi Nam năm 1954 và lại
lũ lượt đi Mỹ năm 1975“.
Mẹ tôi đau yếu nên được phép rời Vùng tự do Thanh Hóa, đem
đàn con về Thành chữa bệnh. Đêm đầu tiên tôi là đứa trẻ được ngủ
yên không chạy máy bay, là trong ngôi biệt thự Pháp, nhà của người ông -
chú ruột của mẹ - đang là Tỉnh trưởng Hải phòng.
Lần đầu ngủ trong biệt thự, nằm sàn đá hoa mát rượi, lần đầu nằm dưới
quạt trần, tôi đã khóc thét trong đêm vì sợ các tấm rèm bị gió lay động,
tưởng là “Tây đến“. Ngôi nhà đó ở phồ Cầu đất, sau này nhiều lần tôi đi
qua, không biết ai đến ở trong đó. Bức tường vôi vàng tàn tạ theo năm
tháng, theo thời chiến tranh. Nó nằm cạnh đường tàu hỏa, có barie chắn
mỗi khi tàu chạy qua. Chắc khói tàu, tiếng động ầm ầm và đám người đông
đúc dừng lại nơi barie đã góp phần làm nó cũ đi nhanh. Như lùn đi trong
khói bụi.
Biệt thự thứ hai tôi ở là nhà 37 Quang Trung Hà Nội. Mẹ tôi
vừa dẫn cả đàn con chạy trốn bằng thuyền lênh đênh đón ở Hòn Gai,
để ra quê bà ngoại ở đảo Vân Đồn - Vịnh Hạ Long -
sợ mình đang dạy học, là công
chức của Pháp thì phải vào Nam năm 1954. Phải ở lại để chờ tin bố tôi
ngoài kháng chiến, chắc Hòa bình sẽ về gặp lại đoàn tụ gia đình sau bao
năm biệt tin. Sẽ đón bố về cùng đoàn bộ đội
“Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về….Trùng trùng quân đi như
sóng…(Văn Cao).
(Tôi thường hãnh diện khoe bạn bè có quê xịn: Ngoại Vịnh Hạ Long, nội
làng cổ Sơn Tây, đồng hương với “tên tuổi thứ dữ” như Nguyễn Cao Kỳ,
Nguyễn Ngọc Ngạn, Trần Tiến, Phạm Duy…)
Mẹ tôi ở nhờ nhà người bạn gái, cũng nhà giáo thời Pháp, cùng “Tây học “
với nhau. Biệt thự này bây giờ đi qua vẫn còn nhô lên giữa những gì lúp
xúp xung quanh. Nó vẫn dáng vẻ thanh cao khác biệt, dù đã “về già “ cũng
vôi vàng và nhiều ô cửa. Dạo nọ nó còn là
lớp học hoặc đại loại công sở gì đó. Dạo tôi ở, Nhà chính có
phòng rộng, lò sưởi, có sân vườn và dãy nhà ngang – được gọi là nhà Bồi,
cho lái xe, người nấu bếp ở.
Ngôi nhà mát rượi, không phòng nào đi qua phòng nào bởi hành lang rộng.
Ngủ ở tầng 2. Mái có cả ống khói thấp, trẻ con dễ tưởng ngôi nhà của con
thỏ trong rừng ở chuyện cổ tích. Các cửa mở rộng với hàng hiên.
Trẻ con có thể chơi búp bê ở các chỗ khuất bên bậc thang rộng ra vườn
dưới bóng cây xanh…
Nhưng đó là 1954. Pháp rút. Có một khoảng ít giờ chờ đợi khi đoàn quân ở
Cửa ô chưa vào, ban đêm trộm cướp nổi lên. Người hàng phố hẹn nhau, nếu
có động, tất cả mọi nhà đều gõ thật to bất cứ thứ gì có trong nhà, mâm,
thau, thùng chậu, gây tiếng động đuổi cướp. Thật là kinh hoàng.
Nhưng sáng hôm sau, bây giờ biết là 10-10 – mẹ cho chúng tôi mặc đẹp, ra
Bờ Hồ, ra phố, đón bộ đội về. Có bức hình và cả thước phim tiêu biểu bây
giờ thỉnh thoảng phát lại trên Tivi, bộ đội mũ bọc vải dù, tiến vào phố
đã rợp sắc cờ đỏ sao vàng. Bố tôi đâu,
trong đoàn quân đó? Trùng trùng quân đi như sóng… Và người Hà Nội
ùa ra tặng hoa. Ứa nước mắt. Anh bộ đội của Tình yêu ngày xưa …các anh
đi ngày ấy đã lâu rồi… Xóm làng tôi còn nhớ mãi… (Bộ đội về làng
- Hoàng Trung Thông - Lê Yên ). Một thời tốt đẹp, đầy thương mến. Chưa
ai nghĩ sẽ còn có sự ác liệt, B52 bỏ bom xuống phố sau này. Hy vọng cuộc
đời Hòa bình tươi sáng.
Đổi đời rồi. Một chuyện nhỏ bật cười: Sáng sau, người người hớn hở. Bà
giáo chủ nhà, phong cách Hà Nội xưa, phòng khách luôn có hoa tươi, sáng
nào cũng trang điểm kỹ, ra cổng, thói quen gọi xích lô:”Xe!”
như mọi bữa. Nhưng hôm nay anh xích lô được giải phóng, quát lại
“Bà nhà giàu: Bà gọi tôi hay gọi cái xe?” Rồi không thèm đỗ lại, cứ thế
phóng tới.
Rồi bố tôi nhận nhiệm vụ Tiếp quản Hải phòng. Đó là lý do
tôi lại sống ở biệt thự Pháp, gần ngôi biệt thự của ông tôi ngày
xưa.
Không rõ chủ, vì đã bỏ đi Nam. Nhà do nhà nước quản lý, mọi người đến
thuê. Đó là biệt thự phố Cát dài, có 3 tầng. Có vườn cây, dãy nhà Bồi
phía sau. Ban đầu mới chỉ có mấy gia đình, ở rộng thênh thang, phía lầu
3 còn bỏ trống nên Ban nhạc Bồ câu Trắng thường lên đó tập hát, bọn con
nít xúm xít nghe. Sau này ở căn gác 3 đó, nhiều người đến ở, có cả một
anh quê miền Nam đem gia đình đến
thuê. Đứa con trai anh nghịch ngợm kinh khủng. Nó hầu như
rất ít khi đi xuống theo bậc cầu thang rất dốc, mà trèo lên lan
can trượt xuống cái vèo. Nó lớn lên vẫn ngỗ nghịch leo trèo. Một hôm,
ngã từ tầng 3 xuống. Nghe cái bịch, mọi người hết hồn thấy nó rơi, làm
đứt cả giây điện. Ai cũng tưởng chết, thì nó…lồm cồm bò dậy, phủi đít…đi
thẳng. Hết hồn vía, có người thở phào trút nỗi sợ, bảo “Đúng là
thắng…giời đánh không chết“. Sau này nó cũng thành …anh bộ đội, đi Nam.
Có cả một gia đình Hoa kiều sau đến ở. Nghèo lắm, nhưng ai cho đồ thừa
không lấy. Sau chiến tranh
1979, “Nạn kiều “ cả nhà họ ra đi, không về nước mà định cư ở Canada. Có
viết thư về, nhưng hàng xóm lúc đó “sợ liên lụy với …địch (?)“ nên chẳng
ai trả lời và mất liên lạc từ đó.
Bao chuyện vui buồn ở ngôi nhà ấy. Người ở đông, xây cất đến nỗi không
còn nhận ra hình dáng cũ của nó nữa. Cây cối đã chặt sạch. Nhà vệ sinh
mới khủng khiếp. Vì xưa chỉ một chủ nên có một khu vệ sinh. Mà chưa có
bồn cầu như bây giờ. Nhà xí đổ thùng. Đêm đêm những phụ nữ bịt mặt, áo
quần đen, đầu bịt kín, tay cầm ngọn đèn, gánh trên vai đôi quang đi đổ
thùng, mùi xú uế kinh khủng đến nỗi tưởng họ như những…bóng ma, tụi trẻ
con không dám thức khuya ra phố, sợ gặp…những bóng ma đó. Khi sống đông
hộ gia đình, nhà vệ sinh trở thành…nỗi kinh hoàng. Thế nên, có lẽ sự Đổi
mới nó giải phóng đầu tiên ở đô thị, có phải là
…cái Toilet.?
Với Phố Cổ Hà Nội cũng thế. Tôi nhớ có chị bạn đồng nghiệp sống ở
đó. sau này, khi ghé qua thăm, xuýt xoa khen “được ở phố Cổ” ,
sống trên đất vàng, thì chị bèn nổi giận “Phố Cổ, Phố Khổ, phố bẩn đó “. ***
Theo số liệu thống kê (vênh nhau từng thời kỳ): Hà Nội có 1253 biệt thự
Pháp cổ xây dựng trước năm 1954. Của gia đình quan chức Pháp sang.
Các kiến trúc khác nhau, kiểu
miền Bắc Normandie mái dốc vì nhiều tuyết rơi,miền Trung Pháp nhà có
diềm gỗ cửa sổ, miền nam Pháp ống khói thấp, xây dựng những năm 70 Thế
kỷ 19.
Ta thường nghe, luôn luôn xuất hiện những “tiếng kêu“
từ những tít báo. Kiểu như “Cỏ bao phủ biệt thự Pháp 100 tuổi ở
Sài Gòn“ “Rà soát vụ bán lầu Bảo Đại ở Nha Trang.” “Hà Nội sai phạm
nghiêm trọng trong quản lý biệt thự cổ “ “Biệt thự Đà Lạt kêu cứu“ “Biệt
thự cổ biến mất quá nhanh ở TP Hồ Chí Minh“ “Diễn viên Chiều Xuân ở nhà
cổ kêu cứu“ “Sống khổ trong biệt thự triệu đô“ “Biệt thự cổ phố Trần
Hưng Đạo sập một năm vẫn chưa biết nguyên nhân" “Sống biệt thự cổ triệu
đô Trung tâm Sài Gòn khổ hơn ở nhà trọ “….Còn nhiều lắm kể không hết.
Chuyện biệt thự cũng lắm cái hay, cái lạ nữa. Có dạo ở Mỹ
“Chưa ai dám mua biệt thự cổ giá…10 đô “, biệt thự trăm tuổi rộng
370 mét vuông của ông chủ là đặc vụ Mỹ gốc Phi. Vì nó nằm trong dự án
mới, ở New Jersey , không nỡ phá nó, ai mua phải…di dời nó ra xa đó 400
mét. Dù báo Daily Mail cho biết, địa phương sẽ hỗ trợ thêm 10 ngàn.
Chuyện ấy giờ ra sao không rõ.
Cũng có chuyện biệt thự “vô tình mà biết“ như
một lần tôi tới phỏng vấn cụ bà Trịnh Văn Bô (Hoàng Thị Minh Hồ
). Cụ kể câu chuyện nguồn gốc những căn nhà của gia đình cụ tại Hà Nội,
chuyện hiến 5000 lượng vàng cho Chính phủ mới Độc lập còn non yếu,
chuyện kinh doanh và vui chuyện, kể cả lúc phải “nhảy dù ở đại“ vào
chính ngôi nhà của mình ra sao. Các con cụ dắt ra xem ngôi nhà, vườn
rộng lá cây rụng đầy. Biệt thự này đẹp đến nỗi dạo Đại tướng Võ Nguyên
Giáp từ trần, phóng viên nước ngoài đến viết bài tường thuật tang lễ,
cũng phải viết thêm một bài về ngôi nhà đẹp lạ lùng
bên cạnh đó, là nhà cụ Bô đang ở.
Lúc ra về, bước ra cổng, tôi chợt nhớ năm nào khi tôi còn là cô sinh
viên, đã từng đi với nhà thơ Phạm Tiến Duật , đến ngang cổng ngôi nhà
này thì báo động, đèn phố vụt tắt. Anh Duật cứ dắt xe đạp, tôi đi bộ bên
cạnh. Chúng tôi không xuống hầm, cứ đi, vì anh Duật đang đọc dở
cho nghe bài thơ “Lửa đèn “….Rồi trong những
căn nhà khác, do công việc nghề
nghiệp, tôi may mắn trực tiếp nghe Hồ Dzếnh, Hoàng Cầm
kể
đời văn chương, nghe chính nhạc sỹ
Hoàng Giác hát cho…”Tung cánh
chim tìm về tổ ấm…" bản Ngày về, nghe nhạc sỹ mù Văn Vượng chơi ghi ta
thần thánh …”Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây…..”
Bây giờ Hà Nội và Sài Gòn đều vụt khác do xây dựng và phát triển đô thị.
Nhiều vẻ đẹp mới hiện đại, nhà cao tầng hoành tráng. Biệt thự không còn
dám mơ ước. Nó thật sự là
đồ cổ rồi, của hiếm và đắt, “dân mới“ không giàu thì đừng mơ. Những làng
biệt thự mới xây, nhiều kiểu, dạo “củ tỏi “như nhà vua chúa lâu đài Ả
rập qua rồi. Người đông như kiến, ô nhiễm khói bụi, khí trời cũng khác.
Một anh bạn đi lâu
sống Sài Gòn
kể, có việc vừa
ra Hà Nội nghe bạn bè thông báo
lạnh lắm“; Mình chuẩn bị
đồ, bê một đống áo rét khăn quàng…nào ngờ 12 độ chỉ một áo khoác là đủ,…
khinh bỉ sâu sắc sương gió. mát
lạnh như Thu,”…
Tôi nhớ một mùa Đông Hà Nội, có việc
từ Sài Gòn ra phỏng vấn, được hẹn ở café phố cổ. Hớt hải bước
vào, nhân vật chưa đến. Giật mình thấy bàn bên, các cụ hưu, vẻ thanh
lịch, diện áo da ngoại, đội bere len, trước ly café bốc khói, đang im
lặng ngắm phố cổ trong rét mướt. Họ có hơi giật mình thấy tôi bước vào,
đem theo tý gió lạnh, và hớt hải lo âu, chả hợp gì văn cảnh. Tôi chợt
thấy mình lạc lõng, suốt đời như phải chờ một ai đó, phải làm vừa lòng
một ai đó để xin thông tin. Suốt đời vội vã.
Bao cuộc đời đã đi qua trên các Thành phố, trong các ngôi nhà. Nghe nói
ở Nhật, các làng ngay gần Tokyo thôi cũng có nhiều nhà bỏ hoang. Vì con
cái đi xa, lên Thành phố lớn, cha mẹ già, mất, bỏ không người ở. Trong
các cao ốc đô thị, cũng ở Nhật có cả ngàn trường hợp người già sống một
mình không ai biết. Văn minh cũng có bệnh riêng của nó. Có người còn
nói,” Hà Nội, và nay đến cả Sài Gòn sắp là nơi…không sống được nữa rồi“?
Nhà cao tầng vây bọc…
Nhưng đám trẻ tự tin, thích chung cư cao cấp sạch sẽ, an ninh, không
phải hầu cái nhà nhiều. Trong khi người lớn than “…Người nông dân xếp
võng lên nằm nệm chung cư - Loay hoay khóa chùm, đọc ngổn ngang quy
định….Ra cửa sổ nôn nao thấy chân trời giông chuyển. Thèm tiếng mưa rơi
trên lá chuối vỗ về…” (Huỳnh Dũng Nhân ). Già rồi, quê nhà xa rồi. Nhìn
mây vần vũ qua cửa sổ chung cư bỗng hỏi thầm:”Bố mẹ ơi, giờ này bố mẹ ở
đâu ?...”
Nhớ Hà Nội, nhớ các đô thị đã sống qua, nói cảnh vật, nhưng là người nhớ
người đó thôi. “Tôi xa Hà
Nội năm tôi 18 , khi vừa biết yêu….” Bài hát ấy được cài đặt nhạc trong
xe ô tô cứ vang lên ngay ngã tư Sài Gòn đang chờ kẹt xe. Còn tôi nhớ Hồ
Gươm chẳng hạn, thì lại mỉm cười nghĩ:”Không biết bây giờ cho…tát cạn
vét lòng hồ, liệu có còn thấy…khẩu súng ngắn mà cậu tôi ném xuống? Cậu
hoạt động nội thành từ thời Pháp, bị vây
soát, bí quá đã lẳng lặng tuồn
xuống hồ khẩu súng giấu trong người….
Sống ở Sài Gòn mấy chục năm, nhớ Hồ Gươm là nhớ, mình còn giữ bức tranh
“Sĩ Vương câu cá“. Cha tôi vẽ nó khi 15 tuổi, vẽ tranh
bên Bờ Hồ bán lấy tiền ăn học. Một ông Tây đi qua đứng lại xem và
mua nó. Chú bé mừng rỡ vì bán được số tiền lúc ấy to lắm, nghe nói mua
được cả vài tạ thóc.
Rồi chiến tranh chấm dứt
mấy chục năm, đất nước thống nhất, họ hàng xum họp. Một người bà con
sống ờ Sài Gòn cho biết bức tranh ấy được Pháp in trong một cuốn khảo
cứu về Đông Dương. Chắc ông Tây là một nhà nghiên cứu văn hóa.
Nếu không có chiến tranh, chắc cha tôi không là anh bộ đội, mà là một
họa sỹ?
Các biệt thự, ngôi nhà Hà Nội, Sài
Gòn, Đà Lạt… bao người ở đó đã đi đâu, xa mãi xứ nào? Chỉ có những ngôi
nhà, gốc cây, đường phố ghi
dấu được bao chuyện đời buồn
vui…
Nhưng mà chúng câm lặng không
bao giờ biết kể….
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI.
|